Em phải đến Harvard học kinh tế

CHƯƠNG 5 (F)

Ngày 1 tháng 8 năm 1991

Cảm nghĩ sau khi đọc quyển “80 năm thời cận đại”

Nghe nói, trong những năm cuối cùng của triều đại Mãn Thanh, trên một tờ báo của Singapor có vẽ một bức tranh biếm hoạ: bên ngoài một ngôi nhà tranh cũ nát, lơ thơ mấy cây cằn cỗi, xiêu vẹo, ngoài trời mưa rất to, trong nhà nước dội tứ tung. Bên dưới bức tranh có ghi hai chữ “Trung Quốc”. Lúc bấy giờ tôi chẳng hiểu gì, Trung Quốc tại sao lại như vậy? Cho đến tận sau khi tôi đọc cuốn “80 năm thời cận đại”, tôi mới hiểu ra rằng, Trung Quốc trong suốt 80 năm thời cận đại là thưòi kỳ thối nát nhất của xã hội phong kiến. Nó cũng giống như ngôi nhà tranh dột nát kia.

Thời đó, trình độ văn hoá, tư tưởng của người Trung Hoa vô cùng lạc hậu. Bọn thống trị phong kiến vẫn tôn Mạnh Tử và Khổng Tử là những bậc thánh nhân. Những người có chữ nghĩa trong thiên hạ vẫn khư khư ôm những quyển sách cũ nát của Khổng Tử và Mạnh Tử - những vĩ nhân đã sống cách đây hơn 2000 năm, và tư tưởng của họ vẫn dừng lại ở thời kỳ hơn 1000 năm về trước, có chăng chỉ có một chút phát triển không đáng kể. Lúc bấy giờ, người Trung Quốc cũng chẳng hiểu biết gì về thế giới. Họ vẽ bản đồ Trung Quốc theo sự tưởng tượng chủ quan của mình. Họ cho rằng các nước trên thế giới như Anh, Nga… cũng chỉ nhỏ bé như nước Cao Ly (Triều Tiên) mà thôi. Trên tấm bản đồ, Trung Quốc được vẽ ở chính giữa, vẽ rất to, bốn xung quanh là những hòn đảo nhỏ li ti. Đó là những nước Anh, Nga… Có một câu chuyện rất nực cười: Vào những năm niên hiệu Đạo Quang, có một lái buôn người Bồ Đào Nha đến Trung Quốc, khi đi qua hải quan, để nói rõ rằng mình đến đây từ đất nước Bồ Đào Nha, người đó bèn lấy ra một tấm bản đồ thế giới được vẽ theo tiêu chuẩn quốc tế, đưa cho viên quan trấn ải xem. Thế nhưng viên quan này xem không hiểu, bèn dẫn người lái buôn đến phủ. Người Bồ Đào Nha đã cố nhẫn nại chỉ vào tấm bản đồ thuyết minh tỉ mỉ cho các quan trong phủ nghe, nhưng các quan trong phủ vừa trông vào tấm bản đồ đã nổ giận đùng đùng, lớn tiếng quát tháo: “Đây là cái khỉ gì vậy, hãy xem bản đồ của nhà Đại Thanh chúng ta đây!” Nói rồi, họ bèn lấy ra tấm bản đồ Đại Thanh tôi vừa kể. Người Bồ Đào Nha kia trông thấy, thật là dở khóc dở cười!

Vì tư tưởng văn hoá của Trung Quốc quá lạc hậu, cho nên khoa học kỹ thuật cũng chẳng sao tiến bộ được. Trong khi các nước đã có đầy những tàu hoả, tàu thuỷ, súng máy, pháo to… thì Trung Quốc vẫn đang dừng ở thời kỳ sử dụng giáo, mác, xe ngựa và thuyền gỗ…

Do khoa học kỹ thuật lạc hậu, nên nền quốc phòng của Trung Quốc cũng lạc hậu theo. Quân đội Mãn Thanh chỉ có thể đi trấn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân, nếu phải đánh nhau với quân đội nước ngoài thì thật là bi thảm. Một thân vương của triều đình Tăng Cách Lâm Tẩm, trong những năm niên hiệu Đạo Quang, đã có lần đem theo hơn 3.000 kỵ binh thiện chiến nhất của triều đình đi giao chiến với quân Anh. Kết quả bị súng to pháo lớn của đối phương đánh cho tan tác tơi bời. Chỉ còn có 7 người, 7 ngựa theo Tăng Cách Lâm Tẩm chạy tháo thân về tới kinh thành.

Tất cả những cái đó đều nói lên rằng, Trung Quốc lạc hậu so với các nước khác. Tình trạng lạc hậu đó là do chế độ chuyên chế của xã hội phong kiến Trung Quốc. Đặc trưng của chế độ chuyên chế là ai nắm được hoàng quyền thì cả đất nước sẽ là tài sản riêng của mình, người ấy muốn sao phải vậy.

 

CHỈ SỢ LÀM ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG,

ĐI TÌM CƠ HỘI CẠNH TRANH CAO

Được sự chỉ bảo của cha mẹ, Đình Nhi tiến bộ rất nhanh, cuối học kỳ I lớp 4 này chắc chắn sẽ đứng đầu lớp. Chính lúc ấy, cái “lớp 4 vô kỷ luật” của cháu lại ngày càng quậy phá hơn. Vào đầu năm học, nhà trường đã điều một cô giáo dạy văn rất có năng lực về làm chủ nhiệm lớp 4 này. Đến đầu học kỳ II, nhà trường lại bố trí cô thêm chức trưởng phòng hành chính. Các phụ huynh học sinh đều cho như vậy là nhà trường đã bỏ lửng lớp này.

Chúng tôi rất hiểu, do trình độ chung đều thấp, sự “đứng đầu lớp” của Đình Nhi có lẽ chỉ tương đương với các cháu đứng thứ 20 của các trường trọng điểm. Muốn kích thích Đình Nhi có được tiến bộ lớn hơn nữa, cần phải đặt Đình Nhi trong một môi trường có sự cạnh tranh ở trình độ cao hơn. Thế là chúng tôi bắt đầu phải nghĩ đến việc bỏ tiền ra chạy chuyển trường cho cháu. Dù cho là không gặp được thầy giỏi hơn, nhưng ít nhất cũng phải chọn cho cháu một trường gần nhà, mỗi ngày sẽ tiết kiệm được hai giờ đi lại, dành cho cháu tự rèn luyện. Như vậy, cũng đã có lợi cho cháu khá nhiều.

Rất may, vào một ngày cuối tuần, Ương Ương lại đến nhà tôi chơi. Tôi hỏi thăm cháu tình hình học tập, cháu vui vẻ và tự hào nói với tôi: cô giáo chủ nhiệm, Liệu Lệ Quỳnh, là một chủ nhiệm rất giỏi. Lớp cháu được công nhận là “Tập thể ưu tú”, lớp cháu có hai bạn vừa chuyển trường đi… Ương Ương rất thích nhân cơ hội này Lưu Diệc Đình chuyển đến học cùng lớp với cháu.

Trương Hân Vũ vẫn có thói quen “gặp cơ hội tốt không bao giờ bỏ lỡ”. Thế là anh bảo tôi phải lập tức đến nhà Ương Ương để tìm hiểu thêm. Cha mẹ Ương Ương ca ngợi cô chủ nhiệm hết lời. Trương Hân Vũ sau khi nghe tôi kể lại, lập tức quyết định: phải tìm ngay và gặp cô giáo Liệu. Được sự giúp đỡ rất tận tình của cha mẹ cháu Ương Ương, của cô chủ nhiệm Liệu Lệ Quỳnh và cô giáo Lưu Huệ Anh, Trường tiểu học Sở Thương Nghiệp chỉ thu của chúng tôi chút ít tiền lệ phí chuyển trường có tính chất tượng trưng. Và thế là ngay tuần sau Đình Nhi đã được theo học lớp cô giáo Liệu.

Việc chuyển trường lần này có ý nghĩa quan trọng về mặt tâm lý của Đình Nhi, kết quả kiểm tra lần đầu ở lớp mới, Đình Nhi được xếp thứ 17 trong cả lớp. Kết quả đó đã minh chứng cho lời nói của ba mẹ trước đây là đúng: học giỏi số 1 ở “lớp vô kỷ luật” cũng chỉ là “ếch ngồi đáy giếng”.

Hiểu được điều đó, Đình Nhi sẽ biết được tự cao tự mãn là một thói xấu đáng chê. Sau này, đã nhiều lần, Đình Nhi giành được những thành tích mà những người bình thường sẽ thấy rất kiêu hãnh, nhưng cháu không hề bị tính tự kiêu ấy làm cho mờ mắt. Bởi cháu đã quá quen thuộc với quan niệm: “Coi tất cả những thành tích mình giành được mới chỉ là con số 0”. Chỉ có vậy, mới tự thúc đẩy phải cố gắng vươn lên trong những cuộc cạnh tranh ở mức độ cao hơn. Trường tiểu học Sở Thương nghiệp là trung tâm đào tạo học sinh xuất sắc để tham dự các cuộc thi toán Olympic. Đây là kho báu tri thức mà trước khi chuyển trường, Đình Nhi chưa hề biết đến. Sau khi chuyển trường chúng tôi động viên cháu hãy mau chóng nộp đơn xin nhà trường cho vào học lớp đào tạo đặc biệt này. Các thầy cô giáo đều ngạc nhiên: “Hiếm có học sinh ham học như thế này”. Được cô giáo Liệu giới thiệu, thầy Ngô Xuân Dung chủ nhiệm lớp chuyên toán đặc cách tiếp nhận Đình Nhi, vì lớp này đã đào tạo học sinh giỏi ngay từ lớp 2.

Học tập có cường độ có sức hấp dẫn lớn đối với Đình Nhi, việc hướng dẫn cho Đình Nhi về môn vật lý, ba cũng phải vận dụng đến những khả năng sở trường của mình. Chỉ ít lâu sau (cũng giống như Hoa La Canh năm xưa đã đoạt giải “cúp vàng” môn toán thời tiểu học), Đình Nhi lao vào cuộc tranh tài, và kết quả thật bất ngờ: cháu đã đoạt “giải nhất cuộc thi chuyên toán lớp 4”. Lúc bấy giờ tôi còn đang ở bệnh viện Hồ Bắc, chăm sóc mẹ tôi vừa bị mổ khối u trực tràng. Được tin cháu đoạt giải cao, mẹ tôi vui mừng nói: “Đây quả là một liều thuốc đặc hiệu đối với mẹ!”

Có thể nói, chuyển trường và được vào lớp chuyên là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của Đình Nhi. Mặc dù lúc bấy giờ vẫn chưa thể tiên đoán được mọi sự việc sau này, nhưng theo bản năng tôi đã dự cảm được sự phát triển trí lực của Đình Nhi sẽ có bước đột phá quan trọng.

Giải nhất của cuộc thi chuyên toán đã kích thích mạnh mẽ hứng thú học toán của Đình Nhi. Từ đó về sau, ngoài thời gian tất yếu để học văn học ra, Đình Nhi đã dồn phần lớn thời gian cho môn toán với tất cả sự say mê hứng thú. Chúng tôi luôn coi trọng sự cố gắng về mặt này của Đình Nhi. Mặc dù ở trường Đại học, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là những chuyên khoa tách biệt, nhưng ba vẫn luôn nhấn mạnh rằng: những học sinh nào giỏi cả về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, mới có tiền đồ rộng mở. Huống chi khi thi vào bậc sơ trung, bắt buộc Đình Nhi phải thật giỏi về môn toán, có vậy mới mở được cánh cửa để bước vào các trường trung học trọng điểm.

