Đường Ra Biển Lớn

Chương 13: “MUỐN ĐI, TRƯỚC HẾT HÃY BƯỚC QUA XÁC TÔI”

1983-1984
Sống và hưởng lợi từ những kinh nghiệm của người đi trước bao giờ cũng dễ dàng hơn.
Mọi người thường nói rằng Nik đã bán 40% cổ phiếu tại Virgin vào thời điểm sai lầm. Nhưng khi Nik và tôi chia tay, anh ấy cũng như tôi đã nắm rõ số liệu doanh thu và dự báo lợi nhuận dù mọi chuyện khi ấy đang rất tồi tệ. Vào lúc đó, cả Nik và tôi đều rất hạnh phúc. Nik hạnh phúc vì rời khỏi một công ty đang đâm đầu vào khó khăn, còn tôi hạnh phúc vì có toàn quyền kiểm soát số phận của tôi thậm chí ngay cả khi tôi biết rằng Virgin đang nằm trên lưỡi dao. Ngay sau khi Nik đi khỏi, hai điều đã xảy ra không được báo trước. Đầu tiên, đĩa compact trở nên lan tràn và do đó chúng tôi chỉ có thể bán lại back catalogue trên CD. Nhiều người sao chép lại toàn bộ nội dung đĩa nhạc của họ vào đĩa compact, và chắc chắn một nghệ sĩ như Mike Oldfield đã tiêu thụ được một lượng lớn đĩa CD; The Sex Pistols cũng chỉ thấp hơn không đáng kể.
Thay đổi thứ hai đó là chính Virgin trở thành một thương hiệu thu âm độc lập hàng đầu không thể chối cãi. Thị hiếu âm nhạc của Simon cuối cùng cũng giành chiến thắng: Virgin Music bắt đầu chiếm lĩnh các bảng xếp hạng top ten album và đĩa đơn. Từ việc bị xem như thương hiệu thu âm đơn lẻ nhảy quãng một cách vô lý từ Mike Oldfield tới The Sex Pistols, Virgin Music đã vươn lên trở thành sự ghen tị của ngành kinh doanh đĩa nhạc. Tất cả những hợp đồng ký kết của Simon vài năm qua đã tới lúc gặt hái thành quả: chúng tôi đã có The Human League cũng như sản phẩm của họ, Heaven 17; Simple Minds; Boy George; Phil Collins; China Crisis và Japan. Điều tuyệt vời về những nghệ sĩ này đó là chúng tôi đã tự làm nên tên tuổi của họ. Tôi vẫn quyết định ký hợp đồng thể loại nhạc cổ điển với Bryan Ferry hoặc The Rolling Stones, nhưng ý đồ của chúng tôi là toàn bộ phải được sản xuất trong nước và sau cùng mới được tiêu thụ trên thị trường quốc tế.
Khi quan sát tiền chảy vào nhà băng, tôi bắt đầu nghĩ tới những cách sử dụng khác. Mặc dù vẫn quan tâm sát sao tới việc ký kết với các ban nhạc nhưng tôi cảm thấy rằng tôi biết rõ những gì mình muốn về việc thương lượng các hợp đồng thu âm. Tôi cần một thử thách khác. Tôi có cơ hội sử dụng tiền mặt của mình để thiết lập thêm các công ty Virgin và mở rộng nền tảng của Tập đoàn để có thể chia đều các nguy cơ nếu chẳng may chúng tôi lại phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng khác. Tôi cũng muốn phát triển thương hiệu Virgin không chỉ dừng lại ở biểu tượng một thương hiệu thu âm và muốn giành được sự quan tâm nhiều hơn từ tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Mới chỉ 3 năm kể từ khi Virgin lâm vào tình trạng gần như phá sản và hai năm kể từ khi Nik rời đi. Việc chỉ có một số tiền ít ỏi để trang trải suốt ba năm qua, giờ tôi đã có tiền mặt chất đầy trong nhà băng và tôi muốn tiếp tục tái đầu tư nhanh nhất có thể.
Khi tôi bắt đầu tìm kiếm những lĩnh vực kinh doanh khác để bắt đầu đầu tư, tôi đã nghĩ về việc mở rộng ngành xuất bản sách đang còn non nót của chúng tôi. Tôi biết rằng lĩnh vực phát hành âm nhạc của Virgin Music đã thu được lợi nhuận đáng kể từ phát hành nhạc và thu tiền bản quyền, và tôi tự hỏi liệu một bộ phận xuất bản sách được quản lý bài bản có đem tới thành công cho chúng tôi hay không. Sâu trong thâm tâm tôi là ý nghĩ nếu một ngôi sao nhạc rock nổi tiếng, sẽ có rất nhiều hoạt động khác kéo theo như sách và video, sự xuất hiện của họ trên phim ảnh và các bản nhạc phim.
