Hitler và những sứ mạng bí mật của Skorzeny

Chương IX

Một lần nữa, sự tình cờ, chủ nhân ông của những người mạo hiểm đã đến giúp chúng tôi. Chính nhân một cuộc thanh tra thường lệ trong vùng hồ Bracciano, sau cùng, tôi mới khám phá ra những dấu vết chính xác. Một vài sĩ quan của chúng tôi đã trông thấy chiếc thủy phi cơ bệnh viện hạ cánh! Dần dần các tin tức khác sưu tầm được đã hậu thuẫn cho giả thuyết về một giam giữ ông Duce trong chính bán đảo này. Nhiều lần, chúng tôi theo những dấu vết để rồi sau cùng thấy sai lạc, chẳng hạn như hồ Trasimène. Nhưng một hôm, tin tức về một vụ tai nạn xe hơi làm thiệt mạng hai sĩ quan cao cấp Ý đã khiến chúng tôi có ý tưởng tìm kiếm trong vùng núi Abruzzes trùng điệp. Cũng tại đấy, những tin đồn mơ hồ đã dẫn chúng tôi lạc lối, theo ngỏ phía đông của dãy núi.

Dần dần, chúng tôi bắt đầu tin rằng đây là các đường lối do địch vẽ ra để đánh lạc hướng chúng tôi. Cơ quan tình báo Ý quả nhiên không phải là một đối thủ tầm thường. Mặt khác, các cơ quan tình báo của Đức như Bộ Tham Mưu của Thống Chế Kesselring, hoặc các nhân viên của Ausland-Abwehr chẳng hạn, cũng ra sức để được xem là cơ quan đầu tiên khám phá ra chỗ giam nhà độc tài Ý. Trong tháng tám, chỉ huy cơ quan Quân báo Đức, Đô Đốc Canaris, gặp tại Venise đồng nghiệp Ý của ông, Tướng Amé. Cuộc tiếp xúc không kết quả. Có phải quyết tâm giữ bí mật bằng mọi giá của Ý rõ rệt là đã mạnh hơn ý muốn đưa vụ mất tích bí mật này ra ánh sáng của Fuhrer? Chắc như vậy. Liệu có phải Canaris đã nhiệt tâm hành động theo lệnh của Bộ Tư Lệnh tối cao Đức Quốc? Nhiều khi tôi tự hỏi…

Bên cạnh đó, Thống chế Kesselring đã nhân cơ hội sinh nhật thứ 60 của Mussolini – ngày 29 tháng 7 năm 1943 – để thử dò la chính ngay nơi ông già Thống Chế Badoglio. Để làm quà sinh nhật, Hitler gởi sang Ý một ấn bản quí, in giới hạn, toàn bộ tác phẩm của Nietzsche. Sách được đặt trong một hộp gỗ chạm trổ đẹp tuyệt vời. Kesselring bảo rằng Fuhrer muốn ông trao tận tay Mussolini món quà sinh nhật. Đáng tiếc, chiến thuật này thất bại, bởi vì Badoglio từ chối, bằng những lý lẽ lờ mờ.

Trong khoảng thời gian đó, tình hình ở La-mã càng ngày càng trở nên tệ hơn. Lần lượt nhiều Sư đoàn Ý từ mặt trận rút về và kỳ lạ hơn nữa là các đơn vị đó đã đóng chung quanh thành phố - Về phương diện chính thức, mục đích là để ngăn chặn mối đe dọa một cuộc đổ bộ của địch – Thật ra, chúng tôi không tin như vậy. Nếu nhất thời mọi chuyện giữa người Ý và chúng tôi hỏng cả, thì Sư đoàn duy nhất của Đức – Sư đoàn dù của Đại tướng Student – và một vài đơn vị chỉ huy liên lạc của Bộ Tham mưu của Thống Chế Kesselring sẽ bị đặt trước một lực lượng tập trung có ưu thế tuyệt đối gồm 7 Sư đoàn. Chúng tôi nhận thức rằng đó là sự thật khi quân Ý vẫn kéo về tập trung không ngừng.

