Hồi ký Đỗ Mậu

Chương 17

Tôi có hai người cháu mà tôi thương mến đặc biệt: Đỗ Thọ gọi tôi bằng chú, là đại uý không quân trong Phi đoàn I vận tải và sau này trở thành một trong bốn sĩ quan tuỳ viên của Tổng thống Diệm. Thọ trầm tĩnh ít nói, tính tình cứng rắn và thuỷ chung. Binh chủng không quân có đem lại cho Thọ một ít chất lãng mạn nhưng cũng đủ chừng mực để làm cho Thọ bớt khắc khổ mà thôi. Thọ không quan tám nhiều đến tình hình đất nước nhưng lại rất nặng tình gia tộc.

Năm 1963, Thọ theo ông Diệm trốn khỏi dinh Gia Long đến nhà thờ Cha Tam. Sau Cách mạng 1963, Thọ trở về Phi đoàn cũ, và trong một chuyến bay đón Thủ tướng Khánh tại Đà Nẵng, Thọ bị tử nạn trên Không phận Quảng Nam. Năm đó Thọ 29 tuổi và để lại cho đời tác phẩm “Nhật ký Đỗ Thọ” do người em sưu tầm và xuất bản.

Người cháu thứ nhì là Nguyễn Bá Liên, gọi tôi bằng dượng, là thiếu tá Tư lệnh Phó Thuỷ quân lục chiến, chỉ huy Tiểu đoàn I và II hành quân diệt địch khắp chiến trường miền Nam. Liên vốn có truyền thống cách mạng trong gia đình, lại mồ côi cha mẹ từ lúc nhỏ nên có tính tự lập, cương cường và khí phách. Năm 1963, Liên là sĩ quan cầm quân tiến đánh dinh Gia Long dưới sự chỉ huy của đại tá Nguyễn Văn Thiệu. Năm 1966, Liên được đổi lên Kontum làm Tư lệnh Biệt khu 24, một trong những nút chặn nguy hiểm nhất của đường mòn Hồ Chí Minh, và tử nạn (1969) trong một cuộc hành quân khốc liệt tại Tân Cảnh trong vùng núi Trường Sơn gần Bến Hét. Năm đó Liên 38 tuổi và để loại cho đời tác phẩm “Việt nam, Việt nam ơi”, với bút hiệu Trường Giang..

Hai người cháu đặc biệt đó có hai cuộc đời cũng đặc biệt, tuy dối nghịch nhau trong ngày lịch sử 1-11-1963 nhưng lại gặp nhau trong hành động lấy sinh mạng trả nợ non sông. Hai người cháu đó đứng hai chiến tuyến khác nhau trong ngày lịch sử 1-11-1963 đều lấy sự thuỷ chung làm tiêu chuẩn chọn lựa: Thọ thì thuỷ chung với ông Diệm, Liên thì thuỷ chung với đất nước.

Chương này tôi viết trong nỗi niềm nhớ tiếc về hai đứa cháu thân thương đó mà những hành xử trong ngày 1-11-1963 chỉ làm cho cả Thọ lẫn Liên trở thành những hình ảnh hùng tráng và thắm thiết trong gia tộc chúng tôi. Hình ảnh đó cũng tượng trưng cho tâm trạng tôi trong cuộc Cách mạng l-11-1963: Thọ là tình người, Liên là tình nước.

Cuộc cách mạng 1-11-1963 đã được nhiều sách vở, tài liệu đề cập đến đầy đủ. Từ những vận động đến tiến trình thành hình của nó, từ những lực lượng tham dự đến kế hoạch phát động của nó. Trong chương này, tôi chỉ xin đề cập đến những sự kiện và suy tư về những hoạt động mà tôi đã trực tiếp đóng góp, hoặc những biến cố tôi biết rõ trong ngày cách mạng đó mà thôi.

Vào giữa tháng 7 năm 1963, mặc dù chính quyền Ngô Đình Diệm đã tận dụng mọi thủ đoạn để đàn áp các cuộc biểu tình chống đối chính phủ và đặc biệt trao quyền cho Toà án quân sự để đem ra xét xử những can phạm quân sự và dân sự trong biến cố Nhảy dù với mục đích cảnh cáo, hăm doạ phong trào đấu tranh, nhưng phong trào chống đối mỗi ngày một sôi động hơn. Các cuộc biểu tình đấu tranh của Phật giáo đã có sự tham dự đông đảo của hàng ngũ sinh viên đại học, học sinh trung học tham dự và cả các em nhỏ các trường tiểu học nữa, đến nỗi học giả Douglas Pi ke, trong cuốn Viet Cong đã mô tả những ngày hè 1963 này bằng hình ảnh của một "Thủ đô Sài gòn đang bốc lửa”. Để đối phó với tình hình sôi động đó, chính phủ Diệm đem thêm hai tiểu đoàn Dù và hai tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến về Sài gòn tăng cường cho các đơn vị Bộ binh và Cảnh sát dã chiến để đàn áp các cuộc xuống đường. Hai tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến này do thiếu tá Nguyễn Bá Liên chỉ huy vì Liên đang là Tư lệnh phó cho trung tá Lê Nguyên Khang. Bộ chỉ huy của Liên đóng tại Văn phòng Viện Đại học Sài gòn ở góc đường Duy Tân và Trần Quý Cáp.

Một hôm vào cuối tháng Bảy, tôi đến Bộ chỉ huy của Liên và kéo Liên ra vườn để tìm hiểu thêm về tinh thần binh sĩ trước hiện tình đất nước thì được Liên cho biết binh sĩ rất hoang mang và nhiều lúc công khai tỏ thái độ bất mãn với chế độ. Liên nói rằng chẳng những binh sĩ đã không chịu đàn áp biểu tình mà họ còn tỏ ra thân thiện cởi mở với sinh viên học sinh như để bày tỏ thái độ đồng tình. Liên giải thích: "Làm sao binh sĩ có thể đàn áp được khi những kẻ biểu tình là bà con, anh em với họ. Làm sao họ có thể xuống tay với những em nhỏ mới mười mấy tuổi". Riêng Liên thì "... Dù Cháu theo đạo Tin Lành, cháu không phải là Phật tử, nhưng hành động kỳ thị, đàn áp tôn giáo của anh em ông Diệm thật là bất công và tàn bạo? Mỗi lần cháu đi nhà thờ gặp các vị mục sư, các tín đồ, ai ai cũng chê trách chính sách về tôn giáo của ông Diệm".

Thuỷ quân lục chiến là một binh chủng thiện chiến, thường đi hành quân khắp các chiến trường và biết rõ tình hình an ninh suy thoái tại nông thôn nên Liên tỏ ra rất lo âu.

Sau khi nghe Liên trình bày, tôi bèn hỏi: "Cháu có nghĩ rằng với tình hình này, liệu quân đội có thể đi đến một cuộc binh biến lật đổ chế độ Diệm không?”. Liên suy nghĩ một lát rồi trả lời: "Cháu nghĩ có thể lắm vì chính trong Lữ đoàn của cháu, ngoại trừ đại uý Bằng có đạo Công giáo tỏ ý vui mừng đồng ý với các cuộc đàn áp Phật giáo, còn các Tiểu đoàn trưởng khác, ai cũng tỏ thái độ bất mãn căm thù chế độ Diệm. Chính nhóm của cháu như bác sĩ đại uý Nguyễn Phúc Quế, đại uý Trần Văn Nhật (tướng Nhật, hiện nay ở Orange Country, Cal.), như đại uý Lê Hoàng Minh (em của tướng Lê Quý Đảo mà trong phương trình "Vietnam, a television history", của đài PBS, tướng Đảo đã lên án nặng nề chế độ Diệm) và rất nhiều sĩ quan khác đã bàn đến cuộc đảo chính lật đổ chế độ Diệm mà người hăng nhất là bác sĩ Quế. Quế đỗ bác sĩ Y khoa tại Pháp, nhưng là một trí thức có tinh thần chống Cộng sâu sắc, Quế lại đặt niềm tin vào ông Diệm nên người Công giáo nhưng Quế thấm nhuần tinh thần dân tộc và tư tưởng dân chủ nên Quế không thể chịu đựng nổi một chế độ phong kiến, độc tài thối nát như chế độ Diệm. Vì vậy anh tỏ ra vô cùng bất mãn và chán ghét chế độ. Quế nói rằng: “Trước kia, năm 1960, Nhảy dù thất bại vì chưa vận động được cả thời lẫn thế, nay là cơ hội tốt đẹp cho TQLC vùng lên tiếp nối sứ mạng lịch sử đập tan chế độ nhà Ngô.

Tôi lại hỏi thêm để hiểu quan điểm của Liên: "... Dượng theo ông Diệm đã 20 năm trời, nay nếu đứng lên phế bỏ ông ta thì có mang tiếng là người thiếu thuỷ chung không?". Liên lại suy nghĩ một lát rồi trả lời: "Ba cháu từng là chiến hữu của ông Diệm, đã hoạt động cho ông ta, còn dượng thì hy sinh cho ông ta gần nửa đời người, và cháu tuy còn trẻ nhưng cũng đã từng kéo quân về Sài gòn cứu nguy ông ta trong biến cố Nhảy dù, vậy thì chính ông mắc nợ gia đình mình chứ mình có mang ân nghĩa gì của ông ta đâu? Huống gì đối với quốc gia dân tộc thì mình không thể vì tình riêng mà bỏ nghĩa chung được”. Liên còn đem cái nghĩa lý “Sát nhất miêu cứu vạn thử" (giết một con mèo cứu vạn con chuột) để thuyết phục tôi.

Tuy vậy, lúc bấy giờ tôi cũng chưa có ý muốn lật đổ chế độ, vì như vậy là lật luôn cả ông Diệm, mà chủ yếu tôi chỉ muốn triệt hạ vợ chồng Ngô Đình Nhu mà thôi. Tôi nói với Liên: "Dù sao dượng cũng muốn giữ với ông Diệm một chút tình cố cựu, vả lại ông Diệm chỉ vì nghe lời anh em mà mang tội cho nên dượng chỉ muốn triệt hạ Ngô Đình Nhu thì chắc ông Diệm sẽ cảnh tỉnh ngay. Cháu suy nghĩ, phác hoạ một vài kế hoạch đi rồi cho dượng biết sau”.

Chỉ độ mấy ngày sau, Liên đến gặp tôi tại nhà riêng và cho biết tổ chức của Liên có thể hạ sát Ngô Đình Nhu dễ dàng: "Cháu sẽ dẫn một số sĩ quan mặc lễ phục trắng, giấu súng trong mình và nói rằng đại diện đơn vị TQLC xin yết kiến ông Cố vấn để tặng một kỷ vật mừng ông đã lãnh đạo thành công trong quốc sách ấp chiến lược, trong lúc đó bên ngoài hai tiểu đoàn của cháu đang hoạt động tại quận Nhất sẽ sẵn sàng tiếp ứng. Khi vào được phòng đợi của ông Nhu, nhóm cháu sẽ tông cửa vào văn phòng ông ta rồi hạ sát ông ta ngay. Trong kế hoạch này chỉ cần dượng thuyết phục được Đỗ Thọ ra tận cổng dinh Gia Long đón cháu vào là không ai nghi ngờ gì cả".

Vốn ra vào dinh Gia Long luôn và tuy không chịu trách nhiệm vấn đề an ninh của Dinh nhưng tôi cũng hiểu rõ việc canh phòng và sinh hoạt của nhân viên trong phủ Tổng thống nên tôi thấy kế hoạch ám sát Ngô Đình Nhu của cháu tôi có thể thực hiện được. Tuy nhiên, kế hoạch này phải dựa vào Đỗ Thọ mà Thọ chỉ quân nhân thuần tuý, không có ý thức chính trị, lại phục Ngô Đình Nhu và thương ông Diệm, do đó có thể Thọ sẽ không nghe lời tôi. Tôi bèn bác bỏ kế hoạch này của Liên và cho Liên biết kế hoạch của tôi: Hạ sách là kéo một số đơn vị mà chủ lực là TQLC lên vùng gần Tây Ninh lập chiến khu đòi hỏi ông Diệm phải đưa vợ chồng Nhu ra nước ngoài, trả tự do cho tất cả tù chính trị quốc gia, thoả mãn năm nguyện vọng của Phật giáo mở rộng chính phủ, thực hiện đoàn kết với các tôn giáo, đảng phái để chống Cộng. Tôi nghĩ rằng, trước bối cảnh đất nước lúc bấy giờ, nếu có một tập hợp chính trị gồm đảng phái, tôn giáo, quân đội kéo quân đi lập chiến khu thì sẽ có nhiều đơn vị quân đội hưởng ứng và ông Diệm sẽ nhượng bộ để thực hiện những đòi hỏi đó. Thượng sách là tổ chức một cuộc chính biến lật đổ chế độ Diệm do tôi lãnh đạo để có khả năng giữ ông Diệm lại làm Tổng thống. Lúc bấy giờ tâm hồn tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi hành động của Võ Văn Hải trong biến cố đảo chính của Nhảy dù năm 1960. Với vóc dáng thư sinh, với tấm lòng trung nghĩa, Hải đã dám xông pha vào vòng lửa đạn, gặp lãnh tụ đảo chính là trung tá Vương Văn Đông để xin tha mạng cho ông Diệm, và xin cho ông ta tạm thời giữ chức Tổng thống vô quyền.

