Đất Vỡ Hoang

Chương 14

Tháng Hai…

Cái rét làm cho đất cũng co quắp lại. Mặt trời mọc lên trên nền mầu trắng chói chang của băng tuyết. Những chỗ nào gió xua bay hết tuyết thì ban đêm đất nẻ kêu răng rắc. Gò đống mồ mả ngoài thảo nguyên nứt ra những đường ngoằn ngoèo như những trái dưa bở chín mõm. Đằng sau làng, quanh các đám ruộng cày thu, cánh đồng phủ tuyết chói chang nhức mắt. Hàng dương hai bên bờ sông long lanh vảy bạc. Từ ống khói các nhà dựng lên những cột khói màu da cam, như những thân cây mọc thẳng. Trong các nhà đập lúa, giá rét làm cho rơm rạ bốc lên thoang thoảng mùi hương của tháng Tám trong xanh, cái hơi thở nóng hổi của gió hanh, cái hương vị của trời hè…

Trong các chuồng trại lạnh buốt, bò đực và bò cái cứ tha thẩn suốt đêm. Đến sáng thì các máng không còn sót lấy một ngọn cỏ. Cừu con và dê con lứa đẻ mùa đông thì không để trong chuồng. Đêm đêm các bà mắt nhắm mắt mở bế chúng ra bú mẹ, rồi lại đùm vào vạt váy ôm trở vào trong nhà ấm hơi than. Và sự có mặt của các chú dê cõn, những chú cừu non với bộ lông măng quăn tít làm cho căn nhà thơm ngát hơi băng giá, mùi cỏ khô băm nhỏ và mùi sữa dê dìu dịu. Dưới lớp vỏ cứng bên ngoài, tuyết bên trong xôm xốp, sào sạo như hạt muối. Đêm khuya u tịch quá, khiến cho bầu trời giá lạnh với hằng hà sa số những ngôi sao lung linh nom heo hút dường như sự sống đã rời bỏ thế gian. Một con sói đi qua cánh đồng tuyết xanh lam. Nó bước không để lại lốt chân trên tuyết đã đóng băng, và ở những chỗ móng nó cào vỡ mặt băng cũng chỉ còn lại những vết xước lấp lánh ánh ngọc.

Ban đêm, nếu như có một ả ngựa cái nào nhức đôi vú sữa đen mượt như xa tanh có hí khẽ lên một tiếng, thì tiếng hí của nó vang xa, nghe thấy cách hàng bao nhiêu dặm.

Tháng Hai…

Buổi trước hoàng hôn xanh lam, u tịch.

Giải Ngân hà mênh mông hoang vắng nhạt dần.

Những ô cửa sổ đen ngòm của các nhà bừng lên ánh lửa đỏ rực, ánh lửa các bếp lò đang nhóm.

Trên sông, một chiếc cuốc chim đang gõ chan chát xuống mặt băng. Tháng Hai…

*

Trời chưa sáng, Iakốp Lukits đã khua con trai và cánh đàn bà trong nhà dậy. Họ nhóm lò. Xêmiôn, con trai Iakốp Lukits, đem dao ra mài. Tên quan ba Pôlốptxép cuốn cẩn thận đôi xà cạp xung quanh đôi bít tất len, đi giày lót nỉ vào. Hai bố con cùng với Pôlốptxép đi xuống chuồng cừu. Nhà Iakốp Lukits có 17 con cừu và 2 con dê. Xêmiôn biết rõ trong đàn con nào sắp đẻ, con nào đã có con. Nó cứ bắt mò, chẳng cần đèn, loại riêng ra cừu thiến, cừu đực, cừu cái, đẩy vào trong gian chuồng ấm sực. Pôlốptxép kéo cái mũ lông trắng sụp xuống trán, túm lấy chiếc sừng lạnh ngắt có khía của một con cừu thiến, vật nó xuống đất, đè cả người lên con vật nằm sóng soài, kéo ngửa nó ra, lấy dao cắt tiết. Máu đen tuôn ra ồng ộc.