Việc học tập tại các trường chuyên lớp chọn thực sự là một điển hình cạnh tranh ở trình độ cao, nhất là cuộc đào thải nghiệt ngã cuối lớp 5. Phạm vi cạnh tranh đã vượt ra khỏi cấp nhà trường, nó là cuộc đua tranh giữa các học sinh xuất sắc trong toàn khu vực. Đình Nhi tuy chỉ là một học sinh “giữa đường nhập cuộc” so với các bạn bè trong lớp chuyên, học chậm mất 2 năm 6 tháng, nhưng về môn toán, trong các cuộc thi toán toàn quốc tổ chức vào học kỳ II năm lớp 6, Đình Nhi đã đoạt giải nhì toàn thành phố Thành Đô và đoạt giải ba toàn tỉnh Tứ Xuyên. Một lần nữa lại chứng minh cho câu nói “khổ luyện, tất sẽ thành tài”.

Công sức của Đình Nhi với môn toán trường chuyên, đã được đền đáp. Từ đó, cháu học tiến bộ rất nhanh, thắng hầu hết các đối thủ trong kỳ thi vào sơ trung, đi thẳng vào trường trung học trọng điểm, ngay trong khi học trung học điểm số các môn học đều được xếp loại ưu.

Hiện nay, tại Đại học Harvard, tuy môn Anh văn vẫn chưa bằng các bạn người Mỹ, nhưng kết quả học tập các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên vẫn vững vàng đứng ở loại giỏi.

 

HỌC TẬP ÔNG BA KIM - CHỮA VĂN TỈ MỈ VÀ THẬN TRỌNG

Cũng giống như toán học, văn học cũng cần có một sự tích tụ lâu dài, nhưng cũng có những kỹ năng có thể đạt được thông qua việc luyện tập chuyên biệt. Để nâng cao hiệu quả, ba yêu cầu Đình Nhi phải triệt để sử dụng biện pháp làm văn miệng. Như vậy, với thời gian làm một bài văn viết, cháu có thể làm được gần chục bài văn miệng. Những bài luyện tập: viết đề cương, tìm chủ đề, miêu tả chi tiết, miêu tả toàn cảnh… Đình Nhi chủ yếu dùng phương thức làm văn miệng, trong suốt cả 3 năm bậc sơ trung.

Trước khi Đình Nhi chuyển trường, tôi đã cho cháu ghi tên tham dự các cuộc “thi tập làm văn cấp tiểu học, cúp Ba Kim”. Tôi dẫn cháu đi thăm “Viện bảo tàng Ba Kim” để cháu tham quan và tìm đề tài để viết. Tuy sau này do chuyển trường cháu đã không ghi tên đăng ký lại nữa, đã mất tư cách dự thi, nhưng những gì tôi chuẩn bị cho cháu trước đây, vẫn có tác dụng bất ngờ: những nét bút chữa văn tỉ mỉ và thận trọng trên những trang bản thảo của Ba Kim đã khiến Đình Nhi xua tan được ý nghĩ: rất ghét rà soát và chữa lại những bài văn đã làm. Một trong những bài văn chuẩn bị gửi đi dự thi của Đình Nhi là bài “Bức thư gửi ông Ba Kim” viết về quá trình chuyển biến tư tưởng của mình.

Ông Ba Kim vô cùng kính yêu!

Thưa ông!

Cháu tên là Lưu Diệc Đình, học lớp 4B trường tiểu học… thành phố Thành Đô. Qua bức thư ông gửi cho các bạn nhỏ ở quê, cháu được biết ông đang ốm nặng, không biết ông đã đỡ chưa? Là một đồng hương bé bỏng, một độc giả nhỏ tuổi của ông, cháu mong ông khoẻ mạnh để sớm trở về nhìn quê hương ngày một đổi mới!

Hôm nay, viết gửi ông lá thư này, cháu muốn nói với ông một điều “bí mật”.

Cháu có một khuyết điểm là rất ghét chữa các bài tập làm văn. Thế mà mẹ cháu lại cứ bắt cháu phải soát lại nhiều lần và sửa chữa, thật chán chết đi được! Có một lần nháp văn, cháu dứt khoát không chịu viết cách dòng, để mẹ cháu hết chỗ mà bắt sửa. Đương nhiên, cuối cùng cháu không thể không viết lại bài văn đó theo yêu cầu của mẹ. Nhưng trong lòng vẫn ấm ức, cháu nghĩ thầm: bản nháp đó chữa hay không chữa cũng chẳng làm sao! Nhưng cháu đã thực sự nhận ra cái sai của mình từ sau khi cháu được tận mắt nhìn thấy các trang bản thảo của ông ở Tuệ Viên.

Hôm đó, tại ngôi nhà Tử Vi Đường cổ kính trong vườn Tuệ Viên, cháu đã nhìn thấy tập bản thảo của ông viết bài “Thay lời kết” trong tập ký sự “Tuỳ tưởng lục” của ông, bày trong tủ kính. Trên những trang bản thảo ấy có rất nhiều chỗ ông đã tự sửa lại câu văn, điều đó làm cho cháu ngạc nhiên, nghĩ bụng: “Sao một nhà văn lớn như ông viết văn cũng cần phải sửa à?” Cháu tò mò lật giở  xem ông đã chữa văn như thế nào. Cháu thấy có chỗ ban đầu ông viết là: “Tôi tự nói với mình…” sau đó sửa lại là: “Tôi phải tự an ủi mình…” Lại một chỗ khác ông đã viết: “Tôi viết rồi lại dừng, cuối cùng…” được sửa lại là: “Tôi viết rồi lại dừng, dừng rồi lại viết, và cuối cùng…” Những câu văn đã sửa rồi, rõ ràng chuẩn xác hơn, sinh động hơn những câu cũ. Cháu đếm thử, trong số trang bản thảo chỉ có 15 dòng, mà ông sửa tới 10 chỗ. Con số này đã làm cháu suy nghĩ rất nhiều. Khi ấy qua những tấm ảnh giới thiệu về cuộc đời ông, cháu đã được biết, ông đã là một nhà văn nổi tiếng có một thành tựu văn chương đồ sộ. Ông đã mấy lần được nhận giải thưởng văn học quốc tế, thế mà đối với văn của mình ông vẫn còn luôn cẩn trọng tỉ mỉ như vậy, còn cháu mới chỉ là một học sinh lớp 4, đang trong thời kỳ cần phải khắc khổ luyện rèn, thế mà cháu viết tập làm văn đã lười tự sửa. Như vậy thì sao có thể thành tài được? Nghĩ đến đây, cháu tự thấy xấu hổ ông ạ.

Từ bấy đến nay, cháu không còn thấy chán công việc sửa văn nữa, những bài tập làm văn của cháu có tiến bộ rõ ràng. Các thầy cô giáo vẫn thường xuyên động viên cháu, còn giới thiệu những bài hay của cháu, gửi đi xin đăng ở chuyên mục “Vườn ươm” trên tờ “Tin buổi tối của Thành Đô”. Nếu bài của cháu được đăng, cháu nhất định sẽ biếu ông tờ báo ấy.

Thưa ông Ba Kim! Ông cố gắng giữ gìn sức khoẻ, đợi tin vui mới của một đứa cháu nhỏ bé ở quê hương, ông nhé!

Kính chúc ông ăn Tết vui vẻ, khoẻ mạnh dài lâu!

Ngày 12 tháng giêng năm 1991

Cháu của ông

Lưu Diệc Đình

Có ý muốn sửa văn, Đình Nhi bỗng cảm thấy vốn từ ngữ của mình sao mà nghèo nàn quá vậy, nhất là khi miêu tả hành động và tâm lý nhân vật. Nhiều lúc cháu đã ra sức cầu xin để được “vay” của mẹ mấy từ cốt sửa câu văn của mình được vừa ý. Tôi bảo cháu: “Con đã tự cảm thấy kho từ vựng của con thật là thiếu thốn, thế sao con không chịu khó nhập hàng?” Đình Nhi vui vẻ nói: “Hay quá, mẹ bảo ngay cho con cách nhập hàng đi!”

Tôi tìm được cuốn “Kỹ xảo viết văn” mà ông ngoại mua tặng tôi từ lâu, bảo Đình Nhi hãy đọc phần bảng từ ngữ sắp xếp theo từng loại trong sách đó. Đọc đến bảng “Thán từ”, Đình Nhi đã phải kinh ngạc trước sự phong phú, tế nhị và truyền cảm tốt của loại từ này. Tôi bảo cháu: “Chỉ cần con thường xuyên cần cù tích luỹ thì chỉ mấy năm sau, vốn từ của con có khi còn nhiều hơn cả trong sách này đấy! Cái nào dùng trước, học trước, các bài tập làm văn ở trường tiểu học chủ yếu là kể chuyện và tả người, vậy thì trong đầu mình phải tích luỹ chuẩn bị trước các loại từ ngữ về mặt này. Có vậy, con sẽ không thấy bí từ khi viết văn”.

Trong kỳ nghỉ đông năm 1991, Đình Nhi đã lấy thời gian viết nhật ký của mấy ngày liền để tích luỹ từ ngữ miêu tả nhân vật. Trong mấy ngày đó, Đình Nhi đã chép được hơn mười trang các từ thuộc loại này.

Cô giáo Ngô cũng đã nói với Đình Nhi: “Bài tập làm văn của học sinh tiểu học chủ yếu để rèn luyện cách vận dụng từ ngữ, không sợ dùng chưa chuẩn xác, mà chỉ sợ vốn từ quá thiếu mà thôi. Từ dùng chưa chính xác thì học lên sơ trung còn phải luyện cho thật hoàn hảo, nếu trong bụng mình chẳng có lấy mấy từ, thử hỏi lấy gì mà luyện?”

 

RỜI KHỎI CỔNG TRƯỜNG,

ĐI NÔNG THÔN, LUYỆN TẬP QUAN SÁT

 

Kỳ thi cuối học kỳ I sau khi chuyển trường, trong bảng xếp hạng, Đình Nhi từ số 17 đã lên đến số 3. Được học lớp chuyên, về môn toán, Đình Nhi đã vươn lên vượt bậc, còn môn văn cũng có những tiến bộ rõ rệt, đó là nhờ sự dẫn dắt của cô giáo Liệu.

Chúng tôi cho rằng, chất lượng dạy học của trường tiểu học khu Thương nghiệp này, cùng với kết quả học năm lớp 4 của Đình Nhi, đã chứng tỏ việc học tập của Đình Nhi đang đi vào quỹ đạo. Trọng tâm của những bước bồi dưỡng tiếp theo là phải chuyển sang mở rộng tầm mắt và tăng cường tri thức xã hội cho Đình Nhi, để tạo cơ sở cho cháu có những bước phát triển tăng tốc sau này.

Trong dịp hè lớp 4 của Đình Nhi, báo chí có đăng tin “Ở ngoại ô Thành đô, gần đây đã hình thành một cánh đồng trồng hoa tươi để cung cấp cho thành phố. Chúng tôi quyết định nhân nghỉ hè cho Đình Nhi đi tham quan những làng trồng hoa giàu chất thi tình hoạ ý đó, để cháu được tận mắt nhìn thấy quang cảnh sinh hoạt của làng hoa ven đô, thu thập một chút tài liệu để làm văn”.

Buổi chiều đi thăm làng hoa đáng nhớ đó đã được ghi lại một cách sinh động và chân thực trong cuốn nhật ký của ĐÌnh Nhi.

 

Ngày 4 tháng 7 năm 1991

Cuộc du hành về làng hoa ven đô

Nghỉ hè tôi và ba mẹ cùng về làng hoa Tam Thánh để ngắm hoa. Tại đây chúng tôi đã gặp được những con người hiếu khách nhiệt tình, và cũng biết được nhiều điều mới lạ, kiến thức của tôi được mở rộng rất nhiều.

