Đoán Án Kỳ Quan

Chương 2 (A)

Mười năm mài lưỡi kiếm,

Kiếm sắc chưa dám thử.

Hôm nay hiến dâng ngài,

Diệt trừ bọn hung dữ.

 

Thật nực cười, con người ngày nay, cứ động một tí là nổi ùng lên như gió cuốn. Mượn tiếng công phẫn để gây ra biết bao tai họa. Lớn thì làm lung lay triều đình, bé thì làm nghiêng ngả xóm thôn. Sự công phẫn sao có thể đùa giỡn được. Ta cho rằng phẫn nộ mà không công bằng chỉ là dựa vào sức mạnh; công bằng mà không phẫn nộ thì có khác gì lũ đàn bà son phấn. Nếu như công phẫn chân chính, thì sẽ được nêu tên trong sử sách, đời đời ghi nhớ.

Khi biết người đời kiêu căng rởm,

Một khi gặp sự, gió nổi lên.

Hãy nhớ cho rằng, thân đáng quý,

Dạ sắt gan vàng tiếng ngàn thu.

Điều mà thiên hạ xưa nay vô cùng căm giận là bọn tiểu nhân thi hành công vụ, cậy quyền thế, tác oai tác quái, cho ai sống được sống, bắt ai chết phải chết. Quả là gần lửa rát mặt. Luôn luôn có một bọn nịnh hót, bợ đỡ, đó chính là cáo mượn oai hùm. Bọn tiểu nhân này sát khí đằng đằng, không sao ngăn nổi, nếu là người chân chính thì phải thận trọng, giữ mình trong sạch, làm theo đạo lí. Tôi cũng không hùa theo thói đời, cũng không bới lông tìm vết. Chẳng hạn việc Dương Hóa muốn gặp Khổng Tử. Ngài Chu Văn đã chú thích rất hay: quân tử đối với tiểu nhân không ghét mà nghiêm khắc, e rằng ghét người quá đáng thì sẽ xảy ra việc bất ngờ. Nói thế có nghĩa là, ai muốn hài hòa thì đi theo cái hài hòa, ai muốn thanh cao thì tu dưỡng cái thanh cao. Rốt cục không thể nghe theo bọn tiểu nhân làm loạn thiên hạ. Khi lâm sự, thành đấng trượng phu oanh liệt, tỏ rõ chí khí nam nhi. Tuy nhiên, đây là việc vô cùng khó phụng sự cương thường, thực thi khí tiết, sao mà thực hiện rộng khắp thiên hạ được. Lợi hại không thể chuyển dời, sinh tử không làm lay động, coi thường cái chết, đem hết sức lực sống mái một phen. Huống hồ là bọn tiểu nhân bách tính không ra gì, cương thường khí tiết rất xa lạ với họ. Đúng là:

Chiến trường hết thảy đấng nam nhi,

Phút chốc trở thành người thiếu phụ.

Nói thì như thế, nhưng rốt cục ai mà chẳng có tính khí.

Vào năm Thiên Khải, Ngụy Yêm nổi loạn. Thế lực lớn mạnh khó mà chống lại. Những bậc quan lại, không những không ra sức cứu chính trừ tà, mà ngược lại còn làm tay sai cho chúng, bị người đời mai mỉa. Sau đó bị vạch tội, hạ bệ. Sáng oai nghiêm, vênh vang áo mão, chiều thì sĩ khí văn chương, tất cả đều biến mất. Văn võ, quan lại chủ chốt trong triều, phần đông đều vứt bỏ nhân cách, cúi đầu xin thương xót. Lúc ấy họ tạo ra chiếu chỉ giả, bọn hiệu úy(1) hoành hành ngang ngược. Kể cả quan phủ đương chức cũng bị chúng sát hại. Bọn mang danh sĩ phu bên dưới, lập tức gây sự khắp nơi, bôi nhọ thanh danh, khiến cho mọi người không lúc nào yên giấc.

(l) Hiệu úy: chức quan võ.

Một hôm mấy viên hiệu úy tới Tô Châu bắt người. Khi đọc chiếu chỉ của vua, quan chức ở đạo phủ, huyện nghiến răng căm giận, còn người xem đông nghịt. Quả thật:

Ban ngày chẳng làm việc gì xấu

Nửa đêm gõ cửa cũng kinh hoàng.

