Đường Về Nô Lệ

Chương 5: Kế Hoạch Hóa Và Dân Chủ

Một quan chức có ý định điều khiển người dân cách thức sử dụng đồng vốn của họ không những đã lôi kéo về phía mình sự chú ý không cần thiết, mà còn tạo ra một uy quyền khiến cho quốc hội hay nghị viện trở nên không còn tin cậy được nữa, và tình thế sẽ trở nên cực kì nguy hiểm nếu quyền lực đó nằm trong tay của một kẻ điên rồ và ngạo mạn đến mức tự coi mình xứng đáng thực hiện cái quyền lực đó.

Adam Smith

Đặc điểm chủ yếu của tất cả các hệ thống tập thể, nói theo ngôn ngữ của những người xã hội chủ nghĩa thuộc tất cả các trường phái, là việc tổ chức một cách có chủ ý tất cả các lực lượng sản xuất của xã hội nhằm thực hiện một nhiệm vụ xã hội cụ thể nào đó. Những người xã hội chủ nghĩa phê phán xã hội chúng ta chủ yếu ở điểm: lực lượng sản xuất xã hội không được định hướng một cách “có chủ ý” đến một mục tiêu duy nhất mà để cho tâm trạng thất thường và đỏng đảnh của các cá nhân thiếu trách nhiệm chi phối.

Nói như thế nghĩa là chúng ta đã xác định vấn đề một cách rõ ràng và không úp mở gì nữa. Đồng thời chúng ta cũng xác định được điểm xung đột giữa tự do cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Các loại chủ nghĩa tập thể khác nhau như chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít v.v… chỉ khác nhau ở việc xác định bản chất của cái mục đích duy nhất mà toàn bộ nỗ lực của xã hội phải hướng tới mà thôi. Nhưng tất cả các loại chủ nghĩa tập thể đó đều khác với chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân ở chỗ chúng cố gắng tổ chức toàn bộ xã hội, tổ chức tất cả nhân tài vật lực của nó nhằm thực hiện một mục đích cuối cùng duy nhất, không chấp nhận cho cá nhân quyền tự chủ để đạt được các mục đích riêng lẻ trong bất kì lĩnh vực nào. Nói tóm lại, đấy là chủ nghĩa toàn trị theo đúng nghĩa của từ mới mà chúng ta sử dụng để miêu tả những biểu hiện bất ngờ nhưng nhất định sẽ xảy ra của cái lí thuyết mà chúng ta gọi là chủ nghĩa tập thể.

“Các mục tiêu xã hội”, “các mục đích chung” xác định xu hướng xây dựng xã hội được gọi một cách mù mờ là “lợi ích chung”, “phúc lợi chung”, “quyền lợi chung”. Dễ dàng nhận ra rằng tất cả các khái niệm đó không có một ý nghĩa rõ ràng để có thể thực hiện những hành động cụ thể nào. Phúc lợi hay hạnh phúc của hàng triệu người không thể được đo bằng một thang giá trị duy nhất. Phúc lợi của một dân tộc cũng như hạnh phúc của một con người phụ thuộc vào hàng loạt sự vật, đến lượt chúng, những sự vật này lại nằm trong muôn vàn sự kết hợp khác nhau. Không thể coi đấy là mục tiêu duy nhất, chỉ có thể coi đấy là một hệ thống thứ bậc các mục tiêu, bao trùm toàn bộ các loại giá trị, trong đó nhu cầu của mỗi cá nhân đều có chỗ đứng của nó. Việc đưa toàn bộ hoạt động của chúng ta vào một kế hoạch duy nhất ngầm định rằng chúng ta buộc phải sắp xếp từng nhu cầu của chúng ta theo thứ tự và đưa chúng vào hệ thống các giá trị, một hệ thống toàn diện đến mức trở thành cơ sở để cho cơ quan lập kế hoạch có thể tiến hành lựa chọn. Điều đó cũng ngầm định rằng phải có một bộ quy tắc đạo đức hoàn chỉnh, trong đó tất cả các giá trị nhân bản khác nhau đều được chỉ rõ và đặt vào đúng nơi đúng chỗ.

Chúng ta chưa có khái niệm gì về bộ quy tắc đạo đức hoàn chỉnh này, để có thể hiểu được nội dung của nó cần phải huy động trí tưởng tượng. Chúng ta không có thói quen đánh giá các bộ quy tắc đạo đức là đầy đủ hay chưa. Trong cuộc sống chúng ta thường xuyên và đã quen lựa chọn các giá trị khác nhau mà không cần có một bộ quy tắc đạo đức nào chỉ dẫn cho chúng ta tiêu chuẩn lựa chọn cả; chúng ta cũng không bao giờ suy nghĩ rằng bộ quy tắc đạo đức của chúng ta chưa đầy đủ. Trong xã hội chúng ta, không có lí do, cũng không có hoàn cảnh nào buộc người ta phải đưa ra một quan niệm chung về việc phải làm gì trong những tình huống lựa chọn như vậy. Nhưng khi tất cả các phương tiện là sở hữu của toàn xã hội và được sử dụng nhân danh xã hội theo một kế hoạch duy nhất thì quan điểm “xã hội” về việc nên làm gì và không nên làm gì nhất định sẽ giữ vai trò định hướng việc đưa ra mọi quyết định. Trong thế giới như thế chúng ta sẽ phát hiện được ngay là bộ quy tắc đạo đức của chúng ta còn tồn tại rất nhiều khiếm khuyết.