Vanessa, em gái tôi, đã hẹn hò với Robert Devereux từ khi Robert còn học tại Đại học Cambridge. Robert trở nên thân thiết như một thành viên trong gia đình tôi. Mặc dù Virgin không phải là một công ty gia đình theo nghĩa thông thường tức là được phát triển theo chiều dọc từ thế hệ này sang thế hệ khác, tuy nhiên Virgin lại là một công ty gia đình theo nghĩa ngang, trong đó tôi luôn luôn đưa gia đình của mình vào bất cứ chuyện gì tôi làm, và lắng nghe các ý kiến của họ cũng như ý kiến của bất kỳ ai khác một cách kỹ lưỡng. Tôi biết một số doanh nhân tách gia đình ra khỏi công việc của họ: Họ hầu như không cho con cái bước vào văn phòng làm việc của mình, và khi ở nhà họ không bao giờ bàn tới chuyện công việc. Có một đặc điểm của người Anh đó là không bao giờ thảo luận chuyện tiền nong trong bữa ăn nhưng khi việc này chuyển thành không bao giờ bàn chuyện kinh doanh thì tôi nghĩ sẽ có rất nhiều cơ hội bị đánh mất. Kinh doanh là một cách sống. Một điều kỳ lạ nho nhỏ đó là khi kinh doanh bị tách khỏi vòng tròn gia đình thì số lượng doanh nhân cũng đồng thời ít đi.
Khi tôi tự hỏi phải làm gì với Virgin Books, Vanessa đã khuyên tôi nên nói chuyện với Robert, hiện đang làm việc tại Nhà xuất bản Macmillan Publishers được ba năm. Robert đến gặp tôi tại Duende cùng sếp anh ta – Rob Shreeve, và tôi đã đề nghị họ tới và làm việc tại Virgin Books. Tôi không có ý tưởng rõ ràng về việc Virgin Books sẽ làm gì, trừ việc bằng cách nào đó chúng tôi phải khai thác thành công đang lớn mạnh của các ngôi sao nhạc Rock mà Virgin đang có. Robert cho rằng sách và video có thể được bán qua cùng hệ thống cửa hàng tiêu thụ và anh ta đưa ra ý tưởng Virgin Books có thể thiết lập một bộ phận tập trung rộng hơn mối quan tâm của Virgin vào phương tiện đại chúng như TV, radio, phim ảnh, video cũng như sách báo. Robert không hề nản lòng trước việc sẽ tham gia một nhà xuất bản nhỏ tên tuổi chưa được tạo dựng. Anh ta từ bỏ công việc hiện tại và gia nhập vào đội ngũ Virgin của chúng tôi. Rob Shreeve vẫn quyết định ở lại Macmillan vào thời điểm đó.

Khi Robert tới Virgin Books, anh ngay lập tức cho dừng việc xuất bản tiểu thuyết mà chúng tôi đang bán. Anh đã xây dựng lại Virgin Books chỉ chuyên xuất bản thể loại sách về nhạc rock và thể thao. Một vài năm sau đó, anh quyết định mua một nhà xuất bản khác – WH Allen, và sát nhập vào Virgin Books. Với việc trông chờ đi theo những gì người khác đã làm, chúng tôi đã mắc phải sai lầm: Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng tới năm 1989, việc kinh doanh xuất bản rơi vào thời kỳ khó khăn và cần phải cắt giảm triệt để. Đó là một trong những điều đầu tiên chúng tôi lĩnh hội được và nó đã mang lại cho chúng tôi những kinh nghiệm đầu tay đau thương kèm theo việc phải sa thải nhân viên để quay vòng vốn công ty. Điều này cũng chứng minh những lợi ích của việc phát triển một công ty từ vạch xuất phát, khi bạn thuê đúng người và thực sự tạo ra bầu không khí bạn muốn.

Một năm sau đó, Rob Shreeve gia nhập vào Virgin Books với tư cách giám đốc điều hành còn Robert giữ chức chủ tịch công ty. Cùng nhau, họ lại đưa doanh nghiệp bước vào thị trường dưới tên Virgin Publishing, tập trung vào điểm mạnh cốt lõi về âm nhạc và giải trí. Trong một vài năm, công ty đã trở thành nhà xuất bản sách thành công vang dội về lĩnh vực giải trí, và có lẽ là nhà xuất bản hàng đầu thế giới về âm nhạc.
Tháng 2/1984, một luật sư trẻ người Mỹ tên là Randolph Fields đã ngỏ ý hỏi tôi về việc mở một hãng hàng không. Randolph đang tìm kiếm những nhà đầu tư để tài trợ vốn cho một hãng hàng không mới có lộ trình bay từ sân bay Gatwick tới New York. Đường bay này hiện đang bỏ ngỏ sau sự sụp đổ của hàng hàng không Sir Freddie Laker năm 1982. Anh ta gửi cho tôi một lá thư đề nghị mà tôi đã đọc tại Mill End. Rõ ràng anh ta đã liên lạc với rất nhiều những nhà đầu tư khác trước tôi – chủ một hãng thu âm hầu như không phải là cái tên đầu tiên anh ta nghĩ tới – vì thế tôi chỉ đọc lướt qua đề xuất và liên tục tự nhủ: “Đừng bị dụ dỗ; đừng bao giờ nghĩ về nó”.
