Đoán Án Kỳ Quan

Chương 7 (A)

Bè bạn xưa nay đạo luân thường,

Chỉ vì thời thế nát như tương.

Lòng dạ người đời nay đã khác,

Tiền tài lợi lộc lắm kẻ thân.

Hôm trước miễn quan sàn vắng bóng,

Hôm sau làm tướng khách chật nhà.

Sóng xô lớp lớp ôi kinh sợ,

Tình bạn kết giao mạnh tựa gươm.

Xưa nay thường nói: "Bạn bè tâm đầu ý hợp sẽ tạo nên sức mạnh", bởi thế, khi kết bạn phải thật hiểu nhau. Ngày nay nhân tình thế thái đổi thay, những người có quyền thế địa vị, thì bạn bè đông đúc, khách khứa đầy nhà. Song đáng thương, những kẻ sĩ cương trực, lại chẳng có bạn bè. Phần lớn người đời quan hệ với nhau chỉ vì tiền của lợi lộc, hết lợi thì bỏ nhau. Bởi thế Lưu Hiếu Tiêu đã bàn đến sự tuyệt giao phổ biến ấy trong thiên hạ. Xem ra, những người hoàn toàn trung nghĩa mới là bạn bè. Thế thì những kẻ thấy lợi quên nghĩa, thấy mặt phụ lòng, thì trên thế gian này có đáng gọi là bạn bè không?

Ở huyện Đông Lưu, phủ Trì Châu, Giang Bắc, có ba kẻ tiểu nhân, mũ cao áo dài, đó là Trương Bá Nghĩa, Ngữ Kỳ Lương, và Tiền Tố Lợi. Họ là những người xuất thân trong gia đình có tiếng xưa nay. Từ nhỏ cùng học một trường, họ coi nhau như một, không phân biệt anh tôi, cao thấp. Trong bảy tám năm qua, những điều họ học được không phải là đạo đức nhân nghĩa Khổng Mạnh, mà cũng không phải là mưu mẹo kế sách của Thân, Hàn. Cái họ học là kế khoét gạch, trèo tường, và đức hạnh bội bạc, táng tận lương tâm. Một hôm ngẫu nhiên ba người này cùng đi qua ngã tư, thấy một đám người đông nghịt đứng vòng trong vòng ngoài. Họ vào xem thì thấy một người giơ tay gõ mạnh quân cờ, cười ha hả, kể chuyện về ba người kết nghĩa đào viên cuối thời Hán. Người ấy kể rất say sưa, nào là ngựa trắng tế trời, trâu đen tế đất, không thề cùng sống, mà thề cùng chết. Về sau họ lại cùng nhau tranh giành thiên hạ, giết Tào Tháo, diệt Đông Ngô, người nghe rất hào hứng. Nghe xong, ba người vô cùng thán phục, vỗ tay khen, rồi rút ra mỗi người một đồng thưởng cho người kể chuyện. Khi đứng dậy thấy bụng đói, họ đến cửa hàng chén chú chén anh, lấy ra hơn hai lạng bạc để trả, rồi cùng về nhà Trương Bá Nghĩa. Trương Bá Nghĩa nói:

- Câu chuyện ông lão vừa kể rất hay!

- Hay thì hay đấy, nhưng ta có kết nghĩa đào viên được không? - Tiền Tri Lợi nói.

- Ba chúng ta học với nhau từ bé, - Ngữ Kỳ Lương cười nói, - bây giờ lại cùng chung sự nghiệp. Nếu nói về nghĩa khí thì cũng coi là đào viên kết nghĩa!

- Song người đời nay, - Trương Bá Nghĩa nói, - phần lớn chỉ vì vợ, mà bỏ cả anh em thân thích ruột thịt đi kết nghĩa anh em với người ngoài. Suốt ngày chỉ ăn uống chơi bời, không đúng với ý nghĩa, suốt đời gắn bó khăng khít với nhau, sống chết có nhau. Nếu chúng ta kết nghĩa, thì không những phải gắn bó với nhau như anh em ruột thịt, mà còn hơn hẳn thói kết nghĩa thời nay mới được.

- Anh nói rất có lí. - Tiền Tri Lợi nói. - Người xưa từng nói: "Kẻ trượng phu, tiền bạc phải phân minh". Chúng ta kết nghĩa đào viên, có thể cùng nhau sống chết, tiền tài chỉ là chuyện vặt, kể tới làm gì! Tiền của anh là tiền của tôi, tiền của tôi là tiền của chúng ta. Rồi lại nói một hồi, nghe rất hay:

Nếu anh có tiền,

Anh hãy cho tôi.

Nếu tôi không tiền,

Thì lấy tiền anh.

Nếu được như lời nói ấy, thì quả là tình bạn chung thủy.

Hai người nghe xong vỗ tay cười ha hả nói:

- Anh Tiền này, theo anh nói, thì anh là một người không cầu lợi.

