Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn

11: KHAO KHÁT ĐƯỢC TÁN THÀNH

Giả sử bạn cho rằng việc bị ai đó phản đối là một điều hết sức khủng khiếp. Vậy thì tại sao việc bị phản đối lại mang đến cảm giác đó cho bạn? Có lẽ lập luận của bạn sẽ kiểu như thế này: “Nếu có người phản đối mình, tức là mọi người sẽ phản đối mình. Điều này có nghĩa là mình đã sai ở đâu đó.” Nếu bạn nghĩ như thế, vậy thì bạn sẽ cảm thấy vui sướng mỗi khi được khen ngợi. Lý do là, “Mình nhận được phản hồi tích cực nên mình có quyền cảm thấy tự hào về bản thân.”

Lẽ tự nhiên là sự tán thành khiến chúng ta cảm thấy vui. Điều này không có gì sai trái cả. Tương tự, sự phản đối và từ chối thường khiến chúng ta cảm thấy khó chịu. Điều này thuộc về bản tính con người và hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng nếu bạn tiếp tục tin rằng sự tán thành và phản đối là thước đo đúng đắn và duy nhất về giá trị bản thân, thì bạn tự đặt mình vào một tình thế hiểm nguy đấy. Sự tán thành hoặc phản đối của người khác không hề có khả năng tác động đến cảm xúc của bạn, trừ khi bạn tin rằng những điều người đó nói là đúng.

Nếu bạn tin rằng bạn xứng đáng với lời khen của họ, thì chính niềm tin của bạn giúp bạn cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, cái giá mà bạn phải trả cho khao khát được khen ngợi chính là sự tổn thương sâu sắc trước ý kiến phản hồi từ người khác. Người ta có thể lợi dụng điểm yếu này để thao túng bạn.

Nếu có người phản đối bạn, thì vấn đề có thể nằm ở bản thân anh ta hay cô ta. Sự phản đối thường phản ánh những suy nghĩ phi lý của người khác. Hãy xét một ví dụ hết sức điển hình, đó là tuyên bố mang nặng tính thù hằn của Hitler về việc dân Do Thái là hạ đẳng.

Tuyên bố ấy không hề phản ánh giá trị bên trong của những người Do Thái mà Hitler muốn tận diệt.

Đương nhiên sẽ có nhiều trường hợp bạn bị phản đối là do phần sai nằm ở bạn. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn là một người vô giá trị và vô dụng. Phản ứng tiêu cực của người khác chỉ đơn thuần nhắm vào một hành động cụ thể nào đó mà bạn đã thực hiện, chứ không phải giá trị bản thân bạn. Con người không thể luôn luôn làm sai được!

Bạn có từng phê bình ai đó chưa? Bạn có từng bất đồng ý kiến với một người bạn? Bạn có từng la mắng một đứa trẻ vì hành động sai trái của nó? Bạn có từng cằn nhằn người yêu khi cảm thấy bực bội trong người? Bạn có từng quyết định né tránh một người vì cách hành xử của người đó không hợp ý bạn? Vậy thì hãy tự hỏi bản thân rằng – khi bạn bất đồng ý kiến, phê bình, hoặc phản đối ai đó, thì bạn có đang phán xét rằng người đó là hoàn toàn vô giá trị và xấu xa về mặt đạo đức không? Bạn có khả năng đưa ra những nhận định có sức ảnh hưởng lớn như vậy về người khác hay không? Hay đơn giản là bạn chỉ đang bày tỏ rằng bạn có quan điểm khác và bạn không hài lòng với lời nói hoặc hành động của người đó?

Ví dụ, trong cơn nóng giận, bạn có thể lỡ lời với người bạn đời, “Anh/em chẳng có gì tốt đẹp cả!” Nhưng khi cơn giận nguôi ngoai sau một hoặc hai ngày, chẳng phải bạn đã thừa nhận với bản thân rằng bạn chỉ phóng đại “mặt xấu” của anh ấy hoặc cô ấy thôi sao?

Đúng vậy, người bạn đời có thể phạm nhiều lỗi lầm, nhưng chẳng phải thật ngớ ngẩn khi nghĩ rằng sự phản đối hoặc phê bình trong cơn giận dữ của bạn khiến anh ấy hoặc cô ấy trở thành một người hoàn toàn vô dụng sao? Nếu bạn thừa nhận rằng sự phản đối của bạn không có sức mạnh tàn phá ý nghĩa và giá trị cuộc sống của người khác, thì tại sao bạn lại trao cho sự phản đối của họ thứ quyền năng hủy diệt cảm nhận của bạn về giá trị bản thân mình? Điều gì khiến họ đặc biệt như vậy? Khi bạn run lên trong cơn hoảng loạn bởi vì có người nào đó ghét bỏ bạn, thì bạn đang phóng đại trí lực và năng lực của người đó, đồng thời bạn đã bán rẻ chính mình vì không có khả năng tự đánh giá bản thân một cách đúng đắn. Đương nhiên, người đời có thể chỉ ra khuyết điểm trong hành vi, hoặc sai lầm trong suy nghĩ của bạn. Tôi hy vọng họ sẽ làm thế, vì đó là những bài học quý giá dành cho bạn. Suy cho cùng thì tất cả chúng ta đều không hoàn hảo, và đôi khi mọi người có quyền nói cho chúng ta biết điều đó.

