Đường Ra Biển Lớn

Chương 6: “SIMON BIẾN VIRGIN THÀNH NƠI HỢP THỜI NHẤT”

1971 – 1972
Cuộc đình công của nhân viên ngành bưu điện tháng 1/1971 đã khiến chúng tôi gần như phá sản, có một người trạc tuổi tôi, nói giọng Nam Phi, bước vào văn phòng của chúng tôi ở đường South Wharf và tự giới thiệu là anh họ của tôi – Simon Draper. Simon Draper đã tốt nghiệp Đại học Natal và tới London chỉ với 100 bảng, có ý định ở đây một thời gian. Anh ấy muốn tiếp tục học sau đại học, có lẽ là muốn theo gương anh trai mình, người được học bổng Rhodes của Đại học Oxford; và anh ấy đang tìm việc làm.
Simon ngồi cạnh mẹ tôi trong bữa tối đón Giáng sinh ở nhà tôi và mẹ tôi đã nói anh ấy liên lạc với tôi. Sau kỳ nghỉ cùng gia đình dịp Giáng sinh và Năm mới, Simon chuyển đến ở tại một căn hộ ở London và đến tìm tôi tại của hàng Virgin Records trên phố Oxford. Anh chàng quản lý Sandy O’Connell nói với Simon tới tìm tôi tại văn phòng trên đường South Wharf. Anh ấy đã đến trước bữa ăn trưa.
Chúng tôi ra ngoài đi ăn tại nhà hàng Hy Lạp ở góc phố Praed. Sau khi ăn vài miếng thịt nóng, khoai tây và đậu, Simon bắt đầu giải thích anh ấy muốn làm gì. Khi còn học ở Đại học Natal, anh ấy đã làm việc cho tờ Sunday Times của Nam Phi. Anh kể cho tôi nghe rằng anh thường phải ngồi suốt đêm thứ Bảy chờ đợi cho tới khi số báo đầu tiên xuất bản. Sau đó, anh chuyển sang làm việc tại một câu lạc bộ nhạc jazz và số báo đầu tiên của câu lạc bộ này cũng do một tay anh làm. Chúng tôi trao đổi nhiều chuyện về nghề làm báo, rồi chuyển đề tài sang âm nhạc.
Dường như Simon bị ám ảnh bởi âm nhạc. Có lẽ bởi vì tôi bỏ học sớm và cũng chưa bao giờ học đại học, nên tôi không trải qua cảnh hằng đêm dài nằm nghe nhạc. Dù cũng có nghe nhạc liên tục lúc làm việc cho tờ Student dưới tầng hầm, nhưng tôi lại quá bận rộn với các cuộc điện thoại liên hệ quảng cáo, rồi in ấn, nên không có thời gian thẩm thấu được âm nhạc. Nếu tôi nghe một đĩa nhạc, tôi vẫn biết là mình có thích hay không, nhưng tôi không thể so sánh đĩa đó với các ban nhạc khác, hay nhận ra rằng đĩa nhạc đó bị ảnh hưởng bởi Velvet Underground… Với tôi lúc đó, dường như Simon đã nghe tất cả các đĩa nhạc phát hành trong tuần. Anh ấy không chỉ đơn thuần là yêu thích đĩa nhạc mới nhất của Doors, mà anh ấy còn biết rất rõ họ đang làm gì, họ đã phát triển đĩa mới này như thế nào so đĩa cũ và so với toàn bộ thể loại âm nhạc của họ. Anh ấy từng chủ trì một chương trình riêng của mình, kéo dài 30 phút trên Đài phát thanh Natal. Và tôi nhận ra rằng anh ấy hiểu biết về âm nhạc hơn bất kỳ ai mà tôi đã gặp.