Không ngờ đọc chiếu chỉ xong, gào thét truyền lệnh bắt người, thì lập tức có hai ba người đúng ra kêu oan cho người ấy. Quả thật đạo lí vẫn còn. Nghe tiếng kêu, những người hào kiệt xông ra. Lúc ấy trời đổ mưa, người thì cầm gạch, cầm guốc gỗ; kẻ thì dùng giày đinh đấm đá loạn xạ. Có người còn cầm cán ô, gậy gộc đánh túi bụi vào tên hiệu úy. Các quan chức phủ huyện thấy dân nổi loạn, kêu gào cốt để cứu sống bản quan, nên không dám ngăn cản. Chỉ thấy những người ấy:

Lông mày dựng ngược, người người liều mạng xông lên

Mắt mở trừng trừng, lớp lớp bỏ mình vì nghĩa.

Khác nào công chiến

Để trả thù riêng

Đấm rồi lại đấm, nhiều lúc đứt hơi không nghỉ

Đá rồi lại đá, tưởng đã chết rồi vẫn đá thêm.

Thương thay mấy tên hiệu úy, chưa đầy nửa giờ, xác nát như tương. Phủ quan hoảng sợ, lập tức vỗ yên trăm họ, chỉ bảo điều tra người cầm đầu, xử lí hậu quả, không được bắt bừa. Trong phủ quan có bao nhiêu kẻ chỉ vì thanh thế của Ngụy Yêm mà phút chốc đã biến thành chó săn cho hắn. Thấy dân nổi loạn, sợ rằng sấm chớp gió bão nổi lên, phút chốc xảy ra điều bất trắc. Thế mà những kẻ có "bầu máu nóng” ấy cũng không dám nói nửa lời. Huống hồ ngay cả mệnh lệnh của nhà vua, các quan cũng chỉ im lặng nhìn nhau, chẳng dám làm gì. Chỉ thấy trong đám hỗn loạn, có tiếng gào thét: "Tôi đánh chết đấy! Tôi đánh chết đấy". Sau đó có năm người rẽ đám đông bước vào, quỳ trước mặt phủ quan. Trong đó có một đứa con ở đầu tóc lở loét khoảng mười bốn mười lăm tuổi. Phủ quan nói rằng chỉ cần một người. Cả năm người đều phẫn nộ tranh nhau xin nhận cầm đầu. Tất cả đều trình hung khí và khẩu cung. Bọn Nhan Bội Vĩ lập tức khóa tay họ tống vào nhà tù. Viên hiệu úy mang chiếu chỉ, giữ chức trưởng quan một đạo, là bạn đồng khoa, thấy Chu Thuận Xương bị bắt giải về kinh cũng không dám ra mặt thương xót. Nhưng những người dân bình thường, chẳng có quan hệ gì với ông lại tỏ ra oai phong lẫm liệt. Ngay cả khi bị xử tội, họ vẫn cười nói tự nhiên. Sự việc ấy làm chấn động cả thiên hạ, làm cho biết bao đấng trượng phu mũ cao áo dài phải toát mồ hôi. Hành động cao cả như thế, vậy mà không ai dám cầm bút viết nửa chữ, để giành lại vinh quang cho họ. Quả thật là:

Quan cao không gánh việc cương thường

Phó mặc Tề dân một gánh mang.

Thời ấy Ngụy Yêm reo rắc tội ác, ai ai cũng ngấm ngầm nghiến răng căm giận. Sao họ không dám dũng cảm làm như thế. Vậy mà họ vẫn nói: "Nhìn thấy trái phải đảo điên, trắng đen lẫn lộn, một khi sôi máu, mắt nhìn bốc lửa, liều thân chẳng tiếc, làm nên kì tích lưu danh thiên cổ". Tới nay vẫn còn những chuyện mới lạ hiếm thấy. Đó là sau khi Ngụy Yêm chết được ba bốn năm. Từ trong cuộc chơi đùa bình thường, trong đống tro tàn lại cháy bùng lên một hòn than. Ai ngờ rằng trong đó còn có rất nhiều thay đổi âm thầm, nhiều nguyên nhân ngoắt ngoéo. Chẳng khác nào:

Gương cũ còn bám bụi,

Nhân tài chưa hiện ra

Ông già lau mòn kính,

Viết truyền ghi sử xanh.

Vua băng hà, Sùng Trinh lên ngôi hoàng đế. Lấp bằng chiếc hố chôn người đen ngòm vô duyên cớ trước đây. Trong triều ngoài nội cũng phải đội ơn Sùng Trinh. Một thời dân chúng sống yên lành, no đủ. Song chẳng biết vì sao, lụt lội hạn hán xảy ra liên tiếp, khiến dân chúng phải tha hương cầu thực, mười người chết chín. Một số người nhờ nghề mọn tài hèn, lang thang khắp nơi, mới kiếm được miếng ăn. Đúng là:

Không trải đời cay đắng

Sao kiếm được miếng ăn.