Nhưng bạn có cần phải căm ghét và làm cho bản thân cảm thấy bất hạnh mỗi khi ai đó nổi giận với bạn hoặc khiến bạn thất vọng hay không?

Nguồn gốc của vấn đề.

Khao khát được tán thành này bắt nguồn từ đâu? Chúng tôi chỉ có thể suy luận rằng có lẽ câu trả lời nằm trong sự tương tác giữa bạn và những người quan trọng với bạn từ thuở ấu thơ. Có thể bố mẹ từng phê bình bạn một cách nặng nề khi bạn phạm sai lầm, hoặc họ từng nổi nóng ngay cả khi bạn chẳng làm gì sai. Mẹ bạn có thể từng khiển trách, “Con thật tồi tệ khi làm việc đó!” hoặc bố bạn từng nổi nóng nói, “Con lúc nào cũng làm hỏng chuyện. Con chẳng bao giờ tiến bộ được.”

Khi là một đứa trẻ, bạn hẳn rất thần tượng bố mẹ mình. Họ dạy bạn cách nói chuyện, cách buộc dây giày, và đa số những lời chỉ bảo của họ đều đúng. Nếu bố nói rằng, “Con sẽ bị xe tông chết nếu chạy ra giữa đường,” thì điều này đúng theo nghĩa đen. Như mọi đứa trẻ khác, bạn có thể tin rằng gần như mọi điều bố mẹ nói đều đúng.

Thế nên, khi bạn nghe những lời như “Con thật tệ. và “Con chẳng bao giờ tiến bộ được,” thì bạn thật sự tin tưởng những điều đó và cảm thấy đau đớn khôn nguôi. Khi đó, bạn còn quá nhỏ nên chưa biết lập luận, “Bố đang phóng đại và khái quát quá mức vấn đề rồi.”

Chẳng có gì lạ khi bạn hình thành thói quen xấu tự hạ thấp bản thân mỗi khi có ai đó phản đối bạn. Bạn không có lỗi khi còn bé và cũng không ai trách được bạn vì đã lớn lên cùng với tư tưởng này.

Nhưng khi đã là một người trưởng thành, bạn có trách nhiệm suy xét mọi điều một cách thực tế và có hành động cụ thể hòng vượt qua điểm yếu này.

Nỗi sợ bị phản đối khiến bạn có nguy cơ rơi vào trạng thái bất an và trầm cảm như thế nào? John là một kiến trúc sư 52 tuổi, chưa kết hôn, ăn nói nhỏ nhẹ và sợ bị phê bình. Anh được đưa đến trị liệu vì mắc chứng trầm cảm tái đi tái lại, và nó không hề thuyên giảm mặc dù anh đã trải qua nhiều đợt điều trị. Một ngày nọ, anh cảm thấy đặc biệt vui vẻ và phấn khởi đến gặp sếp để trình bày ý tưởng mới về một dự án quan trọng. Vị sếp quát lên, “Để sau đi, John. Anh không thấy là tôi đang bận hả?”

Lòng tự trọng của John sụp đổ ngay tức thì.

Anh lê bước trở về văn phòng của mình, chìm đắm trong cơn tuyệt vọng cùng nỗi căm ghét bản thân, và anh thấy mình thật tệ hại, “Sao mình có thể vô tâm như thế chứ?”

Khi John kể lại chuyện này cho tôi nghe, tôi đã hỏi anh một vài câu hỏi đơn giản, “Ở đây ai mới là người hành động ngu ngốc. là anh hay sếp của anh? Anh có thật sự cư xử không phải phép không, hay chính sếp của anh mới là người có hành động khó ưa?”

Sau một phút trầm ngâm, anh đã chỉ ra được đúng người đúng tội.

Anh đã không nghĩ đến khả năng vị sếp có cách hành xử quá quắt là bởi vì anh có thói quen tự đổ lỗi cho chính mình. Anh đã cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận ra anh hoàn toàn không có gì phải xấu hổ về hành động của mình vào thời điểm đó. Sếp của anh, con người cáu bẳn đó, hẳn đang bị áp lực và không được sáng suốt cho lắm vào ngày hôm đó.

Sau đó John thắc mắc, “Tại sao tôi luôn phải cố gắng quá mức để nhận được sự tán thành của người khác? Tại sao tôi lại cảm thấy suy sụp như vậy?” Rồi anh nhớ lại một sự việc xảy ra vào năm anh 12 tuổi. Người em trai duy nhất của anh qua đời vì chứng bệnh bạch cầu. Sau tang lễ, anh vô tình nghe được mẹ và bà nói chuyện trong phòng ngủ. Mẹ anh đau đớn khóc lóc, “Bây giờ, chẳng có gì níu giữ con sống trên cõi đời này nữa.” Bà anh đáp lời, “Suỵt. John ở ngay bên ngoài kìa! Nó có thể nghe thấy những gì con nói đấy!”

John rơi nước mắt khi anh kể chuyện này với tôi. Anh đã nghe thấy những lời đó, và với anh thì lời mẹ nói có nghĩa là, “Điều này chứng tỏ mình không có giá trị gì. Đứa em trai quan trọng hơn mình. Mẹ không thật sự yêu thương mình.” Anh không bao giờ tiết lộ điều anh đã nghe thấy, và qua ngần ấy năm, anh đã cố chối bỏ phần ký ức đó bằng cách tự nhủ, “Dù sao thì việc mẹ có yêu thương mình hay không cũng không quan trọng.” Thế nhưng, anh đã hết sức khổ sở để làm mẹ hài lòng bằng những nỗ lực trong công việc.

