Hồi Ký Lý Quang Diệu - Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

Chương 14: Chỉ Huy Một Dàn Nhạc

Các bộ trưởng của tôi và tôi đã duy trì tình bạn và tình đồng chí trong ba bốn mươi năm qua. Một số người trong chúng tôi đã gần gũi nhau kể từ khi chúng tôi còn là sinh viên, gặp nhau ở Anh để thảo luận về tương lai của Malaya và Singapore, sau đó trở về nước và đã làm việc với nhau nhằm tập hợp sự ủng hộ của quần chúng trong các công đoàn và trong Đảng Hành động Nhân dân (PAP). Tinh thần dấn thân vì sự nghiệp chung và sự gắn bó giữa chúng tôi với nhau khá sâu sắc. Chúng tôi đã có những niềm tin chính trị vững chắc, nếu không chúng tôi đã không đánh liều chấp nhận thách thức cả từ người Anh và những người cộng sản cùng một lúc, và sau đó là từ Malay Ultras. Sợi dây liên kết mạnh nhất đã gắn bó chúng tôi được rèn đúc trong suốt những cuộc tranh đấu ban đầu mà có lúc tưởng chừng chúng tôi sẽ bị quét sạch bởi các thế lực quá mạnh. Những bất đồng về chính sách được giữ kín trong nội các cho đến khi chúng tôi đã giải quyết xong và đã đạt được một sự nhất trí. Sau đó chúng tôi đưa ra một đường lối rõ ràng mà người dân có thể hiểu và chấp nhận. Một khi nội các đã có quyết định, chúng tôi chỉ có tuân thủ quyết định đó.

Chúng tôi đã biết những điểm mạnh và điểm yếu của nhau và đã phối hợp công việc một cách tốt đẹp như một đội ngũ. Khi các bộ trưởng kỳ cựu đã đồng ý, những vị còn lại trong nội các thường sẽ tán thành. Tôi đã có một mối quan hệ thoải mái với các đồng nghiệp của mình. Tôi đã bỏ được vào cặp của họ những quan điểm của tôi về các vấn đề (ý nói làm cho họ quán triệt và giữ bí mật – ND) mà không làm họ mếch lòng. Vào cuối nhiệm kỳ, họ biết rằng tôi sẽ phải đứng trước cử tri để thuyết phục cử tri trao sứ mệnh cho chúng tôi thêm một nhiệm kỳ nữa và tôi cần có lý lẽ có tính thuyết phục để trình bày.

Việc lãnh đạo một chính phủ không khác với việc chỉ huy một dàn nhạc. Không một vị thủ tướng nào có thể đạt được nhiều thành tựu nếu không có một đội ngũ có năng lực. Mặc dù bản thân ông ta không cần phải là một nhạc công tài ba, nhưng ông ta phải có đủ hiểu biết về những nhạc cụ chính từ cây vĩ cầm đến cây đàn viôlôngxen đến cây kèn co Pháp và cây sáo, nếu không, ông ta sẽ không biết ông ta có thể mong đợi những gì từ mỗi nhạc cụ. Cách của tôi là bổ nhiệm người giỏi nhất trong số những người tôi có phụ trách bộ quan trọng nhất trong thời gian đó, thường là bộ tài chính, trừ khi quốc phòng trở nên khẩn cấp như khi mới độc lập. Người đó là Goh Keng Swee. Người giỏi hàng thứ hai sẽ nhận bộ quan trọng kế tiếp. Tôi thường nói cho bộ trưởng biết những gì tôi muốn ông ta đạt được, rồi cứ để ông ta xúc tiến công việc; cách đó gọi là quản lý bằng mục tiêu. Cách làm này đặc biệt hiệu quả khi bộ trưởng là người tháo vát và có thể linh hoạt khi đối mặt với những vấn đề mới và bất ngờ. Sự tham gia của tôi với các bộ chỉ liên quan đến những vấn đề về chính sách.

Đối với nội bộ các bộ cũng vậy, tôi phải có đủ hiểu biết về công việc của họ để thỉnh thoảng can thiệp vào các vấn đề mà tôi nghĩ là quan trọng – một hãng hàng không còn non nớt, sự mở rộng sân bay, sự ách tắc giao thông, việc giải tỏa các khu đất công cộng, việc nâng cao trình độ học vấn của những người Malay, luật pháp và kỷ cương. Một số can thiệp là rất quan trọng, và công việc có thể đã hỏng nếu tôi không can thiệp. Sau cùng, trách nhiệm về sự thất bại của nhà nước thuộc về Thủ tướng.

HÃNG HÀNG KHÔNG SINGAPORE TẠI SÂN BAY CHANGI

Chúng tôi phải nuôi dưỡng bất kỳ công ty nào hứa hẹn sự tăng trưởng và tạo ra việc làm. Tôi nghĩ rằng người Malay muốn giải thể hãng hàng không liên doanh giữa Malaysia với Singapore mang tên Hãng Hàng không Malaysia – Singapore (MSA). Vào tháng 9/1968, Tunku đã nói với báo chí rằng ông ta không hài lòng về việc Singapore giữ lại tất cả ngoại tệ thu được từ MSA, về sự thất bại trong việc xây dựng các công trình kỹ thuật và tiện ích ở Kuala Lumpur, và về việc người Singapore chiếm ưu thế so với người Malaysia trong điều hành.

Tôi đã trả lời qua báo chí rằng hiệp định giữa hai chính phủ đã thỏa thuận một cách cụ thể rằng hãng hàng không phải hoạt động “trên cơ sở các nguyên tắc thương mại đúng đắn”, rằng ngoại tệ thu được sẽ phân phối theo lợi nhuận tương xứng với số cổ phần của mỗi bên và rằng số nhân viên người Singapore vượt trội trong ban điều hành phản ánh nguồn gốc của công ty, cụ thể là Singapore. Mối tranh chấp thật sự là về việc chúng tôi không đồng ý có những chuyến bay đến Malaysia, vì không kinh tế trừ phi phía Malaysia gánh chịu thua lỗ.

Cuộc cãi vã công khai xảy ra vào một thời điểm quan trọng: cam kết của Anh bảo vệ Malaysia sắp hết hạn, mà các lập trường của Úc và New Zealand vẫn chưa dứt khoát. Ghazali Shafie đã viết cho tôi về vụ tranh chấp này. Ông ta là một bộ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Malaysia, có tính khoa trương nhưng có năng lực. Ông ta có quan hệ tốt với Tunku và Razak và đã giúp đỡ giải quyết được nhiều khó khăn khi tôi đàm phán về liên doanh này. Tôi trả lời rằng vấn đề hàng không tự nó không quan trọng đến thế. Nhưng nếu chúng tôi tiếp tục tranh cãi thì sẽ gây nguy hiểm cho nền an ninh của chúng tôi vì chỉ còn 12 đến 24 tháng nữa là Anh, Úc và New Zealand sẽ quyết định lập trường về quốc phòng của họ sau năm 1971. Tôi đề nghị rằng ông ta giúp hối thúc hai chính phủ hãy có một cách tiếp cận mới, một sự thỏa hiệp êm thắm và hợp lý. Điều đó sẽ khuyến khích Anh, Úc và New Zealand tiếp tục một số cam kết sau năm 1971. Ghazali đã giúp làm dịu các cuộc đấu khẩu công khai. Hãng hàng không MSA tiếp tục hoạt động với một vị chủ tịch mới được cả hai bên chấp nhận. Nhưng rõ ràng là Tunku muốn tách khỏi MSA và có hãng hàng không riêng để bay đến thủ phủ các bang của họ. Vì vậy tôi đồng ý giúp họ xây dựng các phân xưởng tại sân bay Kuala Lumpur và huấn luyện các công nhân của họ sửa chữa máy bay Folker Friendship, loại máy bay dùng cho các tuyến bay nội địa.

Tôi quan tâm trực tiếp đến MSA. Tôi biết người Malaysia muốn bỏ qua Singapore ở bất cứ nơi nào mà họ có thể bỏ qua sau sự tan rã của hãng hàng không liên doanh này. Chỉ với sân bay Quốc tế Paya Lebar và ba phi trường của không quân Hoàng gia Anh ở Changi, Tengah và Seletar trên đảo quốc nhỏ bé của chúng tôi thì chúng tôi chẳng biết bay đi đâu trừ cách mở đường bay quốc tế. Trước đó tôi đã bảo lãnh đạo hãng xây dựng các tuyến bay quốc tế. Tôi thường xuyên gặp người của tôi tại MSA, Lim Ching Ben, sau này là trưởng phòng hành chính và dịch vụ khách hàng. Là một người đàn ông điềm tĩnh, đáng tin cậy, am hiểu về công nghiệp hàng không, ông ta đã được đề bạt làm giám đốc điều hành vào năm 1971. Ông ta cũng biết rằng Malaysia muốn cắt đứt quan hệ và không để cho chúng tôi bất kỳ chuyến bay nào đến Malaysia, ngoại trừ đến Kuala Lumpur. Ông ta đã làm việc tích cực để có được nhiều quyền hạ cánh trên các tuyến đường quốc tế có tiềm năng sinh lãi. Trong lúc chờ đợi, ông ấy phải giữ vững tinh thần của các phi công, công nhân và niềm tin của họ vào tương lai của một hãng hàng không có cơ sở tại Singapore và do Singapore sở hữu. Vị chủ tịch và giám đốc quản lý của công ty đã đối mặt với những áp lực liên tục từ cả người Malaysia và chúng tôi. Những áp lực đó chỉ chấm dứt khi hãng hàng không này tách ra vào tháng 10/1972 thành Hãng Hàng không Singapore (SIA) và Hệ thống Hàng không Malaysia (MAS). Chúng tôi đồng ý rằng MAS sẽ đảm trách tất cả những tuyến bay nội địa và SlA đảm trách tất cả các tuyến bay quốc tế.

