Hành trình của sói

Chương 7- 4

Tham gia lực lượng công an ngay từ ngày đầu sau giải phóng. Khi ấy nhà tù chế độ cũ mở tung thì đại đa số những kẻ lưu manh, trộm cướp ào ra quấy phá xã hội. Từng là một tay lái xe, một tay cầm súng truy đuổi bọn cướp tạo tợn trên đường phố. Còn nhớ hồi ấy, mấy bức tường rêu xanh của bệnh viện quân đội ở quận Gò Vấp có cắm mấy cây cọc dựng vội vã để xử bắn những tên cướp khát máu và cũng là biện pháp răn đe mang tính trấn áp lúc bấy giờ, nhờ vậy mà trật tự thành phố dần dần được vãn hồi. Không biết bao nhiêu lần vào sinh ra tử, không biết bao nhiêu lần đọc ngang khắp mọi miền đất nước tham gia các chuyên án triệt phá những băng trộm cướp hung hãn cướp của, giết người. Cũng không biết bao nhiêu lần thức thâu đêm suốt sáng với anh em chiến sĩ, đồng nghiệp bàn mưu tính kế đối phó với những băng đảng trộm cướp khét tiếng. Từng là người trực tiếp lãnh đạo chỉ huy nhiều trận phá an. Chiến công nối tiếp chiến công đã tạo được uy tín và niềm tin của lãnh đạo và đồng chí đồng đội. Từ đó con đường sự nghiệp của anh ta đi lên nhanh chóng. Sau hơn hai mươi năm anh ta đã trở thành người lãnh đạo có uy tín và năng lực, có nhiều triển vọng nữa.

Vây giờ về mối quan hệ với ông trùm, thật khó có thể phân định rõ ràng bạn bè hay đối địch, anh em tình nghĩa hay quan hệ công việc nhưng có một điều rõ ràng, thời điểm ban đầu lão là đối tượng của anh ta. Và từ đối tượng chuyên sang thành mối quan hệ thân tình quả là một quảng thời gian khá dài. Thật ra lúc đó, anh ta chú ý đến lão vì lão là một tên trùm giang hồ có nhiều “thành tích” bất hảo trước vào sau giải phóng. Một đối tượng cần phải đưa vào diện quản lý nhiều mặt theo quy định của ngành công an và khi đó, anh ta đã lập hồ sơ quản lý lão, sau này chuyển cho anh em cấp dưới làm nhưng luôn đôn đốc kiểm tra cẩn thận. Nhưng không hiểu sao ông trùm lại tìm cách giáp mặt anh ta. Một nguyện vọng tha thiết nhưng ẩn chứa trong đó nhiều dấu chấm hỏi. Không lẽ mình sợ hắn? Hồi ấy anh ta đã nhiều lần tự hỏi mình câu ấy trước khi nhận lời tiếp lão và quyết định tiếp trên thế thượng phong nhằm tìm hiểu thêm về mộ tên trùm tội phạm có tiền án tiền sự để răn đe nhắc nhở. Trước khi gặp anh ta đã nghiên cứu kỹ hồ sơ về lão trong tàng thư ngành công an với nhiều nguồn thông tin khác để hình dung rõ ràng về kẻ mình sẽ tiếp là ai. Tất cả cho anh ta tư thế tự tin khi tiếp xúc và tin rằng mình sẽ đánh gục tên trùm này, khống chế hắn và sử dụng hắn nếu có thể.