Theo như cách tôi quyết định về con người trong 30 giây gặp họ, tôi cũng quyết định một đề xuất kinh doanh có kích thích tôi hay không chỉ trong 30 giây lướt qua. Tôi phụ thuộc nhiều vào bản năng chính hơn là vào việc nghiên cứu một số lượng lớn các con số thống kê. Điều này có thể là do việc tôi ngại đọc, tôi không tin vào các số liệu, mà tôi cảm giác nó có thể bị bóp méo để ngụy tạo cho một điều gì đó. Ý tưởng kinh doanh hãng hàng không Virgin đã len lỏi trong hình dung của tôi nhưng tôi phải vạch ra tỉ mỉ trong đầu những rủi ro tiềm năng có thể xảy ra.
Suốt những ngày cuối tuần đó, tôi ngồi nghiền ngẫm bản đề xuất. Ý tưởng của Randolph là cung cấp một hãng hàng không tập trung toàn bộ vào tầng lớp thương nhân, nhưng điều này thật sự không lôi cuốn. Tôi lo lắng chuyện gì sẽ xảy ra vào những ngày các doanh nhân không bay: Giáng sinh, Lễ phục sinh, kỳ nghỉ lễ Bank Holidays, và trong suốt tuần lễ Tạ ơn. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ phải nhờ những người định ra ngày nghỉ để bù vào chỗ khuyết các chuyến bay trong những tuần lễ đó. Nếu chúng tôi làm khác với các hãng hàng không kinh doanh loại vé hạng nhất, hạng thương nhân và hạng tiết kiệm bằng cách chỉ hướng vào hai đối tượng: hạng thương nhân và hạng tiết kiệm thì sẽ ra sao? Tôi tự hỏi hệ quả của việc này sẽ là gì? Chúng tôi sẽ có cả khách thương nhân và khách du lịch – chúng tôi sẽ bỏ lỡ ai? Tôi đã viết ra một danh sách những điều tôi muốn hiểu về phương thức hoạt động của các hãng cho thuê máy bay. Nếu tôi có thể thuê máy bay trong một năm và sau đó có cơ hội trả lại máy bay, hiển nhiên chúng tôi sẽ có một đường thoát hiểm nếu tất cả mọi chuyện thất bại. Nghe có vẻ hổ thẹn nhưng chúng tôi có thể hạn chế được số tiền bị thua lỗ. Tới cuối tuần, tôi đã có quyết định của mình: nếu chúng tôi có thể giới hạn tất cả mọi thứ xuống một năm – hợp đồng lao động, thuê máy bay, rủi ro hối đoái và bất cứ vấn đề nào khác liên quan tới việc mở đường bay tới New York – thì tôi sẽ muốn thử vận may của mình.
Hãng hàng không duy nhất đưa ra mức giá rẻ trên toàn Đại Tây Dương năm 1984 là People Express. Tôi nhấc điện thoại và thử liên lạc với họ. Số của họ liên tục bận. Tôi không thể liên lạc được suốt cả buổi sáng. Tôi suy luận rằng People Express chịu sự quản lý yếu kém, và họ sẽ trở thành mục tiêu béo bở cho những đối thủ cạnh tranh mới, đồng thời lượng khách của họ cũng quá cao đến mức các đối thủ cạnh tranh sẽ có chỗ nhảy vào. Chính tiếng chuông điện thoại liên hồi từ bàn làm việc của tôi trong suốt ngày thứ Bảy đã thôi thúc niềm tin của tôi rằng chúng tôi có thể thiết lập và điều hành một hãng hàng không.
Tôi gọi cho Simon vào buổi chiều Chủ nhật.
“Anh nghĩ gì về việc thiết lập một hãng hàng không?” Tôi vui vẻ đề nghị Simon. “Tôi có một bản đề xuất ở đây”.
“Lạy Chúa!” – Anh ta cắt ngang tôi. “Anh điên rồi. Hãy quên nó đi!” “Tôi nói nghiêm túc đấy”
“Không. Anh đang bị điên”.
“Được” – Tôi nói. “Tôi sẽ không nói chuyện đó lúc này. Nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ ăn trưa cùng nhau.”