Chúng tôi đã có quyền hạ cánh ở Hong Kong vào năm 1966, Tokyo và Sydney vào năm 1967, Jakarta và Bangkok vào năm 1968. Điểm đến quan trọng nhất là London nhưng người Anh đã do dự khi dành cho chúng tôi quyền hạ cánh. Vào tháng 8/1970, trước khi lên đường đi dự cuộc gặp cấp cao Phong trào Không liên kết ở Lusaka, tôi đã hỏi Ngiam Tong Dow, Bộ trưởng thường trực phụ trách vấn đề giao thông liên lạc về tình hình thương lượng với người Anh về quyền hạ cánh ở London. Khi ông ta nói rằng vấn đề này rất khó khăn, tôi bảo ông ta nên cho Tổng Thư ký công đoàn NUTC, Devan Nair, biết điều này. Trước đó tôi đã đồng ý với đề nghị của Devan rằng nếu những nhà thương lượng Anh vẫn gây khó khăn, ông ta sẽ cho công đoàn tập hợp tại sân bay để gây sức ép bằng cách lãn công trong việc bảo dưỡng máy bay Anh. Ngay khi công đoàn tiến hành lãn công đối với máy bav của hãng BOAC, cao ủy Anh, Arthur de la Mare, liền đến gặp tôi tại văn phòng của tôi. Tôi đề nghị ông ấy nên khuyên chính phủ của ông ta phải biết điều. Một hãng hàng không Anh có thể hạ cánh xuống Singapore mà một hãng hàng không Singapore lại bị từ chối quyền hạ cánh ở London. Trong vòng mấy tuần, chúng tôi đã đạt được quyền hạ cánh ở London, và đã bay trên một trong những tuyến đường chính của thế giới: London – Singapore – Sydney. Việc mở đường bay này đã cho phép Hãng hàng không Singapore trở thành hãng hàng không quốc tế. Edward Heath lúc đó là thủ tướng Anh lẽ ra có thể đã thực hiện điều đó dễ dàng hơn.

Tại một bữa ăn tối vào tháng 7/1972, với sự có mặt của tất cả các nhà lãnh đạo công đoàn và ban quản lý hàng không cao nhất lúc bấy giờ, trước khi mở ra Hãng hàng không Singapore SIA, tôi đã nói tình hình đòi hỏi hãng hàng không Singapore phải có khả năng cạnh tranh và tự hạch toán, nó sẽ phải đóng cửa nếu bị thua lỗ. Chúng ta không đủ chi phí để quản lý một hãng hàng không chỉ để mang cờ như những quốc gia khác đã làm. Ngay từ lúc đầu, ban quản lý và công đoàn đã hiểu rõ sự tồn tại của họ phụ thuộc vào lợi nhuận. Sự hợp tác giữa công đoàn và ban quản lý đã giúp Hãng hàng không Singapore thành công.

Nhờ thoát khỏi được những cuộc tranh cãi triền miên, SIA tập trung vào những tuyến bay quốc tế và mỗi một năm lại bay đến những vùng xa hơn. Đến năm 1996, nó đã có một trong những phi đội Boeing và Airbus lớn nhất và hiện đại nhất châu Á, đã bay đến hầu hết các lục địa. Nó là hãng hàng không thu nhiều lợi nhuận nhất châu Á, và so với quy mô của nó, đây là một trong những hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới.

Phần trọng yếu trong sự tăng trưởng của SIA là quyết định của tôi xây dựng sân bay Changi. Vào tháng 2/1972, nội các đã chấp nhận lời đề nghị của một nhà tư vấn hàng không Anh rằng chúng tôi nên xây dựng thêm một đường băng thứ hai tại Paya Lebar, có thể đưa vào hoạt động vào năm 1977 – 1978. Để thực hiện điều này sẽ phải đổi hướng sông Serangoon. Ở đây có những khó khăn về kỹ thuật công trình vì đất dưới đáy sông có thể không bảo đảm chịu tải, nhưng chi phí mua đất thấp nhất và chi phí tái định cư cũng ít nhất. Bản báo cáo bổ sung rằng sẽ không thể có hai đường băng sẵn sàng hoạt động vào năm 1977 nếu chúng ta chuyển từ Paya Lebar đến một sân bay mới tại căn cứ trước đây của Không lực Hoàng gia Anh ở Changi. Sau đó lại xảy ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào tháng 10/1973. Giá vé máy bay tăng vì xăng dầu tăng giá và tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại. Tôi yêu cầu đánh giá lại, lần này thì là các nhà tư vấn Mỹ. Họ khuyên chúng tôi giữ lịch trình đã vạch ra cho sân bay Paya Lebar. Tôi cảm thấy không vừa ý và muốn phương án chuyển đến Changi được xem xét lại.

Tôi đã đi máy bay đến sân bay Logan của Boston và đã bị ấn tượng bởi chấn động của càng máy bay hạ và cất cánh trên những đường băng được xây cất trên mặt nước. Một đường băng thứ hai tại Paya Lebar sẽ có máy bay lên xuống ngay tại trung tâm Singapore. Một ủy ban gồm các viên chức cấp cao đã nghiên cứu lại sự lựa chọn về việc xây dựng hai đường băng tại Changi vào năm 1977 và đề nghị chúng tôi tiếp tục với dự án đường băng thứ hai tại Paya Lebar. Nhưng một khi hai đường băng này được xây dựng, chúng tôi sẽ phải gánh chịu ô nhiễm tiếng ồn trong nhiều năm. Tôi muốn đánh giá kỹ lại lần nữa trước lúc từ bỏ dự án Changi, vì vậy tôi đã bổ nhiệm Howe Yoon Chong, giám đốc Cơ quan Cảng vụ Singapore, nổi danh là người quyết đoán, làm chủ tịch một ủy ban cấp cao.

Khi tôi đang ở Washington vào tháng 4/1975, tôi nhận được một bức thư từ Keng Swee; ông ta là Quyền Thủ tướng trong khi tôi đi vắng. Ủy ban tin rằng đường băng thứ nhất tại Changi có thể hoàn thành vào năm 1980 và đường băng thứ hai vào năm 1982, ngược lại đường băng thứ hai tại Paya Lebar chỉ có thể hoàn thành vào năm 1984 vì cần đổi hướng sông Serangoon và gia cố đất dưới lòng sông. Sài Gòn và Nam Việt Nam đã rơi vào tay những người cộng sản. Sự tăng trưởng ở Đông Nam Á có khả năng chậm lại. Nhưng ra quyết định dựa trên một kịch bản bi quan có thể sẽ mang lại bi quan. Tôi đã suy ngẫm vấn đề trong vài ngày. Chúng tôi sẽ phải chi một tỷ đôla Singapore cho sân bay mới tại Changi. Chúng tôi cần 400 triệu đôla Singapore nữa để mở rộng các tiện nghi xử lý vấn đề vận chuyển hàng hóa và phục vụ khách của sân bay Paya Lebar trong giai đoạn 1975 – 1982. Tôi đã gởi điện cho Keng bảo ông ta cứ tiến hành.

Đối với một sân bay với quy mô đó, thời gian xây dựng thường là 10 năm. Chúng tôi đã hoàn thành sân bay Changi trong 6 năm. Chúng tôi đã phá hủy hàng trăm tòa nhà, bốc chuyển hàng nghìn ngôi mộ, vét sạch các đầm lầy, lấp đất lấn biển. Khi nó mở cửa vào tháng 7/1981, nó là sân bay lớn nhất châu Á. Chúng tôi đã chi xài hết một khoản đầu tư trị giá trên 800 triệu đôla Singapore cho sân bay cũ và đã chi 1,5 tỷ đôla Singapore vào Changi, với hai đường băng, đường thứ hai sẵn sàng vào năm 1984.

Changi là một vùng đất đẹp tại góc cực đông của hòn đảo. Tuyến đường vào thành phố từ bờ biển phía Đông chạy dọc theo một đường cao tốc mới dài 20 km, được xây dựng trên đất lấn biển, không có các vấn đề tắc nghẽn, một bên là những cảnh đẹp của biển, và một bên là hình ảnh của những khu nhà HDB và các khu chung cư tư nhân. Sân bay Changi và 20 phút lái xe thú vị trên đường vào thành phố là một sự giới thiệu tuyệt vời về Singapore, công trình đầu tư 1,5 tỷ đôla Singapore hiệu quả nhất mà chúng tôi đã từng thực hiện. Nó đã giúp Singapore trở thành sân bay trung tâm của khu vực. Sự cạnh tranh thật dữ dội và tàn nhẫn. Những sân bay mới hơn và lớn hơn ở Hong Kong và Kuala Lumpur với thiết bị tiên tiến nhất đòi hỏi Changi phải nâng cấp và tân trang lại thường xuyên để tiếp tục cạnh tranh.

Có hai người đóng vai trò chủ chốt trong việc mang lại thành công cho sân bay Changi. Howe Yoon Chong, người rất kiên quyết trong việc thi hành các chính sách. Ông ta đã khuyến khích tôi chuyển sân bay từ Paya Lebar đến Changi bằng cách cam đoan với tôi rằng ông ta có một đội ngũ có thể hoàn thành nó đúng thời hạn. Ông ta đã làm, với sự trợ giúp nguồn lực của Cảng vụ cảng Singapore, của kỹ sư trưởng, A. Vijiaratnam và Lim Hock San, một viên chức nhiều triển vọng, đã thực thi dự án và đã trở thành giám đốc hãng hàng không dân dụng vào năm 1980. Khi tôi được mời đến để long trọng khai trương sân bay vào năm 1981, tôi đã yêu cầu Yoon Choon, lúc đó là bộ trưởng quốc phòng, đi thay cho tôi. Ông ta xứng đáng có tên trong bảng danh dự.

Người đã đóng một vai trò cốt yếu khác là Sim Kee Boon, nhân vật giảo hoạt nhất trong số những thứ trưởng của chúng tôi. Ông ta đã tổ chức việc quản lý sân bay. Để xây dựng một sân bay tốt, nhiều quốc gia giàu thường sử dụng những nhà thầu nước ngoài. Sự thách thức là ở chỗ quản lý nó như thế nào để hành khách đi qua các khâu hải quan, kiểm soát nhập cảnh, nhận hành lý và vào thành phố một cách nhanh chóng và suôn sẻ. Nếu họ phải thực hiện một chuyến bay chuyển tiếp, thì ở đó phải có những tiện nghi dành cho việc nghỉ ngơi, giải trí và làm việc. Changi có tất cả các thứ này – phòng nghỉ và phòng tắm có vòi sen, hồ bơi, các trung tâm làm việc và thể dục, một khu tìm hiểu khoa học và vui chơi cho trẻ em. Với tư cách là người đứng đầu Cục Hàng không Dân dụng Singapore, Kee Boon đã biến Changi thành một sân bay tầm cỡ quốc tế, hầu như năm nào cũng được xếp hạng hàng đầu trong các tạp chí của khách du lịch.

