Đường Về Nô Lệ

Chương 2: Giấc Mơ Địa Đàng

Chính con người đã biến nhà nước thành địa ngục trần gian khi cố gắng biến nó thành thiên đàng trên cõi thế.
F. Holderlin

Như vậy là chủ nghĩa xã hội đã loại bỏ được chủ nghĩa tự do và trở thành học thuyết được đa số những người tiến bộ ủng hộ. Nhưng chuyện đó xảy ra không phải là vì người ta đã quên những lời cảnh báo của các nhà tư tưởng tự do tiền bối vĩ đại về hậu quả của chủ nghĩa tập thể mà vì người ta đã thuyết phục được dân chúng rằng hậu quả sẽ hoàn toàn ngược lại. Điều kì quặc là chính cái chủ nghĩa xã hội vốn được coi là mối đe dọa nghiêm trọng của tự do và đã xuất hiện công khai như là lực lượng phản động chống lại chủ nghĩa tự do của cách mạng Pháp, lại giành được sự công nhận của những người đứng dưới ngọn cờ tự do. Hiện nay ít người nhớ rằng khởi kì thủy chủ nghĩa xã hội đã là một phong trào độc đoán. Các nhà tư tưởng Pháp, những người đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội, không hề nghi ngờ gì rằng phải có một chính phủ độc tài cứng rắn thì tư tưởng của họ mới có thể trở thành hiện thực được. Đối với họ, chủ nghĩa xã hội có nghĩa là một nỗ lực nhằm “chấm dứt cách mạng vĩnh viễn”, thông qua việc tái cấu trúc xã hội trên cơ sở đẳng cấp và thiết lập một quyền lực “tinh thần” bằng vũ lực. Quan niệm của những người sáng lập chủ nghĩa xã hội về tự do là rất rõ ràng. Họ coi tự do tư tưởng là cội nguồn của tất cả những điều xấu xa trong xã hội thế kỉ XIX. Saint-Simon, ông tổ của những người ủng hộ kế hoạch hóa thời nay, thậm chí còn dự liệu rằng những người không tuân phục các bộ phận lập kế hoạch mà ông ta đề nghị sẽ bị “đối xử như súc vật”.

Chỉ sau khi chịu tác động của những trào lưu dân chủ đầy quyền lực diễn ra trước cuộc cách mạng năm 1848, chủ nghĩa xã hội mới bắt đầu liên kết với các lực lượng yêu chuộng tự do. Nhưng cái “chủ nghĩa xã hội dân chủ” đổi mới này phải mất một thời gian dài mới xua tan được những mối nghi ngờ mà nó đã gây ra trong quá khứ. De Tocqueville, nhà chính trị học vĩ đại, hơn bất kì ai khác đã nhận thức được rằng dân chủ vốn là một thiết chế mang tính cá nhân chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa dân chủ và chủ nghĩa xã hội là mâu thuẫn không thể giải quyết được:

“Dân chủ mở rộng không gian tự do của từng con người”, ông nói như thế vào năm 1848, “trong khi chủ nghĩa xã hội hạn chế tự do. Dân chủ trao cho mỗi người tất cả các giá trị khả dĩ còn chủ nghĩa xã hội lại biến mỗi người thành một kẻ thừa hành, thành một con số tròn trĩnh. Dân chủ và chủ nghĩa xã hội chỉ có một cái chung, đấy là từ: công bằng. Nhưng xin lưu ý sự khác biệt: trong khi dân chủ tìm kiếm sự công bằng trong tự do thì chủ nghĩa xã hội tìm kiếm công bằng trong xiềng xích và nô lệ[1]”.

Nhằm làm dịu bớt những mối ngờ vực và nhằm biến khát vọng tự do, một trong những động lực chính trị mạnh mẽ nhất, thành lực kéo cỗ xe của mình, những người xã hội chủ nghĩa bắt đầu sử dụng lời hứa về một nền “tự do mới” một cách thường xuyên hơn. Sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội được họ giải thích là cú nhảy ngoạn mục từ vương quốc của lo lắng vật chất sang vương quốc của tự do. Họ bảo rằng chủ nghĩa xã hội sẽ đem đến cho con người “tự do kinh tế”, thiếu nó thì tự do chính trị sẽ “chẳng có ý nghĩa gì”. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có khả năng đưa cuộc đấu tranh vì tự do diễn ra trong nhiều thế kỉ đến thắng lợi cuối cùng, trong đó tự do chính trị mới chỉ là bước đầu tiên mà thôi.