Với hai kế hoạch đó, một mặt tôi bảo Liên về tổ chức Lữ đoàn TQLC thật chặt chẽ để làm chủ lực quân, và móc nối với các sĩ quan thuộc các binh chủng khác. Một mặt đính tôi đích thân xây dựng tổ chức cho một cuộc chính biến do tôi chủ trương. Tôi bắt đầu tổ chức người nhà mà trước hết là em họ tôi, đại uý Đỗ Như Luận, đang giữ chức Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy truyền tin. Luận có người bạn thân là đại uý Lê Phước sang (Chánh văn phòng của tướng Nguyễn Giác Ngộ) có nhiệm vụ tác động các sĩ quan gốc Phật giáo Hoà Hảo, vốn rất căm thù chế độ Diệm, và có nhiệm vụ vận động trong giới dân sự mà Luận và Sang quen biết khá nhiều. Luận lại được Thượng toạ Tâm Châu thương mến tín nhiệm, được Thượng toạ chỉ giáo cho phần chính trị và nhân sự để tiến hành ông tác tổ chức và xây dựng hậu thuẫn quần chúng. Luận và Sang đã tổ chức được nhóm các ông Phan Huy Quát và Trần Thanh Hiệp, nhóm Việt Quốc của luật sư Nguyễn Tường Bá, và lôi kéo luôn được cả ông Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao công. Trần Quốc Bửu vốn là bạn thân và đồng chí của Ngô Đình Nhu nhưng lại liên hệ chặt chẽ với các giới Mỹ. Đã từ lâu, tuy bề ngoài Trần Quốc Bửu có vẻ trung thành với anh em ông Diệm nhưng trong thâm tâm ông ta đã chán nản bứt rứt vì biết Ngô Đình Nhu đang chống Mỹ để hòng bắt tay với Hà Nội. Có lẽ Trần Quốc Bửu suy luận rằng chế độ Diệm không thể nào tồn tại được nữa cho nên ông ta sẵn sàng tham dự vào bất kỳ nhóm đảo chính nào để có thể rửa được cái “vết nhơ Cần lao” của ông ta. Vì thế, khi Luận và Sang bắt liên lạc thì ông ta nhận lời ngay. Tiếng rằng sau này, khi cách mạng thành công, tướng Mai Hữu Xuân lại bắt giam ông ta vào khám Chí Hoà đến nỗi Đại sứ Cabot Lodge phải nhiều lần can thiệp tướng Dương Văn Minh mới chịu trả tự do. Do đó sau này ông Bửu đã coi tướng Minh như kẻ thù và trở nên cố vấn đắc lực cho Nguyễn Văn Thiệu trong những vận động ngoại giao với lực lượng thợ thuyền Hoa kỳ. (Các ông Nguyễn Tường Bá, Trần Thanh Hiệp, Lê Phước Sang hiện nay đều có mặt tại hải ngoại). Một người cháu rể khác của tôi là đại uý Chu Văn Trung, Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn I truyền tin đóng cạnh Bộ chỉ huy Lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung có nhiệm vụ nguy hiểm là cô lập nhóm Lê Quang Tung khi hữu sự. Chu Văn Trung là người Bắc, đệ tử của Thượng toạ Tâm Châu nên nhờ Thượng toạ mà lôi kéo được rất đông sĩ quan Phật tử (người Bắc) tham gia công cuộc chung. Một người cháu khác nữa cửa tôi là Phạm Văn Lương, với bạn là Nguyễn Văn Cơ (Bác sĩ Cơ hiện ở Orange Country), là sinh viên Quân Y năm thứ 6, có nhiệm vụ cướp chính quyền trường Quân Y do bác sĩ trung tá Hoàng Văn Đức (Công giáo) chỉ huy, và liên lạc với các tổ chức sinh viên khác để vận động sinh viên đại học xuống đường, tạo một cuộc nổi dậy tại Đô thành hậu thuẫn cho hành động của nhóm quân sự. May mắn cho chúng tôi, Lương có người anh rể là đại uý Hồ Tiêu đang chỉ huy một tiểu đoàn Dù. Cũng như Lương, Hồ Tiêu là người Quảng Trị cùng quê với Hoà thượng Trí Thủ, Thượng toạ Thích Thiện Minh... nghe nói đến lật đổ chế độ, Tiêu rất mừng hăng hái tham gia ngay. Nhờ Tiêu, chúng tôi có thêm một tiểu đoàn thiện chiến làm chủ lực. Trung đoàn Thiết giáp ở Gò Vấp là đơn vị hùng hậu do thiếu tá Thẩm Nghĩa Bôi chỉ huy, từng cứu ông Diệm thời Nhảy dù đảo chính, chúng tôi cũng tổ chức được một số sĩ quan trẻ để khi hữu sự có thể cô lập được Thẩm Nghĩa Bôi và vô hiệu hoá Trung đoàn. Trong binh chủng không quân chúng tôi có trung tá Đỗ Khắc Mai (hiện ở Pháp) và nhóm cộng sự viên của Mai. Tuy Mai đã từng ở trong Phong trào Cách mạng quốc gia và đảng Cần lao nhân vị do tôi tổ chức, nhưng vì là người tâm huyết thuộc một gia đình có tinh thần chống Cộng rất cao, nên khi dần dần thấy anh em ông Diệm tham nhũng thối nát mà lại bất tài bất lực trong việc chống Cộng đến nỗi người bạn thân là đại tá Nguyễn Xuân Vinh phải bỏ chức Tư lệnh không quân ra đi, thì Mai trở thành bất mãn và chống chế độ. Ngoài các lực lượng Quân đội và dân sự ở Sài gòn, tôi còn tổ chức được đại tá Đặng Văn Sơn và thiếu tá Trần Văn Hai ở Khánh Hoà. Sơn chỉ huy trường Hạ sĩ quan Nha Trang, lại là một Phật tử thuần thành, bạn thân của tôi lâu năm. Sơn từng ủng hộ ông Diệm thời gặp khó khăn trong giai đoạn làm Thủ tướng, Sơn đã từng ở trong đảng Cần lao, nhưng cũng như mọi người tâm huyết mang tâm trạng bất mãn với nhóm "Cần lao công giáo", lại thấy anh em ông Diệm trắng trợn đàn áp Phật giáo nên khi tôi ngỏ lời, Đặng Văn Sơn hăng hái nhận lời ngay. Thiếu tá Trần Văn Hai, chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Biệt động quân ở Dục Mỹ (Ninh Hoà) là một đảng viên Đại Việt, thời 1955-1956 bị nhóm Cần lao công giáo dân sự vu cáo nên bị bắt giam nhưng lại được tôi tái xét và bạch hoá hồ sơ nên từ đó Hai coi tôi như một ân nhân, một người anh, do đó, khi tôi cho người liên lạc móc nối, Hai đồng ý ngay. Là người can trường và tâm huyết, Hai hứa với tôi sẽ hy sinh đến kỳ cùng để đập tan chế độ Diệm. Trường Hạ sĩ quan Nha Trang và Trung tâm huấn luyện Biệt động quân Dục Mỹ có đến 5, 6 ngàn binh sĩ thiện chiến, cho nên lực lượng hùng hậu này được tôi giao cho nhiệm vụ chiếm Nha Trang để khi tôi kéo quân đi lập chiến khu hay khi có chính biến tại Sài gòn sẽ nối lên làm thế ỷ dốc. Nha Trang và Khánh Hoà là quê hương của Phật giáo cho nên dân chúng địa phương trở thành hậu thuẫn nhân dân vững chắc cho những lực lượng cách mạng sau này.

Trong lúc tiến hành tổ chức cuộc binh biến, tôi không ngờ có nhiều nhóm sĩ quan khác cũng tiến hành những nỗ lực nhằm vận động lật đổ chế độ, mà hầu hết là người thân tín của ông Diệm. Có ba nhóm lần lượt đến vận động tôi vào tể chức của họ. Trước hết là nhóm của tướng Nguyễn Ngọc Lễ và đại tá Nguyễn Văn Chuẩn (tướng Chuẩn hiện ở Hoa kỳ). Thứ hai là nhóm của đại tá Nguyễn Phương người Huế, cựu Chỉ huy trưởng binh chủng truyền tin, và thứ ba là nhóm của tướng Lê Văn Nghiêm và đại uý Nguyễn Bé. Sở dĩ những sĩ quan này dám vận động tôi vào tổ chức đảo chính của họ vì họ toàn là bạn thân của tôi nên biết rõ quan điểm chính trị và tâm trạng của tôi đối với anh em ông Diệm, nhất là đối với vợ chồng Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn. Tuy nhiên dù biết họ tin tôi, và dù tôi không nghi ngờ quyết tâm của họ, nhưng vì làm công việc lật đổ chế độ là một việc làm nguy hiểm có thể đưa đến cái chết vô ích nếu bị Ngô Đình Nhu và nhóm Cần lao phát hiện nên tôi đã phải rất cẩn mật. Do đó, dù các tổ chức trên đã đến liên tục thúc giục, tôi chỉ trả lời một cách lưng chừng mà không chính thức nhận lời.

Ngoài các nhóm mà tôi tạm gọi là các Tổ chức miền Trung nói trên còn có đảng Đại Việt mà đại diện là thiếu tá Huỳnh Văn Tồn. Sở dĩ tôi khám phá ra được hoạt động của Huỳnh Văn Tồn là nhờ một tờ thông báo của Trung tướng Thái Quang Hoàng. Nguyên Tồn là huấn luyện viên trường Đại học quân sự Đà lạt, nhưng Tồn lại bỏ trường đi gần hai tuần lễ không về đến nỗi tướng Hoàng phải thông báo nhờ An ninh quân đội lùng bắt. Tôi cho nhân viên dò xét và theo dõi nên biết được Tôn về Sài gòn liên lạc với các đồng chí quân sự và dân sự trong đảng để tổ chức đảo chính. Đặc biệt, Tồn liên lạc với cả tướng Dương Văn Minh. Cũng trong nhóm của Tôn từ Đà Lạt về còn có thiếu tá Thuỷ quân lục chiến Cổ Tấn Tinh Châu; Châu về miền Tây tổ chức các đảng viên Đại Việt, và trưa ngày 1-11-63 trở lại Thị Nghè điều động một đơn vị Thuỷ quân lục chiến đến tấn công dinh Gia Long.

Trong lúc đó thì Ty An ninh quân đội tại Đà Lạt cũng báo cáo cho tôi biết nhiều "hoạt động lạ lùng" của trung tá Trần Ngọc Huyền, Chỉ huy trưởng trường Võ Bị Đà Lạt (hiện ở Mỹ). Lúc đầu tôi không tin Huyền âm mưa đảo chính ông Diệm vì Huyền là người Công giáo lại là em của cựu Bộ trưởng Trần Ngọc Liên, một tay chân đắc lực của ông Diệm và ông Nhu. Huyền lại được ông Diệm nâng đỡ tín nhiệm giao cho chức Chỉ huy trưởng trường Võ Bị Quốc gia Đà Lạt, một địa vị mang nhiều vinh dự cho bất kỳ ai được hân hạnh chỉ huy ngôi trường đào tạo nhân tài tương lai cho quân đội.

Cho đến trung tuần tháng 8, tôi biết được vào khoảng 7, 8 tổ chức đang tiến hành những vận động để lật đổ chế độ. Hầu hết các tổ chức đó đều do thành phần quân nhân chủ xướng với sự hợp tác của một số lực lượng đảng phái, hoặc với sự yểm trợ của một số khuôn mặt chính trị hay tôn giáo. Sự kiện có quá nhiều tổ chức đã không làm tôi ngạc nhiên vì dưới chế độ bạo quản của ông Diệm, và với hệ thống mật vụ Cần lao của Nhu, chỉ quân đội mới đủ khả năng và quyết tâm để tiến hành những công tác nguy hiểm và đòi hỏi một kỹ thuật tổ chức tinh vi. Và cũng vì thế mà dù hệ thống mật vụ của Nhu có phát giác một vài tin tức nhưng chính Nhu cũng không biết ai lãnh đạo và thực lực như thế nào.

Ngoài ra, quân đội, mà cả hai ông Nhu và Diệm đều chủ quan tưởng rằng đã được Quân uỷ đảng Cần lao kiểm soát chặt chẽ, thật ra lại là trung tâm sôi động nhất của mọi mầm mống bất mãn và chống đối. Phật giáo bị đàn áp còn biểu tình phản kháng, đảng phái quốc gia bị đàn áp còn tuyên ngôn chống đối, riêng quân đội thì hành xử như một chiến sĩ, nghĩa là khi bị khống chế khinh miệt thì sẽ phản ứng một cách quyết liệt và dữ dội mà điển hành là cuộc binh biến lẫm liệt 11-11-60 của binh chủng Nhảy dù và những trái bom nổ lửa ngày 27-2-1961 của hai phi công Quốc và Cử.

Đêm 20-8-1963, đêm định mệnh mà vợ chồng Nhu tấn công chùa chiền, tình cờ một người bạn thân của tôi là đại tá Phùng Ngọc Trưng đến chơi và ngủ lại nhà tôi Trưng vừa mới bị Ngô Đình Cẩn cất chức Giám đốc Quân nhu Quân khu I và được tôi kéo vào Sài gòn giữ chức Chánh sở Hành chính Tiếp Vận cho Nha An ninh quân đội. Đêm ấy hai anh em tôi đang ngồi nói chuyện thì bỗng vào khoảng một giờ sáng, thiếu tá Nguyễn Thành Long, Chánh sở An ninh quân đội Sài gòn - Gia định, gọi điện thoại khẩn cấp báo cho tôi biết Cảnh sát dã chiến và Lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung đang tấn công chùa Xá Lợi (trung tâm chỉ huy lực lượng Phật giáo đấu tranh), chùa Ấn Quang và chùa Theravađa. Theo Long thì chính bà Nhu mặc quân phục TQLC, đi xe Mercedes đến trước cổng chùa Xá Lợi để chỉ huy cuộc tấn công chùa này. Và chính nhân viên của Long thấy bà ta la hét, chỉ trỏ ra lệnh cho lực lượng tấn công. Tôi bèn bảo Long cứ tiếp tục theo dõi biến cố và ngày mai sẽ làm tờ trình cho tôi, rồi tôi lại ra trước sân nhà tiếp tục nói chuyện với đại tá Trưng cho đến sáng.