ĐẤU TRANH CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG

Trước năm 1975, nạn kẹt xe trong những giờ cao điểm là điều không thể chịu nổi. Tôi đã đọc một tờ báo đề nghị rằng, để giảm sự ùn tắc, chúng ta nên thu phí những chiếc xe hơi vào các khu thương mại trung tâm (CDB) trong các giờ cao điểm. Tôi đã yêu cầu các quan chức của chúng tôi xem xét đề nghị này. Họ nhận thấy nó khả thi. Họ đã đề nghị dựng bảng thông báo để cảnh báo tất cả những người lái xe ô tô đăng ký tham gia hệ thống cấp phép khu vực (ALS), gồm cả CDB trong thời gian hạn chế phải bày giấy phép trên kính chắn gió của xe. Tôi cho thảo luận kế hoạch này công khai trên các phương tiện truyền thông trong một vài tháng. Chúng tôi đã cải tiến những đề nghị, ví dụ, cho phép xe với bốn hành khách đi qua mà không cần giấy phép nhưng phải nộp lệ phí 3 đôla Singapore mỗi ngày, lệ phí này sẽ giảm nếu mua vé tháng. Kế hoạch này đã giảm bớt nạn kẹt xe tại các giờ cao điểm và đã được đón nhận một cách tốt đẹp.

Tôi biết đây chỉ là một giải pháp tạm thời. Thu nhập đang tăng lên và số lượng xe đăng ký hàng năm đang tăng theo hàm số mũ. Tôi cho rằng giải pháp là giới hạn sự gia tăng số lượng xe ô tô theo tỷ lệ đường phố có thể chịu được mà không gây ùn tắc giao thông lớn. Dù chúng tôi xây dựng nhiều bao nhiêu chăng nữa nhưng nếu số lượng xe hơi tăng lên thì cũng làm chúng tắc nghẽn.

Tôi đã đề nghị rằng ai muốn có xe ôtô phải xin giấy chứng nhận được mua và đậu xe trên đường phố. Số lượng giấy chứng nhận được cấp mỗi năm tùy thuộc vào sức chứa của con đường. Chúng tôi đã tính toán rằng những con đường có thể đáp ứng mức gia tăng lượng xe cộ hàng năm khoảng 3%. Bộ trưởng giao thông đã đưa trình một dự luật về điều này trước một ủy ban đặc biệt thuộc nghị viện để nghe tất cả các lời kiến nghị. Chúng tôi đã dàn xếp một kế hoạch mà theo đó một người phải đấu thầu để có một giấy chứng nhận được quyền (COE) sử dụng một chiếc xe mới trong 10 năm.

Điều này đã tỏ ra có hiệu quả trong việc giới hạn tốc độ tăng lượng xe cộ hàng năm là 3%. Mức đặt giá cho những COE ban đầu thấp nhưng đã sớm tăng lên đến đỉnh cao. Vào năm 1994, giá giấy phép một chiếc xe trên 2.000 phân khối đã vượt quá 100.000 đôla Singapore, và thêm vào đó là thuế nhập khẩu nặng. COE đã trở nên không được lòng dân và những người muốn có ôtô đã gửi thư liên tục đến các tờ báo lập luận rằng những người buôn xe hơi và những tay đầu cơ đang thao túng sự đặt giá. Để đáp ứng yêu cầu của quần chúng, chính phủ đã ngăn cấm những người buôn xe hơi đặt giá COE bằng tên của họ để nhượng lại cho khách hàng và cũng không cho phép chuyển nhượng giấy chứng nhận. Những thay đổi này không làm cho tình hình khá hơn. Khi nền kinh tế bùng nổ và thị trường cổ phiếu tăng, sự đặt giá COE cũng tăng, và ngược lại, như khi Singapore trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 1997– 1998 thì giá COE giảm.

Bằng phương pháp thử và qua sai lầm, tôi đã nhận thức rằng nếu tôi muốn một đề nghị được chấp nhận ở tất cả các cấp độ, đầu tiên tôi nên đề xuất ý kiến với các vị bộ trưởng, những người mà sau này sẽ thảo luận với các thứ trưởng và các viên chức. Sau đó tôi nhận những phản ứng của họ, tôi sẽ bàn bạc, đề nghị với những người sẽ phải thực hiện nó. Như hệ thống vận tải chẳng hạn, nếu nó liên quan đến một người rất lớn, thì tôi sẽ đưa vấn đề lên các phương tiện truyền thông để thảo luận với quần chúng. Vì thế, trước khi chúng tôi quyết định về một đường tàu điện ngầm cao tốc (MRT), chúng tôi đã có một cuộc thảo luận công khai trong một năm về những giá trị của một MRT đối lập với một hệ thống dùng toàn xe buýt sử dụng những con đường chuyên dụng. Chúng tôi cũng đã nhờ những cố vấn Mỹ cố vấn cho chúng tôi về hai sự chọn lựa. Họ thuyết phục chúng tôi rằng một hệ thống dùng toàn xe buýt sẽ không mang lại một giải pháp vừa ý, vì trong thời tiết ẩm ướt những xe buýt sẽ chạy chậm lại và gây tắc nghẽn hệ thống. Điều này sẽ không xảy ra với tàu hỏa.

MRT đã không giảm được nhu cầu sở hữu xe đang tăng lên hàng năm mặc dù chúng tôi đã giảm nó bằng các COE và ALS. Vào năm 1998, chúng tôi đã giới thiệu cách định giá trên đường bằng điện tử (ERP). Bây giờ, mọi xe cộ đều có một “thẻ thông minh” tại gương chắn gió, và phí lưu thông chính xác được trừ một cách tự động lúc nó chạy dưới những giàn tín hiệu được đặt tại những vị trí xung yếu trong thành phố. Lượng phí lưu thông khác nhau cho những quãng đường được sử dụng và thời gian sử dụng trong ngày. Công nghệ đã giúp điều khiển chính xác hệ thống ALS và điều chỉnh lượng xe cộ ở các con đường đã trở nên đông nghịt. Vì lượng phí lưu thông trả cho nhà nước bấy giờ tùy thuộc vào người sử dụng con đường nên số lượng xe hơi có thể được sở hữu là tối ưu cùng với sự tắc nghẽn là tối thiểu.

NHỮNG VẤN ĐỀ TẾ NHỊ VỀ NGƯỜI MALAY

Có một số vấn đề nhạy cảm, dù thế nào thì cũng không thể thảo luận công khai. Một trong những vấn đề như thế là làm gì với những khu tập trung của người Malay nghèo đã tồn tại từ thời kỳ thuộc địa và vượt quá cái mà người Anh đã chỉ định như là “những khu định cư người Malay”. Sau khi tách ra vào tháng 8/1965, Tunku đã cung cấp đất miễn phí ở Johor cho những người Malay ở Singapore đang cảm thấy mình bị bỏ rơi. Rất ít người nhận đề nghị này của ông.

Nhưng sự chia tách này đã góp phần làm gia tăng sự cô lập và sự bất mãn vì những khu định cư này có khuynh hướng trở thành những vùng nghèo nàn với những khu nhà ổ chuột: những con đường nhỏ lầy lội, quanh co không lát đá giữa những túp lều gỗ mái tranh hoặc mái tôn. Khu tập trung gây nhiều phiền toái nhất là ở Geylang Serai. Geylang Serai cùng với Kampong Ubi và Kampong Kembagan đã tạo thành khu định cư người Malay lớn nhất với hơn 60.000 người sống trong những điều kiện khó khăn, không có nước máy dẫn đến tận từng gia đình, các điều kiện vệ sinh tồi. Mọi người lấy nước từ vòi công cộng được lắp bên đường vào thùng và gánh về nhà hoặc trả tiền cho người gánh thuê. Ở đó cũng không có nguồn cung cấp điện, mặc dù một số chủ tư nhân đã bán điện bất hợp pháp. Vào tháng 9/1965, một tháng sau khi chia tách, tôi đã nói với những cư dân rằng trong 10 năm, tất cả những ngôi lều của họ sẽ bị phá hủy và Geylang Serai sẽ trở thành một thành phố khác và là một “Queenstown” tốt hơn, Queenstown khi đó là những khu liên cư cao tầng hiện đại nhất của chúng tôi.

Chúng tôi đã giữ lời hứa này. Như một phần của kế hoạch lâu dài để xây dựng lại Singapore và chuyển nhà mới cho mọi người, chúng tôi đã quyết định phân tán và hòa lẫn những người Malay, người Ấn, người Hoa, và tất cả những tộc người khác với nhau và vì thế đã ngăn chặn họ tụ tập lại như người Anh đã từng khuyến khích họ làm vậy. Khi tái định cư, họ sẽ phải bỏ phiếu kín chọn những ngôi nhà cao tầng mới của họ.

Trong lúc đó, để ngăn chặn xảy ra một cuộc xung đột chủng tộc mới, tôi quyết định mở rộng, theo kiểu đường kẻ ô dài, bốn con đường chạy qua khu định cư Geylang Serai Malay, và mở rộng các con đường nhỏ đã có sẵn và thắp sáng các đường cao tốc cùng một lúc. Trong vòng 6 đến 7 năm, một khu nhà ổ chuột lớn đã trở thành chín khu nhà nhỏ. Phần khó khăn nhất là sự tái định cư ban đầu bắt đầu vào tháng 2/1970. Khi chúng tôi thông báo điều này, đã có một nỗi lo sợ trong những cư dân Malay. Những nghị sĩ Malay của chúng tôi đóng một vai trò quyết định trong việc làm trung gian hòa giải giữa các viên chức nhà nước và cư dân. Báo chí và radio đã giúp đỡ công khai hóa món tiền bồi thường của nhà nước và sự lựa chọn chỗ ở được cung cấp. Tờ Utusan Melayu khi đó đã ngừng hoạt động ở Singapore và không thể gieo rắc những nỗi lo sợ vô căn cứ như nó đã từng làm vào năm 1964 qua cuộc tái định cư ở Crawford.

