Hoa Tầm Gởi

Chương III

Thời gian rồi cũng làm mất dần những bỡ ngỡ, ngại ngùng buổi đầu tiên. Em rồi cũng quen dần với những người xa lạ, với khu phố ồn ào, với những con đường nhiều xe cộ.

Gia đình mới của em trú ngụ trong một căn biệt thự biệt lập trong một khu đất rộng, có hàng rào xây bao bọc. Khu đất nằm ngay một ngã tư nên sự ồn ào càng gia tăng, so với sự ồn ào của đường phố Sài Gòn và sự im lặng của con đường ngoại ô ngang cô nhi viện.

Nhà chị Hằng Thu ở cùng đường, cách đó chừng nửa cây số. Đến đây được vài hôm, em đã xin sang ngay bên ấy chơi cho biết. Cũng là một biệt thự nhưng nhỏ hơn và không có đất trống nhiều. Gia đình chị Hằng Thu chỉ có bốn người: hai bác Tường - ba má chị - chị và người em trai, anh Thông. Bác Tường trai là một công chức, ngày hai buổi phải tới sở. Chị Hằng Thu, anh Thông đều còn đi học, lại cùng học buổi sáng, nên suốt buổi sáng, ở nhà, chỉ có bác Tường gái lo đi chợ, nấu nướng. Chiều đến, bầu không khí có vẻ bớt tẻ lạnh hơn, nhưng vẫn chẳng thể đầm ấm và vui vẻ bằng gia đình mới của em.

Ba nuôi em trước kia là một thương gia, sau nhiều năm lăn lộn với việc bán buôn, lấy tiền dành dụm mua ngôi biệt thự này sống dưỡng già. Người vừa được năm mươi nhưng nét mặt với những nếp nhăn và mái tóc hoa râm, màu trắng nhiều hơn màu đen khiến người ngoài thoạt trông, tưởng chừng người đã xấp xỉ sáu mươi. Tính người ít nói nên thật khó cho em trong việc tìm hiểu tính tình người. Chỉ biết, người hơi nóng tính và rất cưng chiều nhỏ Thu Mai, đứa con gái út.

Chị Uyên là người con cả trong gia đình, kế đó là anh Phong, chị Hương, anh Duy. Chị Uyên đã có người hỏi, nhưng còn đợi đến năm chị đậu xong bằng cử nhân, chị mới xuất giá. Dĩ nhiên, với sức học cao như thế của chị, em mang một niềm kính phục vô biên. Tính chị cũng tốt, tuy đôi lúc, chỉ tỏ ra ích kỷ vô cùng. Chị Hương, anh Duy đang ngồi các lớp đệ nhị, đệ tứ, không quá săn đón, chăm lo cho em như anh Phong, nhưng cũng không quá thù nghịch với em như nhỏ Thu Mai.

Em thực lấy làm khổ tâm về điều này. Nhưng em không oán trách nhỏ ấy một lời. Vì em hiểu, sự hiện diện của em đã gây một thiệt thòi cho nhỏ ấy. Em đã chia xẻ tình thương của nhỏ ấy.

Nhiều lúc, em thấy áy náy vô cùng khi má nuôi em cho em quà mà không cho nhỏ Thu Mai. Có lần, em lấy phần của mình chia cho nhỏ ấy, tức thì nhỏ ấy quăng xuống đất, nói "không thèm" rồi bỏ đi. Để lại em, không biết nghĩ sao, đứng khóc.

Những ngày mới về đây, thì giờ với em thật thừa thãi. Nhưng hiện giờ, em đã được nhập học - nhờ quen biết, má nuôi em xin cho em được vào học trường công, cùng lớp với nhỏ Thu Mai - Em đã có một thời khóa biểu đều đặn. Thời khóa biểu khác hẳn với nếp trầm lặng của cô nhi viện.

Buổi sáng, anh Phong lái xe đưa em và nhỏ Thu Mai đến trường rồi anh mới đi học, hoặc, về đưa chị Uyên, chở má đi chợ... Trưa, nếu anh bận học, chưa kịp về, hai đứa em cuốc bộ về nhà. Trường cũng không xa lắm, cách nhà gần một cây số. Giấc ngủ trưa không bắt buộc như trong cô nhi viện nên em có thể làm việc này, việc nọ. Chiều đến, sau khi tắm rửa, em và nhỏ Thu Mai đi học bài. Bữa cơm chiều là chấm dứt những việc thường nhật.