Để cho lập luận của mình nghe có vẻ xuôi tai người ta đã khéo léo thay đổi cả ý nghĩa của từ “tự do”. Đối với các thánh tông đồ của nền tự do chính trị thì từ này vốn có nghĩa là tự do khỏi những hành động cưỡng bách, tự do khỏi quyền lực độc đoán của những người khác, là giải thoát khỏi những trói buộc không để cho người ta một tí quyền lựa chọn nào, buộc người ta phải thần phục uy quyền của những kẻ giàu có. Còn nền tự do mới mà người ta hứa hẹn lại là giải phóng khỏi nhu cầu vật chất, giải phóng khỏi những trói buộc của hoàn cảnh, là những thứ nhất định sẽ hạn chế khả năng lựa chọn của mỗi chúng ta, mức độ dĩ nhiên là khác nhau, tùy người. Muốn cho mọi người được tự do thật sự thì phải chiến thắng “sự áp bức của nhu cầu vật chất”, cần phải tháo bớt “gông xiềng của hệ thống kinh tế”.

Tự do, với ý nghĩa như thế, thật ra chỉ là tên gọi khác của quyền lực[2] hoặc tài sản. Song mặc dù lời hứa hẹn về nền tự do mới này thường đi kèm với lời hứa vô trách nhiệm về sự gia tăng chưa từng có của cải vật chất trong chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, nguồn gốc của tự do kinh tế lại không phải là chiến thắng trước sự nghèo nàn của tự nhiên. Trên thực tế lời hứa chỉ có nghĩa là sự chênh lệch quá đáng về khả năng lựa chọn của những con người khác nhau phải được xóa bỏ. Yêu cầu của nền tự do mới thực ra chỉ là tên gọi khác của yêu cầu cũ, tức là yêu cầu phân phối một cách công bằng tài sản. Nhưng tên gọi mới lại tạo điều kiện cho những người xã hội chủ nghĩa sử dụng một từ nữa của chủ nghĩa tự do và tìm mọi cách tận dụng nó. Mặc dù từ này được hai phe sử dụng theo nghĩa hoàn toàn khác nhau, ít người để ý đến chuyện đó, và lại càng có ít người nghi vấn liệu hai loại tự do đó có tương đồng với nhau không.

Lời hứa về một sự tự do rộng lớn hơn, không nghi ngờ gì nữa, đã trở thành một trong những vũ khí mạnh mẽ nhất của bộ máy tuyên truyền xã hội chủ nghĩa và niềm tin rằng chủ nghĩa xã hội sẽ mang lại tự do là niềm tin chân thành và chân thật. Bi kich vì vậy sẽ trở thành nặng nề hơn khi người ta nhận ra rằng Đường đến Tự do mà người ta hứa hẹn, trên thực tế lại là Đại lộ dẫn về Nô lệ. Không nghi ngờ gì rằng chính lời hứa có nhiều tự do hơn đã ngăn cản, không cho người ta nhận ra mâu thuẫn không khoan nhượng giữa các nguyên lí nền tảng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tự do. Chính nó đã làm cho ngày càng có nhiều người theo trường phái tự do chạy sang phe xã hội chủ nghĩa và tạo điều kiện cho những người xã hội chủ nghĩa chiếm đoạt tên gọi của các đảng theo trường phái tự do trước đây. Kết quả là phần lớn giới trí thức đã chấp nhận chủ nghĩa xã hội vì họ coi nó là sự tiếp tục của truyền thống tự do: đối với họ, chủ nghĩa xã hội sẽ dẫn đến việc mất tự do là một ý tưởng không thể nào chấp nhận được.