Vào sáng thứ Hai, tôi gọi điện cho tổng đài báo số điện thoại quốc tế và yêu cầu họ cung cấp số điện thoại hãng hàng không Boeing. Boeing có trụ sở tại Seattle, và do sự chênh lệch về thời gian, phải tới chiều muộn ngày hôm ấy tôi mới có thể nói chuyện với họ. Họ hết sức ngạc nhiên khi nghe một người Anh hỏi về dịch vụ cho thuê máy bay lớn chuyên chở hành khách. Tôi đã dành toàn bộ buổi chiều và cả tối để gọi điện cho Boeing, và cuối cùng tôi đã được nói chuyện với người có thể giúp tôi. Họ nói với tôi rằng Boeing có dịch vụ cho thuê máy bay và họ có một máy bay chuyên chở hành khách second-hand mà họ sẽ xem xét nghiêm túc việc thu về sau một năm nếu mọi thứ không đi vào hoạt động. Với thông tin chắc chắn, tôi đã chuẩn bị trong tay những gì cần thiết để đối diện với Simon và Ken.
Bữa trưa ngày hôm sau diễn ra không thành công như mong đợi. Sau khi tôi nói với họ về việc Virgin có khả năng vượt mặt People Express và rằng Boeing có những máy bay cho thuê, trông họ thực sự kinh ngạc. Tôi nghĩ họ nhận ra tôi đã tiến hành tất cả nghiên cứu thị trường cần thiết và đã tự quyết định và họ đã đúng.
“Anh đang mắc chứng hoang tưởng, Richard à” – Simon nói. “Chúng ta đã là những người bạn thời niên thiếu nhưng nếu anh làm điều này, tôi không chắc chúng ta có thể tiếp tục cộng tác cùng nhau. Điều tôi muốn nói với anh đó là nếu anh muốn biến giấc mơ của anh thành sự thật thì trước hết hãy bước qua xác tôi.”
Ken ít lên tiếng hơn nhưng ít nhiều anh ấy nghĩ rằng ý tưởng kết hợp một công ty thu âm với một hãng hàng không là một ý tưởng đáng bị nguyền rủa.
“Tôi không thấy sự liên quan nào ở đây” – Anh ta nói. “Và nếu anh đang tìm kiếm tổn thất để bù đắp cho lợi nhuận của chúng ta, thà chúng ta đầu tư vào những ban nhạc mới còn hơn”.

“Nào” – Tôi nói. “Chúng ta không kết hợp. Chúng ta sẽ để hai công ty tồn tại tách rời. Chúng ta có thể dàn xếp tài chính để Virgin Music ít bị rủi ro nhất. Tôi đã nói chuyện với hãng Boeing, và họ có thể cho chúng ta thuê máy bay, bằng cách đó họ sẽ thu máy bay về sau một năm nếu máy bay đó không làm việc. Tổn thất lớn nhất nếu xảy ra với Virgin là 2 triệu bảng.”
Simon và Ken vẫn cương quyết phản đối.
“Nào” – Tôi tiếp tục. “Virgin có đủ tiền để thực hiện điều này. Rủi ro chưa tới 1/3 lợi nhuận trong năm nay. Tiền từ Culture Club đang đổ về. Và công việc này sẽ rất thú vị”
Cả Simon và Ken đều chau mày khi tôi nói từ “thú vị”. Đó là một từ gài bẫy đặc biệt với tôi – là một trong những tiêu chí kinh doanh hàng đầu của tôi. Bởi vì tôi đã quyết tâm, tôi biết tôi phải thuyết phục họ. Tôi tiếp tục tranh luận rằng chúng tôi sẽ chỉ có một máy bay, rằng chúng tôi có thể chỉ như nhúng chân vào nước và nếu nước quá nóng chúng tôi có thể rút ra ngay để loại trừ tổn thất. Tôi giảng giải rằng cái hay của việc khởi nghiệp từ con số không thay vì mua một hãng hàng không đã có, đó là chúng tôi có thể dễ dàng rút ra nếu nó hoạt động không hiệu quả. Trong tâm trí của tôi, mọi chuyện thật đơn giản. Điều Simon lo lắng nhất là tôi đang mạo hiểm với giá trị cổ phần của anh ta tại Tập đoàn Virgin còn Ken cho rằng tôi đang đi quá xa.
Theo như cách mà cuộc tranh luận về The Human League đã tạo ra bước ngoặt trong mối quan hệ giữa tôi và Simon với Nik, cuộc tranh luận bữa trưa ngày hôm đó chính là bước ngoặt trong mối quan hệ của tôi với Simon. Suốt nhiều năm qua tôi đã vài lần làm anh ta tức giận nhưng lần này anh ta cảm nhận rằng tôi đã sắp đặt để đánh cược công ty và tất cả tài sản tích trữ của chúng tôi vào một kế hoạch mà anh ta nghĩ là hoàn toàn liều lĩnh. Mối quan tâm và tình yêu cuộc sống của Simon đến từ hội họa, âm nhạc, sách, bộ sưu tập tranh và xe hơi. Mối quan tâm của tôi về cuộc sống chính là việc đặt ra cho mình các thử thách to lớn nhìn ngoài có vẻ không thể thực hiện được và cố gắng để vượt lên trên những thử thách đó. Xét theo góc độ thương mại, Simon hoàn toàn đúng; nhưng nếu theo quan điểm mong muốn sống một cuộc sống đầy đủ, tôi cảm nhận tôi phải nỗ lực. Từ bữa trưa đó trở đi, một mối căng thẳng đã nảy sinh trong quan hệ của chúng tôi và mối căng thẳng đó không bao giờ được xóa bỏ triệt để.