Trong khi đó bộ phận tình báo của riêng tôi đã xác nhận chắc chắn rằng Mussolini hiện đang ở trong một khách sạn dưới chân núi Gran Sasso, lẽ tất nhiên là được canh kỹ. Trong nhiều ngày liền, chúng tôi thất bại trong việc thử tìm một bản đồ chi tiết về khu vực đó. Vì lẽ khách sạn chỉ được cất xong ít lâu thì chiến tranh bùng nổ, tòa nhà đó không hề được ghi trên bất cứ bản đồ nào. Chúng tôi chỉ tìm được hai tin tức mơ hồ: Câu chuyện của một người Đức ngụ tại Ý đã từng đến nghỉ mát tại khách sạn này vào mùa đông 1938, và một tập quảng cáo của một hãng du lịch, tán dương thiên đường của những tay trượt tuyết nằm ngay trong lòng dãy Abruzzes này.

Những yếu tố đó còn quá mỏng manh so với công cuộc chuẩn bị cho một cuộc đột kích tối quan trọng. Chúng tôi quyết định kiếm thật gấp vài không ảnh. Đại tướng Student cấp cho tôi một phi cơ trang bị máy hình tự động, và sáng ngày 8 tháng 9 tôi bay từ phi trường Pratica di Mare cùng với Radl và một sĩ quan tình báo của Bộ Tư lệnh Sư đoàn, trong kế hoạch của tôi, ông này sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Vì cần phải dấu kỹ bằng mọi giá mục đích của chuyến bay đối với người Ý, chúng tôi vượt qua dãy Abruzzes với cao độ 5.000 thước. Ngay cả viên phi công cũng không được biết mục đích của chuyến bay, anh ta được cho biết rằng chúng tôi sẽ chụp hình các hải cảng vùng Adriatique.

Khi còn cách Gran Sasso chừng 30 cây số, tôi nghĩ là phải chụp thử vài tấm hình với chiếc máy khổng lồ gắn cứng vào bụng phi cơ. Chúng tôi thấy đường phim trượt của máy bị kẹt vì tuyết đóng. Như vậy máy chụp hình trở nên bất khiển dụng. May thay chúng tôi lại có mang theo máy chụp hình xách tay, dù tốt dù xấu chúng tôi phải xử dụng nó. Chúng tôi cũng bị rét cóng bởi vì trên người chỉ mang bộ quân phục viễn chinh miền Phi Châu. Vì không thể mở hết nắp kính của cánh cửa sau, khi phi cơ đang bay, chúng tôi bắt buộc phải đẩy lui một phần nắp kính để tạo một thị trường cho máy hình. Kế này không mấy thuận tiện, bởi vì người chụp hình bắt buộc phải nhô đầu, vai và tay ra khỏi lỗ hổng.

Tôi thử liều trước. Chưa bao giờ tôi cảm thấy không khí giá buốt như vậy, gió mạnh cắt da. Tôi nhọc nhằn nhô nửa người ra lỗ hổng trong khi Radl nắm chân tôi. Vài phút sau, chúng tôi bay trên Campo Imperatore, một cánh đồng hoang vu quay cuồng nằm trên cao độ 2.000 thước. Những thành núi dựng thẳng đứng của mũi Gran Sasso vạch từng nét một lên cao cho đến 2.900 thước. Những tảng đá xám và nâu, những vách núi trơ trụi và rồi chúng tôi bay qua trên mục tiêu, khách sạn: một kiến trúc vĩ đại, ngay cả khi được nhìn với khoảng cách hiện tại. Tôi chụp tấm hình đầu tiên, rồi chuyển máy hình qua tay trái tôi quay cần lên phim, lúc đó tôi mới biết chỉ trong giây lát mấy ngón tay bị tê cóng đến mức nào. Ngay sau khách sạn tôi thấy một cánh đồng lờ mờ hình tam giác. Tôi tự bảo ngay: đây rồi, bãi đáp của chúng tôi. Một tấm hình thứ ba nữa, rồi tôi lấy chân ra hiệu cho Radl kéo tôi vào.

Phải mất nhiều phút người tôi mới nóng trở lại được. Khi Radl, vẫn luôn luôn "cù không cười" hỏi: Chắc trên mặt trời cũng lạnh như vậy? Tôi quyết định để chuyến về cho hắn nếm thử mùi đau khổ.

Từ bụng phi cơ trèo trở lên vị trí, tôi đã phân biệt được một dãy màu xanh ở xa xa: biển Adriatique. Tôi ra lệnh bay thấp xuống 2500 thước và hướng mũi về phía bắc cho đến khi tới bờ biển. Rồi để đánh lừa viên phi công, tôi mang bản đồ ra nghiên cứu kỹ và bảo Radl chuẩn bị chụp hình cơ sở hải cảng Ancône.