Lão xuất hiện trước mặt anh ta với vẻ hiền hòa, thậm chí có phần hơi khúm núm nhún nhường đến hèn hạ làm anh ta ngạc nhiên. Không lẽ đây là một trên trùm giang hồ khét tiếng sao, nhưng rồi anh ta lại tự nhủ, mình đang là công an và không mất cảnh giác trước con cáo già nhiều âm mưu thủ đoạn này. Lần đó anh ta tiếp lão trên tinh thần dè dặt cao độ và luôn luôn nhắc nhở giáo dục y tìm con đường lương thiện làm ăn kiếm sống. Đấy là lần thứ nhất rồi đến lần thứ hai, thứ n… nào đó anh ta không nhớ rõ, chỉ nhớ một điều rằng càng về sau mối quan hệ càng thân tình hơn. Tên trùm từ đối tượng cần chú ý quản lý chuyển sang thành đối tượng cần cảm hóa giáo dục, rồi thành đối tượng cần tranh thủ lôi kéo và anh ta cùng lão gọi nhau là anh em thân tình bởi bây giờ lão không còn là đối tượng quản lý của cảnh sát hình sự nữa mà chuyển sang tông độ khác, đó là cộng tác viên của đơn vị anh ta và do anh ta trực tiếp quản lý, tiếp xúc. Anh ta biết rằng với thân phận một tên trùm, lão ta rất có uy tín trong giang hồ và hiểu biết nhiều về giới giang hồ, anh ta muốn lợi dụng điều đó, trước hết là vì công việc, để cung cấp thông tin truy tìm bọn tội phạm cướp giật trên đường phố. Ông trùm làm việc rất hiệu quả nên sau này anh ta đã mạnh dạn sử dụng lao vào công việc ngăn chặn và răn đe những tên tội phạm khác có hành động manh động. Lão đã giúp anh ta thành công trong việc điều tra một số vụ án nóng… tạo thêm tiếng vang và uy tin cho anh ta và đơn vị mình phụ trách. Thế rồi không hiểu từ khi nào lão trở thành người tin cậy của anh ta và đến một ngày kia trở thành anh em của anh ta. Ngày đó là ngày nào? Cái ngày mà lão ề à bằng giọng thân tình, anh thấy chú làm công an cực quá, lương chẳng bao nhiêu mà con cái lớn cả rồi… Chú cầm tạm. Lần đầu tiên anh ta giảy nảy lên, làm vậy là vi phạm nguyên tắc của ngành công an đấy. Trời, có bao nhiêu đâu mà chú ngại, chút đỉnh giúp mấy cháu học hành thôi. Con chú tức là cháu của anh mà ông anh này còn làm ăn được thì nỡ lòng nào làm ngơ nhìn các cháu cực khổ, chú thiệt là. Chao ơi, những lời nói mật ngọt mới thân tình làm sao và anh thật sự cảm động về điều đó. Còn những lần sau đó thì… bình thường, không những vậy mà sau này lão còn ngỏ ý rủ anh ta tham gia phần hùn vào mấy cái nhà hàng của lão đang ăn nên làm ra. Làm gì anh ta có đủ tiền để tham gia vào hùn hạp làm ăn, thế nên… chỉ biết tặc lưỡi. Và thế là tiền, tiền chảy như nước vào túi anh ta rất nhanh, rất nhiều và nó quyến rủ làm sao, anh ta không thể cưỡng lại nổi mảnh lực của đồng tiền. Dĩ nhiên anh ta thừa đủ thông minh để hiểu tiền này từ đâu chảy vào túi mình và không bao giờ ngẫu nhiên, không kèm theo điều kiện cả. Ban đầu chỉ là những quan tâm nho nhỏ, những giúp đỡ bình thường để rồi sau đó kéo theo những cái lớn hơn và từ không bình thường đó trở thành bình thường. Sau này đôi lúc anh ta cũng tự hỏi, tại sao mình có thể nhanh chóng sa ngã đến như vậy? Không thể lý giải nổi nhưng anh ta hiểu một điều rất rõ là tay mình đã nhúng chàm rồi và nhúng rất sâu nữa là khác. Từ những chuyện ấy kéo theo muôn vàn mối quan hệ ân nghĩa khác để đến một ngày kia, anh ta hốt hoảng nhận ra rằng mình không thể nào thoát ra khỏi tay lão ta được nữa. Nói một cách nào đó thì sinh mạng chính trị cho đến chức vụ quyền hạn anh ta đang có trong tay đã gắn chặt với lão rồi. Đôi lúc lương tâm của một con người, trách nhiệm của một người lính trỗi dậy, nó dày vò nhiều ngày làm cho anh ta mất ăn mất ngủ khi nhận ra thực tế phũ phàng ấy. Anh ta loay hoay tìm lối thoát nhưng cứ như sa vào bát quái trận đồ vậy, càng tìm đường ra càng rối rắm, càng mất phương hướng thêm. Chẳng hiểu thời điểm ấy lão quỷ quái này có biết anh ta nghĩ gì trong đầu không mà lại xuất hiện thường xuyên để rủ đi đây đi đó giải trí, để rồi một đêm khi có bàn tay đàn bà êm dịu nóng bỏng đặt vào lòng anh ta mời mọc thì anh ta tặc lưỡi. Suy cho cùng mình cũng chẳng còn gì để mất, thôi đành. Sau lần ấy, anh ta không còn dằn vặt phân biệt bổn phận trách nhiệm giữa mình và lão nữa. Nay đã là anh em đúng nghĩa. La anh em kết nghĩa.

