Em phải đến Harvard học kinh tế

CHƯƠNG 5 (B)

Đối với một đứa trẻ trí lực bình thường, thì bài vở của năm lớp 1 không có gì khó khăn lắm, cái khó là ngay từ đầu đã hình thành một thói quen học tập tốt. Rất may là, trước khi Đình Nhi đi học, tôi đã mua một quyển sách rất hay, cuốn "Pương pháp dạy con chăm chỉ học hành". Cuốn sách này đã giúp tôi học được cách làm thế nào để cho con có được những thói quen học tập tốt. Chỉ tiếc rằng, năm 1999, khi chuyển nhà đến nơi ở mới, tôi đã đánh mất quyển sách ấy. Ngày mồng 1 tháng 5 năm nay, tôi đã cố ý đi vòng lại cửa hàng sách Tân Hoa xem có loại sách nào tương tự như vậy, có thể giúp tôi nhớ lại những phương pháp đó không. Tiếc rằng trong cửa hàng, các loại sách hướng dẫn học sinh làm bài chọn đáp án chất đầy như núi, thế mà tìm không ra lấy một quyển hướng dẫn cha mẹ bồi dưỡng cho con một thói quen học tập tốt. Tôi chỉ có thể viết ra đây một vài phương pháp bồi dưỡng thói quen học tập cho con, theo trí nhớ của mình:

1. Thói quen tôn trọng thời gian học tập:

Căn cứ vào đặc điểm sinh lý của trẻ con, mỗi thời đoạn học tập của chúng chỉ nên quy định là 20 phút. Trước khi vào học, tôi luôn nhắc nhở Đình Nhi phải làm tốt mọi công việc chuẩn bị, như gọt bút chì, tìm sách vở, uống nước và đi tiểu... Khi bắt đầu học tập, phải hết sức tập trung, không được rời khỏi bàn học, không được làm các công việc khác, người lớn không được làm ồn hay làm mất trật tự, có việc gì phải đợi con học xong hãy nói. Người lớn tôn trọng thời gian học tập của con cái rất có lợi cho việc bồi dưỡng cho con được một quan niệm "thời gian học tập là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm".

Cha của Witer, một thần đồng người Đức, đã bồi dưỡng cho con một thói quen tôn trọng thời gian học tập, chính bằng phương pháp đó. Khi Witer con đang học, dù có khách đến chơi, "Witer đang học, xin ông đợi cho một chút!"

Đình Nhi đã nhanh chóng học tập được thói quen, khi học không làm việc khác. Khi cháu đang học lớp hai, có một hôm mẹ vắng nhà, bỗng nhiên có khách đến chơi. Đứng trên lan can gác 2 nhìn xuống, cháu nhận ra đó là bạn của mẹ, cháu vội xuống mở cửa mời khách vào nhà. Cháu trịnh trọng pha hai cốc nước chanh mời hai mẹ con bà khách uống... Ngồi chơi một lát, ĐÌnh Nhi thấy đã đến thời gian viết nhật ký trong ngày, cháu liền mời bà mẹ đọc sách và đưa bộ đồ chơi lắp ghép xây dựng cho bạn nhỏ chơi. Còn cháu xin phép ngồi vào bàn viết nhật ký. Trong nhật ký hôm ấy cháu viết về sự kiện mới xảy ra trong gia đình: "Nhà có khách".

2. Thói quen nghỉ ngơi tích cực

Hết 20 phút học tập, cho trẻ nghỉ 5 phút. Nghỉ qúa 5 phút, sẽ không có lợi cho việc lấy lại sự tập trung chú ý cho việc học tập ở tiết tiếp theo, nghỉ chưa đủ 5 phút cũng không có lợi cho việc giải toả sự mệt mỏi của đầu óc và thị lực. Giờ nghỉ, trẻ con phải rời khỏi bàn học, làm một vài động tác thể dục nhẹ nhàng, hoặc làm những việc vặt mà thời gian học tập không được làm. Không nên cho trẻ con lười biếng ngồi lỳ một chỗ hoặc nằm, để tránh ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần khi học tập.

