Đứa con của đất

Chương 15

Docsach24.com

uốt ngày hôm đó và cả ngày hôm sau, vẫn không thấy có ai ghé chòi cả. Sáng hôm nay là sáng hôm thứ ba, tôi thức dậy giữa chòi. Mấy đêm liền, đêm nào tôi cũng mơ thấy bộ đội. Nhưng sáng ra, tôi chẳng còn nghe những bước chân, tiếng súng va chạm lách cách nữa mà chỉ nghe tiếng chim chíu chít và tiếng sóc nhảy động cành.

Qua ngàn lá chớm nắng, tôi cũng chẳng thấy hiện ra một vành mũ tai bèo nào đập vẫy. Tôi đói cồn cào. Hai hôm nay tôi không có gì để ăn. Cái mo cau cơm nếp đã hết nhẵn từ buổi sáng đầu tiên và tôi đã vét tới hột cơm cuối cùng. Đói quá, tôi luồn vô rừng kiếm coi có thứ gì ăn được không, nhưng rừng không có gì ngoài những cây dầu trút lá, những cây cầy rụng trái lộp độp, những bụi mây um tùm chằng chịt. Trong các thứ đó, may ra chi có cây cầy là còn có thể kiếm chác được, nhưng rất tốn công. Tôi đã từng chẻ hột cây ăn hồi ở nhà cô Tám tôi trên Phước-kiển, nhưng chỉ chẻ ăn thử chơi vài trái mà thôi. Hột cầy chẻ ra, bên trong có một thứ cơm trắng, đem hơ lửa cho chảy ăn béo béo như mỡ. Lúc đầu tôi nghĩ nếu ngồi chẻ từng hột cày mà ăn thì lâu lắc quá, ăn biết khi nào cho no. Nhưng sớm nay, cái bụng trống rỗng của tôi kêu gào rằng có hột cầy còn hơn không. Tôi không do dự nữa, đi lượm gom về chòi một đống hột cầy rồi lấy mác chẻ ăn. Từng miếng cơm hột cầy beo béo cứ như rơi thỏm vào dạ dày trống trơn của tôi, không thấm vào đâu. Tôi ngồi chẻ hết hột này tới hột khác. Thế mà, chẻ ăn tới cả trăm hột, tôi vẫn không bớt đói. Cái miếng ăn bé xíu đó không bù nổi với công chẻ. Tới trưa, tôi bỏ chẻ hột cầy, men xuống bờ suối tìm moi ngải ré.

Thứ này tôi chưa từng ăn, nhưng nghe nói có thể ăn được. Mới ăn vô mấy miếng, tôi thấy nó ngon ngọt, có mùi phảng phất mùi riềng. Thoạt tiên tôi thấy dễ chịu, nên rà cặp theo suối moi thêm. Một lát sau, chất ngải thấm dần làm tôi hơi chóng mặt. Tôi liệng bó ngải, bò lên chòi nằm. Nhưng mới nằm xuống, tôi thấy không chóng mặt nữa. Thì ra ngải ré chỉ gây chóng mặt một lúc là hết. Hơn hột cầy, ngải ré ăn vào bụng có phần dễ chịu. Tôi lại ngồi dậy, mò xuống suối, tướt ngải ré ăn.

Bên kia suối, cánh rừng cháy chiều hôm tôi đến đã rụi tắt. Trận mưa đêm đã dập được ngọn lửa. Tuy vậy, rải rác đây đó, vẫn còn khói vẩn vơ bay lên từ những thân cây cháy ngún mà mưa không thể dập tắt hẳn. Mặt suối không còn rắc đầy tàn tro của đám cháy nữa. Dòng suối im lìm mải miết chảy qua những bụi tre gai chằng chịt, những tảng đá đóng đầy rêu. Giữa lúc đang ngải ré, tôi nhìn dòng suối, sực nhớ ra mấy bữa nay tôi đã quên mất nó. Cái dòng suối đang chảy kia chắc chắn là có cá sao tôi lại không mò bắt cá ăn, bởi mò bắt cá lại là nghề của tôi. Tự cốc vào đầu mình một cái khá đau để phạt về lỗi lầm đó, tôi đứng ngay dậy cởi quần áo, lội ùa xuống suối. Tôi chuồi mình rà theo cập bờ suối, thò tay vào các bờ hẳm, các kẹt đá. Trong một chốc, tôi đã dơ lên khỏi mặt nước một con cá đỏ mang lớn cỡ ba ngón tay. Kế đó tôi lại bắt được cua, thứ cua đá ở suối rừng, nhỏ hơn cua đồng và coi đen đúa như màu đất.

