Đèn Không Hắt Bóng

Lời giới thiệu

Cuốn tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng” (Vô ảnh đăng) của nhà văn Nhật Bản Watanabe Dzunichi viết về một bệnh viện tư ở Tokyo.

Nhưng qua đó người đọc cũng biết được phần nào đời sống của xã hội Nhật hiện đại, với những số phận, nhiều khi bi đát và cay đắng.

Chắc chắn rằng ngòi bút của D. Watanabe chưa đạt tới mức phê phán sâu sắc và mạnh mẽ xã hội Nhật. Nhưng qua sự miêu tả chân xác trong từng chi tiết đời sống ở một bệnh viện với những tính cách sinh động, từ vợ chồng ông chủ - bác sĩ trưởng cho đến những bác sĩ, những y tá và những khách hàng của bệnh viện; từ số phận của những người nghèo tuyệt vọng, cho đến số phận và tính cách của một “minh tinh” đang mùa ăn khách..., Watanabe cũng đã cung cấp cho người đọc một hình ảnh tương đối chân thực về đời sống thường ngày ở Nhật. Đó là đời sống kinh doanh, trục lợi, ăn chơi phè phỡn của ông chủ bà chủ - chân dung vợ chồng ông chủ Yutaro nhiều khi được vẽ với những nét bút biếm họa. Đó là số phận của những người dân Nhật nghèo khổ, không chốn nương thân như ông già Ishikura, như vợ chồng cụ già Ueno, - họ thật thà trung hậu và cũng thật đáng thương. Đó là số phận của hàng loạt nữ y tá làm công cho bệnh viện. Bác sĩ thực tập Kobashi xuất thân là con nhà lao động, còn quá ít tuổi đủ để “lịch duyệt” mà hiểu được những éo le trong đời, anh bộc trực, phản kháng gay gắt trước những bất công xã hội, nhưng rồi anh sẽ đi tới đâu với những hành vi có tính chất cá nhân riêng lẻ ấy?

Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là Naoe. Như trong lời bạt của nhà văn Xô Viết Krelin in ở cuốn sách này nhận xét, trong khi mô tả Naoe, Watanabe có phần nào “cường điệu”. Đúng như vậy. Tác giả lại “cài bẫy” trong việc miêu tả sự phát triển của tính cách Naoe, chờ đến lúc kết thúc thì những thắc mắc của người đọc về những bí ẩn của nhân vật này mới được cởi nút. Nhưng nói chung thì người đọc có thể hiểu được - hiểu được không có nghĩa là đồng tình - với tính cách của Naoe, một bác sĩ tài năng lâm vào một bi kịch.

Bên cạnh Naoe, một hình ảnh để lại một ấn tượng sâu lắng khác nữa là Noriko Shimura. Vị tha và chân thành, đầy kiên nhẫn và đầy lòng hy sinh, có một cái gì nhẫn nhục quá đáng làm cho người đọc nhiều lúc phát bực, Noriko Shimura làm người ta nghĩ ngợi và cảm xúc nhiều...

Lòng nhân ái, sự khách quan và sinh động trong miêu tả, tài dựng nhân vật và viết đối thoại đậm đà, giản dị... tất cả đã làm cho cuốn tiểu thuyết Nhật Bản này gần gũi với người đọc Việt Nam. (Krelin cũng nói là gần gũi với người Xô Viết).

Đáng tiếc là không có điều kiện để dịch thẳng từ nguyên tác tiếng Nhật, mà phải dịch qua bản tiếng Nga. Nhưng nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo, tác giả của nhiều bản dịch nổi tiếng (như các bản dịch tác phẩm của Puskin, Lev Tolstoy, Dostoevsky, Chekhov, Aitmatov...), bằng sự uyên bác và trực giác ngôn ngữ vốn có của mình, chắc sẽ truyền đạt một cách trung thực đến bạn đọc cái hay của nguyên tác.

Watanabe sinh năm 1933 trong một gia đình giáo viên dạy Toán. Năm 1958 ông tốt nghiệp đại học Y khoa ở Sapporo. Watanabe ở lại giảng dạy ở trường, và nghiên cứu về Khoa phẫu thuật tạo hình. Ông là tiến sĩ y khoa về chuyên ngành ghép mô xương.

Vừa làm bác sĩ, Watanabe vừa viết văn.

Hồi còn ở trường đại học, ông đã đăng những sáng tác đầu tiên của mình trong tạp chí văn học của sinh viên. Năm 1956 vở kịch “Hành lang trắng” được giải thưởng trong một cuộc thi kịch truyền thanh. Watanabe bắt đầu viết kịch bản cho radio và truyền hình. Tác phẩm có ý nghĩa quan trọng đầu tiên của ông làm cho ông được biết tiếng là “Sự hóa trang của cái chết” (1965). Các truyện ngắn “Tuyết ẩm” (1967), “Cuộc viếng thăm” (1967), và truyện “Ghép tim” (1969), được các nhà phê bình khen ngợi. Tiểu thuyết lịch sử “Đèn và bóng” (1970) được giải thưởng văn học Naoki. Từ năm 1969, ông về Tokyo, thôi làm nghề y và hoàn toàn chuyên tâm viết văn. Sau tiểu thuyết “Ôm hoa” (1970), ở đây nhân vật chính là một nữ bác sĩ, và “Thành phố hoa tử đinh hương băng giá” (1970), từ tháng 1 năm 1971 trong tờ tuần báo “Sunday Mainichi” khởi đăng tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng”, miêu tả cuộc sống thường ngày ở một bệnh viện[1].



[1] Đoạn giới thiệu về tiểu sử tác giả được viết theo bản tiếng Nga.