Bác nông dân làng hoa

Chúng tôi xuống xe tại Cao Điếm Tử (một dãy phố thuộc làng Tam Thánh) nhìn ra bốn phía, chỉ thấy mấy quán nhỏ lèo tèo bày bán mấy thứ hoa quả lặt vặt như mận, lê và dưa hấu, trên vách liếp của một quán có dán một tờ quảng cáo: thu mua hoa bạch lan nhưng chẳng thấy có một bông hoa nào. Như “phát hiện ra một châu lục mới” tôi mừng rỡ kéo áo mẹ: “Mẹ ơi! Ở  kia bán hoa kìa!” Nói xong, tôi liền chạy vội về phía đó, ba mẹ cũng vội rảo bước đi theo. Ba hỏi cô hàng hoa: “Chị làm ơn cho hỏi ruộng hoa ở chỗ nào ạ?” Cô nói: “Cứ theo con đường này đi chừng năm trăm mét là đến”. Đi chừng non nửa tiếng, chúng tôi đã ra khỏi dãy phố đó, bốn xung quanh là những thửa ruộng rau quả đã xanh rờn, chỉ có điều không thấy hoa đâu. Chúng tôi bàn bạc với nhau xem nên tiếp tục đi hay quay trở về.

Vừa lúc ấy, một bác nông dân ăn mặc xuyềnh xoàng, tay xách làn rau vượt qua bên cạnh chúng tôi: “Chắc các bác đến xem hoa phải không?” Tôi vội trả lời: “Đúng đấy bác ạ! Nhưng làm sao không thấy có hoa?” Bác nói: “Các bác đến không đúng lúc rồi, phải sáng sớm cơ, sáng sớm hoa mới nhiều!” Mẹ lại hỏi: “Thế ruộng hoa ở chỗ nào ạ?” Bác nông dân trả lời: “Ở đây là đội trồng rau, không được trồng hoa, trồng hoa là bị phạt đấy!” Tôi vừa nghe đã thấy buồn cười: “Hừ, ở nhà quê thật lắm chuyện lạ lùng, trồng hoa mà cũng bị phạt”. Ba bảo tôi: “Như thế gọi là kinh tế kế hoạch, con thử nghĩ xem, nếu đất để trồng rau đem ra trồng hoa cả, thì người thành phố lấy rau đâu ra mà ăn?” Tôi hiểu ra, liền bật cười. Mẹ lại hỏi lại bác nông dân: “Thế sao báo chí vẫn nói rằng đây là làng hoa, mà hoa được bày bán ở Thành Đô, phần lớn từ đây chuyển đến cơ mà?” Bác nông dân nói: “Còn một đội nữa chuyên trồng lúa, hoa ở đây là do đội ấy trồng ra. Nhà tôi thuộc đội trồng hoa đấy”. Tôi vội hỏi: “Vậy chắc chắn, bác phải biết cánh đồng hoa ở chỗ nào chứ ạ?” Bác trả lời: “Dĩ nhiên tôi biết, cứ theo khúc đường này đi xuống, theo mấy cái người kia kìa, thì đến thôn Hạnh Phúc, đội trồng lúa ở trong thôn Hạnh Phúc đấy”. Tôi thấy thú vị: gọi đường là khúc, gọi người là cái, thật hay! Nhưng tôi không dám nói ra, chỉ cười nhoẻn với bác: “Cám ơn bác đã chỉ đường ạ!” Bác nông dân thích lắm liền nói: “Bác cho cháu mấy bông hoa này!” Nói rồi bác đặt làn xuống đất, chọn ra bốn bông hoàng lan sực nức hương thơm, đưa cho tôi và nói: “Kiếm một cái lá to mà đặt vào cho nó tươi”. Ba vội vàng chạy xuống ven đường ngắt được một tàu lá vừa to vừa xanh biếc đưa cho mẹ, mẹ cẩn thận gói mấy bông hoa đó lại rồi đưa cho tôi. Mẹ rất cảm động, thấy cái làn trong tay bác nông dân chất đầy cà chua, rất nặng, liền nói: “Bác để tôi xách giúp một tay!” Nói xong, liền đỡ lấy cái làn trong tay bác. Bác nông dân vui mừng nói: “Hai bác khách sáo quá!”

Sau khi chia tay với bác nông dân, mẹ nói với tôi: “Người nhà quê chất phác hơn những người thành phố. Con thấy không, bác nông dân vui vẻ cho chúng ta mấy bông hoa, thế mà chúng ta không nghĩ đến việc chủ động trước xách làn cho bác”. “Phải đấy!”, tôi và ba cùng nói.

Những con người và sự việc sau này chúng tôi đã gặp được cũng đã chứng thực cho điều đó.

 

Ngày 8 tháng 7, tiếp theo

Tặng phẩm bất ngờ

Chúng tôi vội vã trở về nhà, dọc đường gặp mấy thửa ruộng trồng toàn cúc đại đoá, dù đang vội mấy, tôi không thể không đứng lại ngắm nhìn. Hoa cúc đại đoá thật là đẹp! Trên mỗi cánh hoa màu vàng sắc đỏ, cánh hoa mềm mại rực rỡ, lung linh. Quả là một vẻ đẹp mê người. Tôi lắc tay mẹ: “Mẹ ơi! Con xin mẹ, mẹ mua cho con một bông, to nhất, đỏ nhất kia kìa, chỉ một bông thôi”. Mẹ suy nghĩ một lát rồi nói: “Thực ra, mẹ không phải không muốn mua cho con, nhưng thông thường, những người bán hàng khi thấy trẻ con thích thì họ thường hay nâng giá đến mức vô lý, vì cha mẹ nào mà chẳng chiều con, đắt mấy cũng phải mua. Thế nhưng, con thích thì mẹ vẫn cứ mua cho con một bông”.

Tôi hỏi cô chủ đang hí húi vun trồng lên một luống đất mới: “Cô ơi! Cúc đại đoá bao nhiêu một bông ạ?” Cô ngẩng đầu nhìn tôi, rồi ôn tồn nói: “Cháu cứ hái lấy mấy bông đi!” Nói xong cô lại tiếp tục cắm cúi làm việc. Tôi và mẹ cứ ngây ra đứng trên bờ, chẳng hiểu thế nào, kỳ thực còn chưa tin ở tai mình. Cô ngẩng đầu lên, thấy chúng tôi không hề nhúc nhích, cô giục: “Cứ xuống hái đi cháu!” Bây giờ tôi mới chợt hiểu ra, mừng rỡ chạy xuống ruộng hoa, hái liền mấy bông tôi thích nhất.

Cô chủ vẫy tay bảo tôi: “Lại đằng này, cháu!” Nói rồi, cô liền sang luống bên cạnh, tôi tung tăng chạy theo. Cô hái cho tôi ba bông lớn, một bông vàng, hai bông đỏ. Tôi cầm hoa trên tay sung sướng như bắt được vàng. Những bông hoa này, cánh hoa dày xít chồng lên nhau, sắc hoa rực rỡ, mỗi cánh hoa mềm mại đều như cố vươn dài ra khoe sắc, trông thật đẹp. Thấy tôi thích quá, cô chủ lại nói: “Cho cháu tự chọn, hái lấy một bông cháu thích nhất”. Tôi mừng ra mặt, ngắm nghía hồi lâu, tôi chọn hái một bông vàng rực. Bông hoa này còn chưa nở hết, ở giữa bông vẫn còn màu đỏ thẫm, những cánh hoa đã bung ra thì màu vàng rực, sự hoà quyện giữa hai màu vàng, đỏ thật là đẹp mắt. Tôi đã vui vẻ nói rất nhiều lời cảm ơn cô chủ ruộng hoa tốt bụng đó.

Trên đường về, chúng tôi cứ tấm tắc khen hoài: Những con người ở đây tốt thật, đã cho hoa lại còn vui vẻ nhiệt tình. Giá như ở thành phố, những dịp như thế này, chắc họ phải “bóp” mình lè lưỡi. “Người nhà quê quả thực là thật thà chất phác!”

Sau này, những bông cúc đại đoá kia tàn rồi, nhưng mỗi khi nghĩ về người nhà quê, những đoá hoa trong lòng tôi thì cứ mãi mãi nở rực rỡ và toả hương thơm ngát!

 

SAY SƯA HỌC VÀ RÈN, NHƯNG KHÔNG ĐỂ MẤT TUỔI THƠ

 

Tích luỹ và chuẩn bị tri thức và kinh nghiệm cho một tương lai tốt đẹp của Đình Nhi, chúng tôi luôn kiên trì theo hai nguyên tắc: 1. Về thời gian: Thời gian ngắn nhất, hiệu suất cao nhất; 2. Về phương thức: ưu tiên đặc tính tuổi nhi đồng.

Hai nguyên tắc này làm Đình Nhi luôn biết kết hợp hết sức chặt chẽ giữa học và chơi. Ngay từ nhỏ, Đình Nhi đã hiếm khi chơi những trò chơi vô bổ; các trò chơi của cháu không nhằm để rèn luyện sức khoẻ thì cũng nhằm rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho học tập. Điều này cũng không hề trở ngại đến việc vui chơi thoả thích của Đình Nhi, trái lại càng làm cho tuổi thơ của Đình Nhi đầy ý nghĩa.

Hãy xem Đình Nhi đã vui chơi như thế nào, ta sẽ thấy, mặc dầu đã có sự tinh khôn già dặn hơn các bạn cùng trang lứa về trí lực, nhưng Đình Nhi vẫn là một đứa trẻ ngây thơ hồn hậu.

Ngày 15 tháng 7 (Khi 10 tuổi)

Vật yêu quý của tôi

Trong cuộc du hành về làng hoa Tam Thánh vừa qua, tôi đã bắt được một chú cánh cam to bằng đầu ngón tay cái người lớn trên cánh đồng trồng hoa. Đây là con cánh cam màu xanh đồng. Đầu xanh biếc và bóng loáng, lưng màu nâu thẫm, lấm tấm điểm những nốt hoa màu nâu nhạt. Cả tấm lưng hình bầu dục ấy óng ánh đồng thau mỗi khi có tia nắng mặt trời chiếu rọi. Tôi tra từ điển “Từ hải” được biết “cánh cam thuộc loài côn trùng cánh cứng, khác với ong mật là loài côn trùng cánh mềm”.

Khi về đến nhà, tôi liền lấy một sợi chỉ màu xanh nhạt buộc chặt ngang lưng cánh cam ở đoạn giữa chân thứ nhất và đôi chân thứ hai, để cho nó khỏi bay đi mất. Mỗi khi cánh cam bay, trước tiên nó mở rộng đôi cánh cứng, đôi cánh mềm bên trong tiếp tục vươn ra, giống như hai lưỡi kiếm được rút ra khỏi vỏ. Tôi nắm chặt đầu dây, cho cánh cam tự do bay lượn. Mẹ nhìn thấy, bật cười: “Cả ngày chỉ chơi với cánh cam, cứ làm như con cánh cam là một thứ “ngựa bay thần thoại” ấy!” Tôi thích chí: “Đúng, đúng, nó là “con ngựa bay”, là “con ngựa bay” mẹ ạ!”

Buổi sớm mỗi ngày, tôi đều “chăm ngựa” ở trên sân thượng. Tôi thả “ngựa” từ trên tầng ba xuống, nếu dây không đủ thì nối thêm cho “ngựa xuống ăn cỏ” ở vườn hoa dưới tầng một. Đến tối, tôi cho cánh cam vào ở trong bồn hoa thập tam thái bảo, đây là cung điện của cánh cam. Nó thích chí lắm, cứ bò đi bò lại, đói thì ăn cánh hoa, khát lại uống nhựa cây ở đó.

Có lần con cánh cam tự nhiên biến mất, tôi sợ quá, nghĩ rằng nó đã bay đi rồi, hoặc đã chết, vội vàng đi tìm khắp nơi. Cuối cùng tôi đã tìm thấy nó trên đệm xa-lông, con cánh cam đang ung dung nhàn hạ dạo chơi ở đó. Tôi thở phào nhẹ nhõm. “Sao nó lại ở đây thế nhỉ?” Tôi nghĩ kỹ cái hốc khe tường, rồi quên không cất đi, khi bật đèn, cánh cam thấy ánh sáng liền bò ra. Đây là “con ngựa quý” của tôi, nó đã đem lại cho tôi nhiều điều thú vị!

