Du Học Trên Đất Mỹ

Chương 5. Kinh Nghiệm Trưởng Thành Chốn Công Sở

Tháng 8 năm 2011 – tháng 11 năm 2013

Trưởng thành là thế này: đầu tiên cho rằng bản thân có thể, sau khi vấp ngã mới biết mình không thể, rồi tiếp tục học hỏi, thực hiện, và thất bại, lại kiên trì, học hỏi, thực hiện, từ đó có tiến bộ, sau cùng mới trở nên thật sự vững vàng.

Ngày làm việc đầu tiên

Điều bất ngờ là, sau khi có được công việc chính thức đầu tiên trong đời, cảm giác hưng phấn tột độ ấy chỉ kéo dài được khoảng hai ngày. Tuy trước đây tôi vô cùng tự tin, đầy mong chờ với môi trường công sở, nhưng cùng với đó, cảm giác lo lắng cũng ập đến. Môi trường công sở thật sự như thế nào, tôi chẳng có chút hiểu biết gì về nó. Tôi chỉ biết mình rất thích làm chuyên gia tư vấn tâm lý, thích được làm việc cùng lũ trẻ, nhưng liệu tôi có thể đảm nhận được công việc đó không? Khách hàng tương lai có chấp nhận và thích tôi hay không? Tôi sẽ lại gặp phải những khó khăn và thách thức gì trong cuộc chiến chốn công sở? Mọi thứ đều là ẩn số…

Ngày đầu tiên đi làm, tôi đến cơ quan đúng giờ và rất tự tin. Bà giám đốc nhân sự trước đây từng phỏng vấn tôi, phút chốc đã trở thành đồng nghiệp, nhiệt tình đưa tôi đi giới thiệu với mọi người. Trong cơ quan, từ tổng giám đốc cho đến lao công đều rất hòa nhã dễ gần, hài hước dí dỏm. Nhưng, khi phát hiện ra tôi là người nước ngoài duy nhất, cái cảm giác khó chịu “tôi là người Trung Quốc, còn họ đều là người Mỹ”, lại bất ngờ quay trở lại. Cho dù tôi đã rất nỗ lực để khắc phục tâm lý này, thậm chí có một thời từng cảm thấy như đã thoát khỏi nó, vậy mà giờ đây nó lại bất ngờ trỗi dậy trong tiềm thức.

Quản lý của tôi, cũng chính là người phụ nữ đứng tuổi tóc ngắn trong buổi phỏng vấn, bà tên là Beth. Sau khi gặp mặt, bà ấy vui vẻ bước ra khỏi bàn làm việc, tới gần ôm lấy tôi, đồng thời cất lời vui mừng chào đón tôi gia nhập ngôi nhà chung. Theo lời giới thiệu của Beth, tổ chức này là một quỹ nhi đồng phi lợi nhuận, chuyên cung cấp các dịch vụ như người hướng dẫn, gửi nuôi, tư vấn tâm lý hay trị liệu nội trú. Bộ phận tư vấn tâm lý nơi tôi làm việc chủ yếu cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý tận nhà miễn phí từ ba đến sáu tháng, cho thanh thiếu niên từ 4 đến 19 tuổi trong thành phố.

Tôi hỏi Beth, những dịch vụ đều được cung cấp miễn phí, vậy ai sẽ trả lương cho nhân viên? Bà giải thích, tất cả mọi dịch vụ của tổ chức đều là một phần thuộc hạng mục công ích của chính quyền thành phố. Mỗi năm họ đều cung cấp chi phí để duy trì sự vận hành của các tổ chức công ích. Ngoài ra, sự quyên góp từ các cá nhân, doanh nghiệp, trường học hoặc nhà thờ cũng là một trong những nguồn thu nhập quan trọng. Ngoài trừ việc định kỳ xin tài trợ ra, họ còn thường xuyên tổ chức quyên góp số lượng lớn các đồ dùng học tập, sách vở và quần áo vào dịp lễ tết cho các gia đình khó khăn.

Ngày đầu đi làm của tôi trùng với cuộc họp hàng tháng của bộ phận tư vấn tâm lý. Lần đầu tiên ngồi cùng với mười mấy vị chuyên gia tư vấn tâm lý đầy kinh nghiệm, cảm giác căng thẳng quen thuộc lại trào lên, tôi như thể đang quay lại những buổi học tại Học viện. Trong cuộc họp, các đồng nghiệp thay nhau phát biểu, nội dung đều liên quan đến các chương trình và hồ sơ. Vì không hiểu gì nên tôi nghe mơ mơ màng màng, cảm giác vô cùng chán nản, chỉ ngồi im lặng rụt rè.

Cuộc họp vừa kết thúc, tôi đã phải gặp ngay quản lý chỉ đạo trực tiếp. Giới thiệu xong về tổ chức và quy trình làm việc với hiệu suất khủng khiếp, bà quản lý lập tức phân cho tôi ba bộ hồ sơ cá nhân. Liếc nhìn ba tập hồ sơ trước mặt, mạch máu toàn thân tôi như muốn đông cứng. Trong bụng thầm hét lên: “Trời ơi, mới chỉ ngày đầu tiên thôi mà, đến sổ tay nhân viên tôi còn chưa kịp đọc, đã bắt đầu xử lý hồ sơ rồi sao? Tôi còn chẳng biết phải xử lý nó như thế nào nữa!” Thấy ánh mắt cầu cứu của tôi, bà quản lý liền đề nghị tôi đọc kỹ hồ sơ khách hàng.

Tôi bắt đầu ngồi đọc thật cẩn thận ba tập hồ sơ đó, đến cơm trưa còn chẳng kịp ăn. Đang chăm chú, bỗng bà quản lý vỗ vai hỏi tại sao tôi vẫn chưa về, hóa ra đã hơn 5 giờ chiều. Bà quản lý dặn dò: “Thời gian làm việc của chuyên gia tư vấn tâm lý rất linh động, chỉ cần mỗi ngày làm đủ số giờ quy định là được. Muộn rồi đấy, về thôi, sau này đừng làm việc trễ như thế.” Nói xong, bà ấy bèn quay lưng bỏ đi. Tôi đứng lên nhìn xung quanh, quả nhiên mọi người đã ra về gần hết, vì thế tôi cũng nhanh chóng thu dọn đồ đạc và rời cơ quan.

Về đến nhà chưa được bao lâu, tôi nhận được một email từ bà quản lý. Tôi sững sờ, bà ấy phân cho tôi thêm hai bộ hồ sơ nữa, tôi cảm giác như thể trời đang sập xuống. Nửa năm trước, cuộc sống của tôi vô cùng thoải mái, nay đột nhiên phải trở thành dân văn phòng với nhịp sống hối hả, khiến tôi khó lòng thích ứng. Một kẻ vốn không quen với cuộc sống nơi công sở như tôi ngay ngày đầu tiên đi làm đã phải nhận năm bộ hồ sơ, áp lực quá ư nặng nề.

Với tâm trạng mệt mỏi, sợ hãi, lo lắng và thấp thỏm, tôi đành phải đi ngủ sớm để chuẩn bị cho ngày thứ hai đầy căng thẳng. Nhưng giấc ngủ chập chờn với những hình ảnh về ngày làm việc đầu tiên cứ chập chờn trong tâm trí tôi. 12 rưỡi đêm, tôi bừng tỉnh, cảm giác như mình chưa hề ngủ chút nào vậy.

Tôi đành ôm chăn sang phòng sách, hy vọng có thể dễ ngủ hơn. Nhưng vừa chợp mắt, đầu óc lại bắt đầu xoay như chong chóng, giống hệt cỗ máy thời gian đang đưa tôi bay tới tương lai. Ở nơi ấy, tôi dường như thấy mình đang lo lắng gõ cửa từng nhà khách hàng, luống cuống giới thiệu về chương trình của tổ chức, đồng thời vụng về tư vấn tâm lý cho họ. Tôi thấy ban đầu bà quản lý rất hài lòng, nhưng về sau đột nhiên thay đổi sắc mặt, đập bàn la mắng tôi rất nghiêm khắc. Rồi tôi lại thấy mình mắc chứng trầm cảm vì quá áp lực, vò đầu bứt tai, khóc lóc ỉ ôi, thậm chí còn có ý định tự sát vì quá tuyệt vọng về cuộc đời… Đột nhiên, tôi giật mình tỉnh giấc.

Nhìn đồng hồ, hai giờ sáng.

Tôi mệt mỏi quay về phòng ngủ, đánh thức chồng và bắt đầu ôm anh khóc. Mọi áp lực của 24 giờ qua như nước vỡ bờ khiến nước mắt giàn giụa tuôn rơi. Vừa khóc tôi vừa kể về tâm trạng lo lắng của mình. Chồng tôi liên tục vỗ về an ủi. Cứ thế đến tận gần bốn giờ sáng, mới mê mệt chìm dần vào giấc ngủ. Lần tỉnh dậy tiếp theo, đã hơn sáu rưỡi sáng, cả đêm tôi chỉ ngủ chưa đầy ba giờ đồng hồ. Dù vậy, tôi vẫn đành phải xốc lại tinh thần, kéo lê cơ thể mệt mỏi, đầu óc nặng nề và đôi mắt sung húp ra khỏi giường để đến cơ quan.

Nói thật, trên đường đi tôi vô cùng sợ hãi, bởi không biết hôm nay sẽ ra sao. Nghĩ đến đồng nghiệp, ai ai cũng là những chuyên gia tư vấn tâm lý đầy kinh nghiệm, họ trông đầy tự tin và tài giỏi. So với họ, trông tôi thật nhỏ bé, chẳng có chút cảm giác mình đang tồn tại. Một lần nữa, tôi bất giác tự so sánh mình với người khác, lòng tự tin mất sạch trong phút chốc vì khoảng cách quá lớn giữa tôi và họ. Cái cảm giác ấy giống hệt cảm giác năm xưa khi mới đặt chân đến Mỹ, tôi bắt đầu lo lắng tại sao mình lại quay trở về cái vòng luẩn quẩn ấy.

Đột nhiên chuông điện thoại vang lên, cuộc gọi từ người bạn chí cốt – Cá Béo Ướp Muối. Tôi vội vàng nghe điện, và trút bầu tâm sự về nỗi khổ bao ngày qua. Sau khi kiên nhẫn lắng nghe tôi than vãn, Cá Béo Ướp Muối bắt đầu chỉ hướng và cổ vũ tôi. Cô ấy nói, xã hội hóa (chỉ công việc) là một trong những nhân tố quan trọng khiến một đứa trẻ trở thành một người trưởng thành. Nếu một người không bao giờ làm việc, đến năm 30 tuổi, có lẽ anh ta vẫn cảm thấy bản thân chỉ là một đứa trẻ; ngược lại, những người từ nhỏ đã tự mình lao vào xã hội, rất có thể năm 15 tuổi, họ đã có được cảm giác lão luyện già đời. Chính vì tôi chưa từng bước chân vào xã hội, nay phải chuyển đổi vai trò trong một thời gian ngắn, nên tự nhiên cảm thấy khó khăn. Cá Béo Ướp Muối nói với tôi, hồi ấy sau khi tốt nghiệp và bắt đầu đi làm, gần như cả năm đầu tiên cô ấy chỉ dành để thích ứng môi trường mới, một cuộc sống công sở đầy hối hả, hầu như không có kỳ nghỉ hay lễ tết. Vì thế, mọi thứ tôi đang trải qua đều là những chuyện vô cùng bình thường.

Tôi bối rối hỏi cô ấy, dù tôi chưa từng đi làm chính thức, nhưng chí ít cũng vài lần đi thực tập, nên cũng có thể coi đã tiếp xúc chút ít với môi trường làm việc, vậy sao nay tôi vẫn khó thích ứng đến thế? Cá Béo Ướp Muối cười đáp, đi làm chính thức và thực tập khác nhau một trời một vực. Lúc thực tập, vai trò của cậu là lao động miễn phí, chú trọng vào học hỏi, ông chủ không đặt quá nhiều kỳ vọng vào cậu, hơn nữa còn chủ động tạo cơ hội cho cậu quan sát và học tập. Nhưng khi đi làm chính thức, cậu là một nhân viên chính thức, phải đặt lợi ích cho công ty lên hàng đầu, khối lượng công việc chắc chắn sẽ rất nặng nề, nếu không hoàn thành đúng thời hạn, công ty sẽ phải chịu tổn thất, nên đương nhiên ông chủ sẽ nghiêm khắc hơn. Hơn nữa, nhân viên nào cũng có nhiệm vụ của mình, nên rất ít thời gian để hướng dẫn người khác, lúc này cậu chỉ có thể tự mình chủ động học hỏi mới nhanh tiến bộ được.

Tôi hiểu tất cả mọi thứ, nhưng trong lòng vẫn vô cùng lo lắng, không hiểu đến bao giờ mới có thể theo kịp đồng nghiệp. Cá Béo Ướp Muối đã đoán trúng nỗi trăn trở của tôi, nên đùa: “Căn bệnh kinh niên của cậu lại tái phát rồi à? Lại mù quáng đi so sánh bản thân với người khác chứ gì? Cậu thử nghĩ xem, một người chưa hề có kinh nghiệm, lại vừa mới chân ướt chân ráo vào công ty, cậu lại cố ép bản thân biểu hiện thật hoàn hảo trong tuần đầu tiên để gây ấn tượng, khiến mọi người chú ý, thế sếp của cậu sẽ phải sống sao? Bà ấy đã phải nỗ lực đến bạc cả đầu mới ngồi lên được vị trí ấy đấy. Nó giống hệt như một cậu sinh viên ngay ngày đầu tiên đặt chân vào giảng đường đại học, liền viết ngay một bài luận để đấu với anh tiến sĩ, cậu cảm thấy thế có hợp lý không?”

Nghe câu hỏi chí lý ấy, tôi đột nhiên phá lên cười, nhận thức được sự non nớt ngây thơ của bản thân. Đúng thế, căn bệnh cũ của tôi lại tái phát, cho dù từ trước đến nay tôi luôn cố gắng thay đổi, nhưng thỉnh thoảng nó vẫn rất ngoan cố. Khuyết điểm của bản thân giống như chiếc lò xo, khi bạn mạnh thì nó yếu, lúc bạn yếu thì nó mạnh, bạn luôn phải cảnh giác với nó, sửa đổi nó một cách có ý thức, như thế mới có thể đảm bảo nó không tiếp tục lấn lướt bạn. Bây giờ nghĩ lại, kỳ thực khoảng thời gian ấy không quá khó khăn, chỉ cần tôi kiên nhẫn làm quen, thích ứng và học tập là ổn, rõ ràng không cần phải phức tạp hóa tình hình, chuyện này cũng chẳng liên quan đến người khác. Nhưng tôi ngày ấy thực sự ngơ ngác, không biết phải hành xử ra sao trước một loạt những thay đổi.

Cảm ơn Cá Béo Ướp Muối, chính cậu đã kịp thời lôi tớ ra khỏi vòng xoáy của tâm trạng tiêu cực! Khi đến cổng cơ quan, tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Tuy trước mắt vẫn còn nhiều chông gai, nhưng giờ đây tôi đã bình tĩnh lại, và dùng lý trí để đối mặt với mọi thứ. Tôi mở cuốn sổ mới mua, bắt đầu vạch ra kế hoạch cho công việc mới.