Chuyện kể rằng trong thành Nam Kinh có một vị Thái học, tên là Tưởng Hữu Quân, hiệu là Kỳ Tu. Hơn ba mươi tuổi, có đứa con trai lên mười. Ông nội Kỳ Tu đỗ giáp khoa. Anh em trong họ cũng nhiều người đỗ đạt. Theo lệ cũ, anh em muốn ông phải tiến lên theo con đường ngắn nhất, để giảm được những kì thi lặt vặt. Hơn nữa ông vốn thông minh đĩnh ngộ, lại chịu khó học tập, hai chữ khoa bảng luôn luôn khắc sâu trong trái tim ông. Song chỉ vì việc nhà bề bộn, lại giữ chức lí trưởng, giao tiếp nhiều, nhất là hằng năm vào dịp thuế khóa và sai dịch, buộc ông phải làm tròn trách nhiệm. Việc học hành tất phải thiệt thòi. Bởi thế công không thành, danh không toại, ông thường ngao du khắp đó đây, kết thân với những người có chí khí khác thường. Thuở còn để chỏm đi học, ông kết nghĩa anh em với Sa Nguyên, tự là Nhĩ Trừng. Ông tổ của Nhĩ Trừng là người Hồi Giáo. Cha là Sa Tượng Khôn, một tấm gương mẫu mực trong làng, làm trọn bổn phận, hết lòng theo đạo. Lúc nhỏ, Nhĩ Trừng học với Kỳ Tu, hai người cùng chí hướng, chung đèn sách. Thế là:

Vùi đầu kinh sử ba năm chẵn,

Chẳng thấy ai cầm gậy thanh lê(1)

(1) Thanh lê: gậy làm bằng cây thanh lê. Tương truyền Lưu Hướng đời Hán một hôm đang đêm thấy một cụ già mặc áo vàng, chống gậy thanh lê bước vào. Cụ thổi cho chiếc gậy bùng cháy, rồi truyền cho Lưu Hướng một học thuyết sâu sắc. Xem Từ điển điển cố, NXB Văn hóa - Thông tin, H, 2002.

Kỳ Tu vì duyên nợ ràng buộc, không được tận hưởng thú giao du. Nhĩ Trừng không đạt được sự nghiệp văn chương, một thân một mình lưu lạc bôn ba khắp nơi, được Tu Kỳ đón về nhà. Đã ba mươi tuổi, không được vào trường Thái học, cảnh nhà khó khăn, Nhĩ trừng cảm thấy xấu hổ, muốn bỏ đi, nhưng Kỳ Tu cứ giữ lại, dứt ra không được. Nhĩ Trừng mắc chứng bệnh bẩm sinh là tính hiệp sĩ, chẳng chú ý đến ăn mặc. Mỗi khi gặp kẻ cậy thế coi thường, đè nén người lương thiện, không tiếc thân mình, bất bình nổi giận. Ngay cả khi đọc những chuyện oan ức trong sử sách, bèn đập bàn đứng dậy. Oán hận đến mức bán hết ruộng vườn, ngửa mặt cả cười, uống rượu giải sầu thoải mái hát ca. Thằng nhỏ hầu hạ bảo anh là con mọt sách mất trí, khó mà thay đổi được tính tình. Gia chủ lại đối đãi rất chu đáo. Bởi thế Nhĩ Trừng hạch sách đủ điều, chẳng khác gì hô gió gọi mây, không dám mảy may sai trái.

Đúng là:

Trong nhà luôn chìu chuộng

Ngoài hiên vẫn ân cần.

Năm gian lầu chứa sách tại vườn sau nhà họ Tưởng, tầng trên tầng dưới có hàng vạn ống tăm ngà, hàng ngàn hộp đựng sách bằng gấm, màu đã ngả vàng. Ngoài việc đọc sách, họ còn đọc báo nói về thời sự hàng ngày trong triều. Chiều chiều, Kỳ Tu thân thiết uống chút rượu với Nhĩ Trừng, nghe anh nói về thời cuộc.