Ngôi nhà mà quân đội cấp cho tôi ở là một biệt thự trong cư xá Hải quân, kiến trúc theo kiểu Pháp thời thuộc địa, nằm cuối đường Gia Long gần chủng viện Saint-Paul yên tĩnh. Đường Gia Long có hai hàng me xanh lá chụm đầu vào nhau xào xạc, đêm đó như san sẻ câu chuyện tâm sự của hai anh em chúng tôi đang bàn tán về chế độ Diệm và biến cố tấn công chùa chiền. Là một chứng nhân sống, là một nạn nhân trực tiếp, Trưng đã kể hết và kể rõ tất cả tội ác của Ngô Đình Thục, Ngô Đình Cẩn và tập đoàn Cần lao công giáo tại Huế và miền Trung. Với giọng nói bi thiết của một người đã hy sinh tất cả để rồi bị phản bội độc ác, Trưng kết luận: “Như anh biết, cả gia đình tôi đã xả thân cho nhà Ngô với tất cả lòng trung tín và hy sinh. Thời kỳ anh em ông Diệm còn lao đao không ai dám liên hệ, thì chúng tôi đã công khai ủng hộ, đóng góp nhân lực vật lực Khi ông Diệm là Thủ tướng phải tứ bề thọ địch và lúc nào cũng sẵn sàng bị tấn công thì em tôi (đại uý Phùng Ngọc Bang) chịu vào làm sĩ quan tuỳ viên, anh ruột tôi chịu vào trong tiểu đội phục dịch cho tư thất Ngô Đình Cẩn... Thế mà vì lòng tham vô đáy, Cẩn đã cho mật vụ bao vây nhà tôi, một đồng chí cũ, một sĩ quan cấp tá của quân đội, một cán bộ của chế độ, để trắng trợn tịch thu những gia bảo cửa tôi. Đã táng tận lương tâm như thế, Cẩn còn cất chức và thuyên chuyển tôi ra khỏi đơn vị, bắt tôi rời khỏi Huế để cho người Công giáo Phú Cam của Cẩn thay thế mà chuyên quyền... Với tôi mà Cẩn còn xử cạn tàu ráo máng như thế thì dân chúng thấp cổ bé miệng còn khổ nhục như thế nào! Chế độ như vậy mà anh cứ nhắm mắt phục vụ sao?".

Khoảng 10 giờ sáng, tôi đang làm việc tại văn phòng của Nha tại góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Hồng Thập Tự thì tướng Trần Văn Đôn, lúc bấy giờ là quyền Tổng tham mưu trưởng (thay tướng Lê Văn Tỵ đi chữa bệnh tại Hoa kỳ) gọi điện thoại yêu cầu tôi đến Bộ tư lệnh của tướng Đính để theo chỉ thị của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu, làm cố vấn cho Đính về các vấn đề chính trị trong cuộc khủng hoảng Phật giáo.

Lại một lần nữa, Nhu âm mưu bắt tôi dính dự vào tội ác của dòng họ Ngô Đình: Trước hết, đây là một vấn đề dân sự thuộc Bộ Nội Vụ chứ không thuộc thẩm quyền của tôi, thứ hai là các sách lược chính trị không thuộc lĩnh vực của Nha An ninh quân đội, và thứ ba là nếu có một sách lược chính trị thì Nhu dư biết tôi đã từng bày tỏ lập trường chống đối chính sách này, vả lại tôi có bao giờ được Nhu chính thức thông báo sách lược đó đâu. Không có thẩm quyền, không thuộc lãnh vực, lại không được thông báo, thế mà tôi vẫn bị Nhu đẩy vào cái tư thế, mà đối với quần chúng, đối với phong trào đấu tranh của Phật giáo và đối với quân đội, lại là tư thế then chốt để tiến hành chính sách đàn áp Phật giáo cửa chánh quyền.

Lúc gặp tướng Đính và người phụ tá quân sự là đại tá Nguyễn Hữu Có, tôi thấy cả hai đều có vẻ khẩn trương và ưu phiền. Vì đặt mềm tin trọn vẹn vào liên hệ thân thiết giữa hai người, Đính đã trình bày đầy đủ cho tôi biết những thảm hoạ xảy ra tại các chùa bị tấn công, nhất là tại chùa Xá Lợi: Mặt Phật bị bắn nát, các vật dụng thờ cúng như chuông, mõ, lư hương bị đập phá văng ngổn ngang, các tăng và sư bị đánh bằng báng súng và bị đâm bằng lưới lê, riêng Hoà thượng Hội chủ Thích Tịnh Khuyết thì bị hành hung nặng". Đính còn hằn học. "... Họ còn dám ném mấy khẩu Garant M1 vào chùa rồi chụp hình làm tang vật vu khống chùa có chứa vũ khí, họ còn quăng cả đồ lót đàn bà vào phòng của mấy thầy rồi xuyên tạc trong chùa có trai gái bậy bạ...". Đính càng hằn học chỉ trích chính quyền, tôi càng mừng thầm vì thái độ này phản ứng những uất ức của một kẻ muốn nổi loạn và biết đâu Đính và Đôn, ngoài tình bạn ra, cũng là đồng chí trong tổ chức của Đôn rồi, dù bề ngoài Đính vẫn tương kế tựu kế giả vờ đóng vai trung thành với ông Diệm.

Những biến cố xảy ra trong mấy tháng vừa qua đã chồng chất thành bản cáo trạng quyết hệt lên án tội ác của chế độ và bỗng chấm dứt mọi tình cảm cuối cùng của tôi đối với ông Diệm. Tôi cố viện dẫn khoảng thời gian hơn 20 năm trời liên hệ thắm thiết giữa ông Diệm và tôi, nhưng vẫn không đủ ngăn chặn được những hành động oan nghiệt của 9 năm trời bạo quản của anh em ông Diệm. Tất cả gồm trong một gia đình mà những sân si và danh, lợi, quyền, lực, đã biến thành những tội đồ của đất nước, mà từ gần nửa năm nay dân chúng miền Trung đã âm thầm viết thành bản án lịch sử để lại cho hậu thế đời đời qua hai câu ca dao truyền miệng cho nhau:

Nhà Ngô có bốn gian hùng

Diệm ngu, Nhu ác, Cẩn khùng, Thục điên.

Cả một quá khứ địa ngục với một tương lai đen tối của đất nước đã làm tôi dứt khoát hẳn với ý định giữ ông Diệm lại làm nguyên thủ quốc gia như công chức mà Võ Văn Hải đã có lần đề nghị. Tôi nhất định phải lật đổ chế độ này và cả ông Diệm rồi tuỳ ông muốn sống lưu vong bất kỳ tại quốc gia nào.

Suy nghĩ chín chắn rồi, chiều 22-8-63, tôi đến Bộ Tổng tham mưu để gặp tướng Trần Văn Đôn đề nghị gia nhập vào tổ chức của ông ta. Lúc đầu tướng Đôn tỏ vẻ nghi ngờ hỏi vặn: “Có phải ông Cố vấn bảo anh đến đây để thử thách tôi không?” Nhưng đến khi tôi trình bày hết tâm sự và quyết tâm của mình rồi kết luận một cách chắc nịch rằng "Nếu tôi là tay sai của Ngô Đình Nhu, nếu tôi ham danh lợi thì tôi đã tố cáo âm mưu của Trung tướng cho anh em ông Diệm rồi" thì Đôn mới bắt đầu có vẻ tin tưởng hơn nhưng vẫn còn dè dặt bảo tôi trở về làm việc mà không đề cập đến lập trường, chủ trương và tổ chức của ông ta. Ra về, tôi trở nên bình thản và lạc quan hơn vì chính thái độ dè dặt của Đôn lại càng làm cho tôi tin tưởng Đôn đang quyết tâm thực hiện cuộc chính biến. Một cuộc chính biến do một cuộc binh biến phát động mà quân đội là chủ lực, lại do một vị Tổng tham mưu trưởng tổ chức thì nhất định phải thành công.

Độ một tuần lễ sau, hình như sau khi đã cho điều tra và nắm vững tư tưởng của tôi, Đôn bèn cho mời tôi đến gặp ông ta tại văn phòng. Sau khi trình bày một cách tổng quát chủ trương làm một cuộc cách mạng lật đổ chế độ, tướng Đôn bèn hỏi tôi: "Quyết định của anh về sinh mạng anh em ông Diệm như thế nào?" Tôi trả lời dứt khoát: "Đối với vợ chồng Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn thì phải bắt giam rồi đưa toà án quân sự xét xử theo đúng luật. Riêng đối với ông Diệm thì đem ông ta lên ở tại dinh số 1 ở Đà Lạt một thời gian, đối xử đàng hoàng rồi để cho ông ta ra đi muốn sống lưu vong tại nước nào tuỳ ông ta lựa chọn". Tướng Đôn đồng ý với tôi ngay và hình như đó cũng là chủ trương của riêng ông.

Ngoài ra, trước khi tôi liên hệ với tổ chức chính biến do các tướng lĩnh chủ xướng, một hôm vào đầu tháng Chín, đại tá Phạm Ngọc Thảo đến nhà mà không ngần ngại mời tôi tham dự vào tổ chức đảo chính của bác sĩ Trần Kim Tuyến mà Thảo là đại diện. Theo Thảo, bác sĩ Tuyến chỉ là lãnh tụ tinh thần và đang soạn sửa đi nhận chức Tổng lãnh sự ở Ai Cập nên không muốn tiếp xúc với ai, vả lại bác sĩ Tuyến đang bị Công an đặc biệt theo dõi gắt gao.

Hơn ai hết, Tuyến biết rõ những sai lầm và những tội ác của chế độ Diệm, biết rõ những âm mưu thâm độc của vợ chồng Ngô Đình Nhu, biết rõ Ngô Đình Cẩn mấy lần định cho người ám sát mình, lại biết Ngô Đình Nhu sẽ cất chức mình đem em là Trần Văn Khiêm vào thay thế để Khiêm nguỵ tạo hồ sơ biến mình thành con dê tế thần gánh chịu tất cả mọi hậu quả. Biết như thế và vốn người có lý tưởng quốc gia chân chính nên Tuyến không thể tiếp tục làm tôi trung cho một gia đình, một chế độ ngập tràn tội ác, Tuyến phải chủ trương đảo chính trong ý nguyện cứu lấy một quốc gia đang thật sự đứng trên bờ vực thẳm. Từ một công thần hãn mã, Tuyến trở thành một kẻ thù không đội trời chung với anh em ông Diệm.

Còn về Phạm Ngọc Thảo thì từ trước tôi chưa hề gặp mà chỉ biết qua hồ sơ. Thảo là một tay phản gián tài ba của Việt cộng mà dù có anh em ruột là Phạm Ngọc Thuần hiện giữ một chức vụ quan trọng ở ngoài Bắc nhưng nhờ là một tín đồ Công giáo nên được Giám mục Ngô Đình Thục tín nhiệm tiến cử cho ông Diệm. Lúc Thảo làm Tỉnh trưởng Kiến Hoà, tướng Mai Hữu Xuân, vốn là cựu Tổng giám đốc Công an, cựu Giám đốc An ninh quân đội, đã nói với tôi: "Anh nên trình với ông Tổng thống rằng dùng Phạm Ngọc Thảo là dâng miền Nam cho Cộng sản rồi đó”. Tôi đem lời của Mai Hữu Xuân trình bày cho ông Diệm thì bị ông Diệm gắt gỏng: "Anh hỏi thằng Xuân nó có biết nguồn gốc gia đình Phạm Ngọc Thảo hơn Đức Cha không?”. Trong thời gian Thảo giữ chức Tỉnh trưởng Kiến Hoà, tôi đã cho đại uý Sinh (hiện ở Hoa kỳ), trưởng phòng Công tác của Nha, bí mật xuống Bến Tre một tháng để đặc biệt điều tra Thảo, và Sinh đã về báo cáo cho tôi: "... chẳng những Thảo là người chống Cộng mà lại chống Cộng rất tài tình. Kiến Hoà là căn cứ địa vững chắc của Cộng sản, là quê hương của Nguyễn Thị Định, là nơi mà năm 1940 Cộng sản đã từng nổi dậy cướp chính quyền, thế mà Thảo vẫn "trị" nổi Cộng sản tại đó”.

Nhưng chỉ mấy tháng sau, Thảo thôi làm Tỉnh trưởng và được Ngô Đình Nhu giao cho nhiệm vụ đi thanh tra công cuộc thiết lập ấp chiến lược. Thảo vẫn vào ra dinh Tổng thống và thỉnh thoảng vẫn được ông Diệm gọi vào nói chuyện.

Gặp tôi, Thảo cho biết tổ chức đã kết nạp được một số đơn vị Biệt động quân và Bảo An. Và nhờ Thảo thường đi thanh tra ấp chiến lược nên đã tổ chức được rất nhiều sĩ quan trong các đơn vị chiến đấu tại Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4. Thảo là cộng sự viên của tướng Trần Thiện Khiêm nên cũng tiết lộ cho tôi biết tướng Khiêm đã nhận đỡ đầu cho nhóm Thảo. (Thật ra tướng Khiêm đã ở trong tổ chức của tướng Đôn rồi). Tôi khen thầm quả thật Thảo là tay tình báo giỏi mới biết được tâm địa và hành động bí mật của mình, tuy nhiên tôi vẫn phải giả vờ tỏ thái độ trung lập: “Các anh muốn làm gì thì làm, tôi không chống các anh cũng không phản cụ Diệm". Sở dĩ tôi phải nói thế vì cần phải kiểm chứng lại với tướng Khiêm trước khi thật sự liên hệ với Thảo. Mấy ngày sau tướng Đôn lại gọi tôi đến Bộ Tổng tham mưu và cho biết tướng lĩnh không đồng ý về việc giữ ông Diệm lại Đà Lạt vì sợ những bất trắc có thể xảy ra. Tôi tranh luận một hồi nhưng không thay đổi được quyết định của tổ chức nên đành nhượng bộ: "Nếu vậy thì đem ông ta ra Côn Đảo một thời gian và đem một Tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến ra canh giữ rồi sau khi tân chánh phủ thành lập sẽ cho ông ta ra đi. Đôn đồng ý và hứa sẽ đề nghị lại với anh em. Trong cuộc gặp gỡ lần này, Đôn khuyến cáo tôi phải hết sức cẩn thận đối với những cố vấn quân sự Hoa kỳ và nhân viên CIA vì theo Đôn thì tướng Harkins và nhân viên của Richardson (Giám đốc CIA tại Việt nam) đang ủng hộ ông Diệm và ông Nhu. Đôn cũng bảo tôi từ nay Đôn và tôi chỉ liên lạc bằng điện thoại và chỉ dùng một số mật ngữ để trao đổi tin tức. Đặc biệt là ngày giờ phát động, Đôn sẽ cho biết sau.