Khó xử trong lần đầu gặp khách hàng

Tuần thứ hai đi làm, quản lý cử một người đàn ông khoảng 40 tuổi đến chỗ tôi. Ông ấy cũng là đồng nghiệp của tôi, người khá đậm, mặt đầy râu, nên chúng tôi đều gọi ông ấy là “Ngài râu”. Nghe quản lý nói, ba tuần nữa ông ấy sẽ nghỉ việc, và tôi phụ trách tiếp quản mảng hồ sơ của ông ấy, vì thế bắt đầu từ tuần này, ông ấy sẽ đưa tôi cùng đi gặp khách hàng. Tôi vô cùng hưng phấn khi nhận được thông tin trên, có Ngài râu dẫn dắt, tôi nhất định sẽ học được nhiều điều, không còn lo lắng về việc mất phương hướng nữa.

Khách hàng đầu tiên tôi phải gặp sống trong một khu nhà nhỏ khá tiêu điều. Trước đó, tôi chưa từng tư vấn tâm lý cho người Mỹ nào, nên cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau khi bước vào nhà của khách hàng. Tuy nhiên, khi nghĩ đến việc có Ngài râu đi cùng, tôi cảm thấy yên tâm hơn nhiều. Lòng thầm nghĩ, đây là lần đầu tiên của tôi, nên chắc chắn ông ấy sẽ chủ động, tôi chỉ cần ngồi cạnh chăm chú lắng nghe là được.

Tôi đến chỗ hẹn trước, một lúc sau ông ấy cũng đến. Chúng tôi chào hỏi lẫn nhau, rồi cùng bước về phía cửa nhà khách hàng. Thú thật, lúc ấy tôi vô cùng căng thẳng, càng gần đến nơi, tim tôi càng đập mạnh. Đến khi tới trước cửa nhà, cảm giác tim như muốn nhảy tung ra khỏi lồng ngực. Họ trông như thế nào nhỉ? Có thân thiện không? Có thích tôi không? Có kỳ thị tôi không? Họ có bằng lòng làm việc cùng một nhân viên tư vấn mang khuôn mặt đậm chất Á không? Từng câu hỏi cứ lần lượt vần xoáy trong đầu…

Dường như nhận ra vẻ căng thẳng của tôi, Ngài râu hỏi vẻ dò xét: “Cô từng tư vấn tâm lý cho khách hàng tại nhà của họ chưa?” Tôi lắc đầu, nói đây là lần đầu tiên. Ông ấy mỉm cười động viên: “Không sao, hãy thả lỏng, không đáng sợ như cô nghĩ đâu.” rồi chỉ tay về phía chuông cửa ra hiệu cho tôi nhấn chuông. Tôi hít một hơi thật sâu, mím chặt môi ra sức ấn.

“Ra ngay đây!” Tiếng chủ nhà vọng ra từ phía sau cửa.

“Thình thịch, thình thịch”, tim tôi đập mỗi lúc một nhanh…

Cửa mở, quả nhiên là một phụ nữ. Bà ấy mặc chiếc áo thun giản dị và quần bò, người hơi đậm, tóc vàng dài tận hông, xem ra đã lâu không chải chuốt. Căn hộ của họ không lớn lắm, hơi bừa bộn, cộng thêm đủ loại vật nuôi, trông như thể một sở thú vậy. Bà ấy chào hỏi và mời chúng tôi ngồi cạnh chiếc bàn ăn, không lâu sau, một người đàn ông và cậu con trai cùng bước vào.

Ngài râu hỏi chuyện họ rất tự nhiên, sau đó lần lượt tự giới thiệu bản thân và tôi. Tôi nhìn thẳng vào họ, sau đó gật đầu chào, và miễn cưỡng nở nụ cười gượng gạo. Tôi thật sự quá căng thẳng. Chúng tôi tâm sự đôi ba điều về thời tiết và thú cưng, sự vui tính của Ngài râu luôn khiến mọi người cười ha hả, nhưng tôi lại chẳng thấy có gì đáng cười, nên chỉ đành ngại ngùng cười gượng.

Sau khi phá vỡ sự xa lạ, chúng tôi bắt đầu vào vấn đề chính. Ngài râu ra hiệu cho tôi mang tài liệu ra, tôi những tưởng ông sắp sửa giới thiệu về chương trình của tổ chức, nào ngờ khi tôi vừa đưa cho ông, ông lại nói với mọi người: “OK, bây giờ Joy sẽ giới thiệu cho các bạn về chương trình tư vấn tâm lý của tổ chức chúng tôi.” Ông ấy vừa dứt lời, đôi tay đang cầm tài liệu của tôi bỗng chốc cứng đờ. Ba người ngồi đối diện nhìn tôi chằm chằm, như thể đang đợi tôi thuyết giảng.

Lúc ấy tôi thực sự hoảng loạn, đầu óc quay cuồng: “Cái gì? Bắt tôi nói á? Đây là lần đầu tiên tôi đi gặp khách hàng cơ mà, làm sao tôi biết phải nói cái gì? Chẳng nhẽ không phải ông nói là chính sao? Bây giờ phải thế nào đây? Rốt cuộc tôi phải nói gì?!” Tôi vội rút tay về, mở tập tài liệu ra, nhanh chóng nhìn lướt qua nội dung. Mặc dù tối qua có xem trước, nhưng lúc này đầu óc tôi bỗng trở nên trống rỗng, nhìn mớ tiếng Anh chi chít không có chút trọng tâm nào, tôi câm lặng không nói.

Lặng im. Lặng im. Sự im lặng kéo dài vô tận. Không khí như đặc quánh lại.

“Vâng, chương trình này của chúng tôi… là một chương trình tư vấn tâm lý miễn phí. Hình thức của nó rất là… Ý của tôi là nó có rất nhiều… bộ phận cấu thành khác nhau. Quý vị… không cần phải đến tìm tôi, mỗi tuần tôi sẽ đến nhà quý vị… cung cấp dịch vụ đến tận nhà…” Tôi vừa cố gắng diễn đạt những câu đứt đoạn, ngắc ngứ, vừa điên cuồng lật đống tài liệu đang cầm trên tay. Dáng vẻ tôi khi ấy vô cùng thảm hại. Thấy thế, Ngài râu nhanh chóng tiếp lời: “Ý của Joy là, khác biệt lớn nhất giữa chúng tôi với các tổ chức khác ở chỗ hàng tuần chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý tận nhà, nên cho dù các bạn không có xe cũng không cần phải lo lắng.” Nghe đến đây, khách hàng liên tục tán đồng, nói rằng mấy hôm trước họ vừa mua một chiếc xe mới, nhưng vẫn chưa có bảo hiểm nên tạm thời chưa được phép sử dụng, dịch vụ của chúng tôi vừa hay kịp thời đáp ứng nhu cầu này của họ.

Sau đó, Ngài râu và ông chủ nhà bắt đầu trò chuyện về nhãn hiệu và trang thiết bị của chiếc xe ô tô, còn tôi vẫn chưa kịp hoàn hồn. Nghe họ đang bàn về chiếc xe, tôi bèn hy vọng có thể nhân cơ hội này tham gia vào câu chuyện, nhằm xóa bỏ không khí khó xử ban nãy. Vì thế tôi chẳng suy nghĩ gì, mở miệng nói: “Chúc mừng ông đã mua được xe mới, ông bà phải tốn bao nhiêu tiền cho chiếc xe này?”

Vừa dứt lời, cuộc trò chuyện đang rôm rả đột nhiên tắt hẳn, mọi người trong phòng trợn tròn mắt nhìn tôi, bao gồm cả Ngài râu. Tiếp sau đó, người phụ nữ hỏi tôi với vẻ khó tin: “Cô nói gì cơ?!” Người đàn ông như muốn giải nguy giúp tôi, nên lập tức giải thích: “Anh đoán Joy có ý muốn hỏi chiếc xe của chúng ta là đời bao nhiêu?” Tôi nghĩ bụng, đây rõ ràng không phải điều tôi muốn hỏi, nên nhanh nhảu giải thích ý tôi là giá cả chiếc xe. Lời vừa thốt ra, một khoảng lặng im lìm dài vô tận bắt đầu. Ngài râu thấy thế bèn nhanh chóng chuyển chủ đề, và vội vàng kết thúc buổi gặp mặt.

Sau khi bước ra khỏi nhà khách hàng, ông vội kéo tôi ra một góc hỏi: “Trong cuộc trò chuyện ban nãy, cô có cảm thấy mình đã làm gì không thỏa đáng không?” Tôi gật đầu thừa nhận tôi chưa chuẩn bị tốt cho phần giới thiệu hạng mục chương trình. Ông lại vội hỏi: “Ngoại trừ điều đó ra, chẳng nhẽ cô không thấy điểm gì bất thường à?” Tôi trả lời vẻ dò hỏi: “Là lúc tôi hỏi về giá cả chiếc xe à?” Ngài râu gật đầu lia lịa. Tôi vội xin lỗi và nói, trước đây tôi chỉ biết trước mặt người Mỹ không nên bàn về vấn đề tiền lương, tín ngưỡng tôn giáo và quan điểm chính trị, tôi thật sự không biết ngay cả giá cả các mặt hàng cũng không được phép tùy tiện hỏi. Ngài râu giải thích, những vấn đề đó ít nhiều đều có thể trò chuyện trước mặt bạn bè hoặc người quen, nhưng tuyệt đối không nói với người lạ, nhất là khách hàng, bởi vì bất kỳ điều gì liên quan đến vấn đề riêng tư (đặc biệt trên phương diện kinh tế) đều rất bất lịch sự.

Chính vì không hiểu đầy đủ về văn hóa Mỹ, nên tôi đã phạm phải sai lầm ngu xuẩn kia. Từ đó về sau, dường như mang máng xuất hiện một khoảng cách tâm lý không thể diễn tả bằng lời giữa tôi với gia đình khách hàng ấy. Mỗi lần gặp họ, tôi đều cảm thấy rất bối rối khó xử. Nhưng điều đáng mừng là, trong quá trình trị liệu tôi đều có Ngài râu đi cùng, tuy nhiên, ngày Ngài râu từ chức cũng sắp đến, tôi bắt đầu lo lắng, không chỉ vì mình vẫn chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho việc độc lập tác chiến, mà còn vì khoảng cách giữa tôi và gia đình kia vẫn chưa được phá bỏ.

Ngày ấy cuối cùng cũng đến…

Sáng hôm ấy, vốn đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, nhưng tôi vẫn ngồi trong xe rất lâu, chần chừ không muốn khởi động, bởi chỉ cần nghĩ đến việc phải một mình đến nhà khách hàng, lập tức thần kinh căng thẳng tột độ. Hồi lâu, không biết ma xui quỷ khiến thế nào, tôi cầm điện thoại gọi cho khách hàng, báo với họ tôi không được khỏe và xin hẹn gặp vào tuần sau. Không ngờ, họ vui vẻ đồng ý, còn hỏi thăm sức khỏe của tôi.

Không sai, lần đầu tiên đi gặp khách hàng một mình, tôi đã trở thành tên lính đào ngũ hèn nhát. Nào ngờ, cuối tuần đó tôi ngã bệnh thật, nằm ở nhà đúng hai ngày. Ngài râu giống như đôi nạng của tôi, thiếu ông ấy tôi chẳng thể đi nổi, không những vậy, dường như đến đứng cũng chẳng vững, sau khi vấp ngã, tôi chẳng còn dũng khí để đứng lên.

Sau khi đủ dũng khí tự mình ngồi đối diện với gia đình họ, việc đầu tiên tôi làm là trịnh trọng xin lỗi mọi người. Tôi thành thực nói với họ, việc thất hẹn tuần trước chỉ bởi tôi chưa chuẩn bị kỹ, nên cảm thấy vô cùng xấu hổ. Sau đó tôi nói, tôi mới chỉ ở Mỹ được ba năm, nên chưa hiểu hết văn hóa nơi đây, chính vì vậy tôi đã mạo phạm họ trong lần gặp đầu tiên, tôi thật sự cảm thấy hối lỗi. Sau khi nghe tôi trình bày, hai vợ chồng họ bật cười sảng khoái. Họ nói, nếu tôi không nhắc lại chuyện cũ họ cũng quên khuấy mất chuyện đó rồi. Họ không những chẳng để tâm, mà ngược lại còn rất hiểu nỗi âu lo và hoàn cảnh của tôi. Về sau, chúng tôi còn bàn về chủ đề này khá lâu, thật ngạc nhiên, họ bày tỏ rất thích sự chân thành của tôi.

Cuối cùng, mọi khúc mắc trong lòng đã được gỡ bỏ, cảm giác vô cùng nhẹ nhõm.

Giờ nghĩ lại, quả thật tôi cảm thấy rất có lỗi với khách hàng đầu tiên trong ba tháng làm việc đó. Khi kết thúc đống hồ sơ, chỉ có hai gia đình ghi những lời bình luận tích cực về tôi trên phiếu điều tra độ hài lòng của khách hàng, số còn lại toàn viết những câu đại loại như “cô nhân viên tư vấn tâm lý này không hề biết cô ta đang làm cái gì” hoặc “cô ta trông có vẻ rất thiếu kinh nghiệm”… Cũng chẳng thể trách họ được, thực sự lúc ấy kinh nghiệm của tôi quá ít ỏi, thường xuyên cảm thấy không biết phải làm gì, thậm chí còn hoài nghi có lẽ mình không nên làm nghề này.

Hiện tại tôi vẫn luôn nghĩ, nếu cho tôi đi lại chặng đường đã qua, liệu tôi sẽ làm thế nào? Tôi có thể thích ứng nhanh và tốt hơn không? Ngẫm kỹ lại, câu trả lời vẫn là không thể, bởi dù hoàn cảnh có thay đổi, khác biệt về vai trò, hay sự non kém về tâm lý, đối với tôi mà nói đều là một quá trình buộc phải trải qua. Tôi nhất định phải thất bại, phải bối rối, phải diễn cái trạng thái non nớt này trở nên lâm ly bi đát, mới có thể nhận thức đầy đủ những thiếu sót của bản thân, bình tĩnh tích lũy kinh nghiệm và trở nên trưởng thành. Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, tuy rất bối rối và gian khổ, nhưng đó không phải việc gì xấu đối với sự trưởng thành của một người. Chỉ cần cố gắng chịu đựng, vài năm sau, nó sẽ trở thành giai thoại mà thôi.

Tạm biệt “tâm lý người nước ngoài”

Tâm lý tự hoài nghi bản thân bao trùm lên mọi ngóc ngách cuộc sống của tôi trong mấy tháng làm việc đầu tiên, lòng tự tin được xây dựng lâu nay phút chốc sụp đổ hoàn toàn. Khoảng thời gian đó, tôi từng hưng phấn, từng phiền muộn, từng thỏa mãn, từng thất vọng, từng bàng hoàng, từng suy sụp… có lúc cảm thấy bản thân đã lựa chọn đúng, có lúc lại cảm thấy mình đã sai. Đôi khi còn thở phào cuối cùng cũng vào guồng, nhưng lúc sau lại thấy cái thứ mang tên “vào guồng” kia, kỳ thực đã đưa tôi rẽ theo một hướng hoàn toàn sai lầm.