* * *

Nhưng trong mấy năm gần đây các ý kiến bàn về những hậu quả không thể lường được của chủ nghĩa xã hội, tưởng như đã rơi vào quên lãng từ lâu, lại được gióng lên với một sức mạnh mới và từ những hướng bất ngờ nhất. Các nhà quan sát, hết người này đến người khác, xuất phát từ những xu hướng hoàn toàn trái ngược nhau, đã nhận ra sự tương đồng đến kinh ngạc giữa chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Trong khi những người “tiến bộ” ở Anh và ở một số nơi khác tiếp tục tự lừa mình rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít là những hiện tượng trái ngược nhau thì càng ngày càng có nhiều người tự hỏi rằng phải chăng các chính thể chuyên chế mới nổi đó có cùng cội rễ. Kết luận mà Max Eastman, một người bạn cũ của Lenin, rút ra đã làm cho ngay cả những người cộng sản cũng phải choáng váng. “Chủ nghĩa Stalin”, ông viết, “không những không tốt hơn mà còn xấu hơn cả chủ nghĩa phát xít vì nó tàn nhẫn hơn, dã man hơn, bất công hơn, vô luân và thiếu dân chủ hơn, không thể biện hộ bằng hi vọng hay sám hối”. Rồi ông viết tiếp: “Đúng hơn, phải gọi nó là siêu phát xít” và khi tác giả này công nhận rằng “chủ nghĩa Stalin chính là chủ nghĩa xã hội, theo nghĩa đấy là kết quả tất yếu, dù không thể dự đoán được, của quá trình quốc hữu hóa và tập thể hóa, tức là thành phần của kế hoạch xây dựng xã hội phi giai cấp[3]”, thì kết luận của ông còn có tầm quan trọng hơn nhiều.

Ghi nhận của Eastman là rất đáng chú ý, nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất khi một nhà quan sát vốn có thiện cảm với các cuộc thí nghiệm ở Nga rút ra kết luận tương tự. Mấy năm trước, Chamberlin w., một nhà báo Mĩ từng sống ở Nga suốt mười hai năm, đã chứng kiến sự đổ vỡ tất cả các lí tưởng của mình khi ông tiến hành tổng kết những điều quan sát được và so sánh kinh nghiệm ở Liên Xô với kinh nghiệm ở Đức và Ý: “Chủ nghĩa xã hội, ít nhất là trong những giai đoạn đầu, không phải là con đường dẫn tới tự do mà là tới chế độ độc tài và các phong trào chống lại độc tài, dẫn tới những cuộc nội chiến khốc liệt nhất. Giành và giữ chủ nghĩa xã hội bằng các phương pháp dân chủ, hòa bình dĩ nhiên là điều không tưởng[4]”. Voigt F.A., một nhà báo người Anh, sau khi quan sát các sự kiện ở châu Âu, cũng rút ra kết luận tương tự như thế: “Chủ nghĩa Marx đã dẫn đến chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa xã hội quốc gia vì về bản chất nó chính là chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa xã hội quốc gia[5]”. Còn Walter Lippmann thì tin rằng: “Thế hệ chúng ta, bằng chính kinh nghiệm của mình, sẽ nhận ra rằng từ bỏ tự do nhân danh tổ chức cưỡng bức sẽ đưa người ta đến đâu. Tưởng rằng sẽ được giàu sang, ai ngờ trên thực tế người ta lại trở thành nghèo túng. Còn khi lãnh đạo có tổ chức được tăng cường thì cũng là lúc đa dạng phải nhường chỗ cho đơn điệu. Đấy là cái giá phải trả cho xã hội được lập kế hoạch và cách tổ chức công việc của con người theo lối độc tài[6]

Có thể tìm thấy vô số những điều khẳng định tương tự trong các tác phẩm được công bố mấy năm gần đây, đặc biệt là của những người vốn là công dân của các nước đã bước chân lên con đường phát triển toàn trị, những người từng trải qua giai đoạn chuyển đổi và buộc phải xem xét lại quan điểm của mình là có sức thuyết phục hơn cả. Xin dẫn ra ở đây một lời phát biểu nữa, của một người Đức, có thể cũng nói ý tương tự, nhưng thể hiện rõ hơn bản chất của vấn đề.

“Niềm tin vào tính khả thi của tự do và công bằng theo lí luận của Marx đã hoàn toàn đổ vỡ”, Peter Drucker viết, “đấy chính là lí do thúc đẩy nước Nga bước lên con đường dẫn tới xã hội toàn trị, đầy cấm đoán, phi kinh tế, thiếu tự do và đầy bất công mà nước Đức đã theo. Không, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít không phải là những thực thể giống nhau. Chủ nghĩa phát xít là giai đoạn tiếp theo, sau khi chủ nghĩa cộng sản đã chứng tỏ rằng đấy chỉ là một ảo tưởng, như đã từng xảy ra ở Nga dưới thời Stalin cũng như ở Đức trước khi Hitler cướp được chính quyền[7]”.

