Đoán Án Kỳ Quan

Chương 13

Xưa nay tình dục vốn rất nguy hại, nó làm băng hoại danh dự, trí khôn và tính mạng con người. Ta hãy thử xem "Trại Tây Thi", sắc đẹp của nàng khiến cho trăng lu hoa thẹn, nếu giữ mình trong sạch, thì há chẳng được thiên hạ xa gần kính phục sao! Cô ta thấy ai trẻ đẹp là đem lòng yêu mến, giả vờ thân thiết nghĩ đến tình cá nước, hoàn toàn không nghĩ tới Viên Công. Vì sao "Trại Tây Thi" đối đãi trọng hậu đến thế? Khi đã tung tiền ra như vỏ hến, thì ai mà biết được người tình sau này sẽ bội ước. Chết vì hình phạt thảm khốc, há chẳng phải cái hại của tình dục sao? Viên Công đường đường là một vị thứ sử không chịu tu thân tề gia, chỉ quen thói bóp nặn dân để cung phụng gái đẹp, cuối cùng người ngọc đi đâu về đâu? Thanh danh nhơ nhuốc, há chẳng phải là cái hại của tình dục sao? Tức giận hơn nữa là Phủ Thần không biết tự trọng, táng tận lương tâm, đến nỗi chết một cách thê thảm. Ta cho rằng, hắn ta quá thừa tội chết, chứ chẳng phải nói đến tình dục làm hại. Thế mà đời nay người ta vẫn tiếp tục lao vào con đường tình dục mà không hề tỉnh ngộ. Thật đáng buồn thay.

Phủ Thần là người biết suy nghĩ và có kiến thức, song ta tức giận vì hắn đã đánh mất tiết tháo, về sau lại bội ước. Tức giận hơn nữa là làm cho "Trại Tây Thi" phải chết một cách thảm hại. Đọc tới đó mà rơi nước mắt, quả thật ngay cả chó lợn cũng không làm thế. Sự bạc tình phụ nghĩa độc ác ấy còn hơn cả Vương Khôi, không hẳn bị báo oán mà về sau còn bị đánh chết bằng gậy. Há chẳng khoái sao?

Trong số những người lục lâm luôn có những người trọng nghĩa khinh tài. Phủ Thần táng tận lương tâm, nếu không có sự báo oán liên quan này, thì "Trại Tây Thi" chết một cách oan uổng, chứ sao được minh oan? Đọc tới đây ta cảm thấy vô cùng khoái chí. Viên Công dùng vàng cứu tên cướp thoát chết, ấy cũng là lấy nghĩa báo nghĩa.

Những người nghèo không dám làm điều ô uế, sợ người xung quanh biết được. Song những nhà giàu có, mặc sức hoang dâm, không hề kiêng kỵ, người xưa cho rằng, những nhà giàu có thường đa dâm, quả là rất đúng thay. Nhưng nhiều người cũng bị quả báo vì dâm đãng.

Những nhà giàu có cần hiểu rằng, vợ bao giờ cũng ghen tuông, đừng miễn cưỡng cưới thiếp để làm hại vợ con mình, hủy hoại đạo đức, tự chuốc lấy ô nhục. Hãy xem gương Viên Công để tự răn mình.

Bên cầu Thái Bình, Phủ Đông, có một chàng trai tên là Đường Phủ Thần. Anh ta hai mươi tuổi, đẹp như một viên ngọc, môi đỏ hơn cả mỹ nữ. Nhân dịp năm mới anh ta đến phủ Hoài mừng tuổi người thân. Đúng dịp ấy phủ Hoài đón xuân, anh ta dừng lại đứng ở đường phố Đông Môn xem mọi người đánh trống múa sư tử lũ lượt đi qua.

Đang xem, bỗng thấy một đứa đầy tớ gái còn ít tuổi, đứng sát vào anh ta ghé tai nói nhỏ:

- Bà chủ nhà tôi rất ngưỡng mộ ông, tối nay đến đợi ở đây tôi có câu chuyện muốn nói với ông. Rồi đưa cho anh ta một tặng vật, gói trong chiếc khăn tay. Phủ thần mở ra xem, thì đó là chiếc quạt và chiếc như ý đều bằng vàng. Phủ Thần vừa kinh ngạc vừa vui mừng, rối rít nhận lời.

Đến tối, anh ta tới chỗ hẹn, đã thấy đứa hầu gái chờ ở đó. Đứa hầu gái dẫn Phủ thần đi ngoắt ngoéo một lúc thì tới một ngôi nhà rất sang trọng. Một người đàn bà đẹp, ăn mặc lộng lẫy tươi cười bước ra đón anh ta.