Đình Nhi đã sớm có được khái niệm nghỉ ngơi là hoạt động. Tôi thường dạy ĐÌnh Nhi phải biết "kết hợp động tĩnh" cho phù hợp trong quá trình học tập. Đình Nhi thường không tranh thủ làm bài tập trong 10 phút ra chơi, cháu thường tìm cách để rèn luyện thân thể. Biện pháp đơn giản nhất là lên thang gác, chạy từ tầng 1 đến tầng 3. Thói quen này đã giúp cháu biết tranh thủ thời gian để rèn luyện thân thể ngay trong những giờ phút học hành vất vả nhất. Khi vào học trong trường trung học trọng điểm, thi chạy dài 800 mét đối với ĐÌnh Nhi là chuyện bình thưởng. Đến năm thứ 3 bậc cao trung, ĐÌnh Nhi đã giành được danh hiệu quán quân môn chạy cự ly 400 mét nữ trong Đại hội thể dục thể thao toàn trường, chỉ thiếu chút nữa là đã lập được một kỷ lục mới cho nhà trường.

3. Thói quen độc lập làm bài

Thứ nhất là để ĐÌnh Nhi tự mình nắm lấy thời gian. Tôi yêu cầu cháu mỗi lần ngồi vào bàn học phải đặt đồng hồ báo thức ở trên bàn, phải sắp sẵn lịch học: mấy giờ bắt đầu học, mấy giờ bắt đầu nghỉ, và phải viết rõ ràng trên giấy, tự giác làm việc theo đúng lịch đó. Tôi nói rõ với Đình Nhi: "Việc học là việc của con, con phải biết tự giác học cho thật tốt, mẹ chỉ đôn đốc con bằng cách kiểm tra đột xuất thôi". Làm như vậy cốt là để bồi dưỡng tính tự giác trong học tập của Đình Nhi.

Thứ hai là, để cho Đình Nhi tập nghe bằng cách nghe băng. Việc làm này rất có lợi, trước tiên là bé tự ghi nội dung học tập vào băng đó cũng là một lần tập trung ôn tập. Thêm nữa, động tác đõng mở máy ghi âm làm cho bé tự tin cảm thấy mình cũng rất giỏi, có thể kích thích sự hứng thú trong khi viết. Cuối cùng là, dùng một thứ đồ điện trong gia đình làm đồ dùng học tập làm cho bé cảm thấy việc học tập của mình đâu phải là trò chơi. Ngoài ra, sau khi đã ghi xong nội dung học tập vào băng, bé có thể trao lại sách đó cho cha mẹ cất giữ, việc làm này cho bé cảm thấy cha mẹ luôn tôn trọng tính trung thực của mình.

4. Thói quen sử dụng các loại sách công cụ đáng tin cậy

Bắt đầu từ năm lớp 1, tôi đã để cho ĐÌnh Nhi sử dụng các loại sách công cụ chính quy, chủ yếu là "Từ điển Tân hoa", "Từ điển Hán ngữ hiện đại", có lúc cũng sử dụng những từ điển có liên quan, trong bộ đại từ điển "Từ hải". Gặp chữ mới, từ mới, tôi không bao giờ đưa ra đáp áp sẵn cho Đình Nhi, mà yêu cầu cháu trước tiên phải tra cứu sách công cụ, ngay từ đầu đã tìm được

những lừi giải thích chuẩn xác để tránh cho cháu phải lưu lại trong đầu một ấn tượng mập mờ. Ở những năm học đầu, khi tra từ điển, tôi để cháu tự tìm ra mặt chữ, còn phầm giải thích tôi với cháu cùng xem. Sau này, mọi công việc cháu đều tự làm lấy rồi nói lại cho tôi nghe, qua việc nói lại tức thì ấy cốt để khắc sâu ấn tượng cho cháu. Thói quen này không chỉ nhằm bồi dưỡng cho Đình Nhi một tác phong học tập thận trọng nghiêm túc, mà còn tạo ra một thói quen cho Đình Nhi, lựa chọn các tư liệu hướng dẫn học tập phải chọn theo tiêu chuẩn "ít mà tinh".

5. Thói quen dám nhìn thẳng vào sai lầm

Theo cách làm của cuốn "Phương pháp dạy con chăm chỉ học", tôi không cho Đình Nhi dùng hòn tẩy để tẩy xoá đi những chỗ sai, mà phải dùng bút khác màu khoanh tròn lại, để mỗi lần nhìn thấy nó sẽ nhắc nhở mình: chỗ này dễ sai đây. Như vậy sẽ giảm thiểu được số lần mắc lại lỗi sai. Ngoài ra, tôi còn cho cháu đóng riêng một quyển  "Vở sửa sai", ghi vào đó những lỗi sai thường gặp và những đáp án đúng. Thường xuyên ôn tập để củng cố hiệu quả của việc sửa sai. Trước khi thi toán, tôi yêu cầu Đình Nhi đem tất cả những bài kiểm tra và bài tập ở nhà của môn toán ra xem lại, làm lại những đề làm sai, cốt cho Đình Nhi không mắc lại những sai lầm cũ một lần nữa.