Ở đây chúng ta không quan tâm đến việc là bộ quy tắc đạo đức hoàn chỉnh như thế là đáng mong ước hay không. Chỉ xin nói rằng cho đến hôm nay việc phát triển của nền văn minh luôn luôn đi kèm với việc giảm thiểu những lĩnh vực hoạt động trong đó hành động của các cá nhân bị trói buộc bởi các quy tắc cố định. Số lượng các điều khoản của bộ quy tắc đạo đức ngày một giảm dần, còn nội dung của chúng thì ngày càng có tính tổng quát hơn. Từ những thủ tục cực kì phức tạp và không biết bao nhiêu điều cấm đoán trói buộc và hạn chế các hoạt động hằng ngày của người tiền sử, từ việc không được nghĩ rằng có thể làm một cái gì đó khác với đồng loại, chúng ta đã tiến đến những hệ thống đạo đức cho phép cá nhân ứng xử theo ý mình. Chấp nhận một bộ quy tắc đạo đức tổng quát, hoàn chỉnh tương ứng về mặt quy mô với một kế hoạch kinh tế duy nhất là chúng ta đã đi ngược lại hoàn toàn xu hướng nói trên.

Cần phải nói rằng chưa có bộ quy tắc đạo đức hoàn chỉnh nào như vậy cả. Nỗ lực ép toàn bộ hoạt động kinh tế của xã hội theo một kế hoạch duy nhất sẽ làm nảy sinh rất nhiều vấn đề, mà câu trả lời lại chỉ có thể tìm trong lĩnh vực đạo đức, nhưng các hệ thống đạo đức hiện hành không thể đưa ra câu trả lời và ngay cả ở nơi có một hệ thống đạo đức hiện diện người ta vẫn không nhất trí với nhau được về những điều nhất định phải làm. Các ý kiến đưa ra về giải pháp cho các vấn đề nảy sinh thường rời rạc và đầy mâu thuẫn vì trong xã hội tự do mà chúng ta đang sống, chúng ta không có cơ hội suy nghĩ và càng ít cơ hội thiết lập ý kiến thống nhất về các vấn đề như thế.

* * *

Tóm lại, chúng ta không có một thang giá trị bao trùm lên tất cả; hơn thế nữa không có một bộ óc nào có thể bao quát hết được các nhu cầu phức tạp của con người, những nhu cầu luôn phải cạnh tranh với nhau vì khả năng đáp ứng là có hạn, cũng không thể xác định được vị trí của mỗi nhu cầu trên cái thang giá trị chung kia. Đối với chúng ta thì việc một người chỉ cố gắng đáp ứng nhu cầu cá nhân của anh ta hay đang đấu tranh vì hạnh phúc của người thân hay hạnh phúc của những người xa lạ không phải là vấn đề quan trọng, nghĩa là chúng ta không cần biết anh ta là người nhân ái hay ích kỉ. Nhưng việc một người không thể bao quát được những vấn đề rộng lớn hơn lĩnh vực hoạt động vừa sức với anh ta, không thể quan tâm cùng một lúc đến rất nhiều nhu cầu, là vấn đề quan trọng trong cuộc thảo luận của chúng ta. Bất kể mối quan tâm của một người chỉ giới hạn ở việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất của anh ta, hay anh ta sẽ tích cực hoạt động vì phúc lợi của tất cả mọi người mà anh ta biết thì những mục tiêu thu hút toàn bộ tâm trí anh ta cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong cái biển nhu cầu của tất cả mọi người.

Đấy chính là nền tảng của triết học cá nhân chủ nghĩa. Nó không cho rằng - như người ta vẫn thường nhận xét về nó - con người là ích kỉ hay vị kỉ hoặc phải như thế nào đó. Nó xuất phát từ sự kiện không thể chối cãi được là khả năng tưởng tượng của con người dĩ nhiên là có giới hạn vì thế thang giá trị của mỗi người chỉ bao quát một phần bé tí trong muôn vàn nhu cầu của xã hội và vì, nói chung thang giá trị đó chỉ tồn tại trong nhận thức của từng người cho nên nó chỉ là một phần của những thang giá trị hiện có; thang giá trị của những cá nhân khác nhau là khác nhau và thường không tương thích với nhau. Từ đó, người theo chủ nghĩa cá nhân rút ra kết luận rằng từng cá nhân phải được phép, trong những khung giới hạn nhất định, theo đuổi các giá trị và sở thích riêng của mình chứ không phải là sở thích của người khác, và trong cái khung giới hạn đó, hệ thống các mục tiêu của cá nhân là tối thượng và người khác không có quyền can thiệp. Việc công nhận cá nhân có toàn quyền định đoạt các mục tiêu của mình và niềm tin rằng trong những hoàn cảnh cho phép các quan niệm của cá nhân sẽ điều khiển các hoạt động của anh ta, chính là điểm cốt tủy của lập trường cá nhân chủ nghĩa.