Randolph đề nghị đặt tên cho hãng hàng không là “British Atlantic” nhưng một khi tôi đã tham gia, tôi muốn “Virgin” phải được đưa vào tên thương hiệu. Chúng tôi đã đồng ý xem xét một cái tên khác cho tới khi tên hãng hàng không trở nên sát thực nhất. Có rất nhiều điều cần phải học vì thế tôi đã đề nghị Sir Freddie Laker, một người tôi luôn ngưỡng mộ, giúp đỡ tôi. Sir Freddie đã tới ăn trưa tại Duende và giải thích khía cạnh cơ học của một chiếc máy bay. Ông ta nhanh chóng xác nhận mối hoài nghi của tôi về những hạn chế khi bắt đầu một hãng hàng không dành riêng cho tầng lớp doanh nhân.
“Và anh không muốn đưa vào các dịch vụ giá rẻ hơn cho hạng tiết kiệm.” Ông ta chỉ ra. “Đó là sai lầm của tôi. Anh sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công cắt giảm chi phí đơn thuần và điều đó đã khiến tôi rút khỏi thương trường.”

Chúng tôi bắt đầu cuộc thảo luận về triết lý dịch vụ hạng doanh nhân vào bữa trưa.
Chúng tôi đã nói về việc cung cấp một dịch vụ hạng nhất với các mức giá hạng doanh nhân, và xây dựng tất cả các loại dịch vụ bổ sung cho chi phí. Hai ý tưởng tuyệt vời nhất xuất hiện trong bữa trưa đó là cung cấp dịch vụ đưa đón bằng xe hơi hạng sang như một phần trong dịch vụ và tặng loại vé tiết kiệm cho bất kỳ ai bay chuyến doanh nhân.
Freddie cũng cảnh báo tôi về sự cạnh tranh khốc liệt từ British Airways (BA).
“Làm tất cả những gì anh có thể để ngăn chặn BA” – Ông ta nói. “Hãy phàn nàn về họ, sử dụng Cơ quan hàng không dân dụng (CAA) để cản trở họ, và đừng do dự khi đưa họ ra tòa. Họ cực kỳ mất nhân tính. Sai lầm của tôi là tôi chưa bao giờ làm rùm beng lên về họ. Họ đã hủy hoại vốn liếng của tôi và giờ tất cả với tôi đã quá muộn. Tôi đã khởi kiện họ và thắng hàng triệu bảng nhưng tôi lại bị mất hãng hàng không của mình. Nếu anh rơi vào rắc rối, hãy kiện họ trước khi quá muộn. Một điều khác, Richard à, chính là sức ép. Tôi không đùa đâu, nhưng anh nên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Anh sẽ rất vất vả đấy.”
Freddie đã nói với tôi rằng ông ta vừa mới hồi phục từ căn bệnh ung thư tuyến tụy. “Anh cần tới bác sĩ và đề nghị họ mát-xa tuyến tiền liệt cho anh. Anh ta sẽ cho anh biết
đó là cái gì” – Freddie nói.
Tôi rất xúc động khi thấy rằng dù đã trải qua bao sóng gió thăng trầm, Freddie vẫn giữ được sự sôi nổi. Ông không bị khuất phục trước những trải nghiệm đã qua và ông coi tôi như người kế tục ông, nhặt lấy lá cờ ở chính nơi ông đã buông rơi. Tôi hỏi Freddie liệu ông có phản đối không nếu tôi gọi chuyến bay đầu tiên của hãng hàng không Virgin Atlantic Challenger là Tinh thần của Ngài Freddie, nhưng ông ta cười lớn:
“Không phải là chuyến bay đầu tiên” – Ông ta nói. “Tên của tôi giờ gắn với nợ nần và anh sẽ phát đi tín hiệu sai lầm. Nhưng tôi sẽ rất vinh dự được mang tên chuyến bay khi anh tạo dựng được một hạm đội lớn mạnh hơn”.
Khi Freddie rời khỏi Duende, ông ta quay đầu lại và hét lên với tôi: “Một lời khuyên cuối cùng cho anh, Richard! Khi anh có vấn đề sức khỏe và đi khám tiến tuyền liệt, hãy coi chừng đừng để bác sĩ đặt cả hai tay anh ta lên vai anh.”