Chúng tôi cũng nói chuyện về chính trị. Dù tôi từng tham gia một số cuộc diễu hành chính trị, chẳng hạn như cuộc diễu hành phản đối chiến tranh ở Việt Nam trên quảng trường Grosvenor, nhưng những điều đó không là gì so với sự khốc liệt của chiến trường Nam Phi. Simon say mê cả âm nhạc và chính trị và anh ấy coi âm nhạc là cách thức để thể hiện sự phản kháng chính trị. Một bạn học của Simon ở Đại học Natal là Steve Biko, người sau này lãnh đạo Tổ chức Sinh viên Nam Phi của người da đen. Thầy giáo của Simon, một người theo chủ nghĩa Mác-xít, đã bị các tay súng dân phòng được chính phủ hậu thuẫn bắn chết ngay trước mắt những đứa con của ông. Chính phủ Nam Phi khi ấy không dung thứ bất cứ hình thức bất đồng chính trị nào. Simon không được phép chơi nhạc với nội dung chính trị hoặc tình dục, chẳng hạn như những bài hát của Jimi Hendrix hay Bob Dylan.
Khi chúng tôi uống cà phê, tôi đã thuyết phục Simon về làm việc cho Virgin, là khách hàng của Virgin Records và của hệ thống đặt hàng qua thư của Virgin. Cũng không có sự thương lượng khó khăn nào về chuyện tiền lương, vì mọi người làm việc cho Virgin chỉ nhận cùng mức lương, 20 bảng một tuần.
Tony chuyển từ Student sang làm công việc lập danh sách khách hàng đặt hàng qua thư. Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm cách bán Student cho một công ty khác và vì thế chúng tôi đã không xuất bản trong hơn một năm, còn Tony tiếp tục chuẩn bị bản in thử cho số tiếp theo với mục tiêu gây được ấn tượng cho các khách hành tiềm năng. Anh ấy rất vui vẻ khi giao lại việc mua bán đĩa cho Simon để tập trung nhiều hơn về các vấn đề chính trị cho tương lai của Student. Tony đã bàn giao cho Simon một nguyên tắc vàng, bất di bất dịch, đó là: “Virgin không bao giờ chứa chấp Andy Williams!”.
“Anh không cần phải lo lắng” – Simon nói. “Tôi sẽ là người cuối cùng phá vỡ quy tắc đó”.
Và kể từ đó, Simon tự làm việc. Tôi cứ để cho anh ấy làm việc một mình trong khoảng vài tháng. Tôi đang yêu Kristen và tìm cách ngăn cô ấy trở về Mỹ để hoàn thành nốt khoá học kiến trúc của mình. Tôi đề nghị cô ấy làm công việc tiếp tục sửa chữa, nâng cấp toà biệt thự Manor:
“Thôi nào!” – Tôi nói. “Em không cần thiết phải học mất sáu năm như thế để trở thành một kiến trúc sư. Cứ bắt đầu làm việc luôn từ bây giờ đi!”
Và cũng không mất nhiều thời gian thuyết phục lắm, Kristen đồng ý với tôi và bắt tay vào làm việc. Cô ấy có khả năng bẩm sinh, với năng khiếu nghệ thuật tuyệt vời. Với mái tóc bạch kim mượt mà, khuôn mặt tinh nhanh, Kristen nhanh chóng trở thành một nhân vật quen thuộc tại tất cả các cuộc đấu giá ở London, khi cô ấy thương lượng để mua những món đồ nội thất đáng giá cho Manor.