Dĩ nhiên là quan điểm đó không bác bỏ một số mục tiêu mang tính xã hội hay nói chính xác hơn là các cá nhân có một số nhu cầu giống nhau, buộc họ phải phối hợp nỗ lực để đạt mục tiêu chung. Nhưng quan điểm này chỉ giới hạn hoạt động mang tính tập thể như thế trong các trường hợp khi mà quan niệm của các cá nhân trùng hợp với nhau; cái mà chúng ta gọi là “mục tiêu mang tính xã hội” đơn giản chỉ là mục tiêu giống nhau của một số người, hay nói cách khác đấy là mục tiêu mà họ cùng phấn đấu mà nếu đạt được thì nhu cầu của từng người đều sẽ được đáp ứng. Như vậy nghĩa là hoạt động tập thể chỉ giới hạn trong lĩnh vực hoạt động cho những mục đích chung cụ thể này mà thôi. Thường thường mục tiêu chung này lại không phải là những mục tiêu tối thượng của các cá nhân mà là phương tiện để cho các cá nhân khác nhau sử dụng cho các mục tiêu khác nhau của họ. Trên thực tế, người ta dễ thỏa thuận những hành động chung khi mục tiêu chung không phải là mục tiêu tối thượng của họ mà chỉ là phương tiện để đạt được những mục đích vô cùng khác nhau.

Khi các cá nhân phối hợp các nỗ lực cho mục tiêu chung thì các tổ chức mà họ thiết lập nên, thí dụ như nhà nước, sẽ có hệ thống các mục đích và phương tiện của chính mình. Khi đó mỗi tổ chức được lập ra sẽ trở thành một “nhân vật” giữa hàng loạt nhân vật khác, nhà nước là “nhân vật” mạnh nhất trong số đó; mỗi tổ chức như thế đều được phân cho và giới hạn hoạt động trong một lĩnh vực, nhiệm vụ và mục đích của mỗi tổ chức chỉ được coi là tối thượng trong địa hạt được phân công mà thôi. Việc xác lập các giới hạn trong từng lĩnh vực phụ thuộc vào việc khi thảo luận các mục đích cụ thể người ta đã đạt được sự đồng thuận đến mức nào; và đương nhiên là lĩnh vực hoạt động càng rộng thì khả năng đạt được đồng thuận sẽ càng thấp. Một số chức năng của nhà nước luôn luôn nhận được sự ủng hộ của toàn dân; một số khác được đa số ủng hộ v.v..., lại có những lĩnh vực mà mỗi người một quan điểm, tức là có bao nhiêu người thì có từng ấy quan niệm về cách hành xử của chính phủ.

Chúng ta có thể dựa vào sự thỏa thuận tự nguyện làm kim chỉ nam cho hoạt động của nhà nước khi và chỉ khi nó được giới hạn trong những lĩnh vực có sự hiện diện của sự thỏa thuận như thế. Nhưng điều này không có nghĩa là nhà nước đàn áp tự do cá nhân chỉ trong phạm vi nó thực hiện việc kiểm soát trực tiếp các lĩnh vực chưa có sự đồng thuận xã hội. Đáng tiếc là không thể mở rộng mãi phạm vi hoạt động công cộng mà không xâm phạm đến lĩnh vực tự do cá nhân. Chỉ cần nhà nước kiểm soát các phương tiện trong một lĩnh vực công cộng vượt quá một tỉ lệ nào đó so với toàn thể thì kết quả sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống. Dù rằng nhà nước trực tiếp quản lí một phần, phần lớn hơn, các nguồn lực thì hậu quả của các quyết định của nhà nước đối với phần còn lại của nền kinh tế sẽ lớn đến mức phải coi là nó đã gián tiếp quản lí tất cả. Thí dụ, đúng là năm 1928 ở Đức chính quyền trung ương và địa phương đã trực tiếp kiểm soát hơn một nửa thu nhập quốc dân (theo số liệu chính thức lúc đó là 53%) nhưng nó đã gián tiếp kiểm soát tất cả đời sống kinh tế quốc gia. Trong hoàn cảnh đó, nếu không có sự trợ giúp của nhà nước thì không thể thực hiện được bất cứ mục đích cá nhân nào, và cái “thang giá trị mang tính xã hội” có trách nhiệm định hướng và điều chỉnh hoạt động của nhà nước sẽ phải “ôm” gần như tất cả các nhu cầu của tất cả mọi người trên thực tế.

* * *

Không khó tưởng tượng ra những hậu quả khi nền dân chủ bợ đỡ công cuộc kế hoạch hóa vốn đòi hỏi một sự đồng thuận lớn hơn hiện nay trong quá trình thực hiện. Dân chúng có thể chấp nhận áp dụng hệ thống kinh tế chỉ huy vì họ bị thuyết phục rằng nó sẽ dẫn đến phồn vinh hơn. Trong các cuộc thảo luận trước khi áp dụng các biện pháp như thế, mục đích của kế hoạch hóa sẽ được diễn tả bằng một từ rất mù mờ là “vì phúc lợi chung” và người ta sẽ dùng từ này để che đậy sự thiếu đồng thuận về các mục tiêu kế hoạch hóa trên thực tế. Nhưng như thế nghĩa là người ta mới đồng ý với nhau về việc sử dụng cơ chế để đạt được mục tiêu chung mà thôi. Còn để đạt được mục tiêu chung thì vấn đề nội dung hoạt động lại chỉ xuất hiện sau khi cơ quan hành pháp chuyển các yêu cầu của một kế hoạch duy nhất thành kế hoạch cụ thể. Lúc đó mới thấy rằng thỏa thuận về mong muốn áp dụng kế hoạch hóa không được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận về các mục tiêu mà kế hoạch phải đạt. Nhưng việc đồng ý là cần phải kế hoạch hóa nền kinh tế mà không có thỏa thuận về các mục đích thì có khác gì một nhóm người thỏa thuận đi với nhau mà chưa thỏa thuận là họ muốn đi đâu: kết quả có thể là tất cả đều phải tham gia vào một chuyến đi mà đa số hoàn toàn không muốn chút nào. Kế hoạch hóa có đặc điểm là nó tạo ra tình thế trong đó chúng ta buộc phải đạt được thỏa thuận về rất nhiều vấn đề, hơn mức trước đây ta vẫn thường làm, và trong hệ thống kế hoạch hóa chúng ta không thể chỉ hạn chế hành động tập thể trong những lĩnh vực đã đạt được đồng thuận mà phải tìm và đạt đồng thuận trong mọi vấn đề, nếu không thì toàn bộ hoạt động sẽ bị ngưng trệ.