Tòa nhà nhạy cảm nhất về mặt chính trị bị phá hủy là một surau (một nhà thờ Hồi giáo nhỏ) đổ nát. Mỗi nơi thờ cúng, dù tầm thường đến mấy, đều có một ủy ban gồm những người lớn tuổi mộ đạo và các nhà hoạt động bảo quản nhà thờ để nhận thuế thập phân (thuế của dân chúng nộp cho giáo hội, bằng 1/10 số nông sản thu hoạch hàng năm) và đồ quyên góp. Khi thời điểm phá hủy surau đến, họ đã ngồi lì và không chịu rời ngôi nhà. Họ xem những hành động của nhà nước như những hành động chống đạo Hồi. Những nghị sĩ Malay của chúng tôi đã sắp xếp một cuộc gặp gỡ vào tháng 9/1970 tại tòa thị chính của thành phố, nơi có văn phòng của tôi, để ủy ban và những thành viên surau trình bày những kiến nghị của họ với những quan chức cấp cao từ Sở Công trình Công cộng và Bộ Phát triển nhà. Với sự trợ giúp của những nghị sĩ Malay, chúng tôi đã thuyết phục được họ chấp nhận việc phá hủy tòa nhà gỗ cũ, và cam đoan rằng một nhà thờ mới sẽ được xây dựng gần với vị trí hiện tại. Ngày hôm sau, những nghị sĩ Malay và chủ tịch của MUIS, hội đồng quản trị tín đồ Hồi giáo của Singapore, đã nói điều đó với giáo đoàn khoảng 200 người ở surau sau lễ cầu nguyện ngày thứ Sáu. Nghị sĩ Malay của chúng tôi, Rahmat Kenap, một cựu lãnh đạo công đoàn gan dạ, người đã không run sợ trước sự lăng mạ trắng trợn của những nhà lãnh đạo UMNO trong suốt các cuộc xung đột sắc tộc vào năm 1964 gọi ông là một kafir tức là kẻ phản đạo, đã đảm bảo một lần nữa với giáo đoàn lời cam kết của chính phủ về việc xây một nhà thờ mới để thay thế nhà thờ hiện tại. Cuối cùng họ đã đồng ý rời đi. Điều này đã mở đường cho sự phá hủy và tái xây dựng khoảng 20 nhà thờ nhỏ khác trong khu định cư. Chúng tôi đã cung cấp cho họ những vị trí được chọn lựa và đã tìm ra một giải pháp cho việc cấp tiền cho những nhà thờ mới. Tôi đã trao cho MUIS trách nhiệm xây dựng những nhà thờ thay thế và lập một quỹ xây dựng cho họ, quỹ này nhận 1 đôla Singapore mỗi tháng từ mỗi công nhân theo đạo Hồi qua hệ thống CPF của chúng tôi. Điều này đã mang lại niềm tự hào cho những người Malay trong việc xây dựng những nhà thờ với quỹ riêng của họ.

Việc di chuyển những chủ sở hữu nhà ít khó khăn hơn. Họ được nhận khoản bồi thường theo khung giá, tùy theo ngôi nhà đã được xây dựng có phép hay không, cộng với “khoản trợ cấp phiền hà” khoảng 350 đôla Singapore mỗi gia đình. Vào thời gian đó nó nhiều hơn tiền lương một tháng dành cho một người Lao động. Họ được ban quyền ưu tiên trong những khu liên cư mới và sự tự do chọn vị trí của ngôi nhà mới của họ. Bất chấp tất cả những nhượng bộ này, một nhóm khoảng 40 gia đình đã từ chối rời bỏ ngôi nhà của họ cho đến khi chúng tôi đưa họ ra tòa.

Khi cuối cùng những con đường cũng được hoàn thành và được thắp sáng, tôi cảm thấy thanh thản khi lái xe qua khu vực vào một buổi tối, sung sướng về tình hình an ninh và môi trường xã hội được cải thiện một cách rõ ràng. Sau Geylang Serai, việc hòa nhập những khu định cư người Malay khác trở nên dễ dàng hơn.

Mặc dù chúng tôi đã hòa nhập những tộc người bằng cách buộc họ bỏ phiếu kín cho ngôi nhà của họ, nhưng chúng tôi đã phát hiện ra rằng họ đang tái tụ họp lại với nhau. Vì những người sở hữu bán căn hộ của họ và có thể mua những căn hộ khác được bán lại theo ý họ nên họ đã sớm tập trung lại với nhau. Điều này đã buộc chúng tôi phải đặt những giới hạn phần trăm cho tỷ lệ người sinh sống trong cùng khu vực vào năm 1989 (25% cho người Malay, 13% cho người Ấn và những tộc người khác theo mức độ tòa nhà), ngoài giới hạn này không gia đình thiểu số nào có thể chuyển đến vùng lân cận.

Hạn mức cao nhất định ngạch đã giới hạn nhóm người mua những căn hộ được bán lại và vì thế cũng làm giảm giá của chúng. Khi một người Malay hoặc người Ấn không được phép bán nhà cho một người Hoa vì hạn ngạch người Hoa đã đủ thì căn hộ phải bán với giá thấp hơn giá trên thị trường vì một số nhỏ những người Malay hoặc người Ấn mua nhà không thể trả mức giá cao hơn mà đa số người Hoa có thể trả. Tuy nhiên, đây chỉ là một tổn thất nhỏ để đạt được mục tiêu lớn hơn của chúng tôi là có được những tộc người sống hòa lẫn với nhau.

Dhanabalan, một người Ấn, với tư cách là Bộ trưởng phụ trách HDB; Jayakumar, một người Ấn khác, Bộ trưởng Tư pháp, và Ahmad Mattar Bộ trưởng Môi trường, một người Malay có dòng dõi Ả Rập, hoàn toàn đồng ý với tôi rằng việc cho phép tập hợp thái quá sẽ đảo ngược những gì mà chúng tôi đã đạt được. Những nghị sĩ người Malay và người Ấn khác cũng chia sẻ quan điểm này. Điều này đã giúp thực thi chính sách này được dễ dàng hơn.

Khi công việc này được hoàn thành vào khoảng những năm 80, tôi quyết định thay đổi luật bầu cử, cho phép các ứng cử viên liên danh chung tranh cử tại hai hay nhiều khu vực bầu cử. Sau khi có nhiều cuộc thảo luận tại nội các, chúng tôi đã đưa vấn đề này ra quốc hội. Ba hoặc bốn khu vực bầu cử đơn được hợp nhất thành những khu vực bầu cử nhóm (GRCs) để ba hoặc bốn ứng cử viên ứng cử như một nhóm hoặc một đội. Nhóm này phải có một ứng cử viên từ một cộng đồng thiểu số, một người Ấn hoặc người Malay. Nếu không có sự sắp đặt này thì với đa số người Hoa ở tất cả các khu bầu cử họ sẽ có thể bầu cho các ứng cử viên người Hoa. Vào những năm 50 và 60, mọi người đã bỏ phiếu cho biểu tượng đảng, bất kể chủng tộc của ứng cử viên. Trong những năm 80, sau khi PAP đã củng cố địa vị như là đảng thống trị và được xem là có khả năng tái cầm quyền thì mọi người bỏ phiếu cho nghị sĩ nhiều hơn là cho đảng. Họ thích một người thông cảm với họ, nói cùng thổ ngữ hoặc ngôn ngữ và cùng chung chủng tộc. Tất cả những ứng cử viên tham gia chiến dịch cũng biết điều này khá rõ. Việc một ứng cử viên người Malay hoặc người Ấn thắng ứng cử viên người Hoa rất khó khăn. Một quốc hội mà không có những nghị sĩ người Malay, người Ấn, và người thiểu số khác thì sẽ khá bất lợi. Chúng tôi phải thay đổi luật lệ. Một lợi thế của GRC là một ứng cử viên người Hoa không thể thực hiện những lời kêu gọi những người Hoa theo chủ nghĩa sô–vanh mà không mất 15% đến 30% lá phiếu của những người không phải là người Hoa. Họ cần một người Malay hoặc một người Ấn để có thể giành được số phiếu của người thiểu số cho nhóm ứng cử viên GRC của họ.

Một vấn đề chủng tộc nhạy cảm khác đã làm tôi bận tâm là kết quả học tập về các môn toán học và khoa học của một số lớn sinh viên so với những sinh viên khác vẫn thấp. Tôi quyết định rằng chúng tôi không thể giữ bí mật về những sự khác biệt này trong các kết quả kỳ thi này lâu hơn nữa. Việc làm cho người ta tin rằng những đứa trẻ, không phân biệt chủng tộc, đều ngang sức ngang tài, và các cơ hội bình đẳng sẽ cho phép tất cả được vào đại học, tất yếu sẽ dẫn đến sự bất mãn. Những người ít thành công hơn sẽ tin rằng chính phủ đã đối xử không công bằng với họ. Vào năm 1980, tôi đã thổ lộ chuyện này với những người đứng đầu cộng đồng Malay để giải quyết tình hình kết quả học tập yếu kém của người Malay một cách công khai và tế nhị. Tôi đã đưa cho những nhà lãnh đạo, có cả những biên tập viên báo chí, những kết quả kì thi trong vòng 10 đến 15 năm trước và nhấn mạnh sự thật rằng sự chênh lệch về kết quả học tập này đã tồn tại ở Singapore từ thời còn là thuộc địa Anh trước chiến tranh. Nó không phải là một điều gì mới.

Sau khi những nhà lãnh đạo cộng đồng và các nhà lãnh đạo những phương tiện truyền thông đã vượt qua cú sốc ban đầu, chúng tôi mời họ đến để tìm ra những giải pháp với sự hỗ trợ đầy đủ của chính phủ. Tôi cho họ biết kết quả nghiên cứu cho thấy có một sự tiến bộ từ 15% đến 20% khi phụ huynh và những sinh viên được thúc đẩy để thực hiện những nỗ lực đặc biệt. Phản ứng của họ khá tích cực. Vào năm 1982, những nhà lãnh đạo người Malay với sự đảm bảo hỗ trợ của chính phủ đã thành lập Mendaki (Hội đồng giáo dục cho trẻ em Hồi giáo), với các đại diện từ các ban xã hội, văn học, và văn hóa Malay và các nghị sĩ người Malay trong PAP. Chúng tôi đã cung cấp cơ sở vật chất cho họ. Giống với quỹ xây dựng nhà thờ, để cấp vốn cho Mendaki, chúng tôi đã trừ 50 xu từ mức đóng góp CPF hàng tháng của mỗi người Malay. Với nguồn thu nhập tăng, mức đóng góp tăng lên dần dần đến 2,50 đôla Singapore. Chính phủ đã tích lũy nó bằng từng đồng đôla.

Lúc nào tôi cũng hội ý với các đồng sự người Malay, Othman Wok và Rahim Ishak, trước khi quyết định những chính sách có ảnh hưởng đến người Malay. Cả hai người đều có cái nhìn rất thiết thực. Tôi còn trao đổi với Yaacob Mohamed những vấn đề có liên quan đến Hồi giáo. Ông từng là nhà thuyết giáo ở Kelantan và rất được kính trọng như một người có nhiều hiểu biết về tôn giáo. Ahmad Mattar là người theo thuyết duy thực và chấp nhận nó là cách tốt nhất để đạt mục đích.