6. Thói quen giữ gìn đôi mắt

Trước khi không đi học, tôi đã giảng giải kỹ cho cháu về nguyên nhân và tác hại của bệnh cận thị làm cho cháu thấy sợ về hậu quả nghiêm trọng của cận thị nặng; bệnh này có thể làm cho võng mạc bị tụt xuống. Tôi thường xuyên nhắc lại việc này, cốt để khắc sâu ấn tượng cho cháu.

Sau khi Đình Nhi đã đi học, tôi đều nghiêm khắc bắt cháu luôn phải giữ khoảng cách 30 xen - ti - mét giữa mắt và sách. Trước khi cháu lên lớp 4, ngoài thị trường vẫn chưa bán loại đền bàn chống cận thị, tôi đã dùng biện pháp "truyền thống" là dùng một sợi dây vải choàng vào cổ cháu rồi buộc lại phía sau ghế đề phòng cháu cúi sát đầu vào sách, sau đó tôi phát minh ra một kiểu khác là đóng một chiếc giá đỡ cằm, buộc cháu phải giữ đúng cự ly. Khổ một nỗi bài vở của cháu thời kỳ đó quả là một gánh nặng quá sức. Đang học ở hoc kỳ 2 năm lớp 4, cháu bị sốt cao phải nghỉ học mất một tuần, thị lực được khôi phục lại 1,5, nhưng vừa đi học được mấy hôm thị lực lại tụt xuống còn 0,6. Mặc dù khi đi học lớp 5, tôi đã mua được cho cháu đèn bàn chống cận thị, nhưng cháu vẫn phải mang kính cận. may mà đã nhiều năm nay, tôi luôn nhắc nhở cháu phải giữ gìn đôi mắt, học kỳ 2 lớp 5 còn chữa cận thị cho cháu  bằng cách châm cứu suốt nửa năm trời (việc chữa bệnh này có tác dụng giữ được hiện trạng như thời học tiểu học). Đình Nhi còn có được một thói quen tốt nữa là cứ sau 20 phút học tập, thì lại cho mắt nhìn xa một lần (dù chỉ 5 giây). Vì vậy bệnh cận thị của cháu cũng không thật nặng lắm.

ĐƯỢC LÒNG ĐÌNH NHI,

CHA DƯỢNG LÀ ĐỒNG MINH TIN CẬY

Mùa hè năm 1988, gia đình chúng tôi có thêm một thành viên, một con người nho nhã, hài hước, đó là cha dượng của Đình Nhi, Trương Hân Vũ. Anh là đồng nghiệp của tôi, là biên tập cho một tờ tạp chí cấp tỉnh. Anh không chỉ coi ĐÌnh Nhi là một đứa con duy nhất để được chăm sóc, cũng như tôi, anh rất coi trọng việc giáo dục tố chất cho con. Có được sự chăm sóc chu đáo của cả tôi và anh, có thể nói đây là một điều may mắn lớn trong đời Đình Nhi.

Trương Hân Vũ sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hoá giáo dục. ông nội anh là một nhà thư pháp rất giàu khí tiết dân tộc. Cha anh thời trẻ cũng từng học đại học ở Bắc Kinh, là một trí thức chân chính. Mẹ anh từng được là anh hùng lao động cấp tỉnh, được mọi người tôn kính.

Sự hun đúc thường xuyên truyền thống văn hoá gia đình, đã khiến cho Trương Hân Vũ ngay từ nhỏ đã rất am hiểu cả hai nền văn hoá rực rỡ: văn hoá trung Quốc và văn hoá Phương Tây, hiểu biết rộng và đặc biệt có một cách nhìn khá độc đáo. Sự từng trải trong cuộc đời đã khiến anh hiểu khá rõ vai trò của các biện pháp giáo dục theo nghĩa rộng, nó có ảnh hưởng mạng tính quyết định tới sự thành công của một đời người. Anh có tài từ những chi tiết nhỏ nhìn ra việc lớn, nhiều năm về trước, anh đã có những nghiên cứu và dự đoán về tương lai lớp trẻ, độ xác thực khá cao. Anh đã có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công trong việc giáo dục ĐÌnh Nhi.