 

Ngày 23 tháng 7

Cãi nhau

Trong đợt nghỉ hè này, có một ngày trong lòng tôi bỗng nổ ra một cuộc cãi vã kịch liệt, giữa một bên là “ông dục vọng” và bên kia là “ông lý trí”.

“Ông dục vọng” gây sự trước: “Cháu thật là bất hạnh, nghỉ hè rồi mà vẫn cứ vùi đầu làm bài văn, viết chữ, học bù lại những kiến thức từ lớp chuyên toán Olympic mấy năm về trước. Tội gì mà như thế, đi chơi có hơn không?”

“Ông lý trí” cãi lại: “Nếu cháu cứ đi chơi, vậy thì còn cái mục tiêu vào trường chuyên Olympic thì sao? Lẽ nào cháu lại không muốn trở thành một học sinh xuất sắc hay sao? Lẽ nào cháu không thích thi đạt 100 điểm hay sao? Thôi, ngồi xuống học đi”.

“Ông dục vọng” nói: “Này, đừng có dụ dỗ nó vào con đường thiên thẹo đó. Ngươi thấy không, những học sinh khác chỉ thi được 80 điểm, mà họ đã chơi đùa xả láng, thế mà cô chủ nhỏ của chúng ta, thi toán được những 99 điểm, có lý do gì mà lại không được chơi bời thoải mái. Nghỉ hè có nghĩa là “ngủ cho đã, chơi cho thỏa” kia mà!”

“Chà chà! Thật là… Cô chủ, cô đừng nghe lão ấy nói láo đấy!” “Ông lý trí” khuyên tôi.

“Ai nói láo! Ai nói láo! Ông nói láo thì có. Nghỉ hè, học sinh nào chẳng đi chơi, tại sao cô chủ nhỏ của chúng ta lại không được đi chơi?” – “Ông dục vọng nói”

“Ông lý trí” cũng chẳng chịu thua kém: “Học là chính, chơi là phụ. Cô chủ nhỏ, mấy năm nay cô đã học khá căng thẳng, học đến mức tưởng chừng như không có thời gian để thở, vậy mà cô vẫn chưa bị bài vở dìm cho đến chết. Cô cũng phải cố học nhiều hơn nữa. Sau này mới trở thành con người có ích cho đất nước”.

Đến đây “ông dục vọng” bí quá, không còn biết nói thế nào nữa, ông hét lên: “Không biết, đây không thèm biết, đây chỉ biết rằng phải ăn chơi, ăn chơi mới là sành điệu!”

Họ cứ thế tranh cãi nhau, cuối cùng cũng chẳng đi đến kết quả gì. Còn tôi, quả thực chưa biết nghe ai. Tôi viết cuộc tranh cãi ấy ra đây, mong các bạn xem xét: ai đúng ai sai?

Thực ra Đình Nhi đã có câu trả lời dứt khoát rồi. Có một số bạn bè đã chê cười Đình Nhi là sống mất tự do, không được thích chơi là chơi. Đình Nhi đã trả lời: “Bây giờ các bạn được tự do, suốt ngày lêu lổng chơi bời, tôi e rằng mai kia các bạn có muốn chơi cũng không được, còn tôi tuy bây giờ không được chơi thoải mái, nhưng sau này tôi lại thoải mái mà chơi”.

 

TRƯỚC HÃY LÀM “BẠN” CỦA CON,

SAU ĐÓ MỚI CÓ THỂ LÀM “THẦY” CỦA CON

 Năm 1991, khi Đình Nhi mới có 10 tuổi, kế hoạch bồi dưỡng Đình Nhi của chúng tôi đã gặp phải một sự quậy phá ghê gớm và bất ngờ: những tập truyện tranh Đô-rê-mon của Nhật Bản như một bầy sâu bệnh khổng lồ ào ạt tràn vào thị trường sách Trung Quốc. Hầu như tất cả các học sinh tiểu học Trung Quốc đều mê mẩn đến quên ăn quên ngủ trước những tập truyện tranh hoang đường ấy của Nhật. Những tập sách truyện cho thiếu nhi truyền thống của Trung Quốc bị nó đánh cho tơi tả. Đình Nhi cũng bị cuốn theo trào lưu ấy. Tình cảnh “văn hoá bị chìm đắm” ấy qua nhật ký của ĐÌnh Nhi chúng ta cũng có thể thấy được đôi phần.

Ngày 8 tháng 8

Cả lớp tôi đều say mê võ sỹ tí hon

Ở học kỳ II lớp 4 này, trên sạp hàng các quầy sách lớn nhỏ khắp trong thành phố, đâu đâu cũng nhan nhản bày bán các bộ truyện tranh Đô-rê-mon nhiều tập, một loại truyện khoa học viễn tưởng đầy tính huyền thoại của Nhật Bản. Nhiều nhất là bộ truyện “Những võ sĩ tí hon của nữ thần”. Chuyện kể rằng, bên cạnh nữ thần Atenô luôn có một đoàn thiếu niên dũng cảm bảo vệ bà, họ là những võ sĩ tý hon. Mỗi võ sĩ đều có một vì tinh tú của riêng mình và một bộ áo thần để bảo vệ những vì tinh tú đó. Võ sĩ nào cũng có những sở trường độc đáo về võ nghệ. Trong truyện có năm nhân vật chính, cả năm nhân vật đều có sở trường riêng. Tinh Thỉ có bài quyền “ngựa sao băng”, Nhất Huy có bài quyền “phượng hoàng bay huyền ảo”, Băng Hà có “cú đấm thôi sơn”, Tử Long có bài võ “rồng lên đỉnh núi”, còn Thuấn thì có “sợi dây xích vô địch”.

Xem xong bộ truyện tranh “Những võ sĩ tí hon của nữ thần” ấy, các bạn trai ở lớp tôi ai cũng thấy mê. Đi đâu họ cũng vung chân, múa tay hò hét “Thiên mã sao băng” đây! – “Hãy nếm thử cú đấm thôi sơn này!” – “Đây là phượng hoàng bay”… Họ tháo khăn đỏ trên cổ ra, bảo rằng đây là “sợi dây vô địch” của Thuấn, rồi hai tay quay tít thò lò, rồi lại nhảy băng về phía trước, bảo là “phượng hoàng bay lượn”, nắm chặt lấy tay đấm vòng một quả, thế bảo là “rồng lên đỉnh núi”…

Thật ra, không chỉ có các bạn trai mê Đô-rê-mon, mà ngay cả các bạn gái, vốn xưa nay rất ghét chuyện đấm đá, thế mà cũng bị hàng loạt tập truyện tranh Đô-rê-mon như “Ba chị em mắt mèo” hoặc “Con gái của dòng sông Nêla”… chiếm lĩnh cả tâm hồn. Đình Nhi cũng rất nhiệt tình giới thiệu với tôi mấy bộ truyện tranh Nhật Bản kiểu như vậy, hy vọng tôi cũng sẽ chia vui với cháu trong niềm say mê những cuốn truyện tranh Nhật Bản ấy.

Đây là lần đầu tiên Đình Nhi đã say mê những cuốn sách ngoài phạm vi giới thiệu của tôi, nếu tôi xử lý không tốt, chắc chắn giữa tôi và Đình Nhi sẽ xuất hiện một hố sâu ngăn cách đầu tiên, biết đâu từ đó sẽ làm gián đoạn luôn cả mọi sự giao lưu giữa hai mẹ con sau này. Đã thấy được tính nghiêm trọng của vấn đề, tôi quyết định dùng đối sách “làm bạn” với con trước, sau mới “làm thầy”. Chỉ có giữ được tiếng nói chung với con, thì mới có thể tìm cơ hội dẫn dắt con vào con đường đúng đắn. Thế là, cùng với sự say mê của con, tôi cũng tìm đọc kỹ khá nhiều bộ truyện tranh Nhật Bản.

Có thể nói rằng, những tập truyện tranh Nhật Bản này cả về hình thức lẫn nội dung đều có những cái hay và cái dở rất điển hình. (Hồi ấy còn chưa nhập vào hoặc in ấn trái phép các loại truyện tranh có tính chất khiêu dâm kích dục hoặc cổ vũ bạo lực của Nhật Bản). Điều làm tôi ngại nhất chính là truyện tranh Nhật Bản có một sức phá hoại cực lớn đối với thói quen đọc sách của trẻ con. Vì hình thức biểu hiện của nó là những bức tranh vẽ biến hoá vô cùng, và một thứ ngôn ngữ vừa giản đơn vừa công thức, hoàn toàn vứt bỏ ngôn ngữ kể chuyện mang tính kể chuyện chính xác và sinh động rất có lợi cho việc bồi dưỡng khả năng tư duy và khả năng biểu đạt của trẻ em. Xem các loại truyện này, trẻ em chỉ cần bám sát các từ tượng thanh ngắn như: “Ối!”, “Ái chà!” được thuyết minh ngay tại cửa miệng các nhân vật trong tranh để theo dõi tình tiết câu chuyện. Trong đầu óc các em, ngoài những tiếng kêu sặc mùi đấm đá như “Chém”, “Song phi”, “Tẩu mã”… hầu như chẳng giữ lại được một câu nói nào hoàn chỉnh. Tồi tệ hơn nữa là, những người xuất bản ra loại truyện tranh này lại chính là những “đại cao thủ” trong nghề buôn bán kinh doanh, họ chỉ bán với giá hai đồng một quyển, năm quyển một bộ, nội dung bộ trước có liên quan chặt chẽ với bộ sau, cứ như vậy họ đã vét sạch những đồng tiền lẻ trong túi trẻ con và cướp đi khoảng thời gian rất ít ỏi dành cho đọc truyện của lứa tuổi học trò. Nếu cứ kéo dài tình trạng như vậy, trình độ ngôn ngữ của dân tộc Trung Hoa sau này không nghèo nàn cằn cỗi đi mới là chuyện lạ.

Tôi tuy trong lòng rất lo, nhưng không ngăn cấm một cách thô bạo việc cháu thích xem truyện tranh Nhật Bản. Trái lại, còn tỏ ra rất thích thú, không hề có thành kiến cùng cháu bàn bạc về những nhân vật và tình tiết của những câu chuyện đó. Hơn nữa, tôi còn bảo cháu hãy lấy những câu chuyện đó làm đề tài cho nhật ký, nhân đó luyện tập cách miêu tả nhân vật và miêu tả cảnh tượng. Tôi coi việc này là một cách “tận dụng đồ bỏ đi” trước khi hoàn toàn vứt bỏ chúng.

Trong quá trình “phòng ngự tích cực” đó, tôi luôn tìm cơ hội để phản công. Sau mấy tháng, những món lợi nhuận kếch xù đã kích thích truyện tranh Nhật Bản ngày càng xuất hiện nhiều hơn, xuất bản bừa bãi hơn. Tôi chọn ra mấy cuốn có nhiều câu sai, chữ sai nhất chỉ ra cho Đình Nhi biết, đồng thời cũng liên hệ đến tình hình thực tế của Đình Nhi là gần đây viết nhật ký, những lỗi sai về câu chữ ngày càng nhiều. Đình Nhi thừa nhận và thán phục nói: “Mê đọc truyện tranh Nhật Bản, rõ ràng là làm cho trình độ ngữ văn ngày một sa sút, từ nay con không bao giờ đọc loại đó nữa”. Ngay hôm sau, mẹ con tôi nhặt nhạnh cả mấy chục quyển truyện tranh Nhật Bản đem bán cho bà hàng đồng nát. Sau này, cũng có đôi lần Đình Nhi mượn của bạn về xem, nhưng chỉ cần nhắc qua, là cháu không xem nữa, vì cháu thừa biết loại sách đó chẳng có tác dụng gì.