Trong thâm tâm, anh không hề tin rằng mình có giá trị, rằng anh là một người kém cỏi và không xứng đáng được yêu thương. Anh cố gắng bù bắp cho sự thiếu hụt lòng tự trọng bằng cách có được sự ngưỡng mộ và tán thành từ phía mọi người. Cuộc đời anh như thể một chuỗi các nỗ lực không ngừng nghỉ để bơm hơi vào một quả bong bóng bị thủng lỗ.

Giờ đây, John đã có thể nhìn ra điểm phi lý trong phản ứng của mình đối với những lời anh vô tình nghe được khi đứng bên ngoài phòng ngủ. Cảm giác cay đắng và trống rỗng của mẹ anh vào thời điểm đó là nỗi đau đớn khôn nguôi mà bất kỳ người làm cha làm mẹ nào cũng đều cảm thấy khi mất đi đứa con thân yêu. Câu nói của người mẹ không liên quan gì đến John cả, nó chỉ là nỗi u uất và tuyệt vọng tạm thời của bà mà thôi.

Nghĩ về ký ức này từ một góc độ khác đã giúp John nhận ra việc liên kết giá trị bản thân với ý kiến của người khác là điều phi lý và có hại. Có lẽ bạn cũng bắt đầu nhận ra rằng suy nghĩ của bạn về tầm quan trọng của sự tán thành từ người khác là hết sức phi thực tế. Chỉ có bạn, và duy nhất bạn, mới có thể khiến bản thân luôn luôn hạnh phúc. Không ai khác có thể làm được điều đó. Bây giờ, hãy xem lại những bước cơ bản mà bạn có thể áp dụng để thực hành các ý trên, để biến nỗi khao khát về lòng tự trọng thành hiện thực.

Con đường dẫn đến sự độc lập và lòng tự trọng

Phân tích lợi-hại.

Bước đầu tiên để phá vỡ lối tư duy khiến bản thân thất bại trong bảng DAS chính là phân tích lợi ích và tác hại. Hãy tự vấn bản thân, đâu là cái lợi và cái hại của việc cho rằng sự phản đối khiến mình trở nên kém giá trị? Sau khi liệt kê toàn bộ những điều có ích và có hại mà thái độ sống này mang đến cho bạn, bạn sẽ có thể đưa ra quyết định sáng suốt để xây dựng hệ giá trị tích cực hơn.

Điều chỉnh những mặc định.

Nếu dựa vào phần phân tích lợi- hại và thấy rằng nỗi sợ bị từ chối mang đến đau khổ hơn là lợi ích, thì bước thứ hai chính là viết lại các mặc định ngầm theo cách khác sao cho thực tế hơn và giúp bạn phát triển bản thân hơn.

Lập kế hoạch cho lòng tự trọng.

Bước thứ ba này có chủ đề “Tại sao việc sống trong nỗi sợ bị phê bình hoặc phản đối là phi lý và không cần thiết” Đây là bản kế hoạch giúp bạn xây dựng sự tin cậy và tự chủ cho bản thân. Hãy liệt kê các lý do tại sao việc bị phản đối khiến bạn khó chịu nhưng không hề là một đòn chí tử. Trong đó, hãy ghi lại những điều mà bạn thấy thuyết phục và có ích cho chính bạn.

Hãy đảm bảo rằng bạn tin tưởng vào mỗi luận cứ mà bạn viết ra, như vậy thì niềm tin mới của bạn về tính tự lập sẽ thực tế hơn.

Khi có ý tưởng mới, hãy thêm vào danh sách. Trong vài tuần, hãy đọc danh sách đó vào mỗi buổi sáng. Đây là bước khởi đầu giúp bạn gọt giũa những ý kiến và nhận xét tiêu cực của người khác về bạn sao cho những ý kiến và nhận xét ấy trở nên thực tế hơn.

Dưới đây là một vài ý tưởng hết sức hữu dụng.

1.

Hãy nhớ rằng khi ai đó phản ứng tiêu cực với bạn, thì có thể chính cách suy nghĩ phi lý của họ mới là nguyên nhân chủ yếu gây ra phản ứng đó.

2.

Nếu lời chỉ trích của người khác là đúng, thì điều này không nhất thiết hủy hoại bạn. Bạn có thể xác định và sửa chữa sai lầm. Bạn có thể học hỏi từ sai lầm của mình, và bạn không cần phải xấu hổ. Là con người, ai cũng có lúc phạm phải sai lầm.

3.

Nếu bạn thất bại, điều đó không có nghĩa bạn là một KẺ THẤT BẠI BẨM SINH. Chẳng ai phạm sai lầm vào mọi thời điểm hay thậm chí là vào hầu hết mọi thời điểm. Hãy nghĩ về hàng nghìn việc đúng đắn mà bạn đã thực hiện trong suốt cuộc đời mình! Hơn nữa, bạn có thể thay đổi và trưởng thành.

4.

Người khác không thể phán xét giá trị con người bạn; họ chỉ có thể đánh giá tính xác thực của những hành động và lời nói cụ thể của bạn mà thôi.