- Em nói thật đấy chứ không phải nói đùa đâu. - Ngữ Kỳ Lương nói. - Ngày mười lăm tháng ba là ngày tốt, đúng dịp hoa đào đang nở rộ, mỗi người sẽ bỏ ra ba đồng ba hào, ba xu, ba xèng, tất cả là một lạng, không ai nhiều hơn cũng không ai ít hơn để làm lễ kết nghĩa đào viên!

- Được - Ba người cùng nói.

Đến ngày mười lăm tháng ba, họ sắm sửa lễ vật, bày dưới một gốc đào, cùng nhau đốt vàng hương đứng thề. Ba người hớn hở vui mừng, viết ngày sinh tháng đẻ vào tờ văn khấn tế thần. Trương Bá Nghĩa lớn tuổi làm anh cả, Ngũ Kỳ Lương anh hai, Tiền Tri Lợi là em út. Thề với nhau rằng, anh em làm việc gì cũng phải đồng tâm nhất trí, giúp nhau khi hoạn nạn, nếu có lòng riêng tư thì trời chu đất diệt. Cúng xong, ba người ngồi ngay tại đó ăn uống no say, rồi ai về nhà nấy. Đúng là:

Kết nghĩa anh em tình ruột thịt,

Chẳng bao giờ gây chuyện bất lương.

Mấy hôm sau, họ lại bàn nhau rằng: "Chúng ta đương nhiên đã đồng tâm nhất trí rồi, có điều nay phải tìm một việc gì cùng làm mới được, chứ ngày nào cũng chơi bời thế này thì sẽ không khấm khá lên được".

- Các anh bảo tôi phải làm gì? - Ngữ Kỳ Lương nói.

- Tôi chỉ có chơi gái, đánh bạc, ngoài ra không biết gì khác.- Tiền Tri Lợi nói.

- Chơi gái, đánh bạc cũng phải cần tiền. Tôi cho rằng đi đâu đó lừa người kiếm một món tiền lớn, rồi ba đứa chia đều nhau. Đấy há không phải là tiền vốn của chúng ta ư?

- Muốn kiếm được một món tiền lớn, chỉ có đi ăn trộm mới có được - Ngữ Kỳ Lương nói. - Nếu thế sẽ bị quan bắt, cùm kẹp đau đớn không chịu nổi, mất hết danh dự, còn mặt mũi đâu mà sống.

- Chú hai, đừng nói thế. - Trương Bá Nghĩa cười nói. - Nói thế sao gọi là có chí khí. Ngay đến việc ăn trộm, tôi vẫn đàng hoàng giữ được thể diện. Lấy của người ta ngàn vàng, mà người ta vẫn vui, đấy mới gọi là kế chứ? Hai chú thấy thế nào?

- Anh thật là cao kiến. - Tiền Tri Lợi nói. - Chỉ có điều, việc ấy làm thế nào?

- Phía nam thành có một nhà giàu, - Trương Bá Nghĩa nói, - biệt hiệu của anh ta là Tượng Kỳ Lân. Các chú có biết vì sao người ta gọi là Tượng Kỳ Lân không? Theo người ta kể, trước đây bố anh ta dắt một con trâu qua phố, trên mình trâu thồ rất nhiều tiền đồng, còn sừng trâu đeo một chiếc sừng kì lân bằng giấy. Rất nhiều trẻ con trông thấy tiền đồng, không biết đó là trâu, mà nói với nhau là "rất giống kì lân". Bởi thế chúng reo lên nói: "Chúng mày ơi! Đây có phải là kỳ lân không?”

Một ông già mắt đã đục lờ, chạy ra xem, nói với bọn trẻ rằng:

"Đây là trâu có tiền, sao lại giống kỳ lân được".

 Khi gã nhà giàu ở phía nam thành chết, đứa con gã, tuy đã hai mươi tuổi vẫn không biết chữ, chỉ biết ăn thịt. Nên người ở phía nam thành gọi hắn là Tượng Kỳ Lân. Ngay con gã cũng không biết được nguồn gốc ba chữ ấy, chỉ biết Kỳ Lân là vật tượng trưng cho điều lành, và nói, những người ấy nịnh bố mình nên đặt cho ông một cái tên hay như thế, và anh ta rất thích thú khi thấy có người gọi mình là Tượng Kỳ Lân.

- Anh ta họ gì? - Ngũ Kỳ Lương nói.

- Anh ta họ Lương, tên là Đắc Quý. - Trương Bá Nghĩa nói.