Mỗi buổi sáng tôi đều tự nhủ mình có thể, sau đó nỗ lực mang theo tâm trạng phơi phới đến cơ quan, nhưng sau một ngày chịu đủ thất bại và kích động, trên đường lái xe về nhà tôi lại bật khóc nức nở. Nhiều lần, tôi vừa ăn tối vừa khóc, nhưng cũng không dám tốn nhiều thời gian cho việc ấy, bởi vẫn phải tranh thủ chuẩn bị cho ngày làm việc tiếp theo. Sáng hôm sau tỉnh giấc với đôi mắt sưng húp, tôi lại tự động viên mình cố lên, tự nhủ nhất định sẽ làm được, sau đó tiếp tục mỉm cười đi gặp khách hàng, rồi lại chịu thất bại… Tôi cảm thấy bản thân như con ngốc, chẳng làm nổi việc gì, thất vọng, sụp đổ… cứ thế kéo dài đúng gần ba tháng.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đó. Xét về mặt ngôn ngữ, sau khi chính thức bắt đầu làm việc hoàn toàn bằng tiếng Anh, một lần nữa tôi mới nhận thức được điểm hạn chế trong năng lực của bản thân. Bình thường khi trao đổi với khách hàng và đồng nghiệp, các vấn đề hầu như đều liên quan đến kiến thức chuyên môn, như tên thuốc, tác dụng phụ, các trạng thái chẩn đoán, tôi không quen dùng lối tiếng Anh chuyên ngành để diễn tả những thứ đó. Vì thế, công tác chuẩn bị của tôi kéo dài đến ba giờ đồng hồ mặc dù chỉ là buổi điều trị trong vòng một giờ. Thông thường, những chuyên gia trị liệu tâm lý lành nghề khác có thể trực tiếp bắt tay vào công việc, duy mình tôi phải ghi chép hàng tá ghi chú trước mỗi buổi điều trị, sau đó lao vào luyện tập điên cuồng, thậm chí phải nghiên cứu kỹ nên diễn đạt ra sao, lấy những ví dụ nào, sử dụng kỹ xảo gì, và cách thay đổi giữa các chủ đề… Tôi tốn nhiều công sức chuẩn bị cho mỗi buổi điều trị như thể đang chuẩn bị cho buổi thuyết trình bằng tiếng Anh vậy.

Xét về mặt chuyên môn, kiến thức của tôi vẫn chưa thật vững. Cộng thêm sự hiểu biết về hệ thống pháp luật cho người trưởng thành, thanh thiếu niên, hệ thống trường học, chính phủ hay các nguồn lực xã hội… còn rất mơ hồ, nên việc giao lưu trao đổi những vấn đề đó bằng tiếng Anh càng khó khăn hơn. Có quá nhiều điều cần học, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Tôi nghĩ, rốt cuộc tôi phải chịu giày vò bao lâu nữa mới có thể thoát khỏi tình cảnh này.

Để nhanh chóng nắm vững chuyên môn, tôi đã tranh thủ đọc sách vào buổi tối. Tôi đã đọc rất nhiều sách tiếng Anh chuyên ngành, càng học tôi càng phát hiện ra nhiều điểm yếu. Tôi thật sự cảm thấy bản thân chỉ như tên tân binh tháo lắp súng chưa thạo đã phải ra chiến trường vậy. Mỗi lần đọc được điều gì đó trên sách, tôi vội thảo luận cùng quản lý. Sau khi được bà đồng ý, tôi mới vội vàng áp dụng vào thực tế. Có những lúc tôi thật sự cảm nhận rất rõ sự tiến bộ của bản thân, chính những tiến bộ nho nhỏ đó cũng khiến tôi thấy mình như đang ngồi trên chuyến xe hướng lên đỉnh núi, cực kỳ phấn khích. Nhưng cũng có thời điểm, tôi cảm thấy thất vọng vì những chuyện vặt vãnh không đâu. Ngày nào tôi cũng nỗ lực đứng lên từ đống hỗn độn ấy, nhưng vẫn luôn có cảm giác sợ hãi, sợ bị đào thải chóng vánh.

Nói thật, khoảng thời gian đó tôi luôn đi làm với tâm trạng tràn trề hy vọng, và quay về nhà với nỗi thất vọng chán chường. Mỗi ngày tôi đều hoài nghi năng lực của bản thân, đặc biệt khi mình là người nước ngoài, phải dùng tiếng Anh để giao tiếp với người Mỹ, liệu tôi có thật sự hiểu văn hóa của họ không? Có hiểu về gia đình họ không? Hiểu thứ ngôn ngữ của họ không? Là người rẽ ngang sang ngành Công tác xã hội, tôi có thể gánh vác được trọng trách giúp đỡ những người đang trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng này hay không? Hầu như ngày nào những vấn đề đó cũng quấy nhiễu tôi, tôi muốn cố gắng quên đi mọi lo lắng để toàn tâm toàn ý cho công việc, mà vẫn lực bất tòng tâm.

Cuối cùng, một hôm khi trao đổi công việc với quản lý, chúng tôi đã bàn đến vấn đề này. Tôi nói với bà ấy, giờ đây trở ngại lớn nhất trong việc lấy lại lòng tin, chính là bản thân tôi – một người nước ngoài mà tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ – lo lắng liệu có được khách hàng chấp nhận, tôi sợ sự khác biệt về bản chất từ nội dung lẫn hình thức ấy, sẽ khiến khách hàng nảy sinh tâm lý phản cảm. Một trở ngại khác chính là sự hạn chế về chuyên môn. Bà quản lý mỉm cười hiểu ý, và nói những lời mà tôi không bao giờ quên.

Bà ấy nói: “Kinh nghiệm chuyên môn có thể khắc phục dần theo thời gian, bất kỳ người thành công nào cũng phải trải qua quá trình từ yếu đuối đến mạnh mẽ, vì thế cháu không cần phải lo lắng về điểm này. Hôm nay chúng ta sẽ bàn về vấn đề ‘tâm lý người nước ngoài’ mà cháu đề cập. Điều ta muốn nói là, từ lúc cháu đặt chân lên mảnh đất này, xin hãy quên đi chuyện mình là ‘người nước ngoài’. Mỹ là một quốc gia di dân, ở đây, không có mấy khái niệm như người trong nước hoặc ngoài nước. Nếu quay ngược lại lịch sử, mỗi một người ở đây đều từng là “người nước ngoài”. Nhưng nay, mọi người đã đến nơi này thì chỉ có một mục tiêu để hướng đến: ước mơ của bản thân. Nếu muốn nhanh chóng thiết lập mối quan hệ cùng người khác, ta phải tập trung vào điểm chung của mọi người, chứ không phải điểm khác biệt. Mỗi một người khi đến với thế giới này đương nhiên luôn có sự khác biệt, sao có thể giống nhau được chứ? Cháu cảm thấy bản thân khác với người Mỹ, chẳng nhẽ giữa người Mỹ và người Mỹ lại không có điểm khác biệt hay sao? Quê hương của cháu là Trung Quốc, chẳng nhẽ người miền nam Trung Quốc và người miền bắc Trung Quốc không có sự khác biệt à? Ta tin chắc, là con người thì dù cháu đến từ đâu, điểm chung giữa chúng ta luôn nhiều hơn điểm khác biệt. Trên thực tế, chính vì nước Mỹ là một quốc gia di dân, nên người Mỹ không hề cảm thấy kỳ lạ chỉ vì cháu là người Trung Quốc, bởi họ đã quá quen với nhiều kiểu người đến từ các quốc gia khác nhau. Người không thể nào vượt qua được ngưỡng cửa đó, thật ra chính là bản thân cháu. Cháu nói xem chẳng nhẽ không phải vậy sao?

Ta phải nói rằng, trước khi cháu là người nước ngoài, đầu tiên cháu phải là một con người, cũng như mỗi khách hàng của cháu, họ cũng đều là con người. Nếu vậy, ắt sẽ có những nỗi buồn vui. Mỗi khách hàng của tổ chức, đa phần đều đang trong tình trạng vô cùng tuyệt vọng nên họ mới tìm đến sự giúp đỡ từ những người xa lạ. Cháu biết không, để một ai đó từ bỏ tự tôn và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, kỳ thực là một việc rất đáng xấu hổ, bởi vì điều này chẳng khác gì anh ta thừa nhận với thế giới rằng ‘tôi không tốt, tôi không thể xử lý được việc này, tôi không thể giáo dục được con cái, tôi không thể khuyên bảo được chồng mình.’ Vì thế, khi cháu đứng trước ngưỡng cửa nhà họ, thứ mà cháu phải đối diện chính là một tâm hồn đang vô cùng tuyệt vọng.

Một chuyên gia tư vấn tâm lý xuất sắc, phải chú trọng đến việc vận dụng kiến thức chuyên môn như thế nào để giúp đỡ đối phương, chứ không phải băn khoăn về biểu hiện dáng vẻ ra sao trước mặt người khác. Trọng tâm của chuyên gia tư vấn tâm lý phải là đối phương, chứ không phải bản thân mình. Để giúp đỡ mọi người, thứ duy nhất cháu cần chỉ là một trái tim chân thành mà thôi. Ta tin cháu có trái tim ấy, ta cũng tin tưởng tiềm năng chuyên môn của cháu, và ta càng tin tưởng vào trình độ ngôn ngữ của cháu. Nhưng tất cả điều này vẫn chưa đủ, chỉ khi cháu tin tưởng vào chính mình, cháu mới có thể làm được. Nếu cháu cảm thấy đối phương không thể chấp nhận chỉ vì ngôn ngữ hoặc văn hóa, vậy hãy chứng minh cho họ thấy đi, trừ phi cháu lựa chọn từ bỏ chính mình. Ta tin cháu sẽ không làm thế, bởi ta tin vào con mắt của mình khi tuyển dụng cháu, ta biết ta không nhìn nhầm người. Điều quan trọng nhất nằm ở việc ‘cháu là chính cháu’, chỉ thế mà thôi. Sự xuất sắc của một cá nhân chỉ liên quan đến chính bản thân người đó, không dính dáng gì đến việc anh ta là người nước nào.”

Cuộc nói chuyện ấy đã thay đổi hoàn toàn bản thân tôi. Cảm giác giác ngộ triệt để đó vẫn còn in dấu rõ rệt trong tôi cho đến tận hôm nay. Từng lời nói của bà không những xóa hết mọi nghi hoặc và bất lực của tôi, mà còn gỡ bỏ hoàn toàn những nỗi hoài nghi cứ quẩn quanh trong lòng bao lâu nay kể từ khi tôi đặt chân đến Mỹ.

Trước giờ, tôi chỉ thuộc số ít người Trung Quốc sống lạc lõng ở đây, khác biệt với mọi người từ cách đi đứng, ăn mặc, cho đến lời nói cử chỉ – mọi người đều giống nhau, chỉ riêng tôi một kiểu – lâu dần, tôi cảm thấy bản thân như rơi vào thế yếu. Vậy nên ngay từ ngày đầu tiên, trong tiềm thức của mình, tôi đã tự đặt bản thân vào vị thế đối lập với mọi người xung quanh về mọi mặt của cuộc sống. Trong hai năm du học, ngoại trừ những bài đọc bắt buộc trên lớp, tôi hầu như chẳng thèm đọc sách tiếng Anh, sách và trang web bình thường hay đọc đều toàn tiếng mẹ đẻ. Hơn nữa, tôi cũng ít khi chủ động giao lưu với bạn bè người Mỹ, mà luôn tụ tập với đám sinh viên Trung Quốc. Trong thời gian thực tập ở bệnh viện, tâm trạng tiêu cực ấy có ít nhiều thay đổi, nhưng dường như cũng chỉ vì bất đắc dĩ. Lúc vấp phải khó khăn, tôi luôn ôm lấy cái cớ tiếng Anh để bao biện cho việc mình làm không tốt: Thấy chưa, tại vì dùng tiếng Anh nên mới khó khăn thế, nếu là tiếng Trung thì đúng là chuyện vặt. Nhưng sự thật có phải vậy không? Chưa chắc.

Suy cho cùng vẫn do tôi chưa thể điều chỉnh được bản thân. Trong lịch sử nhân loại, mỗi năm có hàng triệu du học sinh từ nước này sang nước khác, từ nền văn hóa này đến nền văn hóa kia, vậy cũng sẽ có từng ấy người phải trải qua những thứ như tôi bây giờ. Rất nhiều người đã thành công, tại sao tôi lại không thể cơ chứ? Trưởng thành là như thế này: đầu tiên cho rằng bản thân có thể, sau khi vấp ngã mới biết mình không thể, rồi tiếp tục học hỏi, thực hiện, và thất bại, lại kiên trì, học hỏi, thực hiện, từ đó có tiến bộ, sau cùng mới trở nên thật sự vững vàng. Quá trình ấy, bất kể bạn là ai, làm cái gì, đi theo con đường nào, đều buộc phải trải qua, không thể lẩn tránh, chỉ có cách đối mặt. Bình tĩnh, suy nghĩ thật rõ ràng, lạc quan đón nhận, không có cửa ải nào không thể vượt qua. Vẫn câu nói cũ: tất cả những điều không giết nổi bạn, đều có thể khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn.

Đối với cá nhân tôi, tôi luôn tự nhủ: Thứ nhất, mọi điều hôm nay đều do tôi lựa chọn, vì thế dù cay đắng ngọt bùi đều phải tự mình gánh chịu. Hai, tôi phải biết cách thấu hiểu và bao dung những khác biệt về văn hóa. Ba, đối với khách hàng, tôi là chuyên gia tư vấn tâm lý, nên họ sẽ chú ý đến việc tôi có thể giúp được họ hay không, chứ không phải tôi đến từ nền văn hóa nào. Bốn, tôi còn nhiều thiếu sót trong công việc, nên càng phải tập trung học tập và tích lũy với tâm trạng thoải mái nhất, hướng suy nghĩ vào việc trở nên mạnh mẽ hơn, chứ không suốt ngày ngồi than thân trách phận.

Nhớ khi xưa mẹ dạy tôi trượt băng. Lúc ấy, mẹ luôn đứng trước tôi, giang rộng tay và nói: “Đến đây con, hãy trượt đến chỗ mẹ.” Và tôi đã nhấc đôi chân đang mang giày, loạng choạng trượt đến bên mẹ, chỉ cần mất tập trung một chút thôi sẽ ngã sõng soài trên mặt băng. Nhưng mẹ chưa từng đỡ tôi dậy, bà vẫn đứng nguyên tại chỗ tiếp tục cổ vũ tôi đứng lên trượt đến chỗ bà. Vì thế, sau vô số lần trượt ngã, và vô số lần tự đứng dậy, cuối cùng tôi cũng trượt đến trước và nhảy bổ vào lòng mẹ. Về sau, tôi không những biết trượt băng mà còn có thể trượt rất nhiều kiểu. Đó là lý do tại sao tôi thích mùa đông, bởi lúc đó tôi có thể tung tăng bay nhảy trên sân băng.

Giờ nghĩ lại, quả thật làm việc gì cũng đều phải trải qua một quá trình như thế – thất bại, đứng lên, tiến về phía trước, lại thất bại, rồi lại đứng lên, và tiếp tục lao đi. Có một câu nói rất hay: “Càng thất bại càng bền bỉ, cuối cùng sẽ trở nên kiên cường trước sóng gió cuộc đời!” Bất kể phải khắc phục tâm lý hay thích ứng với hoàn cảnh, đó mới là cảnh giới tinh thần tôi nên theo đuổi.

Từ giả vờ biết làm đến thật sự làm được

Tuy ba tháng đầu tiên vô cùng khổ sở, đa phần hồ sơ đều không quá thành công, nhưng tôi vẫn nghiêm túc tổng kết những tiến bộ của bản thân trong ba tháng ấy. Sau khi tổng kết, tôi phát hiện, mình không những đã hoàn toàn hiểu rõ về thiết kế chương trình, làm quen với môi trường tư vấn tâm lý theo kiểu dịch vụ tận nơi, hơn nữa còn nắm vững toàn bộ quá trình từ khi mở hồ sơ cho đến khi kết thúc. Vì vậy, tình trạng lộn xộn ban đầu đã giảm đi đáng kể, điều khiến tôi lo ngại nhất chỉ xoay quanh vấn đề làm thế nào để xử lý tốt một bộ hồ sơ, tức phải khiến bản thân trưởng thành hơn trong chuyên môn.