Người đàn bà ấy không phải ai xa lạ, đó chính là "Trại Tây Thi". Nàng là người cực kỳ diễm lệ, chỉ hiềm một nỗi, khi còn nhỏ, do được cưng chiều, không bó chân, nên đôi chân rất to, nàng là thiếp của Viên Công. Viên Công người tham lam, khi được nhậm chức ông ta đã bỏ ra rất nhiều vàng bạc cưới người đàn bà này, cốt mua được tiếng cười của cô, ông ta đã dùng quá nửa số tài sản chiếm đoạt được để cung phụng "Trại Tây Thi". Biết chuyện, người vợ cả ghen tuông ầm ĩ, khiến Viên Công không lúc nào yên, bèn xin chuyển đến Dương Châu, cách phủ Hoài một ngàn dặm. Khi đến nhậm chức ở Dương Châu, người vợ cả không cho Viên Công mang thiếp theo. Ông ta nói với "Trại Tây Thi", khi nào đến nhiệm sở sẽ cử người về đón, chỉ để lại người hầu già và ông chú già ở lại thôi.

Hôm đón xuân "Trại Tây Thi" nhìn thấy Phủ Thần, như cá gặp nước, như rồng gặp mây, bởi thế sai người hẹn đến gặp nhau. Sau đó họ giả vờ là chị em, lén lút đi lại, không sao dứt ra được.

Khoảng hơn hai tháng, người đàn bà ấy bàn với Phủ Thần rằng:

- Thiếp có nhiều tiền của, nếu một lòng một dạ cùng thiếp thì thiếp sẽ dốc hết tài sản để dâng hiến cho chàng, chàng phải ở đây lập nghiệp. Có thể mua ruộng vườn, nhà cửa kiếm lời, hoặc cứ thế mà sống, để mãi mãi bên thiếp.

Phủ Thần nghe ngay, song lại nghĩ: "Người đàn bà này tuy đẹp thật nhưng rất đa dâm, nếu có người khác hơn mình thì lời hẹn ước sẽ nhạt phai, ấy là điều lo thứ nhất; người đàn bà này chân quá to, đã hơn ba mươi tuổi, ta không xứng đôi vừa lứa, đó là nỗi lo thứ hai; chồng người đàn bà này đang làm quan, nếu trở về, biết được chuyện vụng thầm thì tính mạng khó mà giữ nổi, đó là nỗi lo thứ ba. Thôi thì ta dùng những lời đường mật lừa người ấy thật nhiều vàng bạc, rồi tìm cách tới Dương Châu lập nghiệp, cưới cô gái trẻ khác, há chẳng tốt lắm sao?". Ý đã định, bề ngoài anh ta nói là về Dương Châu lo liệu việc gia đình, trong vòng non tháng sẽ trở lại phủ Hoài lập nghiệp. Người đàn bà rất vui mừng, dốc hết túi đưa cho Phủ thần khoảng hơn bốn trăm lạng vàng. Rồi lại giao cho Phủ Thần đôi rồng bằng bạch ngọc, vật hiếm có trên đời, do tổ tiên để lại làm vật tin gắn bó họ với nhau. Rồi khóc sướt mướt dặn rằng:

- Nhìn viên ngọc này, như được nhìn thấy nhau. Chúng ta mãi mãi không bao giờ quên nhau.

Hai người lau nước mắt chia tay. Phủ Thần lừa được nhiều vàng, ngay đêm đó trở về Dương Châu. Thời ấy, chức thư lại ở Vũ Hình sảnh sao có thể kiếm được rất nhiều tiền của. Phủ Thần dùng một trăm lạng vàng xin vào làm chức thư lại, rồi lại dùng một trăm lạng vàng cưới người con gái xinh đẹp, mới mười bảy tuổi làm vợ. Họ sống với nhau rất hòa hợp. Phủ Thần hoàn toàn không nghĩ tới những chuyện ân ái với "Trại Tây Thi" nữa. Ngày ngày phục dịch tại sảnh đường, Phủ Thần rất đắc ý. Thấy Phủ Thần trẻ đẹp, quan Vũ Hình sảnh rất mê, và nghiễm nhiên Phủ Thần trở thành người tình cùng giới với ông ta.

"Trại Tây Thi" trông chờ tới nửa năm, Phủ Thần vẫn bặt vô âm tín, bèn gửi thư tới Dương Châu. Người đưa thư tới nhà Phủ thần, nhưng Phủ thần chối đây đẩy không quen biết, gửi thư trả lại. "Trại Tây Thi" đau buồn rồi sinh bệnh.