Đặc biệt là, anh đã có một nhận định rất thành thực rằng: "Tiền đồ của một đứa trẻ bao giờ cũng quan trọng hơn tất cả mọi thứ". Đồng nghiệp và bạn bè hay hỏi ý kiến anh vào những thời điểm then chốt nhất trong việc giáo dục con cái họ.

Trương Hân Vũ rất có khả năng về môn vật lý, bù lấp cho tôi những chỗ còn khiếm khuyết về bộ môn này. Chính nhờ anh mà ĐÌnh Nhi mới có được sự say mê, biện pháp và khả năng về bộ môn vật lý ngay từ thời tiểu học, tạo điều kiện tốt cho ĐÌnh Nhi phát triển toàn diện. Huấn luyện từng bước, từng phần do anh đặt ra cho Đình Nhi không chỉ nhanh chóng nâng cao được kỹ năng học tập mà còn góp phần nhào nặn tâm hồn cho Đình Nhi (điều này tôi sẽ nói rõ ở phần sau).

Thời gian Đình Nhi học trung học, anh đã góp phần làm phong phú cuộc sống tinh thần của ĐÌnh Nhi. Chính bằng những kiến thức lịch sử xã hội phong phú và những lý giải sâu sắc độc đáo của mình, anh đã làm cho Đình Nhi nhanh chóng thành thục hơn về mặt tu dưỡng tư tưởng, nên sau này cháu được đánh giá rất cao cả trong và ngoài nước.

Tôi đã sớm ý thức được rằng, Đình Nhi càng lớn thì vai trò của Trương Hân Vũ càng quan trọng. Nghĩ về lâu dài, tôi đã đề nghị Hân Vũ trong vòng 1 năm  sau khi chúng tôi cưới nhau, anh phải xây dựng được mối quan hệ thật tốt với Đình Nhi, dẫu sao quan hệ giữa cha dượng và Đình Nhi cũng không phải mối quan hệ máu thịt. Vì vậy, muốn có được mối quan hệ tình cảm sâu sắc như ruột thịt, nếu chỉ dựa vào ý muốn chân thành và những sự hy sinh vô tư là chưa đủ. Cần phải suy nghĩ đến phương pháp, thời cơ và kỹ xảo.

Trước khi kết hôn, ba người chúng tôi đã cùng nhau đi chơi thả diều ở ngoài đồng, chơi trò "bắt cáo" do Trương Hân Vũ và Đình Nhi tự đặt ra, hơn nữa khi bố trí phòng mới, chúng tôi đã đặc biệt dành cho Đình Nhi một phòng thật đẹp... Những bước đệm đó, cùng với sách lược mà tôi đã bàn bạc với Tương hân Vũ là "năm đầu tiên không được trực tiếp tham gia vào việc dạy dỗ và quản lý ĐÌnh Nhi..." đã làm cho Đình Nhi thấy vui vẻ và thoải mái khi sống với cha dượng, nên cháu đã nhanh chóng có cảm tình với người cha dượng trầm tĩnh và nhã nhặn ngoài xã hội, điềm đạm, hài hước trong gia đình. Cứ được ở gần cha dượng là ĐÌnh Nhi không ngớt tiếng cười.

Sau khi về ở được ít lâu,anh đã gặp riêng tôi phê bình: "Em quá nghiêm khắc với Đình Nhi, đôi mắt em lúc nào cũng luôn soi mói vào những khuyết điểm của con, nói một lần con chưa nghe là đã vội đỏ mặt tía tai, giậm chân trợn mắt. Như vậy chỉ có thể tạo thành tâm lý chống đối ở con, rất bất lợi cho việc hình thành tính cách của con". Tôi đã nhận ra: "Anh nói rất đúng, chủ yếu vì mấy năm trước đây em một mình nuôi dạy con, quá bận rộn, làm gì có thời gian để kiên trì thuyết phục, đành phải dùng biện pháp có tính cưỡng chế như thế. Em đã biết như vậy là không tốt, anh nên thường xuyên nhắc nhở để em sửa chữa thói xấu đó". Trương Hân Vũ nói: "Những đòi hỏi của em đối với con đều đúng cả, nhưng không nên quá nghiêm khắc như vậy, nên giữ vững nguyên tắc này: lập trường phải kiên định, thái độ phải mềm dẻo. hơn nữa phải biết nắm bắt được mọi vấn đề, nhưng trong mỗi giai đoạn chỉ nên giải quyết một vấn đề".