Nik quản lý điều hành chi phí cho cả hai hệ thống kinh doanh đặt hàng qua thư và các cửa hàng Virgin Records, còn Simon bắt đầu tiến hành sắp xếp danh sách đơn đặt hàng và các cửa hàng bán đĩa, lựa chọn các đĩa để kinh doanh. Thẩm mỹ âm nhạc của Simon đã nhanh chóng trở thành yếu tố quan trọng nhất tạo nên đặc tính riêng biệt của Virgin. Cửa hàng đĩa không chỉ đơn thuần là một nơi để bán đĩa: Nó phải giống như một nơi phân xử, hướng dẫn về gu thẩm mỹ âm nhạc. Tôi không hề biết âm nhạc giúp thúc đẩy điều gì, nhưng Simon thì có những kế hoạch hoàn hảo nhằm giới thiệu những album nước ngoài mà không nơi nào có. Có một ranh giới rất mỏng manh phân chia giữa “hợp mốt” và “không hợp mốt”, Simon đã biết cách biến Virgin trở thành nơi “hợp thời nhất”. Anh ấy bắt đầu cho nhập đĩa trực tiếp từ Mỹ, tung ra thị trường để cạnh tranh. Chúng tôi chỉ buôn bán những album tổng hợp, vì đĩa đơn dường như chủ yếu vẫn chỉ là “những người dẫn đường” để giới thiệu các album tổng hợp. Vào những năm 1970, những ban nhạc nghiêm túc, như Pink Floyd, Yes hay Genesis, hiếm khi phát hành đĩa đơn. Một album tổng hợp được xem là sự kết hợp của tuyên ngôn chính trị, nghệ thuật và lối sống. Những ban nhạc nghiêm túc không phát hành nhạc nhảy (dance): Âm nhạc của họ là để thưởng thức lúc bạn thư thái, nghỉ ngơi. Có những cuộc tranh luận thú vị về những bản thu âm khác nhau của cùng một bài hát, về những gì đã được yêu thích đặc biệt khi các đĩa tổng hợp của Mỹ được hát lại (cover) thành những bản khác nhau ở Anh, đôi khi là những bản khác hẳn của cùng một bài hát. Thời đó, CD đã được chuẩn hoá để tiếp thị ra thị trường toàn thế giới.
Cùng với việc nhập khẩu đĩa từ Đức, Pháp, Mỹ và buôn bán ngầm những đĩa nhạc thu âm trực tiếp, chúng tôi cũng kiếm được lợi nhuận lớn từ việc buôn bán những đĩa nhạc hiếm hàng, hoặc các công ty thu âm đã bán hết. Cũng nhờ dịch vụ đặt hàng qua thư, chúng tôi có hàng trăm thư đặt hàng mỗi ngày mua những đĩa đặc biệt nào đó. Vì thế chúng tôi biết được đĩa nào đang có nhu cầu thực tế nhiều nhất; và một điều đơn giản đó là chúng tôi chỉ việc tìm mua những đĩa đó với giá rẻ rồi bán lại.
Nhiều người cho rằng, thành công của một cửa hàng đĩa là ở việc bán đĩa. Nhưng trên thực tế, thành công của Virgin trong cả hệ thống đặt hàng qua thư hay các cửa hàng bán đĩa lại nằm trong nghệ thuật lựa chọn đĩa của Simon. Anh ấy có khả năng tìm kiếm những ban nhạc mà đĩa hát của họ không được bán ở các cửa hàng bình thường, sau đó bán được số lượng lớn đĩa của họ trong hệ thống cửa hàng của Virgin. Anh ấy hiểu biết về âm nhạc nhiều đến nỗi anh ấy có thể biết được ban nhạc nào sẽ bán được, trước cả khi họ chứng tỏ được thành công của mình trên thực tế. Anh ấy sử dụng tất cả các “ăng-ten” của mình để giúp chúng tôi đã thiết lập được thương hiệu đĩa nhạc hai năm sau đó. Nếu không có Simon, thì có lẽ quá trình đó đã đi vào ngõ cụt. Một tài năng nữa của chúng tôi đó là John Vvarnom – người thực hiện tất cả các chương trình quảng cáo đĩa nhạc của chúng tôi và thiết kế khẩu hiệu (slogan) cho các cửa hàng bán đĩa. Virgin đã bắt đầu có được danh tiếng rộng rãi.
Với không gian âm nhạc hay nhất suốt ngày đêm ở các cửa hàng và kho trong hệ thống Virgin, cả nhân viên và khách hàng của chúng tôi thường thư giãn, hút thuốc, thưởng thức âm nhạc và nói chuyện rất nhiều, chẳng hạn về cách thức làm sao để tiến hành thu thanh Aerosol Grey Machine – tác phẩm đoạt giải cao ở Mỹ của Van Der Graaf Generator; thậm chí mọi người có thể trải nghiệm kinh nghiệm tình yêu; và có lẽ không có nơi nào tốt hơn thế có được sự tự trọng của lứa tuổi 21.