Không bao lâu tôi đã bắt được gần chục con cá đỏ mang. Còn cua thì tôi phát hiện từng đống trong kẹt đá, cứ quờ tay vào mà hốt. Tôi bươi một cái hố cát bên suối để nhốt cua, và bẻ một nhánh cây nhỏ dẻo, xỏ qua mang những con cá. Bây giờ tôi không thiết gì tới hột cầy với ngải ré nữa Tôi mê mải lội bì bõm trên quãng suối, lát lát lại xỏ một con cá mới.

Tôi trở lên chòi quơ củi khô đốt một đống lửa lớn. Đợi lửa cháy một lúc cho có than, tôi cặp cá thành từng gắp đem nướng. Còn cua tôi bỏ đại vô lửa, rồi khều ra từng con, bốc nhai rau ráu. Chưa bao giờ tôi lại được ăn con cua ngon ngọt dường ấy. Tới miếng cá nướng cũng vậy tôi thấy cá quá béo, có lẽ là béo và ngọt thịt hơn hết thảy những con cá trong đời. ấy bởi vì hai ngay nay trong bụng tôi chẳng có miếng nào, ngoài mớ ngải ré và hột cầy. Ăn hết chỗ cua và một nửa chỗ cá, tôi khoan khoái nằm ngã ngửa trên lớp vỏ cây, phì phèo hút thuốc.

Tôi nằm như vậy một lúc bỗng thấy người uể oải, mấy lóng tay chân mỏi nhừ nắm lại không chặt. Thế rồi tôi thấy ơn ớn lạnh ở sau xương sống, mình phát nổi đầy gai ốc. Dần dần người tôi lạnh run. Tôi ôm bọc quần áo, sau khi đã tháo chiếc khăn đắp lên người Nhưng tôi cảm thấy không hết lạnh. Cái lạnh không phải ở ngoài nhập vào, cái lạnh như từ trong xương trong ruột mà lạnh ra. Cố ghìm mấy, tôi cũng không giữ được người bắt đầu run lên bần bật. Những miếng vỏ cây dền ở dưới người tôi cũng run theo phành phạch. Cơn sốt rét rừng đầu tiên đã đến với tôi như thế.

Cơn sốt quái ác ấy tấn công đột ngột và mạnh mẽ vào giữa lúc tôi chưa gặp một anh bộ đội nào, sau khi bị lửa đốt phỏng cả hai gót chân, sau khi khát và đang bị đói. Tôi đã không sợ lửa, vì lửa tôi đã vượt qua. Tôi cũng không sợ đói khát, vì tôi đã tìm được nước ở dây rừng, tìm được cua cá nơi nguồn suối. Giờ đây trước cơn sốt ập đến phũ phàng, tôi không biết lấy gì chống chọi. Đã mấy lượt, tôi gắng trở dậy, bò tới bên đống lửa vừa nướng cua cá, gầy cháy thêm để hơ cho ấm. Nhưng ngọn lửa cũng vô hiệu, lửa không át được cái lạnh từ trong. Cuối cùng tôi đành nằm lại như cũ.

Cho tới chiều, khi rừng tắt nắng, cơn lạnh mới lui dần. Nhưng liền đó, cơn nóng lại đến, đẩy tôi vào một giấc ngủ hầm hập, khó thở. Tôi nằm mê có tới cả chục giấc mơ, mà giấc mơ nào cũng đều khủng khiếp.

Có lúc tôi thấy Biện Tư từ đâu hiện ra, chằm chằm nhìn tôi. Chiếc ba-toong bịt bạc trong tay y xoay tít. Rồi thì Bảy Vàng, tay cầm cái cây có cạnh vuông còn nhễu máu, chạy xớn xác dồn đuổi bầy bò. (Hình như từ hôm tôi bỏ đi, hắn phải chăn lấy bày bò đó). Tôi còn thấy cả thằng Hoành, chồng của con Len, mặc bộ đồ rằn ri đang ngồi ăn đĩa gan người xào. Ăn xong đĩa gan, mép thằng Hoành còn ứa máu, nó nhảy xổ về phía tôi đòi ăn cả gan tôi. Tôi liền lấy hết sức mình, đạp cho thằng Hoành một đạp.