Thời ấy đang là thời của Ngụy Yêm. Trong ngoài triều đình, Ngụy Yêm đã gây ra biết bao tội ác. Mười tờ báo thì có chín tờ đăng tin xử tội quan thanh liêm, tra khảo các danh sĩ. Khi nói chuyện với Kỳ Tu, không phải chỉ một lần Nhĩ Trừng nghiến răng căm giận, uất ức trào lên tận cổ. Song thời ấy, thói đời xu nịnh, nói năng phải giữ mồm giữ miệng, nếu không dễ bị tai bay vạ gió. Huống hồ nhà họ Tưởng có mấy mạng người làm sao mà không sợ. Hơn nữa thành Nam Kinh, lính của phủ quan tuần tra giăng lưới bắt người dày đặc. Kỳ Tu là một chàng trai có chí khí nên chuyện trò rất hợp nhau. Sợ rằng Nhĩ Trừng không chịu nổi sẽ gây chuyện rắc rối, nên người nhà bảo Kỳ Tu đuổi Nhĩ Trừng ra khỏi nhà để tránh tai họa, song Kỳ Tu không nghe. Ngày tháng thoi đưa như bóng câu qua cửa. Hy Miếu băng hà, Nghị Tông lên ngôi. Bọn Ngụy Yêm ác độc sụp đổ. Khi ấy, Nhĩ Trừng như người nối dõi đứng ra báo thù nhà, nhảy lên gào thét điên cuồng, mừng vui khôn tả. Bỗng một hôm, Nhĩ Trừng nói với Kỳ Tu:

- Trước đây chông gai khắp bốn phương bậc chí sĩ đóng cửa ở nhà. Nay đã tạm yên, tôi muốn thả sức rong chơi, giải tỏa nỗi u uất trong lòng. - Được đấy, được đấy! - Kỳ Tu nói.

Trước đây, nhà họ Tưởng muốn đuổi anh đi, chỉ riêng có Kỳ Tu không muốn. Bởi Nhĩ Trừng là người nóng tính, hay nổi giận, không kìm được uất ức. Sợ anh ra đi không đúng lúc tính mạng khó bảo toàn. Nay đã khác trước, bởi thế nghe Nhĩ Trừng nói, Kỳ Tu bằng lòng ngay.

Kỳ Tu nói:

- Tôi có một người bác họ, tên là Trương Tuyết Nga, tên húy là Hằng Giả. Hiện đang giữ chức Binh bộ Phương ty. Năm nay tôi phải đến huyện Thượng Nguyên nộp thuế. Tiện đường sẽ ghé vào thăm ông, nhờ ông giúp đỡ. Nếu anh muốn đi với tôi thì càng tốt. Song đi lần này phải có lễ vật quý hiếm. Ở Đông Tây kinh người ta rất ưa thích những vật phẩm sản xuất tại Bình Hồ. Vậy phiền anh tới đó mua giúp tôi ít quà tặng. Mọi việc đã có người làm thay, anh hoàn toàn không phải vất vả gì.

Nhĩ Trừng bằng lòng ngay. Kỳ Tu bèn giao cho nhĩ Trừng bản ghi những thứ cần mua sắm, đó là vải, bút Hồ và một trăm tám mươi lạng bạc. Ngoài ra còn đưa cho anh hai mươi lạng làm tiền lộ phí, và một số giày làm quà tặng. Rồi Kỳ Tu nói:

- Anh hãy tới thôn Trung Minh, huyện Đức Thanh, phủ Hồ Nam, hỏi thăm tới nhà Thái Bình Tuyền. Thái Bình Tuyền là người thường xuyên trông coi lương thực của nhà tôi, hãy nhờ ông ấy lo liệu, xong việc rồi cùng về một thể. Tôi muốn nhờ ông ấy áp tải hàng hóa. Mùa đông năm ngoái, tôi đã gửi thư hẹn ông ấy rồi.

Dặn dò xong, hai người uống mấy chén rượu chia tay. Tưởng Kỳ Tu bảo Nhĩ Trừng:

- Tính anh ngang tàng, lại không chú ý ăn mặc. Chất lượng bạc không biết phân biệt rõ ràng, sợ gặp kẻ xấu anh không kìm nổi, nên tôi khuyên anh nên cố gắng kìm nén. Tôi chờ anh về, rồi cùng đi. Tháng giêng năm thứ hai đã sắp hết rồi.

Nhĩ Trừng vâng dạ, tỏ ra là người chín chắn, đến thẳng Thủy Tây Môn, xuống thuyền đi Hồ Châu. Phong cảnh trên đường thật là:

Gió xuân lành lạnh cỏ mướt xanh,

Tiếng trống tàn đêm đã điểm canh

Chân trời du khách tràn thi hứng,

Cầu uốn qua sông núi chập chùng

Thôn Bách Ma gần huyện Thượng Ngu, phủ Thiệu Hưng Triết Giang, có người tên thường gọi là Sương Tam Bát, tên thật là Cát Kiệm. Trước đây làm Vệ quân Kim Sơn. Cha là thầy giáo trường tư thục, do đó Tam Bát cũng biết chữ. Năm hai mươi tuổi học được nghề khâu giày. Thấy việc gì bất bình, anh không tiếc thân mình ra tay cứu giúp. Vào năm Sùng Trinh thứ nhất, Thượng Ngu đại hạn, mùa màng mất trắng, cháo cũng không có mà ăn. Tam Bát một thân một mình, may nhờ vào nghề này cũng kiếm được bữa no bữa đói. Anh tính rằng: "Ôm lấy mảnh đất này, quả thực cũng chẳng hay ho gì. Nay cả vùng mất mùa, mọi người cháo cũng không có ăn, mà đã đói thì đầu gối phải bò". Thế rồi Tam Bát vội vàng thu xếp hành lí, phần lớn là đồ nghề dùng để kiếm cơm. Anh nghĩ, bến cảng thành Hàng Châu rất cần người, ta hãy đến đó. Rồi anh quẩy hành lí đáp thuyền đến Tiêu Sơn.

Bến Tây Hưng thuyền ta lướt sóng,

Theo dòng sông chở đến tỉnh thành,

Mất mùa đói kém đi quẩn quanh.

Gia tài một quẩy thật đáng thương.

Ai ơi chớ hỏi nhà đâu tá,

Nghề mọn một thân khó đổi dời.

Góp được mấy đồng, Tam Bát lên thuyền, khi đó đã là cuối đông. Ngày mồng hai thuyền tới Hàng Châu. Đây là nơi đô hội, hiệu giày nhiều vô kể, mà Tam Bát lại chỉ có ít mảnh da vụn. Len lỏi qua nhiều phố xá, nhà nào cũng thấy người lớn trẻ con, kẻ giày vải, người giày lụa, đều còn rất mới. Tam Bát bực mình vì nghề vá giày của anh đã lỗi thời và chính mình cũng không biết thời thế, chân rát bỏng vội vã rảo bước. Ngày mồng năm tháng giêng, Tam Bát tới thành Hàng Châu. Chỉ mong ai cũng đi chân đất đứng chờ anh thợ da tới. Anh gánh hành lí tới nhà Phùng Tước Khê phố Kim Chất, bên cạnh cầu Thuần Hựu. Lão Phùng là đồng hương, lại là người thân quen. Anh đặt gánh xuống tán gẫu mấy câu, rồi sắp xếp lại mấy thứ đồ nghề, chuẩn bị đi tiếp.

Phố Tân Chính không có một anh thợ da nào, Tam Bát mừng thầm, kẽo kẹt gánh hàng rảo bước, và cuối cùng cũng có hai người thuê anh vá giày. Tam Bát kiếm được mười hai đồng, bụng nghĩ thầm: "Có lẽ mình chưa cúng". Chẳng nghĩ ngợi gì, anh bước thấp bước cao, ngẩng đầu lên đã thấy một ngôi miếu thờ Ngũ Thánh, mọi người đang lũ lượt tới dâng hương. Tam Bát đặt gánh hàng xuống bày lễ thắp hương, hỏi xem việc làm ăn trước mắt thế nào. Anh lắc ống thẻ tới ba lần, vẫn là quẻ âm; thơ trong quẻ như sau:

Giang hồ, nghe tiếng chuông,

Vất vả vẫn hoàn không.

Gặp nhau ngoài ý muốn,

Có cuối chẳng có đầu.

Anh ra về, cứ ngẫm nghĩ về quẻ thẻ ấy, đại khái là cũng có chút hi vọng. Trời tối, anh quẩy hàng về, những người hàng thịt bên cầu Thuần Hựu giày rách nát nhờ anh khâu. Đặt gánh xuống, thấy họ là những người nhà quê, vùng Hạ Chung Minh, huyện Đức Thanh, Hồ Châu, Tam Bát thân mật hỏi:

- Nhà bác có đông người không? Bác làm nghề này có đủ ăn không?

Thấy Tam Bát ăn nói dễ nghe, người khách đáp:

- Cũng chẳng ăn thua gì. Mùa xuân năm ngoái mưa nhiều, mùa màng thất bát. Nhà nào cũng túng thiếu, ai có nghề phụ đều bỏ nhà đi làm ăn xa. Vụ đông năm ngoái lúa mùa bội thu, bước sang tháng giêng vẫn còn nhàn hạ, nhà nào cũng muốn khâu giày. Ngày ngày bận rộn việc làm ăn, khi nào đóng cửa buồng tằm mới được nghỉ ngơi.

Tam Bát đọc lại bốn câu thơ trong quẻ thẻ, lại thấy trong đó có hai chữ "chung minh”. Rồi anh quyết định đến Chung Minh làm ăn. Tam Bát hỏi thăm đường đi, rồi hỏi họ tên, địa chỉ người khách hàng, mong anh giúp đỡ. Người khách ấy vui vẻ nhận lời. Khâu xong giày, Tam Bát không lấy tiền công.