Buổi tối, ngoại trừ những khi đặc biệt, như có chương trình thiếu nhi, hoặc có lời gọi của má nuôi em, em mới chịu coi truyền hình. Cái thú của em mỗi khi màn đêm buông xuống là ra sân trước, ngồi trên chiếc xích đu trò chuyện với anh Phong. Thỉnh thoảng, chị Hằng Thu rảng rang theo má sang chơi, anh Phong đem đàn ra đệm cho hai chị em hát, thật vui.

Đôi lúc, em nhớ lại chuỗi ngày còn sống trong cô nhi viện. Nhớ những việc hàng ngày ở đó. Nhớ hồi chuông sáu giờ sáng, những miếng bánh mì đường hoặc cá mòi, nhớ giờ đút cháo cho các em nhỏ...

Chỉ có hình ảnh của các bạn em thì không nằm trong niềm nhung nhớ đó. Vì những lần anh Phong cùng các anh chị khác đi xuống cô nhi viện, anh đều cho em đi theo.

Em nhớ buổi sáng chủ nhật đầu tiên em trở lại cô nhi viện. Những nôn nóng dần nhường chỗ cho vui mừng như con đường dẫn đến cô nhi viện mỗi lúc một thu ngắn lại. Chú Mộng là người đầu tiên em gặp lại. Chú đón em với một nụ cười - nụ cười thật khó tìm trong suốt thời gian em ở đây - Kế đó là cô Lý và nhỏ Hoa, hôm ấy trực phòng khách. Nhỏ Thư Hương được tin chạy ra sau đó, "công chúa hay khóc" - biệt danh của nhỏ ấy do anh Lương đặt cho - đón em bằng những giọt nước mắt. Nhỏ Chung, nhỏ Lan và các nhỏ khác với những lời hỏi han... Anh Bảy, anh Thành,.. cũng vui mừng thăm hỏi em. Dì Năm, dì Tiễn xum xoe kheo bộ đồ đầm của em đẹp làm chị Hằng Thu hãnh diện lắm. Vì chính chị đã đưa em đi mua bộ đồ ấy.

Suốt buổi chủ nhật ấy, em cảm thấy thật vui. Em đã lên điện thờ để nguyện xin và cảm tạ.

Em và nhỏ Thu Mai ngồi cạnh nhau. Nhỏ này tự ái ghê lắm. Làm toán không ra nhưng nhất định không bao giờ thèm hỏi em. Đã nhiều lần, anh Phong phàn nàn về nhỏ ấy. Rằng chỉ ham chơi hơn ham học. Một tối, anh có nói một câu so sánh "Thu Mai không xenm Dung Chi đấy, chăm học nên bài toán nào làm cũng được." Tức thì nhỏ Thu Mai hờn dỗn: "Ai không biết người ta học giỏi, không giỏi thì sao người ta được má nhận làm con nuôi con nuôi cưng."

Tiếng "con nuôi" được nhắc đến lần thứ hai làm em thấy lòng quặn lên. Có lẽ em đã khóc ngay sau đó nếu anh Phong không kịp nhận ra điều này, vờ như không nghe nhỏ Thu Mai nói, tiếp tục cho bài toán mới để em không còn thì giờ suy nghĩ mà buồn.

Cô giáo gõ thước hỏi:

- Các em làm xong chưa?

Vài tiênsg "chưa" vang lên thưa thớt. Cô cau mày, hỏi lại:

- Vẫn chưa ra? Thế những em nào đã ra rồi?

Hơn nửa lớp đưa tay lên. Không có tay nhỏ Thu Mai. Nhỏ vẫn chưa làm được chữ nào. Cô có vẻ giận:

- Bài toán cô đã cho làm không biết bao nhiêu lần rồi, mà lần nào cũng chỉ đổi những con số. Có thế mà các em làm cũng không xong thì còn học với hành gì nữa? Cô kỳ hạn cho mười phút nữa, cả lớp phải góp hết.