Ngay cả việc xem truyền hình và hát những bài hát đang được lưu hành cũng vậy, trước tiên tôi luôn phải là một “người bạn” rất biết đồng cảm với Đình Nhi, sau đó mới làm “quân sư” cho cháu được. Tôi luôn cố gắng để có một tiếng nói chung về sở thích và thị hiếu của cháu. Đối với trẻ con, quan tâm đến sở thích của chúng để nhận được sự đồng cảm hơn so với việc quan tâm đến lợi ích của chúng. Tôi và Đình Nhi cùng xem một bộ phim hoạt hình “Jeane Jackter”, vừa xem hai mẹ còn vừa bình luận với nhau, và rất tự nhiên cháu đã có một bài cảm nghĩ để viết vào nhật ký.

Cảm nghĩ sau khi xem phim “Jeane Jackter”… Sở dĩ Jeane Jackter như vậy là do Jeane đã xem quá nhiều các loại tiểu thuyết kiếm hiệp, xem lúc nào cũng đến mê mẩn cả người, rồi dẫn đến thần kinh thác loạn. Trước mắt Jeane lúc nào cũng là cả một thế giới huyền ảo, rồi theo sự tưởng tượng chủ quan của mình, Jeane đã chém giết lung tung bất kể là ai. Điều này dạy cho chúng ta biết rằng đối với mọi vấn đề đều phải thật khách quan, không bao giờ được làm việc theo sự tưởng tượng chủ quan của mình.

Ngày 13 tháng 8

Mimô đáng yêu

Mấy ngày nay trên ti-vi có chiếu bộ phim hoạt hình nhiều tập của Nhật Bản “Mimô”. Trong phim có một nhân vật là một cô bé Mimô, ở trong chiếc máy tính. Mimô ở trong nhà của hai anh em người Nhật tên là Đại Giới và Thanh Tử. Mẹ nói: “Bé Mimô thật là xấu xí!” Nhưng tôi lại không cho rằng như vậy. Tôi thấy Mimô rất đẹp, hơn thế nữa lại rất thông minh, cái gì cũng biết. Mimô đã giới thiệu cho hai anh em Đại Giới và Thanh Tử biết nguồn gốc và quá trình phát triển của máy bay, máy ảnh, xe lửa và cả nấm mốc nữa… Mimô còn dặn Đại Giới, Thanh Tử và cả tôi đang ngồi trước màn ảnh nhỏ nữa đi thám hiểm ở Nam cực và Bắc cực, đi du chơi trong thế giới của ánh sáng… Mimô chính là sự kết tinh của tri thức, là hiện thân của trí tuệ, hơn nữa Mimô tính tình thẳng thắn cương trực, có đủ những phẩm chất tốt đẹp của loài người.

Tôi rất muốn có một Mimô. Nếu có Mimô tôi sẽ có được rất nhiều tri thức, tôi sẽ hiểu biết nhiều hơn, rộng hơn đối với thế giới khoa học, tri thức muôn màu muôn vẻ. Nhưng Mimô đang ở Nhật Bản, vậy là ước muốn của tôi chỉ là ảo tưởng. Một hôm tôi nghe thấy trong phim nói: trong trái tim mỗi người đều có Mimô, vậy ước muốn của tôi vẫn còn hy vọng, nhưng tôi lại nghĩ: Mimô ở trong trái tim người, lẽ nào trong trái tim mỗi con người lại không có bé tí hon sống hay sao? Không thể như vậy được. Thế thì nó là cái gì? Tôi vắt óc suy nghĩ, đúng rồi! Mimô chính là sự khao khát hiểu biết ở mỗi con người. Đại Giới và Thanh Tử hễ có điều gì không hiểu lại đi hỏi Mimô. Điều đó chẳng giống như việc đi tìm tư liệu hay sao?

Và nó mách bảo tôi rằng, một con người nếu có sự khao khát hiểu biết, thì từng ngày từng giờ họ luôn được trang bị những tri thức mới, sẽ trở thành con người uyên bác.

 

NẮM CHẶT NƯỚC ĐÁ MƯỜI LĂM PHÚT,

RÈN LUYỆN SỨC CHỊU ĐỰNG

 

Ngay từ đầu, Trương Hân Vũ đã có dự định: muốn sau này Đình Nhi lớn lên sẽ có triển vọng tốt đẹp, thì bắt buộc phải có sức chịu đựng hơn người, như vậy mới có thể vượt qua được mọi thử thách, cả về áp lực tâm lý lẫn độ dẻo dai của cơ thể. Sự chịu đựng đó tuy rằng cần cho mai sau, nhưng phải được rèn luyện ngay từ bây giờ.

Khi Đình Nhi 10 tuổi, Trương Hân Vũ bắt đầu thực hiện kế hoạch này. Nhằm nâng cao khả năng chịu đựng của Đình Nhi, mùa hè năm lớp 4 anh đã cho Đình Nhi thực hiện bài “luyện sức chịu đựng” độc đáo: tay nắm chặt cục nước đá trong 1 phút. Dụng cụ luyện tập ấy của Đình Nhi là một cục nước đá được lấy từ trong tủ lạnh ra.

Có một sinh viên nói với tôi, cái tin Đình Nhi được vào trường Đại học Harvard và bài viết nói về cách luyện tập này được đăng trên báo, có nhiều sinh viên hiếu kỳ muốn thử sức theo cách tập của Đình Nhi. Nhưng không ai nắm được trọn 15 phút. Vậy tại sao một con người mẫn cảm như Đình Nhi lại có thể vượt qua được những thử thách mà người thường khó vượt qua được? Hãy nghe Đình Nhi kể lại.

Ngày 19 tháng 8 năm 1991 (Khi 10 tuổi)

Đánh cược với ba

Này! Tôi kể cho bạn nghe nhé, tối hôm qua tôi và ba tôi chơi trò đánh cược đấy, kết quả là, tôi thắng ba một quyển sách.

Đầu đuôi câu chuyện là thế này: Buổi tối, ba lấy từ trong tủ lạnh ra một cục nước đá. Cục nước đá này to hơn một viên pin đại đấy. Ba bảo tôi: “Đình Nhi! Con có thể cầm cục nước đá này trong vòng 15 phút được không? Nếu cầm được, ba sẽ mua cho con một quyển sách”. Tôi nói: “Sao lại không, con với ba đánh cược nhé! Nếu con cầm đủ mười lăm phút, ba phải mua sách cho con đấy”. Tất nhiên là ba đồng ý.

Ba cầm đồng hồ, rồi hô: “Chuẩn bị! Bắt đầu!” Tôi cầm cục nước đá lên nắm chặt. Phút đầy tiên, cảm thấy tạm được, đến phút thứ hai, tôi thấy đau buốt thấu xương, vội vàng cầm ngay lấy lọ thuốc, tập trung đọc những dòng chỉ dẫn ở trên lọ, cốt để chuyển sự chú ý của mình. Phút thứ ba, tôi thấy đau đớn như ngàn vạn mũi kim đâm nhói vào tim, tôi đọc to lời chỉ dẫn trên lọ thuốc để át nỗi đau. Phút thứ tư, tôi có cảm giác như người tôi đóng băng, tê dại, lúc bấy giờ tôi cắn chặt hai hàm răng, để cho nỗi đau chuyển lên khoang miệng và luôn thầm tự động viên: Cố gắng, cố gắng! Phút thứ năm, cả bàn tay tái xám nhợt nhạt, không còn cảm giác đau đớn nữa. Phút thứ sáu, chỉ thấy tê tê. Phút thứ bảy, bàn tay dường như tê dại hẳn. Phút thứ tám, không còn cảm giác gì nữa… Cho đến khi ba tôi nói: “Mười lăm phút rồi đấy!” Tôi buông nước đá, lúc này đã tan gần hết chỉ còn bằng một ngón chân cái. Tôi nhảy cẫng lên vui sướng: “Hoan hô! Hoan hô! Con thắng rồi!” Thế nhưng nhìn xuống bàn tay, tôi thấy một màu tím ngắt, sờ vào cái gì cũng cảm thấy bỏng rát. Ba vội mở vòi nước lạnh cho tôi rửa tay. Vừa ngâm tay trong nước tôi vừa nói với ba: “Ba ơi! Ba hôm nay không gặp may rồi!” Ba nói: “Ba chẳng có gì là không gặp may, trái lại, con có một nghị lực như vậy, chính là ba đang gặp may đấy”.

Đấy tôi đã thắng một quyển sách như vậy đó. Thật chẳng dễ dàng chút nào, phải không bạn?

Ngày 4-6 tháng 3 năm 1992 (Lúc 11 tuổi)

Đánh cược với mẹ

Trưa nay, tôi và mẹ cùng chơi trò thi đứng kiễng chân. Tôi nhớ lại hồi mới lên 3, mẹ dẫn tôi đi xem một bộ phim múa ba-lê Mỹ, phim “Bước ngoặt”. Từ đó, tôi rất mê múa ba-lê, nếu mẹ không cho, tôi không chịu đi ngủ. Mẹ nói: “Học múa ba-lê khổ lắm con ạ, con không học được đâu”. Nhưng tôi vẫn cứ đòi đi học bằng được. Mẹ bật cười bảo: “Nếu con vịn lan can, đứng kiễng chân theo tư thế “kim kê độc lập” đủ 15 phút, mẹ sẽ đồng ý cho con đi học múa ba-lê”. Tôi hăng hái làm đúng tư thế và bắt đầu đứng, ai ngờ mới đứng được năm phút, liền ngã khụyu. Hôm nay, đã bảy năm, nhớ lại chuyện cũ, cảm thấy thật là thú vị. Tôi nhắc lại chuyện ấy cho mẹ nghe, hai mẹ con cùng cười.

Cho đến hôm nay, tuy tôi không còn nghĩ đến chuyện múa ba-lê, nhưng vẫn chưa chịu thua. Thế là tôi nói với mẹ: “Con đánh cược lại với mẹ, lần này con xin đứng hẳn 30 phút!” – “Hay quá!” mẹ hào hứng nói: “Nếu con làm được, mẹ sẽ mua tặng con một món quà hợp với túi tiền của mẹ”. Nghe mẹ nói vậy, tôi mừng quá, liền vịn vào tủ sách, co chân đứng theo tư thế “kim kê độc lập” (gà đứng một chân). Mẹ vội nói: “Thôi thôi! Con không làm được đâu, trừ phi con là nghệ sĩ múa Lương Lệ Bình. Con cứ đứng kiễng cả hai chân lấy nửa tiếng đồng hồ là tốt lắm rồi!” Tôi liền bỏ nốt chân kia xuống, đứng kiễng: “Thế càng dễ!” Tuy nói vậy, nhưng trong lòng vẫn lo, vì trước nay chưa đứng thế này bao giờ. Thế là tôi đành phải nói nước đôi: “Mẹ, nhất định con sẽ thắng”. Mẹ trả lời: “Có được nghị lực cao, mới có sức chịu đựng dẻo dai của cơ thể”. Câu nói của mẹ không những không làm cho tôi dao động, mà trái lại càng củng cố lòng quyết tâm của tôi.

Mẹ vẫn cho rằng tôi không làm được, liền gọi cả ba đến chứng kiến, còn tôi hỏi ba: ai sẽ thắng. Ba cười: “Theo ba, lần này mẹ sẽ thắng”. Tôi cười thầm trong bụng: “Ba mẹ đừng quên, ba mẹ đã hai lần thua con về những việc như thế này rồi đấy. Lần thứ nhất, ba mẹ đã đánh cược với con, đứng một tư thế khó, trong vòng 30 phút, con đã thắng. Lần thứ hai, con với ba đánh cược nắm nước đá, kết quả, con cũng thắng. Lần nào mà con chẳng đoạt được giải thưởng của ba mẹ”. Nghe tôi nói vậy, mẹ bật cười: “Mẹ cảm thấy, túi tiền của mẹ đang bị uy hiếp đây”.