Hai tháng sau, không còn cách nào, "Trại Tây Thi" vốn có đôi chân to nên đi giày rất hợp, lại dùng mũ áo của Viên Công giả làm đàn ông. "Trại Tây Thi” dẫn theo một thằng nhỏ, lên thuyền tới nhà Phủ thần ở Nhai Đường, Thái Bình, Dương Châu. Phủ Thần thấy người đàn bà ốm đau, mặt bằng da vàng, không còn đẹp như xưa càng chán ngán, lắc đầu từ chối không quen biết. Người đàn bà làm ầm ĩ, song Phủ Thần nói với mọi người rằng:

- Người đàn bà này là một gái làng chơi có tiếng, quen thói vu vạ cho người. Từ phủ Hoài tới đây, thấy ta là người thành thực bèn đặt điều vu cáo. Về tình và lý thì khó mà chấp nhận được!

Người đàn bà ấy chỉ vào mặt Phủ Thần chửi bới thậm tệ:

- Đồ vong ân bội nghĩa, quỷ thần sẽ không tha. Rồi "Trại Tây Thi" vẫn mặc trang phục nam giới đến dinh quan Hình sảnh, định tố cáo nỗi khổ bị phụ tình bạc nghĩa. Phủ Thần biết được, vu cho người đàn bà này vô cớ vu cáo bừa cho mình, rồi bẩm lên quan Hình sảnh. Lúc ấy quan Hình sảnh đang làm việc tại công đường, cho Phủ Thần nói thế là đúng sự thực, rồi bắt ngay người đàn bà cải trang thành nam giới ấy. Chẳng cần hỏi han, lệnh đánh ba mươi gậy. Vừa khỏi bệnh, vừa uất ức chẹn ngang cổ, lại bị hình phạt nặng, vừa khiêng ra khỏi cửa thì "Trại Tây Thi" tắt thở. Hôm ấy có tới mấy trăm người đến xem xét xử. Quan Hình sảnh lệnh cho lính lệ mua ngay chiếu, bó lại đem chôn ở ngoại thành. Phủ Thần thấy người đàn bà ấy chết rất mừng.

Nửa năm sau, ở đạo Hoài Dương gửi một bản án về bọn cướp của giết người. Trong đó có một đồng đảng là Đường Phủ Thần, hiện đang làm thư lại tại Hình sảnh, phải lập tức bắt giải lên đạo để xét hỏi. Vốn là có một tên cướp ở phủ Hoài, trong lúc qua phủ Dương đã tới xem xử án tại Hình sảnh. Thấy "Trại Tây Thi" bị đánh chết, biết "Trại Tây Thi" hoàn toàn chết oan, hắn nghiến răng căm giận. Về sau vì phạm tội, hắn bị sử tại đạo Hoài. Hắn khai Phủ Thần đã oa trữ viên ngọc, tang vật hắn đã lấy cắp. Vì thế Phủ Thần bị bắt.

Quan Vũ Hình sảnh không thể vì tình riêng mà che chở, ngay hôm ấy đành giải Phủ Thần lên đạo. Đồng thời viết tờ trình bẩm với quan, kêu oan cho Phủ Thần. Hai hôm sau, quan đạo hỏi Phủ Thần rằng:

- Có thể bọn trộm đã vu hại, nhưng nội trong ba ngày phải dâng viên ngọc chạm rồng đó lên quan đạo khám nghiệm, nếu không đúng sẽ tha.

Phủ Thần buộc phải cung khai. Sau đó tạm tha, chờ lấy ngọc về xử tiếp.

Ngay đêm ấy, Phủ Thần về Dương Châu, đưa viên ngọc trình lên quan đạo. Thấy viên ngọc quan đạo đùng đùng nổi giận quát:

- Đây đúng là tang vật thế mà ngươi còn dám chối quanh!

Quan quát lính đánh ba mươi gậy, giam vào ngục định tội sau. Vừa khiêng ra khỏi cửa quan, Phủ Thần tắt thở. Quan đạo bảo tay chân bó chiếu, chôn ở ngoại thành theo đúng như cái chết của "Trại Tây Thi". Quan đạo lại ra lệnh cho huyện Giang Đô tịch thu toàn bộ gia sản, cộng tất cả là bốn trăm lạng vàng dùng số vàng đó cứu tế người nghèo.

Lúc ấy Viên Công vì tham ô cũng bị cách chức. Về quê, Viên Công mới biết người thiếp của mình giả nam giới, rồi bị đánh chết, tên kẻ trộm đã khai ra sự thục. Viên Công vô cùng xấu hổ, đã dùng lễ hậu nói với quan đạo, chuyển tội chết của tên trộm sang tội lưu đày để đền ơn. Quan đạo biết rất rõ Viên Công nhận luôn tiền đút lót, và trả lại viên ngọc, một kỷ vật của người thiếp ông ta. Thương thay Phủ Thần xinh đẹp nhưng lòng dạ xấu xa, đã chết một cách thê thảm, gia tài khánh kiệt, vợ đi lấy người khác. Sự báo ứng đáng sợ thay.