Cái đạp của tôi không trúng thằng Hoành nào cả mà lại trúng vào một người khác. Tôi choàng tỉnh, ngó thấy người đó là một người đàn bà tuổi trạc trên ba mươi vóc dạc vạm vỡ cao lớn, có cặp lông mày rất rậm. Cùng ngồi xổm bên chị ta, có một anh thanh niên và một cô gái, cả hai người này đều có đeo lựu đạn da láng ở thắt lưng, mang ruột tượng gạo ở vai. Chị đàn bà lớn tuổi, người bị tôi đạp trúng, đang ngã ngồi xuống. Anh thanh niên và cô gái thì cười rộ lên. Tôi dụi mắt bàng hoàng nhìn họ, không biết họ là ai, còn mình hiện đang ở trong cảnh ngộ nào, trong cảnh thiệt hay là còn cảnh chiêm bao.

Dần dần tôi nhận ra cây cột chòi sù xì, lớp vỏ dền lợp bên trên, cái bếp còn trơ những mẩu củi đã tắt ngấm.

Chị đàn bà lạ mặt ngồi xổm lên, ngó tôi cười to:

- Chắc chú em nó nằm chiêm bao thấy ẩu đả với ai rồi nhè tôi mà đạp chớ gì?

Chị ta đặt bàn tay to lớn của chị lên vầng trán hãy còn nóng hực của tôi, rồi nói:

- Nóng quá. Chú em này bị sốt rồi!

Đợi tôi thiệt tỉnh, chị hỏi:

- Em ở đâu tới rồi bị bịnh nằm đây?

Bây giờ tôi phần nào cũng đoán ra những người này là ai rồi, nên tôi mừng rỡ cứ thiệt tình mà

- Dạ em ở ngoài Xà-bang vô đây?

- Em ở nhà nào ngoài Xa-bang?

- Em ở đợ coi bò cho thằng cha Bảy Vàng. Thằng chả quyết đánh em cho chết mà em không chết, nên em trốn vô đây!

Tôi chỉ thẹo trên trán trên cằm tôi:

- Đây nè, nó đánh em còn thẹo đây nè!

Chị nọ ngó tôi trân trân, đôi mày rậm của chị cau lại. Chị lẩm bẩm:

- Tưởng ai chớ Bảy Vảng thì tôi biết. Cái thằng đó... Mà nó đánh em hồi nào, rồi em trốn đi tới đây hồi nào?

- Nó đánh em cách dây chừng năm sáu bữa. Còn em tới đây tính hết hôm nay là được ba bữa...

Tôi mừng quên cả sốt, ngồi lên kể lại chặng đường từ Xà-bang vô đây, gặp rừng cháy ra sao, nhịn đói nhịn khát thế nào. Tôi còn nói rõ là tôi tính đi kiếm bộ đội giải phóng để xin đi theo. Chị nọ chăm chú lắng nghe tới khi tôi nới cái nguyện vọng sau cứng đó thì chị không nén nổi, mắt đỏ cả lên. Nhưng chị đứng phắt ngay dậy, cất tiếng oang oang như hạ lệnh cho anh thanh niên:

- Em Hai Bình Toong, em lấy hăng-gô xuống suối vo gạo đi!

Day qua cô gái, chị bảo:

- Em Mịn cấp tốc nhóm lửa nấu cháo cho em đây ăn, nó nhịn đói tới ba bữa rồi!

- Còn em - Chị day lại nói với tôi: - Em cứ vững bụng. Ăn cháo xong chị sẽ cho em uống thuốc, sau đó sẽ đưa em đi. Trước tiên em phải về chỗ chị, chớ bộ đội người ta đi như chim, đến như chị đây là dân đường giây mà còn khó tầm ra họ, huống chi là em!

Đường giây, lần đầu tôi nghe nói đến hai tiếng ấy. Tôi chẳng biết đường giây là cái gì. Thì liền đó tôi đã nghe chị nọ tiếp lời, giọng như phân bua:

- Lẽ ra em không phải đợi ở đây lâu tới ba bữa

Tụi chị tính tới đây sớm kia, ngặt địch nó nằm ngáng lộ 15, đường giây bị đứt. Mấy bữa nay, tụi chị phải đi xoi đường mới, giờ mới tới đây được đó! Bây giờ tôi mới vỡ nghĩa. Té ra đường giây là vậy. Là đường đi của cách mạng, từ nơi này tới nơi khác. Đường giây giống như các mạch máu, chảy từ trái tim ra khắp thân mình. Và đường giây không thể để bị đứt, nếu bị đứt chỗ này là phải xoi liền chỗ khác, như chị nọ vừa nói.