5.

Mỗi người sẽ nhìn nhận bạn theo một cách khác nhau, bất luận bạn hành xử tốt đẹp hay tồi tệ thế nào đi nữa. Sự phản đối không lan nhanh như lửa và không kéo theo một chuỗi phản đối không dứt khác. Vì vậy, cho dù trong tình cảnh tồi tệ nhất và bạn thật sự bị ai đó từ chối, thì bạn cũng không lẻ loi một mình.

6.

Sự chỉ trích và phản đối thường khiến bạn cảm thấy khó chịu, nhưng sự khó chịu đó sẽ qua đi. Hãy thôi rầu rĩ đi. Hãy tham gia vào một hoạt động nào đó mà bạn từng thích trong quá khứ, mặc dù bạn cảm thấy hoàn toàn không có lý do gì để làm điều đó.

7.

Sự phản đối và chỉ trích chỉ có thể khiến bạn buồn rầu khi bạn “đồng ý” với những lời cáo buộc mà người khác dành cho bạn.

8.

Sự phản đối hiếm khi trường tồn. Mối quan hệ giữa bạn và người chống đối không nhất thiết phải chấm dứt chỉ vì họ chỉ trích bạn. Tranh cãi là một phần của cuộc sống, và trong đa số trường hợp thì đôi bên có thể đi đến sự thống nhất chung về sau.

9.

Nếu bạn phê bình một người nào đó, việc này không khiến họ trở thành người tồi tệ. Vậy thì tại sao bạn cho người khác quyền phán xét bạn? Chúng ta chỉ là con người bình thường, chứ không phải Tòa án Tối cao. Đừng thần thánh hóa người khác.

Bạn nghĩ ra vài ý tưởng khác rồi chứ? Hãy dành vài ngày suy nghĩ về chủ đề này. Ghi lại ý tưởng của bạn vào giấy. Xây dựng triết lý riêng về sự phản đối. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cách này giúp bạn thay đổi quan điểm và tăng cường cảm nhận của bạn về tính độc lập như thế nào.

Trao đổi ngôn ngữ.

Bên cạnh việc học cách nghĩ khác đi về sự phản đối, thì việc học cách cư xử khác đi đối với người bày tỏ thái độ phản đối cũng rất hữu ích.

Trước hết, nếu sợ bị ai đó phản đối, vậy thì bạn có từng nghĩ đến việc hỏi người đó xem họ có thật sự khinh thường bạn hay không chưa? Bạn sẽ có được niềm vui bất ngờ khi biết rằng sự phản đối đó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của bạn mà thôi. Mặc dù điều này đòi hỏi bạn phải có chút can đảm, nhưng kết quả mang lại có thể hết sức to lớn.

Bạn có còn nhớ bác sĩ Art hay không? Art đã không nghĩ đến trường hợp bệnh nhân của anh sẽ tự sát. Bệnh nhân đó chưa từng có tiền sử hay triệu chứng trầm cảm nhưng lại mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân quá sức chịu đựng. Một buổi sáng nọ, Art nhận được điện thoại thông báo rằng bệnh nhân của anh đã chết vì tự bắn vào đầu. Phản ứng của anh là buồn rầu, bởi vì anh quý mến bệnh nhân này, và anh cũng lo lắng rằng cấp trên và đồng nghiệp sẽ chê bai và khinh thường anh vì “sai lầm này” và vì anh đã không dự đoán được chuyện này. Sau khi nói chuyện về cái chết của bệnh nhân đó, anh đã hỏi thẳng cấp trên, “Anh có thất vọng về tôi không?” Ông ấy đã đáp lại bằng sự cảm thông chân thành và nói rằng ông cũng từng trải qua cảm giác tương tự trong quá khứ. Ông ấy nhấn mạnh rằng đây là cơ hội để Art học cách đối mặt với một trong những rủi ro nghề nghiệp khi lựa chọn đi theo con đường tâm thần học. Bằng cách thảo luận vấn đề và không đầu hàng trước nỗi sợ bị chối bỏ, Art hiểu rằng anh đã mắc “sai sót” – đó là xem nhẹ trường hợp cảm giác “tuyệt vọng” có thể khiến người ta tự sát dù họ không hề có bệnh lý trầm cảm.

Tuy nhiên, anh cũng học được rằng anh không buộc phải hoàn hảo, và rằng mọi người không kỳ vọng anh phải điều trị thành công cho mọi bệnh nhân.

Giả sử mọi việc không tốt đẹp như thế, và cấp trên hoặc đồng nghiệp của anh cho rằng anh thật vô tâm hoặc năng lực yếu kém. Vậy thì sao? Hệ quả tồi tệ nhất sẽ chỉ là sự chối bỏ. Hãy cùng bàn về một số phương pháp đối phó với tình cảnh tồi tệ nhất mà bạn có thể gặp phải này.

Sự chối bỏ không bao giờ là lỗi của bạn!

Bên cạnh những vết thương trên cơ thể hoặc sự hư hại về tài sản, thì nỗi đau lớn nhất mà người khác có thể gây ra cho bạn chính là sự chối bỏ. Nguy cơ này là căn nguyên nỗi sợ của bạn khi bạn bị “gạt bỏ”.