Dân chúng có thể nhất trí đòi quốc hội phải chuẩn bị một kế hoạch kinh tế toàn diện, nhưng cả dân chúng lẫn những người đại diện cho họ lại chẳng cần có khả năng thỏa thuận về bất kì kế hoạch cụ thể nào. Việc các cơ quan đại diện không thể thực hiện được ý muốn thực sự của cử tri nhất định sẽ làm cho dân chúng bất bình về các thiết chế dân chủ. Quốc hội bị coi là “chỗ tán dóc” vô tích sự, vì không có sức mạnh hay không có khả năng hoặc không có kiến thức để hoàn thành chức năng được giao phó của mình. Càng ngày dân chúng càng tin rằng muốn có một hệ thống kế hoạch hóa hữu hiệu thì phải “tước quyền lực” của các chính khách và giao nó vào tay các chuyên viên, tức là các quan chức chuyên nghiệp hay các nhóm độc lập.

Thế là xuất hiện cái khó khăn mà tất cả những người xã hội chủ nghĩa đều biết. Gần nửa thế kỉ trước, ông bà Webb đã phàn nàn về “sự bất lực ngày càng gia tăng của Viện dân biểu trước các nhiệm vụ của nó[1]”. Gần đây giáo sư Laski còn nói một cách rõ ràng hơn:

“Tất cả mọi người đều biết rằng bộ máy của Quốc hội hiện nay hoàn toàn không đủ sức thông qua một cách nhanh chóng một số lượng lớn dự luật. Trên thực tế Chính phủ đã phải thừa nhận điều đó bằng cách đem ra thực hiện một loạt biện pháp trong lĩnh vực kinh tế và thuế khoá thông qua sử dụng hệ thống ủy thác lập pháp cả gói chứ không phải bằng cách thảo luận một cách kĩ lưỡng ở Viện dân biểu. Chính phủ Công đảng, như tôi dự đoán, sẽ áp dụng thủ tục này một cách rộng rãi hơn. Chính phủ đó sẽ giới hạn hoạt động của Viện dân biểu vào hai chức năng mà Viện này có thể thực hiện được: xem xét các kiến nghị và thảo luận các nguyên tắc chung làm căn cứ cho các biện pháp tương ứng. Các dự luật sẽ chỉ còn là các khung pháp luật chung chung, ủy quyền rộng rãi cho các bộ và các cơ quan của chính phủ, các quyền hành này sẽ được thực hiện bằng các nghị định của Hội đồng Chính phủ và không cần thảo luận tại Quốc hội; Viện dân biểu, nếu muốn, có thể phản đối bằng cách đặt vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ. Nhu cầu và lợi ích của việc ủy quyền lập pháp gần đây đã được Ủy ban Donoughmore khẳng định; việc mở rộng cách làm như thế là tất yếu, nếu chúng ta không muốn làm hỏng quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa bằng những chướng ngại và trở lực mà các thủ tục nghị trường hiện tại cho phép”.

Và để khẳng định một cách rõ ràng quan điểm rằng chính phủ xã hội chủ nghĩa sẽ không để các thủ tục pháp lí trói buộc, giáo sư Laski đặt câu hỏi sau đây: “Trong giai đoạn quá độ sang chủ nghĩa xã hội, chính phủ Công đảng có thể bỏ mặc cho những cuộc bầu cử tiếp theo xóa bỏ tất cả những việc họ đã làm hay không?” - và ông đã bỏ lửng, không trả lời một cách đầy ý nghĩa[2].

Điều quan trọng là phải đánh giá đúng các nguyên nhân làm cho hoạt động của nghị viện thành ra không có hiệu quả khi nó trực tiếp quản lí một cách chi tiết nền kinh tế quốc gia. Từng vị đại biểu cũng như cả quốc hội đều không có lỗi - chính nhiệm vụ mà họ được giao đã chứa đựng mâu thuẫn nội tại, không thể giải quyết được. Nhiệm vụ của họ không phải là hành động ở trong những lĩnh vực mà họ có thể đạt được đồng thuận mà là tìm đồng thuận về mọi vấn đề, là lãnh đạo toàn diện mọi nguồn lực quốc gia. Nhưng nhiệm vụ này không thể giải quyết được bằng biểu quyết lấy đa số. Nếu chỉ có một vài phương án để lựa chọn thì đa số có thể đưa ra giải pháp đúng; nhưng sẽ sai lầm khi nghĩ rằng vấn đề nào cũng phải giải quyết bằng cách bỏ phiếu. Nếu có rất nhiều đường lối hành động tích cực thì khó tin là đa số sẽ ủng hộ một trong các đường lối đó. Mỗi thành viên của cơ quan lập pháp có thể thích một kế hoạch quản lí kinh tế cụ thể nào đó hơn là không có kế hoạch nhưng đa số có thể thích thà không có kế hoạch nào còn hơn là mấy kế hoạch mà người ta đưa cho họ biểu quyết.