Iakốp Lukits là người làm ăn căn cơ. Lão không muốn thịt cừu của lão được bày trên bàn ăn của công nhân một xí nghiệp, hoặc bàn ăn của một đơn vị Hồng quân nào đó. – Họ là những người Xôviết. Thế mà chính quyền Xôviết thì trong mười năm qua đã ức hiếp Iakốp Lukits, bóp nặn thuế má, không để cho lão mau chóng được làm giàu, mở mày mở mặt. Chính quyền Xôviết và Iakốp Lukits là hai kẻ thù, không đội trời chung được. Như một đứa bé muốn bắt lấy ngọn lửa, Iakốp Lukits suốt một đời cứ khao khát giàu sang. Trước cách mạng, lão đã bắt đầu khá giả, đã tính chuyện cho thằng con vào học trường võ bị Nôvôtsetrkaxkơ, chuyện sắm một chiếc máy sản xuất bơ – lão đã dành dụm đủ tiền rồi, chuyện mướn lấy ba người làm công. Hồi ấy, đôi lúc nghĩ đến cảnh thần tiên mà cuộc sống đang hứa hẹn cho lão, lòng lão lại đê mê vui sướng. Lão cũng tính chuyện mở một tiệm buôn nhỏ xong sẽ mua lại cái máy xay bỏ vạ bỏ vật của lão địa chủ thất cơ lỡ vận Giôrốp, thượng sĩ nhà binh… Trong mơ tưởng của lão hồi ấy, lão thấy mình, Iakốp Lukits, không phải mặc chiếc quần sarôva mạt hạng, mà là diện bộ cánh tuýt-xo với sợi dây vàng đeo lủng lẳng trước bụng, không phải với hai tay chai sạn mà là với hai bàn tay trắng trẻo, mịn màng, đã biến mất những ngón tay cáu đen ghét chẳng khác gì con rắn đã lột da vậy. Thằng con lão biết đâu sẽ chẳng đóng quan năm, sẽ lấy một tiểu thư tài sắc, và một ngày kia, Iakốp Lukits sẽ ra ga đón con không phải là đi bằng xe ngựa nữa, mà là ngồi trên chiếc ô tô riêng như ô tô của lão địa chủ Nôvôpáplốp vậy…Chà, trong cái thời vàng son ấy, khi mà cuộc đời hiện ra rực rỡ và sột soạt trong tay lão như tờ giấy bạc Nữ hoàng Êkatêrina in màu ngũ sắc, lão đã không cần ngủ mà vẫn nằm mơ thấy thiếu gì chuyện! Cách mạng đã thổi tới luồng gió lạnh của những đảo lộn kinh thiên động địa. Đất rung dưới chân Iakốp Lukits. Nhưng lão chẳng hoang mang. Với tất cả cái tỉnh táo và khôn ngoan là bản chất của lão, lão đã trông thấy trước bão táp đổ tới, và đã mau lẹ tẩu tán hết của cải, êm ru, hàng xóm dân chài chẳng ai biết… Lão đã bán chiếc máy hơi nước tậu năm 1916 đi, chôn một hộp đựng ba mươi đồng tiền vàng mười rúp và một túi da đầy đồ bạc. Lão bán bớt gia súc đi, thu hẹp diện tích gieo. Lão chuẩn bị sẵn sàng. Và cách mạng, nội chiến, các mặt trận lướt qua đầu lão như gió lốc thảo nguyên lướt qua đầu ngọn cỏ: bắt ngả, thì ngả, nhưng bẻ gục hoặc đánh tướp ra thì đừng hòng. Trong bão táp, chỉ những cây dương, cây sồi là gãy và bật rễ, còn hoa đồng cỏ dại thì chỉ nằm rạp xuống đất để rồi lại ngóc đầu lên. Ấy thế nhưng Iakốp Lukits lại không “ngóc đầu” lên được! Chính vì vậy mà lão chống lại chính quyền Xôviết, chính vì vậy mà lão sống buồn thỉu buồn thiu như một chú bò đực thiến: còn thiết gì đến sáng tạo, còn đâu niềm say rạo rực của nó. Cũng chính vì vậy mà giờ đây lão coi Pôlốptxép gần gũi hơn vợ, thân thiết hơn thằng con đẻ của mình. Được ăn cả, ngã về không: hoặc là cùng với Pôlốptxép lấy lại cuộc đời xưa rực rỡ và sột soạt như tờ giấy trăm in màu ngũ sắc, hoặc là từ giã cõi đời này! Cũng chính vì vậy mà Iakốp Lukits, uỷ viên ban quản trị nông trang Grêmiatsi, đang vật ra mổ thịt mười bốn đầu cừu. Iakốp Lukits đã nghĩ bụng: thà vứt thịt cừu cho con chó mực kia đang quẩn bên chân ông quan ba, hau háu liếm những đám máu cừu nóng hổi, còn hơn là đưa cừu vào trại nông trang để chúng béo lên, sinh sôi nảy nở, nuôi sống cái chính quyền thù địch kia! Ông quan ba là người học rộng, nói cấm có sai đâu, ông ấy bảo: “Phải giết gia súc! Phải băm nát đất dưới chân bọn bônsêvích. Mặc xác cho bò chết trương chết rũ, không chăm nom. Khi nào chiếm được chính quyền khắc lại có bò! Họ sẽ gửi bò từ bên Mỹ, bên Thuỵ Điển sang cho ta. Ta sẽ bóp chết chúng nó bằng đói rét, bằng sự rệu rã, bằng nổi dậy! Còn con ngựa cái thì đừng tiếc. Iakốp Lukits ạ, tập thể hoá ngựa thì càng hay. Tiện cho ta lắm… Bao giờ nổi dậy chiếm làng, ta chỉ việc vào chuồng nuôi tập thể, lôi ngựa ra, và thắng yên vào, khỏi phải chạy từng nhà mà tìm”. Thật là những lời vàng ngọc. Đầu cóc ông quan ba thật đắc lực chẳng kém gì hai cánh tay ông ta…”.