Có nhiều kiểu chối bỏ khác nhau. Một dạng phổ biến nhất và rõ ràng nhất là “sự chối bỏ tuổi dậy thì”, mặc dù nó không hề giới hạn ở độ tuổi mới lớn. Giả sử bạn có tình ý với một người bạn đang hẹn hò hoặc từng gặp gỡ, mà cuối cùng bạn không phải kiểu người họ tìm kiếm. Có thể đó là vì ngoại hình, chủng tộc, tôn giáo hay phong cách cá nhân của bạn. Hoặc có thể vì bạn quá cao, quá thấp, quá mập, quá ốm, quá già, quá trẻ, quá thông minh, quá khờ khạo, quá chủ động, quá thụ động... Bởi vì bạn không phù hợp với kiểu “người trong mộng” của họ, nên họ bỏ qua những ưu điểm của bạn và lạnh lùng từ chối bạn.

Đó có phải là lỗi của bạn không? Hiển nhiên là không rồi!

Người đó từ chối bạn đơn giản là vì sở thích chủ quan của họ mà thôi. Người ta có thể thích bánh táo hơn bánh anh đào. Điều này có đồng nghĩa với việc bánh anh đào vốn dĩ không hấp dẫn hay không?

Hầu như mọi người đều có sở thích khác nhau về mặt tình cảm. Nếu ngoại hình của bạn may mắn được xã hội xếp vào mức “ưa nhìn”, như kiểu mấy người mẫu chuyên quảng cáo kem đánh răng trên ti-vi ấy, và bạn lại có cá tính cuốn hút nữa, thì bạn sẽ rất dễ dàng hấp dẫn người khác. Nhưng bạn sẽ thấy rằng sự thu hút lẫn nhau này hoàn toàn không đồng nghĩa với việc bạn có thể phát triển được mối quan hệ yêu đương lâu dài, và ngay cả những người có nhan sắc cũng phải vài lần đối mặt với việc bị từ chối. Không ai có thể gây cảm tình với tất cả mọi người mà họ gặp.

Nếu bạn có ngoại hình và cá tính thường thường bậc trung, thì bạn sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để thu hút người khác, và số lần bạn bị từ chối có thể sẽ nhiều hơn. Bạn cần phải phát triển các kỹ năng giao tiếp và nắm vững một vài bí quyết hấp dẫn người khác.

Đó là: (1) Đừng bán rẻ bản thân bằng cách xem thường chính mình. Không ngược đãi bản thân. Nâng cao lòng tự trọng. Khi bạn yêu thương bản thân, người khác sẽ cảm nhận được niềm hân hoan mà bạn lan tỏa và muốn gần gũi với bạn. (2) Hãy bày tỏ sự tán thưởng chân thành với mọi người. Thay vì loay hoay chờ đợi trong lo lắng về việc người khác quý mến bạn hay từ chối bạn, hãy yêu mến họ trước và cho họ biết điều đó. (3) Hãy thể hiện sự quan tâm đến người khác bằng cách tìm hiểu những việc khiến họ yêu thích. Hãy để họ có cơ hội nói về những điều khiến họ hứng khởi nhất, và đối đáp với họ bằng phong thái vui vẻ.

Nếu kiên trì làm theo những điều này, bạn sẽ nhận ra rằng sẽ có người thấy bạn thật cuốn hút, và rồi bạn sẽ khám phá ra là bạn đang nắm giữ niềm hạnh phúc bất tận. “Sự chối bỏ tuổi dậy thì” thật phiền toái khó chịu, nhưng đó không phải là tận thế và cũng không phải là lỗi của bạn.

Song bạn có thể bắt bẻ, “Thế còn trường hợp rất nhiều người chối bỏ họ bởi vì họ khiến người khác khó chịu với cái thói kiểu cách khó ưa của họ thì sao? Ví dụ kiểu người tự phụ và nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ ấy. Đương nhiên đó là lỗi của người đó, đúng không?”

Đây là kiểu chối bỏ thứ hai, mà tôi gọi là “chối bỏ vì tức giận”. Một lần nữa, tôi nghĩ rằng bạn sẽ thấy rằng đây không phải là lỗi của bạn nếu bạn bị chối bỏ vì khiến người khác tức giận về một lỗi cá nhân.

Trước hết, người ta không buộc phải chối bỏ bạn chỉ vì họ thấy bạn có những điểm mà họ không thích – họ có những lựa chọn khác. Họ có thể bày tỏ lập trường và chỉ rõ những điểm mà họ không thích ở bạn, hoặc họ có thể học cách không quá bận tâm đến điều đó. Đương nhiên, họ có quyền né tránh và chối bỏ bạn nếu muốn, và họ được tự do “chọn bạn mà chơi”. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn vốn là một người “tồi tệ”, và chắc chắn không phải ai cũng có phản ứng tiêu cực như thế đối với bạn. Bạn sẽ vô cùng hòa hợp với một số người, nhưng đồng thời, bạn cũng sẽ xung đột với những người khác. Đây không phải là lỗi của ai cả, mà chỉ là thực tế cuộc sống.

Nếu bạn có một tính cách lạ thường nào đó khiến nhiều người xa lánh – chẳng hạn như thói chỉ trích thái quá, hoặc dễ nổi nóng – thì chắc chắn việc sửa đổi tính cách sẽ có lợi cho bạn. Nhưng sẽ thật buồn cười khi bạn trách bản thân mình nếu ai đó chối bỏ bạn chỉ vì sự kém hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều không hoàn hảo, và xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân – hoặc “đồng tình” với các mũi dùi mà người ta chĩa vào bạn – là vô lý và chỉ thiệt thòi cho bạn mà thôi.