Song phía sau đó vẫn là hoạt động kinh doanh khắc nghiệt. Ở phòng thu Manor, công việc vẫn diễn ra thầm lặng. Tôi luôn luôn lo sợ các cuộc gọi của Tom Newman, khi muốn lắp đặt đầy đủ các thiết bị, anh ấy luôn đề xuất chi tiền để mua thêm thiết bị thu thanh nào đó. Cùng với đó, tôi cũng lo sợ những khoản phạt của khách hàng, rồi tiền vay ký cược của ngân hàng, hay ý nghĩ thường trực về án tù treo lơ lửng.
Công việc kinh doanh của hệ thống đặt hàng qua thư rất tốt, nhưng chủ yếu mới thu hút được những khách hàng mua đĩa nghiêm túc – những người chỉ tìm mua những đĩa hát đã được xếp hạng. Dường như là khó có thể mở rộng kinh doanh dịch vụ này. Chúng tôi nhận thức được rằng, nếu muốn kiếm thêm tiền thì chúng tôi phải mở thêm các cửa hàng Virgin Records.
Tôi và Nik bắt đầu bàn thảo một kế hoạch mở rộng kinh doanh. Trong khoảng thời gian từ cuối năm 1971 đến hết năm 1972, hầu như tháng nào chúng tôi cũng đặt mục tiêu mở thêm được một cửa hàng. Đến Giáng sinh năm 1972, chúng tôi đã có 14 cửa hàng: một số ở London và mỗi thành phố lớn trên khắp cả nước đều có một cửa hàng. Trong quá trình tiến hành sắp xếp lại hệ thống đĩa ở các cửa hàng, tổ chức quảng cáo cửa hàng, lựa chọn và đào tạo nhân viên, rồi thiết lập hệ thống kế toán để kiểm soát nguồn thu chi, thì chúng tôi đã phát hiện ra rằng, thời gian mở cửa của các cửa hàng là yếu tố cốt lõi. Trong quá trình thương lượng thuê địa điểm, sau khi không thể thuyết phục chủ cho thuê hạ giá thấp hơn nữa, chúng tôi mới đề xuất họ miễn phí thuê trong thời gian ba tháng đầu. Đây là một yếu tố quan trọng nhất. Chúng tôi sẽ không đồng ý mở một cửa hàng nếu không đạt được nhất trí về đề xuất nói trên. Và nhờ đó, chúng tôi đã có rất nhiều cơ hội. Khi mở một cửa hàng mới, chúng tôi vẫn biết rằng, doanh thu bán đĩa trong ba tháng đầu tiên mở cửa hàng có thể bù đắp khoảng chi phí thuê địa điểm cho cửa hàng vừa mở trước đó. Doanh số bán hàng cũng cho thấy liệu địa điểm chúng tôi đã lựa chọn có thể thu hút đủ lượng khách hàng để biến kế hoạch mở cửa hàng tại đó thành hiện thực không.
Khi mở cửa hàng mới, chúng tôi đã học được đủ loại bài học rất có ích với chúng tôi trong tương lai. Chúng tôi thường lựa chọn địa điểm rẻ tiền ở cuối những con phố dài. Nơi đó chúng tôi có thể thuyết phục được người mua hàng đi thêm vài bước chân sau chặng được dài để vào mua đĩa, trong khi chúng tôi không phải chịu tiền thuê nhà cắt cổ. Chúng tôi cũng lựa chọn những địa điểm thanh thiếu niên tường tụ tập dạo chơi, chẳng hạn gần tháp chuông đồng hồ ở Brighton, hay phố Bold ở Liverpool. Chúng tôi tham khảo thanh niên địa phương về địa điểm thích hợp nhất để mở một cửa hàng bán đĩa. Ở các thành phố, có nhiều ranh giới vô hình: một con phố có thể làm thay đổi một tính cách chỉ trong khoảng không gian 20 thước!