Và ông ta cười sảng khoái khi bước dọc con đường tàu.
Cuộc dàn xếp đầu tiên giữa tôi và Randolph đó là chúng tôi sẽ có một mối quan hệ đối tác bình đẳng. Tôi sẽ đầu tư ngân sách; anh ta sẽ điều hành hãng hàng không. Randolph đã tuyển được 2 nhân vật chủ chốt từ hãng hàng không Lake Airways: Roy Gardner – từng điều hành bộ phận kỹ thuật của Laker và David Tait – điều hành lĩnh vực kinh doanh tại Mỹ.
“Anh nghĩ gì về tên gọi hãng?” Tôi hỏi David Tait.

“British Atlantic ư?” – Anh ta cười. “Chỉ là cái thế giới cần: Một BA khác!”
Sử dụng phản ứng của David, tôi đã thành công khi thuyết phục Randolph đồng ý đổi tên hãng thành Hãng hàng không Virgin Atlantic Challenger Airways và sau đó chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ đối tác liên kết.
“Anh nghĩ thế nào về tên mới?” – Tôi hỏi David Tait.
“Virgin Atlantic Challenger ư?” – Anh ta lại cười lớn. “Không ai sẽ đặt chân lên một chiếc máy bay tên là Virgin. Thật nực cười! Ai sẽ bay chuyến bay mà không được chuẩn bị để đi cả một chặng đường dài chứ?”
Trong một vài tuần, rõ ràng rằng dàn xếp giữa Radolph và tôi đã không mang lại kết quả. Vào cuộc họp đầu tiên của chúng tôi trước CAA – tổ chức hãng giám sát sự an toàn của các hãng hàng không, Randolph đã nói về kế hoạch thiết lập một hãng hàng không mới.
Colin Howes, luật sư của tôi từ Harbotte và Lewis đều có mặt. Sau khi quan sát Randolph khoa trương ý tưởng một vài phút, Colin rút khỏi cuộc họp, gọi tôi ra ngoài và khuyên tôi hãy ghé qua Kingsway tại Holborn.
“Điều này không khả quan một chút nào cả”, Collin nói. “Tôi nghĩ Randolph đang đào hố tự chôn mình”.
Tôi lại bước vào cuộc họp và thấy Randolph đang bị chất vấn kịch liệt bởi British Caledonian – tổ chức đã phản đối việc cấp quyền kinh doanh cho chúng tôi. Hãng hàng không của chúng tôi đơn thuần là một ý tưởng, một kế hoạch trên giấy, vì thế họ sẽ dễ dàng qua mặt chúng tôi, họ chất vấn những gì chúng tôi dự định thực hiện về thực tập an toàn, cách thức chúng tôi bảo trì máy bay và bảo đảm sự an toàn cho hành khách. Randolph là một người thiếu kiên nhẫn, và tôi có thể thấy rằng anh ta đang nổi cáu và lộ vẻ bối rối trên nét mặt trước những câu hỏi liên tục này. Phía bên kia, CAA thể hiện sự hoài nghi về năng lực điều hành hãng không của Randolph. Khi CAA đưa ra câu hỏi về tài chính, luật sư của British Caledonian nhìn khắp phòng và dừng lại ở tôi rồi nói:
“Anh sẽ phải có thật nhiều bài hit trên Top of The Pops mới có thể duy trì hoạt động của hãng hàng không.”
“Thực tế” – Tôi nói gay gắt, “Virgin đã đạt lợi nhuận 11 triệu bảng năm ngoái – cao hơn gấp đôi lợi nhuận từ khách hàng của quý vị, British Caledonian”. Tôi đã quyết định không đề cập tới việc chúng tôi đã trả hết một khoản tiền lớn để tiếp tục duy trì hoạt động năm 1984.
CAA đã chỉ rõ hãng hàng không mới sẽ phải có vốn lưu động 3 triệu bảng và họ cho phép chúng tôi được bay trên lý thuyết. Đây là điều may mắn với chúng tôi. Tất nhiên, CAA có thể rút cam kết của họ bất kỳ lúc nào nếu chúng tôi không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn. Chúng tôi sẽ phải tham dự một bài kiểm tra của CAA khi chúng tôi thuê máy bay, nhưng vào lúc này chúng tôi đã có quyền thiết lập một hãng hàng không. Chúng tôi đã thuê một kho bãi gần Gatwick Airport. Tại đây chúng tôi đặt phòng làm việc của Roy Gardner cùng đội kỹ thuật của anh ta, và bắt đầu tuyển dụng những phi công và nhân viên cabin. Chúng tôi thuê địa điểm văn phòng tại văn phòng Air Florida trên phố Woodstock, ngay gần phố Oxford, nơi chúng tôi đã kết nối với hệ thống lưu trữ máy tính của họ và tạo ra một “dummy file” cho các chuyến bay Virgin Atlantic Challenger.