Trong lúc cơn sốt từ từ hạ xuống, tôi vui sướng nhìn những người mới tới chòi. Tôi thấy người nhẹ nhàng hơn và có cảm tưởng cơn sốt như là cuộc thử thách sau cùng đối với tôi, sau lửa, đói và khát. Nỗi mong đợi của tôi giờ đã trở thành sự thực. Dẫu chưa thể nói là hoàn toàn, vì họ vẫn chưa phải là bộ đội, nhưng là giao liên giải phóng. Về chỗ họ thì việc tìm tới bộ đội cũng chẳng khó khăn. Thiệt là lạ lùng, giữa cái lúc tôi nằm mê ngó thấy toàn tụi ác ôn, thì bừng tỉnh dậy, trước mặt tôi hiện ra những người mới thoạt trông đã thấy gần gũi. Tôi có cảm tình ngay với chị phụ nữ cao lớn vạm vỡ kia. Cả cái tiếng nói oang oang của chị, tôi cũng lấy làm ưa. Câu nào chị nói ra cũng dứt khoát như dao chém.

Một lúc lâu, tôi đánh bạo hỏi khẽ chị:

- Dạ thưa... chị thứ mấy?

- Chị hả, chị thứ Tám!

- Biệt hiệu là Bà Chủ Rừng.

Cái anh có tên gọi là Hai Bình Toong mới vo gạo dưới suối lên, cười nói chêm vào. Chị Tám cũng cười, cái cười mở rộng hết miệng. Thế là một lần nữa tôi lại ngạc nhiên, thắc mắc không biết tại sao chị Tám lại còn có thêm biệt hiệu đó. Tên Hai Bình Toong tôi còn có thể gẫm ra, chớ Bà Chủ Rừng thì nghĩa làm sao? Chị Mịn đã nấu xong cháo, đem lại cho tôi. Tôi ăn hết nửa hăng-gô cháo rồi uống hai viên thuốc ký-nin của chị Tám đưa cho. Mồ hôi tháo ra dầm dề ướt đầm cả áo tôi. Chị Tám bảo tôi nằm nghỉ một chút cho khỏe rồi sẽ đi. Tôi ngoan ngoãn nằm xuống. Chị ngồi bên nói:

- Em cố ráng theo chị vô sóc đồng bào gần đây nghỉ. Chị gởi em ở tạm đó, rồi đi công tác tới sáng sẽ về ghé rước em. Từ đây vô sóc cũng gần thôi!

Tôi gật đầu. Không hiểu tại sao tôi rất tin ở chị Tám có biệt hiệu là Bà Chủ Rừng này. Mặc dù gặp chị có một chốc, tôi thấy chị rất dễ. Chị Tám đi đứng ăn nói bộ tịch y như mấy thím mấy chị nông dân ở trong xóm tôi hồi đó. Nói sao làm vậy, và làm nhậm lẹ chớ không uốn a uốn éo như kiểu vợ Bảy Vàng. Nghe nói là vào nghỉ trong sóc, tức thì tôi liền nghĩ ngay tới ông Cổ. Tôi vụt hỏi:

- Bộ sóc ở gần đây hả chị? Có phải sóc của bà con Châu ro không?

- Ờ sóc của bà con Châu-ro. Cái sóc mình sẽ vô kêu là sóc Chùm-đuông.

- Ủa, sóc Chùm-đuông à, trời ơi...

Tôi buột miệng kêu, bật ngồi nhổm dậy. Chị Tám trố mắt nhìn tôi:

- Sao, em biết cái sóc đó rồi sao?

- Không, em chỉ nghe nói chớ chưa biết. Em có quen một người ở sóc Chùm-đuông, người đó cùng ở đợ với em tại nhà Bảy Vàng...

- Ai vậy?

- Một ông già, tên là ông Cổ.

Chị Tám nói:

- Tưởng ai chớ ông Cổ thì chị biết quá. Ông là chỗ cơ sở của tụi chị. Tội nghiệp, có gì ông già đó cũng đem cho trạm của chị. Cho từ miếng thịt con heo rừng mắc bẫy tới trái bầu trên giàn. Té ra hồi trước em ở chung với ông Cổ hả? Em có muốn gặp ông thì để lát nữa chị dắt em tới nghỉ ở nhà ông luôn cũng được. Ông ở cùng một ông già khác tên Xà, ông Xà cao niên dữ lắm...