Ở đây tôi xin dành vài dòng nói về tướng Trần Văn Đôn, người được xem là bộ óc của cuộc chính biến 1-11-63. Tướng Đôn sinh tại Pháp nhưng nhà thờ họ, mồ mả tổ tiên, ruộng vườn tài sản đều ở tại miền Nam. Tuy ông đã từng mang quốc tịch Pháp nhưng gia đình lại thấm nhuần nền đạo lý Tam giáo. Trong những giao tế bên ngoài, Trần Văn Đôn là người văn minh lịch thiệp kiểu Âu Mỹ, nhưng trong sinh hoạt gia đình, ông vẫn theo nề nếp Đông phương, theo nghi lễ dân tộc. Một lần tôi đến thăm Đôn tại nhà bỗng gặp bà Đôn dạy học ớ Đà Lạt về nghỉ cuối tuần. Vừa bước vào phòng khách, bà Đôn vội nghiêm trang chào khách và chào chồng rồi đến ngay bà thờ gia tiên thắp hương vái lạy, sau đó mới về phòng riêng. Lễ táng bà cụ sau này, anh em gia đình tướng Đôn theo nghi lễ trong sách “Thọ Mai chi lễ” cho đúng với phong hoá, tập tục cổ truyền. Trước kia tôi thường có thành kiến cho rằng tướng Đôn là một thứ Tây con, nhưng từ ngày chứng kiến được cung cách và nếp sống gia đình của ông ta, tôi càng kính mến ông ta nhiều hơn.

Tướng Đôn tuy theo binh nghiệp nhưng phần lớn cuộc đời của ông lại hoạt động như một chính khách hơn là một nhà quân sự. Ông đã hoạt động chính trị từ thời còn mang cấp trung uý, khi còn là một nhân viên trong văn phòng chính trị của Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân thời 1947-1948. Theo tướng Đôn thì chính ông là tác giả của lá quốc kỳ cờ vàng ba sọc đỏ và là người dề nghị lấy bài "Thanh niên ca" của Lưu Hữu Phước làm quốc ca của VNCH. Vì là giám đốc An ninh quân đội đầu tiên của quân lực VNCH nên ông biết rõ lý lịch và lập trường chính trị của hầu hết mọi sĩ quan. Hơn thế nữa, ông còn là Tham mưu trưởng đầu tiên nên đã đóng góp rất nhiều trong việc xây dựng quân đội quốc gia. Gia đình tướng Đôn và gia đình ông Diệm vốn có thâm tình cố cựu, tướng Đôn đã từng làm trung gian giữa Thủ tướng Xuân và anh em ông Diệm trong thời kỳ ông Nhu hoạt động tại Sài gòn và Đà Lạt. Trong mấy tập album mà bà Nhu có lần đưa về Huế để khoe với ông Cẩn, tôi thấy nhiều bức hình vợ chồng ông Nhu chụp chung với Thủ tướng Xuân và Trần Văn Đôn trong các cuộc du ngoạn tại Đà Lạt; họ thân với nhau đến độ có những tấm hình chụp ba người đàn ông mặc âu phục đứng chung với bà Nhu chỉ mặt áo tắm hở hang.

Sau khi gặp tướng Đôn lần thứ ba mà mục đích là thảo luận việc đối xử với ông Diệm khi cách mạng thành công, tôi bèn qua văn phòng của tướng Khiêm và được Khiêm xác nhận về quyết tâm lật đổ chế độ Diệm của Phạm Ngọc Thảo. Tôi và Khiêm vốn cùng ở trong Liên đoàn Lưu Động số 3 do trung tá Phạm Văn Đồng chỉ huy hành quân ở Nam Định - Thái Bình năm 1953, rồi lại cùng tận lực giúp ông Diệm trong cuộc binh biến của Nhảy dù năm 1960. Từ ngày Khiêm về giữ chức Tham mưu trưởng, tôi lại thường tiếp xúc nhiều hơn để trình bày về tinh thần binh sĩ nên chúng tôi có với nhau nhiều mối thiện cảm. Trong kế hoạch tổ chức lật đổ chế độ, Khiêm được coi như ở trong hàng ngũ lãnh đạo đầu não bên cạnh tướng Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn. Trở về Nha, tôi liền gọi điện thoại mời Thiệu, đang là Tư lệnh sư đoàn 5 ở Biên Hoà, vờ bảo lên gặp tôi gấp vì có thư nặc danh tố cáo Thiệu tham nhũng. Độ vài tiếng đồng hồ sau Thiệu đã có mặt tại văn phòng tôi. Vừa bắt tay Thiệu, tôi vừa nghiêm giọng: "Tôi mời anh lên đây để bắt giam vì anh đang âm mưu tổ chức đảo chính”, Thiệu tuy hơi biến sắc nhưng cũng giả vờ tìm cách thoái nên tôi vội trấn tĩnh Thiệu ngay. Là người quyền biến và có ý thức chính trị nên Thiệu hỏi tôi: "Anh nghĩ gì về thể chế tương lai sau khi hạ được chế độ Diệm?”. Tôi bèn trả lời: "Tất nhiên là thể chế dân chủ, tạo điều kiện và sinh hoạt thuận tiện cho công cuộc đại đoàn kết quốc gia, trong đó các đảng phái và các lực lượng quần chúng phải đóng một vai trò quan trọng và căn bản để gây lại hoà khí dân tộc, phục hồi sinh lực quốc gia để chống Cộng sản?”. Tuy nhiên, tôi nói tiếp "Chưa bắt được cọp hãy khoan nói đến chuyện lột da, chúng ta hãy bàn chuyện tổ chức và hành động để loại trừ lực lượng chính trị và quân sự của Nhu trước đã". Dưới chế độ Diệm, đường binh nghiệp của Thiệu rộng mở thênh thang mà một trong những lý do là nhờ Thiệu dứt khoát bỏ đạo Phật để theo Thiên Chúa giáo bên vợ. Đang làm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh hành quân cho tướng Dương Văn Minh, nhờ các linh mục nâng đỡ bảo bọc, Thiệu được ông Diệm cử giữ chức Chỉ huy trưởng trường Võ Bị Quốc gia Đà Lạt. Ngày ông Diệm có ý định cử Thiệu giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 5, ông bảo tôi làm tờ trình về Thiệu. Trong mục ý kiến, tôi đã viết rằng: "Thiệu không theo một đảng phái nào mặc dù có người anh ruột theo đảng Đại Việt. Thiệu là một trong số sĩ quan ưu tú nhất của quân đội”. Dù sao thì đạo Thiên Chúa mới là yếu tố chính để hình ảnh Nguyễn Văn Thiệu được ghi khắc vào con tim ông Diệm để Thiệu được ông tín nhiệm và nâng đớ.

Đầu năm 1963, sau khi về nắm chức Tư lệnh Sư đoàn 5, Thiệu đã đến văn phòng tôi thăm xã giao. Tôi cho Thiệu biết: "Số của Thiệu sắp đến thời làm rất lớn vào hàng văn võ song toàn, ít nhất cũng vào hàng Bộ trưởng Quốc phòng". Thiệu rất ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi biết được số tử vi nghĩa là biết được ngày giờ sinh âm lịch của Thiệu. Tuy nhiên Thiệu ván dè dặt xin tôi đừng nói ra sợ “ông Cụ biết được ông sẽ chém đầu cả hai đứa mình". Thật thế ít ai có lá số tử vi dại quý cách như Thiệu và đặc biệt là cung Phúc Đức cho Thiệu hưởng được hết âm đức của cha mẹ ông bà. Số của Thiệu có đến bốn chữ “Tý”: Tuổi Giáp Tý 1924, sinh vào giờ Tý (nửa đêm), tháng Tý (tháng 11 âm lịch), và cung Mệnh Viên cũng nằm ở Tý. Lại nữa mệnh cửa Thiệu lại là mệnh Kim mà lại nằm ở cung Thuỷ là rất đắc cách. Năm 1965 Thiệu 41 tuổi đi vào cung Thổ, mà Thổ lại sinh Kim, lại gặp Khoa, Quyền, Lộc, Binh, Hình, Tướng, ấn hội chiếu là thượng cách, vì thế Thiệu giữ chức Chủ tịch Uỷ ban lãnh đạo quốc gia rồi lên chức Tổng thống. Hết đại hạn ở cung Thổ (năm 1975), Thiệu 51 tuổi đi vào cung hoả, mà Hoả thì đốt cháy Kim nên Thiệu mất chức Tổng thống. Tuy nhiên vì cung Phúc Đức là gốc của lá số cho nên tuy hết làm Tổng thống mà Thiệu vẫn thụ hưởng giàu sang an nhàn cho đến năm 1985, nghĩa là vào hạn Chính Hoả ở cung Ngọ, Thiệu sẽ gặp nhiều tai hoạ và sẽ bị "thiêu đốt” trong đại hạn này (từ 1985 đến 1995). Có một điều tôi vô ý là dù quen biết Thiệu đã lâu ngày nhưng mãi cho đến khi nhìn Thiệu qua màn ảnh truyền hình tôi mới thấy được cặp mắt của Thiệu “láo liên", biểu hiện sự gian trá và làm cho Thiệu trở thành tay gian hùng, tham nhũng. (Cái ẩn tướng có cặp mắt láo liên của Thiệu cũng như cái ấn tượng không dám nhìn thẳng vào mặt người đối thoại của ông Diệm đều là tướng người bất chánh).

Sau Nguyễn Văn Thiệu tôi cho mời trung tá Nguyễn Cao Kỳ, đang là Chỉ huy trưởng Liên đoàn vận tải đến gặp tôi. Kỳ quen với tôi từ ngày tôi về Nha An ninh quân đội, liên hệ của chúng tôi thắm thiết như anh em. Chúng tôi thân với nhau đến độ mỗi lần Kỳ đến nhà tôi là tự động vào thẳng tủ lạnh lấy đồ ra ăn. Biết Kỳ thích, nhà tôi thường biếu Kỳ ruốc mắm, nem chả, dưa kiệu, củ hành và mỗi lần Kỳ lái máy bay cho tôi về Nha Trang, tôi thường kín đáo trao cho Kỳ 5, 7 trăm để tiêu pha. Hàng năm, cứ đến mồng Một Tết, Kỳ thường nói rõ là Kỳ quí mến tôi như người anh trưởng của gia đình Kỳ. Khi bà cụ thân mẫu Kỳ tạ thế, Kỳ lại đến gặp tôi nhờ giúp đỡ: “Buổi sinh tiền, mẹ tôi ngỏ ý muốn khi mất sẽ được chôn cất ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi mà tôi thì quá túng thiếu không làm sao báo hiếu được, vậy nhờ đại tá giúp đỡ đàn em". Cảm cái cảnh Kỳ hiếu thảo mà lại nghèo nàn, tôi giúp Kỳ chôn cất mẹ theo ý nguyện và mua biếu tặng bà cụ đám đất trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi với giá ba mươi ngàn đồng.

Kỳ là người có nhiều nghệ sĩ tính, có phong thái một lãng tử hào hoa nên được binh sĩ không quân mến chuộng. Năm 1960, Kỳ theo nhóm sĩ quan lãnh đạo cuộc đảo chính Nhảy dù nhưng được tôi dung thứ không bắt vì tôi biết Kỳ là một sĩ quan được binh sĩ kính mến. Ký đã từng lái máy bay ra Bắc Việt thả đồ cho biệt kích miền Nam hoạt động trong vùng địch. Năm 1962 - 1963, một số thuộc viên của Kỳ lợi dụng công tác chuyển vận các sĩ quan Bảo An đi học du kích phiến ở Mã Lai để buôn lậu hàng hoá rẻ tiền từ Singapore về nên bị Quan thuế bắt, tôi đã phải thiết tha can thiệp với Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Lương và Tổng thống Diệm tha thứ cho Kỳ và các sĩ quan phi công trong Liên đoàn Không vận.

Khi đến gặp tôi với bộ bay màu đen, cây súng lủng lẳng bên hông, Kỳ chào tôi theo đúng quân cách và nói ngay: "Đàn anh có gì dạy dỗ đàn em?". Tôi bèn đùa: "Gọi Kỳ đến để bắt giam”. Kỳ trợn to đôi mắt một mí nhìn tôi rồi vừa cười vừa nói: "Đại ca đừng đùa đàn em tội nghiệp". Nhưng tôi vội lấy thái độ nghiêm chỉnh rồi bảo Kỳ: "Kỳ có nhớ ngày 11-11-60 đã làm gì không, hôm nay tôi gọi Kỳ xuống đây để cho biết tôi sẽ tổ chức lật đổ ông Diệm và rủ Kỳ theo tôi". Kỳ đứng bật dậy đưa tay chào mạnh mẽ: "Đàn em sẵn sàng tuân theo lệnh đại ca”.