Tôi chấp nhận lời phê bình của anh, và bắt đầu điều chỉnh thái độ đối với ĐÌnh Nhi, cháu vui ra mặt. Không hiểu được nguyên nhân sâu xa, cháu đã hỏi tôi: "Mẹ thấy không? Cha vừa đến đã làm cả nhà vui mẹ nhỉ!"

Về việc giáo dục con, Trương Hân Vũ không bao giờ tiếc tiền. Năm 1987, trong lúc mọi người lương bổng còn rất thấp, anh đã dám bỏ ra khá nhiều tiền để mua về một chiếc kính hiển vi cũ làm quà tặng Đình Nhi nhân ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 6 của cháu. Chiếc kính hiển vi cũ đó đã là cái mốc quan trọng trong quá trình phát triển trí lực của ĐÌnh Nhi. Từ đây, cháu đã có thể nhìn thấy cả một thế giới nhỏ xíu mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Điều đó đã kích thích tính hiếu kỳ và lòng ham hiểu biết của ĐÌnh Nhi. Trước đây gặp bất cứ điều gì lạ cháu hay hỏi: "Tại sao?", còn bây giờ những câu hỏi cháu đặt ra đã chuyển sang hướng mới, sâu sắc và tinh vi hơn. Mẹ của anh cũng rất quý Đình Nhi, bà gửi tặng cháu cuốn sách "Mười vạn câu hỏi". Cháu rất thích cuốn sách này. Tất cả những việc làm trên đều rất có lợi đối với lòng say mê tri thức khoa học và ý chí quyết tâm tìm đến ngọn nguồn mọi sự vật của ĐÌnh Nhi.

Mười một năm sau, khi Đình Nhi nhận được giấy báo của Trường Đại học Harvard, trong giấy gọi nhập học ấy, nhà trường yêu cầu ĐÌnh Nhi phải viết một bài tự thuật với đầu đề: "Ai là người có ảnh hưỏng quan trọng nhất đối với em. Hãy kể lại những ảnh hưởng đó". Đình Nhi tự nhiên nhớ đến chiếc kính hiển vi cũ mà cháu được tặng từ thời còn nhỏ, cháu đã lấy đó làm tiêu điểm, viết một bài tự thuật thật xúc động.

Ý nghĩa sâu xa của kỷ vật ấy, lúc đó Đình Nhi đâu đã ý thức được rằng: năm lên 7 tuổi, lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm sinh nhật cha dượng tại nhà mình, chợt nhớ đến niềm xúc động khi nhận được quà sinh nhật của cha dượng một năm trước đây, trong quyển nhật lý mà Đình Nhi mới viết được mấy bài, cháu đã viết tiếp mấy dòng làm quà sinh nhật tặng lại cha:

"Hôm nay là ngày sinh nhật ba, con muốn viết mấy dòng nhật ký làm quà sinh nhật:

Ba đã đem lại niềm vui cho con

Chiếc kính hiển vi mà ba đã mua về cho con đã giúp con nhìn thấy những vi khuẩn hình que trong đại tràng và những vi khuẩn hình cầu trong quả nho. Nó cũng giúp con nhìn thấy quá trình chất rắn biến thành chất lỏng và ngược lại quá trình chất lỏng biến thành chất rắn trong thí nghiệm... Mẹ rất yêu quý con, nhưng mẹ chưa làm được những việc như vậy".

MỘT NGÀY MỘT VÀI CÂU,

NHẬT KÝ PHẢI VIẾT ĐỀU

Vào đầu năm học lớp 2, Đình Nhi nói với tôi: cô chủ nhiệm đề nghị cả lớp mỗi người hàng tuần viết hai bài nhật ký, cô giáo sẽ sửa bài cho, nhưng đây không phải là bài tập bắt buộc, ai không viết cũng không sao. Tôi không hỏi Đình Nhi: "Con có viết hay không?", mà chỉ cố ý có thái độ vui mừng. Tôi lục tìm sách vở, giở cho cháu xem mục "Viết nhật ký rất có lợi cho học tập" trong cuốn "Phương pháp dạy con chăm chỉ học hành", ĐÌnh Nhi tỏ ra rất thích thú.