Em thầm lo cho nhỏ Thu Mai. Bên dưới hai chữ "giải lý" là những hàng kẻ trống, chưa một câu nào cả. Mà bài toán có khó gì. Một người đi buôn mua một tá trứng, đem về bán được 100 đồng, tính ra được lời 4 đồng. Tìm giá vốn một trái trứng.

Em khẽ huých tay nhỏ Thu Mai. Nhỏ quay nhìn em. Em nói:

- Dung Chi viết ra giấy nháp để Thu Mai chép nghe!

Nhỏ Thu Mai:

- Không thèm!

- Cô bắt mười phút nữa phải góp rồi, Thu Mai không sợ bị điểm xấu à?

- Kệ người ta!

- Anh Phong biết, anh Phong rầy Thu Mai chết.

- Đã bảo kệ người ta!

Em định tìm lời để thuyết phục nhỏ Thu Mai chịu chép toán cho khỏi bị điểm xấu. Cô giáo khó ghê lắm, cô đã nói từ đầu năm, cô rất ghét những đứa nào góp giấy trắng. Mà nhỏ Thu Mai lại chưa có một câu bài làm, cũng không chịu chép của em.

Có tiếng cô giáo:

- Dung Chi!

Em hoảng hốt đứng lên. Cô hỏi:

- Em nói chuyện gì đó?

Em ấp úng không đáp, cúi mặt. Cô hỏi tiếp:

- Làm bài xong chưa?

- Thưa cô xong rồi.

- Xong rồi ngồi nói chuyện đấy hả? Chuyện trò gì với em Thu Mai thế, Thu Mai!

Nhỏ Thu Mai đứng lên, liếc em. Em lo sợ nhỏ ấy bị cô phạt quá. Lòng em áy náy, chỉ vì em nói chuyện với nhỏ ấy mà nhỏ ấy bị phạt, dù rằng em nói với nhỏ ấy là bởi em lo cho nhỏ ấy bị điểm xấu.

Cô giáo hỏi nhỏ Thu Mai:

- Em làm toán xong chưa?

Nhỏ Thu Mai run giọng:

- Thưa cô... chưa...

Cô nổi nóng:

- Chưa? Chưa mà ngồi nói chuyện?

- Thưa cô, em đâu có nói...

- Còn chối nữa hả? Chính tai cô nghe rõ ràng mà.

Em chen vào:

- Thưa cô...

- Gì? Còn em nữa đó, Dung Chi.

- Thưa cô, không phải nhỏ Thu Mai nói chuyện với em, mà là em nói chuyện với nhỏ ấy.

- Ra thế đó.

Cô cầm thước kẻ bước xuống lớp, tiến về phía em và nhỏ Thu Mai. Vừa đi, cô vừa nói:

- Thì ra em làm bài xong rồi tự cho mình cái quyền được nói chuyện, coi cô chẳng ra gì.

Cả lớp dồn vào cô giáo và hai đứa chúng em. Nhỏ Thu Mai sợ xanh mặt lại. Em khoanh tay lại, nói rõ, mong cô giáo tha cho nhỏ Thu Mai:

- Thưa cô, tại em nói chuyện chứ không phải tại nhỏ Thu Mai.

Cô giáo cho nhỏ Thu Mai ngồi xuống. Nohr riu ríu nghe lời, ngồi xuống nhưng nét mặt vẫn còn tái. Xong xuôi, cô bắt em xoè tay ra, đánh cho ba thước. Bàn tay em đỏ bừng lên vì la lằn roi. Mắt em nhòa đi. Cô giáo:

- Còn oan lắm sao mà khóc? Ngồi xuống!

Cô trở lên bàn, gõ thước nói với cả lớp:

- Làm bài đi! Năm phút nữa cô góp bài.

Lớp học vang lên một loạt tiếng động rời rạc rồi trở lại im lặng. Em đưa tay quyệt nước mắt. Nhỏ Thu Mai nhìn em cười, nói khẽ:

- Đáng đời chưa! Ai bảo nói chuyện với người ta.

Em thấy ghét nhỏ Thu Mai ghê. Nhưng nhì vào tập của nhỏ ấy, với những dòng kẻ trống bên dưới hai chữ "giải lý", em quên ngay. Em lo cho nhỏ ấy quá!