Mạnh mồm nói vậy, kỳ thực tôi cảm thấy hai bắp đùi tôi bắt đầu tê tê, liếc nhìn đồng hồ: “Ái chà! Mới được có 3 phút. Không sao, không sao!” Tôi thầm động viên. Tích tắc, tích tắc, ông già thời gian hình như cố ý trêu tức tôi, chậm chạp, lê từng bước. Năm phút trôi qua, bắp đùi tôi đã bắt đầu đau nhức. Tôi vội giở mánh khoé, lấy ở trong túi áo ra một quả bóng bay, phồng mồm thổi, thổi căng rồi lại xả hơi ra, cứ vậy, tôi cố tình chuyển trọng tâm chú ý của mình. Nhưng thật không may, trong khi thổi tôi vô ý để quả bóng bay xuống đất. Làm thế nào bây giờ! Tôi nhìn đồng hồ, hay lắm, đã được 15 phút rồi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng, chân trái đã bắt đầu bị chuột rút, và cũng chỉ lát sau chân phải cũng vậy, chuột rút tê cứng cả người, tôi không còn bóng bay để chuyển trọng tâm chú ý nữa, liền nghĩ ra một cách: nhẩm đọc kết quả bình phương của những con số thường dùng. Cách làm này thật hiệu nghiệm, tôi dường như đã quên được mọi sự đau đớn của cơ thể…

Kiên trì đến cùng tất thắng lợi, lần thứ ba tôi đã thắng!

Những câu chuyện trên đã chứng minh, ngày từ thời thơ ấu, Đình Nhi đã được bồi dưỡng kỹ năng về ý chí, và trong quá trình trưởng thành đã không ngừng củng cố. Nhờ có ý chí kiên cường ấy mà trong khi Đình Nhi vừa tích cực chuẩn bị thi vào đại học, đồng thời vừa học thi TOEFL và hoàn thành 12 lá đơn xin vào học tại 12 trường đại học của Mỹ. Một gánh nặng quá sức liên tục kéo dài trong mấy tháng trời như vậy, nếu không có ý chí kiên cường, nghị lực dẻo dai thì làm sao có thể chịu đựng nổi!

 

BẠN TỐT CÀNG NHIỀU,

KHẢ NĂNG GIAO TIẾP CÀNG THÀNH THẠO

Các nhà tâm lý học cho rằng, quan hệ của bạn bè vô cùng quan trọng đối với sự phát triển tính cách của trẻ em, tình bạn tuổi ấu thơ có một tầm quan trọng tương đương với sự dạy dỗ và tình thương của cha mẹ.

Những ngôi nhà cao tầng theo kiểu căn hộ khép kín ở thành thị ngày nay, tuy có nhiều trở ngại trong việc giao lưu kết bạn của trẻ em, nhưng có cũng tạo điều kiện thuận lợi để cha mẹ dễ dàng chọn bạn cho con. Chúng tôi biết triệt để lợi dụng điều kiện thuận lợi đó, để cho Đình Nhi được tiếp xúc với khá nhiều bạn tốt đủ loại, ngay trong thời kỳ mẫn cảm nhất, khi khả năng giao tiếp của trẻ thơ bắt đầu phát triển. Qua đó, cháu có thể tích luỹ được những kinh nghiệmquý báu trong việc kết thân với các bạn cùng trang lứa, nhưng có những sở trường và sở thích khác nhau. Điều này rất quan trọng đối với việc tăng cường khả năng hoà hợp trong tính cách của ĐÌnh Nhi.

Các nhà tâm lý học đã chỉ rằng, thời kỳ từ 9 đến 12 tuổi là thời kỳ xây dựng tình bạn của trẻ con. Các cháu không chỉ còn chú ý đến những hành vi bên ngoài của bạn, mà đã chuyển sang quan tâm đến những tố chất nội tại, và đặc trưng tính cách của bạn. Nhiều nhà tâm lý học coi giai đoạn này là cơ sở cho tình bạn, tình yêu sau này. Họ cho rằng, trẻ em trong giai đoạn này nếu không tìm được bạn thân, thì đến tuổi thiếu niên hoặc khi đã trưởng thành, các cháu cũng rất khó tìm được cho mình một người bạn thân chân chính. Trong giai đoạn này, sự thân thiết trong tình cảm giữa chúng được hình thành và củng cố bởi những hành vi cụ thể như: cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng khắc phục khó khăn và giải quyết những mắc mớ thường ngày… Tình bạn thân thiết đó suốt đời chúng sẽ không quên, và có nhiều trường hợp những đôi bạn đó còn thân thiết suốt cả cuộc đời.

Trong cả thời kỳ tiểu học, Đình Nhi chủ yếu chỉ có ba người bạn thân, một bạn thuộc loại thích vận động – đó là Ương Ương, bạn này thường hay rủ Đình Nhi đạp xe đi chơi phố, hoặc trượt băng, hoặc ra bãi biển xây những ngôi nhà lầu trên bãi cát. Một bạn thuộc loại yêu thích nghệ thuật – Vương Ngọc, bạn này thích cùng Đình Nhi vẽ tranh hoặc làm những đồ thủ công bé tí. Và một bạn nữa chỉ say mê học tập, sáng tạo – đó là Tề Tịnh. Bạn này thích bàn bạc với Đình Nhi đủ mọi chuyện về học hành và cách làm báo tường… Cứ gặp nhau là hai cháu lại say sưa với những hoạt động mang tính sáng tạo. Trong những trang nhật ký viết khi Đình Nhi 10 tuổi, cháu đã ghi lại được những phút giây sung sướng được cùng vui chơi với những người bạn thân ấy.

CHĂM LÀM THÀNH THÓI QUEN,

TÂM CÀNG SÁNG, CHÍ CÀNG BỀN

Ngay từ lúc mới ba tuổi, Đình Nhi tuỳ theo sức lực của mình đã làm những việc vặt trong nhà, nền nếp đó còn giữ mãi cho đến khi cháu học xong lớp 5. Đình Nhi rất quen thuộc với công việc làm một người giúp việc tí hon cho ba mẹ. Hằng ngày, cháu đều tự giác lau nhà, tưới hoa và đổ rác, tuyệt nhiên không nhiễm tính chây lười của những “cậu ấm” trong các gia đình chỉ có một con. Nếu khi cháu đi học về mà ba mẹ không có nhà, vừa đặt cặp sách xuống là cháu đã tự giác đi làm bài tập, làm xong bài tập lại chủ động xuống bếp giúp mẹ làm cơm.

Đình Nhi rất hiểu làm các công việc vặt trong nhà chính là một cách để cha mẹ bồi dưỡng cháu có được một thói quen tốt, mục đích chủ yếu là rèn luyện cháu có được đức tính cẩn thận, lòng kiên nhẫn và tinh thần trách nhiệm cao. Mỗi lần giúp mẹ làm một công việc gì đặc biệt, là cháu lại có thêm một đề tài để viết nhật ký. Đối với lao động chân tay, cháu luôn chủ động tự giác, hơn nữa còn coi lao động là một niềm vui.

Ngày 1 tháng 10 năm 1991 (Lúc 10 tuổi)

Vớt váng dưa

Nhà ông Đàm ở tầng trên nhà chúng tôi, cả nhà sắp đi Mỹ. Trước khi đi, ông lễ mễ bê hai vại dưa muối sang cho nhà tôi. Cả nhà chúng tôi đều thích ăn dưa muối, nhưng không có thời gian làm. Vì trước khi đi ra nước ngoài, cả nhà đều vô cùng bận rộn nên ông Đàm không có thời gian thay nước muối cho dưa, nên trên mỗi vại dưa đều nổi lên một lớp váng mỏng màu trắng. Lớp váng này là do những vi khuẩn trong không khí rơi vào vại dưa tạo nên. Người Tứ Xuyên gọi là “sinh hoa”.

Tối hôm qua, mẹ đọc sách, tìm được một cách trị loại váng này, theo sách thì phải lấy một sợi dây thép và một mảnh vải để làm thành cái vợt. Mẹ bảo tôi: “Đình Nhi, mẹ cho con một tư liệu để viết văn, con có đồng ý không? Con hãy lấy cái vợt này vớt hết váng mỏng trong vại dưa ra”. Tôi nhận lời, tung tăng chạy trước vào nhà bếp, giục mẹ: “Mẹ! Mẹ bê hộ con vại dưa này đặt trên mặt bàn kia”. Mẹ bê giúp tôi vại dưa đặt lên trên bàn, rồi mở nắp vại, mùi chua hấp dẫn làm tôi thấy chảy cả nước dãi.

Mẹ dạy tôi cách vớt váng dưa, rồi đứng cạnh nhìn tôi làm. Tôi cầm cái vợt, thò vào miệng vại rồi nhè nhẹ hớt những lớp váng mỏng màu trắng nổi lên trên mặt nước. Lớp váng mỏng vỡ tan, cả cái vợt bám đầy váng trắng. Tôi đem vợt ra vòi nước rửa sạch, rồi nhúng vào nồi nước sôi đang đặt trên bếp lò. Một lát sau, tôi quay lại hỏi mẹ: “Mẹ oi! Như thế đã được chưa?” Mẹ rất hài lòng: “Được rồi, làm như vậy là rất tốt!” Nói xong mẹ yên tâm đi ra ngoài.

Tôi quay lại tiếp tục vớt váng dưa. Thấy lớp váng bám cả trên thành vại, tôi lấy đèn pin ra soi, rồi cẩn thận lấy vợt quay mấy vòng quanh thành vại, cho đến khi thật sạch mới thôi. Gần thành vại vẫn đang còn một ít váng cố tình chạy trốn, tôi đưa vợt đến đâu là nó đã nhanh chân chạy trước, tôi quay vợt đón đầu, cuối cùng tôi cũng bắt được hết.

Tôi mời mẹ nghiệm thu, mẹ nói: “Sạch rồi! Như vậy, con lại học được một cách làm nữa nhé”.

Đình Nhi không chọn việc, bảo làm việc gì cũng vui vẻ làm ngay, dù việc đó cần sự khéo léo hay cần sức lực. Chỉ cần mẹ sắp xếp thời gian và hướng dẫn cách làm. Có những việc các bạn khác không khi nào chịu làm, như lau rửa từng viên gạch men lát trên thành tường nhà vệ sinh, nhưng giao cho Đình Nhi cháu vẫn vui vẻ làm ngay.

Ngày 26 tháng 8 năm 1992 (Lúc 11 tuổi)

Tôi yêu hoa lan

“Làm hoa, xin làm một nhành lan. Hương thơm man mác, dáng thanh nhàn…” Đây là câu thơ của Lý Bạch, nhà thơ lớn đời Đường. Câu thơ đã thể hiện lòng yêu quý hoa lan của nhà thơ. Trước lan can nhà tôi cũng có một chậu lan, tôi thích lắm.

Hoa lan cuả nhà tôi thuộc giống huệ lan, nở vào mùa hè. Có một hôm, tôi tưới hoa, bỗng thấy chậu lan nhú lên một chiếc nụ nhỏ, tôi mừng quá, hét toáng lên: “Mẹ ơi! Ba ơi!Hoa lan nhà ta có nụ rồi…” Từ đó, ngày nào tôi cũng phải đến thăm hoa đến mấy lần, xem nó lên cao hay chưa, đã nở thành hoa chưa. Ngày qua ngày, cái nụ lan nho nhỏ đó, nay đã vươn cao chừng hai gang tay, rồi mấy ngày sau đó, bỗng có mùi thơm thoang thoang trong nhà, tôi nghĩ bụng: “Lẽ nào…” Tôi vội chạy lại phía chậu lan. Ôi! “Hoa lan nở rồi, hoa lan nở rồi! Hay quá! Hoan hô!” – Tôi mừng quá cứ nhảy tưng tưng. Hoa lan phô những cánh mềm màu vàng nhạt ở chính giữa, trên mỗi cánh hoa có điểm những chấm hồng, trông chẳng khác gì một chiếc ngai vàng bằng hoa vậy. Chiếc chậu hoa có điểm chấm hồng ấy, thật giống như một tấm thảm màu bước tới ngai vàng. Mùi hoa lan nhè nhẹ mà ngây ngất, dễ làm say đắm lòng người.