Ba tháng sau, khi cầm hồ sơ lượt khách hàng thứ hai, tôi không còn cảm giác mất phương hướng như hồi đầu nữa. Trước mỗi cuộc gặp mặt, tôi đều ghi lại những điều cần nói lên giấy, bao gồm phương thức chào hỏi, cách đi vào vấn đề, chuyển chủ đề, cũng như cách trả lời những vấn đề mà khách hàng có thể đặt ra. Đôi khi, thậm chí đến cách kể một câu chuyện cười như thế nào, cũng phải ghi lại. Tất cả đều được tôi viết ra giấy và luyện tập trước, đồng thời xin ý kiến của mọi người xung quanh.

Mỗi lần lái xe đến gặp khách hàng, trên đường đi tôi đều luyện đi luyện lại những điều cần nói. Sau khi đến nhà họ, tôi hít một hơi thật sâu, gõ cửa, mỉm cười, chào hỏi, tự giới thiệu, bước vào nhà, ngồi xuống, hàn huyên vài câu, đi vào chủ đề chính, giới thiệu chương trình, ký kết thỏa thuận dịch vụ, thực hiện đánh giá khách hàng, hẹn gặp mặt lần sau và tạm biệt. Tất cả đều tiến hành theo “kịch bản” mà tôi chuẩn bị trước. Mỗi khi biết tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ của tôi, khách hàng đều rất ngạc nhiên. Họ luôn khen tiếng Anh của tôi rất trôi chảy, có ai biết đó chính là kết quả của việc luyện và diễn tập nhiều lần, mới khiến tôi tạo ra được dáng vẻ chuyên nghiệp như thế.

Để bù đắp sự thiếu hụt về kinh nghiệm, ngoài việc phải tăng cường học tập, tích lũy, bỏ ra nhiều công sức hơn, liệu còn con đường nào khác? Đối với một tay mơ mới vào nghề, nếu muốn bay cao và xa hơn, chỉ duy có cách học bay sớm và nỗ lực hơn ở những phần còn lại. Trong khoảng thời gian ấy, vì những vất vả cố gắng nỗ lực nên bảng thành tích đánh giá của khách hàng cho tôi ngày càng tốt. Tôi bắt đầu nhận được thiệp chúc mừng, lời nhắn, tranh của mấy đứa trẻ hoặc thư từ các bà mẹ gửi đến để cảm ơn. Lúc ấy, mỗi lần gặp khách hàng, thần kinh vẫn căng thẳng tột độ, chỉ khi bước ra khỏi nhà họ, tôi mới thở phào nhẹ nhõm như gỡ bỏ được một gánh nặng, nhưng cảm giác sợ hãi run rẩy trước đây đã dần dần biến mất.

Chính vì những hồ sơ tôi tiếp nhận trong nửa năm đó đều không quá khó, đa phần khách hàng đều rất thân thiện, tôi chưa bao giờ đụng phải những kiểu hạnh họe, hay những người phân biệt chủng tộc hoặc ngôn ngữ. Vì thế, có một dạo tôi cho rằng mình đã thật may mắn trong công việc, cho đến khi gặp phải gia đình Z.

Z là một gia đình người Mỹ rất giàu có. Chính vì chúng tôi là một tổ chức phi lợi nhuận, tất cả đều miễn phí, nên phần lớn khách hàng đều là những người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu trở xuống, trường hợp như gia đình Z tương đối hiếm gặp. Lần gặp mặt đầu tiên được hẹn vào buổi sáng thứ sáu. Đêm trước đó, tôi đã đọc kỹ hồ sơ về gia đình này, đồng thời chuẩn bị rất cẩn thận, luyện tập trước nhiều lần như mọi khi.

Ngày hôm sau, khi vừa đến khu phố của gia đình Z, tôi lập tức bị choáng ngợp bởi những căn biệt thự xa hoa sừng sững hai bên đường. Không hiểu sao, giây phút ấy bao nhiêu tự tin trong tôi phút chốc tiêu tan. Tôi bắt đầu suy diễn: Người có thể ở trong khu vực này, nhất định phải được hưởng nền giáo dục cực tốt nhỉ? Nhất định phải tốt nghiệp từ trường danh tiếng? Nhất định phải rất hoành tráng? Không biết họ có chê bai một con ranh vắt mũi chưa sạch, kinh nghiệm ít ỏi, chưa hiểu hết sự đời như mình không? Cứ thế, càng nghĩ tôi càng căng thẳng, thầm lo bản thân có thể không xử lý nổi vụ này.

Đúng lúc ấy, tôi đột nhiên nhớ đến một câu nói của vị giáo sư hồi còn đi học ở WUSL: Fake it, untill you have it – hãy cứ vờ là đã có rồi ta sẽ có được. Ý của ông ấy là, danh tiếng nghề nghiệp và lòng tự tin chỉ có được từ sự khổ luyện, tích lũy sau nhiều năm, nên một con ngốc vừa mới tốt nghiệp làm sao che mắt được thiên hạ. Nhiều lúc, tôi vừa thiếu lòng tin, vừa thiếu kinh nghiệm, nên đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Vì thế, vị giáo sư ấy nói rằng, trong trường hợp cần gấp sức hút khi chưa có sức hút, ta buộc phải đóng kịch! Hãy tỏ ra là người có sức thu hút cho đến khi bạn thật sự có được điều đó; tỏ ra tự tin cho đến khi bạn thực sự tự tin.

Nghĩ đến đây, tôi đứng trước cửa nhà khách hàng, hít một hơi thật sâu, sau đó dũng cảm ấn chuông…

Ông chủ nhà ra mở cửa trông có vẻ rất đôn hậu, mỉm cười rạng rỡ chào đón tôi. Bà chủ từ trên lầu bước xuống, nhẹ nhàng tự giới thiệu. Nhìn bề ngoài, bà ấy giống hệt nhân vật nữ chính trong bộ phim Những bà nội trợ kiểu Mỹ, dáng người dong dỏng cao, cơ thể nuột nà, khó ai tin đây là bà mẹ bốn con.

Tôi vừa tự giới thiệu vừa cùng ông chủ nhà đi vào phòng khách. Trời ạ! Căn phòng khách của họ lớn đến mức có thể chứa cả một cái bể bơi. Hai vợ chồng lịch sự mời nước, tôi cũng tiện thể nói dăm ba câu về thời tiết để phá vỡ sự im lặng. Thật ra, trước khi bắt đầu quá trình điều trị, tôi đã vạch mục tiêu rất rõ ràng. Kế hoạch vẫn như bình thường, tôi dự định sau khi ngồi xuống sẽ bắt đầu giới thiệu chương trình và đánh giá khách hàng, sau đó thảo luận về phương án trị liệu. Nhưng tôi còn chưa kịp mở miệng, bà chủ nhà đã nói trước.

Bà ta dịu dàng khuấy cốc cà phê và nói nghiêm túc: “Joy, nếu cô không ngại, hãy tự giới thiệu về hoàn cảnh của cô trước nhé. Tôi thấy cô còn khá ít tuổi, cô đã làm công việc này được bao lâu rồi? Có bao nhiêu năm kinh nghiệm? Đã từng làm việc với nam thanh niên trong độ tuổi dậy thì chưa? Hiệu quả như thế nào?” Một loạt các câu hỏi như đạn pháo dồn dập ném về phía tôi, khiến tôi luống cuống. Suốt hơn nửa năm đi làm, tôi chưa từng gặp khách hàng nào chủ động hỏi thăm tình hình của nhân viên tư vấn, vì thế đầu óc tôi hoang mang trống rỗng. Đầu tiên, tôi cảm giác khá bồn chồn vì bị tra khảo, nhưng lại thấy những câu hỏi bà ta đưa ra rất hay. Thử nghĩ xem, nếu là tôi, nhất định tôi cũng muốn biết người sẽ điều trị cho con mình trong suốt mấy tháng trời là người như thế nào, có kinh nghiệm gì, có thể đảm nhiệm được công việc đó hay không.

Lúc ấy, tôi có đôi chút do dự: Nếu nói thật, có thể họ sẽ từ chối hợp tác vì tôi thiếu kinh nghiệm; nhưng nếu nói dối bản thân có kinh nghiệm phong phú, không những lương tâm bị cắn rứt, mà sau này sớm muộn cũng bị bại lộ. Sau khi trải qua sự tranh đấu kịch liệt giữa hai bản năng, cuối cùng tôi vẫn quyết định nói sự thật. Tôi nói với họ tôi vốn không phải người Mỹ, vì thế khi nói chuyện có thể sẽ mắc một số lỗi trong diễn đạt, nếu nghe không hiểu hoặc có thắc mắc, xin hãy phản ánh lại với tôi. Nhưng cho dù vậy tôi vẫn rất nỗ lực cộng tác cùng quý vị, nhất định sẽ dốc hết sức để đạt được mục tiêu trị liệu. Sau đó tôi vờ bình tĩnh, mỉm cười đầy tự tin với bà chủ nhà.

Nếu như trước đây, mỗi khi nghe thấy vậy, nhất định các bậc phụ huynh sẽ mỉm cười, tán dương tiếng Anh của tôi rất khá, và khích lệ tôi. Nhưng ánh nhìn của người phụ nữ này vẫn rất nghiêm nghị, bà ấy tiếp tục chất vấn: “Cô không phải người Mỹ, cũng không trưởng thành ở Mỹ, vậy cô không cảm thấy những sự khác biệt cơ bản về văn hóa sẽ gây ảnh hưởng đến việc trao đổi giữa cô và con trai chúng tôi sao?”

Lại là một vấn đề tôi chưa hề chuẩn bị trước. Lâu nay, chưa từng có gia đình nào thắc mắc về vấn đề này, nên đã khiến tôi quên mất sự tồn tại của sự “khác biệt văn hóa”. Giờ bà ta đột nhiên nhắc đến, khiến tôi vô cùng luống cuống. Nhưng đây cũng là câu hỏi vô cùng hợp lý. Nếu con của tôi gặp vấn đề về tâm lý, đột nhiên có một người nước ngoài đến muốn làm việc cùng con tôi, giúp khắc phục vấn đề đó, nhất định tôi cũng lo lắng không biết người này có thể xử lý được hay không.

Tôi lặng im suy nghĩ một hồi, sau đó đồng tình với bà ta, cho rằng sự lo lắng ấy rất hợp lý, nếu là tôi, tôi cũng sẽ như vậy. Sau đó tôi giới thiệu khái quát về bản thân, cũng như bối cảnh văn hóa mà tôi có thể phát huy hiệu quả tích cực trong giai đoạn trị liệu. Tôi thành thực nói, khi mới nhận công việc này, tôi cũng từng có lo lắng tương tự, bởi cảm thấy mình là người nước ngoài, nên khó có thể hợp tác tốt với các gia đình người Mỹ. Tuy nhiên, quản lý của tôi đã giúp đỡ tôi thay đổi quan niệm sai lầm này. Giờ đây tôi tin chắc, điều quan trọng nhất với một chuyên gia tư vấn tâm lý là tấm lòng chân thành muốn giúp đỡ người khác. Sau khi có nó, những vấn đề khác đều là chuyện nhỏ. Đồng thời, trị liệu hiệu quả hay không, còn phụ thuộc vào bản thân khách hàng. Nếu con trai bà ấy không muốn chấp nhận tư vấn tâm lý, thì dù một chuyên gia người Mỹ với kinh nghiệm phong phú cũng đành bó tay.

Do đây là niềm tin sâu sắc trong tôi, vì thế tôi luôn khẳng định chắc nịch khi nói chuyện. Có vẻ bà chủ nhà cảm nhận thấy sự tự tin của tôi, liên tục gật đầu như thể đã bị tôi thuyết phục. Sau đó mới chậm rãi mở lời, bắt đầu giới thiệu về tình hình gia đình mình. Trong quá trình trao đổi, cả hai vợ chồng đều vô cùng lịch sự, tôi có thể cảm nhận họ thật sự tôn trọng tôi, chứ không hề cố ý hạ mình tỏ vẻ lịch sự, khiến người khác cảm thấy khó xử. Chúng tôi càng trao đổi càng cảm thấy rất hợp ý.

Cuối cùng cũng đến lượt tôi trình bày về chương trình, tôi bắt đầu giới thiệu phương pháp trị liệu TFCBT theo đúng bài vở đã chuẩn bị sẵn. Tôi nói với họ, con trai họ trở nên khép mình có thể do từng chịu sang chấn tâm lý nào đó trước đây, hơn nữa phương pháp TFCBT này chuyên áp dụng cho đối tượng thanh thiếu niên. Khi bà ấy nghe đến từ “sang chấn tâm lý”, đôi mắt như ánh lên, gật đầu lia lịa đồng tình! Vì thế tôi liền nhanh chóng trình bày tỉ mỉ quá trình điều trị của liệu pháp đó, cũng như nhiệm vụ, mục tiêu và tác dụng của từng giai đoạn trị liệu. Vì tôi thực sự thích phương pháp trị liệu này, nên trong quá trình giảng giải, tôi càng tự tin hơn. Bạn biết đấy, chỉ cần bạn có hứng thú đặc biệt với một công việc nào đó, khi bạn nói về nó, sẽ tự động mang theo sự tự hào và lòng tự tin, hơn nữa người khác cũng sẽ thấy và cảm nhận được.

Đó dường như là lần diễn thuyết dài nhất từ khi tôi bắt đầu đi làm. Tôi kể cho họ nghe một vài trường hợp thành công trong nửa năm qua của mình, nhưng cũng nói thành thật, tôi không hề có chiêu thức đặc biệt gì, nên không thể đảm bảo con trai họ hoàn toàn hồi phục sau ba tháng, nhưng tôi sẽ cố hết sức giúp gia đình và con trai họ nhanh chóng quay trở lại cuộc sống vốn có. Lúc ấy, đột nhiên một vài sự so sánh nhỏ tôi từng đọc trong nhiều sách chuyên ngành trước đây xuất hiện trong đầu, nên tôi vội vàng đưa ra ví dụ về thạch cao, tấm thảm, phục kích và phòng ngự. Chỉ những ví dụ ấy mới có thể giúp con người ta hiểu được một cách chính xác và nhanh chóng nhất những nguyên lý trị liệu tâm lý tương đối phức tạp.

Trong quá trình giảng giải, hai vợ chồng chăm chú lắng nghe không chớp mắt. Sau khi kết thúc, bà chủ nhà đi vòng qua chiếc bàn, đến bắt tay và tán dương tôi không ngớt: “Joy, nói thật, khi cô vừa mới đến, thấy cô là người gốc Á, nên tôi có rất nhiều điều ngờ vực. Tôi không biết con trai tôi sẽ như thế nào khi phải đối mặt với một cô gái trẻ tuổi người châu Á, không biết nó có thích cô hay không, và lo nó sẽ không chịu trò chuyện cùng cô. Tuy nhiên, sau buổi nói chuyện này, mọi nghi ngờ của tôi đều tan biến. Tôi cảm thấy vô cùng thoải mái khi trò chuyện cùng cô, và cũng rất tin tưởng cô. Có lẽ kinh nghiệm làm việc của cô chưa thật nhiều, nhưng tôi cảm nhận được một trái tim thật sự muốn giúp đỡ người khác trong cô. Tôi rất thích cô, và tin rằng con trai tôi cũng sẽ thích cô.” Bà ấy vừa dứt lời, người đàn ông liên tục gật đầu đồng ý, đồng thời giơ ngón tay cái lên với ý tán thưởng. Lúc ấy, tôi thật sự cảm thấy mình đang đứng trên đỉnh Himalaya.