Mặt khác, chia kế hoạch thành từng phần và bỏ phiếu theo từng mục thì không thể nào lập được một kế hoạch chặt chẽ. Quốc hội dân chủ bỏ phiếu và sửa đổi từng điều khoản của kế hoạch kinh tế như thảo luận một bộ luật bình thường là việc làm vô nghĩa. Kế hoạch kinh tế, muốn xứng với tên gọi của nó, phải xuất phát từ một quan điểm nhất quán. Nếu quốc hội, bằng cách bỏ phiếu theo từng điều khoản, có đưa ra được một đề cương nào đó thì nó cũng chẳng làm ai hài lòng. Bằng cách thỏa hiệp các quan điểm trái ngược không thể nào tạo ra được một tổng thể phức tạp mà từng phần của nó phải được gắn một cách thật cẩn thận vào với nhau. Lập kế hoạch kinh tế kiểu đó còn khó hơn việc chuẩn bị một chiến dịch quân sự bằng các thủ tục dân chủ. Cũng như trong việc soạn thảo chiến lược quân sự, nhất định việc lập kế hoạch cũng phải được giao cho các chuyên gia.

Khác nhau là ở chỗ viên tướng chỉ huy chiến dịch chỉ có mỗi một mục tiêu và để đạt mục tiêu đó ông ta có thể sử dụng toàn bộ phương tiện mà ông ta có trong tay. Người lập kế hoạch kinh tế không có một mục tiêu duy nhất như thế, cũng không được giao cho một số lượng giới hạn nhất định nào về phương tiện cả. Viên tướng không phải đánh giá và cân nhắc giữa các mục tiêu đối chọi nhau, ông ta chỉ theo đuổi một mục tiêu tối cao duy nhất. Nhưng chúng ta lại không thể đánh giá các mục tiêu của kế hoạch cũng như mỗi thành phần của nó một cách tách rời khỏi kế hoạch tổng thể. Bản chất của việc lập kế hoạch kinh tế là lựa chọn giữa các nhu cầu khác nhau của những người khác nhau, tức là lựa chọn giữa các mục tiêu mâu thuẫn, thậm chí đối chọi nhau. Nhưng mục tiêu nào mâu thuẫn với nhiệm vụ nào, phải hi sinh mục tiêu nào, tóm lại, ta có những giải pháp nào để lựa chọn, thì chỉ có những người biết tuốt mới có thể nói được mà thôi; nghĩa là cuối cùng chỉ có các chuyên gia mới có quyền quyết định nên ưu tiên các mục tiêu nào. Vì vậy khi lập kế hoạch phát triển cho xã hội nhất định họ sẽ áp đặt cho xã hội thang giá trị riêng của mình.

Vấn đề này không phải lúc nào cũng được nhận thức một cách rõ ràng và người ta thường lấy lí do tính chất kĩ thuật để biện hộ cho việc ủy nhiệm. Nhưng như thế không có nghĩa là người ta chỉ ủy thác việc làm rõ các chi tiết kĩ thuật hay gốc rễ của khó khăn do quốc hội không có khả năng hiểu các chi tiết kĩ thuật[3].

Sửa đổi đạo luật dân sự cũng là một việc mang tính kĩ thuật và cũng đầy trách nhiệm vì nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhưng không thấy ai đề nghị ủy quyền lập pháp cho các hội đồng chuyên gia cả. Lí do ở đây có thể là hoạt động lập pháp trong lĩnh vực này không vượt ra ngoài các quy tắc chung, có thể đạt được thỏa thuận của đa số; trong khi trong lĩnh vực quản lí kinh tế các lợi ích cần phải điều hòa khác nhau đến nỗi tìm kiếm sự đồng thuận bằng con đường dân chủ là bất khả thi.

Cần phải công nhận rằng bất bình chủ yếu không phải là do sự ủy quyền trong lĩnh vực lập pháp. Chống lại chuyện này thì có khác gì chống lại một triệu chứng bệnh tật, do những nguyên nhân khác nhau gây ra và bỏ qua chính cái nguyên nhân gây bệnh đó. Khi người ta chỉ ủy quyền xác định các quy tắc chung thì không ai phản đối cả; nhưng dễ hiểu là các chính quyền địa phương xác định các quy tắc này thì sẽ tốt hơn là chính quyền trung ương. Việc phản đối chỉ xảy ra khi không thể xem xét vấn đề trong khuôn khổ các quy tắc chung, khi phải xem xét vấn đề một cách tỉ mỉ và phải đưa ra quyết định cho từng trường hợp cá biệt. Trong những trường hợp như thế, ủy quyền có nghĩa là một cấp nào đó sẽ có toàn quyền sử dụng sức mạnh của pháp luật để đưa ra những quyết định độc đoán (thường được gọi là “phán xử vụ việc theo bản chất của nó”).