Đúng là:

Long đong chân trời khách,

Thương nhau kiếp bọt bèo.

Người hàng thịt họ Mục tên là Kính Huyên. Vì thương Tam Bát, nên anh vui vẻ rủ Tam Bát cùng về. Anh nói:

- Đi thuyền rất tiện, ngày mồng tám ta cùng về nhé!

Hai người đi thuyền về tới Chung Minh, Tam Bát tạm ở nhờ nhà Kính Huyên. Sáng sớm đi làm, tối mịt mới về. Công việc bề bộn, đến cơm trưa cũng chẳng kịp ăn.

Lại nói tới Sa Nhĩ Trừng, khởi hành từ Nam Kinh, đi mất chín ngày mới tới Chung Minh. Làng này không lớn lắm, nhân dân đều trồng dâu, gai. Chỉ thấy:

Bờ ruộng quanh co,

Sông ngòi lượn khúc,

Tre trúc uốn cong, mái tranh thấp thoáng,

Đậu mạch trổ hoa, trắng xóa cánh cò,

Lão ông phưỡn bụng, miệng lẩm nhẩm, lượng mưa tính nắng.

Lão bà tóc rối, tay bận rộn kéo kén chăn tằm.

Giống như canh Võng Xuyên, dâu đồng rợp bóng,

Chẳng khác suối Đào Hoa, tùng bách chen nhau.

Mây gió nơi đây, khiến Tiêu Lý cũng phải ngẩn ngơ

Ánh chiều bến cũ, đến Đại Si thôi đành gác bút.

Nhĩ Trừng tay xách hành lí, đưa mắt nhìn phong cảnh làng quê mang dáng dấp cổ xưa. Anh chợt thấy một ngôi chùa nhỏ, trên đề bốn chữ “Bạn nhược thượng nhân!", xung quanh thanh u tĩnh mịch. Nhĩ Trừng đừng lại nghỉ chân, một vị sư gầy đét xanh xao bước ra. Nhĩ Trừng hỏi:

- Thưa thầy, thầy có biết đường về nhà ngài Thái Bình Tuyền không?

- Biết, - sư cụ nói, - thí chủ của bản tự hằng năm thường tới Nam Kinh, trú tại Cảng Tây, bảo rằng sau khi lễ Phật xong cũng tới đó.

Nghe thấy vậy, Nhĩ Trừng bèn gửi tạm hành lí tại chùa, chỉ lấy ra một phong thư và hai đôi giày, đi tìm lão Thái.

Sa Nhĩ trừng quả là một gã hồ đồ. Anh ta để hết hành lí và tiền bạc tại chùa, rồi một mình ra đi. Cũng may anh ăn mặc xuề xoà nên chẳng ai để ý. Chỉ thấy anh:

Khăn thì đen nhẻm, áo nát như dua,

Tất xỏ tả tơi

Giày đi há mõm,

Râu vểnh vàng khè, tâm sự trong lòng chất chứa

Giương đôi mắt trắng, cô đơn cất bước mặc ai.

Thấy anh lấy ra hai đôi giày sản vật địa phương đến tặng chủ nhà, vị sư già đoán rằng đây là một thầy đồ. Sa Nhĩ Trừng hỏi thăm đến nhà họ Thái, mang thư và giày đến. Một lúc lâu thấy một bà già đi ra nói:

- Ông là người từ chỗ Tưởng tướng công đến, xin mời ông ở lại xơi bữa cơm thường, ông hãy đưa hành lí vào đây.

- Ngài Bình Tuyền có nhà không?

- Mùa đông năm ngoái, - bà lão nói, - Tưởng tướng công gửi thư mời, đến mười tám tháng giêng này sẽ đi, hôm nay, ngài đến dinh quan huyện họ Lí thúc thuế, ngày mai mới về.

- Nếu thế thì ngày mai tôi sẽ lại. - Nhĩ Trừng nói.

- Anh trở lại chùa, thấy vị sư già ra chào, anh nói rõ họ tên. Nhĩ Trừng nghĩ: “Mình lạ lẫm, không quen đường, trời lại sắp tối đành phải nghỉ tạm ở đây". Rồi anh nói với vị sư già xin ở nhờ. Vị sư già tuy sống ở thôn quê, song vẫn có thói khinh người. Thấy Sa Nhĩ Trừng sống có vẻ bừa bãi, không muốn cho ở, bèn đọc cho anh nghe tờ trát của quan trên ra lệnh không cho phép chùa chiền chứa chấp người lạ mặt khả nghi. Song lại ngại Thái Bình Tuyền là thí chủ của bản tự, hơn nữa anh lại nói rằng anh không ở lâu, nên đành miễn cưỡng nhận lời.