Trước khi ra về, tôi lịch sự bắt tay chào từ biệt họ, nhưng người phụ nữ lại nhiệt tình chủ động ôm chặt lấy tôi. Vốn chỉ là buổi trị liệu kéo dài một giờ, cuối cùng phải mất đến ba giờ mới xong. Trên đường về nhà, tôi đã hát rất to theo nhịp bài hát đang phát trên radio. Đây chưa hẳn là lần gặp gỡ đầu tiên thành công nhất, nhưng chắc chắn là lần có cảm giác thành công nhất.

Tôi từng trải qua lo lắng, run rẩy và giằng xé trong nhiều buổi gặp mặt trước đây, cũng từng đụng phải kiểu “hỏi cung” gây bối rối như thế này, và đã dần dần khắc phục tâm lý chống cự để nhìn nhận khách hàng một cách khách quan hơn. Lắng nghe – phản hồi – trao đổi, sau cùng kết thúc buổi gặp mặt trong sự tin tưởng và yêu quý lẫn nhau. Tôi cảm thấy mình thật sự đã thay đổi 180 độ: sự lo lắng của họ đã biến mất, cảm xúc của tôi với mình, với người cũng hoàn toàn đổi chiều.

Lần gặp mặt này mang ý nghĩa bước ngoặt đối với công việc của tôi. Thú thật, chính vì trước kia mỗi lần gặp gỡ khách hàng, tôi đều chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng, nên cảm thấy mình mà không có sự chuẩn bị, nhất định sẽ chẳng thể hoàn thành buổi điều trị. Tuy nhiên lần này, tôi đã nói với họ rất nhiều chuyện chưa được chuẩn bị trước, chỉ đơn thuần là những cảm nhận chân thực rút ra từ trong công việc hàng ngày. Thì ra, những thứ được tôi tích lũy dần dần trong vô thức, sớm đã tồn tại trong tiềm thức, khi ta thật sự cần dùng đến, nó sẽ lập tức bật ra. Hơn nữa, tôi đã có thể diễn đạt rất nhiều ý tưởng trong đầu bằng thứ tiếng Anh chuẩn mà không cần phải chuẩn bị hay tập luyện trước, chúng giống như dòng nước suối tự nhiên tuôn trào. Cảm giác ấy y hệt hồi luyện nghe tiếng Anh trong trường đại học, bỗng một ngày nhận ra, mình có thể nghe hiểu hết VOA – thật quá kích thích và hưng phấn!

Nhớ lại trước đây, mỗi buổi gặp gỡ khách hàng, mỗi buổi trị liệu tôi đều phải dày công chuẩn bị, tốn rất nhiều công sức. Lúc ấy do chưa có nhiều kinh nghiệm, nên chỉ đành cố đấm ăn xôi, ra vẻ rất có sức hút và tự tin. Nhưng, cứ giả vờ, giả vờ mãi, hóa ra lại trở nên tự tin và thu hút thật! Chính nhờ những lăn lộn đó, mà năng lực ngôn ngữ và trình độ chuyên môn của tôi đã có sự tiến bộ không ngờ!

Giờ nhớ lại, tôi cảm khái vô cùng. Quả thật, sự trưởng thành của một người phải trải qua một quá trình vô cùng lâu dài. Vì thế đừng bao giờ coi nhẹ những nỗ lực nhỏ bé mà bạn bỏ ra mỗi ngày, chính nhờ những nỗ lực ấy bạn mới dần trở nên mạnh mẽ. Tuy đôi khi cảm thấy, những nỗ lực tựa như không mục đích kia chẳng hề có điểm cuối, nhưng nhờ nó bạn có thể nhanh chóng nắm bắt được những cơ hội đang vụt qua trước mắt, đồng thời chứng minh mình là lựa chọn hoàn hảo duy nhất. Bạn sẽ phát hiện ra, trong vô số tháng ngày âm thầm lặng lẽ đã qua ấy, bạn đã được trui rèn một cách vô thức. Tuy hiện tại bạn có thể cảm thấy đau khổ, sẽ gặp phải những thất bại, nhưng kinh nghiệm và bài học rút ra mới thật sự là thứ có ích cho cả cuộc đời bạn. Vì thế, đừng than thân trách phận, đừng lùi bước trước những bế tắc, hãy suy nghĩ tích cực về những thứ bạn đã được học. Bạn hãy hiểu những đau khổ mình từng trải qua không phải vô ích, tương lai khi gặp lại sự việc tương tự bạn sẽ có kinh nghiệm tránh được những sai lầm khi xưa ấy. Vì thế, tôi rất cảm ơn mọi thất bại và khổ đau đã từng trải qua trong quá khứ.

Công việc và cuộc sống như chiếc bập bênh

Trước khi đi làm chính thức, tôi luôn nghĩ cuộc sống nơi công sở vô cùng tươi đẹp. Tôi hy vọng mình có thể giống như những nhân viên cổ cồn,[9] sáng trang điểm, thưởng thức một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng, khoác lên người bộ trang phục công sở, mang giày cao gót, tao nhã lái xe đến công ty dự họp, tea-break nhàn nhã uống một cốc cà phê, sau giờ làm cùng đi bar hoặc xem phim với vài người bạn thân. Tôi luôn khao khát có được cuộc sống ấy.

Nhưng sau khi thật sự trở thành một nhân viên chuyên nghiệp, tôi mới phát hiện ảo tưởng tươi đẹp ấy không hề tồn tại. Giờ đây, cuộc sống mỗi ngày của tôi là, vội vàng vệ sinh cá nhân sau mỗi sớm thức dậy, bữa sáng thường giải quyết ngay trên xe, sau vài cuộc họp liên tục ở cơ quan là bữa trưa vội vàng qua quýt, rồi bắt đầu đi gặp từng khách hàng. Thời gian trôi đi vùn vụt từ khách hàng A đến khách hàng B, từ khách hàng B sang khách hàng C. Về sau, khi công việc dần trở nên bận rộn, hồ sơ tiếp nhận ngày càng nhiều, quy luật ăn uống ngủ nghỉ của tôi đều bị đảo lộn hoàn toàn.

Suy cho cùng, con người cũng chẳng phải máy móc, việc ăn uống và nghỉ ngơi không có quy luật trong thời gian dài khiến tôi suy sụp nhanh chóng. Một thời gian, tôi cảm thấy xương sườn đau kinh khủng, mỗi lần hít thở mạnh liền cảm thấy nhức nhối khó chịu. Sau khi bỏ chút thời gian đi bệnh viện kiểm tra mới phát hiện mình bị viêm cơ ngực. Vấn đề không quá nghiêm trọng nên bác sĩ chỉ kê cho tôi một lọ thuốc tiêu viêm. Dù vậy, nó cũng khiến tôi chú trọng hơn đến sức khỏe. Tôi nghĩ, một năm qua làm việc quá vất vả gây ảnh hưởng đến sức khỏe, giờ công việc đã đi vào nề nếp, mình cần phải nghỉ ngơi hợp lý. Vì thế, tôi bèn bắt đầu thay đổi quan niệm làm việc và điều chỉnh lối sống.

Không ngờ lại sửa sai quá đà, lần điều chỉnh này khiến tôi đi từ cực đoan này đến cực đoan kia. Lúc đầu, hàng ngày tôi đều lao lực làm việc, sau đó lại nghỉ ngơi quá nhiều, tôi chỉ dành đúng tám tiếng trong ngày để làm việc, còn lại gần như dành cho nghỉ ngơi và giải trí. Dần dà, thái độ buông thả ấy cũng lây lan sang công việc, tôi không còn tập trung chuẩn bị cho buổi trị liệu, buổi tối cũng không đọc sách nữa, sống một cách tự do vô kỷ luật. Cứ thế, rất nhiều việc cần làm bị dây dưa kéo dài, căn bệnh nước đến chân mới nhảy phát tác mạnh mẽ. Lâu dần, tuy sức khỏe có tiến triển, nhưng tâm trạng lại không hề thanh thản.

Cứ vậy, công việc và cuộc sống như hai thái cực luôn ở trạng thái đối lập nhau. Thời gian đó, thời gian trôi qua cực nhanh, thậm chí còn nhanh hơn cả lúc bận rộn, đến mức mỗi khi tôi ngồi tổng kết lại, còn chẳng nhớ nổi hàng ngày bản thân đã làm những gì. Trong ký ức, cuộc sống đã trôi qua hệt như một tờ giấy trắng, cảm giác ấy thật khiến con người ta sợ hãi.

Tôi phát hiện rằng, khi còn đi học, cho dù bạn không muốn tiến bộ thì cũng sẽ bị đống bài tập và kỳ thi thúc ép. Nhưng, cuộc sống sau khi đi làm hoàn toàn trái ngược, học và không học, tiến bộ hay không, tất cả đều dựa vào sự tự giác. Tuy cuộc sống ấy tự do hơn nhiều, nhưng nếu không sử dụng tốt sự tự do ấy, cuộc đời rất dễ bị hủy hoại qua từng ngày. Giống như tôi trong giai đoạn ấy, luôn mượn cớ “chăm sóc sức khỏe” để hưởng thụ cuộc sống, nhưng lại bị biến thành một con ếch trong chậu nước nóng[10] mà không hề hay biết. Cho đến khi những người bên cạnh đều không ngừng tiến bộ, tôi mới cảm thấy nguy hiểm.

Sau khi ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, tôi quyết định không thể tiếp tục vậy, mà phải nghiên cứu cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cố gắng làm việc tám tiếng với hiệu suất cao, tám tiếng tiếp theo dành để chăm sóc sức khỏe bản thân, và tự nâng cao trình độ. Vậy là, tôi lại sử dụng kỹ năng xây dựng kế hoạch, bắt đầu thiết kế cho cuộc sống sau khi đi làm.

Đầu tiên, tôi xây dựng một mục tiêu cụ thể và rõ ràng trong tám giờ làm việc. Nhưng điều này thực sự làm khó tôi. Trước đây mục tiêu của tôi đều rất rõ ràng cụ thể, ví dụ “thi lấy bằng lái xe”, “viết xong cuốn sách đầu tiên”… nhưng hiện tại mục tiêu chỉ vỏn vẹn bốn chữ “làm tốt công việc”. Rốt cuộc “làm tốt công việc” là gì? Khái niệm này quá rộng lớn và mơ hồ, hơn nữa chẳng thể định lượng được. Do mơ hồ như thế, nên có thời gian tôi làm việc như một cái máy, giải quyết hồ sơ chỉ vì nó là hồ sơ. Không lâu trước đây, tôi phát hiện ra, những thứ mình học được từ công việc khá hạn chế, cũng có chút ít kinh nghiệm làm việc, nhưng sau khi tự kiểm điểm mới thấy, kỳ thực trình độ chuyên môn vẫn giậm chân tại chỗ.

Vì thế, khi xây dựng lại mục tiêu công việc, tôi đã tự yêu cầu bản thân phải viết một cách thật chi tiết, cụ thể và có thể định lượng. Ví dụ, tôi muốn nâng cao năng lực đặt câu hỏi trong quá trình điều trị cho hồ sơ A, tìm hiểu sâu về chứng tự kỷ khi xử lý hồ sơ B, luyện tập cách sử dụng đồ chơi để tiến hành đánh giá và nói chuyện với trẻ nhỏ trong hồ sơ C. Sau khi liệt kê ra những mục tiêu trên, mỗi khi đối mặt với một hồ sơ hay buổi trị liệu, tôi đều có mục tiêu rất rõ ràng. Khi khép lại một hồ sơ, tôi còn tiến hành tổng kết. Về sau, mỗi lần lật sổ nhật ký công việc, tôi đều nhớ như in tình tiết hồ sơ và sự tiến bộ của bản thân.

Trong cuộc sống ngoài công việc, tôi cũng có ý thức lên kế hoạch cho mình. Ví dụ, tôi yêu cầu bản thân mỗi tháng phải đọc ít nhất một cuốn sách chuyên ngành, và một cuốn tùy chọn khác, mỗi tuần chí ít phải có ba buổi luyện tập thể thao, và một buổi hoạt động ngoài trời (ví dụ leo núi hoặc bơi lội). Nói thật, ban đầu rất khó khăn để chấp hành đúng kế hoạch, đặc biệt khi bạn đã quen với nếp sống uể oải. Mỗi lần tan làm về nhà, tôi chỉ muốn nằm ườn trên giường, rất nhiều lần hai vợ chồng phải động viên nhau mới lê nổi người bước lên máy tập chạy. Nhưng dần dần, sau nửa năm hình thành thói quen, tôi mới phát hiện quy luật cuộc sống quả có ma lực thần kỳ, nó khiến bạn hoàn toàn tập trung khi làm việc và thả lỏng khi nghỉ ngơi chứ không để bản thân buông thả, cuộc sống cân bằng như thế mới là mô thức phát triển đáng để duy trì.

Không quên mục tiêu mới đạt được thành công

Sau hơn một năm làm việc, tôi quen thuộc hơn với mọi thứ trong cơ quan, công việc cũng dần trở nên thuận lợi. Lúc ấy, tôi không còn là tân binh nữa, bởi cơ quan đã tuyển thêm nhiều người còn mới hơn tôi, điều này khiến tôi thoát khỏi cảm giác phải cẩn thận từng ly từng tí như hồi mới đi làm. Người mới vào là một cô gái người Mỹ xấp xỉ tuổi tôi, vừa tốt nghiệp thạc sĩ, kinh nghiệm làm việc cũng cực kỳ ít ỏi. Thấy dáng vẻ run rẩy khi tự giới thiệu vào ngày đầu đi làm, khiến tôi muốn chạy đến ôm chặt lấy cô ta, bảo cô ấy đừng sợ hãi, ngày xưa tôi cũng y hệt vậy! Sau đó tôi mới phát hiện, trong một môi trường hoàn toàn mới, bất kỳ ai cũng phải trải qua những ngày tháng rụt rè sợ sệt như thế. Sau khi tạm biệt được cảm giác ấy, cuối cùng ta cũng có thể thở phào nhẹ nhõm.

Khi kinh nghiệm ngày càng nhiều, độ khó của các hồ sơ mà quản lý giao cho tôi càng phức tạp hơn. Tôi là một người thích chinh phục các thử thách, nên lần nào cũng đều hân hoan chấp nhận. Tuy nhiên, cùng với độ khó tăng cao, áp lực ngày càng đè nặng, công việc dường như xen vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, ngay cả khi ngủ tôi cũng mơ đến khách hàng. Để đạt được thành tích, thời gian đó tôi bắt đầu dốc hết sức cho công việc, nên không lâu sau lại lao xuống vòng xoáy tâm lý tiêu cực. Một vài sự việc xảy ra sau đó, trực tiếp biến thành ngòi nổ khiến tôi rơi vào trạng thái suy sụp thêm lần nữa.

Đầu tiên, một khách hàng mà tôi rất quý mến, do không tuân thủ đúng thời gian tham gia các hoạt động xã hội theo chỉ định của tòa án, liên tục dùng ma túy, hơn nữa còn nói dối tôi, quan tòa và cả cảnh sát phụ trách, nên cuối cùng bị tống giam vào nhà tù dành cho thanh thiếu niên. Khi bạn biết tin một người vài hôm trước còn ngồi vui vẻ trò chuyện trước mặt bạn nay đã bị tống vào tù, cảm giác ấy vô cùng tệ hại. Tôi gọi điện cho cậu ấy và hỏi, có phải bây giờ mũi cậu dài bằng cánh tay rồi không. Cậu ta hỏi tại sao, tôi trả lời vì khi Pinochio nói dối, mũi sẽ tự nhiên dài ra. Anh chàng nghe xong liền cười đầy gượng gạo, và liên tục nói xin lỗi. Trước thời điểm đó, công việc của tôi tiến triển rất thuận lợi, bởi vì cậu được các giáo viên trong trường đánh giá rất tốt, mẹ cậu ta cũng nói gần đây con trai bà ngoan ngoãn hơn nhiều, mỗi lần gặp mặt, tôi đều rất tự hào vì sự tiến bộ của cậu ấy. Nhưng sau đó, cậu ta lại bị tống vào tù. Là người phụ trách điều trị tâm lý, trong tình huống ấy, tôi thật sự cảm thấy xấu hổ. Tôi luôn nghĩ nếu lúc ấy tôi nỗ lực hơn, có lẽ sự việc hôm nay đã không xảy ra.