Việc chuyển giao một số nhiệm vụ mang tính chuyên môn hẹp cho các cơ quan chuyên trách là hiện tượng thường xảy ra nhưng cũng là bước đầu tiên dẫn một nền dân chủ, phục vụ kế hoạch hóa tiến dần đến việc từ bỏ các quyền lực của mình. Nó cũng không loại bỏ được các nguyên nhân làm cho những người ủng hộ kế hoạch hóa toàn diện sốt ruột khi chứng kiến sự bất lực của nền dân chủ. Việc giao những quyền lực cụ thể cho các cơ quan riêng biệt tạo ra những trở ngại mới cho việc soạn thảo một kế hoạch có phối hợp thống nhất. Ngay cả nếu nền dân chủ có thể lập được kế hoạch cho từng khu vực kinh tế bằng cách đó thì cũng sẽ xuất hiện ngay lập tức nhiệm vụ kết hợp các kế hoạch riêng biệt đó vào một kế hoạch duy nhất. Nhiều kế hoạch riêng biệt không thể tạo ra một kế hoạch tổng thể; lúc đó chính các nhà lập kế hoạch sẽ là những người đầu tiên buộc phải công nhận rằng thà hoàn toàn không có kế hoạch nào lại hơn. Nhưng cơ quan lập pháp dân chủ sẽ còn do dự rất lâu trước khi từ bỏ quyền quyết định những vấn đề quan trọng sống còn, và khi họ chưa làm như thế thì không ai có thể lập được một kế hoạch tổng thể. Một mặt việc thừa nhận nhu cầu kế hoạch hóa và mặt khác, các thiết chế dân chủ không thể lập được kế hoạch nhất định sẽ dẫn đến đòi hỏi phải trao cho chính phủ hay một cá nhân cụ thể nào đó quyền lực và tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Càng ngày người ta càng tin rằng muốn làm được một cái gì đó thì phải gỡ bỏ gánh nặng của các thủ tục dân chủ cho hành pháp được rảnh tay hành động.

Độc tài kinh tế trở thành nhu cầu khẩn thiết là đặc trưng cơ bản của xã hội phát triển theo hướng kế hoạch hóa. Cách đây mấy năm, Élie Halévy, một trong những nhà nghiên cứu mẫn tiệp nhất của Anh đã gợi ý: “Nếu làm được một bức ảnh ghép của Lord Eustace Percy, Sir Oswald Mosley và Sir Stanford Cripps thì tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy một đặc điểm chung của cả ba vị, đấy là họ cùng đồng thanh tuyên bố: “Chúng ta đang sống trong sự hỗn loạn về kinh tế, một hình thức độc tài nào đó chính là lối thoát duy nhất[4]”. Số lượng các nhân vật hoạt động xã hội nhiều ảnh hưởng, những người nếu được đưa vào “bức ảnh ghép” cũng không làm thay đổi chút nào ý nghĩa của nó, kể từ đó đã tăng lên rất nhiều.

Ở Đức, trước khi Hitler lên cầm quyền xu hướng đó đã tiến xa hơn nhiều. Điều quan trọng là không được quên rằng trước năm 1933 nước Đức đã ở trong tình trạng mà chế độ chuyên chế đã là một tất yếu chính trị rồi. Lúc đó đã chẳng còn ai nghi ngờ rằng nền dân chủ đang bước vào giai đoạn tan rã hoàn toàn và những nhà dân chủ chân thành như Brüning cũng chẳng hơn gì Schleicher hay von Papen trong việc cai trị đất nước một cách dân chủ. Hitler không cần hành quyết nền dân chủ, hắn chỉ lợi dụng sự tan rã của nó và nhận được, trong thời khắc quyết định, sự ủng hộ của những người, dù ghê tởm hắn nhưng lại coi hắn là người duy nhất có đủ sức mạnh vãn hồi trật tự ở trong nước.

* * *

Những người ủng hộ kế hoạch hóa cố gắng trấn an chúng ta đừng quá lo lắng về con đường tiến triển như thế, họ bảo rằng khi dân chủ còn là lực lượng chính trị thống lãnh thì không sức mạnh nào có thể lấn lướt được nó. Karl Mannheim viết:

“Xã hội kế hoạch hóa chỉ khác xã hội thế kỉ XIX ở chỗ (sic!) duy nhất này: càng ngày càng có nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và cuối cùng là tất cả mọi lĩnh vực, toàn bộ cũng như riêng lẻ, đều nằm dưới sự quản lí của nhà nước. Nhưng nếu quốc hội, bằng quyền lực tối cao của mình, có thể kiềm chế và kiểm soát được sự can thiệp của chính phủ vào một số lĩnh vực thì nó cũng sẽ làm được điều đó trong nhiều lĩnh vực khác… Trong nhà nước dân chủ, quyền lực tối cao có thể được tăng cường một cách vô giới hạn bằng cách ủy quyền mà vẫn không từ bỏ việc kiểm soát một cách dân chủ[5]”.

Ở đây người ta đã bỏ qua một sự khác biệt then chốt. Quốc hội chỉ có thể kiểm soát được việc thực hiện nhiệm vụ khi nó đã xác định được hướng đi cụ thể, khi nó đã tìm được sự đồng thuận về mục tiêu và chỉ giao [cho cơ quan hành pháp - ND] thực thi những việc cụ thể mà thôi. Nhưng khi lí do ủy quyền lại là sự thiếu đồng thuận về mục tiêu, khi cơ quan lập kế hoạch phải tiến hành lựa chọn giữa các mục tiêu mà quốc hội chưa chắc đã biết và khi điều duy nhất có thể làm là đệ trình một kế hoạch mà quốc hội chỉ có thể hoặc sẽ chấp nhận hoặc sẽ bác bỏ hoàn toàn thì tình hình lại khác. Kế hoạch như thế có thể sẽ bị phản đối, nhưng vì đa số không thỏa thuận được một kế hoạch thay thế khác và vì những phần bị phản đối gay gắt nhất lại có thể là những phần quan trọng nhất của bản kế hoạch tổng thể, cho nên sự phản đối sẽ chẳng có giá trị gì. Thảo luận ở nghị trường sẽ được giữ như một cái van an toàn và như một kênh để đưa ra những câu trả lời chính thức cho các khiếu nại và chất vấn. Quốc hội có thể ngăn chặn một số vụ lạm dụng trắng trợn và sửa chữa một vài sai sót cá biệt. Nhưng nó không thể cai trị được nữa. Lúc đó cơ quan lập pháp chỉ còn mỗi nhiệm vụ là lựa chọn ra những người sẽ có quyền lực gần như tuyệt đối mà thôi. Cả hệ thống sẽ tiến đến hình thức độc tài dân cử, trong đó người đứng đầu chính phủ được bầu lên bằng phổ thông đầu phiếu, nhưng hắn có toàn quyền buộc cuộc bầu cử phải đi theo hướng mà hắn muốn để liên tục tái cử.