Không phải tất cả các bộ trưởng có kinh nghiệm của tôi đều ủng hộ giải pháp hướng về các nhóm tự–tiến–bộ dựa trên cộng đồng này. Raja là người phản đối nó mạnh mẽ nhất. Ông là người theo chủ nghĩa đa chủng tộc triệt để và xem kế hoạch của tôi không phải là sự chấp nhận thực tế mà là sự sa ngã. Ông không muốn dùng đến mối quan hệ chủng tộc tự nhiên để chìa tay cho các bậc cha mẹ, những người có thể là động lực thúc đẩy tốt nhất đối với con cái họ. Ông sợ cái nguy cơ của những sức hút cộng đồng mạnh mẽ này.

Trong khi tôi chia sẻ quan niệm của Raja về một chính sách hoàn toàn phi chủng tộc, tôi cũng đang phải đối đầu với thực tiễn và phải tìm ra đáp số. Từ thực tế, tôi biết rằng các viên chức người Hoa và người Ấn không thể giúp đỡ cho các bậc phụ huynh và sinh viên người Malay theo cái cách mà những người lãnh đạo cộng đồng Malay của họ đã làm. Sự kính trọng họ nhận được và sự quan tâm chân thành của họ đối với quyền lợi của những người kém may mắn thuyết phục được các bậc cha mẹ và bọn trẻ gia tăng nỗ lực. Còn các viên chức ăn lương thì không bao giờ có được sự quan tâm, yêu thương như thế dành cho cha mẹ và con cái người Malay. Những nhà lãnh đạo cộng đồng người Hoa không thể giúp đỡ cho phụ huynh và trẻ em người Malay. Với những vấn đề thuộc về tình cảm cá nhân có liên quan đến lòng tự hào chủng tộc như thế, thì chỉ có những nhà lãnh đạo của các tộc người có thể giúp đỡ cho cha mẹ và con cái trong cộng đồng của họ.

Một vài năm sau khi Mendaki đi vào nề nếp, những nỗ lực của các lãnh đạo cộng đồng Malay cộng với việc dạy thêm vào buổi tối đã làm tăng đều đặn con số học sinh Malay đậu kỳ thi với sự tiến bộ nổi bật trong môn toán. Năm 1991, một nhóm sinh viên Hồi giáo trẻ tốt nghiệp đã thành lập Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp Hồi giáo (AMP). Mục tiêu của họ cũng tương tự như Mendaki nhưng họ muốn làm việc độc lập với chính phủ. Thủ tướng Goh Chok Tong khuyến khích họ bằng cách hỗ trợ tài chính. Với sự giúp đỡ của nhiều nhà lãnh đạo cộng đồng, các thanh niên Hồi giáo đạt kết quả học tập thấp đã tiến bộ đáng kể.

Sinh viên Malay đạt điểm cao hơn điểm chuẩn trung bình quốc tế trong cuộc thi nghiên cứu khoa học và toán học Quốc tế lần thứ ba năm 1995. Trong tổng số học sinh Malay năm 1987, chỉ 1% chọn các trường bách nghệ và đại học. Đến năm 1999, con số này tăng gấp bốn lần, đạt đến 28% trong khi tỷ lệ quốc gia chỉ tăng gấp đôi. Năm 1966, một cô gái Malay tốt nghiệp xuất sắc tiếng Anh ở Berkeley, California. Năm 1999, một sinh viên Malay đứng đầu lớp cao học kiến trúc ở NUS và giành huy chương vàng. Một sinh viên khác giành được một suất học bổng của chính phủ để học trường Cambridge, tại đó anh ta đạt giải nhất môn lý và tiếp tục lấy bằng tiến sĩ năm 1999. Và một người Malay được làm chủ tịch hiệp hội sinh viên NTU năm 1998–1999. Hiện nay, chúng có một tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh người Malay gồm các giám đốc quản lý MNC, chuyên viên tư vấn IT, buôn bán ngoại hối, quản lý ngân hàng, kỹ sư, luật sư, bác sĩ, và nhà kinh doanh trong các ngành du lịch, ăn uống, thầu khoán, sản xuất vật dụng và may mặc.

Những tiến bộ của Mendaki đã khuyến khích cộng đồng người Ấn thành lập Hiệp hội phát triển của người Ấn tại Singapore (SINDA) vào năm 1991. Năm sau, người Hoa cũng thành lập Hội đồng hỗ trợ phát triển của người Hoa (CDAC) nhằm giúp những học sinh yếu chiếm tỷ lệ thấp hơn so với tỷ lệ số học sinh yếu người Malay nhưng tổng số lại nhiều hơn. Hiệp hội những người lai Âu–Á cũng đã sớm thực hiện như thế.

THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT

Pháp luật và trật tự tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển. Được đào tạo trong trường luật, tôi đã hấp thụ nguyên tắc: mọi người đều bình đẳng trước pháp luật thì xã hội mới vận hành đúng. Tuy nhiên, kinh nghiệm sống của tôi ở Singapore trong thời gian Nhật chiếm đóng, và sau đó là thời kỳ hỗn loạn khi chính quyền quân sự Anh cố gắng tái lập luật lệ, đã làm cho tôi có cái nhìn thực tế, không phụ thuộc vào ý thức hệ, đối với các vấn đề tội phạm và sự trừng phạt.

Sau khi trở thành luật sư Singapore năm 1951, phiên tòa đầu tiên của tôi là bào chữa cho bốn người bị buộc tội giết một trung sĩ RAF trong cuộc bạo loạn chống lại người da trắng vào tháng 12/1950 của một nhóm Hồi giáo có tên gọi là “cô gái rừng xanh”. Tôi đã giúp họ được trắng án, nhưng sự việc đó để lại trong tôi mối nghi ngờ to lớn về giá trị thực tế của hệ thống bồi thẩm Singapore. Bảy thành viên, quyết định theo phán quyết của đa số, dễ dàng tuyên những án tha bổng. Hệ thống bồi thẩm này đã được thử nghiệm tại Ấn, song thất bại và bị bãi bỏ. Không lâu sau khi tôi trở thành Thủ tướng năm 1959, tôi ra lệnh bãi bỏ ban bồi thẩm trong tất cả mọi phiên tòa ngoại trừ tội phạm giết người. Tôi giữ lại ngoại lệ này để cho phù hợp với luật ở Malay vào thời gian đó. Năm 1969, sau cuộc chia tách khỏi Malaysia, tôi yêu cầu Eddie Barker, Bộ trưởng Tư pháp, đệ trình lên nghị viện dự luật bãi bỏ ban bồi thẩm trong các phiên tòa xử tội giết người. Trong suốt cuộc họp của ủy ban đặc biệt thuộc nghị viện, David Marshall, luật sư bào chữa cho tội phạm thành công nhất của chúng tôi, xác nhận rằng ông ta đã có 99 vụ tha bổng trong số 100 vụ mà ông nhận bào chữa cho tội phạm giết người. Khi tôi hỏi liệu ông có thực sự tin 99 người được tha bổng kia là vô tội thì Marshall đáp rằng nhiệm vụ của ông ta là bào chữa chứ không phải phán xử họ.

Một phóng viên phụ trách chuyên mục tòa án của tờ Straits Times từng dự nhiều phiên tòa bồi thẩm, đã đưa bằng chứng cho hội đồng đặc biệt rằng chính niềm tin dị đoan và sự miễn cưỡng nhận trách nhiệm thực hiện những hình phạt nặng, đặc biệt là đối với án tử hình, đã làm cho các bồi thẩm người châu Á rất khó khăn trong việc kết tội. Họ thích tuyên trắng án hoặc buộc tội với mức án nhẹ hơn. Người phóng viên nói rằng anh ta có thể đoán trước mỗi khi một phụ nữ đang mang thai là thành viên bồi thẩm, thì sẽ không có sự kết án tử hình nào đối với tội phạm giết người, vì nếu không, đứa con cô ta sinh ra sẽ gặp tai họa. Sau khi dự luật được thông qua và việc xét xử có bồi thẩm đoàn bị bãi bỏ, ít phát sinh các vụ án xử sai hơn do tình cảm thất thường của các bồi thẩm.

Sau khi đã chứng kiến những hành vi cướp bóc và sự tàn nhẫn của con người trong thời kỳ Nhật chiếm đóng, tôi không chấp nhận học thuyết cho rằng tội phạm là nạn nhân của xã hội. Sự trừng phạt lúc đó nghiêm khắc đến nỗi thậm chí vào thời kỳ 1944–1945, khi nhiều người không có đủ miếng ăn, vẫn không xảy ra trộm và người dân có thể để cửa trước không khóa, cả ngày lẫn đêm. Sự ngăn chặn đã có hiệu quả. Người Anh từng sử dụng hình phạt đánh bằng roi da hay bằng roi mây ở Singapore. Sau chiến tranh, họ bãi bỏ sự tra tấn đánh đập nhưng vẫn giữ lại hình phạt đánh bằng roi mây. Chúng tôi thấy hình phạt bằng roi mây kia còn hiệu quả hơn hình phạt nhốt tù dài hạn trong việc trấn áp các tội phạm có liên quan đến ma túy, buôn bán vũ khí, cưỡng hiếp, nhập cư bất hợp pháp vào Singapore và phá hoại tài sản công cộng.

Năm 1993, một học sinh 15 tuổi người Mỹ, Michael Fay, cùng với những người bạn, trong cuộc vui chơi đã phá hỏng các bảng hiệu giao thông và phun sơn lên hơn 20 chiếc xe hơi. Khi ra tòa, cậu nhận tội và luật sư của cậu cầu xin sự khoan hồng. Tòa tuyên phạt đánh sáu roi va 4 tháng tù. Giới truyền thông Mỹ bất bình trước cảnh tượng một cậu bé người Mỹ bị những người châu Á nhẫn tâm ở Singapore đánh roi vào mông. Họ phản đối mạnh mẽ đến nỗi Tổng thống Clinton thỉnh cầu Tổng thống Ong Teng Cheong ân xá cho cậu bé. Singapore bị đặt vào một tình thế khó xử. Nếu chúng tôi không phạt roi cậu bé này vì cậu ta là người Mỹ thì làm sao chúng tôi có thể phạt roi những người phạm tội là dân bản xứ?

Sau cuộc thảo luận trong nội các, thủ tướng đề nghị Tổng thống Ong giảm nhẹ hình phạt xuống còn bốn roi.