Trong cuộc đời rồi cũng có lúc ta phải quay lưng lại để nhìn cái bóng đổ phía sau mình mà suy nghĩ tự vấn lương tâm, nhìn những điều mình đã làm được, chưa làm được. Những khát khao dâng hiến chiến thắng của thời trai trẻ, kể cả âm mưu và thủ đoạn vươn lên biến mình thành kẻ máu lạnh tanh lòng trong chốn quan trường đầy cạm bẫy. Và cả những nuối tiếc khôn nguôi giấy phút dại khờ rằng, lúc ấy sao ta không siết chặc em hơn trong vòng tay để nay mãi mãi day dứt muộn màng. Nhưng lúc ấy là lúc nào? Già yếu sắp chết hay lúc bệnh tật ốm đau mòn mỏi trên giường, hay lúc đứng trước thánh thần để xưng tội mà cầu khẩn mong một sự tha thứ mơ hồ nào đó khi về cõi vĩnh hằng cho lòng nhẹ nhõm? Nhưng với riêng anh ta thì, chính là lúc đưa tay vào chiếc còng số tám quen thuộc bập chặt bởi vì cũng chiếc còng ấy, anh từng siết tay biết bao kẻ tội phạm mà không ngờ có một ngày kia mình cũng bị như vậy. Là lúc đứng trước vành móng ngựa nghe tuyên án với những giọt nước mắt ân hận ăn năn muộn màng. Là những đêm đơn côi nằm nhìn ánh trăng vàng qua cửa sắt nhà tù lắng nghe tiếng chim tắc bọp xa xa nhớ về thời huy hoàng ngày xưa và thương cho mẹ già nay lủi thủi một mình trong tủi hổ biết dường nào.

Cuộc đời cay nghiệt quá, nhưng luôn luôn có cái giá của nó. Đấy không phải là số phận mà là điều mình tự làm, tự nguyện làm thì phải chịu trách nhiệm về nó và chẳng có thể oán trách ai được, đổ lỗi cho ai được.

Ông trùm đã khéo léo trình bày những điều lão đã thống nhất với vị quan chức kia và hỏi:

- Chú thấy anh đề nghị như vậy có được không?

Anh ta gật gù, những điều lão nói ra cũng là những điều anh ta suy nghĩ trước đó, chưa kịp bàn thì không ngờ lão ta lại nói trước. Anh ta thầm khen lão là người khôn ngoan.

- Có lẽ vào thời điểm này thì chẳng có giải pháp nào tốt hơn giải pháp anh vừa đưa ra. Thôi tiến hành đi.

- Được, anh sẽ tìm người cho chú ngay.

Anh ta dặn dò kỹ:

- Tìm thằng nào “sạch sẽ” một chút. Chưa có tiền án tiền sự, mặt mày sáng sủa, biết ăn nói và… - Hình như anh ta thoáng thấy mắc cỡ áy náy trong lòng vì mình đang ở cương vị truy tìm tội phạm lại “mách nước” thì thật không ra thể thống gì, nhưng rồi cảm giác ấy qua mau. Anh ta dặn tiếp – Anh cần tính toán lời khai cụ thể cho nó, cẩn thận từng câu chữ và ráp vào làm sao cho đúng với tình huống xảy ra đêm hôm ấy.

- Được rồi, chú yên tâm. Chuyện này thì anh Năm rành lắm.

Ông trùm nói rất tự tin vì chẳng gì thì tại cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố lão ta cũng có người quen, rất thân nữa là khác. Nhìn vẻ mặt tự đắc của lão, anh nhún vai không bình lời nào, làm gì anh ta không biết chuyện này. Thế nhưng sau đó anh ta lại lắc đầu.

- Anh Năm đừng vội đắc ý quá, trong chuyện này tôi thấy còn nhiều phức tạp lắm.