Một điểm đặc biệt nữa trong kinh doanh bán lẻ đĩa nhạc đó là sự nhanh nhẹn cùng thời điểm phát hành một đĩa nhạc. Khi một đĩa hát được phát hành, chẳng hạn đĩa mới nhất của David Bowie, bạn phải tính toán được lượng đĩa bán được trong một vài tiếng đồng hồ. Vì thế, bạn phải cân nhắc đĩa ưu tiên nhất cửa hàng sẽ bán trong ngày hôm đó. Sau đó, bạn có thể sử dụng những thông tin có được từ cửa hàng ấy để sắp xếp lại việc trưng bày đĩa trong các cửa hàng khác. Giả sử cửa hàng của bạn hết sạch các đĩa chủ đạo để bán trong ngày hôm đó, thì tất nhiên khách hàng sẽ đi ngay sang cửa hàng bên cạnh để mua và sẽ không bao giờ quay trở lại cửa hàng của bạn. Cũng không bao giờ lặp lại doanh số bán hàng của cùng một đĩa nhạc. Mặc dù bạn luôn dự trữ đĩa Hunky Dory, nhưng phải biết rằng có thể 70% doanh số bán đĩa này sẽ đạt được ngay trong hai tuần đầu tiên phát hành.
Ban đầu, Virgin thúc đẩy hình ảnh là một nơi mà mọi người có thể tới, dành thời gian nghe nhạc và chọn đĩa nhạc mình yêu thích, theo gu thẩm mỹ âm nhạc riêng biệt, hợp thời nhất. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều đĩa chủ đạo hơn nữa, cũng như muốn giới thiệu cho giới trẻ những sản phẩm hay hơn nữa. Hệ thống cửa hàng của chúng tôi không bán các loại đĩa quá phổ biến trên thị trường, hay loại đĩa chỉ dành cho những thanh thiếu niên chạy theo mốt đám đông, chẳn hạn như đĩa của The Osmonds và The Sweet, những đĩa nhạc làm rung chuyển các bảng xếp hạng. Chúng tôi không bán các đĩa của Gary Gitter và các ngôi sao nhạc rock khác. Dù Simon đã cố đưa ra lý lẽ thuyết phục rằng để bảo vệ bản sắc của Virgin, nhưng điều đó vẫn làm tôi lo lắng, vì tôi đã nhìn thấy khoản lợi nhuận ngắn hạn mà chúng tôi đang bỏ qua. Simon bảo đảm rằng, nếu chúng tôi bảo vệ được hình ảnh của mình thì chúng tôi giữ được bản sắc và thu hút thêm nhiều khách hàng. “Đó là quy luật của Andy Williams” – anh ấy nói với tôi.
Cửa hàng ở số 130 Notting Hill Gate – trở thành một trong những cửa hàng Virgin Records kinh doanh tốt nhất. Simon làm việc ở đó. Chúng tôi trải những tấm nệm trên sàn để mọi người có thể nằm suốt ngày. Chúng tôi biết rằng chúng tôi đã thành công khi nhiều người tới London và tìm đến cửa hàng Virgin Records. Giá mà chúng tôi có thể bán cần sa thì chúng tôi cũng đã bán rồi. Thực tế, tôi nghi ngờ có nhân viên đã làm việc đó. Bán đĩa, tư vấn cho khách hàng nên mua đĩa nào, đến các câu lạc bộ, quán nhạc nào để nghe các ban nhạc chơi… đã trở thành một lối sống.
Khi chúng tôi mở cửa hàng trên phố Bold ở Liverpool vào tháng 3/1972, tôi đã kiếm được 10.000 bảng trong tuần đầu tiên. Tuần tiếp theo, con số đó là 7.000 bảng. Và các tuần sau đó giảm xuống còn 3.000 bảng. Đến giữa mùa hè năm đó, doanh thu tụt xuống còn
2.000 bảng. Tôi tới để xem chuyện gì đang diễn ra. Cửa hàng chật cứng đĩa. Các đĩa nhạc rock bị nhét vào trong các góc, lẫn vào những đĩa khác; còn những đĩa “thời trang” thì lại được bày la liệt trên sàn, sát tới tận quầy tính tiền. Hầu hết các loại nhạc đều được giới thiệu, nhưng hầu như không ai có ý định mua cái gì cả. Mọi người dường như đang thư giãn, thưởng thức âm nhạc, nhưng không ai có vẻ như đang tiến gần tới quầy tính tiền; họ khiến những khách hàng khác bỏ đi. Không khí trong cửa hàng của chúng tôi như thể là một câu lạc bộ đang không kiểm soát được. Tháng sau, chúng tôi cử một nhân viên đứng bên ngoài cửa hàng, lịch sự nhắc khéo khách hàng rằng họ đang bước vào một cửa hàng bán đĩa, chứ không phải một câu lạc bộ âm nhạc; chúng tôi cũng lắp đèn sáng hơn và đặt quầy tính tiền ngay gần cửa sổ. Giữa việc duy trì bầu không khí của cửa hàng với việc thúc đẩy lợi nhuận có một ranh giới rất mong manh. Doanh thu cũng bắt đầu phục hồi.