Tôi mừng rỡ quá chừng. Trời ơi, thiệt tôi không ngờ còn có ngày gặp lại ông Cổ, ông già Châu-ro đáng thương ấy. Vậy mà trên một năm nay tôi cử tưởng ông Cổ không còn sống. Ngày ông rời nhà Bảy Vàng, ông đã yếu lắm rồi. Ông đã để lại nơi nhà Bảy Vàng hầu hết sức lực biết bao mồ hôi và cả máu. Cái buổi sớm đưa tiễn ông ra tới cuối đồng trảng, tôi đã không cầm được nước mắt. Tôi còn nhớ rằng tôi đã đứng lại rất lâu trên trảng, ngó nhìn ông đi về rừng, ngó bóng ông già Cổ nhỏ thó mờ dần trong sương sáng. Tôi ngỡ đâu về sóc ít tháng chắc là ông phải chết vì cái bệnh ho của ông. Nào ngờ ông hãy còn sống, còn là người có ích cho cách mạng.

Không biết lát nữa gặp tôi, ông còn nhận ra tôi không, và ông có mừng không. Chớ tôi mà gặp tôi mừng lắm.

Anh thanh niên có tên gọi Hai Bình Toong đã ra đi. Anh lội qua suối đi ngang cánh rừng cháy trụi mà chiều hôm nọ tôi vượt qua. Tôi cũng sắp sửa đi với chị Tám.

Chị Mịn ở lại chòi, đợi chị Tám trở ra. Trời vừa sụp tối chị Tám dẫn tôi đi. Cơn sốt hãy còn làm tôi nhức đầu, chân bước không được vững như mọi bữa. Đi một lúc, chị Tám day lại nói:

- Sao em, có đuối lắm không? Đuối quá thì lên lưng chị cõng... Không xa đâu, qua một cái trảng dầu nữa là tới thôi!

Tôi nghe chị Tám nói thì tức cười quá. Dẫu có mệt, tôi cũng ráng sức bươn theo, chi mà phải lên lưng cho chị cõng. Nhưng tôi biết chị nói thiệt, nếu tôi "ừ" một tiếng ắt chị cõng tôi đi thiệt đó. Tôi đáp:

- Không, em không đuối lắm đâu, em đi được mà!

Con đường xuyên qua rừng dày, bên dưới có nhiều gai mây và gai chà là. Nhưng tôi không bị vướng lần nào, vì chỗ nào cá gai ve ra là chị Tám đều báo trước. Hình như chỗ nào có gai chị đều biết cả. Đến như cái cây ngã ngáng ngang đường, chị cũng bước tránh qua một cách dễ dàng. Đang đi, tôi chợt nghe có tiếng con gì bươi đất rạo rạo bên đường. Chị Tám đứng lại nghe, nói với giọng tiếc rẻ:

- Không rảnh ở lại bắt con trúc này đem về ăn thịt.

Em nghe chưa, nó đương đào hang đó! Rồi chị lại đi tới. Giờ tôi mới hiểu ra phần nào cái tên Bà Chủ Rừng của chị Tám... Có nghĩa là chị làm chủ rừng này, thuộc hết đường ngang ngõ tắt, trong rừng có thứ gì coi như đều nằm trong lòng bàn tay chị hết. Tôi nghĩ chắc là như vậy.

Ra khỏi rừng dày, con đường lên dốc xuống trũng và sáng ra. Đã có đồi lượn thoai thoải, những đồi nhấp nhô hiện ra trong đêm mờ như những cồn sóng. Trên đồi mọc đầy thứ cỏ trúc, dưới lũng trảng là rừng dầu đã rụng hết lá. Qua một mùa nắng, mọi cây dầu đều trơ trụi.