Giới truyền thông Mỹ vẫn chưa bằng lòng. Tuy nhiên, không phải tất cả người Mỹ đều không đồng tình với hình phạt của Singapore dành cho tội phá hoại công trình văn hóa. Không lâu, sau khi câu chuyện Michael Fay trở nên nổi tiếng, tại New Hampshire, khi đang lái xe, con gái của tôi bị chặn lại vì đã không dừng khi xe của một cảnh sát loé ánh đèn xanh lưu ý con bé về tốc độ. Trên đường về bót cảnh sát, con bé đáp lại câu hỏi của viên cảnh sát rằng nó đến từ Singapore và nghĩ rằng anh ta phản đối đất nước nó về trường hợp của Fay. Nhưng viên cảnh sát trả lời rằng cậu bé đáng bị phạt roi và đưa con tôi trở lại xe và chúc nó may mắn.

Fay bị phạt bốn roi và trở về Mỹ. Vài tháng sau, báo chí Mỹ đưa tin một đêm cậu về nhà muộn trong tình trạng say rượu và hằn học với cha cậu, đánh ông ngã. Một tháng sau, cậu bị bỏng nặng do hít chất butan khi một người bạn châm que diêm. Cậu thú nhận cậu nghiện chất butan khi còn ở Singapore.

Những biện pháp này góp phần vào việc duy trì luật pháp và trật tự ở Singapore. Bản tin về cạnh tranh toàn cầu tại diễn đàn kinh tế thế giới năm 1997 đã xếp Singapore đứng thứ nhất, như một quốc gia nơi mà “việc kinh doanh không phải chịu những khoản phí nặng nề cho bọn tội phạm có tổ chức”. Viện đào tạo quản lý quốc tế trong niên giám cạnh tranh thế giới 1997 cũng xếp Singapore đứng thứ nhất về an ninh, “nơi mà người dân thực sự tin tưởng rằng tính mạng và tài sản của họ được bảo vệ”.

TỪNG BƯỚC NHỎ TIẾN TỚI IT (CÔNG NGHỆ THÔNG TIN)

Cuộc cách mạng kỹ thuật số đang thay đổi lối sống và cách làm việc của chúng tôi. Mạng internet và thành quả nhiều mặt của nó đòi hỏi tất cả những ai muốn có mặt trong dòng chảy của nền kinh tế mới phải là những người hiểu biết về internet – vi tính. Tôi là một người nhiệt tình trong việc sử dụng máy vi tính. Điều đó đã trở thành nhân tố quan trọng trong việc nâng cao năng suất. Năm 1973, khi con trai tôi, Loong, hoàn thành khóa học Mathematics Tripos II ở trường Cambridge, tôi khuyến khích nó tham gia một khóa sau đại học về khoa học điện toán vì tôi nghĩ đó là một công cụ giá trị trong việc tính toán và lưu trữ dữ liệu. Tôi còn đề nghị ủy ban công vụ tổ chức những khóa điện toán sau đại học cho những sinh viên xuất sắc. Một trong số họ, Teo Chee Hean, Bộ trưởng Giáo dục năm 1997, bắt tay thực hiện một chương trình dành cho các giáo viên sử dụng máy vi tính như một công cụ giảng dạy, cứ hai sinh viên dùng một máy.

Năm 1984, tôi quyết định rằng chính phủ sẽ trả lương cho người Lao động thông qua GIRO. Những người làm công việc chân tay và văn phòng thích nhận tiền mặt hơn, nói rằng họ không muốn vợ biết tiền lương của họ. Tôi giải quyết những ý kiến phản đối này bằng cách mở tài khoản cho họ ở ngân hàng tiết kiệm qua bưu điện (POSBank) để họ có thể rút tiền từ máy thu ngân tự động. Biện pháp này không còn cần đến sự hộ tống hai lần trong một tháng của cảnh sát khi vận chuyển tiền mặt vào những ngày trả lương. Khu vực tư nhân cũng tiến hành theo phương pháp này. Sau đó, chúng tôi khuyến khích việc đóng thuế và phí đăng ký kinh doanh bằng GIRO.

Tuy nhiên, khi tôi hướng mũi nhọn vào xu thế mới điện toán hóa và thanh toán chuyển tiền điện tử, bản thân tôi lại không sử dụng được máy tính mặc dù chúng đã trở nên phổ biến. Vào giữa thập niên 90, khi các bộ trưởng trẻ tuổi hơn gởi được e–mail cho nhau, còn tôi thì phải in các e–mail ra và phúc đáp bằng fax.

Bị “loại khỏi vòng đấu”, ở tuổi 72, tôi quyết định học cách sử dụng máy tính. Đối với thế hệ tóc hoa râm, điều đó không dễ dàng chút nào. Phải mất nhiều tháng trước khi tôi có thể làm việc với hệ MS Word và gởi e–mail mà không có sự giúp đỡ của các thư ký. Sau đó, có lúc tôi vẫn còn phạm phải lỗi là để mất một tập tin vào lỗ đen vì kích sai biểu tượng, hoặc là cái máy tính sẽ kết tội tôi là “thực hiện một thao tác không hợp lệ” và dọa “không làm việc nữa”. Ở văn phòng, các thư ký sẽ giúp tôi. Còn ở nhà, tôi sẽ gọi cho Loong. Sau khi lắng nghe câu chuyện phiền muộn của tôi, Loong sẽ chỉ cho tôi từng bước một qua điện thoại để phục hồi cái công trình vất vả hàng giờ đồng hồ của tôi đã bị biến mất. Nếu như vẫn thất bại, Loong sẽ đến vào ngày Chủ nhật để tìm trong ổ đĩa C của tôi cái tập tin đã mất hoặc để giải quyết những vấn đề huyền bí khác. Phải mất hơn một năm tôi mới yên tâm và thoải mái với cái máy tính của mình. Một lợi ích của nó là tôi có thể dễ dàng bổ sung và sắp xếp lại câu cũng như toàn bộ một đoạn văn trên màn hình khi viết quyển sách này. Bây giờ, đi đâu tôi cũng đem theo cái máy tính xách tay để truy cập e–mail.

MỘT CHÁNH ÁN – MỘT TỔNG THỐNG

Chọn đúng người vào các vị trí then chốt trong hội đồng hiến pháp như chánh án và tổng thống của một nước cộng hòa, là rất quan trọng. Sự lựa chọn sai lầm cũng có nghĩa là bắt đầu thời kỳ phát sinh bất tận những vấn đề và xáo động lòng dân. Quyết định ai là người có năng lực nhất dễ dàng hơn tiên đoán ai là người đạt tiêu chuẩn công việc. Tôi đã quen biết thân thiết với ngài chánh án và ngài tổng thống nhiều năm trước khi họ được bổ nhiệm. Một người thành công hoàn toàn; còn người kia thì gặp rủi ro đáng tiếc, lẽ ra có thể tránh được.

CHÁNH ÁN

Chánh án là người tạo nên uy lực của bộ máy tư pháp. Khi chúng tôi sắp sửa gia nhập Liên bang Malaysia vào tháng 8/1963, viên chánh án cuối cùng người Anh, Alan Rose, được rút về và cho phép tôi chọn ra một chánh án người Singapore đầu tiên. Để bổ nhiệm vào chức vụ này, tôi tìm người có tư tưởng triết học xã hội không đối kháng với tôi. Những tiền đề quan trọng không diễn đạt bằng lời của người chánh án và những hiểu biết của ông về mục tiêu của một chính phủ tốt đẹp có tầm quan trọng quyết định.

Tôi có một cuộc trao đổi đáng nhớ với ông Alan. Khi nhóm người cộng sản nổi loạn bị đưa ra tòa xét xử vào đầu những năm 1960, tôi sợ rằng trường hợp của họ sẽ được xét xử bởi một quan tòa người Anh xa xứ, có thể không nhạy bén với những tình cảm chính trị vào thời điểm đó. Tôi yêu cầu gặp viên chánh án và giải thích với ông rằng nếu điều đó xảy ra, chính phủ sẽ bị tổn thương với những lời buộc tội cho rằng chúng tôi là bù nhìn của chính phủ Anh. Ông ta nhìn tôi với vẻ giễu cợt và nói “Thưa Thủ tướng, khi tôi còn là chánh án ở Ceylon, tôi đã hành động như một viên chức quản lý chính quyền ở vị trí của ngài toàn quyền. Ông ta vắng mặt trong suốt thời gian xảy ra sự hỗn loạn. Ông không cần phải sợ ông sẽ cảm thấy khó xử”. Ông ta hiểu được sự cần thiết của yếu tố nhạy bén chính trị.

Với sự thận trọng, tôi chọn Wee Chong Jin làm Chánh án mới. Khi đó, ông ta đang làm thẩm phán của tòa dân sự tối cao do một Thống đốc người Anh bổ nhiệm. Ông ta xuất thân từ giai cấp tiểu tư sản, được đào tạo ở trường Cambridge như tôi, là một tín đồ Thiên chúa giáo và chống cộng. Ông ta am hiểu sâu sắc về luật pháp. Ngài Alan giới thiệu ông ta là người có sự kiên quyết trong việc giữ gìn kỷ luật ở các phiên toà và xử lý theo những quy tắc mà ông ta đã lập ra. Ông ta đảm nhiệm chức vụ chánh án đến năm 1990, lúc đó ông ta 72 tuổi. Tôi đã kéo dài nhiệm kỳ của ông ta vượt qua tuổi về hưu 65 vì tôi không thể tìm được người kế vị thích hợp. Wee biết luật và làm chủ tọa trong các phiên tòa của ông, cả sơ thẩm và phúc thẩm. Được đào tạo theo khuôn mẫu các chánh án trong thời đại của Anh, Wee tập trung chủ yếu vào những vụ xét xử và hoạt động của tòa án tối cao mà không quan tâm nhiều đến những phiên tòa thấp hơn hay hoạt động của hệ thống tòa án nói chung. Vì các vụ tranh chấp gia tăng, hệ thống luật quá cũ kỹ, cả những phiên tòa cao cấp và phiên tòa cấp thấp hơn, trở nên quá tải. Bánh xe công lý trở nên chậm chạp, công việc chồng chất và những vụ thưa kiện mất từ 4 đến 6 năm mới đưa ra xét xử. Tình trạng tương tự xảy ra ở các tòa án bậc thấp vì họ chịu trách nhiệm xử lý đa số các vụ án.

