Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn

12: KHAO KHÁT ĐƯỢC YÊU THƯƠNG

Nhu cầu được yêu thương thì mới cảm thấy hạnh phúc có tên gọi là “sự phụ thuộc”. Sự phụ thuộc ở đây nghĩa là bạn không có khả năng chịu trách nhiệm cho đời sống tâm lý của chính mình.

Roberta là một người phụ nữ độc thân 33 tuổi. Cứ vào buổi tối và những dịp cuối tuần là cô lại than thân trách phận rằng, “Thế giới này dành cho những người có đôi có cặp. Không có đàn ông thì mình chẳng là gì cả.” Cô xuất hiện trong văn phòng của tôi với vẻ ngoài thu hút, nhưng những lời cô nói thì thật đắng cay. Cô chất chứa nỗi oán giận bởi vì cô chắc chắn một điều rằng việc được yêu thương là yếu tố sống còn, giống như không khí mà cô hít thở vậy.

Tuy nhiên, cô lại thể hiện sự thiếu thốn tình cảm đến mức người khác xa lánh cô.

Tôi đề nghị cô trước hết hãy lên danh sách những lợi ích và tác hại của niềm tin “Không có người yêu thì tôi chẳng là gì cả.” Các tác hại được liệt kê rất rõ ràng: “(1) Suy nghĩ này khiến tôi chán nản vì không có người yêu. (2) Nó khiến tôi mất đi cảm giác hứng thú để làm nhiều việc khác nhau và đi đây đi đó. (3) Nó khiến tôi cảm thấy lười biếng. (4) Nó làm tôi cảm thấy tủi thân. (5) Nó khiến tôi đánh mất lòng kiêu hãnh và tự tin, khiến tôi sinh lòng ganh tị những người khác và có cảm giác cay đắng. (6) Cuối cùng, nó khiến tôi tự suy sụp và rất sợ nỗi cô đơn.”

Sau đó, cô liệt kê những điều mà cô cho là có ích khi tin rằng muốn hạnh phúc thì phải được yêu thương: “(1) Niềm tin này sẽ mang đến cho tôi một người bạn đồng hành, tình yêu và cảm giác an toàn. (2) Nó giúp cuộc đời tôi có mục đích và lý do để sống. (3) Nó sẽ mang đến cho tôi những sự kiện đáng mong đợi.” Những lợi ích này phản ánh niềm tin của Roberta rằng nếu cô luôn tâm niệm không thể sống thiếu đàn ông thì bằng một cách nào đó, nó sẽ mang đến cho cô một người bầu bạn.

Những lợi ích này là có thực hay chỉ là tưởng tượng? Mặc dù bao nhiêu năm qua, Roberta đã luôn tin tưởng rằng cô không thể tồn tại mà thiếu vắng người đàn ông của đời mình, nhưng thái độ sống đó vẫn không mang lại cho cô một người bạn đời như mong muốn.

Cô thừa nhận rằng việc để đàn ông đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đời cô chẳng phải là phép mầu giúp mang đến cho cô một người bạn đời. Cô đã nhận ra rằng những người phụ thuộc và đeo bám thường đòi hỏi nhiều sự quan tâm từ người khác, và tỏ ra vồn vã đến mức họ không chỉ gặp khó khăn trong việc thu hút người khác giới mà còn vấp phải trở ngại trong việc duy trì mối quan hệ lâu dài. Roberta cũng hiểu ra rằng những người tìm thấy hạnh phúc trong chính bản thân mình mới là kiểu người hấp dẫn trong mắt người khác giới, và họ cuốn hút mọi người xung quanh bởi vì tâm hồn họ bình yên và ở họ tỏa ra nguồn năng lượng hân hoan. Trớ trêu thay, những người phụ nữ phụ thuộc vào đàn ông, lại là những người đi đến kết cục lẻ loi.