Chế độ dân chủ đòi hỏi rằng việc kiểm soát một cách có chủ ý phải được giới hạn trong những lĩnh vực đã đạt được đồng thuận thật sự; trong những lĩnh vực còn lại chúng ta đành phó mặc cho may rủi, và đấy chính là cái giá của dân chủ. Nhưng trong xã hội được xây dựng và vận hành trên cơ sở kế hoạch hóa tập trung, việc kiểm soát như thế sẽ không còn phụ thuộc vào việc có tìm được đa số ủng hộ nữa hay không. Trong xã hội đó thiểu số sẽ áp đặt ý chí của mình cho toàn thể nhân dân vì nhóm thiểu số này hóa ra lại là nhóm có đông thành viên nhất có khả năng tìm được sự đồng thuận về vấn đề đang tranh cãi. Các chính phủ dân chủ đã thực thi chức năng của mình một cách thành công ở những nơi và chỉ những nơi mà hoạt động của nó được giới hạn, dựa trên nền tảng quan điểm được nhiều người chấp nhận, vào trong những lĩnh vực đời sống xã hội mà sự thỏa thuận của đa số có thể đạt được trong quá trình thảo luận tự do. Thành tựu vĩ đại của thế giới quan tự do là nó đã đưa một loạt vấn đề cần phải có giải pháp thống nhất thành chỉ còn một vấn đề mà trong xã hội của các công dân tự do chắc chắn có thể đạt được đồng thuận. Hiện nay chúng ta thường nghe nói rằng dân chủ không đội trời chung với “chủ nghĩa tư bản”. Nếu “chủ nghĩa tư bản” nghĩa là sự tồn tại của hệ thống cạnh tranh tự do, dựa trên sở hữu tư nhân, thì phải hiểu rằng dân chủ chỉ có thể tồn tại trong hệ thống như thế mà thôi. Nếu tư tưởng tập thể trở thành tư tưởng áp đảo thì chế độ dân chủ sẽ cáo chung.

* * *

Chúng tôi không có ý thần thánh hóa dân chủ. Có vẻ như là thế hệ của chúng ta nói và nghĩ nhiều về dân chủ mà lại nói quá ít về những giá trị mà nó phụng sự. Không thể nói về dân chủ như Lord Acton đã nói về tự do rằng: “Nó không phải là phương tiện để đạt các mục đích chính trị cao cả. Tự bản thân nó đã là mục đích chính trị cao cả rồi. Người ta đòi hỏi tự do không phải là để có được cơ quan quản lí xã hội tốt mà để có được một sự bảo đảm cho chúng ta quyền theo đuổi, mà không bị ai cản trở, các lí tưởng cao cả nhất, cả trong đời sống riêng tư lẫn trong đời sống xã hội”. Dân chủ thực chất là phương tiện, là một công cụ thiết thực để bảo vệ hòa bình trong xã hội và tự do cá nhân. Tự bản thân nó, dân chủ không phải là hoàn hảo, cũng chẳng phải là chắc chắn. Cũng không được quên rằng trong lịch sử, tự do tinh thần và văn hóa lại thường đơm hoa kết trái trong các giai đoạn cai trị độc tài chứ không phải là dân chủ và sự cai trị của một đa số giáo điều và thuần nhất có thể làm cho dân chủ trở thành khủng khiếp chẳng khác gì chế độ độc tài tồi tệ nhất. Nhưng chúng tôi không có ý định chỉ ra rằng độc tài sẽ tiêu diệt tự do mà muốn chứng minh rằng kế hoạch hóa nhất định sẽ dẫn đến chế độ độc tài vì độc tài là công cụ cưỡng bức và nhồi sọ tư tưởng hữu hiệu nhất, nhất là nếu kế hoạch hóa tập trung được thực hiện trên quy mô lớn. Xung đột giữa dân chủ và kế hoạch hóa xảy ra là vì dân chủ chống lại việc hạn chế tự do, nó là chướng ngại trên đường phát triển của nền kinh tế kế hoạch hóa. Nhưng nếu dân chủ từ bỏ vai trò người bảo vệ tự do cá nhân thì nó vẫn có thể bình lặng tồn tại dưới các chính thể toàn trị. “Chuyên chính vô sản”, ngay cả nếu nó có dân chủ về hình thức, một khi đã thực hiện việc quản lí tập trung nền kinh tế, nó sẽ đàn áp và tiêu diệt hoàn toàn quyền tự do cá nhân như những chế độ chuyên quyền tồi tệ nhất.