Kiểu chối bỏ thứ ba là “sự chối bỏ nhằm thao túng”. Đây là trường hợp mà người khác khống chế bạn bằng cách đe dọa xa lánh hoặc chối bỏ bạn. Đôi khi người bạn đời không hài lòng với bạn, hay thậm chí là các bác sĩ tâm lý trị liệu chán nản với bạn, họ sẽ dùng cách này để ép buộc bạn thay đổi. Công thức là như sau: “Hoặc là anh/cô làm điều này và điều này, hoặc là chúng ta dứt khoát với nhau!” Cách thức phi lý này hiếm khi giúp một mối quan hệ trở nên gắn bó hơn bởi vì nó tạo ra áp lực và sự oán giận. Nó chỉ cho thấy sức chịu đựng yếu và khả năng kém cỏi trong việc tạo dựng mối quan hệ của người đe dọa. Hiển nhiên bạn không có lỗi khi họ thực hiện điều này, và thường thì việc để bản thân bị khống chế theo kiểu này chẳng mang lại lợi ích gì cho bạn cả.

Lý thuyết như vậy là đủ rồi. Giờ thì bạn có thể nói gì và làm gì khi bạn thật sự bị chối bỏ? Một phương pháp học hỏi hiệu quả chính là đóng vai một người khác. Để kịch bản hào hứng và thử thách hơn, tôi sẽ đóng vai người chối bỏ và đe dọa bạn bằng những điều tồi tệ nhất về bạn mà tôi có thể nghĩ ra. Bởi vì tôi đang đóng vai một kẻ cay độc và xúc phạm bạn, hãy bắt đầu cuộc nói chuyện bằng cách hỏi xem tôi có thật sự đang hắt hủi bạn qua cách tôi cư xử với bạn gần đây:

BẠN:

Bác sĩ Burns, tôi thấy anh dạo này có vẻ lạnh lùng và xa cách. Dường như anh đang né tránh tôi. Mỗi khi tôi bắt chuyện với anh, anh liền phớt lờ hoặc gắt gỏng với tôi. Tôi tự hỏi không biết anh khó chịu với tôi hay anh đang muốn hắt hủi tôi.

DAVID:

Tôi mừng vì chúng ta có thể nói chuyện thẳng thắn với nhau. Đúng là tôi đã lờ cô đi.

BẠN:

Tại sao? Hẳn là tôi đã khiến anh thất vọng nhiều lắm.

DAVID:

Cô là thứ rác rưởi.

BẠN:

Tôi có thể thấy là anh đang khó chịu với tôi. Tôi đã làm gì sai?

Bình luận:

Bạn không bênh vực cho bản thân mình. Vì bạn biết rõ rằng mình không phải là “thứ rác rưởi”, nên không có lý do gì để bạn nhấn mạnh với tôi rằng bạn không phải như thế. Điều đó chỉ “châm dầu vào lửa” thôi, và cuộc trò chuyện của chúng ta sẽ nhanh chóng “leo thang” thành một cuộc cãi vã.

DAVID:

Mọi điều về cô đều đáng ghê tởm.

BẠN:

Anh có thể nói cụ thể không? Anh khó chịu với cách tôi nói chuyện, một câu nói nào của tôi, trang phục của tôi, hay điều gì khác?

Bình luận:

Một lần nữa, bạn tránh việc bị kéo vào một cuộc tranh cãi. Bằng cách thúc giục tôi chỉ ra những điều tôi không thích ở bạn, bạn ép tôi phải suy nghĩ để nói ra một điều gì đó hợp lý, nếu không thì tôi sẽ trông như một kẻ tồi tệ.

DAVID:

Thì bữa nọ, cô làm tôi tổn thương khi hạ thấp tôi. Cô không quan tâm gì đến tôi hết. Đối với cô, tôi chỉ là một “thứ gì đó” chứ không phải con người.

Bình luận:

Đây là một lời chỉ trích phổ biến. Nó ám chỉ rằng người chối bỏ thật ra rất quan tâm đến bạn, nhưng họ cảm thấy bị xa cách và sợ rằng sẽ mất bạn. Họ quyết định đả kích bạn để bảo vệ lòng tự trọng đang lung lay của mình. Họ cũng có thể sẽ nói rằng bạn quá ngu ngốc, quá mập, quá ích kỷ...

Bất kể bản chất của sự chỉ trích đó là gì đi nữa, thì phương án của bạn sẽ bao gồm hai bước sau: (a) tìm ra một vài sự thật trong lời chỉ trích đó và cho người chối bỏ biết rằng bạn đồng ý một phần với lời phê bình của họ; (b) xin lỗi hoặc đề nghị rằng bạn sẽ cố gắng sửa chữa những sai lầm mà bạn đã thật sự mắc phải.

BẠN:

Tôi xin lỗi vì đã nói điều gì đó khiến anh phiền lòng. Tôi đã nói gì thế?

DAVID:

Cô nói với tôi rằng tôi là một thằng tệ hại. Như thế là quá đủ với tôi rồi – chấm dứt thôi.