Iakốp Lukits đứng trong nhà kho xem Pôlốptxép và Xêmiôn loay hoay lột da mấy con cừu treo lủng lẳng trên chiếc xà ngang. Cây đèn “Con dơi” chiếu ánh sáng gắt lên những bộ lông cừu trắng. Công việc lột da cũng đơn giản. Iakốp Lukits đưa mắt nhìn một con cừu đã cắt tiết treo ngược, cái cổ cụt đầu chúc xuống đất, đang lột dở tới quãng cái rốm xám ngoét, nhìn chiếc sỏ cừu đen thui nằm lăn lóc bên cái thùng và tự dưng lão rùng mình một cái như bị ai gõ vào đầu gối. Lão tái mặt đi.

Trong đôi mắt vàng ệch của con vật với hai con ngươi mở thao láo còn chưa đục đi, có một vẻ khiếp đảm. Iakốp Lukits sực nhớ đến con vợ Khốprốp, đến tiếng kêu thều thào líu lưỡi, nghe đến rùng rợn của nó: “Bác!... Ôi bác ơi! Sao thế này hả bác?” Iakốp Lukits kinh tởm nhìn súc thịt cừu đỏ bầm, những đường gân, những thớ dọc lột trần. Và cũng như buổi nọ, mùi máu tanh nồng nặc lại làm lão muốn lộn mửa, lảo đảo choáng váng. Lão vội bước ra ngoài.

- Trông thịt mà sợ…Lạy Chúa!... Ngửi mùi cũng đã kinh rồi.

- Thế dẫn xác vào đây làm gì? Ai cần đến đồ nhát như cáy ấy! – Pôlốptxép mỉm cười và cứ để nguyên tay máu me và hôi mùi mỡ cừu như thế, cuốn thuốc lá hút.

Họ hì hục cho đến lúc sắp tới bữa sáng thì xong. Cừu đã mổ họ đem treo vào trong kho thóc. Đám đàn bà nấu món đuôi cừu. Pôlốptxép nằm tịt trong gian buồng xép (ban ngày y không bao giờ thò ra ngoài). Người nhà mang vào cho y món xúp cừu bắp cải, món khấu đuôi cừu nấu. Chị con dâu vừa mới dọn bát đĩa trong buồng y đi thì bên ngoài có tiếng kẹt cổng.

- Thày ơi! Đavưđốp đến! – Xêmiôn là người đầu tiên trông thấy Đavưđốp bước vào sân, thốt lên.

