Hồi Ức Về Những Cô Gái Điếm Buồn Của Tôi

Chương 4

Đầu năm mới, chúng tôi bắt đầu quen như hai người sống chung và cùng tỉnh táo, bởi vì tôi đã tìm được một âm độ giọng nói cẩn trọng khiến cô bé dù không tỉnh dậy nhưng vẫn nghe hiểu được, và trả lời tôi bằng ngôn ngữ tự nhiên của thân thể mình. Trạng thái tâm lý của cô bé được biểu lộ qua cách ngủ. Từ chỗ mệt mỏi kiệt sức và hoang dại thuở ban đầu, dần dần thể trạng nội tâm em thanh thản hơn làm cho sắc mặt cũng ngày càng đẹp và làm phong phú hơn giấc ngủ mơ. Tôi kể cho em về cuộc đời mình, đọc vào tai em bản thảo các bài báo chủ nhật trong đó hình ảnh của em, và chỉ duy nhất của em, ẩn hiện trong từng dòng mà không cần phải viết ra thành văn.

Tôi để trên gối đôi hoa tai bằng cẩm thạch vốn là của mẹ tôi trước đây. Lần gặp sau, cô bé đeo vào tai nhưng trông không đẹp. Tôi lại đưa những bông tai khác hợp hơn với màu da của em. Tôi giải thích: Những chiếc hoa tai đầu tiên không phù hợp với kiểu tóc em. Những chiếc hoa tai này sẽ hợp với em hơn. Cô bé không đeo bất cứ loại nào trong những lần gặp sau đó, nhưng lần thứ ba thì đeo loại tôi đã chỉ dẫn. Thế là tôi hiểu ngay là cô bé không làm theo mệnh lệnh nhưng vẫn sẵn sàng dành cơ hội chiều theo ý thích của tôi. Những ngày đó tôi đã quen với lối sinh hoạt gia đình này, nhưng tôi không ngủ loã thể nữa mà mang theo bộ quần áo ngủ bằng lụa Trung Hoa đã lâu không dùng đến vì không có ai cởi cho tôi.

Tôi bắt đầu đọc cho cô bé Hoàng tử bé của Saint-Exupéry, một tác giả người Pháp được độc giả khắp thế giới khâm phục hơn chính người Pháp. Lúc đầu tôi đọc truyện mua vui mà không đánh thức cô bé dậy, thậm chí phải đến hai ngày liền để đọc cho xong cuốn sách. Sau đó chúng tôi tiếp tục với Truyện ngắn của Perrault, và Lịch sử thiêng liêng, Nghìn lẻ một đêm với các bản in được lành mạnh hóa dành cho trẻ em, và tôi nhận thấy tuỳ theo mạch truyện mà giấc ngủ của em sâu hay nông. Khi cảm thấy em đã thực sự ngủ sâu, tôi liền tắt đèn ôm cô bé ngủ cho đến khi gà gáy sáng.

Tôi cảm thấy hạnh phúc đến mức nhẹ nhàng hôn lên mí mắt của cô bé, và đêm nọ trong một loáng như ánh sáng vụt trên trời: cô bé mỉm cười lần đầu tiên. Sau đó, em lại vô cớ quay lưng lại phía tôi, và bực tức nói: Chính con bé Isabel làm cho những con ốc phải khóc. Kích thích bởi ảo giác một cuộc đối thoại, tôi liền hỏi lại em bằng chính giọng điệu đó: Thế những con ốc là của ai? Cô bé không trả lời. Tiếng nói của em mang đậm chất bình dân nhưng dường như không phải của em mà của ai đó nằm chính trong cơ thể của em nói ra. Mọi nghi ngờ nhanh chóng biến mất khỏi tâm hồn tôi: tôi thích em trong trạng thái say ngủ.

Vấn đề duy nhất của tôi là con mèo. Nó chán ăn và cáu bẳn, hai ngày liền nằm co quắp ở góc nhà và hung hãn cào cấu khi tôi định bỏ nó vào giỏ mây cho Damiana đưa đến bác sĩ thú y. Ngay sau khi nhét được nó vào túi sợi cây xương rồng, Damiana liền đưa đi ngay. Một lúc sau, từ trại nuôi mèo bà ta gọi về xin lệnh của tôi để giết con mèo vì không còn cách nào khác. Tại sao? Bởi vì nó quá già, Damiana nói. Tôi bực bội nghĩ rằng ngay như mình cũng có thể bị rang sống trên lò nướng thịt mèo. Tôi cảm thấy bất lực giữa hai ngọn lửa: tôi chưa học được tình cảm yêu thương mèo, nhưng cũng không có trái tim đủ tàn nhẫn để ra lệnh giết con mèo chỉ đơn giản vì nó quá già. Sách hướng dẫn để đâu mất rồi nhỉ?