Nhờ thời tiết thật tốt chúng tôi tiến đến các bãi biển tuyệt đẹp Rimini và Riccione rất nhanh. Vượt qua một khoảng nữa, tôi ra lệnh quay trở lại và lên cao 5500 thước để bay ngay trên đỉnh Gran Sasso.

Lần này đến phiên Radl. Chúng tôi lại trở lại vị trí đàng sau phi cơ, nơi đây nhiệt độ đã hạ xuống đáng kể, từ 2 đến 3 độ dưới không độ. Lúc này, chúng tôi đều nguyền rủa bộ quân phục bản xứ mà chúng tôi vẫn ưa thích khi đi dạo dưới ánh mặt trời tại La-mã. Tôi đưa máy hình xách tay cho Radl và giải thích thật lâu cho hắn biết cách xử dụng – phải giải thích thật lâu bởi vì có vẻ là một nghệ sĩ, hắn chẳng biết gì ráo về chi tiết kỹ thuật. Rồi hắn luồn ra cửa, hai tay thẳng về phía trước, trong khi đó tôi quì xuống để giữ chặt lấy chân hắn. Khi thoáng thấy đỉnh núi, tôi véo chân hắn để ra hiệu sẵn sàng. Cùng lúc đó tôi hét lớn – chắc hắn chẳng nghe được gì vì tiếng động cơ quá ầm ĩ – “Mau lên, chụp càng nhiều hình càng tốt”. Tôi cảm thấy qua các cử động co quắp của cặp giò, hắn đang cựa quậy điên cuồng. Có lẽ chúng tôi không bay ngang đúng trên đỉnh núi cho nên Radl cố vươn người để chụp các ảnh nghiêng. Điều này chắc rất có ích vì các hình chụp đó sẽ giúp chúng tôi hiểu thêm thế đất hơn là các hình chụp thẳng đứng, Radl ra hiệu cho tôi kéo vào. Mặt hắn xanh lè vì lạnh.

Tên nào còn ca tụng với tôi mặt trời tuyệt đẹp ở Ý, tôi sẽ bóp cổ nó, - hắn lầm bầm trong khi hàm răng đánh lập cập.

Trở lại phòng lái, chúng tôi lấy phao cấp cứu mặc vào và phủ lên người cả mấy tờ giấy dầu vứt trong xó. Tiếp theo đó, tôi ra lệnh chi tiết cho phi công: xuống thấp 1500 thước, và trở về nhưng phải theo hướng Bắc cho đến Địa Trung Hải, trên La-mã một chút. Sau đó bay là là hướng về phi trường.

Mười lăm phút sau chúng tôi được biết có lẽ sự thận trọng này đã cứu sống chúng tôi. Vừa tiến đến bờ biển, mặt trời chiếu tràn ngập trong phòng lái bao phủ toàn kiếng, ngồi bên phi công, tôi lơ đãng nhìn phong cảnh. Khi nhìn qua phía trái một cách hết sức tình cờ, về hướng dãy núi Sabins, tôi tưởng không tin ở mắt mình: vô số phi cơ địch với đội hình chặt chẽ đã từ phía Nam tiến về Frascati. Nắm chặt lấy kính đeo mắt, tôi thấy chúng trút bom xuống thành phố đúng bên trên Bộ Tham Mưu của chúng tôi. Đợt thứ nhất vừa rời xa, hai đợt khác xuất hiện trút sức nặng chết người xuống. Đến lúc đó tôi mới biết lệnh bay vòng phía bắc của tôi đã giúp chúng tôi tránh khỏi bị lọt ngay vào chính giữa phi đội địch, mà phi cơ trinh sát của chúng tôi thường không được võ trang chút nào! Lại cũng nhờ bay là là, phi cơ săn giặc hộ tống của địch không khám phá ra chúng tôi.

Vài phút sau chúng tôi đáp an toàn. Về đến Frascati, chúng tôi rơi vào một nơi hỗn độn. Tòa nhà dùng làm Bộ Tham Mưu của Đại tướng Student còn nguyên, nhưng trại của chúng tôi bị đổ nát. Khi chúng tôi muốn tiến vào, một sĩ quan báo động rằng có hai quả bom nổ chậm đang nằm trong hầm, có thể nổ bất tử. Thế nhưng chúng tôi đã để trong hầm những tài liệu quan trọng chứa đựng tất cả kết quả của cuộc điều tra. Mặc kệ - chúng tôi leo lên một đống gạch vụn, đặt chân lên bao lơn và tìm được tài liệu, mặc dầu trong phòng đồ đạc tung tóe hỗn độn. Sau đó, chúng tôi lại đặt chân được xuống đường.