Trời đổ mưa. Những cơn mưa đầu mùa thường hay bất chợt như thế. Sáng này, khi em đi học, trời còn trong xanh không gợn một bóng mây lạc loài. Vậy mà, đúng lúc chuông reo tan học, trời tối sầm lại. Em và nhỏ Thu Mai chạy nhanh ra cổng trường với hy vọng anh Phong đến đón kịp lúc. Nhưng chẳng thấy bóng chiếc xe màu xanh quen thuộc đâu cả. Mưa lại bắt đầu đổ hột.

Hai đứa đứng nép vào quán nước bên cổng trường. Nhỏ Thu Mai mở cặp lấy áo mưa ra. Em cũng mở cặp, nhưng ngăn đựng áo mưa cặp em trống không. Em trách mình sao lại sơ ý quá, mùa mưa, trời có thể đổ mưa bất ngờ, bất cứ lúc nào, lại không đem theo áo mưa.

Nhỏ Thu Mai đã mặc áo mưa vào. Em đứng lặng thinh một lúc, không biết tính sao. Bỗng em nhớ ra một điều. Thì ra không phải em lấy áo mưa ra rồi bỏ quên ở nhà, mà là nhỏ Thu Mai mượn áo của em mặc chiều hôm qua, khi vào nhà, đem phơi, lại quên gấp trả em.

Nhỏ Thu Mai:

- Không đem theo áo mưa à?

Em lắc đầu:

- Hôm qua Thu Mai mượn áo của Dung Chi mà Thu Mai quên trả. Dung Chi cũng sơ ý không coi lại trước khi đi học, thành ra bây giờ đành không có áo mặc...

Nhỏ Thu Mai sừng sộ:

- Rồi đứng đấy trách người ta đấy hở? Không coi lại thì gắng chịu chứ!

Em biết tính nhỏ Thu Mai, chẳng bao giờ chịu nhận phần lỗi về mình. Em năn nỉ:

- Cho Dung Chi khoác chung áo với...

- Cho khoác chung áo để người ta bị ướt lây ấy à?

- Dung Chi không sợ ướt, nhưng sợ má mắng...

- Gắng chịu lấy một mình.

- Cho Dung Chi khoác chung với đi.

Nhỏ Thu Mai còn đang dùng dằng thì từ trong màn mưa, một ánh đèn quét ngang. Chiếc xe hơi màu xanh quen thuộc hiện ra mờ mờ. Trong xe, anh Phong đang đưa mắt tìm hai đứa chúng em. Em mừng rỡ kêu to:

- Tụi em đây nè anh Phong!

Rồi đứng đợi anh đậu xe vào lề. Nhỏ Thu Mai không biết nghĩ sao, bỗng cởi áo mưa ra, đẩy vào tay em, rồi băng mình vào màn mưa, về phía chiếc xe hơi đã mở cửa sẵn. Em ngẩn người ra một chút, rồi ở trong một tâm trạng không giải thích được, em cầm cái áo mưa trong tay băng mình theo nhỏ Thu Mai.

Nhỏ ấy đã ngồi vào một góc xem, đầu tóc ướt nhẹp. Anh Phong hỏi:

- Sao Thu Mai không mặc áo mưa?

Nhỏ Thu Mai nhìn em nói:

- Người ta dành mất rồi còn đâu mà mặc!

Em nghe cay nơi mắt mà không nói được lời nào. Cổ em như mắc nghẹn.

Trưa hôm ấy, anh Phong gọi em vào phòng anh, nơi đây đã có sẵn nhỏ Thu Mai. Anh Phong nhắc lại cách đối xử của em với nhỏ Thu Mai lúc về học, rồi hỏi em:

- Dung Chi nghĩ lại xem, em làm như thế là phải hay trái?

Trong phép dạy dỗ, anh Phong vẫn hay đặt những câu hỏi tương tự thế. Em cúi đầu. Em không nghĩ về nhỏ Thu Mai và câu chuyện dành áo mưa do nhỏ ấy dựng đứng lên, mà em nghĩ về anh Phong cùng sự lo lắng của anh dành cho em. Em cảm thấy được an ủi rất nhiều vì biết rằng mình còn có anh Phong chăm lo săn sóc, dạy dỗ.