Năm 1988, tôi quyết định sẽ rút lui khỏi chức Thủ tướng vào năm 1990. Biết rằng người kế vị tôi, Goh Chok Tong, không có mối liên hệ nào với những người trong ngành luật và sẽ gặp khó khăn khi quyết định chọn một chánh án thích hợp, tôi phải tìm một người thích hợp để bổ nhiệm trước khi tôi từ nhiệm. Tôi gặp riêng tất cả các thẩm phán, bảo từng người lập cho tôi một danh sách, theo thứ tự công lao, của ba người mà họ thấy thích hợp cho chức vụ này ngoại trừ bản thân. Sau đó, với mỗi thẩm phán, tôi thảo luận chi tiết danh sách các thành viên trong đoàn luật sư; tôi còn chú ý đến những luật sư xuất sắc trong đoàn luật sư người Malaysia. Bốn thẩm phán, A. P. Rajah, P. Coomaraswamy, L. P. Thean và S. K. Chan đã đặt Yong Pung How vào vị trí đầu tiên trong danh sách của họ và đánh giá ông ta là người tốt nhất.

Pung How lúc đó là chủ tịch của Tập đoàn Ngân hàng Hoa Kiều (OCBC), ngân hàng lớn nhất tại Singapore. Sau những cuộc xung đột sắc tộc ở Kuala Lumpur năm 1969, ông ta đã rời bỏ công ty luật phồn thịnh mà ông ta là một thành viên cao cấp và cùng với gia đình di chuyển sang Singapore rồi trở thành chủ tịch của một ngân hàng thương mại mới.

Chúng tôi từng là sinh viên cùng học trường luật của đại học Cambridge trong ba năm và tôi biết rõ năng lực của ông ta trong công việc. Tôi mượn những bài ghi của ông ta trong khóa học tháng 9/1946 mà tôi đã bỏ lỡ. Đây là những bài ghi đầy đủ và có hệ thống, giúp tôi có được sự tóm tắt những vấn đề quan trọng của bài giảng. Sáu tháng sau, tháng 6/1947, tôi đỗ loại ưu trong kỳ thi luật năm thứ nhất; Pung How cũng thế. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau sau khi trở về nước. Cuối thập niên 60, ông ta được hai chính phủ đồng sở hữu hãng hàng không Malaysia – Singapore bổ nhiệm làm chủ tịch hãng. Tôi nối lại mối thâm giao ngày trước vào năm 1981 khi ông ta được OCBC ủng hộ trở thành giám đốc điều hành của Công ty Đầu tư của Chính phủ (Government Investment Corporation) mà chúng tôi đã thành lập để quản lý và đầu tư nguồn dự trữ của Singapore. Ông ta chu đáo, thận trọng và tuyệt đối thẳng thắn khi trình bày sự chọn lựa của mình đối với một dự án đầu tư, mặc dù có bày tỏ trong đó thiện ý của mình. Đây là phẩm chất quan trọng của một quan tòa.

Tôi đề nghị ông ta làm thẩm phán của tòa án tối cao vào năm 1976, khi đó ông ta đang là phó chủ tịch của OCBC nhưng ông ta đã từ chối. Đầu năm 1989, trong bữa ăn trưa, tôi yêu cầu ông ta cân nhắc việc trở thành chánh án. Tôi nói ông ta đã đạt đến vị trí hàng đầu trong ngân hàng lớn nhất của chúng tôi và những nỗ lực của ông ta ở đó chỉ có thể đem lại lợi ích cho vài nghìn người lao động và các cổ đông. Là một chánh án, ông ta sẽ có thể đổi mới việc thực thi công lý và mang lại vô vàn lợi ích cho toàn xã hội và cho nền kinh tế của đất nước. Nếu ông ta đồng ý, trước tiên ông ta phải làm thẩm phán tòa án tối cao trong một năm để hòa mình trở lại hệ thống pháp luật trước khi nhận bổ nhiệm làm chánh án. Ông ta yêu cầu cho ông ta một thời gian để suy nghĩ. Bởi vì điều đó có nghĩa là bắt đầu sự thay đổi lối sống. Và ông ta sẽ còn thua thiệt về phương diện tài chính. Ở ngân hàng, ông được trả 2 triệu đôla Singapore một năm; còn làm thẩm phán, ông chỉ kiếm được gần 300.000 đôla Singapore, bằng 1/7 tiền lương của một giám đốc ngân hàng. Sau một tháng, ông ta chấp nhận đề nghị của tôi vì ý thức trách nhiệm; Singapore đã cho ông một quê hương thứ hai.

Ông ta nhận chức vụ thẩm phán tòa án tối cao vào ngày 1/7/1989, và vào tháng 9/1990, khi chánh án Wee về hưu, tôi bổ nhiệm Yong Pung How làm chánh án. Ông ta đã từng chịu đựng qua những năm tháng Nhật chiếm đóng và kinh nghiệm qua những cuộc xung đột sắc tộc ở Malaysia. Ông ta có những quyết định mạnh mẽ trong việc thi hành pháp luật để bảo đảm trật tự xã hội. Quan điểm của ông ta về một xã hội đa chủng tộc và làm thế nào để giáo dục, cai trị một xã hội như thế, phương cách áp dụng luật pháp và kỷ cương trong xã hội đó, tất cả đều không khác so với quan điểm của tôi.

Ông ta hiểu rằng để đương đầu với khối lượng công việc mới, phải bãi bỏ những thủ tục lỗi thời và chấp nhận những thủ tục mới để giải quyết tất cả các vụ tố tụng khẩn cấp, từ tòa án cấp thấp nhất cho đến tòa án tối cao. Tôi đề nghị ông ta đích thân tham dự những phiên tòa cấp thấp hơn, thậm chí ngồi cùng với quan tòa và thẩm phán khu vực để mắt thấy tai nghe cách làm việc của họ, đánh giá năng lực, làm cho hệ thống trở nên nghiêm ngặt và bổ sung những tài năng mới. Kỷ luật làm việc cần phải được lặp lại. Các luật sư từng phàn nàn với tôi rằng một vài quan tòa và thẩm phán khu vực để xe của họ bên ngoài ranh giới thành phố để tránh phải trả khoản phí nhỏ trong giờ cao điểm. Sau khi hết thời gian hạn định, họ sẽ ngừng ngang phiên tòa và lái xe vào trung tâm thành phố. Thật là một hệ thống chểnh mảng.

Yong Pung How tỏ ra là một chánh án xuất sắc. Ông ta giao quyền lãnh đạo cho các thẩm phán và tạo một phong thái mới cho các luật sư. Trong vòng vài năm, ông ta cải cách và hiện đại hóa hệ thống tòa án cùng với những thủ tục của nó, giảm đi sự ùn đống và sự trì hoãn các vụ kiện tụng đang chờ được xét xử. Ông ta sửa đổi các điều luật mà những luật sư có thể lợi dụng chúng để trì hoãn vụ tố tụng của họ. Để đương đầu với các vụ tranh chấp gia tăng, ông đề nghị bổ nhiệm thêm các thẩm phán vào tòa án tối cao và nhiều ủy viên hội đồng thẩm phán (luật sư cấp cao thực hiện nhiệm vụ như một thẩm phán) khi công việc yêu cầu. Những phương pháp chọn lọc của ông có hệ thống và hiệu quả. Sau cuộc hội nghị các luật sư nhiều khu vực, những người được xem là thành viên dẫn đầu của đoàn luật sư, ông ta chọn lọc một danh sách 20 người, tìm hiểu từng người qua sự đánh giá của các thẩm phán và các ủy viên hội đồng thẩm phán đương nhiệm về tính liêm khiết, năng lực pháp luật và “khí chất quan tòa” của họ. Sau đó ông ta trình việc đề cử lên thủ tướng.

Đối với việc bổ nhiệm vào tòa phúc thẩm, ông ta yêu cầu từng thẩm phán và các ủy viên hội đồng thẩm phán nêu tên hai trong số những người mà họ nghĩ là thích hợp nhất ngoại trừ bản thân. Cuối cùng ông ta đề cử hai người đã được các đồng nghiệp của họ nhất trí chọn. Cách thức của ông ta đã nâng cao vị trí và uy tín của tất cả các thẩm phán cũng như các ủy viên hội đồng thẩm phán.

Ông ta đưa công nghệ thông tin vào hệ thống tòa án để tăng tốc độ công việc; hiện tại các luật sư có thể lưu hồ sơ các tài liệu và tìm kiếm chúng qua máy vi tính. Năm 1999, danh tiếng về hệ thống tòa án của chúng tôi đã dẫn đến những cuộc viếng thăm của các thẩm phán và các chánh án từ những quốc gia phát triển và đang phát triển để học tập cách cải tổ của ông ta. Ngân hàng Thế giới đã tiến cử hệ thống tòa án Singapore, cả cấp cao và cấp thấp, cho các nước khác học tập.

Thế giới, khi đánh giá các cơ quan chức năng, đã cho hệ thống tòa Singapore điểm rất cao. Trong thập niên 90, Niên giám cạnh tranh thế giới, được xuất bản bởi Viện đào tạo quản lý viên của Thụy Sĩ, xếp Singapore đứng đầu châu Á cho “niềm tin vào quản trị công lý trong xã hội”. Trong giai đoạn 1997 – 1998, tổ chức này xếp Singapore trong mười nước đứng đầu thế giới, trước Mỹ, Vương quốc Anh, Nhật và hầu hết các nước trong khối OECD. Từ năm 1995, khi bắt đầu thực việc đánh giá hệ thống pháp luật ở châu Á, Cơ quan tư vấn rủi ro kinh tế – chính trị của Hong Kong đánh giá hệ thống tòa án Singapore là hệ thống tốt nhất châu Á.

TỔNG THỐNG

Tôi đã kém may mắn trong sự lựa chọn tổng thống của mình. Tôi từng làm việc với Devan Nair từ năm 1954, khi đó tại nghị viện năm 1981, tôi đề cử ông ta làm tổng thống. Chiều ngày 15/3/1985, tôi lấy làm buồn lòng khi được báo rằng Devan đã hành động với những cử chỉ kỳ quặc trong chuyến thăm Kuching ở Sarawark, một bang thuộc Đông Malaysia. Một bác sĩ ở bang Sarawak đã gọi điện cho bác sĩ riêng của Nair, ông J. A. Tambyah, vào ngày 14/3 để yêu cầu ông ta đưa tổng thống trở về vì đã có những hành vi không hay. Nair đã sàm sỡ với những nữ phục vụ các bữa ăn tối, các y tá chăm sóc cho ông ta, và cả vợ của một bộ trưởng phụ tá, người tháp tùng ông ta trong một chiếc xe. Ông ta xúc phạm phẩm hạnh của họ, gạ gẫm ăn nằm với họ, có những cử chỉ vuốt ve, quấy rối họ. Sau khi thông báo cho giám đốc dịch vụ y tế của chúng tôi, bác sĩ Tambyah bay đến Kuching ngay lập tức, ở đó ông ta thấy Nair suy sụp, không còn kiềm chế được bản thân, và tháp tùng ông ta trở về Singapore vào ngày 15/3.