- Chuyện gì? – Ông trùm cụt hứng hỏi.

Anh ta không trả lời mà ngước mặt lên nhìn trần nhà, tự hỏi, có nên kể cho lão ta nghe không nhỉ.

Ngay trong đêm đó, khi anh ta ngủ bỗng tiếng chuông điện thoại réo vang, cả máy cố định lẫn máy di động. Là một người chỉ huy lực lượng chuyên đấu tranh án trật tự xã hội nên anh ta có nguyên tắc là, không bao giờ tắt máy di động lẫn cố định, luôn luôn có một kênh thông tin liên lạc với đơn vị, kể cả đi đâu xa và lúc nào cũng ở trên tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đấy là thói quen từ thời trai trẻ khi còn là một trinh sát hình sự trẻ cho đến nay cũng vậy. Đêm đó anh ta đã nhận được tin dữ về một trinh sát của mình tối đi nhậu bị bọn giang hồ đâm chết. Tốc mùng dậy, anh ta khẩn trương điện thoại ngay cho trực ban đơn vị để cử trinh sát đến bệnh viện và xuống hiện trường để nắm tình hình nóng, lấy khẩu cung nhân chứng ngay. Sau đó là hàng loạt chỉ thị mệnh lệnh được đưa ra với cán bộ chiến sĩ khác.

Bọn nào nhỉ, bọn nào dám vuốt râu hùm đâm chết cảnh sát hình sự ngay tại thành phố này? Những đốm thuốc lập lòe cháy đỏ rực trong đêm, anh ta đăm chiêu suy nghĩ xem kẻ nào dám đụng đến cảnh sát hình sự, một sự ẩu đả vô tình hay là một vụ đâm chém giết người có kịch bản trước? Ẩu đả vô tình, tại sao và tại sao lại nhắm vào đúng cảnh sát hình sự này. Và dù có là ẩu đả vô tình thì băng nhóm nào, bọn nào, ở đâu… có tổ chức hay là một đám thanh niên càn quấy nào đó? Nếu có tổ chức thì băng nhóm giang hồ nào và nhằm vào cảnh sát hình sự này nhằm mục đích gì, hay cảnh sát hình sự này đã biết gì, làm những gì đến nỗi bị giang hồ thanh toán. Đây là ân oán tư thù cá nhân hay là vì công việc đang làm. Rà soát trong đầu anh ta nhanh chóng khẳng định không thể nào cảnh sát hình sự này bị đâm chết vì công việc đang làm, hiểu theo cách nào đó tức là bọn giang hồ xử anh ta vì anh ta biết chúng quá nhiều.

Cho vàng mười, chúng cũng không dám, anh ta cười gằng một mình, lẩm bẩm trong đêm. Là một cảnh sát hình sự lão làng anh ta thừa biết điều đó. Bọn tội phạm không bao giờ hành động khinh suất như vậy, giết một cảnh sát hình sự, không bao giờ trừ khi chúng bị dồn đến đường cùng không lối thoát. Bọn chúng đều hiểu rằng đụng đến cảnh sát hình sự tức là thách thức lực lượng này tiêu diệt chúng. Như vậy chỉ có thể vì một mối tư thù cá nhân nào đó bởi cảnh sát hình sự này đang bị đình chỉ công tác để điều tra làm rõ có liên quan đến một vụ tiêu cực về tiền bạc tại quận Gò Vấp. Nhưng rồi anh tự hỏi, nếu là tư thù cá nhân thì có đến nổi phải giết người không, nhất là lại giết một cảnh sát hình sự? Không thể vậy, vả lại nếu có, theo anh thì chúng làm êm thắm nhẹ nhàng hoặc dàn cảnh một cái chết cho hợp lý hơn là một vụ chém giết ồn ào gây dư luận bất lợi cho chúng. Như vậy có khi nào là ngẫu nhiên không… Đêm đó anh ta mất ngủ. Sáng hôm sau vừa lên đơn vị thì các nguồn thông tin đã báo về dồn dập. Và bằng sự nhạy cảm của một người có hai phần ba cuộc đời lăn lộn trong nghề phòng chống tội phạm, anh ta cho rằng, rất có thể chỉ là những lý do ầu ơ nào đó ngẫu nhiên dẫn đến án mạng nhiều hơn là một vụ giết người có tổ chức. Thế nhưng anh ta không phát biểu ý kiến đấy mà cứ để cho cấp dưới làm công việc của mình.