Trong quá trình mở rộng kinh doanh, công việc khó khăn nhất chúng tôi gặp phải đó là duy trì được nguồn cung đĩa. Một số công ty phát hành đĩa, như PolyGram chẳng hạn, đã từ chối cung cấp cho chúng tôi bởi vì chúng tôi có chính sách giảm giá và như thế là chống lại các nhà bán lẻ khác. Cũng có những công ty phát hành đĩa khác từ chối bán cho chúng tôi vì họ nghi ngờ khả năng thanh toán của chúng tôi. Nik và Chris Stylianou (Chris người Hy Lạp, là giám đốc bán hàng của chúng tôi) đã gặp gỡ tất cả các nhà cung cấp tiềm năng của chúng tôi và họ tìm được một giải pháp đặc biệt: đó là cửa hàng đĩa South Woodfor, tên là Pop In, do Raymond Laren điều hành. Raymond chuẩn bị dùng tiền cá nhân của mình để mua các đĩa hát nhân danh chúng tôi. Đây là một phi vụ kinh doanh tốt với anh ta, vì anh ta có thể đặt mua tất cả đĩa của chúng tôi trong đơn đặt hàng của mình, sau đó đòi phí 5% rồi bán lại cho chúng tôi.
Khi chúng tôi tiến hành phi vụ làm ăn đầu tiên với Raymond, chúng tôi đã liệt kê danh sách các đĩa để anh ta thêm vào các đơn đặt hàng của mình. Tonny và Simon tới nhận đĩa, rồi chúng tôi phân phát tới ba hoặc bốn cửa hàng của Virgin. Pop In là một cửa hàng nhỏ, bên ngoài là tường sơn màu đen, trang trí bằng các tờ quảng cáo Sergeant Pepper và Neil Young. Vì rất nhỏ nên rất khó để xếp các thùng đĩa lớn, nhưng chúng tôi cũng cố thu xếp được. Năm sau đó, khi mà chúng tôi mở thêm nhiều cửa hàng nữa, thì số lượng đĩa làm ăn cùng Raymond cũng tăng lên. Raymond thậm chí phải đặt hàng cả nghìn chiếc đĩa từ các công ty phát hành và chúng tôi thì phải sử dụng cả xe tải loại lớn tới vận chuyển.
Chúng tôi cũng đã cố gắng liên hệ làm ăn trực tiếp với các hãng phát hành đĩa, nhưng họ vẫn phớt lờ chúng tôi. Virgin nhanh chóng trở thành một trong những chuỗi cửa hàng bán đĩa lớn nhất nước và cảnh tượng diễn ra ở cửa hàng của Raymond thì thật nực cười: Ở cửa trước, một đoàn xe tải xếp hàng chờ dỡ hàng trăm thùng đĩa xuống, còn ở cửa sau đoàn người rồng rắn vào cửa hàng xếp các thùng đĩa lên những chiếc xe tải khác cũng đang xếp hàng dài chờ để đưa đĩa về các cửa hàng của Virgin Records. Có cái gì đó cần phải loại bỏ.
Chúng tôi vẫn phải trả phí chênh lệch 5% để mua lại đĩa từ Raymond. Cuối cùng, tôi và Nik đã tới các công ty phát hành đĩa và thẳng thừng nói với họ những gì đang diễn ra. Họ đã đồng ý bán đĩa trực tiếp cho chúng tôi và câu chuyện kiếm tiền của Raymond Laren kết thúc. Cửa hàng của ông ta quay trở lại bán với số lượng vài chục đĩa ít ỏi mỗi tuần, còn những viên kế toán riêng của ông ta thì bối rối không hiểu chuyện gì xảy ra với cái cửa hàng màu nhiệm của Raymond.