Sự chuyển hóa về mặt trí tuệ của các lãnh tụ quốc xã và phát xít cũng có ý nghĩa không kém. Những người theo dõi quá trình phát triển của các phong trào này ở Ý[8] hay ở Đức, không thể không ngạc nhiên khi thấy rất nhiều lãnh tụ, từ Mussolini trở xuống (kể cả Laval và Quisling), đã khởi đầu như những người xã hội chủ nghĩa để cuối cùng trở thành những tên phát xít hay quốc xã. Và điều gì đúng đối với các lãnh tụ thì còn đúng hơn đối với các đảng viên bình thường của phong trào nữa. Nhiều người ở Đức, nhất là những cán bộ tuyên truyền của cả hai đảng, đều biết việc những người cộng sản trẻ tuổi dễ dàng chạy sang đảng quốc xã hoặc ngược lại. Giáo viên trong các trường đại học ở Anh và Mỹ còn nhớ hiện tượng là trong những năm 1930, nhiều sinh viên trở về từ châu Âu, không rõ là cộng sản hay phát xít, nhưng chắc chắn đấy là những người có thái độ thù địch với nền văn minh tự do phương Tây.

Không có gì ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh, ở Đức trước năm 1933 và ở Ý trước năm 1922, cộng sản và quốc xã hay phát xít thường xuyên xung đột với nhau hơn là xung đột với các đảng phái khác. Đấy là vì họ cạnh tranh với nhau trong việc thu phục những người có cùng não trạng và căm thù nhau vì đảng này coi đảng kia là những kẻ dị giáo, nhưng hành động của họ lại chứng tỏ rằng đấy là những kẻ đồng hội đồng thuyền. Kẻ thù thực sự của cả hai đảng, người chẳng có gì chung với họ, người mà họ chẳng thể nào thuyết phục được lại chính là người theo chủ nghĩa tự do kiểu cũ. Trong khi quốc xã coi cộng sản, cộng sản coi quốc xã và cả hai đều coi những người xã hội chủ nghĩa là đội hậu bị tiềm năng của mình thì họ lại nhận thức rõ rằng sẽ không bao giờ có chuyện thỏa hiệp giữa họ và những người thực sự tin tưởng vào quyền tự do cá nhân.

Để cho các độc giả, những người đã bị bộ máy tuyên truyền của một trong hai phía làm cho rối trí, không còn chút nghi ngờ nào, tôi xin được phép trích dẫn một tác phẩm có uy tín nữa. Giáo sư Eduard Heimann, một trong các lãnh tụ của phong trào xã hội chủ nghĩa mang màu sắc tôn giáo ở Đức, trong bài báo với tựa đề tuyệt vời là Tái phát hiện chủ nghĩa tự do đã viết như sau: “Chủ nghĩa Hitler tự tuyên bố là học thuyết dân chủ và chủ nghĩa xã hội đích thực, và sự thật kinh khủng nhất là có một phần, một phần rất nhỏ sự thật trong lời tuyên bố đó, song thế là đủ để có thể tạo ra đủ các phiên bản hoang tưởng rồi. Chủ nghĩa Hitler còn đi xa hơn khi tuyên bố là người bảo vệ Thiên Chúa giáo, và sự thật kinh hoàng là ngay cả sự diễn giải sai lầm thô bạo như thế vẫn tạo ấn tượng đối với một số người. Giữa sự mù mờ và tráo trở đó vẫn có một điều chắc chắn: không bao giờ Hitler tuyên bố là người ủng hộ chủ nghĩa tự do chân chính cả. Nghĩa là chủ nghĩa tự do có vinh dự là học thuyết bị Hitler căm ghét nhất[9]”. cần nói thêm rằng Hitler không có điều kiện thể hiện lòng căm thù của mình vì khi hắn lên cầm quyền thì chủ nghĩa tự do ở Đức hầu như đã chết hẳn rồi. Chính chủ nghĩa xã hội đã giết nó.