Biết bản tính của Kỳ không phản trắc nhưng tôi vẫn phải đốt lửa nhiệt huyết thêm cho Kỳ vì không quân là yếu tố quyết định thành bại của cuộc binh biến để làm nền tảng cho cuộc chính biến cho nên tôi bèn kéo Kỳ đến nhà thầy tử vi Minh Lộc ở đường Trần Quý Cáp mà tôi đã sắp đặt từ trước. Sau khi gieo quẻ bấm tay, ông Minh Lộc nói rằng số Canh Ngọ này làm nghề đi mây về gió, tuy nhiên đến Thu Đông năm nay phải làm gì có tính cách bạo động rồi trở thành vương tướng, phú quý song toàn. Tôi hỏi: "Số này có phản bội tuổi tôi không? " thì Minh Lộc khẳng định: “Không, bởi nếu phản bội thì sẽ bị chết bất đắc kỳ tử”. Tôi thưởng cho thầy tử vi một trăm đồng bạc rồi ra về. Trước khi chia tay, Kỳ thề suốt đời giữ trọn lòng trung nghĩa đối với tôi. Sau này Kỳ phản tôi, cùng với nhóm tướng trẻ cô lập tôi tại Kontum, tại Nha Trang nhưng Kỳ đã không chết bất đắc kỳ tử, vả lại trong thâm tâm tôi cũng thật lòng không muốn ai phải chết bất đắc kỳ tử, nhất là một người như Kỳ.

Động viên được một chiến sĩ cảm tử như Nguyễn Cao Kỳ xong, tôi cảm thấy an tâm hơn. Sau đó tôi cho mời trung tá Vĩnh Lộc đang là Chỉ huy trưởng một Trung tâm huấn luyện ở gần Vũng Tàu. Lộc là một sĩ quan thâm niên có trình độ văn hoá cao, là một phần tử ưa tú của quân đội, đã từng chỉ huy đơn vị Thiết giáp, nhưng vì Lộc là người thuộc Hoàng phái, từng phục vụ trong văn phòng Quốc trưởng Bảo Đại và thường tỏ ra khinh bỉ nhóm Cần lao công giáo nên bị đè ép đến nỗi suốt 10 năm quân vụ mà Lộc chỉ lên được có một cấp. Có lẽ Lộc đinh ninh rằng tôi mời Lộc lên để cảnh cáo hoặc bắt giam, nên khi mới gặp tôi Lộc tỏ vẻ ngại ngùng lắm, cho đến khi tôi trấn tĩnh Lộc bằng cách giải thích tình hình đen tối của nước nhà, giải bày tâm sự đau thương của mình rồi tôi rủ Lộc tham gia tổ chức, Lộc mới yên tâm. Tất nhiên bề ngoài Lộc phải giữ thái độ đè dặt nhưng tôi cũng đã thấy được nỗi lòng và quyết tâm của Lộc khi nghe nói đến lật đổ chế độ Diệm. Để kết luận, tôi chỉ: “Yêu cầu trung tá khi nghe tiếng súng nổ ở Đô thành, kéo ngay đơn vị Thiết giáp (gần Trung tâm huấn luyện của Lộc) về Sài gòn để yểm trợ cho Bộ binh”. Lộc dạ rồi ra về.

Tuy đã kết nạp được một số sĩ quan đồng chí hướng, xây dựng thêm được một số đơn vị mà khi hữu sự có thể đương đầu được với lực lượng võ trang của Ngô Đình Nhu nhưng lòng tôi vẫn chưa yên. Tôi phải nắm cho được Tướng Tôn Thất Đính Tư lệnh Quân đoàn 8 và Tổng trấn Sài gòn, vì nhân vật này ở vào vị trí có thể xoay chuyển dễ dàng tình hình lúc đó.

Như đã nói trong một chương trước, tôi gặp Đính lần đầu vào cuối năm 1945 tại Đà Lạt, sau khi Việt minh cướp chính quyền. Lúc bấy giờ tôi chỉ huy một trong hai tiểu đoàn giải phóng quân của miền Nam Cao nguyên trong lúc Đính chỉ huy một trung đội. Tuy chúng tôi không phải là cán bộ nòng cốt của Việt minh nhưng tôi thì nhờ hồ sơ cá nhân có ghi chút công "cách mạng" chống Pháp và nhờ là cựu thủ lãnh Thanh niên Tiền Phong của Phong trào Thanh niên Phan Anh nên được Việt cộng trọng dụng, còn Đính là một học sinh yêu nước và dám gác bút nghiên "theo việc kiếm cung" trước cao trào kháng Pháp, nên cả hai chúng tôi đều được Mặt trận nhân dân Đà Lạt chỉ định đảm nhiệm những trách vụ quân sự then chốt. Chúng tôi còn chiến đấu chống lại liên quân Anh-Pháp-Nhật tại mặt trận chạy dài từ Đà Lạt đến Đơn Dương (Ran). Nhưng vì hoả lực của địch quá mạnh nên mặt trận tan vỡ và chúng tôi mỗi người một ngả, tôi thì về vùng núi rừng Ninh Thuận lập chiến khu gần một năm rồi bỏ Mặt trận Việt minh về quê nhà, trong lúc Đính trở lại Đà Lạt xin làm thư ký cho sở cảnh sát Pháp để tránh bị bắt bớ giam cầm.

Dù Tôn Thất Đính được tướng Nguyễn Văn Hinh nâng đỡ và tín nhiệm nhưng khi gặp Đính tại Hải Phòng và đầu tháng 8 năm 1954, tôi vẫn thuyết phục Đính bỏ ông Hinh để vào với ông Diệm. Đính nghe lời tôi và sau này gia nhập đảng Cần lao trở thành một công thần cốt cán của ông Diệm. Nhiều người cho rằng Đính mang đầu óc cơ hội chủ nghĩa, nhưng tôi biết rõ tâm hồn của Đính, biết Đính nhiều khi “giả dại qua ải”, biết Đính bề ngoài tỏ vẻ đồng ý nhưng thâm tâm vẫn công phẫn nhóm Công giáo Cần lao. Thời kỳ làm Tư lệnh Quân đoàn 2 kiêm Quân khu 2, khi gặp nhiều khó khăn vì vấn đề dinh điền, vấn đề người Thượng, Đính thường than thở với các vị tướng lĩnh và với tôi về sự lộng hành của các vị linh mục và nhóm Cần lao công giáo. Đính thường thúc giục tôi phải trình bày sự thật cho "ông Cụ" rõ việc các linh mục làm mất lòng dân, làm cho dân Thượng theo Mặt trận FULRO và làm cho dân dinh điền gốc miền Trung bất mãn trốn về quê cũ hết.

Sau khi hiểu rõ lòng dạ của Đính và biết Đính đã được tướng Đôn kết nạp, tôi vẫn muốn đốt lửa can trường thêm để Đính giữ vững quyết tâm trong việc lật đổ nhà Ngô.

Tôi đến nhà Đính vào khoảng gần nửa đêm khi Đính còn nằm đọc sách trên giường. Với người có vẻ võ biền như Đính, tôi phải có thái độ quyết liệt, nên tôi đã bắt chước Vương Tư Đồ trong chuyện Tam Quốc lập mưu khích tướng Lã Bố diệt trừ gian thần Đổng Trác ngày xưa. Cho nên sau khi chào hỏi xong, tôi sụp xuống lạy Đính hai lạy, Đính hốt hoảng đỡ tôi dậy rồi hỏi: “Anh làm gì kỳ cục vậy anh Mậu?", lúc bấy giờ tôi mới trình bày thế nước lòng dân cho Đính nghe, tôi cũng phân giải mối tâm tư của mình và khuyến khích Đính bỏ tà theo chánh.

Tôi nói với Đính rằng chế độ tàn bạo của ông Diệm đã bị toàn quân, toàn dân căm thù oán ghét thì mình nỡ lòng nào vì chiếc gươm vàng, ngôi sao bạc mà làm tay sai cho kẻ thù của nhân dân để sử sách và hậu thế kết tội. Quen Đính hơn mười mấy năm trời, tôi chưa dân nào thấy Đính rơi lệ, thế mà hôm nay Đính đã khóc. Đính ôm chầm lấy tôi, hứa với tôi sẽ cương quyết đập tan chế độ Diệm. Tôi yên tâm ra về và từ đấy đã nhìn thấy được ánh sáng đắc thắng ở cuối đường hầm trong cuộc đấu trí với Ngô Đình Nhu.

Công cuộc tổ chức chính biến đang trên đà thuận lợi và chỉ còn đợi tướng lĩnh định ngày giờ nổ súng phất cờ thì không ngờ một hôm, Bộ trưởng Lao động Huỳnh Hữu Nghĩa (hiện ở Pháp) cho biết mưu định của tôi bị bại lộ. Nghĩa kể lại cho tôi nghe cuộc đối thoại giữa ông ta và Ngô Đình Nhu tại dinh Gia Long:

Nhu: Mậu chơi thân với toa, Mậu có nói gì đến chuyện đảo chính không?

Nghĩa: Không. Tôi chỉ nghe Mậu thường nói chuyện Tam Quốc, chuyện Đông Chu... và tỏ vẻ lo lắng cho ông Cụ mà thôi.

Nhu: Mậu lừa toa đó. Mậu đang cùng một số sĩ quan âm mưu đảo chính.

Nghĩa: Nếu anh đã biết rõ thì có khó khăn gì mà không chặn đứng cuộc đảo chính từ trong trứng nước. Anh hãy gọi Mậu vào hứa cho thăng thưởng và bảo tố cáo các tướng lĩnh rồi bắt hết là êm ngay.

Nhu: Không. Moa đã có kế hoạch rồi, để moa bắt cả lũ một lượt, moa đập cho tan hết luôn. (Nhu ám chỉ kế hoạch Bravo của Nhu mà Nghĩa không được biết).

Ra khỏi văn phòng của Nhu, Nghĩa vội bí mật thông báo cho tôi biết ngay rồi khuyên tôi đi trốn. Tôi ngỏ lời cảm tạ tấm lòng hào hiệp của người bạn tri kỷ, nhưng tôi khuyên Nghĩa cứ yên tâm vì tôi không có việc gì phải trốn tránh.

Cùng lúc với việc Ngô Đình Nhu cho Huỳnh Hữu Nghĩa biết việc tôi đang mưu định đảo chính thì tôi cũng biết được Ngô Đình Cẩn cho một đại uý, hình như đại uý Minh (hiện ở Mỹ) mang thư từ Huế vào thông báo cho ông Diệm biết tôi đang chuẩn bị đảo chính, và khuyến cáo ông Diệm đối phó với tôi như Huỳnh Hữu Nghĩa đã khuyên Ngô Đình Nhu. Bức thư của Cẩn, sau ngày Cách mạng, cháu tôi là Nguyễn Bá Liên đã tịch thu được trong một phong bì lớn trên bàn giấy của Ngô Đình Nhu, cùng với lá thư sáu trang giấy của cụ Trần Văn Chương (gởi từ Washington) lên án những lỗi lầm của hai ông Diệm-Nhu trong việc lãnh đạo quốc gia.

Lúc bấy giở là vào đầu tháng Mười và mặc dù âm mưu đã bị bại lộ, nhưng vì quyết tâm và tin tưởng vào số mệnh và âm đức cha ông mình, tôi vẫn vững tâm không một chút nao núng, vẫn đi làm việc, vẫn đi dạo phố, và chuẩn bị một số biện pháp phòng ngừa bất trắc.

Trước hết tôi cho lệnh những cận vệ chìm nổi của tôi phải nổ súng ngay vào bất kỳ ai muốn ám hại tôi. Tôi lại cho đục một khoảng trống trong bức tường ngay sau lưng nhà để nếu có biến tôi có thể thoát thân đến ẩn lánh nhà một người bạn thân là trung tá Bùi Quý Cảo thuộc cơ quan Hành Ngân Kế của Bộ quốc phòng. Ông Cảo có bà thân mẫu là một Phật tử hết sức mộ đạo, nhà ở đường Lê Thánh Tôn đấu lưng với nhà tôi trong cư xá hải quân. Tôi dự định từ nhà Bùi Quý Cảo sẽ đến trú ẩn tại nhà một người bạn thân mà cũng là một đồng chí là ông Thái Văn Châu (cựu Phó Chủ tịch Phòng Thương Mãi Sài gòn hiện ở Pháp). Ông Châu cũng là một Phật tử thuần thành, từng bị Ngô Đình Cẩn khủng bố nên phải bỏ Huế vào Sài gòn để sinh sống. Ngôi nhà lầu năm tầng của ông Châu ở đường Lê Thánh Tôn gần chợ Bến Thành náo nhiệt quả thật là nơi trú ẩn lý tưởng cho tôi khi hữu sự.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963 được các tướng lĩnh chọn làm ngày khởi nghĩa. Tôi dậy sớm uống trà xong thì lên đường đến nhà một thầy tử vi tên Kim ở Phú Nhuận, nơi khách khứa ra vào đông đúc, ít ai nghi ngờ trong lúc chờ đợi giờ phát động. Khoảng 1 giờ trưa, tôi vào Bộ Tổng tham mưu thì được tướng Đôn chỉ định đến một căn phòng riêng cùng với các tướng Chiểu và Kim viết những văn kiện cần thiết như lời hiệu triệu của lực lượng cách mạng, như những hiến ước tương lai, v.v... Trong lúc đó thì tất cả tướng tá, kể cả các tướng tá trung thành với chế độ như tướng Nguyễn Văn Là, đại tá Cao Văn Viên, đại tá Lê Quang Tung, đều có mặt tại Câu lạc bộ Sĩ quan, chỉ trừ tướng Tôn Thất Đính phải ở lại Bộ tư lệnh của ông ta để trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân lúc bấy giờ được nguỵ trang là một cuộc đảo chính cho phù hợp với âm mưu Brava của Nhu. Cuộc hành quân đảo chính được tiến hành tốt đẹp mà mọi chi tiết đã được tướng Đôn mô tả khá đầy đủ trong hồi ký “Our Enless War”, tiểu mục “Our Coup succeeds”.