Có một cậu bé khác trong cùng tập hồ sơ, tuần đầu tiên cậu ta hùng hổ tuyên bố sẽ thay đổi cuộc sống, hơn nữa còn tự tin đánh cuộc cùng tôi, và liệt ra một loạt ước mong trong năm mới. Tuần thứ hai, cậu ta bắt đầu oán trách đời, cãi nhau với mẹ, đêm hôm trốn ra ngoài tụ tập, hút hít ma túy cùng lũ thanh niên trong khu phố. Tuần thứ ba, cậu ta bị đình chỉ học một tuần vì đánh nhau với bạn học. Cậu ta nằm ườn trên sô pha, mơ mơ màng màng bật các ca khúc về ma túy được hợp pháp hóa của Bob Marley cho tôi nghe. Về sau, cảnh sát kiểm tra thấy trong nước tiểu cậu ta có chất cấm và thuốc gây ảo giác, thì ra cậu ta vẫn tiếp tục hít ma túy, mặc dù luôn một mực phủ nhận. Cậu vẫn nhìn tôi cười một cách ngô nghê và nói: chỉ cần cậu ấy muốn dừng lại, bất cứ lúc nào cũng được. Cậu ta đã hoàn toàn bị ma túy khống chế. Khi ý thức đã bị khống chế thì chẳng thể nào tỉnh táo được, chỉ có cách cai ma túy trước, rồi mới có thể tư vấn tâm lý. Vậy đấy, cậu ta bị tống vào tù, còn tôi lại mất đi một đứa trẻ.

Tôi cảm thấy dường như bản thân không được thuận lợi trong khoảng thời gian ấy, đủ các chuyện lớn bé đổ ập đến khiến tôi ngạt thở. Tôi thấy thất vọng với chính mình, tôi rất muốn giúp những đứa trẻ đó, nhưng dù có làm gì tôi cũng chẳng thể cứu vãn được tình thế thê thảm kia. Dần dà, tôi bắt đầu hoài nghi về công việc. Tôi nghĩ, liệu có phải việc mình đang làm chẳng có bất cứ tác dụng gì không? Có khi nào những đứa trẻ đó mãi mãi chẳng thể thay đổi? Công việc tư vấn tâm lý này cũng chỉ là trò ăn may thôi ư? Tôi cảm giác những ước mơ mình theo đuổi bấy lâu bỗng mất đi ý nghĩa.

Trong một lần trao đổi, bà quản lý nhận ra những lo lắng của tôi. Ban đầu, tôi vẫn giả vờ mọi việc đều thuận lợi, nhưng sau nhiều lần bị vặn hỏi, lập tức khiến tôi đánh mất đi sự phòng vệ, mọi áp lực và ức chế lâu nay phút chốc bộc phát. Tôi bắt đầu khóc lóc kể lại mọi chuyện tệ hại xảy ra với từng hồ sơ. Nhưng thật ngạc nhiên, bà ấy cũng cùng khóc với tôi khi lắng nghe câu chuyện.

Tôi vừa khóc vừa bối rối hỏi bà: “Tại sao bà lại khóc?” Bà ấy ngậm ngùi đáp: “Bởi vì cháu khiến ta nhớ lại những năm tháng mới bước vào nghề này.” Vừa dứt lời bà ấy còn khóc to hơn. Tôi vội hỏi: “Chẳng nhẽ ngày xưa bà cũng từng mất niềm tin như cháu bây giờ hay sao? Bà cũng từng bị lung lay ư?”

Bà ấy gạt nước mắt, gật đầu lia lịa. Bà nói: “Đương nhiên ta cũng từng nghi ngờ và dao động. Cho đến giờ, đôi khi lòng tin của ta vẫn thường bị lung lay. Nhưng cháu phải biết một điều, với tư cách là chuyên gia tư vấn tâm lý, chúng ta không thể thay đổi vận mệnh của người khác, bởi vì ta không phải thượng đế, nên chẳng thể tạo nên kỳ tích chỉ sau một đêm. Công việc chúng ta đang làm chỉ là gieo mầm khát vọng đổi thay vào trong tâm khảm của họ. Việc hạt giống đó có nảy mầm hay không, còn tùy thuộc vào tạo hóa và kỳ vọng của mỗi người. Một quyển sách khích lệ, một buổi diễn thuyết động lòng người, hay một cuộc nói chuyện rút hết ruột gan, nhiều nhất chúng chỉ có tác dụng hẩy nhẹ vào lưng họ. Điều quyết định việc họ có tiến được về phía trước không, cũng như phải đi bao xa trên con đường ấy, đều dựa vào chính họ, bởi đó là cuộc đời họ, họ phải có trách nhiệm với chính mình. Nếu sau khi chấp nhận tư vấn tâm lý cuộc sống của họ vẫn không hề thay đổi, vậy chỉ có thể chứng tỏ bản thân họ đã lựa chọn không muốn thay đổi.

Cháu phải biết, bất kỳ vấn đề nào cũng đều do năm dài tháng rộng dần dần hình thành nên, và theo tự nhiên cũng phải biến mất cùng thời gian. Chỉ cần chúng ta gieo hạt giống khát khao thay đổi và niềm tin hy vọng vào tim họ, thì sứ mệnh của chúng ta đã hoàn thành. Cháu hãy tin, chỉ cần hạt giống đó gặp được mảnh đất tốt, tương lai sớm muộn cũng sẽ có ngày nó sinh sôi nảy mầm. Khi một ngày như thế xuất hiện, công việc của chúng ta đã tạo ra giá trị của nó. Trong quá trình này, không một chuyên gia tâm lý nào có thể đảm bảo trong lần gặp mặt đầu tiên với bệnh nhân sẽ tìm ra được ngay phương án trị liệu hiệu quả nhất, đồng thời lập tức thực hiện và đạt thành công. Thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhưng đừng vì vậy mà sợ không dám thử. Đừng sợ hãi, ngược lại, hãy dũng cảm đối đầu thử thách. Nếu đã thử hai ba phương án nhưng đều không có hiệu quả, vậy cũng tốt, chí ít chúng ta biết những phương án ấy vô tác dụng. Lần thử nghiệm tiếp theo, chúng ta sẽ càng đến gần hơn với phương án chính xác, cuối cùng, rồi sẽ tìm ra phương án hữu hiệu thôi. Nếu cháu vẫn không dám thử, mãi mãi chẳng bao giờ thay đổi được hiện trạng.

Những lời đó của quản lý khiến tôi bừng tỉnh. Bà ấy đã thực sự xoay chuyển tâm lý của tôi, một lần nữa khiến tôi tin vào sự thay đổi. Thật ra tôi có tin vào kỳ tích, nhưng lại luôn cho rằng kỳ tích chỉ xảy ra trong chớp nhoáng. Lúc rời khỏi văn phòng bà, tôi vô tình nhìn thấy một bức tranh trang trí rất tinh xảo, được treo trang trọng trên tường, trên đó có viết “Miracle unfolds gradually” (Điều kỳ diệu cứ dần dần nở ra). Một câu nói thật tuyệt vời. Những điều kỳ diệu sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó trong tương lai, thật ra đều bắt nguồn từ những nỗ lực nhỏ bé ở hiện tại. Nghĩ đến đây, tôi bỗng cảm thấy mọi thứ lại trở nên đầy ý nghĩa và tràn trề hy vọng.

Sau lần gặp gỡ với quản lý, tuy tôi vẫn vật lộn với đống hồ sơ, nhưng tâm trạng đã hoàn toàn đổi khác. Tôi luôn tự nhắc mình phải ghi nhớ vai trò của bản thân, không thể nóng vội đốt cháy giai đoạn. Một nguyên tắc không mới, nhưng nay tôi đã hiểu một cách sâu sắc hơn. Khi quay trở lại cơ quan, tôi phát hiện trên bàn làm việc có một cuốn sách nhỏ rất đẹp – “27 bức thư dành cho chuyên gia tư vấn tâm lý thanh thiếu niên”. Ngoài bìa còn đính kèm mẩu giấy màu hồng có ghi: “Joy, tặng cháu cuốn sách này. Khi còn trẻ, nó đã từng cổ vũ và gợi mở cho ta rất nhiều điều. Hy vọng cuốn sách có thể truyền sức mạnh thần kỳ của nó cho cháu – người mà ta yêu quý. Đừng bao giờ quên mục tiêu ban đầu, như vậy mới đạt được thành công. Beth.”

Đúng thế, không quên mục tiêu mới có thể đi đến thành công.

Nói thực, tôi cảm thấy việc mình gặp được một cấp trên đầy trí tuệ, gần gũi thân thiết với nhân viên như thế ngay khi mới đi làm quả là một điều vinh hạnh. Bà đã hướng dẫn tôi trong những lúc tôi hoang mang, cổ vũ và đem lại tự tin khi tôi tuyệt vọng, bình thường còn hàn huyên tâm sự với tôi như bạn bè. Tôi chưa từng phải lo lắng sẽ bị bà trách phạt vì những câu hỏi ngớ ngẩn hay có biểu hiện không tốt. Đối với bà ấy, tôi chỉ có lòng tôn trọng chứ không hề sợ hãi.

Thật cảm ơn vì đã cho tôi gặp được một người cấp trên đầy trí tuệ như thế trong cuộc đời đi làm.

Cuộc sống là một hộp Chocolate

Hơn hai năm làm việc, tôi đã gặp vô số trường hợp khiến mình cảm thấy xúc động, nhưng cho đến tận hôm nay, đối tượng được tôi sử dụng liệu pháp TFCBT là người khiến tôi chấn động mạnh nhất. Cho dù hồ sơ này đã khép lại hơn một năm, nhưng mỗi một liệu trình vẫn in rõ mồn một trong ký ức tôi.

Đó là một cô bé người Mỹ 15 tuổi rất xinh đẹp với đôi mắt luôn khiến người khác phải thích thú ngắm nhìn và dường như còn có thể soi thấu tâm hồn bạn. Mặc dù mới 15 tuổi, nhưng cô bé đã biết trang điểm, kiểu trang điểm theo phong cách Gothic khiến tôi giật thót. Bộ dạng ấy khiến tôi có cảm giác cô bé rất lạnh lùng, thậm chí là không thèm để ý tôi. Nên khi quá trình điều trị còn chưa bắt đầu, tôi đã nhìn thấy viễn cảnh mình phải vẫy đuôi van nài cô bé mở lời.

Nhưng nào ngờ, cuộc gặp mặt đầu tiên của chúng tôi lại diễn ra vô cùng thuận lợi. Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả, đó là cô bé rất nhiệt tình và vô tư khác hẳn với kiểu trang điểm Gothic của mình. Sau khi cô bé bắt đầu thao thao bất tuyệt, tôi mới nhận ra lớp trang điểm đó chỉ như cái vỏ bọc, kỳ thực cô bé vẫn chỉ là một cô nhóc 15 tuổi rất đỗi bình thường. Tuy nhiên, những câu nói của cô bé lắm lời này lại vô cùng logic và có lập luận rõ ràng. Sau khi trò chuyện sâu hơn, tôi bắt đầu kinh ngạc trước khả năng phân tích rạch ròi về những vấn đề mà bản thân đang phải đối mặt, khao khát giải quyết vấn đề, phân tích tâm lý hành vi của những người xung quanh, dường như cô bé không chỉ là một cô nhóc 15 tuổi thông thường vậy. Cô bé như một cuốn sách giả tưởng thần bí mà tôi nóng lòng muốn đọc. Vì thế tôi đã vui vẻ tiếp nhận hồ sơ đó.

Sau vài lần gặp gỡ, tôi mới phát hiện ra, đó là một đứa trẻ có chỉ số IQ và EQ rất cao. Cho dù từng trải qua vô số đêm thức trắng khóc một mình, hay từng nhiều lần muốn từ bỏ, tự hành hạ bản thân, nhưng dường như mặt tích cực trong cô bé vẫn đang chiếm thế thượng phong. Vấn đề chỉ là, bản thân cô bé vẫn chưa ý thức được mình mạnh mẽ mà thôi.

Từ nhỏ, cô bé trưởng thành trong cảnh bạo lực gia đình, bố mẹ đều nghiện hút và nát rượu. Sau đó, hai người lần lượt bỏ rơi cô bé, nên cô phải đến ở cùng ông bà ngoại. Nhiều năm sau, người mẹ tự nhiên quay về và nói muốn làm lại từ đầu, từ đó mối quan hệ giữa hai mẹ con luôn trong trạng thái lúc nóng lúc lạnh. Bởi từ nhỏ lớn lên cùng ông bà ngoại, nên cô bé rất nghe lời, kính trọng và yêu quý ông bà. Cô chỉ xem mẹ mình như chị em, không hề tôn trọng, chỉ cần sống được với nhau là ổn. Còn người bố biệt tích từ lâu sau đó đã tìm đến trường cô bé chỉ để vòi tiền, nên hai người chẳng vui vẻ gì, cuộc điện thoại nào cũng kết thúc bằng màn cãi vã kịch liệt. Mỗi lần như thế, người bố đều chửi bới cô bằng những lời nói chói tai: Mày là đứa vô tích sự, mày còn như vậy ông sẽ cho mày một trận…

Tay của cô bé luôn run rẩy, đó là hậu quả sau một lần bị bố đánh đập tàn nhẫn từ bảy tám năm trước. Đặc biệt khi có ai đó nhắc đến tên bố, tay cô càng trở nên lẩy bẩy. Lần đầu tiên gặp gỡ, cô bé đã thử cầm bút bằng tay trái cho tôi xem, cánh tay run bần bật không ngừng, hệt như một bà già mắc chứng bệnh Parkinson.

Tôi đã tiến hành đánh giá cô bé hai lần để xác định rõ liệu phương pháp TFCBT có phù hợp với cô hay không. Các chỉ số trong hai lần đánh giá đều rất cao, nên xem ra cô bé thật sự mắc hội chứng hành vi nhận thức sau chấn thương, vì thế, hai chúng tôi vui vẻ bắt đầu quá trình trị liệu chính thức. Có thể thấy cô bé rất vui vẻ khi gặp tôi, bởi vì mỗi tuần, cứ tới thời gian trị liệu, khi tôi vừa dừng xe trước cửa nhà là đã thấy cô bé đứng trông ngóng.

Quá trình làm việc cùng nhau rất tuyệt vời, vui vẻ và đầy hy vọng. Kỳ thực tôi ít khi có được cảm giác tràn trề hy vọng như vậy. Như kiểu đang lúc nằm phơi nắng vào một ngày chủ nhật nào đó, tôi đột nhiên nhớ đến cô bé, rồi thầm nghĩ: Trời ạ, nếu bây giờ là thứ tư thì tốt biết bao, như thế tôi lại có thể đến gặp cô bé. Cảm thấy vui vẻ khi ở bên cô bé, chủ yếu vì đó là một đứa trẻ đầy lôi cuốn. Đúng vậy, một người cực kỳ thông minh, nói một hiểu mười, bất kể khái niệm, thủ thuật, phương pháp hoặc lý thuyết nào mới, cô bé cũng đều nắm bắt rất nhanh, và có thể áp dụng vào cuộc sống. Ngoài ra, cô bé thực sự rất giỏi nói chuyện, nhiều khi tôi còn cảm thấy em đã dạy tôi rất nhiều điều.