Nói quá nhiều, như một cái mốt, rằng dân chủ đang lâm nguy không phải là không nguy hiểm. Từ đó sẽ xuất hiện quan điểm sai lầm và thiếu căn cứ rằng khi quyền lực cao nhất còn được hình thành từ ý chí của đa số thì quyền lực không thể là độc đoán được. Đấy là một sự lầm lẫn và đấy cũng là lí do vì sao nhiều người vẫn chưa nhận thức được nguy cơ mà chúng ta phải đối mặt. Không có lí do gì để tin rằng chừng nào mà quyền lực còn được trao bằng các thủ tục dân chủ thì nó không thể là độc đoán được; điều khẳng định ngược lại cũng sai lầm không kém: không phải nguồn gốc của quyền lực mà chính các hạn chế mới là biện pháp ngăn chặn độc đoán. Sự kiểm soát mang tính dân chủ có thể cản trở quyền lực trở thành độc đoán, nhưng bản thân sự tồn tại của dân chủ là chưa đủ. Nếu dân chủ giải quyết các nhiệm vụ của mình bằng một quyền lực không bị giới hạn bởi các quy tắc được xác định một cách vững chắc thì trước sau gì cũng thoái hóa thành quyền lực độc đoán mà thôi.


Chú thích:

[1] Sidney and Beatrice Webb, Industrial Democracy (Nền dân chủ trong xã hội công nghiệp hoá), trang 800.

[2] Laski H.J, Labour and the Conslitution (Lao động và hiến pháp). “The New Statesman and Nation”, No 81 (New Series). Sp. 10th. 1932. P. 277. Sau này giáo sư Laski còn phát triển các ý tưởng của mình một cách rõ ràng hơn trong tác phẩm Democracy in Crisis (Nền dân chủ bị khủng hoảng), 1933; niềm tin của ông rằng nền dân chủ nghị viện không được phép trở thành vật cản trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội còn được thể hiện trực tiếp hơn: chính phủ xã hội chủ nghĩa sẽ “nắm trong tay quyền lực rộng lớn hơn và sẽ cai trị bằng sắc luật và nghị định, có giá trị như là đạo luật”, cũng như sẽ “đình chỉ các thủ tục cổ điển, cho phép các hình thức phản đối hoặc bài bác các hành động của chính phủ”, và ngay cả “sự tồn tại của chính thể đại nghị sẽ phụ thuộc vào việc nó (tức chính phủ Công đảng) có được Đảng Bảo thủ bảo đảm rằng kết quả công cuộc cải cách của nó sẽ không bị xoá bỏ nếu thất cử”!

[3] Nhân đây cũng nên xem xét một tài liệu của chính phủ có thảo luận những vấn đề này trong mấy năm gần đây. Mười ba năm trước, tức là trước khi nước Anh từ bỏ hoàn toàn chủ nghĩa tự do trong lĩnh vực kinh tế, quá trình ủy nhiệm lập pháp đã đi xa đến nỗi người ta phải lập ra một ủy ban nhằm tìm cho ra “những biện pháp bảo vệ cần thiết và nên làm nhằm bảo đảm quyền lực tuyệt đối của pháp luật”. Báo cáo của ủy ban Donoughmore (Report of the Lord Chancellor’s Committee on Ministeris Powers, cmd. 4060, [1932]) chỉ rõ rằng ngay từ lúc đó quốc hội đã dùng biện pháp “ủy thác quyền lực một cách bừa bãi, theo lối bán buôn” nhưng lại cho rằng (đúng là lúc đó chúng ta chưa nhìn được vào vực thẳm của chế độ toàn trị) đấy là hiện tượng tất yếu và vô hại. Và đúng là bản thân việc chuyển giao quyền lực như thế không nhất thiết là mối nguy hiểm đối với tự do; chỉ không hiểu là tại sau nó lại trở thành tất yếu ở quy mô lớn đến như thế. Nguyên nhân đầu tiên được liệt kê trong báo cáo là “ngày nay, mỗi năm quốc hội phải thông qua quá nhiều luật” và “nhiều chi tiết mang tính kĩ thuật chuyên ngành, không thích hợp cho việc thảo luận tại nghị trường”. Nhưng nếu vấn đề chỉ có như thế thì tại sao lại không làm rõ các chi tiết trước chứ không phải là sau khi quốc hội đã thông qua dự luật. Nhưng có một lí do quan trọng hơn nhiều, đấy là trong nhiều trường hợp “nếu quốc hội không ủy quyền lập pháp thì sẽ không thể thông qua đúng các loại dự luật và không thể thông qua đúng số lượng mà dư luận xã hội đòi hỏi”, lí do đó đã vô tình thể hiện trong câu sau đây: “Nhiều đạo luật có ảnh hưởng mạnh đến đời sống nhân dân cho nên chủ yếu ở đây là phải mềm dẻo!” Điều này có nghĩa là gì, nếu không phải là được toàn quyền quyết định theo ý mình, nghĩa là quyền lực không bị giới hạn bởi bất cứ nguyên tắc nào và theo ý kiến của quốc hội là không bị giới hạn bởi bất kì điều luật cố định và phân minh nào?

[4] Socialism and the Problems of Democratic Parlamentarism (Chủ nghĩa xã hội và vấn đề chủ nghĩa đại nghị dân chủ). “International Affairs”. V. XIII. P. 501.

[5] Mannheim K, Man and Society in the Age of Reconstruction, (Con người và xã hội trong thời đại tái thiết) 1940. trang 340.