Có thể bạn cứ khư khư giữ lấy trạng thái phụ thuộc bởi vì bạn quan niệm sai lầm rằng nếu bạn độc lập thì mọi người sẽ nhìn nhận bạn là một kẻ bất cần, và kết quả là bạn sẽ sống trong cô độc. Nếu đây là điều mà bạn sợ hãi, thì bạn đang đánh đồng sự phụ thuộc với sự ấm áp. Đây là một hiểu lầm vô cùng tai hại. Nếu bạn cô đơn và phụ thuộc, cơn u uất và nỗi oán giận của bạn bắt nguồn từ việc bạn cảm thấy thiếu thốn tình cảm, thứ mà bạn tin rằng bạn có quyền nhận được từ mọi người. Thái độ sống này khiến bạn lún sâu vào trạng thái cô đơn. Nếu bạn có thái độ độc lập hơn, thì bạn không nhất thiết phải cảm thấy cô đơn – đơn giản là bạn có khả năng cảm thấy vui vẻ khi ở một mình. Càng độc lập thì bạn càng cảm thấy an toàn. Hơn nữa, tâm trạng của bạn sẽ không lên xuống theo sự chi phối của người khác. Suy cho cùng thì bạn không thể đoán được người khác sẽ dành cho bạn bao nhiêu tình yêu thương. Có thể họ không thích mọi điều về bạn, và không phải lúc nào họ cũng biểu lộ tình cảm với bạn. Nếu bạn học được cách tự yêu thương bản thân, thì bạn sẽ được xây dựng được một nền móng vững chắc và bền lâu hơn nhiều cho lòng tự trọng của chính mình.

Bước đầu tiên là xác định xem bạn có muốn độc lập hay không. Tất cả chúng ta đều có xác suất thành công cao hơn nếu hiểu được mục tiêu của mình là gì. Điều đó đã giúp Roberta nhận ra rằng sự phụ thuộc của cô đã khiến cuộc sống của cô trở nên trống rỗng.

Bảng 12-1 cho thấy cách mà một người phụ nữ có vấn đề tương tự như Roberta xử lý tình huống của mình. Bài tập này giúp cô có động lực tìm kiếm trong chính bản thân mình những điều mà cô hằng tìm kiếm nơi người khác, và giúp cô nhận ra rằng sự phụ thuộc mới chính là kẻ thù đích thực, bởi vì nó khiến cô trở nên bất lực.

Bảng 12-1. Bảng phân tích các điểm được xem là lợi ích của khao khát được yêu thương.

Lợi ích của niềm tin rằng chỉ có tình yêu mới mang lại hạnh phúc

Phản hồi hợp lý

1. Sẽ có người quan tâm chăm sóc khi mình đau ốm.

1. Điều này cũng đúng với người độc lập. Nếu bị tai nạn giao thông, mọi người sẽ đưa mình vào phòng cấp cứu. Các bác sĩ ở đó sẽ chăm sóc mình, cho dù mình là người phụ thuộc hay độc lập. Thật vô lý khi cho rằng chỉ có người phụ thuộc mới được giúp đỡ khi đau ốm.

2. Nhưng khi phụ thuộc vào người khác thì mình không cần phải đưa ra quyết định.

2. Nhưng khi là một người phụ thuộc, mình sẽ mất đi phần nào quyền kiểm soát cuộc đời mình. Thật không an toàn khi để cho người khác quyết định cuộc sống của mình. Ví dụ, mình có muốn ai đó nói cho mình biết rằng mình phải mặc đồ gì hôm nay hay ăn gì vào bữa tối hay không? Có khả năng họ sẽ chọn những thứ mà mình không thích.

3. Nhưng khi là một người độc lập, mình có thể đưa ra những quyết định sai lầm. Rồi mình sẽ phải trả giá cho những sai lầm ấy.

3. Vậy thì cứ trả giá thôi – mình có thể học hỏi từ sai lầm của mình nếu là một người độc lập. Chẳng ai hoàn hảo cả, và cuộc sống này không có điều gì là chắc chắn. Sự không chắc chắn là một phần hương vị cuộc sống. Chính cách mình đương đầu. chứ không phải việc mình lúc nào cũng đúng – mới là nền móng của lòng tự trọng. Bên cạnh đó, mình sẽ cảm thấy tự hào khi gặt hái kết quả tốt đẹp.

4. Nhưng khi là một người phụ thuộc, mình không cần phải nghĩ ngợi. Mình chỉ cần phản ứng với mọi sự thôi.

4. Người tự lập cũng có thể chọn lựa không nghĩ ngợi, nếu muốn. Không có luật nào quy định rằng chỉ có người phụ thuộc mới có quyền không suy nghĩ.

5. Nhưng là một người phụ thuộc, mình sẽ được hài lòng. Cuộc sống lúc đó ngọt ngào như ăn kẹo vậy. Thật tốt khi có ai đó chăm sóc mình và có ai đó để dựa dẫm.