Anh Phong nhắc:

- Dung Chi! Em nói cho anh nghe xem. Em làm như vậy là đúng hay sai?

Em nói nhỏ:

- Thưa anh em biết lỗi...

Rồi em quay sang nhỏ Thu Mai:

- Dung Chi xin lỗi Thu Mai...

Nhỏ Thu Mai mỉm cười đắc chí. Nụ cười của người thắng cuộc. Và em. Vâng. Em cam nhận là người thua cuộc. Để nhỏ Thu Mai được vui, em hy vọng nhỏ ấy sẽ hiểu em, sau này đối xử với em hòa nhã, thân thiện hơn. Em cam nhận làm người thua cuộc, cố dẹp chút tự ái nhỏ nhen để anh Phong được vui, nghĩ rằng em biết phục thiện. Một đức tính anh cho là cần thiết trong đời sống mỗi người.

Anh Phong bảo em:

- Chỉ có một cách để giữ vững thiện cảm với nhau, là biết nhường nhịn nhau.

Vâng. Em xin nghe lời anh. Tự ái chẳng nên có ở em. Chẳng nên có ở một đứa trẻ mồ côi như em. Em đang là người ngửa tay xin xỏ tình thương mà. Em phải biết nói những lời của kẻ cầu xin. Cho dù em không hành động trái lẽ phải. Cho dù em có lý. Em sẽ cố nhường nhịn nhỏ Thu Mai. Em thấy thật là vô lý nếu em đi chấp nê với nhỏ ấy. Vô lý thật. So với nhỏ Thu Mai, người con ruột, và tình thương em đón nhậb được ở những người trong gia đình này, như má nuôi em, như anh, thì em, đứa con nuôi, kẻ đón nhận tình thương, làm sao đứng ngang hàng được. Em cũng nghĩ đến hai chữ nhường nhịn. Có lẽ không dùng hẳn là nhường nhịn. Nhường nhịn là khi nào một người trên đối với một người dưới kia chứ! Còn em... em chỉ là một đứa con nuôi!

Không đâu, anh Phong ơi! Không phải em tủi thân đâu. Mà là em nhìn thẳng sự thật. Sự thật vẫn hay gây đau lòng, phải không anh?

Anh Phong hỏi em:

- Trưa nay, anh la Dung Chi, em có buồn không?

Em lắc đầu:

- Không. Em có lỗi nên không dám buồn gì cả.

- Anh không muốn em và Thu Mai không thân thiện với nhau. Dù sao hai đứa cũng cùng sống chung với nhau một nhà, học chung một lớp.

Em nhớ đến chuyện nhỏ Thu Mai không làm ra toán hồi sáng, cùng những ý nghĩ của em về việc này. Em nói:

- Em muốn thưa với anh một chuyện, nhưng sợ anh hiểu lầm.

- Chuyện gì?

- Xin anh đừng nghĩ là em nói xấu Thu Mai, cũng đừng nghĩ xấu về nhỏ ấy.

- Anh hứa.

- Buổi sáng nay, Thu Mai không làm được toán, nhỏ ấy góp giấy trắng cho cô...

-... thì cũng như nhiều lần trước?

- Và cũng như những lần trước, em đợi Thu Mai hỏi để em nhắc, nhưng Thu Mai không hỏi. Em ngỏ ý cho Thu Mai chép, Thu Mai giận, nói không thèm...

- Anh đã nói với Dung Chi nhiều lần. Rằng Thu Mai có nhiều tự ái lắm. Lại nữa, em cho Thu Mai chép bài, đó không phải là em giúp ích cho nó.

Nhưng em không biết làm cách nào khác hơn. Em sợ Thu Mai bị điểm xấu.

- Mặc nó.

- Em không an tâm...

Anh Phong im lặng. Tiếng ghế xích đu đưa qua đưa lại nghe thật rõ. Trong nhà, tiếng hát của một ca sĩ từ máy truyền hình vang ra, cao vút. Gió thổi nhẹ làm đu đưa nhánh trúc đào. Chỉ có những cành hoa đại khẳng khiu, với những phiến lá dày, vô hồn, nhuộm bóng đêm đen đủi, lạnh lùng, trơ trọi.