Về phần tôi, theo dõi sát tiến triển từng bước một của kế hoạch, tôi mừng thầm nhưng không ngạc nhiên vì các bạn bè đồng chí, con cháu của tôi đã can trường thi hành nghiêm chỉnh những chỉ thị của tôi, và đóng góp tích cực cho sự thành công của cuộc đảo chính. Trong tiến hành đảo chính, Nguyễn Cao Kỳ, Đỗ Khắc Mai nắm ngay quyền Tư lệnh không quân rồi cho phi cơ phóng pháo bay lượn trên không phận Sài gòn để uy hiếp các lực lượng phản cách mạng và biểu dương khí thế cách mạng cho quần chúng. Vĩnh Lộc và Nguyễn Văn Toàn kéo quân và Thiết giáp từ Vũng Tàu về yểm trợ cho Bộ binh; Đỗ Như Luận, Chu Văn Trung, Lê Phước Sang vô hiệu hoá ngay Lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung. Các sĩ quan trẻ ở trung đoàn Thiết giáp cô lập ngay thiếu tá Thẩm Nghĩa Bôi rồi biệt phái một số thiết giáp về bảo vệ cho Bộ Tổng tham mưu. Hai sinh viên quân y Phạm Văn Lương và Nguyễn Văn Cơ cướp quyền chỉ huy tại trường Quân Y, phân phát vũ khí cho một nhóm sinh viên đồng chí nòng cốt. Phạm Ngọc Thảo và bác sĩ Nguyễn Phúc Quế sau hai lần tấn công mới chiếm được đài phát thanh Sài gòn. Đến 4 giờ chiều, Quế gọi điện thoại cho tôi để xin chỉ thị, tôi ra lệnh cho Quế phải đọc lời hiệu triệu đầu tiên của Hội đồng quân nhân cách mạng, đại ý gồm có lời tuyên bố lý do quân đội phải đứng lên lật đổ chế độ, lời kêu gọi ông Diệm đầu hàng, và lời hứa sẵn sàng để cho ông Diệm xuất ngoại, và cuối cùng là lời hiệu triệu quốc dân đồng bào đoàn kết làm hậu thuẫn cho cuộc cách mạng do quân đội khởi xướng. Một điều làm tôi rất phấn khởi là chiều hôm đó đại tá Lâm Văn Phát đã cấp tốc từ Vũng Tàu về tham gia đảo chính, cầm quân đánh vào thành cộng hoà và triệt tiêu những ổ kháng cự của các toán quân thuộc Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Tổng thống Phủ còn trung thành với chế độ cũ. Tôi mừng vì đại tá Phát là một sĩ quan Công giáo đã từng được anh em ông Diệm hết sức thương mến tín nhiệm, từng được giao cho những chức vụ quan trọng như Sư đoàn trưởng, như Tổng giám đốc Bảo An, nhưng Phát là người cương trực, cho nên ông ta đã không vì lợi danh chịu làm tay sai cho một chế độ mà Phát đã từng lên án. Việc đại tá Phát tham gia đảo chính càng nói lên cái chính nghĩa rực rỡ của quân đội trong việc lật đổ chế độ.

Vào khoảng nửa đêm, tướng Đính cho mở cửa nhà tù để giải thoát các nhóm sinh viên tranh đấu. Nhóm sinh viên này gồm các anh Đinh Thạch Bích, Trần Phong, Nguyễn Sĩ Tế, Nguyễn Tường Bá, Vũ Văn Lê, Trần Huy Bích, Trịnh Đình Thắng, v.v... (hiện ở Hoa kỳ) và riêng anh Nguyễn Hữu Đổng (hiện ở Pháp) và một số anh em khác vừa được trả tự do, vội đến Bộ Tổng tham mưu và được các tướng lĩnh đón tiếp. Vừa gặp chúng tôi, họ mừng ra nước mắt, ôm chầm lấy chúng tôi biểu lộ nỗi hân hoan vui mừng. Họ xúc động đứng trước mặt chúng tôi, ngỏ lời cảm ơn quân đội đã đứng lên giải thoát cho họ và cho đồng bào khỏi một chế độ bạo tàn kìm kẹp, rồi giơ cao tay thề quyết tâm làm tròn sứ mạng lịch sử và trung thành với Hội đồng quân nhân cách mạng. Việc tướng Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Quân khu 4 đầu hàng, việc đại tá Lâm Văn Phát tham dự đảo chính, việc các sinh viên tỏ lòng ngưỡng mộ tướng lĩnh là những khích lệ tinh thần cao quý đầu tiên của quân dân ban thưởng cho chúng tôi.

Cũng vào khoảng nửa đêm, trừ dinh Gia Long còn nằm trong tay Quân phòng vệ Phủ Tổng thống, tất cả các quân đoàn trên toàn quốc và nhiều đơn vị đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội đảo chính. Tại Nha Trang và Khánh Hoà, nơi có quân số đông đảo và nơi mà đa số nhân dân theo Phật giáo, đại tá Quân trấn trưởng Nguyễn Vĩnh Xuân nắm vững ngay tình hình nhờ sự hợp tác chặt chẽ của nhiều sĩ quan không quân và hải quân, và nhờ hậu thuẫn trung thành của Trung tâm huấn luyện hạ sĩ quan Đồng Đế và trung tâm Biệt động quân tại Dục Mỹ. Tại Đà Lạt ngay chiều hôm đó, khi tiếng súng bắt đầu nổ vang tại Sài gòn, trung tá Trần Ngọc Huyền, chỉ huy trưởng trường Võ Bị Quốc gia vội vã thiết quân luật và cùng với ông Nguyên Văn Phước, Thị trưởng Đà Lạt, làm chủ tình hình. Riêng tướng Thái Quang Hoàng chỉ huy trưởng Đại học quân sự và Quân trấn trưởng Đà Lạt, tuy mang nỗi lòng của một công thần bị vắt chanh bỏ vỏ nhưng trước biến chuyển của tình hình, ông ta vội vã lánh mình lên Ban Mê Thuộc. Tướng Hoàng biết trước cuộc đảo chính thế nào cũng xảy ra nhưng ông ta chỉ muốn giữ thái độ trung lập. Ông không muốn chống ông Diệm nhưng cũng không muốn chống lại cuộc cách mạng để khỏi mang tiếng hành động ngược lòng dân. Đại tá Tôn Thất Xứng, một cựu đảng viên Cần lao lúc bấy giờ là chỉ huy trưởng Lực lượng Biệt động quân, cũng biết trước cuộc đảo chính sẽ xảy ra nhưng cũng “khôn ngoan” như tướng Hoàng, ông đã giữ thái độ trung lập. Một ngày trước biến cố, ông mượn cớ đi thanh tra các trung tâm huấn luyện Biệt động quân để lánh mình, tránh cho ông một hoàn cảnh khó xử.

Vào khoảng 9 giờ đêm, tại văn phòng của tướng Khiêm, nơi được chọn làm bộ chỉ huy, tướng Dương Văn Minh, vị lãnh tụ Hội đồng quân nhân cách mạng bèn hỏi từng người "ai theo cách mạng và ai còn theo ông Diệm". Tất cả đều hoan hỉ trả lời “theo cách mạng” trừ đại tá Cao Văn Viên, Tư lệnh nhảy dù trả lời: "Tôi là một quân nhân kỷ luật, tôi không làm chính trị, tôi chỉ biết tuân lệnh Tổng thống Diệm".

Cao Văn Viên thời còn là trung uý (năm 1953) đã cùng tôi và Nguyễn Văn Thiệu làm việc tại khu chiến Hưng Yên, chúng tôi coi nhau như bạn thân. Cao Văn Viên là người ít nói trong lúc Thiệu và tôi hay thảo luận chính trị và thời thế. Năm 1958, Cao Văn Viên được Tổng thống Diệm đưa về dinh Độc lập giữ chức Tham mưu trưởng Biệt Bộ thay tướng Nguyễn Văn Là được cử giữ chức Tổng giám đốc Công an. Cuối năm 1960, nhân biến cố Nhảy dù xảy ra, Cao Văn Viên mặc dù thuộc Bộ binh nhưng được ông Diệm thăng đại tá và cử chỉ huy Lữ đoàn Nhảy dù thay đại tá “phản loạn” Nguyễn Chánh Thi đã trốn qua Cao Miên tị nạn chính trị. Tuy nhiên trong lúc Cao Văn Viên chỉ cố gắng hành xử nhiệm vụ của một quân nhân thì bà Cao Văn Viên cũng như bà Nguyễn Văn Là, lại là những phu nhân thích hoạt động chính trị, thích nổi tiếng. Hai bà đều là nhân viên cao cấp trong "Phong trào Phụ nữ liên đới” của bà Nhu và cộng tác đắc lực với Đệ nhất phu nhân. Bà Là lại còn là thành viên của "Lực lượng Phụ nữ bán quân sự", là thiện xạ số hai bên cạnh thiện xạ số một là Ngô Đình Lệ Thuỷ, ái nữ của ông bà Cố vấn. Qua màn ảnh tuyên truyền của Bộ thông tin, dân cả nước, hàng tuần đều được chiêm ngưỡng dung nhan cô Lệ Thuỷ và bà Là thi đua tác xạ, thi đua bắn bong bóng, tập thao diễn quân sự, tập tác chiến, nằm cạnh các lỗ châu mai tại “chiến trường Thị Nghè" của thành phố Sài gòn - Gia định. Dưới chế độ Diệm, trong hàng tướng lĩnh có ba bà tướng thuộc hạng "đàn bà dễ có mấy tay" là bà Thái Quang Hoàng, đã dám đấu khẩu với bà Nhu sau ngày đảo chính Nhảy dù, còn bà Nguyễn Văn Là và bà Cao Văn Viên là những phụ nữ thuộc hạng "gái ngoan làm quan cho chồng".

Khốn nỗi khi đại tá Cao Văn Viên tỏ thái độ trung thành với Tổng thống Diệm thì nhiều sĩ quan cấp tá thuộc Lực lượng Nhảy dù lại điện thoại về Bộ Tổng tham mưu hoan nghênh cách mạng và xin đặt dưới quyền điều động của Hội đồng tướng lĩnh. Đến 10 giờ đêm, tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho tất cả các tướng tá có mặt tại Bộ Tổng tham mưu xưng danh để được phát thanh trên đài Sài gòn. Theo đại uý Đỗ Thọ, sĩ quan tuỳ viên độc nhất đi trốn với anh em ông Diệm, thì lúc nghe phát thanh, tâm tư hai ông Diệm, Nhu vô cùng rung động. Ông Nhu bỏ ý định về miền Tây với Huỳnh Văn Cao và quyết định bỏ nhà Mã Tuyên để về trú ẩn tại nhà thờ Cha Tam. Lúc bấy giờ, ông Diệm nói với ông Nhu: "Chú nên ở cạnh tôi, vì chú đi riêng thì họ sẽ giết". Câu nói của ông Diệm biểu lộ sự cảm nhận cái thế tuyệt cùng và sự thất bại không tài nào cứu vãn được nữa. Đối với Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân, Phạm Xuân Chiểu thì việc họ chống đối ông là việc tất nhiên, nhưng ông không ngờ toàn thể những người đã một thời trung thành với ông, đã có công lao to lớn phò tá ông trong bước khó khăn, trong những năm đâu của chế độ, đặc biệt là những sĩ quan miền Trung cũng đều quyết liệt chống lại ông. Ông có ngờ đâu những tướng tá như Nguyễn Ngọc Lễ, Lê Văn Nghiêm, Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Chuẩn, Nguyễn Chương, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Ngọc Huyền, v.v... cũng đều tham gia cách mạng. Những người dân sự thân nhất của ông như cụ Trần Văn Chương, Linh mục Cao Văn Luận, Bác sĩ Trần Kim Tuyến đều đã phản bội ông, Võ Văn Hải cũng bỏ rơi ông, nay lại đến các quân nhân thân thiết, tin cẩn đều đồng thanh lật đổ ông thì thật sự ông không còn bám víu vào đâu được nửa. Đảng Cần lao, Phong trào Cách mạng quốc gia, Thanh niên cộng hoà, Lực lượng đặc biệt, Phụ nữ liên đới, Quốc hội gia nô, lực lượng mật vụ... những con bài domino của ông đã tan biến trước cơn lốc cách mạng của toàn quân, toàn dân. Có lẽ vì thế mà ông đến nhà thờ Cha Tam, để một lần cuối, đưa lời cầu nguyện với Chúa. Gần mười năm qua ngự trị trên đất nước quê hương, sau mỗi bài diễn văn, mỗi bức thông điệp, ông luôn xin Thượng đế ban phép lành cho thân thế địa vị ông và gia đình ông được vững như bàn thạch, ông có ngờ đâu “phép lạ không đến hai lần”, ông có ngờ đâu Thượng đế chí công vô tư như Thánh Kinh đã dạy: "Ai gieo gió thì gặt bão".

Huỳnh Văn Cao, vị tướng “con nuôi” của ông Diệm còn có ba sư đoàn trong tay, còn có cả một giang sơn rộng lớn gồm vùng Tiền Giang, Hậu Giang thế mà chỉ mới nửa đêm 1-11-63 đã vội đầu hàng Cách mạng, thề nguyền trung thành với Hội đồng Cách mạng thì hỏi còn ai dám có ý đồ cứu ông Diệm nữa. Tuy vậy, khi tiếng súng đảo chính mới bắt đầu nổ, anh em ông Diệm tưởng rằng chỉ có một nhóm quân nhân nổi lên phản loạn, và ông tưởng có thể tái diễn được trò "gọi quân trung thành về cứu giá" như ba năm về trước (11-11-60) do đó ông đã đối đáp cứng rắn với Đại sứ Cabot Logde như sau:

Diệm: Một nhóm binh sĩ phản loạn đã khởi sự đảo chính, vậy thái độ của chính phủ Hoa kỳ như thế nào?

Logde: Bây giờ là 4 giờ 30 sáng tại Washington, tôi không thể tham khảo ý kiến của chính phủ tôi vào lúc này. Tôi lấy làm lo ngại cho an ninh cá nhân của Tổng thống... Tôi muốn trình bày với Tổng thống về thiện chí của chính phủ Hoa kỳ là Tổng thống có thể đến ẩn trú tại tư dinh của tôi. Tôi có thể thu xếp để Tổng thống có thể ra khỏi nước. Các vị tướng lĩnh đã hứa với tôi là họ sẽ thoả mãn như vậy.