Hằng năm vào ngày mười bốn tháng hai là ngày sinh nhật Thành Hoàng huyện Đức Thanh. Các làng thu tiền gạo, hoặc để cúng Phật hoặc diễn kịch góp vui. Vùng Hạ Chung Minh có mười hai đội kịch, đều diễn tại sân khấu trước miếu thổ thần, cao không đầy bốn thước. Khu đất trống xung quanh miếu đều dựng lều quán, hoặc đặt ghế, trải chiếu cho khách tới xem, thưởng trà uống rượu. Nhĩ Trừng nghỉ trong chùa, sáng dậy vội vàng đến nhà họ Thái xin thư, thấy mọi người đang dọn dẹp, biết đây là tục lệ làng quê.

Tới nhà họ Thái, vẫn thấy bà lão hôm qua bước ra chào, nói:

- Đêm qua quan lớn về, đã đọc thư. Song thóc lúa trong huyện hẹn đến ngày mười lăm mới chuyển xuống thuyền. Việc nói trong thư của tướng công đến ngày hai mươi ngài mới làm được. Xin tướng công hãy lưu lại đây. Còn đây là lá thư của ngài Thái Bình Tuyền gửi cho ông.

Trong thư viết:

Kính gửi ông Nhĩ Trừng,

Hai đôi giày tôi đã nhận đủ, nếu có loại to mua thêm một đôi, tôi sẽ gửi tiền trả ông chu tất, xin báo để ông biết. Cảm ơn ông.

(Không đề tên)

Xem xong thư, Nhĩ Trừng rất buồn cười. Việc chính không thấy ông ta nhắc tới, chỉ viết mua thêm một đôi giày. Các bạn ạ, ở nông thôn thật hiếm có người tài. Người đọc thông viết thạo như ông Thái có là bao. Trong thư Kỳ Tu gửi cho ông, nói Sa Nhĩ Trừng tới Hồ mua sắm hàng, không biết vì cớ gì ông không nhắc tới chuyện ấy, chỉ viết lèo tèo có mấy chữ, ngay cả tên mình cũng quên không ghi. Hơn nữa người nhà thấy thế cũng không hỏi, ngay cả bà già cũng chỉ nhìn thấy chiếc khăn bẹp của Nhĩ Trừng, rồi gọi là tướng công. Nhĩ Trừng nói:

- Quan đang bận việc, thì ngày hai mươi tôi sẽ đến.

Bà già cố nài anh ở lại ăn cơm, nhưng Nhĩ Trừng cầm thư đi ngay. Anh nghĩ "Không có việc gì, chi bằng đến chen lấn vào đám đông xem diễn kịch". Tới nơi, thấy già trẻ, gái trai, nam thanh nữ tú đông nghịt, cảnh tượng chẳng khác nào:

Lũ kiến tha xương cá, ruồi xanh bâu bọc mủ

Bọn thần chết xuất đầu lộ diện

Quỷ đen đầu múa mép khua môi

Mặt hoa da phấn, lướt thuyền hái hoa sen

Hàm râu tua tủa, trùm vai che lá cọ

Lung gù, như vượn cõng con

Bụng ôm, như Bà La bế cháu.

Thấy vẫn còn sớm, Nhĩ Trừng trở về chùa, lấy ra năm đồng và một ít tiền lẻ gói lại đưa cho vị sư già nói:

- Tôi còn ở đây, phiền nhà chùa ba bốn hôm nữa, xin giao trước cho nhà chùa chút tiền ăn, mong cụ nhận cho, xin cảm ơn cụ.

- Xin ông đừng bận tâm. - Nhà sư cười nói.