Từ đó, tôi càng thấy yêu chậu lan, ngày nào cũng “tắm” cho hoa, mỗi lần “tắm” xong tôi đều đứng lại ngắm nghía hồi lâu. Những chiếc lá mềm mại hình thoi còn đọng lại những giọt nước long lanh như hạt ngọc, càng tôn thêm vẻ đẹp u uẩn mà thanh cao.  Có lần, tôi nhìn thấy trên một chiếc lá xanh non có mấy con sâu nhỏ, mẹ vội đi mua thuốc về “chữa bệnh” cho lan.

Hoa lan đem lại niềm vui cho cả nhà. Có lần mẹ giận tôi, hai mẹ con đều rất buồn, thế mà mùi hoa lan thoang thoảng trong nhà đã làm cho mẹ nguôi giận. Và tôi cũng nhận ra lỗi của mình, chạy đến xin lỗi mẹ.

Hoa lan làm cho gia đình tôi tràn đầy sinh khí. Tôi yêu quý hoa lan, mong hoa lan sẽ đem lại nhiều niềm vui cho gia đình khác.

 THỂ HIỆN SỰ XẤU HỔ VÀ ÁY NÁY: THƯƠNG YÊU BA MẸ

Làm trẻ con biết tự xấu hổ và băn khoăn áy náy về những sai lầm của mình là một biện pháp giáo dục vô cùng hữu hiệu. Nó có thể làm cho trẻ có khả năng tự sản sinh ra một loại “chất đề kháng” ngay từ lòng mình, để sau này có thể chống lại mọi hành vi sai lầm làm cho mình thấy xấu hổ.

Năm Đình Nhi lên 10  tuổi, cháu đã trưởng thành nhanh chóng về nhiều mặt. Nhưng dẫu sao vẫn chỉ là một đứa trẻ có nhiều lúc nghịch ngợm rất dại dột. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều rất chú ý đến cách thức và mức độ phê bình, mong sao sau này cháu có thể biến những áp lực từ bên ngoài ấy thành quy chuẩn hành vi ngay tại lòng mình. Chúng tôi cho rằng, khi nào Đình Nhi biết tự xấu hổ, tự băn khoăn áy náy trước những việc làm không đúng của mình, thì tâm lý của cháu mới chính thức bắt đầu chín chắn. Tôi còn nhớ rất rõ, năm tôi khoảng 17 tuổi, mỗi lần nghĩ đến thầy giáo họ Tạ, tôi đều cảm thấy mình còn phải cố gắng rất nhiều, phải làm tốt hơn nữa. Tôi luôn mong muốn Đình Nhi cũng có được những sự thể nghiệm về tâm lý như vậy. Sự mong muốn ấy của chúng tôi đã thành hiện thực vào một ngày hè năm Đình Nhi học lớp 4.

Ngày 20 tháng 8 năm 1991 (Lúc 10 tuổi)

Xấu hổ

Ăn cơm sáng xong, mẹ tôi ra chợ mua rau, trong nhà chỉ còn có một mình tôi. Thu dọn bát đũa xong, tôi vào phòng riêng chuẩn bị làm bài tập làm văn. Nhìn trước nhìn sau, đôi mẳt tôi bắt gặp một ngăn tủ luôn đóng kín bên dưới tủ sách. Tôi nghĩ: không biết trong chiếc ngăn tủ kia để những gì, hôm nay nhân lúc ba đi làm, mẹ đi chợ, mình thử mở ra xem, biết đâu chẳng kiếm được mấy quyển sách hay để đọc.

Càng nghĩ tôi càng tò mò và thích thú, thế là việc làm bài tập làm văn tôi đã quên bẵng đi từ lúc nào!

Tôi hì hục bê chiếc hộp các tông bên cạnh tủ sách ra xa, rồi lại đẩy chiếc hòm con đặt trước tủ sách sang bên cạnh. Sau đó, với sự tò mò đầy thích thú, tôi mở ngăn tủ đó, trong tủ tối om chẳng nhìn thấy cái gì. Thế là tôi thận trọng bê chiếc đèn bàn trên nóc tủ đặt xuống đất, cắm điện, đèn bật sáng. Tôi ngồi bệt xuống đất, cúi đầu nhìn vào bên trong. Ôi những chồng sách cao ngất, xếp chặt bên trong, tôi mừng quá! Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng khoá lạch cạch kêu, tôi giật bắn cả mình, nghĩ bụng: “Thôi chết rồi! Mẹ về. Ôi thật là đen đủi!” Tôi còn đang lúng túng, thì mẹ đã đứng sững ngay trước mặt. Thấy ngăn tủ dưới bị mở toang, còn tôi đang ngồi trước cửa tủ, mẹ tôi liền hiểu ra mọi việc. Mẹ nghiêm nét mặt nói với tôi: “Thì ra, người lớn không ở nhà, con học hành như thế phải không?” Nói rồi mẹ giận dữ đá mạnh mấy cú vào chiếc hộp giấy. Tôi biết, mẹ định đánh tôi, nhưng không nỡ, nên trút giận vào chiếc thùng vô tội kia. Mẹ lườm một cái, thở dài rồi quay đi.

Tôi cứ ngồi ngây trước tủ sách, xấu hổ và hối hận vô cùng: mình không nên lãng phí thời gian như vậy, ba mẹ đã tìm đủ mọi cách, dành cho mình từng phút từng giờ, thế mà mình lại lãng phí thời gian nhiều như vậy. Thật có lỗi với ba mẹ vô cùng. Càng nghĩ, tôi lại càng thấy xấu hổ và ân hận vô cùng. Thế là tôi đứng dậy cất đèn bàn, bê hộp giấy để lại chỗ cũ, rồi quay lại bàn học, bắt đầu bài tập làm văn.

Đình Nhi bắt đầu có hiểu biết, càng có hiểu biết, Đình Nhi càng yêu thương cha mẹ. Mùa hè năm sau, để chữa khỏi bệnh cho ba, Đình Nhi đã lặn lội đi khắp nơi để tìm thầy bốc thuốc bắc cho ba. Hình ảnh một cháu bé mới 11 tuổi, một mình đạp xe giữa trời nắng chang chang đi tìm thuốc chữa bệnh cho ba. Đó là một trong những kỷ niệm ấm áp nhất trong lòng ba mẹ.

Ngày 24 tháng 7 năm 1991 (lúc 11 tuổi)

Mua thuốc cho ba

Giữa kỳ nghỉ hè, trên mặt ba bỗng mọc lên hai cái nhọt thật to, đau nhức. Thấy vậy, tôi rất muốn có cách nào giúp ba giảm bớt sự đau đớn.

Một hôm, ba bảo tôi đến hiệu thuốc bắc bốc cho ba mấy thang thuốc chữa nhọt. Tôi vâng lời. Ba lấy bút kê đơn: “Địa hình hoa tía – 3 khắc; hoa cúc dại – 3 khắc… cắt 3 thang”. Tôi hỏi ba: “Ba khắc là thế nào hả ba?” Ba nói: “là 3 gam” – “Con hiểu rồi ba ạ”.

Tôi cầm đơn thuốc và địa chỉ mấy hiệu thuốc bắc ba viết cho tôi, nhảy lên xe đạp phóng đi.

Đầu tiên, đến hiệu thuốc Đồng Nhân Đường, tôi hỏi người bán hàng, có những loại thuốc như trong đơn không, được trả lời là không có. Tôi lại đạp xe đến hiệu thuốc khác gần bưu điện, họ cũng trả lời là không có.

Tôi hơi nản chí, song nghĩ đến sự đau đớn của ba, thấy hăng hái lên, lại đạp xe đến một hiệu thuốc ở gần ngã tư phố Đông Đại.

Tôi đưa đơn thuốc cho cô bán hàng hỏi: “Cô ơi! Ở đây có những loại thuốc như trong đơn này không ạ?” Cô bán hàng đọc đơn thuốc rồi trả lời ngay: “Có đấy” – “Cám ơn cô! Cô làm ơn cắt cho cháu ba thang ạ!”, tôi đang định lấy tiền trả cô, cô liền đẩy trả đơn thuốc, rồi nói: “Không phải trả tiền ở đây, sang quầy bên kia”. Tôi ấm ức trong bụng nghĩ: “Thái độ phục vụ ở đây sao kém thế”.

Trả tiền xong, tôi hỏi cô bán hàng, lấy thuốc ở đâu ạ, cô ta sẵng giọng: “Đợi đấy!” Tôi đề nghị: “Nhờ các cô chia làm 3 thang cho cháu được không ạ?” – “Cái gì? Không được”. Tôi định nói tiếp, nhưng nhìn thấy bộ mặt sẵng sàng cãi nhau của cô ta, tôi đành nén nhịn, đứng sang một bên. “Lấy thuốc, lấy thuốc này…” Chỉ lát sau có tiếng quát lên như vậy. Tôi vội chạy lại lấy thuốc. Khi quay ra tôi còn nghe thấy cô ấy chửi tục một câu. Tôi chẳng thèm chấp, chỉ nghĩ bụng: “Con người này thật là… đã không gói hàng theo yêu cầu của khách, lại còn chửi bậy, hừ!”

Nhưng thôi, cuối cùng tôi đã mua được thuốc cho ba. Đó là điều tôi sung sướng nhất.

Càng khôn lớn hiểu biết, Đình Nhi càng chú ý học hỏi ở ba mẹ từng lời ăn tiếng nói. Cháu đã biết chủ động tiếp thu những cái hay cái đẹp từ trong cách cư xử của ba mẹ để tự hoàn thiện mình.

 

VƯỢT QUA NHỮNG THỬ THÁCH LỚN LAO,

ĐÌNH NHI ĐƯỢC VÀO HỌC TRƯỜNG NGOẠI NGỮ

Theo thông lệ từ nhiều năm nay, trường tiểu học mà Đình Nhi đang theo học, mỗi năm đều có 10 chỉ tiêu được giới thiệu vào học trong các trường trung học trọng điểm, tiêu chuẩn xét duyệt là tổng số điểm thi tốt nghiệp cuối cấp. Năm nay 1993, năm Đình Nhi tốt nghiệp tiểu học, theo sự lần lượt phân công, trường tiểu hoch của Đình Nhi sẽ được giới thiệu học sinh vào học Trường trung học số 7 ở Thành Đô, một trường trọng điểm mà Đình Nhi vẫn hằng khao khát. Để có đủ tư cách được giới thiệu, Đình Nhi đã phải phấn đấu suốt sáu năm trời. Cả năm lớp 5 và năm lớp 6 cháu đều đứng thứ 3 trong cả lớp. Riêng năm lớp 6, cháu đã lập được một kỳ tích là: Tất cả các bài kiểm tra toán đều đạt được điểm tối đa: 100 điểm. Tất cả những dấu hiệu đó, chứng tỏ rằng, còn những thắng lợi to lớn đang ở phía trước.

Nhưng không ngờ, vào đúng dịp nghỉ đông năm lớp 6, bỗng có một tin đồn làm mọi người đều phải thất vọng sững sờ: chính sách tuyển chọn học sinh tiểu học vào bậc học sơ trung năm nay ở Thành Đô sẽ có một sự thay đổi quan trọng, phương thức giới thiệu những học sinh tiểu học xuất sắc vào học thẳng tại các trường trung học trọng điểm đã bị phế bỏ, thay vào đó là một phương thức mới do “máy tính sắp xếp”. Tất cả những học sinh đã tốt nghiệp tiểu học, bất kể kết quả thi tốt nghiệp tốt xấu thế nào, đều được ghi cho một mã số. Máy tính căn cứ vào nguyên tắc sắp xếp theo khu vực, sắp xếp học sinh vào các trường trung học gần nhà nhất.

Thật đáng buồn, ở gần nhà chúng tôi chỉ có mấy trường trung học mà suốt mấy năm gần đây không có học sinh nào đỗ đại học.