Lâu lắm, anh Phong mới nói:

- Anh hiểu ý em, anh biết em là một đứa trẻ tốt...

Em hỏi:

- Anh bảo em phải làm sao mỗi khi gặp trường hợp tương tự như sáng nay?

Anh Phong lắc đầu:

- Em không phải làm gì cả. Anh sẽ cố nói cho Thu Mai hiểu rằng nó phải chăm học hơn. Thời gian sau này, tự dưng nó sút kém quá...

- Có lẽ vì sự có mặt của em...

- Gì?

-...

- Đừng nghĩ như thế. Anh không muốn nghe Dung Chi nói thế. Nhận lỗi khi mình có lỗi là một việc cần và đúng. Nhưng không phải bất cứ chuyện gì cũng nhận lỗi về phần mình...

Không đâu anh Phong. Em lại cho là đúng. Nhận lỗi tất cả, dù không phải mình làm lỗi. Trường hợp em là phải thế. Em ví mình như một kẻ sắp chết đuối, may mắn lạc vào một hoang đảo. Thì những ngày sống sót kéo dài sau đó, cũng phải được xem là một ân huệ mình đón nhận. Gia đình anh đã cho em cảm giác mình lọt vào một tổ ấm, đôi lúc, em thấy nỗi sung sướng ngập tràn, thì có sá gì một nhỏ Thu Mai và những chuyện ganh ghét, những lồi lầm em tự nhận.

Im lặng lại ngự trị. Không biết anh Phong nghĩ gì? Riêng em, em nghĩ về anh và chuyến đi cô nhi viện chủ nhật tới. Em nghe nỗi mừng reo khẽ trong lòng. Em hỏi:

- Chủ nhật tuần này không biết có đủ các anh chị không? Chứ như lần trước thiếu anh Lương, mất vui đi nhiều...

- Ừ đấy, thiếu anh Lương là mất vui đi khá nhiều... Nhưng Dung Chi à, chủ nhật này mình ở nhà.

- Sao?

- Chủ nhật này có anh Ân, chồng sắp cưới của chị Uyên từ Đà Lạt vào chơi.

Em vỗ tay:

- Thế à? Chắc anh ấy có đem theo nhiều mận Đà Lạt, anh nhỉ?

Em tưởng tượng đến những trái mận vàng ươm, mọng chín. Tưởng tượng đến những cái nhăn mặt khi ăn phải quả chua. Em nhớ lại lần đầu tiên em biết thế nào là mận Đà Lạt ở cô nhi viện. Lần ấy, khách đem cho cũng khá nhiều, nhưng chía ra, mỗi đứa chỉ được vài trái. Thôi thì quý hơn vàng. Nâng niu, hít hà cất giữ mãi mới ăn.

Em hỏi:

- Anh Ân có dữ không anh?

- Không. Hiền lắm. Anh ấy viết thư bảo anh ấy nóng muốn biết mặt em lắm đấy.

- Sao anh ấy biết có em ở đây?

- Chị Uyên viết thư kể.

Em nở nụ, tựa lưng sát thành ghế xích đu, hình dung gương mặt của anh Âm. Anh Phong nói:

- Trước kia, anh Ân theo học ở Sài Gòn, sau ra trường, anh ấy được bổ dạy học trên Đà Lạt. Gia đình ba má anh ấy ở mãi Hà Tiên nhưng cũng có người quen ngoài Đà Lạt, nên gửi anh ấy ở ngoài đó để làm việc. Chính anh Ân đã gợi ý cho anh thực hiện những việc như việc đến cô nhi viện với các em đó. Tiếc là anh ấy không có phương tiện thực hiện như anh.

- Nếu anh Ân còn ở lại, thế nào anh cũng mời anh ấy đi cô nhi viện viếng một lần nghe anh Phong?

- Thứ hai, anh ấy đã phải về Đà Lạt rồi.

- Tiếc nhỉ.

Em ngồi im. Thoáng trong tâm tưởng, em ước mong sẽ gặp được thêm một người biết cảm thông và thương xót mình. Có phải suốt đời em, chỉ có một thứ em phải đi tìm, là tình thương?