5. Ăn kẹo nhiều quá có thể khiến mình bị buồn nôn. Người mà mình lựa chọn dựa dẫm có thể không tình nguyện yêu thương và âu yếm mình, cũng không muốn chăm sóc cho mình suốt đời. Và nếu anh ấy bỏ rơi mình, trong cơn tức giận hoặc oán hận, thì mình sẽ cảm thấy khổ sở bởi vì mình chẳng còn gì để dựa vào nữa. Nếu mình là kẻ phụ thuộc, người ta sẽ có thể kiểm soát mình, như đối với nô lệ hoặc rô-bốt.

6. Nhưng là một người phụ thuộc, mình sẽ được yêu. Mình không thể sống thiếu tình yêu.

6. Là một người độc lập, mình có thể học cách yêu thương bản thân và điều này giúp mình trở thành một người hấp dẫn trong mắt người khác, và nếu học được cách yêu thương bản thân, thì mình luôn luôn được yêu thương. Sự phụ thuộc của mình trong quá khứ đã đẩy mọi người ra xa mình hơn là thu hút họ lại gần. Em bé không thể sống sót nếu không có tình yêu thương và sự chăm sóc, nhưng mình sẽ không chết nếu thiếu tình yêu.

7. Nhưng có những người đàn ông đi tìm những người phụ nữ phụ thuộc.

7. Điều này cũng đúng phần nào, nhưng các mối quan hệ được xây dựng trên sự phụ thuộc thường sụp đổ và đỉnh điểm của nó là tờ đơn ly hôn, bởi vì mình đòi hỏi người ta mang đến những thứ mà họ không có khả năng mang lại, cụ thể là lòng tự trọng. Chỉ có chính mình mới giúp bản thân mình hạnh phúc, và nếu dựa dẫm vào ai đó để họ làm điều này cho mình, thì sau cùng mình sẽ chỉ chuốc lấy thất vọng ê chề mà thôi.

Nhận biết sự khác nhau giữa cô đơn và một mình.

Trên thực tế, nhiều người có niềm tin mãnh liệt rằng tình yêu giúp thế giới tồn tại. Bạn có thể tiếp nhận thông điệp này qua các mẩu quảng cáo, các bài hát nổi tiếng, và trong những bài thơ.

Tuy nhiên, bạn có những lý lẽ thuyết phục để bác bỏ niềm tin này. Hãy cùng xem xét cặn kẽ phương trình: một mình = cô đơn.

Trước tiên, hãy nghĩ đến việc chúng ta có thể tự mình đạt được nhiều thành quả cơ bản trong cuộc sống. Ví dụ, khi bạn leo núi, hái hoa, đọc sách, hay ăn một ly kem ngon tuyệt, thì bạn không cần đến ai khác để có thể cảm thấy vui thú với những trải nghiệm đó. Điều này chứng tỏ rằng có nhiều thứ có thể khiến bạn thỏa mãn, cho dù bạn có đang sống cùng người khác hay không. Bạn có thể bổ sung thêm nhiều thứ vào danh sách đó chứ? Bạn có thú vui nào khi ở một mình? Bạn yêu thích việc làm vườn chứ? Chạy bộ thì sao? Làm mộc nữa? Đi bộ đường dài? Janet, một nhân viên ngân hàng cô đơn vừa mới ly thân với chồng, đã tham gia vào lớp học nhảy nghệ thuật và phát hiện ra (trong sự ngỡ ngàng của chính mình) rằng cô có thể tìm được niềm vui to lớn trong việc tự tập nhảy tại nhà. Khi thả mình theo điệu nhạc, cô cảm nhận được sự bình yên trong tâm hồn, mặc dù cô không có người yêu.

Có thể bạn đang nghĩ, “Ôi, bác sĩ Burns, đó là điều anh muốn nói sao? Thật tiểu tiết! Hiển nhiên là có những lúc tôi phân tâm tạm thời bằng cách làm việc này việc kia khi ở một mình. Điều này giúp nỗi buồn nguôi ngoai phần nào, nhưng đó chỉ là những mẩu bánh vụn giúp tôi chống đói qua ngày mà thôi. Tôi muốn cả một bữa đại tiệc thịnh soạn! Tình yêu! Hạnh phúc đích thực và viên mãn!”