Tổn thất về phía thường dân chắc là cao. Trái lại hầu hết cơ sở quân đội Đức thoát khỏi bị tàn phá. Binh sĩ của chúng tôi đang sửa chữa các đường dây điện thoại bị hư hại nặng. Phần tôi, không để mất giây phút nào, thật vậy tôi phải đến La-mã thật gấp để gặp một số sĩ quan Ý mà tôi được biết có dự định giải thoát ông Duce. Tôi cần biết kế hoạch của họ để tránh dẫm chân lên nhau.

Sau vài phút chuyện trò, tôi nhận thấy các sĩ quan trẻ tuổi này có niềm hăng hái đáng khen và một quyết tâm rất vững chắc, tuy nhiên công cuộc chuẩn bị của họ còn thua xa chúng tôi. Khi tôi giã từ các “bạn đồng mưu” này, trời đã tối hẳn, tôi còn phải băng qua thành phố La-mã để về gặp Radl tại một căn cứ Đức. Xe tôi tiến chầm chậm bởi vì đường phố tự nhiên có vẻ náo nhiệt một cách bất thường. Người ta tập hợp quanh các loa phóng thanh và khi tôi đến đầu đường Via Veneto, tôi phải chạy rề rề. Tiếng hoan hô vang dậy tiếp theo sau một tin tức được loan truyền bằng loa phóng thanh, tôi nghe vài tiếng la hét “Viva il Re!”, đàn bà ôm lấy nhau, người người bàn luận sôi nổi. Càng lúc càng lo ngại, tôi phải dừng xe lại để hỏi một người đi đường và tôi được báo một tin khủng khiếp: Nước Ý đã buông khí giới.

Tôi biết rõ ràng tình trạng các đơn vị của chúng tôi tại bán đảo rất khó khăn. Thật ra chúng tôi chờ đợi sự đầu hàng này, nhưng không ai nghĩ rằng nó xảy ra sớm như vậy. Dầu sao, biến cố này cũng sẽ làm chậm trễ sứ mạng của tôi – chậm trễ hay vô phương thực hiện không biết chừng.

Vài ngày sau, tôi được biết Tướng Eishenhower đã đi trước bằng cách tuyên bố trên đài phát thanh Alger cùng ngày đó nhưng lúc 18 giờ 30, sự đầu hàng của Ý Quốc đặt chính quyền Badoglio trước một sự đã rồi, ít ra cũng là về phương diện ngày giờ chấm dứt sự thù nghịch, vả lại phe Đồng Minh đã ấn định một cuộc đổ bộ lên Salerne vào đêm 8 và 9 tháng 9, và họ không thể thay đổi ngày giờ của chiến dịch. Cuộc hành quân này đã làm cho nhiệm vụ của một “đồng minh” mới dễ dàng hơn: cầm chân đa phần lực lượng Đức chung quanh Salerne. Theo báo cáo của các cơ sở tình báo, chúng tôi tiên liệu ngay cả một cuộc nhảy dù của Đồng Minh trong vùng Rome, nếu vậy, lực lượng yếu kém của chúng tôi sẽ bị đặt vào một tình thế không mấy sáng sủa, cũng như vậy, cuộc không tập ào ạt nhằm vào Frascati đã được quyết định trong cuộc tiếp xúc giữa chánh quyền Badoglio và đại diện của Bộ Tư Lệnh Tối Cao Đồng Minh nhằm mục đích giải tán Bộ Tham Mưu quân lực Đức tại Ý. Phần chót của kế hoạch này đã thất bại. Chúng tôi vẫn giữ được liên lạc với tất cả các đơn vị và lẽ tất nhiên tất cả đều được đặt trong tình trạng báo động.

Đêm 8 và 9 tháng 9 trôi qua trong yên tĩnh ngoại trừ vài chuyện lộn xộn nhỏ giữa quân Đức và quân Ý phía Nam thành phố La-mã. Trong ngày 9 tháng 9, trái lại, chung quanh Frascati, nơi tập trung các cơ sở Đức đã xảy ra đụng độ nghiêm trọng. Nhưng đến tối, chúng tôi giữ chắc được toàn thể vùng Monts Sabins. Dần dần các đơn vị Đức tiến gần đến La-mã hiện đang được nhiều Sư đoàn Ý bao quanh bảo vệ.