* * *

Đối với những người có điều kiện quan sát sự chuyển hóa từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa phát xít ở khoảng cách tương đối gần thì mối liên hệ của hai học thuyết này càng đặc biệt rõ, chỉ có ở những nước dân chủ thì mới có nhiều người tiếp tục nghĩ rằng chủ nghĩa xã hội có thể kết hợp được với tự do mà thôi. Không nghi ngờ gì rằng các đảng viên xã hội chủ nghĩa ở đây vẫn gắn bó với lí tưởng tự do và sẵn sàng đoạn tuyệt với các quan điểm của mình nếu họ nhận ra rằng hiện thực hóa cương lĩnh của họ đồng nghĩa với việc tiêu diệt tự do. Nhưng vấn đề này hiện vẫn được nhận thức một cách rất hời hợt, nhiều lí tưởng không thể dung hòa vẫn dễ dàng song song tồn tại, và chúng ta vẫn thường nghe thấy người ta thảo luận những khái niệm mâu thuẫn, thí dụ như “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc cá nhân chủ nghĩa”. Nếu đấy là tình trạng trí tuệ sẽ lèo lái tương lai của chúng ta thì nghiên cứu một cách nghiêm túc quá trình phát triển đã diễn ra ở các nước khác phải là nhiệm vụ cấp bách nhất. Cho dù kết luận của chúng ta chỉ là sự khẳng định những nhận thức mà người khác đã nói rồi thì để tin chắc rằng các sự kiện đó không phải là ngẫu nhiên cũng cần phân tích toàn diện những khía cạnh chính yếu của quá trình chuyển biến này trong đời sống xã hội. Khi tất cả các mối liên hệ của các khía cạnh chưa được làm rõ thì nhiều người sẽ vẫn không tin rằng chủ nghĩa xã hội dân chủ là một giấc mơ địa đàng (utopia) vĩ đại của mấy thế hệ gần đây, nó không chỉ là bất khả thi, mà cố gắng nhằm hiện thực hóa nó nhất định sẽ dẫn đến những kết quả tồi tệ khác hẳn và hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với những người hôm nay đang ủng hộ nó.


Chú thích:

[1] Discours prononce a assemblee constituante le 12 Septembre 1848 sur la question đu droìt au travail, Oeuvres completes if Alcxis de Tocqueville, vol. IX, 1866. p. 546.

[2] Sự lẫn lộn đặc trưng giữa tự do và quyền lực mà chúng ta sẽ còn nói tới nhiều lần, là một đề tài rất phức tạp, không thể thảo luận một cách kĩ lưỡng ở đây. Sự lẫn lộn này cũng lâu đời như chủ nghĩa xã hội và có liên hệ mật thiết với nó, đến mức cách đây bảy mươi năm một nhà nghiên cứu người Pháp, khi nghiên cứu các tác phẩm của Saint-Simon đã phải nói rằng lí thuyết tự do kiểu đó “tự nó đã chứa đựng toàn bộ chủ nghĩa xã hội rồi” (Janet p. Saint-Simon và Saint-Simonisme, 1878. p. 26, ghi chú.) Đáng chú ý là người bảo vệ công khai nhất cho sự lẫn lộn ấy lại là ông John Dewey, một triết gia tả khuynh nổi tiếng của Mỹ. “Tự do”, John Dewey viết, “là quyền lực thực sự nhằm thực hiện những việc nhất định”. Vì vậy “đòi hỏi tự do chính là đòi hỏi quyền lực” (“Liberty and Social Control”. — Socin/ ĩrontier. November. 1935. trang 41).

[3] Eastman M., Stalin’s Russia and the Crisis of Socialism (Nước Nga của Stalin và sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội), 1940. trang 82.

[4] Chamberlin W.H., A ĩalse utopiíi (Địa đàng lầm lạc), 1937. trang 202—203.

[5] Voigt F.A. Unto Caesar (Trở lại với Caesar), 1939. trang 95.

[6] Atlantic Mouthly. November. 1936. trang 552.

[7] The End of Economic Man (Sự cáo chung của con người kinh tế) (1939) trang 230.

[8] Có thể thấy bức tranh rõ ràng về sự chuyển hóa tư tưởng của các lãnh tụ phát xít trong tác phẩm của Míchels R. (khởi kì thủy là một người marxit rồi trở thành phát xít) (Michels R, Sozialismus und Faszismus. Munich, 1925. Vol. II. trang 264-266; 311-312).

[9] Social Research. Vol. VIII. N 4, November 1941. Liên quan đến chuyện này, có thể nhắc lại rằng trong một bài phát biểu vào tháng 2 năm 1941 Hitler thấy cần phải tuyên bố rằng “về bản chất chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa Marx chỉ là một” (xem The Buiietin of International News. XVIII, N 5, 269, - do Royal Institute of International Affairs xuất bản).