- Nhà anh ta có dãy tường cao, - Tiền Tri Lợi nói, - bên ngoài trồng dương liễu, hai bên có dòng nước, giữa có chiếc cầu phải không? Em biết, phải nghĩ cách liên hệ với anh ta trước chứ. Hay anh cứ dỗ anh ta đi chơi gái, tôi dụ anh ta đi đánh bạc, dần dà chúng ta lại dụ anh ta cứ xem kịch, mua quan tước làm nhà, mua sắm tài sản... Đấy là những việc làm mà vẫn giữ được thể diện. Ba người chúng ta, kẻ té người cất, hỗ trợ nhau hành động từ bên trong, chỉ cần chúng ta toại nguyện, cửa nhà tan nát mặc xác nó. Tôi nói thế có được không?

Hai người kia cười ha hả nói:

- Hay, hay lắm.

- Chú em út, hãy làm thử xem sao? - Trương Bá Nghĩa nói.

- Được em sẽ đi ngay. - Tiền Tri Lợi nói.

Tiền Tri Lợi từ biệt hai người anh kết nghĩa, đi thẳng tới phía nam thành. Vừa đi vừa nghĩ: "Người này đúng là mình quen biết thật, nhưng ta không thể đi một mình, phải dẫn họ cùng đi moi tiền của anh ta chứ.". Bỗng chốc anh ta đã thay lòng đổi dạ.

Đúng là thấy lợi quên tình nghĩa,

Biết đâu Quản, Bão chịu chia vàng?

Tiền Tri Lợi qua cầu, thấy Tiểu Nhàn đang vẩn vơ ở đó.

Tiến Tri Lợi bước tới hỏi:

- Anh Tiểu Nhàn, Tượng Kỳ Lân có nhà không?

- Có! - Tiểu Nhàn nói, - Có chuyện gì thế?

- Có chuyện vui, - Tiền Tri Lợi nói, - cũng cần anh nói thêm vào một câu, nếu xong việc, tôi với anh sẽ chia nhau.

- Việc vui gì thế? Tôi lại được chia với anh ư?

- Tây Môn mới có một kĩ nữ đẹp tuyệt trần, - Tiền Tri Lợi nói, - lại giỏi đàn hát, tôi đã gặp cô ta. Bây giờ ta gạ ông ấy hái hoa, nếu có lộc thì anh em mình sẽ say sưa với nhau một bữa, được không?

- Cái đó dễ thôi. - Tiểu Nhàn nói. - Số sách tôi quản, chuyện ấy khó gì!

Tiền Tri Lợi được Tiểu Nhàn dẫn vào nhà gặp Đinh Đắc Quý. Tiểu Nhàn nói:

- Tiền Tri Lợi là anh họ tôi, anh ấy cho biết có một cô gái đẹp tuyệt vời ở Ngô Hạ mới đến, tên là Tiểu Ngọc Nương, muốn dẫn ông đến để thử mùi đời một chút xem sao.

Đinh Đắc Quý tuổi còn trẻ, lại sẵn tiền. Thấy gái đẹp mừng rơn, lấy ngay mười lạng bạc, đưa cho Tiền Tri Lợi, nói:

- Anh hãy cầm đi lo liệu trước, tôi thay quần áo, rồi lên ngựa tới ngay.

Tiền Tri Lợi được cầm mười lạng bạc trong tay, hắn vô cùng sung sướng, đến nhà kĩ nữ Lý Tiểu Ngọc, nói:

- Ông ta là một người giàu có bậc nhất ở phía nam thành, là viên ngoại Tượng Kỳ Lân nổi tiếng. Cô không nên đòi tiền ông ta, cô cố chiều chuộng để ông ta vui lòng, nếu cô muốn theo ông ta, tôi sẽ khuyên ông ta cưới cô làm vợ, còn cô không muốn thì cô vào cửa trước kiếm ba trăm lạng, sau đó thu xếp theo cửa sau ra đi. Như thế sẽ tốt biết bao! Chỉ cần xong việc tôi sẽ sòng phẳng chia cho cô một nửa. Đừng có ngúng nguẩy với ông ta mà thiệt. Ngay bây giờ, cô hãy chuẩn bị chu đáo đón tiếp ông ta.

Nói xong, mười lạng bạc cũng chẳng đưa cho cô ta lấy một hào. Thấy Tiền Tri Lợi nói rất có lí, Tiểu Ngọc tin ngay, nói:

- Việc ấy nhờ anh xếp đặt, nếu thành, tôi sẽ chịu cho anh bốn phần còn tôi sáu phần.

Rồi cô ta lấy ra ba lạng bạc đưa cho Tiền Tri Lợi. Tiền Tri Lợi tỏ vẻ từ chối, song lại chìa tay ra cầm lấy tiền bỏ vào túi. Lát sau quả nhiên Tượng Kỳ Lân cưỡi ngựa tới. Tiểu Nhàn theo sau. Tiểu Ngọc từ trong bước ra vồn vã. Chỉ thấy:

Không vợ, không con, chữ chẳng biết,

Cỏ lấp đường đi, phưỡn bụng chơi.

Trời đâu có biết Kỳ Lân tá.

Thế gian lại thấy đó trâu tiền.