David Tait đã chuyển gia đình từ Miami trở về quê nhà tại Toronto và bắt đầu sống tại văn phòng Virgin Music New York. Một nhóm luật sư đại diện cho Boeing đã tới London để bắt đầu thương lượng về việc cho thuê máy bay và họ nhanh chóng dành hầu như toàn bộ thời gian cùng tôi bàn bạc trên boong phía trên của Duende, trong lúc Joan và Holly sống ở boong dưới.
Ngôi nhà thuyền ngày càng đông đúc với sự có mặt của Holly và các lượt đến đi để bàn công chuyện về hãng hàng không. Joan và tôi đã quyết định tìm một căn nhà trên đất liền cho cả gia đình và chúng tôi dọn tới một căn nhà lớn tiện nghi gần Ladbroke Grove.
Trở ngại đầu tiên của hãng hàng không Virgin Atlantic Challenger Airways chính là mối quan hệ của tôi với Randolph Fields. Có hai việc rõ ràng. Thứ nhất, kể từ khi Virgin Group được yêu cầu bảo đảm toàn bộ tài chính của Virgin Atlantic Challenger, Coutts Bank sẽ chỉ cho phép mở rộng tín dụng cho chúng tôi nếu chúng tôi có toàn quyền kiểm soát Virgin Atlantic Challenger. Họ sẽ không cho chúng tôi vay tiền nếu chúng tôi chỉ nắm quyền một nửa hãng hàng không. Do Randolph không đầu tư một đồng nào nên khi xem xét khía cạnh này, anh ta buộc phải miễn cưỡng đồng ý Virgin sẽ giành toàn quyền kiểm soát hãng hàng không.
Một vấn đề khó khăn hơn với Randolph đó là mối quan hệ giữa anh ta với nhân viên của Virgin Atlantic Challenger. Có lẽ nếu chúng tôi có thời gian dài hơn bốn tháng chúng tôi tự đặt ra, mọi chuyện đã khác. Nhưng chúng tôi cảm thấy rằng, nếu chúng tôi có thể tồn tại năm đầu tiên, chúng tôi phải ra mắt hãng vào tháng Sáu để lợi dụng tần số vận chuyển thường xuyên của hành khách vào mùa hè và thiết lập tiền dự trữ và lưu lượng tiền mặt để giúp chúng tôi có thể duy trì vào những tháng mùa đông hoạt động yếu kém. Đó là bảng thời gian biểu không dễ dàng và đòi hỏi chúng tôi phải làm việc cật lực. Lúc này chúng tôi có thể chọn thiết kế đồng phục cho tiếp viên hàng không hoặc lên thực đơn; ngay lúc sau chúng tôi lại phải bàn về một số điều khoản pháp luật trong tài liệu dày 96 trang về việc thuê máy bay mà chúng tôi đang đàm phán với Boeing.
Ban đầu tôi nghe phong phanh về những rắc rối nghiêm trọng từ phía David Tait, người Randolph đã thuê tại Mỹ và là người hết sức quan trọng với những cơ hội thành công của chúng tôi.
“Tôi vừa từ chức” – Anh ta nói với tôi. “Tôi rất tiếc nhưng tôi không thể nào làm việc được với Randolph.”
“Chuyện gì vậy?” – Tôi hỏi. Tôi biết rằng nếu như không có việc kinh doanh bán vé của David tại Mỹ, Virgin Atlantic Challenger sẽ chết ngay trong trứng nước.

Tôi có thể thấy David đang muốn chấm dứt cuộc nói chuyện, vì thế tôi năn nỉ anh ta tới London gặp tôi. Anh ta không có tiền mua vé vì thế tôi đã gửi vé và anh ta tới London ngay hai ngày sau đó. Khi tới Duende, anh ta thấy tôi đang bế Holly. Con bé đang sốt và la khóc. Joan đi ra ngoài mua thêm thuốc Calpol hạ sốt. Chúng tôi cười với nhau trong tiếng khóc inh ỏi khi tôi nựng Holly.
“Anh có thể nghĩ nó to mồm” – David nói. “Nhưng tôi phải nói với anh rằng Randolph còn có thể hét to hơn. Tôi không thể làm việc cho anh ta.”