Trong khoảng thời gian xảy ra các biến cố kể trên, trong khi nhìn nhận là cần phải hoãn việc giải thoát ông Duce lại vài ngày, tôi vẫn luôn luôn tìm cách kiểm chứng bằng các chi tiết chính xác tối đa, sự có mặt của ông Duce trong khách sạn tại Gran Sasso. Những chỉ dẫn đầu tiền đã do hai người Ý vô tình cung cấp cho chúng tôi, tuy nhiên tôi thích được xác nhận bởi một người Đức. Rõ ràng là không thể nghĩ đến việc gởi một thám tử đến khách sạn bởi vì nơi đây chỉ được nối liền với thế giới bên ngoài bằng một đường xe treo khởi đi từ thung lũng. Tâm trí tôi bị dằn vặt rất nhiều trong việc tìm cách đến gần một cách tự nhiên, cho đến lúc trước khi Ý đầu hàng một ngày, tôi đã thành công vì kiếm được một người như ý. Tại La-mã, tôi có quen với một Bác sĩ Thiếu tá Đức, một người có nhiều tham vọng và từ lâu mong ước được gắn một huy chương. Tôi quyết định khai thác ước vọng vinh quang này và ngay tối ngày 7 tháng 9, tôi giải thích cho ông ta nghe phương cách làm cho thượng cấp ban cho đặc ân đó.

Cho đến nay, tất cả những binh sĩ Đức bị bệnh sốt rét – rất nhiều người bị - đều được gởi đến Tyrol để điều trị. Tôi đề nghị với ông Thiếu tá Bác sĩ thân mến của chúng tôi là “tự ý” tìm cách đến khách sạn trên núi Gran Sasso mà tôi cho là mình biết rất rõ – để xem thử cơ sở này, nằm trên cao độ 2.000 thước, có thể dùng làm nơi dưỡng bệnh hay không. Tôi nhấn mạnh là phải thảo luận thật kỹ tại chỗ với viên giám đốc, ghi nhận số giường còn trống, thanh sát cơ sở vệ sinh v.v… và tổ chức cuộc thương lượng ngay lập tức. Điều gợi ý của tôi không phải rơi vào tai kẻ điếc: sáng ngày 8 tháng 9, ông Bác sĩ đảm đang của tôi lên đường bằng xe hơi và tôi xác nhận rằng bây giờ tôi mới lo. Liệu ông ta có trở về được không, liệu tôi còn gặp lại ông ta an toàn không?

Ngày hôm sau, người điệp viên bất đắc dĩ của tôi trở về, tỏ vẻ thất vọng vì nghĩ rằng cuộc đầu hàng của Ý có thể làm cho dự tính của ông ta thất bại. Với các chi tiết thật tỉ mỉ, ông ta kể lại bằng cách nào, sau khi đến Aquila, ông đến được thung lũng khởi điểm của hệ thống xe treo. Tuy nhiên, bao nhiêu cố gắng của ông để tiếp tục con đường đều vô ích. Đường xe treo bị một rào cản chắn ngang, thêm vào đó, có vô số lính phòng vệ canh gác. Sau một hồi cãi cọ với quân canh, ông được phép gọi điện thoại cho khách sạn. Tuy nhiên không phải viên Giám Đốc trả lời, bên kia đầu dây, một sĩ quan cho ông rõ là vùng Campo Imperatore đã được coi như khu vực huấn luyện quân sự và do đó mọi sự vận dụng đất đai cũng như cơ sở tại đây đều bị cấm chỉ. Chiếu theo những gì mà ông Thiếu Tá quan sát được, hiện đang có các cuộc điều động quan trọng, trong thung lũng ông ta thấy một xe truyền tin và các xe treo không còn thất nghiệp nữa. Trong một làng kế cận, dân chúng kể với ông nhiều chuyện khó tin: hình như khách sạn vừa mới bị trưng dụng, người ta đuổi lập tức các công nhân dân sự và sửa chữa lại tòa nhà để chứa khoảng 200 binh sĩ. Các sĩ quan cao cấp đã đến thung lũng nhiều lần, một vài người – những người rành tin tức nhất – còn giả định là Mussolini bị giam trên ấy. Nhưng đó chỉ là tin đồn, không nên tin, ông Thiếu tá nhận xét.

Tôi đã lừa được ông ta.