Tôi cố ý làm như vậy là để tạo cho Đình Nhi một thói quen luôn biết tuân theo sự sắp xếp của cha mẹ, cũng là để kích thích sự hứng thú viết nhật ký của cháu. Đối với các cháu ở lứa tuổi này, thái độ của người lớn luôn là một sức truyền cảm hữu hiệu và cũng là một mệnh lệnh không lời. Tôi và Trương Hân Vũ thường sử dụng những phương thức giàu sắc thái tình cảm để lôi cuốn Đình Nhi tự giác làm những công việc cần nhiều sức, không bao giờ để cho đứa trẻ chưa hoàn toàn chính chắn cả về suy nghĩ lẫn cách nhìn được tuỳ ý lựa chọn.

Đình Nhi vui vẻ "bước vào cuộc chơi", nhưng cháu rất lo không biết nên viết như thế nào. Tôi gợi ý cho cháu nên viết vài bài về kỳ nghỉ hè vừa rồi. Thế nhưng, những chuyện trong cả mấy tháng nghỉ hè thì nhiều lắm, nghĩ đi nghĩ lại, Đình Nhi vẫn "lúng túng như gà mắc tóc". Nhân cơ hội, tôi dạy cháu "thủ thuật chọn đề tài": chỉ chọn và viết những chuyện "có vấn đề" mà thôi. Đồng thời, cũng chỉ rõ cho cháu biết những quy định trong khi viết nhật ký:

  1. Tốt nhất là viết thành những chuyện nhỏ thú vị, không viết những điều tẻ nhạt hoặc kể lể dài dòng "dây cà ra dây muống" (rất không có lợi cho việc viết tập làm văn sau này).
  2. Có thể chỉ viết một vài câu, nhưng phải để cho người đọc hiểu được mình định nói gì (yêu cầu nâng cao khả năng hiểu biết và khả năng biểu đạt ngầm ý ở đó rồi).
  3. Câu chuyện dài viết một ngày chưa xong thì có thể chia ra viết trong mấy ngày (để chuẩn bị cho những bài viết dài sau này)
  4. Những chữ chưa biết viết thì để cách quãng rồi ghi lại phiên âm, sau này tra cứu điền vào cũng được. (vì bận quá, có nhiều chỗ phiên âm đến nay vẫn chưa điền vào được chữ).
  5. Nên viết thành hàng để có chỗ sau này sửa những lỗi sai. (cốt là để Đình Nhi học cách giải quyết những vấn đề kỹ thuật).

Như vậy, lần đầu tiên Đình Nhi đã viết một chùm nhật ký như sau:

Ngày 2 tháng 9

Nhớ lại những ngày hè

Năm học lớp 2 đã bắt đầu, cô giáo Thành bảo chúng tôi viết nhật ký, đây quả là một ý tưởng hay. Tôi cho rằng đây sẽ là một dịp tốt để phát triển tài năng. Tôi sẽ viết mấy bài về những chuyện trong kỳ nghỉ hè, sau này lớn lên, xem lại chắc là thú lắm. Hom nay thử viết bài đầu tiên:

1. Công việc tôi thích nhất: Trong thời gian nghỉ hè công việc tôi thích nhất là xem phim truyền hình đồng thoại nhiều tập, như phim "Hoàng hậu băng tuyết", "Ra bô"...

Ngày 4 tháng 9

2. Những công việc tôi không thích: Những công việc mà tôi ghét nhất là đi "ngủ trưa và phải ngủ lúc 9 giờ tối". Tôi không thích ngủ trưa là vì buổi trưa tôi thích đọc sách, còn không thích ngủ từ 9 giờ tối, vì lúc ấy đang có chương trình truyền hình rất hay. Nhưng vì hôm sau phải dậy sớm đi học, đành phải ngủ thôi.

Ngày 8 tháng 9

3. Công việc tôi thích làm nhất: Công việc tôi thích làm nhất là xoa bóp cho mẹ. CÙng mẹ ở cơ quan trở về, chỉ cần thấy mẹ tỏ ra mệt mỏi tôi liền xoa bóp cho mẹ ngay. Đấm lưng, xoa bóp đầu gối, mẹ rất thích, ĐÌnh Nhi cũng rất thích.