Khi họp giao ban đơn vị, nghe báo cáo nóng của các trinh sát qua tiếp xúc với nhân chứng tại hiện trường vụ án thì anh ta điếng người. Té ra là đám tay chân đàn em của lão ta. Cầm máy điện thoại di động trên tay anh ta lưỡng lự khá lâu xem có nên liên lạc với lão ta hay ngay không, để hỏi xem lão biết chuyện gì chưa? Anh ta biết thời gian này lão không có mặt ở thành phố. Với lại một con người khôn ngoan như lão thì chẳng dại gì đứng ra tổ chức vụ này, chưa kể vuốt mặt phải nể mũi, lão với anh ta thân thiết nhau như vậy, muốn gì thì cũng phải hỏi ý nhau một tiếng chứ. Há gì một vụ việc động trời như thế này mà lão không trao đổi trước với anh thì có họa là điên. Ngay lúc ấy trong đầu anh ta đã có một câu trả lời rõ rệt, rất có thể vụ này không liên quan gì đến lão, lão chẳng biết gì cả, trong thời gian lão đi vắng bọn đàn em càn quấy ở nhà đã làm bậy. Có lẽ thế, đấy cũng là câu trả lời của anh ta với một vị lãnh đạo trực tiếp của mình vừa gọi điện hỏi thăm tình hình. Ông ta cũng biết tin.

“Vùng đầu có chín vết thương rách da, có những vết thương làm gãy xương sườn, thủng bao ngoài màn tim, thủng tâm thất phải tận cùng ở vách liên thất…”. Thôi, anh ta giơ tay ra hiệu dừng lại không cần đọc biên bản khám nghiệm tử thi nữa. Đưa tôi một bản, sau đó anh ta chỉ thị việc cần lập gấp một tổ gồm những trinh sát có năng lực nhất do anh ta trực tiếp chỉ huy, thu thập tất cả các nguồn thông tin, nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án này trong thời gian sớm nhất. Đây là danh dự uy tín của ngành và của chính lực lượng cảnh sát hình sự chúng ta. Anh gằng giọng và lúc ấy nói rất thật lòng. Sau đó chỉ đạo tiếp cho các đội về tổ chức họp đội ngay, quán triệt tinh thần cho anh em, cần bình tĩnh, không nôn nóng chủ quan, tung lực lượng cơ sở nắm tình hình làm rõ xem bọn nào, băng nhóm nào và lý do gì.

Sau đó anh ta vội vã ôm cặp đi họp. Một cuộc họp căng thẳng khác đang chờ anh ta ở phòng làm việc của ban giám đốc.

“Sao hả” – Vị lãnh đạo cao nhất công an thành phố, có thói quen mỗi khi họp rất ít nhìn ai, thường quay mặt vào tường thì hôm ấy đã quay ngoắc lại nhìn anh ta chằm chặp, cao giọng hỏi trỏng như vậy. Sau khi nghe anh ta trình bày sơ qua về diễn biến vụ việc xảy ra và đưa ra một số kết luận ban đầu thì ông nói:

- Vấn đề không phải uy tín của tôi hay anh mà là uy tín của ngành công an, cụ thể là công an thành phố bị tổn hại nghiêm trọng trong vụ này. Chưa bao giờ có một cảnh sát hình sự lại bị tội phạm tấn công, giết chết một cách dã man như vậy. Còn gì là luật pháp chính quyền.

- Tôi cho rằng chúng ta cần phải nhanh chóng làm sáng tỏ động cơ của vụ giết người này, bọn tội phạm này là bọn nào và chúng muốn gì…

Nhiều, rất nhiều ý kiến và đều khá gay gắt đòi hỏi anh ta – lãnh đạo một đơn vị trinh sát hình sự với nhiệm vụ phòng chống tội phạm phải nhanh chóng cho tiến hành điều tra làm rõ và có câu trả lời dư luận gấp. Dư luận hay sức ép của cấp trên, nói cách nào cũng được nhưng anh ta hiểu một điều rằng tình hình rất căng thẳng và phải tìm ngay ra thủ phạm. Một bạn chuyên án được hình thành ngay sáng hôm ấy do một phó giám đốc phụ trách làm trưởng ban còn anh ta là phó ban thường trực cùng với lãnh đạo một số đơn vị nghiệp vụ thuộc khối cảnh sát có liên quan. Nhiệm vụ rất cụ thể: cần điều tra bắt được thủ phạm trong thời gian ngắn nhất. Lúc ấy anh ta dự tính hợp xong sẽ liên lạc với lão trùm, chắc chắn lão sẽ có câu trả lời, nhưng chưa kịp liên lạc thì lão đã điện thoại trước.