Đây chính là điều mà Janet nói với tôi trước khi cô tham gia lớp học nhảy. Bởi vì cô có niềm tin rằng thật khốn khổ khi phải sống lẻ loi nên cô chưa từng nghĩ đến việc làm những thứ khiến cô thích thú và chăm sóc bản thân trong suốt quãng thời gian ly thân với chồng. Cô đã sống với thứ tiêu chuẩn kép, đó là nếu sống cùng chồng thì cô sẽ hăng hái lên kế hoạch cho những hoạt động thú vị, nhưng khi sống một mình thì cô chỉ biết rầu rĩ và không muốn làm gì cả.

Kiểu tiêu chuẩn này như một lời tiên tri tự linh ứng với cô, và thực tế thì cô cũng cảm thấy rằng cuộc sống độc thân thật buồn tẻ. Tại sao ư? Đơn giản là vì cô không đối xử tử tế với bản thân mình. Cô chưa từng thử thay đổi niềm tin mà cô đã giữ lấy suốt cả đời, rằng không có hoạt động nào là thú vị, trừ khi có ai đó cùng thực hiện với cô. Một lần khác, thay vì hâm nóng bữa ăn tối mua ở cửa hàng tiện lợi sau khi tan sở, Janet quyết định chuẩn bị một bữa tối đặc biệt như thể là để dành cho một người đàn ông mà cô vô cùng yêu thương. Cô chăm chút nấu bữa tối rồi bày biện bàn ăn với nến. Cô khai vị bằng một ly rượu ngon. Sau bữa tối, cô đọc một quyển sách hay và thưởng thức âm nhạc. Trong sự bất ngờ, cô phát hiện rằng bữa tối đó hoàn toàn khiến cô thỏa mãn. Ngày hôm sau, vào thứ Bảy, Janet quyết định một mình ghé thăm viện bảo tàng. Cô ngỡ ngàng nhận ra rằng chuyến tham quan một mình này khiến cô vui vẻ hơn cả lúc cô đi cùng chồng mình, người bị kéo đi một cách miễn cưỡng và chẳng có chút hứng thú gì với những thứ trưng bày bên trong bảo tàng.

Kết quả của việc có thái độ sống chủ động và yêu thương bản thân chính là, lần đầu tiên trong đời, Janet nhận ra cô không chỉ có thể độc lập mà còn thật sự tận hưởng điều đó.

Lẽ hiển nhiên, cô bắt đầu lan tỏa niềm hân hoan vui sống này và điều đó giúp cô trở nên thu hút trong mắt nhiều người, và cô bắt đầu hẹn hò. Trong khi đó, chồng của cô vỡ mộng với cô bạn gái và muốn quay lại với Janet. Anh nhận thấy Janet vui tươi như một chú chim sáo nhỏ khi không có anh trong đời, và lúc này tình thế bắt đầu xoay chuyển. Sau khi Janet nói với anh rằng cô không muốn trở về ở bên cạnh anh, thì anh rơi vào trạng thái trầm cảm nghiêm trọng. Sau cùng, Janet đã có một mối quan hệ hết sức tốt đẹp với một người đàn ông khác, và đã kết hôn với người đó. Bí quyết thành công của cô rất đơn giản – trước hết, cô đã chứng tỏ rằng cô có thể phát triển mối quan hệ tình cảm với chính bản thân mình. Mọi việc sau đó đều trở nên dễ dàng.

Phương pháp dự đoán mức độ thỏa mãn

Bạn hãy làm theo cách mà Janet đã làm để thử thách niềm tin “sống một mình là một lời nguyền tồi tệ” của mình. Nếu sẵn lòng thực hiện điều này thì bạn có thể chạm đến chân lý khách quan và khoa học.

Để hỗ trợ bạn, tôi đã xây dựng “Bảng dự đoán mức độ thỏa mãn” ở Bảng 12-2. Bảng biểu này được chia thành nhiều cột mà bạn sẽ điền vào đó những gì mà bạn dự đoán cũng như kết quả thực tế về sự thỏa mãn mà bạn có được từ việc thực hiện nhiều công việc và hoạt động tiêu khiển một mình, cũng như cùng với người khác.

Trong cột đầu tiên, hãy ghi lại ngày mà bạn thực hiện hoạt động đó.