Ngoài sự thông minh và khiếu ăn nói ra, điều khiến tôi cảm thấy vui vẻ nhất, chính là cô bé có một trái tim hướng thiện. Tất nhiên, trong đống hồ sơ tôi phải đối mặt hàng ngày, có vô số đứa trẻ từng phải chịu đựng những nỗi đau không giống nhau, nhưng mức độ linh hoạt của từng người lại hoàn toàn khác nhau. Có một số chỉ mới trải qua vài chuyện nhỏ nhặt đã sụp đổ, buông xuôi, bỏ nhà ra đi, hay thậm chí còn tự sát. Nhưng có những đứa bẩm sinh rất linh hoạt, có thể coi chỉ số AQ[11] của chúng tương đối cao. So với người khác, những đứa trẻ này có thể dễ dàng đứng lên từ trong thất bại và đau khổ, dường như chúng khoan dung, lạc quan, dễ tha thứ hơn, cho dù chẳng thể lãng quên ký ức. Ở cạnh những người như vậy, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy những tia hy vọng. Buộc phải nói rằng, sự khác biệt giữa người với người, cũng như điều gì tạo nên sự khác biệt ấy là một chủ đề khiến tôi say mê bấy lâu nay.

Tóm lại, có vô số nguyên nhân khiến tôi thích thú khi gặp gỡ cô bé này. Nửa năm đồng hành ấy khiến tôi có cảm giác thời gian trôi qua thật nhanh, như thể chúng tôi chỉ vừa mới làm quen, mà quá trình trị liệu đã phải kết thúc. Trong nửa năm qua, ngoại trừ việc học nhiều kỹ năng để giảm nhẹ những triệu chứng của bản thân, cô bé và tôi còn cùng nhau viết “nhật ký nỗi đau”, đó chính là nơi giúp cô bé nhớ lại những câu chuyện từng gây tổn thương cho mình. Do rất giỏi viết lách, nên cô bé nói muốn làm thơ. Khi tôi còn đang nghĩ phải biểu đạt những ý cần diễn đạt ra sao, cô bé đã cắm cúi ngồi viết. Chẳng lâu sau, đã đưa một tờ giấy chi chít chữ cho tôi xem. Tôi càng đọc càng hứng thú, và cổ vũ cô bé đừng dừng lại, hãy tiếp tục viết tiếp.

Cuối cùng đến một ngày, cô bé đã hoàn thành xong tác phẩm. Một bài thơ dài hoàn chỉnh, in ra tầm ba trang rưỡi giấy. Cô bé vừa ngồi trên giường vừa hào hứng đọc cho tôi nghe. Bất luận về mặt nội dung, tình cảm hay cách sử dụng câu cú, thậm chí đến cả gieo vần, đều có thể coi là tuyệt tác. Tôi không dám tin một cô bé 15 tuổi lại có thể sáng tác được một tác phẩm tuyệt vời đến thế.

Nhưng đó không phải điểm mấu chốt. Quan trọng là bài thơ đã miêu tả vô cùng uyển chuyển những ảnh hưởng mà người bố gây ra cho mình. Ông ta đánh mắng, lừa gạt, tuyệt tình, từng câu chữ hằn lên trên trang giấy, và khắc tận trong tim. Tuy nhiên, câu chữ trong bài thơ không hề ngập tràn sự thù hận, mà ngược lại, chỉ thấy sự khoan dung và bình thản vô bờ. Cô bé nói, sau thời gian dài trị liệu, cô đã phát hiện ra mình không còn căm ghét bố nữa, và muốn tha thứ cho ông ta. Cô nói mình vẫn rất yêu ông, nhưng đáng tiếc tương lai ông không còn cơ hội để nhìn thấy cô thành công nữa.

Theo phương án trị liệu ban đầu, tuần này hoàn thành bài thơ, chúng tôi phải đọc nó vài lần. Để khiến cô bé thoát khỏi sự ảnh hưởng về tư tưởng, tâm lý, tình cảm một cách toàn diện, tuần tiếp theo sẽ yêu cầu cô bé gọi điện cho bố để chia sẻ về chúng. Nhưng hôm ấy, cô kiên quyết khẳng định mình đã sẵn sàng, và muốn gọi điện ngay cho bố. Lúc ấy tôi rất ngạc nhiên, không ngờ cô bé lại dũng cảm đến thế, nên chẳng biết phải xử lý thế nào, chỉ sợ lỡ may xảy ra tình huống khẩn cấp sẽ không có biện pháp đối phó. Điều này một lần nữa chứng tỏ, bạn chẳng thể chuẩn bị trước cho mỗi buổi trị liệu tâm lý, bởi bạn đâu biết được trong quá trình đó sẽ xảy ra những gì…

Tôi đã gật đầu đồng ý khi chứng kiến sự kiên quyết của cô bé. Được mẹ và ông bà ngoại chấp thuận, cô bé ung dung cầm điện thoại lên. Bạn biết không, trước thời điểm đó, đã năm năm rồi hai bố con chưa từng gặp nhau, mà chỉ liên lạc qua điện thoại, hơn nữa lần nào cũng chỉ là những câu cãi vã cụt lủn, sau đó cô bé dập máy, khóc lóc, sụp đổ và tự hành hạ bản thân. Nhưng giờ đây cô bé đã chuẩn bị sẵn sàng. Cô cầm trên tay bài thơ đầy những nỗi u uất, và bấm số không chút do dự. Thời khắc ấy, trong đầu tôi hiện lên một loạt các tình huống có thể xảy ra…

Điện thoại phát loa ngoài, nên mọi người đều có thể nghe. Sau khi bấm số, điện thoại đổ chuông vài tiếng thì ngắt máy. Cô bé nhìn tôi, hỏi phải xử lý ra sao. Tôi hỏi, có đúng số không? Cô bé liếc nhìn và gọi lại, sau vài tiếng tít tít, điện thoại lại ngắt. Tôi cho rằng cô bé sẽ từ bỏ, nào ngờ cô bảo mình sẽ gọi điện đến nhà ông ta. Tôi thầm nghĩ, xem ra cô bé muốn mau chóng kết thúc mọi việc trong ngày hôm nay. Cuối cùng cũng có người bắt máy.

Cô bé ra hiệu mọi người hãy im lặng.

Tôi hết sức căng thẳng, hai tay bấu chặt vào đùi, tim đập thình thịch, một cảm giác rất khó thở, bởi tôi sợ người bố có thể thốt ra những lời thô lỗ, ngạo mạn để đả kích cô, lỡ may mọi thành quả điều trị của chúng tôi thời gian qua đều tan biến thì phải làm sao…

“Alo…”, một giọng nói yếu ớt, khàn đặc ở đầu kia điện thoại vang lên.

“Alo, là con!” Cô bé đáp. Mặt đỏ ửng, hai tay run cầm cập, âm thanh run rẩy, tôi biết cô bé rất căng thẳng. Tôi kiên định đứng nhìn (kỳ thực tôi chỉ giả vờ kiên định thôi), hy vọng sự kiên định ấy có thể giúp cô bé vững tin hơn. Cô bé quay lại nhìn tôi, gật đầu chắc nịch, sau đó bình tĩnh nói: “Con có một thứ muốn chia sẻ cùng bố, con đã phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thành nó, con muốn đọc cho bố nghe, có thể mất vài phút, bây giờ bố có tiện nói chuyện không?”

“Ừm, đọc đi.” Đầu bên kia lạnh lùng đáp.

Cô bé dũng cảm nói tiếp: “Đây là một bài thơ con viết về cuộc đời con, kể về những việc và cảm nhận mà con từng trải qua từ nhỏ đến lớn. Con cảm thấy mình cần phải đọc bài này cho bố nghe. Sau khi đọc xong, con sẽ bắt đầu lại cuộc đời mình. Hy vọng bố có thể kiên nhẫn lắng nghe chúng.”

Khi cô bé nói đến đoạn “bắt đầu lại cuộc đời”, tôi chợt hiểu ra mọi chuyện. Hôm nay, cô bé muốn vĩnh biệt người bố. Bạn biết đấy, khi bạn luôn sợ hãi một người hoặc một sự vật nào đó, trốn tránh là vô ích, chỉ khi đối mặt với nó, bạn mới có thể thực sự buông bỏ. Hôm nay chính là ngày mà cô bé muốn gạt bỏ hoàn toàn điều ấy.

“Bớt nói nhảm đi, ta còn phải làm việc, vài phút nữa phải đi rồi, nhanh lên!” Giọng nói lạnh lùng lại vang lên.

“Vâng, con bắt đầu đọc đây.” Sau vài giây trấn tĩnh, hít một hơi thật sâu, cô bé bắt đầu đọc bài thơ. Cả nhà cũng yên lặng ngồi nghe. Lúc đầu, giọng cô vẫn còn rất run, ẩn chứa bên trong là sự sợ hãi và thiếu tự tin. Cô bé càng đọc, bà ngoại cô ngồi bên cạnh không cầm nổi nước mắt, nhưng vẫn cố gắng tiếp tục lắng nghe. Còn ông ngoại cô lặng người quay đi, ông không thể chịu đựng được những hồi ức nặng nề ấy. Tôi, người tự nhận là chuyên gia tư vấn tâm lý, nhưng kỳ thực cũng chẳng giỏi khống chế cảm xúc bản thân, đôi khi chỉ xem một bộ phim hoạt hình cũng khóc sướt mướt, nên càng không cần phải nói. Vậy nên, tôi ngoảnh mặt sang một bên, giả vờ chăm chú lắng nghe, nhưng thật ra đang cố hết sức để kìm nén những giọt nước mắt.

Càng đọc giọng cô bé càng trở nên mạnh mẽ, đến đoạn sau cùng, cô bé càng thể hiện sự tự tin và kiên định, ngay cả chi tiết người bố đã đối xử tệ với cô ra sao, cô đau khổ, thất vọng, chịu đựng thế nào, cô vẫn không hề có ý ngừng lại hay lùi bước. Đoạn cuối, phần liên quan tới quan niệm cuộc đời và quá trình trưởng thành, tôi cảm giác cô bé như đang đọc bài ca chiến thắng của chính mình. Đúng thế, dũng cảm nhấc điện thoại lên gọi cho bố, đủ để chứng minh cô đã chiến thắng sự sợ hãi trong lòng. Bất luận người bố có phản ứng ra sao, cô bé cũng là người chiến thắng.

Bài thơ được đọc xong. Cô bé thở phào nhẹ nhõm. Tất cả mọi người đều im lặng chờ đợi giọng nói của người bố.

Nhưng, đầu dây bên kia vẫn hoàn toàn im lặng. Giây phút ấy, thậm chí tôi còn nghĩ ông ấy đã dập máy, cho đến khi tôi nghe thấy một tiếng thở dài nặng nề, sau đó là tiếng cười đầy gượng gạo: “This is so sick!” (Thật quá buồn nôn!)

Tôi kinh ngạc!

Tôi không dám tin vào tai mình, một người cha lại có thể thốt ra những lời như thế với con gái hay sao?! Cho dù không thương yêu nó, chẳng nhẽ ông ta không thể tôn trọng nó ư? Ông ta có biết vì ngày hôm nay, mà cô bé đã phải cố gắng nhiều đến đâu không. Vậy nhưng, khi tôi đang phẫn nộ định xen ngang cuộc nói chuyện, bỗng thấy trên mặt cô bé thoảng qua một nụ cười thanh thản, mẹ và bà ôm đầu òa khóc.

Tôi bối rối, tại sao họ lại như thế? Chẳng nhẽ họ không cảm thấy bị lăng mạ hay sao? Tôi tiếp tục lắng nghe lời người bố, lúc này tôi mới phát hiện ra mình đã hiểu sai. Tôi chợt nhớ, thì ra từ “sick” là một từ lóng, nó cũng thường biểu đạt ý “phi thường, xuất sắc”. Hèn gì sau đó ông ấy cứ liên tục lặp lại từ “quá tuyệt vời!”

Tôi, cuối cùng cũng thanh thản rồi…

Người bố xúc động nói: “Con gái, trong hai năm nữa, có lẽ bài thơ này vẫn sẽ in chặt trong đầu ta.” Ông ta khen cô bé rất có tài năng và động viên, khích lệ cô hãy tiếp tục. Ông im lặng một hồi, nghẹn ngào nói: “Bố cảm thấy rất có lỗi vì những sai lầm trong quá khứ, không ngờ nó lại mang đến cho con nhiều tổn thương đến thế. Bố muốn nói với con, bố luôn chào đón con đến ghé thăm nhà bất kỳ lúc nào, chỉ cần con đồng ý, bố sẽ mãi ở đó chờ đợi con.” Cô bé nghe xong, mỉm cười cảm ơn và từ chối: “Con đã có gia đình của mình, tất cả mọi người con cần đều ở đây, con không cần đến bố, con sẽ không cho bố cơ hội để làm tổn thương con nữa.”

Người bố đột nhiên ý thức được, đây có lẽ là lần cuối cùng ông được nghe tiếng của con mình. Cô bé đã trưởng thành, không bao giờ bị ông lừa gạt và làm tổn thương được nữa, cô ấy muốn cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ với ông. Ông ta cố níu kéo: “Được rồi, ta đã hiểu, nhưng sau này chúng ta vẫn còn cơ hội uống cà phê cùng nhau chứ?” Cô bé đáp: “Không thể nữa rồi, bố hiểu chứ?”… Người bố bất chợt sụt sùi, sau sự im lặng dài đằng đẵng, ông chậm rãi nói: “Bố hiểu rồi… Vậy chúc con may mắn, con gái, hãy mãi vui vẻ và hạnh phúc nhé!” Cô bé lịch sự cảm ơn, và nhẹ nhàng ngắt điện thoại.

Sau giây phút ấy, cô bé nhìn tôi với ánh mắt lấp lánh.

Cô nói, mọi thứ đã kết thúc.

Tôi lặp lại, mọi thứ đã kết thúc.

Chúng tôi cùng đứng lên và vội bước về phía nhau, ôm lấy nhau thật chặt. Không quá lời khi nói rằng, cô bé là người dũng cảm nhất tôi từng gặp. Có đủ cam đảm để đối mặt và tha thứ cho người từng gây ra rất nhiều tổn thương cho mình, điều này phải cần đến biết bao lòng dũng cảm và trí tuệ. Tất cả đều đến từ một cô bé mới chỉ 15 tuổi. Cô bé nói với tôi, cô sắp tròn 16, cô muốn mau chóng được chào đón tuổi 16 ngọt ngào của mình, cô phải đến tham quan trường đại học yêu thích, phải xây dựng tương lai, phải thực hiện mơ ước, và còn phải nói lời vĩnh biệt với quá khứ. Từ đây, cô không còn sống dưới cái bóng ám ảnh của bạo lực nữa.