Kể lể cho lão ta nghe phỏng có ích gì, anh ta nghĩ vậy nhưng vẫn nói:

- Một thằng lính của tôi bị bắn chết, trước tiên người ta sẽ hỏi tôi là ai và tại sao lại để xảy ra như vậy? Tôi…

- Anh biết… Anh biết… - Ông trùm cắt ngang – Bây giờ chú có trách bao nhiêu thì anh cũng chịu, thôi trăm dâu đổ một đầu tằm vậy. Nhưng hình như vấn đề có vẻ nghiêm trọng theo một chiều hướng khác?

Ông trùm thăm dò vì chợt nhớ đến buổi làm việc riêng với ông ta và thái độ khẩn trương có phần căng thẳng của con người quyền lực này làm cho lão không yên tâm, nay sẵn dịp lão hỏi luôn anh ta và còn dự định tìm hiểu thêm vài nơi khác nữa để nắm tình hình, có biên pháp tính toán.

Lại một lần nữa anh ta tự hỏi có nên kể lể cho lão nghe không và nên kể điều gì?

Là một trinh sát hình sự đi lên từ cấp thấp nhất đến ngày anh, hy sinh gian khổ khá nhiều và đấy là điều luôn làm anh ta hãnh diện, tự hào với bạn bè cũng như con cái trong nhà. Thế rồi cuộc đời xoay vần, không biết trước được, để nay… Nhiều lúc anh ta buồn rầu nhìn đôi bàn tay mình lẫn cặp quân hàm vàng rực rỡ trên vai và tự hỏi, mình có còn xứng đáng không? Lương tâm của anh ta vẫn biết sự đúng sai và đôi lúc thấy hổ thẹn với chính mình. Chỉ tiếc rằng con thuyền đã rời xa bờ mất rồi, nay muốn quay đầu trở lại không kịp nữa. Chỉ còn biết cố lái con thuyền ấy đi làm sao cho đừng quá chệch hướng thôi, mà liệu có phải là anh ta đang tự cầm lái không hay người khác lái hộ mình. Anh ta tự hỏi vậy.

Thời gian gần đây anh ta cảm nhận được bầu không khí lạnh nhạt, hờ hững và có phần nghi kỵ… của một số vị lãnh đạo với anh ta, khác hẳn thái độ tin cậy quý mến trước kia. Là một người lão luyện trong công tác điều tra tội phạm đã cho anh những giác quan nhạy bén vô cùng và anh ta nhanh chóng “bắt sóng” được điều này. Đầu tiên anh ta cũng không để ý lắm, cuộc sống mà, có lúc được lòng người này thì mất lòng người kia, âu cũng là chuyện thường, có phải thần thánh đâu mà được lòng tất cả? Thế nhưng lần này nó không đơn giản là ai ghét ai thương, hình như nó còn nằm ở đâu đó trong công việc. Năng lực chuyên môn nghiệp vụ của anh ta, không phải, tham nhũng hối lộ, cũng không phải, phẩm chất đạo đức, cũng không phải… Anh ta tự rà soát lại bản thân để tìm hiểu xem thật sự đã xảy ra chuyện gì với mình hoặc đơn vị mình, nhưng đều không có câu trả lời thỏa đáng. Và điều này làm cho anh ta chột dạ. Thế rồi một vài thông tin mập mờ từ nhiều nguồn khác nhau ngay trong nội bộ hé mở và chính từ một vài lãnh đạo thân quen anh ta lộ ra. Té ra là vấn đề khác hẳn. Đã có vài ý kiến tỏ ý nghi ngờ về năng lực chuyên môn lãnh đạo của anh ta. Nghe tức cười quá, anh ta cười khẩy, kẻ nào nói điều đó là thằng ngu không biết gì. Bao nhiêu năm nay ở cái thành phố này, ngay trong lực lượng công an thành phố ai dám vỗ ngực khoe sự hiểu biết về tội phạm hơn anh ta? Ai dám cho rằng có thể đi sâu sát điều tra tuy bắt tội phạm hơn anh ta? Và… vị cấp trên ấy – con người thân tình này chỉ kín đáo nói thoáng qua về việc có thông tin nghi ngờ anh ta có liên quan đến một vài tên tội phạm nào đó và đã có đơn vị nghiệp vụ khác điều tra vấn đề này. Hãy cẩn thận, vị lãnh đạo nói, tôi quý cậu nên nói trước và cậu hãy kiểm tra lại xem. Chưa kể mấy người bạn thân quen cùng cấp cũng đã thông tin cho anh ta biết, nội dung gần như vậy.