Sự kiện này làm tôi xúc động mạnh đến nỗi tôi phải viết một bài báo cho số chủ nhật với đầu đề ăn cắp được của Neruda[7]: Có đúng mèo là một con hổ nhỏ ở phòng khách hay không? Bài báo, một lần nữa, lại gây nên một cuộc tranh cãi rầm rộ chia bạn đọc thành hai phe, một phe ủng hộ một phe chống lại loài mèo. Trong năm ngày đầu đã thắng thế luận điểm cho rằng việc hạ thủ con mèo là hợp lý nhưng vì lý do bảo vệ sức khoẻ cộng đồng chứ không phải vì nó quá già.

Sau cái chết của mẹ, tôi thường lo lắng rằng khi ngủ sẽ bị ai đó đụng đến người mình. Một tối nọ, tôi cảm thấy điều này, nhưng tiếng nói của ai đó làm tôi an tâm: Figlio mio poveretto[8]. Tôi lại cảm nhận được điều này một lần nữa vào buổi sáng sớm trong phòng của Delgadina, và tôi sung sướng nghĩ rằng cô bé đã chạm vào người tôi. Nhưng không phải: người đó chính là Rosa Cabarcas đang đứng trong bóng tối. Ông mặc quần áo vào và đi theo tôi ngay, bà ta nói, đang có chuyện rắc rối to.

Chuyện nghiêm trọng hơn nhiều so với sự tưởng tượng của tôi. Một trong những khách hàng sộp nhất của nhà chứa vừa bị đâm chết ngay trong phòng đầu tiên. Kẻ giết người đã bỏ trốn. Thi thể mập ú, không quần áo nhưng lại đi giày trông tái mét như con gà luộc đang nằm trong vũng máu ngay trên giường. Vừa bước chân vào tôi đã nhận ra ngay ông ta: J.M.B., một chủ ngân hàng lớn, nổi tiếng về thân xác khổng lồ, về tính thân thiện và cách ăn vận, và nhất là về nề nếp gia phong. Ở cổ có hai vết thương tím ngắt như hai vành môi và ở bụng có một vết đâm dài vẫn còn chảy máu. Thịt da vẫn còn mềm. Ngoài các vết thương, tôi có ấn tượng mạnh hơn cả là thấy chiếc bao cao su đã được lồng vào dương vật và hình như chưa kịp dùng trong hành động tình dục thì đã bị đâm chết.

Rosa Cabarcas không biết ông ta đã đi với ai bởi vì ông ấy cũng có đặc quyền đi cửa sau phía vườn cây. Cũng không loại trừ kẻ đi cùng cũng là một người đàn ông. Bà chủ nhà chỉ muốn nhờ tôi giúp mặc lại quần áo cho thi thể. Bà ta tin chắc là tôi đang lo lắng nghĩ rằng chuyện chết chóc ở đây xảy ra như cơm bữa. Không có việc gì khó hơn là mặc quần áo cho một người chết, tôi nói với bà ta. Tôi làm việc này vì sự chăn dắt của Chúa Trời, bà ta đáp lại. Nếu có ai giữ hộ tôi cái xác chết thì công việc sẽ dễ dàng hơn. Tôi nhắc bà ta: Thế bà đã hình dung ra việc không ai lại tin một xác chết đầy vết đâm chém lại được mặc trong bộ quần áo của một công tử còn nguyên vẹn chứ?

Tôi run lên vì lo sợ cho Delgadina. Tốt nhất là ông mang con bé đó đi theo, Rosa Cabarcas nói với tôi. Thà chết còn hơn, tôi nói với bà ta miệng đắng ngắt. Bà ta nhận ra ngay tất cả và không dấu sự khinh khi: Ông đang run cầm cập! Vì con bé đấy, tôi nói dù chỉ là phân nửa sự thật. Bà phải báo cho con bé ra đi trước khi có ai đó đến đây. Nhất trí thôi, bà ta nói, mặc dù ông sẽ chẳng gặp rắc rối nào đâu vì là nhà báo. Bà cũng thế, tôi nói với chút bực mình. Bà là người duy nhất thuộc phái tự do được quyền lãnh đạo chính phủ này.