Vị sư già cầm tiền, đếm cẩn thận rồi xuống bếp lo cơm nước. Một lúc sau bưng lên sáu bát thức ăn chay ngon lành. Nhĩ Trừng cảm thấy hơi sốt ruột, muốn ăn sớm để đi chơi. Hòa Thượng quá nhiệt tình, cứ mời Nhĩ Trừng ăn thêm, cơm nước xong thì mặt trời đã ngả chiều. Nhĩ Trừng từ biệt vị sư già ra khỏi chùa. Chưa tới miếu thổ thần, đã nghe thấy tiếng trống, tiếng thanh la inh ỏi. Đêm diễn đã được ba màn kịch nói về Ngụy Thái Giám, đây là vở Phi long kí. Người đóng vai Ngụy Giám là một nghệ nhân xuất sắc, tên là Thu Tam. Sa Nhĩ Trừng tới nơi thì người xem đông nghịt. Lượn quanh một vòng, chỗ nào người ngồi cũng chật ních, chỉ thấy bên cạnh anh khâu giày có một chỗ trống, bởi anh dọn hàng khâu giày ở đó nên người ta đã chừa ra cho anh một ít. Sa Nhĩ Trừng thấy đang diễn tới chỗ Dương Liên, Ngụy Yêm, Khách Thị lần lượt chuẩn bị xử án. Tam Bát cũng chẳng ngó ngàng tới, vừa khâu giày, anh vừa làu bàu chửi. Nghe thấy Ngụy Giám ra sân khấu, nói the thé tiếng đàn bà, anh bèn buột miệng chửi: "Giết mẹ nó đi loại ấy chẳng tốt đâu!". Sa Nhĩ Trừng vẫn tiếp tục xem, vốn đã tức sẵn, anh tự nhiên nổi giận. Đang lúc uất ức, lại thấy anh thợ khâu giày phẫn nộ, Nhĩ Trừng cảm phục anh là người can trường. Không ngờ thấy sân khấu, Ngụy Giám sợ rằng các quan Dương, Tả, Chu, Ngụy không cung khai nhận tội, hắn bảo bọn tay chân dùng kiểu đánh đập tàn khốc mà chúng gọi là "Năm bông hoa lớn". Đó là:

Rồng vàng uốn khúc, là con rắn đồng cuốn vào người tưới dầu sôi đốt.

Thiện Tài cúng Quan âm, là trói chặt hai tay rồi dội hắc ín sôi vào hai bàn tay.

Đánh gẫy trâm ngọc, là dùng chùy sắt đập gẫy răng, làm cho phạm nhân nói phều phào.

Dây tương tư, là dùng thép nhọn xuyên qua xương bả vai.

Cùng một lưỡi dao, là dùng chiếc chàng sắt rộng bản và sắc, cùng một lúc chặt đứt năm ngón chân.

Trên sân khấu chỉ thấy người đóng vai Ngụy Giám, vạch trời chỉ đất, dáng vẻ tàn ác. Sa Nhĩ Trừng nhìn thấy cảnh ấy, máu sôi lên, nghiến răng nghiến lợi, quát tháo: "Không thể chịu được!" Rồi anh lấy con dao của anh thợ khâu giày xông lên sân khấu, đè Ngụy Giám xuống cắt đầu, máu phọt ra, đầu lìa khỏi cổ. Những người diễn kịch thấy tên hung thủ nhảy lên giết người, chạy ùa vào buồng hóa trang ẩn nấp, còn người xem không biết cơ sự gì đã xảy ra. Tất cả đều dẫm đạp lên nhau, kêu khóc bỏ chạy. Sợ mất dao, Tam Bát vội vã nhảy lên sân khấu tìm, tay cầm dao mà vẫn không nhìn thấy xác chết. Sa Nhĩ Trừng lẳng lặng vứt dao, nhảy khỏi sân khấu, trà trộn vào đám đông, gào thét rồi chạy thục mạng. Chỉ còn mấy ông già không sợ xúm lại, quát to: "Không được chạy lung tung, hãy tìm bắt ngay tên hung thủ”. Tức khắc bảy tám người xông lên, thấy Sương Tam Bát đang cầm dao, đứng trơ lại đó than vãn: "Anh ấy giết người nhanh như chớp”. Mọi người vây lấy anh nói:

- Không phải tìm nữa, hung thủ đây rồi?

Chính lúc mọi người sợ anh hành hung, nên những người đứng sau anh dùng thừng trói chặt lại. Tam Bát vẫn cứ bình thảng như thường, đến khi mọi người túm vào đấm đá hỏi: ”Vì sao lại giết người?", thì lúc ấy Tam Bát mới ngớ người ra.

Mọi người quây lấy hỏi:

- Anh ấy với mày có oán thù gì, mà mày lại giết anh ấy?

Rồi đội kịch lôi Tam Bát đến chỗ xác chết, vừa đánh chửi, vừa hỏi tên. Anh không nói. Người ta chỉ nhặt được mẩu giấy trong đó viết:

Kính gửi ông Nhĩ Trừng,

Hai đôi giày tôi đã nhận đủ, nếu có loại to mua thêm một đôi, tôi sẽ gửi tiền trả ông chu tất, xin báo để ông biết. Cảm ơn ông.

(Không đề tên)

Mọi người thấy thế nói:

- Đây là tang vật của kẻ sát nhân! Trong đó nói tới giày, chẳng phải liên quan đến nghề của nó ư? Thế ra tên nó là Sa Nhĩ Trừng.