Iakốp Lukits tái mét đi như gà cắt tiết. Còn Đavưđốp thì đã đứng ngoài hiên cầm cái chổi phủi tuyết bám đầy giầy, ho khan vài tiếng, và bước từng bước chắc nịch.

“Nguy to rồi! – Iakốp Lukits nghĩ bụng. – Nom kiểu nó đi kìa, quân chó đẻ! Cứ như chúa tể thiên hạ! Cứ như nó đang đi trong nhà nó vậy! Ôi, nguy to rồi! Chắc nó đến bắt mình về chuyện thằng Khốprốp đậy, nó biết hết rồi, quân khốn kiếp!”.

Tiếng gõ cửa. Một giọng nam cao oang oang:

- Vào được không đây?

- Xin mời. – Iakốp Lukits muốn nói to, nhưng chỉ thốt ra được một tiếng thều thào.

Đavưđốp đợi một tí, rồi mở cửa bước vào. Iakốp Lukits cứ ngồi nguyên, không đứng dậy (lão không tài nào đứng dậy nổi! Lão lại còn phải kiễng đôi chân bủn rủn cứ run bần bật lên nữa, để người ta khỏi nghe thấy tiếng gót giầy gõ lập cập xuống sàn).

- Chào ông chủ.

- Chào đồng chí! – Vợ chồng Iakốp Lukits đồng thanh đáp..

- Ngoài đường rét tợn…

- Dạ, rét lắm.

- Liệu thóc gieo có bị chết giá không nhỉ, bác thấy thế nào? – Đavưđốp thò tay vào túi rút ra một chiếc mùi soa cháo lòng, nắm lọt thỏm trong tay, xì mũi.

Iakốp Lukits mời:

- Mời đồng chí vào quá trong này, đồng chí ngồi chơi.

“Quái lạ, lão ấy sợ cái gì thế chẳng biết?” – Đavưđốp lấy làm ngạc nhiên thấy chủ nhà mặt cứ tái đi, đôi môi run bần bật lắp bắp không ra hơi.

- Thóc gieo liệu có sao không?

- Thưa chẳng sao đâu… tuyết vùi kín rồi… Chỗ nào gió thổi sạch mất tuyết thì cũng có thể.

“Hắn mào đầu bằng chuyện lúa má, và bây giờ thì chắc hắn sắp bảo: “Nào, chuẩn bị đi!” Có đứa nào đã tố giác chuyện ông Pôlốptxép rồi chăng? Khám nhà chắc?” – Iakốp Lukits nghĩ bụng như vậy. Lão dần dần đã hoàn hồn, hồi lại máu mặt. Mồ hôi lão vã ra, lăn từng giọt trên trán, chảy xuống bộ ria mép muối tiêu và cái cằm lởm chởm của lão.

- Mời đồng chí vào phòng trong, xin cứ tự nhiên.

- Tôi đến có chuyện muốn bàn với bác. À mà gọi tên bác thế nào cho tiện nhỉ?

- Tên tôi là Iakốp Lukits (°).

- Iakốp Lukits hả? Này, Iakốp Lukits ạ, hôm nọ họp, bác đã phát biểu rất hay về nông trang. Bác bảo là nông trang cần có máy móc hiện đại thì hẳn là đúng rồi. Nhưng vấn đề tổ chức lao động thì bác đã nhầm, thực tế thế! Chúng tôi định đưa bác ra làm quản lý đấy. Nghe nói bác là người làm ăn có trình độ…

- Thì mời đồng chí vào đây đã nào! Bà nhà ơi, đặt ấm samôva lên! Đồng chí xơi bát xúp nhá? Hay là dùng tạm khoanh dưa muối vậy? Mời quý khách vào quá trong này! Đồng chí đã dẫn dắt chúng tôi vào cuộc đời mới… Iakốp Lukits nghẹn ngào mừng rỡ, tưởng đâu như cất được cả một hòn núi đè nặng trên vai: - Làm ăn có trình độ, đồng chí nói quả là chí lý. Tôi muốn thoát ra khỏi những lề thói dốt nát tối tăm của ông cha ta ngày xưa…Xem như bây giờ bà con cày cuốc đấy! Đúng là họ khảo đất lấy của! Tôi đã được một giấy khen của phòng nông nghiệp khu. Xêmiôn! Mang tờ giấy khen ra đây, tờ đóng khung ấy. Nhưng thôi ta vào đấy xem cũng được, đồng chí ạ!