Thành phố này vốn được tiếng là yên bình và an toàn kể từ khi mới ra đời, ấy thế mà năm nào cũng có một vụ giết người dã man và đầy tai tiếng. Cái chết nọ cũng chưa phải là tất cả. Bản tin chính thức với tít lớn và đầy ắp chi tiết giải thích rằng ông chủ ngân hàng trẻ tuổi đã bị đâm nhiều nhát dao đến chết trên đường quốc lộ Pradomar vì lý do khó hiểu. Ông chưa từng có kẻ thù. Thông báo của chính quyền thì chỉ rõ nghi ngờ rằng những kẻ sát nhân có thể nằm trong số những người tỵ nạn từ quê ra các thành phố hiện đang gây nên một làn sóng tội phạm hình sự hoàn toàn xa lạ với ý thức công dân của tuyệt đại dân chúng. Ngay trong những giờ đầu tiên đã có hơn năm mươi người bị bắt.

Tôi đến và cãi vã ồn ào với biên tập viên phụ trách tư pháp, một nhà báo điển hình của những năm hai mươi, đầu đội mũ lưỡi trai nhựa màu xanh và ống tay áo cài khuy, lúc nào cũng muốn đi trước mọi sự việc. Tuy nhiên, lúc này anh ta chỉ biết một vài chi tiết vụn vặt liên quan đến tội ác, và tôi phải bổ sung thêm những chi tiết khác một cách hết sức thận trọng. Và thế là hai chúng tôi cùng viết một bản tin dài năm trang đánh máy được đăng tám cột trên trang nhất của báo với lời chú giải là theo nguồn tin đáng tin cậy, một thứ bóng ma muôn thuở mà nhà báo chúng tôi vẫn sử dụng. Nhưng Người đàn ông đáng ghét vào lúc chín giờ – tức nhân viên kiểm duyệt vào lúc báo chuẩn bị lên khuôn – không hề run tay sửa lại nội dung cho giống y thông báo chính thức coi đó là vụ tấn công của bọn cướp đường thuộc đảng tự do. Tôi tự an ủi lương tâm bằng việc vác bộ mặt sầu thảm cùng đông đảo mọi người đi trong đám tang bỉ ổi và đông đúc nhất của thế kỷ.

Tối hôm ấy, vừa về đến nhà là tôi đã gọi điện ngay cho Rosa Cabarcas để hỏi xem Delgadina có việc gì không nhưng không có ai trả lời suốt bốn ngày liền. Ngày thứ năm, tôi nghiến răng đến nhà bà ta. Các cửa ra vào đều bị niêm phong, không phải do cảnh sát mà là do ngành y tế. Những người hàng xóm không hay biết một tý gì. Không có một dấu hiệu nào về Delgadina khiến tôi phải bắt đầu cuộc tìm kiếm quyết liệt và nhiều khi quá lố bịch đến mức thở hổn hà hổn hển vì kiệt sức. Suốt trong nhiều ngày liên tục tôi ngồi ở bậc thang lên xuống tại công viên đầy bụi bặm nơi bọn trẻ con vẫn nghịch ngợm leo lên tượng đài Simón Bolivar, và quan sát tất cả những cô gái trẻ đi xe đạp. Họ đạp xe qua lại như những con nai tơ đẹp, gần gũi tưởng như nhắm mắt cũng chộp được. Khi đã hết hy vọng, tôi liền lẩn trốn vào nỗi an bình của điệu hát bolero. Cứ như một kẻ bị say chất men độc: mỗi lời bài hát đều gợi nhớ cô bé. Trước đây tôi luôn cần có sự im lặng để viết vì hồn tôi thấm đậm chất âm nhạc hơn là chất văn chương. Nhưng bây giờ thì ngược lại: tôi chỉ viết được trong tiếng nhạc belero. Hình ảnh em đầy ắp đời tôi. Trong suốt hai tuần lễ đó, những bài báo tôi viết đều trở thành những bức thư tình mẫu mực. Ngược hẳn với số đông độc giả trong các bức thư gửi đến, ông trưởng ban biên tập lại đề nghị tôi hạ nhiệt bớt lửa tình yêu trong khi chúng tôi nghĩ cách làm sao an ủi cho được những kẻ tình si.