Trong cột thứ hai, hãy ghi ra vài hoạt động mà bạn dự tính sẽ thực hiện trong ngày hôm đó. Tôi đề nghị bạn hãy thực hiện một loạt 40 hay 50 hoạt động trong khoảng 2 đến 3 tuần. Hãy chọn ra các hoạt động vốn dĩ sẽ mang đến cho bạn cảm giác gặt hái được thành tựu hoặc vui vẻ, hoặc các hoạt động có khả năng giúp bạn phát triển bản thân. Trong cột thứ ba, hãy ghi lại người cùng thực hiện hoạt động đó với bạn. Nếu bạn làm việc đó một mình, hãy điền “bản thân tôi” vào. (Từ này nhắc nhở bạn rằng bạn không bao giờ thật sự lẻ loi, bởi vì bạn luôn có bản thân mình bên cạnh!) Trong cột thứ tư, hãy dự đoán mức độ thỏa mãn mà bạn nghĩ rằng bạn sẽ có được từ hoạt động đó, trong khoảng từ 0% đến 100%. Chỉ số càng cao thì mức độ dự đoán thỏa mãn càng lớn. Hãy điền vào cột thứ tư trước khi bạn thực hiện hoạt động dự kiến, chứ không phải sau đó.

Một khi bạn đã điền vào các cột đó, hãy tiến hành các hoạt động. Khi hoàn thành, hãy ghi nhận mức độ thỏa mãn thực tế vào cột cuối cùng, vẫn dùng thang điểm từ 0% đến 100%.

Sau khi thực hiện một loạt các trải nghiệm, bạn tiến hành phân tích dữ liệu thu thập được. Bạn sẽ rút ra được rất nhiều điều.

Trước hết, bằng cách so sánh mức độ thỏa mãn dự kiến (cột thứ tư) với mức độ thỏa mãn thực tế (cột thứ năm), bạn sẽ biết được mức độ chính xác của các dự đoán. Có thể bạn nhận ra mình đã hoàn toàn đánh giá thấp mức độ thỏa mãn của một hoạt động mà bạn dự tính thực hiện, đặc biệt là khi bạn làm một mình. Bạn cũng có thể ngạc nhiên khi phát hiện không phải lúc nào các hoạt động mà bạn thực hiện cùng người khác cũng mang lại sự thỏa mãn mà bạn mong đợi.

Trên thực tế, bạn thậm chí còn khám phá ra rằng cuộc sống trở nên thú vị hơn khi sống một mình, và rằng mức độ thỏa mãn cao nhất mà bạn có được khi sống một mình là ngang bằng, hoặc cao hơn chỉ số mà bạn ghi nhận khi sống cùng người khác. Sẽ rất có ích nếu bạn so sánh mức độ thỏa mãn mà bạn có được từ công việc với các hoạt động tiêu khiển. Thông tin này giúp bạn tối ưu hóa sự cân bằng giữa công việc và giải trí khi lên kế hoạch cho các hoạt động tiếp theo.

Bảng 12-2. Bảng Dự Đoán Mức Độ Thỏa Mãn

Ngày tháng

Hoạt động mang lại sự thỏa mãn (Cảm giác đạt được thành quả hoặc vui vẻ)

Bạn thực hiện cùng với ai? (Nếu một mình, hãy điền “Bản thân tôi”)

Mức độ thỏa mãn dự kiến (0-100%). (Điền vào trước khi thực hiện hoạt động)

Mức độ thỏa mãn thực tế (0-100%). (Điền vào sau khi thực hiện hoạt động)

18/8/99

Ghé viện bảo tàng nghệ thuật

Bản thân tôi

20%

65%

19/8/99

Xem biểu diễn nhạc rock

Bản thân tôi

15%

75%

26/8/99

Đi xem phim

Sharon

85%

80%

30/8/99

Đi dự tiệc

Các vị khách mời

60%

75%

2/9/99

Đọc tiểu thuyết

Bản thân tôi

75%

85%

6/9/99

Chạy bộ

Bản thân tôi

60%

80%

9/9/99

Đi mua áo ở cửa hàng

Bản thân tôi

50%

85%

10/9/99

Đi chợ

Mẹ

40%

30%(cãi nhau)

10/9/99

Đi bộ ra công viên

Sharon

60%

70%

14/9/99

Hẹn hò

Bill

95%

80%

15/9/99

Học thi

Bản thân tôi

70%

65%

16/9/99

Thi lái xe

Mẹ

40%

95%(thi đạt!)