BẠN:

Đó là một lời nhận xét hết sức tệ hại của tôi. Tôi có nói điều gì khác nữa mà khiến anh phiền lòng không? Hay hết rồi? Hay tôi đã làm điều đó nhiều lần rồi? Anh cứ nói ra những điều mà anh thấy khó chịu về tôi.

DAVID:

Cô thật khó lường. Có khi cô ngọt như mật, nhưng rồi bất chợt cô khiến tôi đau đớn bằng miệng lưỡi sắc bén của mình. Khi nổi giận, cô biến thành một kẻ độc mồm độc miệng. Tôi không thể chịu nổi nữa, và tôi không nghĩ có ai sẽ chịu nổi cô đâu. Cô ương ngạnh và vênh váo. Cô chẳng hề quan tâm đến ai khác ngoài bản thân mình. Cô là một kẻ ích kỷ, đã đến lúc cô nên thức tỉnh và nhận lấy bài học cay đắng. Rất tiếc vì tôi phải là người khiến cô thất vọng, nhưng đó là cách duy nhất để cô học được điều này. Cô chẳng thật sự thương ai ngoài bản thân mình cả, và chúng ta chấm dứt ở đây đi!

BẠN:

Ừm, tôi có thể thấy rằng chúng ta đã không giải quyết vô số vấn đề trong mối quan hệ này, và có vẻ như tôi đã bỏ lỡ thời điểm. Tôi có thể thấy mình đã cư xử một cách vô tâm và khó ưa. Tôi thấy mình đã tồi tệ như thế nào và anh đã khó chịu ra sao. Anh hãy cho tôi biết thêm về những điểm chưa tốt này của tôi đi.

Bình luận:

Bạn tiếp tục ghi nhận các nhận xét tiêu cực từ người chối bỏ. Bạn không “xù lông” lên bảo vệ mình mà tiếp tục tìm hiểu xem những điều người đó nói ra có đúng chỗ nào hay không.

Sau khi bạn đã phơi bày mọi lời chỉ trích và đồng ý với những phần đúng trong đó, thì bạn đã sẵn sàng phản hồi lại một cách khôn ngoan nhất. Hãy nói rõ rằng bạn thừa nhận những phần kém hoàn hảo đó của mình và rằng bạn sẽ nỗ lực sửa chữa sai lầm. Sau đó, hãy hỏi họ xem tại sao họ lại lờ bạn đi. Kiểu dẫn dắt này sẽ giúp bạn nhận ra tại sao việc bị chối bỏ không phải là lỗi của bạn. Bạn có trách nhiệm với sai lầm của mình, và bạn sẽ có nhiệm vụ sửa chữa sai lầm. Nhưng nếu ai đó bỏ rơi bạn vì sự kém hoàn hảo của bạn, thì đó là lỗi của anh ta, chứ không phải của bạn! Dưới đây là cách thực hiện.

BẠN:

Tôi có thể thấy rằng tôi đã có những hành động và lời nói khiến anh không thích. Tôi hoàn toàn sẵn lòng nỗ lực hết sức để sửa chữa những vấn đề này. Tôi không hứa những điều hão huyền, nhưng nếu chúng ta cùng nhau cố gắng thì tôi nghĩ không có vấn đề gì là không thể giải quyết được. Chỉ bằng cách trao đổi như thế này thôi thì mối quan hệ của chúng ta đã trở nên tốt hơn rồi. Thế nên, tại sao anh lại muốn chối bỏ tôi?

DAVID:

Bởi vì cô làm tôi tức điên lên.

BẠN:

Đôi khi giữa người với người cũng có sự khác biệt, nhưng tôi không nghĩ điều đó là yếu tố phá hủy mối quan hệ của chúng ta. Anh chối bỏ tôi vì anh cảm thấy tức giận hay sao?

DAVID:

Cô thật tệ hại và tôi không muốn nói chuyện với cô nữa.

BẠN:

Tôi rất tiếc vì anh cảm thấy như vậy. Mặc dù những điều đau lòng như thế xảy ra, tôi vẫn mong muốn tiếp tục tình bạn của chúng ta. Chúng ta có cần phải cắt đứt hoàn toàn không? Biết đâu cuộc trò chuyện này chính là điều mà chúng ta cần để hiểu nhau hơn. Tôi thật sự không hiểu tại sao anh lại quyết định chối bỏ tôi. Anh cho tôi biết lý do được không?

DAVID:

Ôi không! Tôi sẽ không bị cô lừa đâu. Cô hay lên cơn lắm, và thế là đủ rồi! Không có cơ hội thứ hai nào nữa! Tạm biệt!

Bình luận:

Giờ thì ai mới là người cư xử tệ hại nào? Bạn hay là kẻ đang chối bỏ bạn? Sự chối bỏ này là do lỗi của ai? Suy cho cùng thì bạn đã đề nghị rằng bạn sẽ nỗ lực sửa chữa lỗi lầm và cải thiện mối quan hệ bằng cách trò chuyện thẳng thắn và dung hòa lẫn nhau.

Thế thì sao có thể trách bạn vì sự đổ vỡ này? Hiển nhiên là không thể rồi.

Áp dụng phương pháp trên có thể không ngăn chặn được mọi sự chối bỏ trong thực tế, nhưng sớm hay muộn gì nó cũng sẽ giúp bạn có nhiều khả năng đạt được kết quả khả quan hơn.