Diệm: Tôi sẽ hành xử theo trách nhiệm và lương tri của tôi, tôi sẽ cố gắng lập lại trật tự.

Nếu tại Sài gòn ông Diệm chủ quan không nắm vững tình hình thì tại Mỹ, bà Nhu cũng chủ quan vì kiêu căng. Chiều 1-11-63, khi cuộc Cách mạng tại Sài gòn đang trên đà thắng lợi thì tại Los Angeles, trong một cuộc phỏng vấn của báo chí, bà Nhu vẫn quyết liệt cho rằng cuộc đảo chính không bao giờ thành công, bà ta nhấn mạnh ba lần "never, never, never". Nói chuyện với Đại sứ Cabot Logde xong, hai ông Diệm-Nhu bắt đầu xuống hầm, một pháo đài dưới đất với đầy đủ tiện nghi và được trang bị đầy đủ máy móc truyền tin viễn liên cực mạnh để có thể liên lạc được với các tỉnh. Cái hầm xi măng cốt sắt đủ sức chống nổi bom 500 cân Anh này được xây cất dưới sân dinh Gia Long sau vụ hai phi công Quốc, Cử ném bom dinh Độc lập vào tháng Hai năm 1962.

Nhưng nếu Vạn lý trường thành đã không bảo vệ được dòng họ Tần Thuỷ Hoàng thì cái hầm dinh Gia Long làm sao có thể chống chọi nổi lòng căm phẫn tột độ của quân nhân miền Nam Việt nam. Cho nên khi đã an toàn trong hầm kín rồi, và sau khi nói chuyện với tướng Đôn vào khoảng ba giờ chiều ngày 1-11, anh em ông Diệm mới đối diện với sự cô đơn và sự thật để bắt đầu khiếp sợ. Ông không ngờ toàn thể quân đội đã đoàn kết và hợp tác với tướng lĩnh để lật đổ chế độ. Ông bèn dịu ngọt gọi tướng Đôn để mời các tướng lĩnh đến dinh Gia Long bàn chuyện dàn xếp, ông cũng hứa với tướng Đôn là sẽ thoả mãn mọi nguyện vọng của tướng lĩnh. Nhưng kinh nghiệm với cái "bất thành tín" của nhà nho Ngô Đình Diệm, kinh nghiệm trung tá Vương Văn Đông đã bị ông Diệm lừa năm 1960, đời nào cấp lãnh đạo Cách mạng 1-11-63 còn mắc mưu ông Diệm, huống gì lập trường của tướng lĩnh là nhất định đi đến thành công, không chịu thương thuyết. Tướng Đôn nhắc lại cho ông Diệm nhớ rằng đã bao lần các tướng lĩnh trình bày với ông về tình hình nguy ngập của đất nước chỉ để yêu cầu ông thay đổi chính sách mà ông vẫn không nghe. Nay thì chỉ còn sự đầu hàng vô điều kiện, và chỉ để cho ông ra đi an toàn mà thôi. Sau đó tướng Đôn cho soạn hai cái giường tại Bộ Tổng tham mưu và vận động một chiếc phi cơ của Hoa kỳ để anh em ông Diệm xuất ngoại.

Trước thái độ cương quyết của tướng Đôn, và trong cảnh cô đơn, hai ông Diệm - Nhu mới thấy mọi tính toán đều hoàn toàn sụp đổ. Nhìn quanh chỉ thấy Cao Xuân Vỹ là ở kề, còn tất cả nhân viên và cán bộ đều xa lánh hết nên hai anh em ông Diệm - Nhu lợi dụng dinh Gia Long chưa bị bao vây bèn ra đi về phía Chợ Lớn trú ẩn tại nhà Hoa kiều Mã Tuyên, người bạn thân từng lo kinh tài cho Ngô Đình Nhu.

Vào khoảng 10 giờ đêm, ông Diệm từ nhà Mã Tuyên gọi điện thoại về Tổng tham mưu thì được tướng Dương Văn Minh trả lời. Lúc này thì ông Diệm đã hết giọng uy quyền, ông bằng lòng ra đi chỉ với một điều kiện là được vinh dự tiễn đưa theo nghi lễ quân cách. Tướng Minh lợi dụng cơ hội đó nặng nề lên án chế độ của Diệm là độc tài, gia đình trị, tham nhũng, thối nát làm cho quê hương nguy biến, dân chúng điêu linh, và quân đội thất trận trước lực lượng Việt cộng ngày càng thắng lợi, rồi ông Minh bác bỏ lời yêu cầu của ông Diệm, chỉ bằng lòng cho ông âm thầm ra đi mà thôi. Có lẽ vì tướng Minh đã dùng những lời lẽ nặng nề nên ông Diệm tức giận trách móc tướng Minh và có lẽ vì thế mà sáng mồng 2, tướng Minh đã thay đổi thái độ không còn khoan dung với ông Diệm nữa.

Sáng mồng 2, vào khoảng 7 giờ, toàn thể tướng tá vẫn còn ngồi trong văn phòng tướng Khiêm, tôi đang ngồi trước mặt tướng Khiêm tại bàn giấy ông ta, bỗng điện thoại reo lên, tôi liền nhắc máy nghe thì đằng kia là tiếng của Đỗ Thọ, cháu tôi:

- Thưa chú, Cụ và ông cố vấn hiện ở nhà thờ Cha Tam, Cụ bằng lòng ra đi, vậy xin tướng lĩnh cho xe xuống đón Cụ về Bộ Tổng tham mưu.

Tôi trả lời Thọ:

- Được rồi, nhưng chú không có thẩm quyền, để chú trao máy lại cho tướng Khiêm trả lời - rồi tôi chuyển máy lại cho tướng Khiêm.

Tướng Khiêm nói với Thọ:

- Được rồi, sẽ có xe xuống đón Cụ về đây. - Nói xong tướng Khiêm trình lại cho tướng Minh biết.

Sau đó, vì suốt đêm thức trắng để phối hợp các tiến triển của các lực lượng cách mạng, tôi và tướng Khiêm vòng tay ngồi ngủ tại bàn của tướng Khiêm. Chúng tôi ngủ say đến độ toàn thể tướng lĩnh rời hết khỏi phòng khi nào cũng không biết, mãi cho đến khi chuông điện thoại reo vang, hai chúng tôi mới giật mình thức dậy. Khiêm bèn bảo tôi: "Anh em giải tán đâu rồi, Mậu chạy tìm xem". Tôi bèn qua phòng tướng Lê Văn Tỵ nơi mà suốt đêm tướng Minh dùng làm phòng riêng, cũng không thấy ai nên kéo màn cửa chính thì thấy toàn thể tướng lĩnh đều có mặt ngoài bao lơn. Tôi mở hẳn cửa trước ra thấy mọi người đều im lặng trầm tư, trong lúc cuối bao lơn tướng Dương Văn Minh, tướng Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân và đại tá Dương Ngọc Lắm còn đang thì thầm bàn tán. Bên cạnh tướng Minh, thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa, một đảng viên Đại Việt, cầm súng M16 đứng đó như có ý bảo vệ cho tướng Minh. Thấy không khí có vẻ nghiêm trọng, tôi vội hỏi ngay: "Các anh làm gì đứng đây có vẻ bí mật thế”, tướng Trần Văn Minh (Minh nhỏ) đứng gần đấy trả lời rất nhỏ: “Anh em đang bàn định cách đối xử với ông Diệm, nên giết hay nên cho ông ta xuất ngoại". Tôi vội nói to cho mọi người cùng nghe: "Tôi không đồng ý việc giết ông Diệm, lúc còn trong vòng bí mật, tôi đã nói với Trung tướng Đôn là phải để cho ông Diệm ra đi, Trung tướng Đôn đã đồng ý rồi”. Tôi vừa nói xong thì tướng Nguyễn Ngọc Lễ, một vị tướng nổi tiếng khoan hoà, đạo đức nhất trong hàng tướng lĩnh quay về phía tôi và cũng nói to lên: "Xin anh em đừng nghe lời anh Mậu, đã nhổ cỏ thì phải nhổ cho tận rễ". Tôi chợt nhớ trong đêm trước đó đã có người kể cho tôi nghe rằng tướng Phạm Xuân Chiểu cũng đã nói câu như vậy. Thấy không ai phản đối tướng Lễ mà có vẻ im lặng đồng ý, tôi bực mình bèn nói thêm: "Việc tha hay giết ông Diệm là hành động lịch sử, vậy muốn tha hay giết ông ta, tôi đề nghị phải lấy quyết định tối hậu qua một cuộc bỏ phiếu kín, phải ghi vào biên bản đàng hoàng". Tất cả mọi người lại im lặng không có ai tỏ ra tán đồng ý kiến của tôi. Còn tướng Dương Văn Minh thì nhún vai tỏ thái độ bất mãn với tôi. Tôi bực tức giơ tay cao lên và nói: "Nếu không ai đồng ý với tôi thì tôi tuyên bố không dính líu gì đến việc này, các anh phải chịu lấy trách nhiệm trước lịch sử". Rồi tôi kéo trung tá Nguyễn Văn Thiện (chỉ huy trưởng Thiết giáp) và trung tá Lê Nguyên Khang (hiện ở Los Angeles) ra khỏi nơi tụ họp để đi quan sát tình hình tại trung tâm Sài gòn. Sau đó tướng Minh ra lệnh cho tướng Mai Hữu Xuân, đại tá Dương Ngọc Lắm, thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa và đại uý Nguyễn Văn Nhung đi đón hai ông Diệm - Nhu tại nhà thờ Cha Tam.

Rời Bộ Tổng tham mưu trên đường trở về trung tâm thủ đô, tôi gặp nhiều đoàn biểu tình của thanh niên và sinh viên phất cờ và giơ cao biểu ngữ: "Hoan hô cách mạng thành công", "Đả đảo độc tài Ngô Đình Diệm", và "Hoan hô quân đội”. Trong các đoàn biểu tình có một đoàn rất đông người do luật sư Nguyễn Tường Bá (hiện ở San Jose) cầm đầu có mang theo cờ Việt nam Quốc Dân Đảng. Gần góc đường Hồng Thập Tự - Trần Quý Cáp một đoàn biểu tình khác của sinh viên chặn xe tôi lại rồi mời tôi ra khỏi xe, bồng tôi lên cao và hô to khẩu hiệu mừng chiến thắng và ca ngợi tôi là một chiến sĩ anh hùng.

Về đến dinh Gia Long, tôi thấy rất đông dân chúng vây quanh Dinh tràn ngập cả mấy con đường và công viên trước mặt. Họ reo hò ầm ĩ và chuyện trò vui vẻ với binh sĩ Thuỷ quân lục chiến đang chiếm đóng ngôi dinh thự mà từ ngày 27-2-1962 đã tượng trưng cho uy quyền bất khả xâm phạm của chế độ Ngô Đình Diệm. Rời dinh Gia Long để về nhà, khi đi qua góc đường Gia Long - Hai bà Trưng, tóm lại gặp một đoàn sinh viên khác mà phần lớn thuộc Đại học Văn khoa. Sau khi đập phá bức tượng Hai bà Trưng do bà Nhu dựng lên ở công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng, họ náo nhiệt kéo hai cái đầu bằng đá mà họ bảo là của hai mẹ con "mệ Nhu". Những sinh viên dẫn đầu đoàn biểu tình tuyên bố sẽ kéo hai cái đầu “mẹ con mệ Nhu” này đi khắp đường phố Sài gòn cho dân chúng tự do chửi bới sỉ vả.

Đi đến đâu tôi cũng thấy dân chúng già trẻ, lớn bé, trai gái tràn ra khắp các nẻo đường và nét vui mừng, niềm hân hoan và mỗi xúc động hiện rõ trên từng tiếng cười từng câu nói.

Tôi về nhà nằm xuống cố chợp mắt để bù lại một đêm thức trắng căng thẳng hôm qua nhưng vẫn không ngủ được vì những hình ảnh sống động và hân hoan của dân chúng Sài gòn. Bốn giờ chiều tôi quyết định trở lại Bộ Tổng tham mưu. Khi xe ngừng trước công thự chính, tôi thấy một chiếc thiết vận xa đậu xéo trên sân cỏ, cửa sau mở toang, tôi hối hả bước đến gần thấy xác hai ông Diệm - Nhu nằm giữa sàn xe.

Nhìn thi thể ông Diệm tôi sững sờ và không tin đó là sự thật, đó là kết quả của quyết định sáng hôm nay của các tướng lĩnh sau khi tôi, Thiện và Khang bỏ về. Tôi đứng yên rưng rưng nước mắt rồi đưa tay chào vĩnh biệt người lãnh tụ đã cùng tôi kết ước từ hơn hai mươi năm về trước. Càng thương ông Diệm tôi càng căm giận bè lũ Cần lao và những người anh em ruột thịt của ông vì chính họ đã làm cho ông và tôi tan vỡ mộng ban đầu.

Trở lại văn phòng của tướng Khiêm, khi đi ngang văn phòng nhốt Lê Quang Tung và em là Lê Quang Triệu tối hôm qua, tôi chỉ còn thấy một mình Đỗ Thọ đang bị giam tại đó nên bảo viên trung sĩ quân cảnh để cho Thọ tự do ra về. Khiêm và tôi đang ngồi kiểm điểm tình hình thì có điện báo cho biết bác sĩ Trần Kim Tuyến đã từ Hông Kông về và hiện đang đợi ở phi trường Tân Sơn Nhất. Khiêm liền bảo Thiếu uý Nguyễn Bá Quang lấy xe đi đón.