Từ cảnh bất an trong lòng đã làm suy kiệt sức lực của tôi. Tỉnh dậy từ năm giờ sáng nhưng tôi vẫn nằm trong bóng tối chập choạng của phòng ngủ để hình dung ra Delgadina trong đời thực đang đánh thức các em dậy, mặc quần áo cho chúng đến trường, cho chúng ăn sáng nếu như có thứ để ăn, rồi sau đó đạp xe xuyên qua thành phố để thực hiện án phạt suốt ngày ngồi đơm cúc áo. Tôi kinh ngạc tự hỏi: Trong khi đơm cúc áo, người phụ nữ sẽ nghĩ gì nhỉ? Nghĩ đến tôi chăng? Liệu cô bé có đi tìm Rosa Cabarcas để lại được gặp tôi không nhỉ? Suốt cả tuần lễ tôi không thay quần lót, không tắm gội, không cạo râu, không đánh răng bởi vì tình yêu đến với tôi quá muộn để làm đẹp với ai được nữa. Damiana tưởng tôi bị ốm khi thấy tôi nằm loã thể trên võng vào lúc mười giờ sáng. Tôi nhìn bà ta với đôi mắt đắm đuối và rủ cả hai cùng loã thể luôn. Bà ta khinh khỉnh nói với tôi:

– Ông có nghĩ mình sẽ làm được gì nếu tôi đồng ý?

Thế là tôi mới chợt hiểu nỗi đau khổ đang gặm nhấm người tôi đến mức độ nào. Tôi không còn nhận ra chính mình trong nỗi đau thơ dại. Tôi không dám rời khỏi nhà vì sợ lỡ mất những cú điện thoại gọi đến. Tôi ngồi viết mà không rời khỏi chiếc điện thoại, mỗi tiếng chuông reo lại làm tim tôi nhảy bắn lên vì nghĩ rằng đó là Rosa Cabarcas gọi đến. Thỉnh thoảng tôi lại ngừng công việc để gọi cho bà ta, và suốt ngày tôi gọi liên tục cho đến khi hiểu rằng chiếc điện thoại hoàn toàn vô cảm.

Một buổi chiều mưa, vừa trở về nhà, tôi đã thấy con mèo nằm cuộn tròn ở ngay bực cửa ra vào. Trông nó bẩn thỉu, tàn tạ một cách đáng thương. Quyển sách hướng dẫn chỉ ra rằng nó đang bị ốm và tôi phải thực hiện một số biện pháp để cứu nó. Khi định đi nghỉ, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ là chính nó có thể dẫn tôi lần theo dấu vết của Delgadina. Tôi đem nó trong túi đi chợ đến tận nhà của bà Rosa Cabarcas, lúc này vẫn còn bị niêm phong nên không có một tí dấu hiệu sự sống nào. Con mèo hăng hái nhảy ra khỏi cái túi xuống vườn và mất hút trong lùm cây. Tôi gõ cửa và nghe thấy một tiếng nói của một quân nhân nào đó: Ai đến đây? Người lương thiện đây, tôi nói. Tôi đến tìm bà chủ quán. Ở đây không có bà chủ nào cả, tiếng nói lại vọng từ trong nhà ra. Tối thiểu cũng nhờ ông mở cửa để tôi tìm con mèo, tôi nài nỉ. Không có mèo nào cả, ông ta nói. Tôi hỏi: Ông là ai vậy?

– Chẳng là ai cả – Giọng nói vọng ra.

Tôi luôn hiểu rằng chết vì tình chẳng qua chỉ như tấm giấy pháp bằng thơ ca mà thôi. Buổi chiều hôm đó, khi trở về nhà, không có mèo và cô bé đi cùng, tôi nghiệm ra rằng mình không chỉ có thể sẽ chết mà thực ra thì đang chết dần chết mòn vì tình. Nhưng tôi cũng nhận thấy một sự thật ngược hẳn lại: niềm vui trong đau khổ của tôi vẫn không hề thay đổi. Tôi đã mất mười lăm năm để cố dịch bằng được một bài hát của Leopardi và mãi đến chiều hôm đó tôi mới cảm nhận một cách sâu sắc ý nghĩa của nó: Hồn tôi sao đớn đau, tình yêu sao đắng cay.