16/9/99

Đạp xe đến tiệm kem

Bản thân tôi

80%

95%

Bây giờ, hãy xem Bảng Dự Đoán Mức Độ Thỏa Mãn có thể được sử dụng để vượt qua thói phụ thuộc như thế nào. Joanie là một học sinh trung học 15 tuổi bị mắc chứng trầm cảm mãn tính đã nhiều năm, sau khi bố mẹ cô bé chuyển đến một thị trấn mới. Cô bé gặp khó khăn trong việc kết bạn ở ngôi trường mới, và giống như nhiều trẻ vị thành niên khác, cô bé tin rằng mình phải có bạn trai và phải là một phần của “đám đông” thì mới hạnh phúc được. Cô bé dành phần lớn thời gian ở nhà một mình, học hành và cảm thấy thương tiếc bản thân. Cô bé từ chối và phẫn nộ trước lời đề nghị rằng cô nên bước ra ngoài thế giới để trải nghiệm cuộc sống, bởi vì cô khăng khăng cho rằng chẳng có nghĩa lý gì khi phải làm điều đó một mình. Cô bé dường như quyết tâm “mọc rễ” trong nhà.

Tôi đã thuyết phục Joanie áp dụng Bảng Dự Đoán Mức Độ Thỏa Mãn. Bảng 12-2 cho thấy Joanie đã lên kế hoạch cho nhiều hoạt động khác nhau, chẳng hạn như xem phim vào thứ Bảy, đi mua hoa...

Do sẽ làm một mình nên cô bé dự đoán các hoạt động đó chẳng mang lại niềm vui gì to lớn. Rồi thì cô bé ngỡ ngàng nhận ra mình đã thật sự có một quãng thời gian vui vẻ. Khi điều này lặp đi lặp lại nhiều lần, cô bé bắt đầu thấy rằng mình đã dự đoán mọi việc theo hướng tiêu cực và không thực tế. Càng thực hiện nhiều hoạt động một mình, tâm trạng cô bé càng được cải thiện. Cô bé vẫn muốn có bạn bè, nhưng không còn cảm thấy ủ rũ khi ở một mình nữa. Bởi vì cô bé đã chứng tỏ rằng mình có thể tự làm được mọi việc, sự tự tin của cô bé tăng vọt. Sau đó, cô bé dạn dĩ mời một vài người bạn đến dự tiệc. Điều này giúp cô bé xây dựng mạng lưới bạn bè, và cô bé phát hiện rằng bạn bè trong trường đều yêu quý mình. Joanie tiếp tục dùng Bảng Dự Đoán Mức Độ Thỏa Mãn để đánh giá mức độ thỏa mãn mà cô bé có được khi hẹn hò và tham gia các hoạt động với những người bạn mới. Cô bé đã ngạc nhiên khi thấy rằng mức độ thỏa mãn là tương đương với khi cô bé chỉ có một mình.

Có sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu. Dưỡng khí là nhu cầu, còn tình yêu là mong muốn. Tôi nhắc lại: TÌNH YÊU KHÔNG PHẢI LÀ NHU CẦU CỦA MỘT NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH!

Mong muốn có được một mối quan hệ yêu đương với một người khác là điều hợp lý. Điều đó không có gì sai trái. Xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với người mà bạn yêu thương là một niềm vui sướng dễ chịu. Tuy nhiên, bạn không cần sự công nhận, yêu thương hay quan tâm từ bên ngoài để sống sót hay để có được niềm hạnh phúc tột đỉnh.

Thay đổi thái độ sống.

Cũng như tình yêu, tình bạn và hôn nhân không phải là yếu tố thiết yếu, và cũng không đủ để tạo nên hạnh phúc và lòng tự trọng. Bằng chứng là có hàng ngàn đàn ông và phụ nữ đã kết hôn và sống trong đau khổ. Nếu tình yêu là thuốc giải cho chứng trầm cảm, thì tôi sẽ sớm “dẹp tiệm” bởi vì trên thực tế, phần lớn bệnh nhân có ý định tự tử mà tôi điều trị đều được bạn đời, con cháu, bố mẹ và bạn bè yêu thương hết mực. Tình yêu không phải là liều thuốc chống trầm cảm hiệu quả. Cũng giống như thuốc an thần, rượu và thuốc ngủ, nó thường khiến triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

Bên cạnh việc tổ chức sắp xếp lại các hoạt động của mình một cách sáng tạo hơn, bạn hãy thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực khiến bạn buồn rầu mỗi khi bạn phải ở một mình.