Vượt qua sự phản đối hoặc sự chối bỏ. Bạn bị người khác phản đối hoặc chối bỏ, mặc dù bạn đã nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa đôi bên. Bạn cảm thấy buồn bã, và điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Làm thế nào để bạn nhanh chóng vượt qua tâm trạng này?

Trước hết, bạn phải biết rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn, vì vậy nỗi chán chường này không làm hủy hoại chất lượng cuộc sống của bạn vĩnh viễn. Nối tiếp sự phản đối hoặc chối bỏ đó, chính suy nghĩ của bạn mới là thứ khiến bạn tổn thương, và nếu bạn đấu tranh với những suy nghĩ này, đồng thời cương quyết không tự ngược đãi bản thân, thì nỗi u sầu sẽ qua đi.

Một phương pháp khá hữu dụng là phương pháp hỗ trợ những người rơi vào trạng thái u uất dài hạn sau khi mất đi người thân yêu.

Nếu những người đang phải chịu đựng nỗi mất mát này dành ra một khoảng thời gian mỗi ngày để cho phép bản thân đắm chìm trong nỗi đau đớn về người thân yêu đã khuất, thì điều này có thể giúp đẩy nhanh và kết thúc giai đoạn khóc thương. Phương pháp này phát huy tác dụng nhất khi bạn thực hiện một mình. Sự thương cảm từ người khác đôi khi lại là con dao hai lưỡi; vài nghiên cứu cho thấy rằng nó kéo dài nỗi đau.

Bạn có thể áp dụng phương pháp “khóc thương” này để đối phó với sự phản đối hoặc chối bỏ. Hãy dành ra một hoặc nhiều khoảng thời gian mỗi ngày – 5 hay 10 phút là đủ – để nghĩ về tất cả những điều buồn bã, giận dữ và tuyệt vọng mà bạn cảm thấy. Nếu bạn cảm thấy buồn, hãy khóc. Nếu bạn tức giận, hãy xả vào mấy cái gối. Vào những khoảng thời gian mà bạn đã dành ra, hãy để bản thân đắm chìm trong những suy nghĩ và cảm giác đau đớn. Khi thời gian cho phép đã hết, HÃY DỪNG LẠI và trở về với cuộc sống bình thường, cho đến khoảng thời gian hoạch định kế tiếp. Trong khi chờ đợi, nếu những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện, hãy viết ra giấy, xác định các tư tưởng sai lệch cũng như ghi ra những phản hồi hợp lý như đã được hướng dẫn ở các chương trước. Bạn sẽ thấy rằng cách làm này giúp bạn giành lại phần nào quyền kiểm soát cảm giác chán chường và thúc đẩy bạn lấy lại lòng tự trọng toàn vẹn nhanh hơn bạn nghĩ.

Thắp lên “nguồn ánh sáng nội tại”

Bí quyết cải thiện tâm trạng chính là biết rằng chỉ có suy nghĩ của bạn mới có thể tác động đến tâm trạng của bạn. Những lúc bạn thích thú trước những lời tán thưởng cho thấy rằng bạn biết cách tán thưởng bản thân mình.

Nhưng nếu bạn là một người khao khát sự tán thành, thì bạn đã tạo ra thói quen có hại cho bản thân. Đó là bạn chỉ công nhận bản thân khi bạn nhận được sự tán đồng từ một người mà bạn tôn trọng.

Sau đây là một cách đơn giản để xóa bỏ thói quen đó. Hãy tìm một máy đếm và đeo nó trên tay trong ít nhất là hai hoặc ba tuần.

Mỗi ngày, bạn hãy cố gắng lưu ý đến những điều tích cực về bản thân mình – những việc mà bạn thực hiện tốt, cho dù bạn có được người khác tán thưởng hay không. Mỗi khi bạn làm một việc mà bạn tán thành, hãy bấm máy đếm. Ví dụ, nếu bạn mỉm cười chào một đồng nghiệp vào buổi sáng, hãy nhấn máy đếm cho dù anh ta nhăn nhó hay mỉm cười lại với bạn. Nếu bạn thực hiện một cuộc gọi mà bạn vẫn luôn do dự, hãy bấm máy đếm! Bạn có thể “tán thưởng” bản thân mình về những việc nhỏ hoặc việc lớn. Thậm chí bạn có thể bấm máy đếm khi nhớ lại những việc tích cực mà bạn đã thực hiện trong quá khứ. Ban đầu bạn có thể phải buộc bản thân lưu ý đến những điều tốt đẹp về bạn, và nó có vẻ hơi máy móc. Dù sao thì vẫn hãy kiên trì.

Hàng đêm, hãy nhìn vào con số trên máy đếm và ghi lại tổng số lần tự công nhận bản thân vào nhật ký. Sau hai hoặc ba tuần, bạn sẽ bắt đầu học được nghệ thuật tự tôn trọng, và cảm giác hài lòng về bản thân của bạn sẽ tăng cao. Phương thức đơn giản này có thể là bước đi đầu tiên quan trọng trên con đường đạt được sự độc lập và tự tán thưởng. Nó có vẻ rất dễ thực hiện – và nó thật sự là như vậy. Nó hiệu nghiệm đến mức đáng ngạc nhiên, và kết quả mà nó mang lại hoàn toàn xứng đáng với công sức nhỏ bé mà bạn đã bỏ ra.