Một hơi lạnh buốt chạy khắp sống lưng và anh ta sững người trước thông tin này, ra vậy. Đó là những điều lợn gợn anh ta đã cảm nhận được. Làm công tác phòng chống tội phạm mà lại liên quan đến tội phạm thì quả không hay ho chút nào. Vậy liên quan này là liên quan gì và liên quan như thế nào? Liệu đã có ai đặt nghi ngờ về quan hệ giữa anh ta và lão trùm chưa? Có hay chưa có và nếu có thì ở mức độ nào, họ biết những gì? Anh ta cố gắng tìm hiểu để đánh giá tình hình tìm giải pháp đối phó nhưng mọi chuyện cũng chưa đi đến đâu thì lại xảy ra vụ trung sĩ cảnh sát hình sự của mình bị giết càng làm cho anh ta thấy điên đầu. Dù gì chuyện này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lực lượng, của đơn vị và chính anh ta.

Nhìn gương mặt đen đúa sậm xuống vẻ đăm chiêu của anh ta, lão trùm thầm nghĩ, có lẽ vụ việc nghiêm trọng chứ không đơn giản như lão nghĩ. Chuyện gì nhỉ, một lần nữa lão tự hỏi. Ông ta cũng lộ vẻ lo lăng rồi nay là gã em kết nghĩa cũng vậy, hay là chuyện đấu đá trong nội bộ giữa họ với nhau, không liên quan gì đến lão. Rõ ràng bọn họ đang lo lắng nhưng lại không muốn nói cho lão biết, như vậy rất có thể là chuyện cá nhân họ với nhau. Thời buổi này tranh giành địa vị thì người ta sẵn sàng hạ bệ nhau lắm, ông ta cho thằng em này đều là người nhà nước thì làm sao tránh khỏi. Nghĩ vậy và lão tự nhủ cần tìm hiểu.

- Anh sẽ đưa một thằng cháu ra. Thằng này mặt mày sáng sủa, thông minh, biết ăn nói và nó chưa từng có tỳ vết gì với công an cả. Chú thấy được không?

- Được. Anh ta trả lời gọn.

- Mọi việc mong chú giúp anh, còn bên điều tra anh cũng sẽ có lời thêm.

- Chuyện đấy khỏi lo, anh về sắp xếp nhanh đi.

- Ừ… chú đừng lo quá hại cho sức khỏe.

Lời dặn dò rất thân tình ấu yếm của một ông anh dành cho đứa em trai nhỏ làm anh ta cảm động. Dù gì thì cả hai cũng đã gắn bó với nhau nhiều năm rồi, nay xem ra họ hai mà cũng gần như một. Sức khỏe của anh ta, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, sẽ là sức khỏe của chính lão ta, làm sao không lo cho được. Họ đã gắn bó với nhau quá chặt mất rồi.

Nhìn lão trùm cắm cúi đi, anh ta thở dài. Trong vụ này cũng chẳng trách lão ta được, nó nằm ngoài suy tính của lão thì làm sao trách được. Có chăng tự trách ông trời mới đúng.

Anh ta đứng dậy, đi ra sau đó ít phút và kín đáo quan sát xung quanh trước khi leo lên xe. Lạ thật, không hiểu sao bây giờ anh ta luôn có cảm giác mình đi đâu cũng có người theo dõi, rình mò.