Điều này đã giúp ích cho Maria, một người phụ nữ độc thân 33 tuổi đáng mến. Cô đã nhận ra rằng khi thực hiện các hoạt động một mình, đôi khi cô làm cho trải nghiệm đó trở nên chua chát một cách không cần thiết bằng cách tự nhủ, “Sống một mình là một lời nguyền.” Để chống lại cảm giác thương thân trách phận và phẫn uất mà kiểu suy nghĩ này mang lại, cô đã viết ra danh sách các phản biện (xem Bảng 12-3). Cô nói rằng cách này rất hữu hiệu trong việc phá vỡ vòng lặp của sự cô đơn và trầm cảm.

Hơn một năm sau khi tôi kết thúc đợt trị liệu cho Maria, tôi đã gửi cho cô bản nháp của chương sách này, và cô đã hồi âm: “Đêm qua tôi đã đọc chương đó rất cẩn thận... Nó chứng tỏ rằng bản chất của việc sống một mình không phải là quá tồi tệ hay quá vui vẻ, mà quan trọng là bản thân người trong cuộc nghĩ như thế nào về tình thế đó, hoặc các tình thế khác trong cuộc sống. Tư duy có quyền năng vô cùng to lớn! Nó có thể nâng đỡ ta hoặc vùi dập ta. Nói ra thì buồn cười, nhưng bây giờ tôi gần như e ngại việc ‘có một người đàn ông’ trong đời. Tôi đang sống tốt, có lẽ là tốt hơn, khi không có đàn ông... David, anh có bao giờ nghĩ là sẽ nghe những lời này từ tôi không?”

Bảng 12-3. “Sống một mình là một lời nguyền.” Phản biện: Lợi ích của việc sống một mình.

1. Sống một mình mang đến cơ hội khám phá suy nghĩ, cảm xúc và sự hiểu biết thật sự của bản thân.

2. Sống một mình mang đến cơ hội thử những điều mới, những điều bạn khó mà trải nghiệm nếu bị ràng buộc với người bạn đời.

3. Sống một mình buộc bạn phát triển ưu thế bản thân

4. Sống một mình giúp bạn gạt bỏ những lời bao biện và lãnh nhận trách nhiệm cho chính bản thân mình.

5. Cuộc sống của người phụ nữ độc thân tốt hơn cuộc sống của người phụ nữ bên cạnh người bạn đời không phù hợp. Đàn ông cũng tương tự vậy.

6. Phụ nữ độc thân có cơ hội phát triển toàn diện, chứ không dựa dẫm vào đàn ông.

7. Là một người phụ nữ độc thân, bạn sẽ hiểu rõ hơn những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt trong nhiều tình huống khác nhau. Điều này giúp bạn cảm thông hơn với những người phụ nữ khác và xây dựng mối quan hệ ý nghĩa với họ. Tương tự đối với đàn ông và khả năng thấu hiểu về những vấn đề mà đàn ông gặp phải.

8. Khi sống một mình, người phụ nữ có thể nhận ra rằng ngay cả khi sau này cô ấy có một người đàn ông bên cạnh thì cô ấy cũng không cần phải lo sợ việc anh ta rời xa cô ấy hoặc qua đời. Cô ấy biết rằng mình có thể sống một mình và có khả năng tìm được hạnh phúc bên trong chính mình; do đó, cô ấy xây dựng mối quan hệ dựa trên lợi ích chung chứ không phải trên cơ sở của sự phụ thuộc và đòi hỏi.

Phương pháp vẽ hai cột song song có thể đặc biệt hữu dụng trong việc giúp bạn vượt qua lối mòn của tư duy tiêu cực khiến bạn sợ hãi việc tự đứng trên đôi chân của mình. Ví dụ, một người phụ nữ đã ly hôn và có một đứa con đã nghĩ đến việc tự tử bởi vì người tình của cô – một người đàn ông đã có vợ – đã chấm dứt mối quan hệ với cô. Cô đã nghĩ về bản thân một cách hết sức tiêu cực và không tin rằng mình có khả năng duy trì một mối quan hệ lâu bền nào nữa. Cô tin chắc rằng thể nào mình cũng bị bỏ rơi và chịu cảnh cô đơn. Cô đã viết những lời này trong nhật ký khi có ý định tự tử:

Khoảng trống trên giường ngay bên cạnh mình đang âm thầm cười nhạo mình. Mình cô đơn – cô đơn – nỗi sợ lớn nhất của mình, định mệnh nghiệt ngã nhất của mình, hiện thực của mình. Mình là một người phụ nữ cô đơn và trong suy nghĩ của mình thì điều đó đồng nghĩa với việc mình chẳng là gì cả. Lập luận của mình là như thế này:

1. Nếu mình hấp dẫn và thu hút thì đáng lẽ bên cạnh mình giờ đây đã có một người đàn ông.

2. Không có người đàn ông nào bên cạnh mình cả.

3. Như vậy là mình không hấp dẫn và kém thu hút.

4. Do đó không có lý do gì để sống nữa.

Cô tiếp tục tự hỏi trong nhật ký, “Tại sao mình cần một người đàn ông? Một người đàn ông có thể giải quyết mọi vấn đề cho mình.