Mọi người vô cùng lo lắng khi thấy tôi mặc quần áo lót và râu ria lởm chởm bước vào toà báo. Toà nhà mới được nâng cấp, mỗi người một ngăn, chung ánh sáng đèn chiếu từ trên trần, mới nhìn cứ tưởng như trong nhà hộ sinh. Bầu không khí im lặng giả tạo khiến ai cũng phải nói năng nhỏ nhẹ và đi lại rón rén. Ở tiền sảnh treo ba bức tranh sơn dầu vẽ ba chủ bút đảm đương chức vụ suốt đời, trông như các vị phó vương đã chết và những bức ảnh của các vị khách quý. Phòng họp chính rộng rãi treo bức ảnh khổng lồ của toàn bộ ban biên tập hiện nay chụp hôm sinh nhật tôi. Tôi liên tưởng ngay đến bức chụp hồi tôi ba mươi tuổi và một lần nữa tôi sợ hãi nhận ra trong ảnh mình còn già đi nhanh và tệ hại hơn nhiều so với trong đời thực. Cô thư ký hôn tôi trong buổi mừng sinh nhật đã hỏi có phải tôi đang ốm không. Tôi sung sướng nói thật điều mà chắc cô ta không tin: Tôi đang ốm vì tình. Cô ta nói: Tiếc là không phải vì em! Tôi đáp lại: Biết đâu đấy.

Tay biên tập viên phụ trách khối tư pháp vừa đi ra khỏi khoang làm việc vừa nói to rằng ở khu vực nhà hát thành phố có hai xác chết con gái chưa xác định được danh tính. Tôi giật mình hỏi lại: Cỡ mấy tuổi? Trẻ lắm, ông ta nói. Có thể là những người chạy loạn ở tỉnh lên bị bọn đao phủ của chính quyền đuổi theo giết chết. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tình hình căng thẳng này cứ lẳng lặng xâm nhập vào chúng ta như một vết máu loang mãi, tôi nói. Tuy đã đi xa, nhưng tay biên tập khối tư pháp vẫn hét to:

– Không phải như vết máu, sư phụ ơi, mà là bãi cứt.

Mấy ngày sau, tôi còn gặp điều tệ hại hơn nữa. Hôm đó, có một cô gái mang cái túi giống hệt túi đựng mèo hôm trước bất ngờ đi qua trước quán sách Mundo như một luồng gió lạnh. Tôi vội vàng đuổi theo cô ta, chen chúc giữa đám đông vào lúc mười hai giờ trưa nóng như đổ lửa. Cô ta rất đẹp, bước đi thật dài và mềm mại, khéo léo len lỏi giữa những người bộ hành đông đảo khiến tôi rất vất vả bám theo. Cuối cùng thì tôi cũng đuổi kịp và nhìn thẳng vào mặt cô ta. Cô bé lấy tay gạt mạnh tôi ra mà không thèm nói lời xin lỗi và tiếp tục bước đi. Không phải là cô bé mà tôi đang tìm kiếm, nhưng chính tính cách cao ngạo của cô ta còn làm tôi đau đớn hơn cả việc nếu cô ta chính là em bé của tôi. Ngay tức khắc tôi hiểu rằng mình không thể nhận ra Delgadina khi cô bé thức và mặc quần áo và rằng cô bé cũng không thể biết tôi là ai vì có bao giờ nhìn thấy đâu. Trong ba ngày điên rồ, tôi ngồi đan mười hai đôi tất màu xanh và hồng cho trẻ sơ sinh, cố gắng không nghe, không hát, không tơ tưởng đến những bài hát khiến tôi nhớ đến Delgadina.

Tôi thực sự chẳng biết làm gì với nỗi đau tâm hồn và bắt đầu nhận ra mình đã già, bất lực trước tình yêu. Minh chứng đau đớn cho việc này chính là vụ tai nạn mà tôi đã chứng kiến: một chiếc xe buýt cán một cô gái đi xe đạp ngay giữa trung tâm khu thương mại. Khi xe cấp cứu vừa đưa cô bé đi khỏi, mọi người mới thấy hết cảnh nát vụn của chiếc xe đạp trong vũng máu tươi. Tôi xúc động mạnh không chỉ vì đám sắt vụn mà chính vì chiếc xe đạp có cùng nhãn hiệu, mẫu mã và màu sắc giống hệt chiếc mà tôi đã tặng Delgadina.