Lúc chuẩn bị quay về, cô bé đứng trước cửa, nắm chặt tay tôi và kể cho tôi nghe một câu chuyện. Cô kể rằng, lúc còn nhỏ, sau lần đầu tiên bị bố đánh, cô bắt đầu thường xuyên mơ cùng một giấc mơ. Trong giấc mơ, có lúc cô cùng bố đi xem bóng, lúc lại cùng ông đi dạo ở ngoại ô, nhưng sau đó luôn có một người bị bỏ rơi trong bóng tối một cách kỳ lạ, không có đường thoát. Vào đêm thứ hai sau khi viết xong bài thơ đó, cô vẫn mơ giấc mơ ấy. Trong mơ cô đang cùng bố ngồi cầu nguyện nơi giáo đường, nhưng khi ngoảnh lại chẳng thấy bố đâu, chỉ còn một mình cô đứng lẻ loi trong bóng đêm. Trong giấc mơ cô bé nghĩ, lại giấc mơ chết tiệt này. Nhưng đột nhiên, trước mắt xuất hiện một luồng ánh sáng, cô đi về hướng đó, thì ra đó là một chiếc cửa. Mở cửa, phía trước xuất hiện khung cảnh một bãi cát dưới ánh nắng mặt trời xen lẫn sóng biển. Trên bãi cát có mẹ, bà, ông nội, em gái và tôi, ngoài ra còn có những người từng giúp đỡ cô. Khi thấy mọi người đang tổ chức tiệc trên bãi biển, cô bèn vui vẻ đi chạy đến và ôm chầm lấy họ. Lúc quay đầu lại, phát hiện cánh cửa nối liền với bóng tối sau lưng đã biến mất, mọi thứ đều được những tia nắng mặt trời ấm áp dễ chịu chan hòa phủ xuống.

Sau khi nghe xong câu chuyện, tôi cảm thấy thật thần kỳ. Chứng kiến khuôn mặt rạng ngời của cô bé, trong lòng tôi vô cùng phấn khích. Tôi hỏi, hãy cho chị xem cánh tay, nó còn run hay không? Cô bé giơ hai bàn tay ra giữa không trung, cả hai chúng tôi cùng chăm chú quan sát, thật ngạc nhiên, không hề run nữa. Cô bé hài hước nói: “Cuối cùng em cũng tạm biệt được căn bệnh Parkinson rồi. Chị xem, đây có phải là tác dụng của tâm lý không?”

Tuần cuối cùng của quá trình điều trị, chúng tôi định tổ chức trò chơi hóa trang để khép lại quá trình vui vẻ này. Tôi nói đùa với cô bé, chị đã chán cảnh suốt ngày để mặt mộc đi làm rồi, em dạy chị cách trang điểm Gothic nhé. Cô bé mỉm cười nói: “Trước đây suốt ngày em trang điểm theo kiểu Gothic vì sợ người khác nhìn thấy đôi mắt sưng húp của mình. Bây giờ đã tạm biệt những ngày tháng ấy rồi, nên chẳng cần phải trang điểm đậm như trước.” Sau khi tẩy trang, cô bé bước ra với khuôn mặt vô cùng xinh xắn của cô gái tuổi 16. Khi nhìn thấy nụ cười rạng ngời đầy tự tin ấy, tôi vô cùng hạnh phúc, giống như được nếm một thanh Chocolate ngọt ngào vậy.

Đúng lúc tôi cho rằng buổi trị liệu cuối cùng sắp kết thúc, đột nhiên cô bé kéo tôi lên phòng khách trên tầng hai. Tôi kinh ngạc phát hiện mọi người trong nhà đều đứng sẵn ở đó, tay cầm hoa và bánh, cùng nhau vỗ tay nhiệt liệt. Tôi cứ ngỡ hôm ấy là ngày sum họp gia đình, nhưng nào ngờ mọi người chuẩn bị mọi thứ vì tôi. Cả nhà cô bé cùng tôi ngồi lên chiếc ghế sô pha, còn cô bé đứng chính giữa căn phòng, rút ra một tờ giấy từ phía sau vẻ thần bí. Cô hắng giọng và đọc một cách trịnh trọng: “Đây là một bài thơ do em viết, có tựa đề ‘Gửi Joy – chuyên gia tư vấn tâm lý mà tôi yêu quý nhất’”. Khoảnh khắc ấy, nước mắt tôi trào ra giàn giụa không thể ngăn nổi. Trong bài thơ, cô bé miêu tả từng buổi điều trị khi ở bên tôi, và cảm ơn tôi đã cứu vớt cuộc đời của mình. Cô bé nói, cho dù hôm nay chúng ta từ biệt, nhưng em vẫn nhớ mãi tên chị, cũng như niềm vui mà chị mang đến cho em (Tên tiếng Anh của tôi là Joy, cũng có nghĩa là niềm vui).

Tôi mãi mãi khắc ghi ngày hôm ấy…

Đó chính là nguyên nhân khiến tôi vô cùng yêu thích công việc này. Bạn mãi mãi chẳng thể biết được mình sẽ gặp ai, nghe được câu chuyện gì, chứng kiến những kỳ tích như thế nào, tham gia vào cuộc cách mạng thay đổi cuộc đời của ai. Mỗi ngày đều mới lạ, chờ đợi tôi đi khám phá, nó giống như một câu thoại nổi tiếng trong bộ phim Forrest Gump: cuộc sống như một hộp Chocolate, bạn chẳng thể nào biết mình sẽ nhận được gì trong đó. Đó chính là hồ sơ trị liệu thứ hai mang tính bước ngoặt trong cuộc đời của tôi. Sau đó, tôi không những xác định được lĩnh vực trị liệu chuyên ngành tôi mong muốn trong tương lai (tức sang chấn tâm lý), mà còn củng cố niềm tin vào nghề tư vấn tâm lý. Cho dù chặng đường tiếp theo sẽ gặp vô vàn khó khăn, nhưng nhờ những câu chuyện khó quên ấy, tôi cảm thấy mọi điều tôi làm đều thật xứng đáng. Có lẽ, một ngày nào đó trong tương lai, tôi sẽ viết một cuốn sách kể về những câu chuyện, và những con người khó quên mà tôi từng gặp.

Dù vậy, con đường tương lai vẫn còn rất dài, tôi cho rằng mình mới chỉ bắt đầu thôi. Tôi tin, chỉ cần bước từng bước vững chãi, theo đuổi niềm yêu thích của mình, cuộc đời nhất định sẽ không xử tệ với tôi.

(Chú: Một số tình tiết kể trên đã nhận được sự cho phép từ khách hàng và quản lý. Để bảo vệ tính riêng tư của khách hàng, một số chi tiết trong câu chuyện đã được điều chỉnh phù hợp.)

Phần kết: Lại lên đường

Trong hai năm rưỡi làm việc cho tổ chức này, tổng cộng tôi đã phục vụ hơn 60 hộ gia đình, với hơn 80 khách hàng. Tổng số thời gian làm việc là 4.176 giờ, trong đó thời gian làm việc trực tiếp với khách hàng là 949,5 giờ, tiếp nhận 109,5 giờ kiểm tra huấn luyện. Dựa trên kinh nghiệm làm việc tích lũy tại đây, sau hơn hai năm rưỡi, tôi đã có được giấy phép Công tác xã hội lâm sàng cao cấp, đồng thời trở thành chuyên gia tư vấn TFCBT của bang Missouri. Trước mắt, toàn bang mới có 31 chuyên gia tư vấn TFCBT được cấp phép, và tôi là người Trung Quốc duy nhất trong số đó.

Nhìn những con số ấy, mới cảm nhận được sức mạnh của thời gian. Quá trình trưởng thành của con người cứ diễn ra âm thầm lặng lẽ trong sự ì ạch của thời gian. Nếu những việc ấy so với hai năm rưỡi trước khi tôi vừa mới tốt nghiệp, hoặc năm năm rưỡi trước khi tôi vừa đặt chân đến Mỹ, thật quá hoang đường, đến nghĩ còn chẳng dám nghĩ tới, vậy mà những mục tiêu nhiều năm trước đều lần lượt được thực hiện, một cảm giác lâng lâng như đang mơ vậy.

Sau những ngày làm việc ấy, tôi mới thực sự hiểu được niềm hứng thú lẫn ưu nhược điểm của cá nhân trong lĩnh vực chuyên ngành, nhưng dù vậy, tôi vẫn cảm thấy sợ hãi về một số vấn đề, và tầm hiểu biết hạn hẹp đối với lĩnh vực chuyên môn. Tôi hỏi bà quản lý, rốt cuộc sau bao nhiêu năm làm việc, con người ta mới không còn cảm giác sợ hãi ấy? Bà đáp, hồi ấy sau ba năm làm việc trong nghề, bà mới xác định được phương hướng trị liệu, cũng như nắm chắc toàn bộ quá trình điều trị; ít nhất là năm năm trở lên, thậm chí nhiều hơn thì tay nghề mới thành thạo. Sau khi nghe xong câu trả lời, so sánh với vị trí và cảm giác hiện tại của bản thân, tôi phát hiện mình đã đi đúng đường, nên cảm thấy vững tin hơn nhiều. Mọi chuyện chỉ cần tiếp tục kiên trì rồi sẽ ổn.

Sau hai năm rưỡi, do đã lấy được giấy phép hành nghề cao cấp nên tôi muốn đổi nghề, tôi bèn từ bỏ công việc đầu tiên trong đời. Trong tháng cuối cùng, tổ chức tuyển thêm một nhân viên mới, bà quản lý yêu cầu tôi hướng dẫn cô ấy. Đây là lần đầu tiên tôi hướng dẫn nhân viên mới, cảm giác cực kỳ thú vị. Cô ấy luôn chạy đến hỏi tôi mọi vấn đề từ đơn giản đến phức tạp, trong đó có nhiều thứ hồi xưa cũng từng gây khó dễ cho tôi. Đa phần, tôi đều đưa ra câu trả lời khiến cô ấy hài lòng, trong đó có nhiều nội dung không phải do người khác dạy, mà tôi rút ra được từ trong sách vở, nghiên cứu, suy ngẫm và thực tiễn. Vì thế tôi phát hiện, trong quá trình liên tục thử nghiệm, thất bại, rồi lại thử nghiệm, và dẫn đến thành công, tôi đã dần hình thành nên phương thức và quan niệm tư vấn thích hợp với mình. Nhớ lại hồi mới vào nghề, tôi từng hỏi ngài râu rất nhiều vấn đề ngu ngốc. Lúc ấy, ông luôn nói với tôi “đừng vội vàng, hãy dần tích lũy kinh nghiệm, đến thời điểm, tự nhiên cô sẽ có câu trả lời”. Đối với tôi những “lời thừa thãi” ấy thật quá qua loa đại khái. Nhưng giờ ngẫm lại, rất nhiều việc quả đúng như thế.

Vào ngày chính thức nghỉ việc, bà quản lý tổ chức một buổi tiệc chia tay, mời tất cả nhân viên trong cơ quan, mọi người lần lượt tặng tôi những tấm thiệp và món quà nho nhỏ. Tôi ôm từng người và cảm ơn, xúc động nói với họ rằng, được làm việc cùng một tập thể xuất sắc như này là điều khiến tôi cảm thấy vô cùng biết ơn. Nói thật, tuy vào giai đoạn cuối, công việc của tôi rất vất cả, nhưng mỗi một thành viên trong nhóm vẫn khiến tôi thấy lưu luyến. Tôi cảm thấy, trong trạm dừng chân đầu tiên trên hành trình đi làm tôi có thể gặp được một tập thể tích cực và hỗ trợ lẫn nhau là một điều rất may mắn và vinh dự. Bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ họ mỗi khi bạn cô đơn, vô vọng mà không hề bị chê cười, cũng có thể tâm sự với họ về những nỗi buồn phiền mà chẳng lo bị tiết lộ, và càng có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ quản lý mỗi khi mất phương hướng mà không phải sợ bị đánh giá thiếu năng lực. Mỗi một người trong tập thể ấy không chỉ là đồng nghiệp, mà còn là bạn tốt của tôi. Sự tồn tại của họ đã khiến tôi có được thứ quý giá mà lâu nay tôi vẫn kiếm tìm – cảm giác thân thuộc. Đây thật sự là may mắn lớn của cuộc đời.

Nói thật, lúc sắp sửa ra đi tôi cảm thấy vô cùng đau khổ. Ngày trước làm việc vất vả, tôi đã từng nhiều lần mơ tưởng sau này sẽ không phải vật vã lái xe đến nhà khách hàng để tư vấn nữa. Nhưng vào cái ngày nghỉ việc, khi lái xe trên đường cao tốc quay về, tòa nhà làm việc dần lùi lại phía sau, lúc tôi ý thức được bản thân sẽ không còn thuộc về nơi ấy nữa, trong lòng lại cảm thấy lạc lõng và không nỡ rời xa. Tôi lái xe trong hoang mang, nhớ lại ngày đầu tiên cách đây hai năm rưỡi, hình ảnh mình cũng lái xe trên con đường này nhưng với hướng ngược lại, đến tham gia cuộc phỏng vấn xin việc. Hôm nay, hai năm rưỡi sau, tôi đã rời bỏ nó, phút chốc cảm thấy như cách đây cả thế kỷ.

Tôi ngẩn ngơ suy nghĩ, sau lần rời bỏ này, tôi sẽ thất nghiệp, tiếp sau đó tôi phải đi về đâu? Đúng lúc ấy, chồng gọi điện chúc mừng tôi đã bước sang một trang mới, tối nay anh ấy muốn nấu món sườn hầm mà tôi thích ăn nhất, và hỏi tôi khi nào về đến nhà. Giọng anh ấy đã kéo tôi quay trở lại hiện thực, tôi chợt bừng tỉnh, lòng bất giác trào lên một niềm hân hoan. Đúng thế! Tuy hiện tại vẫn chưa biết đi về đâu, nhưng đây là một quyết định chính xác. Tương lai còn rất nhiều điều đợi tôi thực hiện, tôi phải về nước ăn tết cùng gia đình, phải viết thư, phải tìm một công việc tuyệt vời hơn. Tương lai, tôi còn phải mua nhà, sinh con, mở một văn phòng tư vấn tâm lý cá nhân cho riêng mình… Lần lượt từng việc hiện lên trong đầu, lấn át đi cảm giác trống trải trước đó. Nếu tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đón chào một cuộc sống mới, vậy thì buộc phải nói lời tạm biệt với quá khứ. Một chương trong cuộc đời đã khép lại, một cuộc phiêu lưu mới sắp sửa bắt đầu.

Điều may mắn là, trong mấy tháng ăn Tết cùng gia đình và tập trung toàn lực viết sách, vài tổ chức đã liên tục liên hệ có ý tuyển dụng tôi vào vị trí tư vấn tâm lý lâm sàng. Điều này cần phải cảm ơn sự giới thiệu nhiệt tình của bà quản lý cũ. Mặc dù do bận việc viết sách, nên tôi không có cơ hội chấp nhận lời mời của họ, nhưng tôi vẫn rất biết ơn vì họ đã yêu mến tôi. Nếu là cách đây vài năm, quả thật tôi không dám mơ tưởng. Còn nhớ lúc nhỏ, tôi rất hay tự cao, làm việc vội vàng, nên mẹ thường nói: “Đừng gấp, con phải làm việc cẩn thận, sống thành thực, tương lai chỉ cần học hành thật tốt, con không cần phải tìm cơ hội, cơ hội sẽ tự nhiên tìm đến con.” Lúc ấy, tôi cảm thấy đó chỉ đơn thuần là lời an ủi, trên đời làm gì có chuyện hay ho như thế? Bây giờ ngẫm lại, quả thực không hề sai: Tích lũy rèn luyện năng lực, năng lực đảm bảo thành công, thành công tạo nên uy tín, uy tín mang đến cơ hội, cơ hội lại khiến thực lực của bạn được công nhận và nâng cao hơn.

Tuy tương lai vẫn là điều bí ẩn, nhưng tôi đã không còn sợ hãi như trước.

Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng và đang chờ đợi xuất phát trên chuyến hành trình mạo hiểm mới trong tương lai.