Vào năm 1972, Simon bắt đầu yêu một cô gái Nam Phi. Anh ấy nói với tôi rằng anh ấy sẽ rời khỏi Virgin và đi cùng cô ấy tới Chile. Cuối cùng thì phòng thu Manor cũng mở cửa đón các nghệ sĩ; chúng tôi đã có tới 20 cửa hàng Virgin Records và công việc kinh doanh của hệ thống đặt hàng qua thư phát triển tốt đẹp. Simon đã làm việc cho Virgin được một năm và cả tôi và Virgin đều không dám hy vọng anh ấy có thể tiếp tục làm việc thêm vài tháng nữa, tôi bỗng nhận ra rằng anh ấy quan trọng thế nào đối với Virgin. Khả năng chọn lựa âm nhạc của anh ấy đã giúp thiết lập chuỗi cửa hàng Virgin Records thành một “nơi để đến và mua đĩa”. Sẽ rất là “thời thượng” nếu đến và dành cả buổi chiều ở các cửa hàng Virgin Records, trong khi không một thanh niên biết tự trọng nào đến và dành cả buổi chiều làn thang ở Woolie.
Cái uy tín mà Simon đã luôn nói tới đã thành sự thật. Báo chí chuyên về âm nhạc đã bàn thảo về các nghệ sĩ mà Virgin đang lăng xê. Khi chúng tôi đặt quảng cáo về ban nhạc điện tử của Đức có tên là Tangerine Dream bên ngoài cửa hàng Virgin, thì ngay lập tức nó trở thành tiêu điểm của các cuộc tranh luận. Các hãng phát hành đĩa liên lạc với chúng tôi và đề nghị Virgin quảng bá đặc biệt cho ban nhạc của họ.
Tôi cố thuyết phục Simon ở lại, nhưng anh ấy vẫn quyết ra đi. Bạn gái anh ấy tới Chile trước, còn anh ấy dự định sẽ tới đó với cô ấy sau một tháng. Nhưng trong một tháng đó, anh ấy bỗng nhiên nhận được một lá thư của bạn gái đề “Simon thân yêu”, trong đó cô ấy nói rằng mọi chuyện đã kết thúc. Anh ấy rất thất vọng, nhưng cùng lúc đó anh ấy hiểu rằng tương lai của mình là ở London, chứ không phải ở nơi nào đó ở Nam Mỹ, hay thậm chí ở Nam Phi. Virgin bây giờ đã có chuỗi cửa hàng đĩa và phòng thu Manor, chúng tôi bắt đầu bàn thảo về phần thứ ba trong giấc mơ lớn lao mà đã từng đề cập trong bữa trưa cùng nhau đầu tiên tại nhà hàng Hy Lạp: đó là công ty phát hành đĩa Virgin.
Nếu chúng tôi thành lập công ty phát hành, chúng tôi có thể cung cấp địa điểm cho các nghệ sĩ muốn thu thanh (nhờ đó chúng tôi có thể thu phí dịch vụ); chúng tôi có thể phát hành đĩa của họ (từ đó chúng tôi cũng kiếm được lợi nhuận); và chúng tôi đã có một chuỗi cửa hàng lớn và đang phát triển là nơi chúng tôi có thể quảng bá và bán đĩa của họ (và cũng từ đó chúng tôi kiếm lời từ bán lẻ). Ba lĩnh vực kinh doanh ấy hỗ trợ lẫn nhau và cũng đem lại lợi ích cho các ban nhạc ký hợp đồng với chúng tôi. Bởi vì, chúng tôi có thể giảm giá dịch vụ tại phòng thu Manor – mục tiêu sản xuất; và tăng cường quảng bá tại chuỗi cửa hàng – mục tiêu bán lẻ; trong khi vẫn kiếm được lợi nhuận.