Iakốp Lukits dẫn khách vào phòng khách, kín đáo nháy mắt ra hiệu cho Xêmiôn. Thằng con hiểu ý, đi ra hành lang định đóng cửa gian buồng xép của Pôlốptxép lại. Nó nhòm vào phòng và phát hoảng lên: gian phòng trống không. Xêmiôn bổ sang phòng lớn. Pôlốptxép chân đi độc đôi tất len đang đứng nép sau cánh cửa ăn ra phòng khách. Y ra hiệu bảo Xêmiôn đi ra, và áp vào cánh cửa cái tai gân guốc vểnh lên như tai thú dữ. “Tợn thật, lão quỷ!” – Xêmiôn thoáng nghĩ như vậy, bước ra khỏi phòng.

Mùa đông, gian phòng lớn lạnh lẽo của nhà Ôxtơrốpnốp bỏ không, không có hơi người ở. Trong một góc sàn gỗ sơn, chủ nhà đổ đống hạt đay năm này lưu năm khác. Cạnh cửa đặt một thùng ngâm táo. Pôlốptxép ngồi ghé xuống miệng thùng. Y nghe rõ mồn một từng lời đi tiếng lại bên ngoài. Ánh hồng chiều tà lọt qua các khoang cửa sổ mờ sương. Hai chân Pôlốptxép buốt tê, nhưng y cứ ngồi, không nhúc nhích, uất hận sục sôi lắng nghe cái giọng nam cao khàn khàn của kẻ thù cách mình độc cánh cửa. “À, đồ chó đẻ! Mày mít tinh gào lên mãi đã khản đặc tiếng! Ông thì cho mày… Chà, ước gì được sốt sột ngay bây giờ!” Pôlốptxép ghì vào ngực hai nắm tay máu dồn đỏ tấy, móng cắm ngập vào lòng bàn tay.

Phía sau cửa có tiếng nói:

- Thưa đồng chí lãnh đạo nông trang, tôi xin thưa với đồng chí thế này: ta làm ăn theo lối cũ thì không ăn thua đâu! Lấy chuyện lúa mì chẳng hạn. Vì sao nó lại bị giá và nhiều khi mỗi đêxiachin được hai mươi pút vẫn còn là may, và có nhiều người không thu đủ bù giống nữa kia? Còn lúa của tôi thì mùa nào cũng như mùa nào, lách không được. Có lần tôi đi thăm đồng, cưỡi con ngựa cái, vắt chéo hai bông lúa qua lưng ngựa, tết lại được. Bông ra bông, nắm không lọt tay. Được như thế là do tôi giữ được tuyết, cho đất uống no nước. Người khác chặt quỳ sát tận gốc, tham mà: họ bảo để lấy củi đun. Giống ngu như bò ấy, mùa hè họ chẳng bao giờ chịu lấy phân chuồng làm chất đốt cả, họ lười chảy thây ngay từ khi còn trong bụng mẹ, đeo đẳng cái bệnh lười ấy và không hiểu nổi là nếu chỉ cắt độc ngọn thôi, để lại thân, thì cái thân còn lại sẽ giữ được tuyết, cản gió cuốn tuyết xuống khe. Sang xuân thì đất ấy còn tốt hơn cả chân ruộng cày thu kỹ nhất. Còn nếu như không giữ tuyết, nó sẽ tan uổng đi, người mất ăn và đất cũng chẳng thêm được chút màu mỡ gì.

- Đúng quá!

- Đồng chí Đavưđốp ạ, không phải vô cớ mà vị cha nuôi của chúng ta là chính quyền Xôviết đã tặng bằng khen cho tôi. Công việc tôi hiểu đâu ra đó. Mà ngay cả những nhà nông học cũng có khi sai lầm, nhưng trong khoa học thì họ cũng có nhiều cái đúng. Chẳng hạn như tôi có đặt mua dài hạn một tờ tạp chí nông nghiệp trong đó có một ông học rộng tài cao, thuộc loại các ông dạy học cho sinh viên ấy, đã viết là cây lúa chẳng chết vì băng giá đâu, mà chết vì đất bị trơ ra không có một lớp tuyết phủ sẽ nứt nẻ và làm đứt luôn cả rễ lúa.