Tối hôm đó, khoảng 9 giờ, tôi gặp bà Nair ở Istana Lodge. Để giúp tôi thông báo những tin tức không vui này, tôi đã đưa Choo đến. Cô ấy biết bà Nair rất rõ. Bức thư ngắn của tôi chuyển đến nội các vào ngày hôm sau có đoạn:

Bà Nair đã bình tĩnh trở lại và có thể kìm nén cảm xúc phẫn nộ, tức giận đối với những tin tức rằng Devan đã cư xử không đứng đắn ờ Kuching. Bà ta nói với vợ tôi và tôi rằng Devan đã thay đổi, thỉnh thoảng ông ta uống rất nhiều rượu, và một vài tháng gần đây, mỗi tối ông ta đều uống hết một chai whisky. Bà ta cho những người giúp việc ra về sớm để họ không biết rằng ông ta đã quá say không nhận thức được gì nữa, khi đó ông ta thường hay đánh đập bà. Bà ta biết điều này sẽ xảy ra ở Sarawak và đã từ chối đi cùng.

Những tuần trước cuộc viếng thăm Sarawak của ông ta, Devan Nair đã lái xe một mình rời khỏi Istana. Ông ta hóa trang bằng một bộ tóc giả và ra ngoài mà không mang theo nhân viên bảo vệ hay tài xế để gặp một phụ nữ người Đức. Một buổi sáng, sau khi Nair đã đi suốt buổi tối, bà Nair đến Changi Cottage để kiểm tra. Bà ta tìm thấy những chai rượu, những cái ly dính dấu son môi, và những mẩu thuốc lá. Devan Nair còn đưa người phụ nữ Đức này đến Istana Lodge dùng bữa tối. Khi bà Nair khuyên can, ông ta đã đánh bà. Ông không kiềm chế nổi bản thân và không giữ được bình tĩnh khi uống rượu.

Bảy chuyên gia giỏi nhất của chúng tôi khám và điều trị cho Nair. Người lớn tuổi nhất trong số họ, một chuyên gia về tâm thần học bác sĩ Nagulendran, trong một bản báo cáo vào ngày 23/3 viết: “Ông ta (Nair) đã mắc bệnh nghiện rượu, được thể hiện qua những đặc điểm như sau: uống thường kỳ lượng rượu lớn, liên tục; có tâm lý phụ thuộc vào rượu; giảm trí nhớ; thỉnh thoảng có ảo giác; bị bất lực; thay đổi tâm tính; phá vỡ sự hòa thuận trong hôn nhân”.

Theo hiến pháp, tổng thống không thể phạm vào bất kỳ tội trạng nào. Nếu tổng thống gây chết người trong khi đang lái xe có tác động của rượu thì điều đó sẽ gây phẫn nộ trong công chúng. Nội các đã thảo luận vấn đề này trong nhiều cuộc họp và quyết định rằng Nair phải từ chức trước khi xuất viện, hoặc nghị viện sẽ phải cách chức ông ta. Các bộ trưởng thâm niên, đặc biệt là Raja, Eddie Barker và tôi rất đau lòng khi phải sa thải một đồng sự lâu năm như vậy.

Chúng tôi cảm thông với gia đình ông ta nhưng chúng tôi không có sự chọn lựa nào khác; giữ ông ta lại trong chức vụ sẽ gây nhiều tai họa hơn.

Ngày 27/3, khi Nair đã thực sự hồi phục để hiểu được hậu quả của những gì mà ông ta đã làm, Raja và tôi gặp ông ta tại Bệnh viện đa khoa Singapore. Sau một lúc do dự, ông ta đồng ý từ chức.

Ngày hôm sau, 28/3, Nair viết cho tôi: “Cách đây gần một năm, tôi biết mình mắc bệnh nghiện rượu nặng. Chỉ khi đó sự dối trá mới bắt đầu. Đôi khi tôi có nghĩ đến việc thú nhận với ông, nhưng rồi tôi đã trì hoãn bởi sự yếu đuối của mình. Lần cuối cùng tôi sắp sửa thú nhận với ông khi chúng ta gặp nhau ở văn phòng của tôi cách hai tuần trước khi tôi đến Kuching. Tôi đã bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để trở nên trong sạch. Điều này cho thấy tôi đã sụp đổ hoàn toàn”.

Hai tuần sau, trong một lá thư khác đề ngày 11/4, Nair viết:

“Tôi vẫn còn nhớ một vài điều, những hành vi không hay của tôi ở Singapore trong suốt hai tuần trước khi tôi đến Kuching. Tuy nhiên, điều làm tôi sợ chính là tôi không thể nhớ lại tôi đã cư xử như thế nào ở Kuching như các bản báo cáo đã viết. Đương nhiên những báo cáo đó hẳn là sự thật, vì các nhân chứng đã chứng thực những hành vi của tôi và những điều tai tiếng mà tôi đã làm. Điều làm tôi rối trí hơn, ít nhất là ở hai trường hợp mà tôi còn có những ký ức rất rõ ràng, nhưng các bản báo cáo đã mâu thuẫn với sự thật và sau đó còn có người làm chứng. Tôi không nói dối. Một số người trong bọn họ có thể là những kẻ nói dối, tôi tin điều đó, dĩ nhiên không phải tất cả bọn họ đều là những kẻ nói dối. Ngày trước, người ta nói về người bị ma ám. Tôi đã bị ma ám chăng? Hay chính là bác sĩ Jekyll và ngài Hyde?

Có lẽ có một vài sự thương tổn trong não. Một số chức năng não của tôi hẳn đã bị suy yếu; song phải xem xét nó ở mức độ nào. Và những thương tổn kia đã được khôi phục lại ở mức độ nào? Đó là điều phải cân nhắc”.

Tôi có hai vai trò: vai trò đầu tiên là một thủ tướng, phải bảo vệ danh dự cho một tổng thống và danh dự cho Singapore; vai trò thứ hai là cá nhân người bạn, buộc tôi phải cứu vớt ông ta. Sau vài ngày ở bệnh viện, chúng tôi đưa ông ta đến Changi Cottage điều trị chứng nghiện rượu. Ông khăng khăng đòi tìm một ashram (nơi ẩn dật) ở Ấn Độ để thiền định và điều trị cho bản thân theo cách của người Hindu. Tôi cho rằng cách đó không thể chữa cho ông ta tốt hơn nên đã giục ông đi điều trị. Sau những lời thuyết phục chân tình của Raja, Eddie, S.R. Nathan và một người bạn thân từ thời NTUC (ông này về sau trở thành tổng thống của chúng tôi), ông ta đồng ý đến Caron Foundation ở Mỹ. Một tháng sau, việc chữa trị đã thành công.

Nair nhất định đòi chúng tôi trả lương hưu cho ông. Không có điều khoản nào trong hiến pháp quy định tiền lương hưu cho tổng thống. Nội các quyết định cấp cho Devan một khoản lương hưu vì cảm thông nhưng với điều kiện là ông ta phải cho các bác sĩ của chính phủ thỉnh thoảng theo dõi bệnh trạng của ông ta. Eddie Baker dàn xếp việc này với Nair và đệ trình giải pháp lên nghị viện. Sau đó Nair đã bác bỏ nó, phủ nhận việc ông ta chấp nhận điều kiện đó. Song chính phủ đã không chấp nhận gạt bỏ điều kiện và Nair lấy đó làm bực dọc.

Một năm rưỡi sau, trong một bức thư công bố trên Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (FEER) ngày 29/1/1987, Nair phủ nhận ông từng mắc bệnh nghiện rượu. Thứ trưởng Bộ Y tế gởi cho Nair và FEER một lá thư đề ngày 14/2/1987, có chữ ký của bảy bác sĩ từng trị bệnh cho Nair vào tháng 3 và tháng 4/1985, khẳng định sự chẩn đoán của họ đối với chứng nghiện rượu của Nair. Không có bác sĩ nào phủ nhận chứng cứ này.

Tháng 5 năm 1988, Nair xen vào trường hợp của Francis Seow, nguyên cố vấn pháp luật của chính phủ. Người này thú nhận rằng ông ta đã nhận được một sự bảo đảm tị nạn từ một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ. Nair công kích tôi, nói rằng tôi cũng đã từng làm như thế khi tôi vận động sự ủng hộ của quốc tế trong cuộc chiến chống phần tử quá khích người Malay ở Malaysia, có nghĩa là tôi sẽ bỏ chạy khỏi Malaysia nếu xảy ra rắc rối. Khi Nair từ chối rút lại những luận điệu sai sự thật của ông ta, tôi đã kiện ông ta và đưa ra hồ sơ có sẵn trong nghị viện gồm những tư liệu có liên quan đến chứng bệnh nghiện rượu của ông ta.

Sau khi các tư liệu này được công bố, Nair rời khỏi Singapore và không trở lại. Mười một năm sau (1999), tại Canada, trong một cuộc phỏng vấn, Nair nói người ta đã chẩn đoán sai bệnh trạng của ông, rằng tôi đã lệnh cho các bác sĩ cho ông ta uống những loại thuốc gây ảo giác và dựng chuyện ông nghiện rượu. Đúng như bác sĩ Nagulendran đã từng cảnh báo chúng tôi, có sự “thay đổi nhân cách”.

Sai lầm của tôi trong việc đề cử Nair là không kiểm tra trước khi quyết định, vì đinh ninh rằng mọi việc với ông ta đều tốt. Sau vụ bê bối của ông ta, tôi có trao đổi với Ho See Beng, một trong những người bạn hoạt động công đoàn thân nhất của Nair. See Bang, một nghị sĩ, khẳng định rằng Nair từng nghiện rượu nặng trước khi ông ta được nghị viện bầu làm tổng thống. Tôi đã hỏi Beng tại sao không cảnh báo cho tôi biết nguy cơ này thì ông ta đáp rằng chưa bao giờ Nair biểu hiện triệu chứng của sự sụp đổ. Nếu như lòng trung thành của See Beng không đặt sai chỗ thì hẳn See Beng đã báo cho tôi biết nguy cơ này. Và chúng tôi hẳn đã không phải chịu nhiều đau khổ và lâm vào tình thế khó xử.

Cho dù Nair đã nói và làm những gì, ông ta cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng một đất nước Singapore hiện đại. Ông đã từng đứng lên chống lại khi cộng sản tấn công đảng PAP vào những năm 1960, và ông ta đã khởi đầu hiện đại hóa phong trào công nhân để hình thành công đoàn NTUC, một tổ chức góp phần quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Singapore.