Bác sĩ Tuyến tuy nhận lệnh lên đường đến nhiệm sở mới là Ai Cập nhưng ông chỉ đến Bangkok thì ngưng lại đợi ngày đảo chính vì ông vẫn tưởng kế hoạch chọn ngày Quốc Khánh (26-10-1963). Sau đó không tiện chỗ ở Bangkok ông bèn bay qua Hòng Kông và sau khi đích xác biết chắc chế độ Diệm đã hoàn toàn sụp đổ, ngày 2 tháng 11 ông trở về Sài gòn. Vừa gặp chúng tôi, chưa kịp chào hỏi, ông đã nói ngay "Thật là định mệnh”. Định mệnh nào đã an bài cuộc đời của ông Diệm để cho những năm cuối cùng của chính cuộc đời đó các anh em ông đã hành xử như những tên bạo chúa, múa may theo những hệ luỵ bất nhân. Định mệnh nào đã thôi thúc anh em ông xuống tay hạ độc thủ với ân nhân, với bạn bè, với cả những cộng sự viên thân tín. Định mệnh nào đã đẩy ông Diệm lên làm nguyên thủ quốc gia với quyền hành tuyệt đối để anh em ông tiến hành những chính sách tác hại không phải cho một người mà cho cả một dân tộc. Và định mệnh nào đã oan nghiệt đẩy anh em ông bước sâu vào vũng bùn tội lỗi khi dùng bạo lực để huỷ diệt một tôn giáo chỉ biết có tình thương. Nếu đứng trên sử quan Thiên chúa giáo thì định mệnh đó được hiểu là ý Chúa, và cái chết của ông Diệm là kết quả chung quyết của những từ khước các dịp thử thách mà trước đó Chúa đã cho ông. Ý Chúa đã muốn thế nên kết quả phải là là thế. Cát bụi lại trở về cát bụi.

Giáo lý Phật giáo nhìn cái chết của riêng ông Diệm một cách khác.

Cái chết thê thảm và tủi nhục đó chỉ là kết quả tổng hợp của những nhân duyên và nghiệp chướng triền miên một phần tử nhiều kiếp nhưng đặc biệt là do trong kiếp này gây ra. Những cộng nghiệp và trợ duyên tác động chung quanh chỉ làm sâu sắc hơn bản chất những việc làm của ông trong đời này mà thôi. Ông đã tự do làm chủ đời ông thì ông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hệ quả của nó. Nhưng cũng trong ánh sáng của giáo lý đạo Phật thì chết là giải thoát, chết là trở về với sự bất thường hằng. Thân xác vốn được cấu tạo bởi những tế bào vô ngã và vô thường, chỉ một hơi thở mong manh là trở thành "nhất điểm hồng trần”.

Do đó cái chết của ông Diệm trong quan điểm Phật giáo dù gọi ông là Tổng thống hay là bạo chúa, xem ông là "lãnh tụ anh minh" hay "tội đồ dân tộc”, cũng có giá trị như cái chết của bất kỳ một người bình thường khác mà thôi. Có khác chăng là trong chiều dài lịch sử và trong chiều rộng nhân thế, ông đã để lại tủi nhục và đau buồn cho một số người nào đó trong một khoảng thời gian nào đó.

Riêng đối với tôi, tuy cái chết của ông Diệm lúc bấy giờ có làm bàng hoàng và đem lại cho tôi một mối suy tư sâu đậm, nhưng cuộc cách mạng thành công lại đã cho tôi một niềm vinh dự vô cùng lớn lao.

Tôi đã hiến thân cho một chí sĩ Ngô Đình Diệm nhưng tôi đã không chịu làm kẻ ngu trung cho một Ngô Đình Diệm phản bội quê hương giống nòi.

Lật đổ chế độ như chế độ công an trị Ngô Đình Diệm không phải là chuyện dễ dàng. Chế độ Diệm với bộ máy mật vụ và đảng viên Cần lao mà lòng trung thành tuy chỉ được xây dựng trên đặc quyền đặc lợi bạo quản bạo trị, nhưng lại nhiệt tình làm tai mắt cho chính quyền khắp hầu hết đơn vị quân đội, hầu hết cơ quan công quyền, hầu hết bộ phận sinh hoạt của xã hội, nhất là khi bị dồn vào thế cùng. Nếu chỉ nhìn khía cạnh thuần tuý khoa học tổ chức và so sánh tương quan lực lượng mà trong đó yếu tố bảo mật là quan trọng nhất thì trong suốt thời kỳ vận động và tổ chức ngày cách mạng, hai ông Nhu - Diệm đã nắm phần ưu thế tuyệt đối

Họ có năm cơ quan an ninh tình báo là bốn nổi và một chìm: Nổi là Công an Cảnh sát, An ninh quân đội, Lực lượng đặc biệt và Sở nghiên cứu chính trị, còn chìm là hệ thống Đảng viên Cần lao và các bộ phận mật vụ tình báo phụ thuộc. Tất cả như thiên la địa võng, như tai vách mạch rừng bao vây lấy các nhân sự và hoạt động chống đối. Họ có Ngô Đình Nhu tuy bất lực trong việc quản trị quốc gia nhưng lại xuất sắc trong các âm mưu và thủ đoạn tiêu diệt đối lập, nhất là bản chất vốn lạnh lùng và tàn ác không một chút do dự. Họ lại có những cấp thuộc hạ thi hành mệnh lệnh, muốn tiêu xài bao nhiêu cũng được.

Trong khi đó thì lực lượng đảo chính chỉ là một sự phối hợp của nhiều tổ chức và đoàn thể phức tạp tuy cùng chí hướng và mục tiêu nhưng lại thiếu sự đồng nhất về nhân sự và thống nhất về kế hoạch. Họ còn phải làm việc trong một tinh thần cảnh giác quá độ vì sợ nội tuyến của chính quyền và vì bị trói buộc trong tính chất bất hợp pháp nguy hiểm của công tác. Thế mà đảo chính vẫn thành công.

Sự thành công đó rõ ràng là không phải nhờ tổ chức giỏi hay lực lượng mạnh hơn mà thật sự chỉ nhờ ba yếu tố: thứ nhất là sự đồng tâm nhất trí của tất cả mọi tổ chức hay cá nhân tham gia lực lượng cách mạng, thứ hai là sự yểm trợ trực tiếp hay gián tiếp, tích cực hay tiêu cực của toàn quân, toàn dân mà ước nguyện chung lật đổ chế độ độc tài là ước nguyện cao nhất và lớn nhất; và thứ ba là đầu óc chủ quan, tinh thần thiếu thực tế và bản chất cao ngạo của Ngô Đình Nhu, người chủ trương một kế hoạch đảo chính giả để tiêu diệt cuộc "đảo chính” thật. Nhưng bao trùm lên trên những yếu tố thuận lợi đó dĩ nhiên là nhờ cuộc cách mạng đó đã được phát động hợp lòng dân, hợp thời đại và hợp với truyền thống cách mạng. Và đó mới là điều đáng kể nhất.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, vào khoảng 11 giờ sáng (hai giờ trước khi tiếng súng cách mạng bắt đầu nổ). Đôn báo cho Conein đến Bộ Tổng tham mưu để làm liên lạc viên giữa lực lượng cách mạng và các cơ quan Quân - Dân - Chính của Hoa kỳ tại Việt nam nếu cần. Conein bèn mặc quân phục, mang theo một khẩu 375 Magllum và một gói tiền độ 3 triệu đồng Việt nam rồi đến Bộ Tổng tham mưu.

Cũng cần phải nói rõ rằng số tiền ba triệu đồng Việt nam do Conein mang đến đã không được một tướng lĩnh nào hay biết trừ tướng Đôn. Tướng Đôn không bao giờ trình bày cho Hội đồng tướng lĩnh biết có nhận số tiền đó của Conein hay không, và nếu có thì đã sử dụng vào việc gì/ Ký giả Karnow trong "Vietnam: a history" trình bày rõ ràng trưa 1-11-1963, Conein khi tới Bộ Tổng tham mưu gặp tướng Đôn đã mang theo một số tiền ba triệu đồng Việt nam để “quân nổi dậy sử dụng nếu cần” (in case the insurgents needed funds). Ta thấy rằng cuộc cách mạng thành công là nhờ đáp ứng đúng nguyện vọng của toàn dân, nhờ quyết tâm nhất trí của quấn đội, và nhờ kế hoạch tổ chức tinh vi chứ đâu có nhờ, huống gì khi Conein mang tiền đến Bộ Tổng tham mưu thì giờ phát động cách mạng sắp điểm, quân đội còn cần tiền làm gì nữa. Ước mong rằng tướng Trần Văn Đôn giải toả nghi vấn nhỏ này để quân đội dưới quyền ông lúc bấy giờ khỏi mang tiếng và để sự trong sáng của cách mạng khỏi mang một tỳ vết nào. (Tướng Đôn đã không đề cập đến số tiền này trong Hồi ký của ông ta).

Như vậy kể từ ngày 5 tháng 10, khi tướng Minh chính thức tiếp xúc vôi Conein để trình bày quan điểm và quyết định của lực lượng cách mạng cho đến ngày 1 tháng 11 năm 1963 khi tiếng súng cách mạng bùng nổ, trong không đầy một tháng ngắn ngủi nhưng sôi động đó quả thật đã có những liên lạc giữa lực lượng cách mạng và chính quyền Mỹ (qua trung gian không phải chỉ Conein mà còn Đại sứ Logde nữa). Sự liên lạc đó tuy chỉ có tính cách mạng thông tin nhưng bản chất thật sự của nó là bản chất của một cuộc đấu tranh chính trị quốc gia. Thật vậy, không cần sau này phải viện dẫn vào nội dung hai bức công điện của Thứ trưởng Ngoại giao Rogers Hillman (ngày 24 tháng 8) và của Đại sứ Logde (ngày 29 tháng 8) lúc bấy giờ, tại Việt nam ai cũng biết đa số nhân vật trong chính quyền Hoa kỳ muốn nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị xã hội tại Việt nam mà cụ thể và bắt đầu là ông Diệm phải dứt khoát loại trừ ảnh hưởng của những người anh em khỏi chính quyền.

Tuy nhiên, ước muốn đó vẫn chưa hoàn toàn phản ảnh trung thực chính sách của Hoa kỳ vì vẫn còn nhiều người Mỹ khác tiếp tục ủng hộ ông Diệm (Phó tổng thống Johnson, Mac Namara, Giám đốc CIA Colby, Paul Harkins, Richardson, Nolting) đến nỗi Tổng thống Kennedy phải than “Lạy Chúa, chính phủ của tôi đang bị tan ra từng mảnh” (My God, my government is coming apart) và ngay cả bức công điện của Rogers Hillman cũng không được Tổng thống Kennedy hay Ngoại trưởng Dan Rusk duyệt xét trước vì hai ông này lúc bấy giờ không có mặt tại Washington. Chẳng những thế, trước những tin đồn và những dấu hiệu về rất nhiều cuộc đảo chính tại Sài gòn cũng như để chặn đứng những diễn dịch sai lầm về bức công điện vượt quyền của Hillman, ngày 30 tháng 8, Tổng thống Kennedy đã đánh một điện tín khẩn cấp cho ông Lodge để “huỷ bỏ cái điện tín ngày 24/8 và 29/8 ngay tại Hoa kỳ. Sự huỷ bỏ đó đã vô hiệu hoá những lời lên án chính quyền Kennedy về hành động cho phép, ghi nhận hay khuyến khích một cuộc chính biến tại Nam Việt nam”. Trước thái độ thiếu cương quyết và chưa rõ ràng như thế, các tướng lĩnh vốn đã tổ chức cuộc chính biến từ mấy tháng trước đó, nay quyết định chính thức thông báo cho chính quyền Hoa kỳ về sự hiện diện và về quyết định lật đổ chế độ của quân đội. Đó là một "nước cờ" ngoại giao ngoạn mục nhằm 2 mục tiêu: thứ nhất là Hoa kỳ ra khỏi thế liên minh bất đắc dĩ với ông Diệm một cách dứt khoát và vĩnh viễn và thứ hai là tạo một liên hệ tốt đẹp ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho một tương quan đồng minh cần thiết sau cuộc chính biến.

Và mục tiêu thứ hai này mới là mục tiêu quan trọng.

Vì dù chính quyền Kennedy có đồng ý hay không, có phá hoại hay không, thì lực lượng cách mạng cũng đã được tổ chức rồi và cũng đã được cuốn hút vào cao trào chống đối chế độ của toàn dân. Riêng các tướng lĩnh như Minh, Đôn, Kim, Đính, Khiêm, họ ở vào cái thế không thể lùi được nữa, các bộ phận khác của quân đội do những sĩ quan cấp tá tổ chức sẽ tiến hành cuộc cách mạng, dù có hay không có họ? Do đó, khi liên lạc với Toà đại sứ Hoa kỳ, mà qua đó đánh dội về Washington, mục tiêu chính là vẫn duy trì được giao hảo tốt đẹp giữa 2 nước để Hoa kỳ không những sẽ giúp miền Nam hồi phục lại được sức mạnh mà còn yểm trợ miền Nam dồi dào hơn cho một cuộc thư hùng Quốc cộng chắc chắn sẽ khốc liệt hơn sau này.

Làm một cuộc chính biến để lật đổ một chế độ là việc khó nhưng vẫn không khó bằng sau cuộc chính biến đó đất nước sẽ mạnh hơn. Cho nên "nước cờ" ngoại giao đó của các tướng lĩnh là một hành động chính trị khôn ngoan và cần thiết để đảm bảo cho đất nước sẽ mạnh hơn sau này mà thôi. (Tiếng rằng nếu họ đã thành công trong lãnh vực duy trì được một mối giao hảo tốt với đồng minh Hoa kỳ thì ở những lãnh vực khác họ đã thết bại và tạo ra một chuỗi dài những xáo trộn mà tôi sẽ đê cập ở chương tiếp theo). Quy luật chính trị và những đòi hỏi của tình thế rõ ràng như thế, nhưng vẫn có những kẻ cho rằng nếu Mỹ không "bật đèn xanh" thì quân đội và nhân dân miền Nam không đủ sức và không dám làm cuộc cách mạng lật đổ chế độ Diệm, thứ hai là họ cho rằng chính chính quyền Kennedy là kẻ chủ xướng và điều động cuộc cách mạng 1-11-63.