- À, ra thế! Vậy mà tôi không biết đấy.

- Mà ông ta viết thế là đúng. Tôi đồng ý với ông ấy. Và chính tôi cũng đã làm thử xem thực hư ra sao. Tôi đào đất lên xem: những sợi rễ con, nhỏ li ti như sợi tóc nhờ nó mà hạt thóc hút chất bổ béo từ trong đất, đã bị đứt tung ra. Hạt thóc không có gì nuôi nữa, thế là chết thôi mà. Nếu ta cắt đứt mạch máu con người thì liệu người có còn sống được không? Hạt thóc cũng vậy thôi.

- Đúng, Iakốp Lukits ạ, bác nói chí lý lắm. Phải giữ lấy tuyết. Bác cho tôi mượn tờ tạp chí nông nghiệp ấy tôi đọc.

“Vô ích, mày ơi! Không kịp đọc đâu! Đời mày chẳng còn được mấy chốc!” – Pôlốptxép mỉm cười nói thầm như vậy.

- Lại còn chuyện làm cách nào giữ được tuyết trên ruộng cày thu nữa chứ! Cần có rào chắn. Và thế là tôi nghĩ ra cách làm rào chắn bằng cành khô… Phải trị cái nạn khe rãnh xói mòn nữa, hàng năm nó cũng làm chúng tôi mất mất hơn một nghìn đexiachin đấy.

- Đúng lắm. Nhưng bác cho ý kiến ta nên làm thế nào để chuồng bò được ấm hơn. Sao cho vừa tốt vừa tiết kiệm.

- Chuồng bò ấy à? Cái ấy thì chúng tôi sẽ làm. Phải bắt các bà ấy lấy đất trát kín phên vách, thế là một. Hoặc không thì có thể lấy phân khô súc vật đổ vào giữa hai lớp vách cũng được…

- À.. à…à.. Còn ngâm giống thì thế nào?

Pôlốptxép định ngồi cho ngay ngắn trên cái thùng gỗ, nhưng đã làm nắp thùng tuột ra rơi đánh xoảng xuống đất. Răng Pôlốptxép va vào nhau lập cập khi y nghe thấy Đavưđốp hỏi:

- Cái gì rơi thế?

- Chắc có ai đánh đổ cái gì đấy. Buồng ấy mùa đông chúng tôi không ở, tốn củi sưởi lắm.. À mà để tôi đưa đồng chí xem một loại gai giống. Tôi gửi đặt mua đấy. Mùa đông tôi cất trong buồng này. Mời đồng chí sang xem.

Pôlốptxép nhảy ra cái cửa thông ra hành lang, cánh cửa này nhờ đã bôi mỡ nên không cót két. Y lách ra ngoài không một tiếng động…

Đavưđốp ở nhà Iakốp Lukits đi ra, tập tạp chí cắp nách, hài lòng về kết quả cuộc thăm hỏi này và càng tin chắc rằng cần trọng dụng Ôxtơrốpnốp. “Chính là với những người như thế mà ta có thể làm cho làng xóm thay đổi hẳn đi trong vòng một năm! Cha ấy thật là một dân mugích sáng dạ, lại chữ nghĩa nữa. Lão ấy thật đúng là biết làm ăn, hiểu nghề nông! Thế mới gọi là lành nghề! Mình chẳng hiểu tại sao cậu Maka lại cứ ngờ vực hắn, rõ ràng là lão ấy sẽ giúp cho nông trang được khối việc!”. Đavưđốp chân bước về trụ sở Xôviết, bụng nghĩ như vậy.

------------------------

(°): Tên của người Nga gồm có ba phần: tên riêng, tên bố, họ. Tên “Iakốp Lukits Ôxtơrốpnốp” có thể tạm dịch là: Iakốp, con ông Luka, họ Ôxtơrốpnốp. Khi kính trọng, người ta gọi bằng hai yếu tố đầu. – ND.