Xa xa sau những thân dầu, tôi thấy có ánh lửa. Chị Tám bảo đó là sóc Chùm-đuông. Lúc tôi và chị Tám đến nơi, cả sóc im lìm như ngủ. Những cái nhà sàn mái nhọn vót, thu mình đứng lặng, in xuống đất bóng bậc thang cao cao, bóng những trái bầu khô lủng lẳng dưới gậm sà

Tôi không nghe thấy tiếng động, nhưng lại ngửi thấy nhiều cái mùi chứng tỏ sóc chưa ngủ. Như mùi khói, mùi bò và phân bò nồng nặc. Tôi còn nghe sực lên mũi cỏ tươi đang bị vầu nghiến, do đó mà biết có nhiều con bò đang nhơi cỏ ngon lành trong bóng tối. Sóc Chùm-đuông buổi đầu đêm coi im lìm vậy mà chưa ngủ thiệt. Vẫn còn có tiếng đờn tre thánh thót, vẫn còn ánh lửa trên nhà sàn, và từ đó bay tới mùi thịt nướng, mùi lá bép ngầy ngậy bị nấu rục.

Thình lình trên một nhà sàn có tiếng Châu-ro quát hỏi xuống. Chị Tám trả lời cũng bằng thứ tiếng ấy. Trên nhà người vừa quát hỏi bỗng trở nên vui vẻ, lơ lớ bảo nhau bằng tiếng Kinh: "Chị Tám, chị Tám!". Tôi lại nghe chị Tám nói tiếp một tràng, khiến họ vui vẻ cười rộ. Chị Tám cũng cười, rồi phăm phăm đi sâu vào sóc.

Tới gần cuối sóc, chị dừng lại trước một cái nhà sàn, bảo tôi:

- Nhà ông Cổ đây!

Tôi hồi hộp ngước nhìn cái nhà sàn chênh vênh nhô nóc giữa những tàng mít lá ướt bóng như có thoa mỡ. Cái nhà có sân, có bậc thang, có ánh than hồng ràng rạng.

Đấy là cái nhà của ông Cổ. Chỉ riêng điều đó không thôi cũng đã đủ làm tim tôi đập mạnh. Ông Cổ giờ mà cũng có được cái nhà sao. Ông già Châu-ro tưởng đã hóa xà- niên ấy, ông già mà đã có lúc tôi mường tượng rồi chắc có ngày ông sẽ chết gục giữa bầy bò của Bảy Vàng ấy.

Chị Tám cất tiếng oang oang hỏi vọng lên:

- Ông Cổ ơi, ông Cổ có còn thức đó không?

- Ai đó, ai kêu tui?

- Tôi là Tám Mây đây. Ông Cổ ơi, có người quen đây nè!

Tiếp theo là tiếng chân bước lạch xạch, rồi tiếng thổi lửa phù phù. Chị Tám bước lên bậc thang, với tay kéo tôi lên. Tôi leo lên hết bậc thang chót thì bếp lửa ở giữa sàn nhà bùng cháy. Tôi ngó thấy một người đang ngồi xổm bên bếp, đun cái đầu củi lớn cho chụm vào, lưng day về phía tôi. Nhưng chỉ cần ngó cái bóng của người đó in lên vách, tôi cũng biết đó chính là ông Cổ. Khi ông vừa quay lại, tôi đã nhào tới phía ông, ôm lấy ông. Ông Cổ trong giây phút đột ngột, vẫn chưa tôi. Tôi la lên:

- Ông ơi, cháu là Quyết đây, cháu là thằng Quyết đây ông ơi! Ông già chưng hửng, ngó tôi mãi một lúc sau mới run run buột kêu:

- Trời...

Đôi bàn tay ông cập rập, quờ quạng lưng tôi. Hai ông cháu tôi ôm lấy nhau ở giữa sàn nhà, giữa ánh lửa cháy sáng hơn trước. Chị Tám Mây nén nỗi xúc động, đứng cười nói:

- Đó tôi dắt thằng em đây tới cho ông đó, ông Cổ. Bây giờ tôi có công chuyện phải đi gấp, mai tôi về qua đón em nó đi. Nó vừa bỏ trốn khỏi nhà thằng Bảy Vàng, nhịn đói ba bữa nay, hồi chiều lại bị sốt. Ông Cổ coi có lá thuốc gì cho nó uống nghen!

Ông Cổ nhẹ buông tôi ra, lật đật đến bên chị Tám:

- Ủa, con Tám tính đi liền bây giờ sao. Khoan đã, đợi tao nấu cơm nếp ăn rồi hẵng đi mà!

- Thôi khỏi nấu ông Cổ à, để tôi đi cho kịp. Rồi mai tôi về ăn cơm nếp của ông Cổ, lo gì!

Chị Tám buộc thắt cái khăn rằn ngang đầu như thể đàn ông, chào ông Cổ lần nữa, thoăn thoắt nhảy xuống bậc thang.