Anh ấy sẽ chăm sóc mình. Anh ấy sẽ định hướng cuộc đời mình, và quan trọng nhất, anh ấy sẽ cho mình một mục tiêu để bước xuống giường vào mỗi buổi sáng, chứ hiện tại mình chỉ muốn rúc vào trong chăn và chìm sâu trong sự lãng quên.”

Sau đó, cô tận dụng phương pháp vẽ hai cột song song để thay đổi những suy nghĩ u sầu trong tâm trí. Cô đặt tên cho cột thứ nhất là “Cáo trạng của cái tôi phụ thuộc” và gọi cột thứ hai là “Phản biện của cái tôi tự lập”. Rồi cô tiến hành cuộc đối thoại nội tâm để xác định căn nguyên thật sự của vấn đề (xem Bảng 12-4).

Bảng 12-4.

Cáo trạng của cái tôi phụ thuộc

Phản biện của cái tôi tự lập

1. Mình cần một người đàn ông.

1. Tại sao mình lại cần một người đàn ông?

2. Bởi vì mình không tự xoay xở được.

2. Chẳng phải là mình đã xoay sở được đến thời điểm này đấy sao?

3. Ok. Nhưng mình cảm thấy cô đơn.

3. Ừ, nhưng mình có một đứa con, rồi cả bạn bè nữa, và mình vô cùng vui vẻ khi ở cùng họ.

4. Đúng, nhưng họ không liên quan đến vấn đề này.

4. Họ không liên quan vì mình phủ nhận sự liên quan của họ.

5. Nhưng người ta sẽ nghĩ rằng chẳng có người đàn ông nào muốn có mình bên cạnh cả.

5. Họ cứ nghĩ những gì họ muốn nghĩ. Quan trọng là mình nghĩ như thế nào. Chỉ có suy nghĩ và niềm tin của bản thân mới tác động được đến tâm trạng của mình mà thôi.

6. Mình chẳng là gì cả khi không có đàn ông.

6. Đâu là những việc mà chỉ khi có đàn ông mình mới làm được còn tự mình thì mình không làm được?

7. Thật ra thì không. Mọi việc quan trọng trong cuộc sống đều do tự mình thực hiện cả.

7. Vậy thì tại sao mình lại cần đàn ông?

8. Mình nghĩ là mình không cần đàn ông. Mình chỉ muốn có đàn ông thôi.

8. Mong muốn trong cuộc sống là chuyện bình thường. Chỉ là những mong muốn đó không thể trở nên quan trọng đến mức nếu thiếu đi điều đó thì cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa.

Sau khi hoàn thành bài tập, cô quyết định đọc nó vào mỗi buổi sáng để tạo động lực rời khỏi giường. Cô đã ghi nhận kết quả trong nhật ký như sau:

Mình đã hiểu ra có sự khác biệt to lớn giữa mong muốn và nhu cầu. Mình muốn có đàn ông bên cạnh nhưng mình không còn cảm thấy phải có đàn ông thì mình mới sống nổi. Bằng cách giữ cho cuộc đối thoại nội tâm thực tế hơn, nhìn vào các ưu điểm của bản thân, liệt kê và đọc đi đọc lại những điều mình tự làm được, mình dần tin tưởng vào khả năng tự xoay xở của chính mình. Mình nhận thấy rằng mình biết cách quan tâm đến bản thân hơn. Giờ đây mình đối xử với bản thân như với một người bạn thân thiết bằng sự tử tế, lòng trắc ẩn, cùng thái độ bao dung những khuyết điểm và tán thưởng những ưu điểm.

Giờ đây, mình không xem nghịch cảnh là thứ tồi tệ hủy hoại đời mình, mà xem đó là cơ hội trui rèn các kỹ năng đã học được, để vượt qua những suy nghĩ tiêu cực, để khẳng định lại sở trường của bản thân và nâng cao sự tự tin về khả năng đương đầu với cuộc sống.