Tôi yêu cầu Đình Nhi, mỗi bài nhật ký đều phải có tiêu đề, sau đó viết những việc xoay quanh tiêu đề ấy giống như viết tập làm văn. Vì vậy phần lớn những bài nhật ký của ĐÌnh Nhi đều có tiêu đề. Việc này vừa để cho Đình Nhi có thói quen viết đúng trọng tâm, vừa để cho Đình Nhi biết được thủ thuật chọn đầu đề. Những kỹ năng này sẽ giúp ĐÌnh Nhi giành được điểm số cao trong các kỳ thi môn ngữ văn.

Về cơ bản, tôi không cần biết Đình Nhi viết những gì và viết thế nào, tôi chỉ yêu cầu Đình Nhi sau khi tìm được đề tài rồi thì phải "nhanh chóng bắt tay vào việc ngay". Tôi chịu trách nhiệm xem lại cho cháu. Nếu phát hiện thấy chữ nào viết sai, tôi lấy mực đỏ đánh dấu phía dưới để Đình Nhi tự tra cứu và sửa chữa. Có lúc tôi cũng cho ý kiến về một vài câu văn, còn sửa hay không là tuỳ cháu. Có điều ĐÌnh Nhi luôn coi trọngý kiến của tôi, mặc dầu có lúc cháu rất ngại không muốn sửa, nhưng rồi cháu cũng nhẫn nại sửa theo ý tôi, cũng có lúc cháu dứt khoát viết lại một bài khác. Cần phải nhấn mạnh rằng, thời kỳ học tiểu học, viết nhật ký không phải là để đối phó với việc thi cử, mà chỉ nhằm bồi dưỡng năng lực tổng hợp và những tố chất tốt đẹp mà thôi. Tập làm văn để chuẩn bị cho thi cử, việc này lên trung học mới làm.

Từ năm lớp 2 tiểu học đến năm thứ hai bậc cao trung (trong suốt 10 năm đó), ĐÌnh Nhi ngày nào cũng lưu tâm tìm kiếm đề tài cho nhật ký của mình. Năm này qua năm khác, việc tìm kiếm này đã rèn luyện cho Đình Nhi một thói quen quan sát thường xuyên và suy nghĩ thận trọng. Đó cũng là một trong những muc đích mà chúng tôi yêu cầu Đình Nhi phải chú ý viết về những sai sót của mình. Việc này cốt nhằm bồi dưỡng thói quen và khả năng tự hối cải. Những ngày đầu tiên, ĐÌnh Nhi thường không thích viết về những "việc xấu" của mình, chừng một năm sau cháu nhận ra rằng: biết hối cải những sai lầm của mình trên trang nhật ký là một điều bổ ích.

Thứ sáu, ngày 8 tháng 5 năm 1988 (học kỳ II lớp 2)

Hôm nay, ngồi lật lại những trang nhật ký, từ trước đến nay tổng cộng đã viết được 69 bài, trong đó có 33 bài kể chuyện, còn 36 bài là viết về những sai sót của mình.

Mình thấy rằng mấy bài đầu tiên trong nhật ký, mình đã viết về những điều tự nghĩ ra thời còn nhỏ. trong đó các chuyện như:"Bông hoa tại sao nở được?", "Công việc tôi yêu thích nhất", "Những việc tôi thích làm". "Mỹ phẩm", và bài "Đeo găng tay"...

Những bài viết thừa nhận sai lầm của mình, xem ra cũng chưa hay lắm, thế nhưng nó cũng đã ghi lại được những sai lầm ấu trĩ của tôi trong thời thơ dại, thường xuyên xem lại nó, cũng là một bài học làm cho mình không bao giờ mắc lại những sai lầm tương tự.

Xem lại những trang nhật ký của mình từ trước đến nay, có cảm giác mình đã làm được những việc mình muốn làm, đọc lại thấy thật có ý nghĩa.

Nhật ký của ĐÌnh Nhi, từ những ngày đầu chỉ viết được một, hai câu, 4 năm sau cháu đã viết được những bài dài tới 4.500 chữ, được các thầy cô giáo hết lời ca ngợi (đương nhiên là phải phân ra viết trong mấy ngày liền). Ví dụ như bài "Rời cổng trường đi xuống nông thôn". Thời gian này cũng có lúc cháu thích viết và lúc ngại viết. Nhưng khi lên lớp 5, nhiệt tình viết nhật ký của cháu lại được khôi ohục trở lại. Ngay cả việc lật giở lại những trang nhật ký trước đây, đối với ĐÌnh Nhi cũng là một niềm vui bổ ích.