Tôi và Simon phác thảo một thoả thuận về việc anh ấy thành lập và điều hành công ty phát hành đĩa hát Virgin mới, với tên gọi Virgin Music. Anh ấy sẽ sở hữu khoảng 20% công ty, trong khi công ty này tách biệt hoàn toàn với các cửa hàng Virgin Records. Và người đầu tiên tôi và Simon lựa chọn để ký hợp đồng đó là tay chơi ghi-ta số ba của ban nhạc Hair: Mike Oldfield.
Mike Oldfield có một tuổi thơ khó khăn, với một bà mẹ nghiện rượu. Anh ấy thường nhốt mình trong phòng và tự học chơi tất cả các loại nhạc cụ. Đến năm 14 tuổi, anh ấy đã tự thu được đĩa nhạc đầu tiên cùng với chị gái Sally, người chuyên hát nhạc đồng quê. Hai chị em Mike lập nhóm hát song ca nhạc đồng quê đặt tên là Sallyangie và ký hợp đồng với hãng Translantic Records. Năm 15 tuổi, Mike rời nhà và trở thành một tay chơi ghi-ta cùng với Dave Bedford trong nhóm The Whole World của Kevin Ayers.
Mike đã ký hợp đồng chơi nhạc cho ca sĩ Arthur Louis, người đang thu đĩa ở phòng thu Manor, trong một vài tuần, hồi tháng 10/1971. Mike sau đó có dịp nói chuyện với Tom Newman và vào một ngày, Mike cuối cùng cũng đủ dũng cảm để quyết định thu đĩa nhạc của chính mình. Mike tự thu thanh trong phòng thu, sử dụng nhiều loại nhạc cụ trong cùng một đĩa. Băng nhạc đó chừng 18 phút, không có tên và không có ca sĩ hát. Tom nghe băng nhạc đó và mô tả nó là “cực kỳ lãng mạn, buồn, sâu sắc và nổi bật khác thường”. Sau đó Tom cho Simon nghe khi anh ấy tới phòng thu Manor. Simon thật sự kinh ngạc về đĩa nhạc đó. Anh ấy cố giới thiệu Mike tới các công ty đĩa nhạc, nhưng tất cả đều làm anh ấy thất vọng.
Một năm sau đó, khi ngồi nói chuyện trên thuyền Anberta, tôi và Simon đã quyết định thành lập công ty phát hành đĩa nhạc. Chúng tôi gọi Mike tới. Mike đã hoàn toàn thất vọng nghĩ rằng anh ấy bị loại khỏi ngành công nghiệp âm nhạc, nên thật sự mừng khi biết rằng chúng tôi muốn quảng bá âm nhạc của anh ấy. Anh ấy vội đến gặp chúng tôi. Tôi gợi ý Mike đến ở tại biệt thự và khi nào phòng thu rảnh rỗi, anh ấy và Tom Newman có thể tiến hành thu âm đĩa nhạc của Mike.

“Tôi vẫn cần thuê một số nhạc cụ” – Mike nói với tôi.
“Là gì vậy?” – Tôi lôi cuốn sổ ra và chuẩn bị viết danh sách nhạc cụ.
“Một cây ghi-ta gỗ, một ghi-ta Tây Ban Nha, một đàn organ Farfisa, một ghi-ta bass chuẩn, một bộ chỉnh âm thanh Fender, một đàn chuông, một đàn măng-đô-lin”.
“Cái này là gì vậy?” – Tôi hỏi và khoanh tròn vào từ đàn chuông.
“Thật ra thì đó cũng không phải là nhất thiết phải có” – Mike phân trần. “Một cái phách gõ tam giác, một đàn ghi-ta Gibson… Ồ, và tất nhiên là một vài cái chuông nữa”.
“Chuông loại nào?” – Tôi hỏi. “Loại hình ống”.
Tôi viết chữ “chuông hình ống” và dự định tìm cho đủ các loại nhạc cụ đó trên một tạp chí âm nhạc. Đàn ghi-ta giá 35 bảng, đàn Tây Ban Nha giá 25 bảng, bộ chỉnh âm thanh Fender giá 45 bảng, măng-đô-lin 15 bảng và bộ phách thì rẻ, chỉ 1 bảng. Bộ chuông giá 20 bảng.
“20 bảng cho một bộ chuông?” – Tôi nói. “Chắc cũng đáng giá như vậy”.