Chúng tôi nơm nớp lo âu, đợi chờ xem liệu có sự thay đổi nào nữa không, và hy vọng những lời đồn đại kia chỉ là đồn nhảm. Nhưng lời đồn đại “do máy tính bắt thăm” lại là sự thật. Đối với những học sinh xuất sắc đang hy vọng được giới thiệu vào những trường có chất lượng cao, quả là một đòn trời giáng.

Dù thế nào cũng đều do máy tình phân công, vậy thì mọi sự cố gắng nào còn có ích gì đâu! Vài bạn học sinh giỏi ở lớp Đình Nhi bỗng sinh ra chán nản. Thời gian hàng ngày, lẽ ra phải “dùi mài kinh sử”, họ lại lao đầu vào những việc không đâu như xem phim ảnh, xem băng video, họ xem suốt ngày đêm, lên đến lớp vẫn còn say sưa kể lại cho các bạn bè nghe nữa.

Đình Nhi là người hiểu biết hơn các bạn cùng lớp. Vì vậy, nỗi buồn của Đình Nhi cũng sâu nặng hơn. Đây là cú sốc lớn đầu tiên trong đời Đình Nhi, không giống như lần bị truất chức quyền lớp trưởng năm xưa, chỉ cần thay đổi trạng thái tâm lý là có thể giải quyết được vấn đề. Lần này, Đình Nhi buồn hơn nhiều, không còn nghe thấy những tiếng hát tiếng cười, ríu rít suốt ngày của Đình Nhi nữa.

Vợ chồng tôi cũng lo lắng nhưng biết rằng, trong lúc này, lòng tin của chúng tôi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cháu. Ba đã động viên ĐÌnh Nhi: “Học sinh tốt sẽ được học trong trường tốt, đó là quy luật”. Tôi cũng động viên cháu: “Con không nên vì chưa nhìn thấy cá mà bỏ dở việc đan lưới, nên nhớ rằng, thời cơ chỉ đến với những người có đầu óc sẵn sàng đón nhận”.

Chúng tôi ky vọng qua sự vấp váp lần này, ĐÌnh Nhi sẽ học được cách “làm thế nào để vượt qua được những giai đoạn khó khăn của cuộc đời”. Cho dù người khác khi gặp phải khó khăn có thể sẽ rời bỏ mục tiêu, nhưng ĐÌnh Nhi dù thế nào cũng phải kiên trì phấn đấu cho lý tưởng của mình.

Sau vài lần nói chuyện, Đình Nhi đã trấn tĩnh lại được, cố gắng lao đầu vào những công việc chưa nhìn thấy có tia hy vọng cụ thể nào, lại tiếp tục gặm nhấm các đề toán khó của trường chuyên toán Olympic theo kế hoạch, mà còn chăm chỉ hơn trước đây. Chúng tôi có lần bảo cháu: “Khi người khác không làm, mình làm, chẳng phải rất dễ thành công hay sao?”

Chúng tôi không chịu khoanh tay ngồi chờ, mà đã bắt tay hành động ngay, cũng chạy chọt, nhờ vả, nghe ngóng khắp nơi. Kết quả là đã phát hiện ra, ngoài biện pháp máy tính bắt thăm, cũng còn một cơ hội khác là bỏ tiền ra để “chọn trường”. Các trường trung học trọng điểm đặt giá quá cao từ một vạn rưỡi đến hai vạn rưỡi đồng, tuỳ từng trường cho mỗi học sinh xuất sắc ngoài khu vực. Nộp tiền cũng không được coi là đã xong, rồi còn phải qua kỳ thi tuyển khá ngặt nghèo, thế mà mỗi một trường trọng điểm chỉ có được hơn chục chỉ tiêu cho học sinh ngoài khu vực, những học sinh đã nộp tiền, đợi vào thi lại đông như kiến cỏ.

Vẫn còn hai trường nữa, nhưng tiếng tăm chưa thật nổi trội lắm thời bấy giờ. Đó là trường trung học số 48, lần đầu tiên chiêu sinh một lớp Anh văn và một trường nữa là Trường Chuyên ngữ Thành Đô mới được thành lập. Bốn năm nay, trường Chuyên ngữ Thành Đô là một trong 14 trường do Bộ Giáo dục thành lập trên phạm vi toàn quốc. Lúc bấy giờ, khoá học sinh đầu tiên mới vào học năm thứ nhất bậc cao trung, chưa được cọ xát trong cuộc “thử thách khắc nghiệt” – thi vào đại học, chưa có được tiếng tăm như các trường khác đã liên tục nhiều năm có học sinh đỗ đầu trong các kỳ thi vào đại học. Hơn nữa, trường này lại đòi hỏi, ngay từ năm đầu bậc sơ trung học sinh đã phải vào nội trú. Điều này quả thực không hấp dẫn lắm đối với chúng tôi. Tôi rất lo là: Đình Nhi xa nhà quá sớm, hơn nữa phải nội trú quanh năm như vậy, sẽ mất đi cơ hội được cha mẹ dạy dỗ thường xuyên và kịp thời.

Làm  thế nào bây giờ? Đầu tư cho giáo dục, từ trước tới nay chúng tôi chưa bao giờ tiếc công tiếc của. Còn việc thi tuyển, Đình Nhi chỉ cần chịu khó hơn chút nữa là có thể đủ sức cạnh tranh. Thế nhưng, thi vào trường nào sẽ có lợi nhiều nhất cho sự phát triển sau này của Đình Nhi? Tôi dường như rơi vào sự dày vò đau khổ như lần trước đây từ bỏ kế hoạch bồi dưỡng “thần đồng”.

Sau khi suy nghĩ đắn đo suốt nửa tháng trời, anh Trương Hân Vũ hình như đã có được một quyết định, anh nói: “Chỉ cần Trung Quốc vẫn tiếp tục cải cách mở cửa, thì ngoại ngữ chắc chắn sẽ ngày càng có vị trí quan trọng. Anh tin rằng chúng ta có đầy đủ khả năng dẫn dắt Đình Nhi, con nó sẽ dễ dàng trải qua sáu năm nội trú. Dù cuối cùng Đình Nhi có thể thi đỗ vào trường nào chăng nữa, nhưng bây giờ những trường nào ta cảm thấy được, cứ cho Đình Nhi ghi tên dự thi”.

Những lời nói của anh làm tôi thấy yên tâm hơn. Và khi đã quyết định rồi thì Đình Nhi càng thêm bận rộn. Vừa tốt nghiệp tiểu học xong, giờ lại căng người ra chuẩn bị cho một cuộc thử thách mới.

Năm đó, cuộc cạnh tranh để thi vào Trường Chuyên ngữ Thành Đô khốc liệt chưa từng thấy. Do “Hiệu ứng thúc ép” của biện pháp “máy tính sắp xếp” mới được ban ra, hàng loạt học sinh vừa tốt nghiệp tiểu học thuộc loại giỏi, đều ùa đến chen lấn trước cổng trường này. Các cháu rất sẵn sàng lao vào một cuộc đấu đá bằng chính thực lực của mình, để thoát khỏi số phận do máy tính định đoạt. Đến trước ngày thi, số học sinh ghi tên dự thi đã lên tới hơn 6.000 người.

Hơn 6.000 thí sinh mà chỉ lấy có 120, tỷ lệ vào chỉ có 1,8%. Đây sẽ là một cuộc chiến đấu nảy lửa, và cũng là cuộc chiến đấu gay go nhất từ trước đến nay của Đình Nhi.

Mặt khác, kết quả của cuộc chiến đấu này sẽ làm cho hơn một trăm học sinh xuất sắc nhất tập trung tại một chỗ, hình thành nên một tập thể có tố chất giáo dục cao. Đây là một “mỏ vàng trữ lượng cao” của tài nguyên giáo dục. Và đây cũng là một cơ hội hiếm có đối với Đình Nhi. Nếu Đình Nhi có may mắn được học cùng những tài năng kiệt xuất đó, trong sự ganh đua khích lệ lẫn nhau, sẽ tạo ra một “hiệu ứng cộng hưởng” cực tốt. Trường Trung học Chuyên ngữ Thành Đô bỗng nhiên cao giá.

Ý chí quyết tâm và tinh thần hăng hái của cả nhà đều được động viên. Chúng tôi đặt kế hoạch cho Đình Nhi: “Thi viết phải cố gắng vượt lên hàng đầu, thi nói phải chiếm giải nhất”. Vì ĐÌnh Nhi là một học sinh trường chuyên toán Olympic thuộc loại “giữa đường nhập cuộc”, cho nên trong các kỳ thi Olympic Đình Nhi chỉ đạt được giải ba trong toàn tỉnh Tứ Xuyên. Điểm thi viết chắc chắn không thể bằng các bạn được giải nhất, giải nhì. Chúng tôi nhận định rằng, chỗ mạnh của cháu là thi nói. Kết quả, với thành tích điểm thi nói hơn điểm thi viết là 10, Đình Nhi đủ tư cách vào thi nói.

Để đạt được điểm cao trong thi nói, chúng tôi hướng dẫn cho Đình Nhi phải chuẩn bị đầy đủ. Ba mua cho Đình Nhi những cuốn băng học tiếng Anh tốt nhất, cẩn thận sửa từng âm cho cháu. Trước khi thi hai ngày, mẹ còn hướng dẫn cho Đình Nhi tư thế trả lời: nét mặt phải ra sao, tư thế phải như thế nào để thể hiện lòng tin tự chủ trước mặt ban giám khảo. Đình Nhi đã răm rắp làm theo, không những thế còn biết chủ động ứng phó theo nguyên tắc mà chúng tôi đã rèn luyện cho cháu. Bước chuẩn bị khởi đầu là khá thuận lợi. Hôm Đình Nhi đi thi, ba cũng phải trực tiếp ra trận, đến tận trường thi để cổ vũ cho con gái. Hôm đó trời lại mưa, ba đã phải đứng đội mưa bên ngoài phòng thi suốt hơn hai tiếng đồng hồ. Đến hôm thi nói, thì trời lại nắng như đổ lửa, mẹ lại thay ba đi cổ vũ cho Đình Nhi. Đình Nhi thấy lạ, hỏi: “Tại sao trong các cuộc thi Olympic, ba mẹ đều để con đạp xe một mình, mà lần này cả ba và mẹ đều phải đi theo?” Ba nói: “Có những lúc cần thiết, cũng phải dùng dao giết trâu để mổ gà, cốt để đảm bảo không có những sai sót ngoài ý muốn”. Câu nói này đã để lại một ấn tượng sâu sắc cho Đình Nhi. Sau này qua nhiều lần được nhắc lại, nó đã trở thành một phong cách làm việc cẩn thận, chu đáo và thận trọng của cháu.

Trong nắng vàng rực rỡ của Tháng 8 mùa thu, Trường Chuyên ngữ niêm yết bảng danh sách điểm thi. Tôi vội vàng dẫn Đình Nhi đi xem kết quả. Thầy giáo phụ trách phát giấy báo nhập học, giương kính rà soát một hồi trên bảng danh sách thí sinh hồi lâu, rồi ngẩng đầu lên nói: “Lưu Diệc Đình đỗ rồi!” Đang trong trạng thái tâm lý căng thẳng, hồi hộp đợi chờ, nghe báo đỗ, cháu vội lại ôm chầm lấy tôi vừa cười vừa nhảy nhót, không nén được sự vui mừng hét toáng lên: “Mẹ ơi! Đỗ rồi, đỗ rồi!” Thầy giáo phụ trách phát giấy báo hình như cũng vui lây, một tay giơ cao tờ giấy báo, tươi cười với Đình Nhi: “Cháu biết không? Tờ giấy này của cháu đáng giá hai vạn rưỡi đồng bạc đấy!”

Mấy năm sau khi Đình Nhi nộp đơn xin vào trường đại học Mỹ, trong tờ “Giới thiệu sơ lược Trường Đại học Harvard” có một câu nói làm cho Đình Nhi nhớ ngay đến kỳ thi vào bậc sơ trung năm nào: “Đại học Harvard xin tặng bạn một câu châm ngôn: Khi thời cơ đến, xin bạn hãy sẵn sàng”.