Kinh nghiệm của David khiến tôi xác định rõ ràng rằng chúng tôi phải gạt Randolph sang một bên nếu chúng tôi dự định bắt đầu hãng hàng không. David đã chơi một canh bạc lớn khi gia nhập Virgin Atlantic Challenger. Anh ta đã chuyển cả gia đình từ Miami trở về Toronto, và đang sống một mình trên tầng cao nhất trong căn nhà tại Greenwich Village mà Ken Berry đã mua. Tất cả những gì anh có là một bàn làm việc, một điện thoại và một phòng ngủ nhỏ, và anh phải cố gắng bán vé của một hãng hàng không mới được thành lập cho những người Mỹ. Do không thể quảng cáo Virgin Atlantic Challenger khi không có giấy phép của Mỹ (vào đúng ngày trước khi chúng tôi cất cánh), nên David đã cố gắng thông báo cho những người New York bằng cách quảng cáo trên bầu trời Manhattan. Vào một buổi chiều mùa xuân không một gợn mây, một đoàn 5 máy bay nhỏ theo đúng kế hoạch đã phun một dải khói trắng và đỏ có dòng chữ WAIT FOR THE ENGLISH VIRGIN ngang bầu trời. Không may, ngay khi đoàn bay kết thúc, một đám mây trôi qua và che mất chữ cuối cùng, vì thế những người New York nghển cổ và tự hỏi thông điệp bí ẩn WAIT FOR THE ENGLISH VIRGI nghĩa là gì.
Mối bất hòa của David với Randolph chính là ở hệ thống bán vé. Randolph muốn tránh tất cả đại lý du lịch đòi trả 10% giá vé cho các dịch vụ, và sẽ bán vé thông qua một hãng đặt vé nhà hát tên là Ticketron để thay thế. David đã xem xét Ticketron, hãng chỉ đòi trả 5% tiền giá vé nhưng anh ta từ chối làm ăn với họ.
Nhân viên từ phòng bán vé trên phố Woodstock cũng than phiền về cách xử sự của Randolph. Họ nói với tôi rằng anh ta thường xuyên xộc vào phòng và yêu cầu họ ra chỗ khác để anh ta có thể nói chuyện điện thoại riêng. Tôi nhận ra Randolph không phải là người thích hợp để điều hành hãng hàng không mới. Tôi đã hứa với David Tait, chỉ cần anh ta ở lại, anh ta sẽ mau chóng không phải chịu những rắc rối từ Randolph.
“Anh ta sẽ không ở lại đây lâu đâu” – Tôi nói. “Anh có thể nói chuyện trực tiếp với tôi nếu có chuyện gì xảy ra”.
Khi chúng tôi bước qua tháng Tư và tháng Năm, ngày càng nhiều nhân viên báo cáo trực tiếp với tôi. Randolph bị tách ra khỏi mọi việc. Anh ta ngày càng trở nên khó ưa. Cuối cùng luật sư của tôi đã khuyên tôi thay đổi khóa các phòng bán vé để không cho anh ta được phép ra vào. Khi chuyến bay khai trương được ấn định vào tháng Sáu tới gần, Randolph và tôi đã có một cuộc nội chiến.
Tôi vẫn tự hỏi chúng tôi đã làm thế nào để có thể dàn xếp tất cả mọi việc vào những ngày cuối cùng đó. Đội cabin mới đào tạo đã tới văn phòng trên phố Woodstock để cung cấp nhân viên trực điện thoại. Hợp đồng thuê máy bay với Boeing cuối cùng cũng đã hoàn thành, bao gồm một loạt các điều kiện pháp lý hoàn chỉnh nhưng về cơ bản vẫn cho phép chúng tôi trả lại máy bay cho họ sau một năm và được hoàn lại ít nhất bằng chi phí ban đầu. Nếu giá trị máy bay tăng thì chúng tôi sẽ phải chịu mức giá tăng. Sau hai tháng đàm phán, tôi nghĩ Boeing khá ngạc nhiên về sự bền bỉ của chúng tôi: “Bán một hạm đội jumbo cho một hãng hàng không Mỹ còn dễ hơn bán một chiếc máy bay cho Virgin”, đại diện thương lượng của họ đã phải thú nhận sau khi chúng tôi hoàn thành hợp đồng. Việc thương lượng thường xuyên các hợp đồng thu âm đã có lợi cho tôi. Như thỏa thuận hợp đồng thuê giữa hai bên, chúng tôi cũng có một thỏa thuận tiền tệ để bảo vệ chúng tôi nếu đồng bảng trượt giá so với đồng đô-la (đồng tiền ký kết trong hợp đồng của chúng tôi là đô-la).
Có lúc tôi đã đưa Boy George tới để gặp gỡ tất cả nhân viên tại văn phòng phố Woodstock. Anh ta lại mặc chiếc áo choàng dài kỳ dị như thường lệ, với mái tóc tết thắt ruy băng và đôi găng tay kết hoa đeo chiếc nhẫn kim cương khổng lồ. Trong một phút anh ta đứng quan sát dòng người hỗn độn đang làm việc: trả lời điện thoại, viết vé, giải đáp khách hàng về lịch làm việc của hãng, mời các nhân vật nổi tiếng và nhà báo tham gia chuyến bay khai trương, và tiến hành chuẩn bị bản in tạp chí hàng không. Sau đó anh ta nói:
“Tôi thật vui mừng vì chân tôi đang đứng trên mặt đất.”