Các nhân chứng đều xác nhận người đi xe đạp bị thương là một cô gái rất trẻ, cao và gầy, có mái tóc cắt ngắn xoăn tít. Hoàn toàn hoảng hốt, tôi vội nhảy lên chiếc taxi đầu tiên đi qua để đến bệnh viện Tế bần, một căn nhà cổ lỗ tường bằng đất thổ hoàng trông chẳng khác gì nhà tù. Tôi phải mất nửa tiếng đồng hồ để vào và nửa tiếng khác để ra khỏi khu vườn cây đầy mùi hương thơm của trái cây nơi một người đàn bà khốn khổ chặn ngang đường và nhìn chằm chằm vào mắt tôi, nói:

– Tao là người mà bây không đến tìm đây.

Đến lúc đó tôi mới nhớ ra là ở trong vườn này có những người điên hiền lành của cả quận được tự do đi lại. Tôi phải đưa thẻ nhà báo cho ban giám đốc bệnh viện, họ mới chịu cử một y tá dẫn đến phòng cấp cứu. Trong sổ nhập viện có ghi các số liệu: Tên họ Rosalba Rios, mười sáu tuổi, không rõ nghề nghiệp. Triệu chứng: vỡ hộp sọ, choáng. Chẩn đoán tiếp tục theo dõi. Tôi hỏi trưởng phòng cấp cứu liệu có thể đến tận nơi thăm cô ta được không với hy vọng là ông ta từ chối, nhưng họ lại vui vẻ dẫn đi ngay để mong tôi có bài viết về tình trạng tồi tàn của bệnh viện đang bị bỏ rơi.

Chúng tôi đi qua căn phòng màu mè loè loẹt sặc mùi a-xít fénic với những bệnh nhân nằm chất đống trên giường. Cuối phòng, trong một buồng đơn để chiếc cáng bằng sắt trên đó nằm thẳng đơ cô gái mà chúng tôi đang tìm. Hộp sọ quấn đầy băng trắng, bộ mặt không còn nhận ra được nữa, sứt sẹo và tím bầm, nhưng chỉ nhìn đôi bàn chân tôi cũng biết là không phải cô bé cần tìm. Tôi bỗng tự hỏi: Mình sẽ làm gì nếu đúng là cô bé nhỉ?

Dù trong lòng còn rối tinh lên vì chuyện tối hôm trước, nhưng ngày hôm sau tôi vẫn có đủ lòng can đảm đi đến tận nhà máy may áo sơ mi, nơi theo lời của Rosa Cabarcas là cô bé đang làm việc. Tôi xin phép ông chủ nhà máy cho đi xem các phân xưởng có thể sẽ thành hình mẫu của một dự án tầm cỡ châu lục của Liên hợp quốc. Ông chủ, một người Libăng da thô dày và ít nói đã mở toang vương quốc của mình với hy vọng sẽ được đầu tư thành một tấm gương toàn cầu.

Trong một khung nhà rộng lớn ngập trong ánh điện, ba trăm thiếu nữ mặc áo blu trắng với vết tro bôi trên trán[9] đang mải miết đơm cúc. Khi biết chúng tôi vào, họ đều ngước nhìn lên như những cô học trò nhỏ và liếc nhìn chúng tôi trong khi viên quản đốc giảng giải về những đóng góp của họ cho nền nghệ thuật đơm cúc áo. Tôi quan sát bộ mặt từng cô và phấp phỏng lo sợ phát hiện ra Delgadina mặc đủ quần áo và đang thức. Nhưng chính một trong số các cô gái lại phát hiện ra tôi bằng ánh mắt thán phục đến dễ sợ và hỏi không chút nể nang:

– Thưa ông, có phải chính ông là người viết các bức thư tình trên báo không ạ?

Tôi chưa bao giờ hình dung nổi một bé gái say ngủ lại có thể gây ra chuyện khó xử cho mình như vậy. Tôi trốn chạy khỏi nhà máy không kịp chia tay với ai và cũng chẳng kịp suy nghĩ xem liệu trong số các thiếu nữ trinh nguyên kia có người con gái mình đang cố tìm hay không. Khi ra khỏi tôi chỉ có một tình cảm duy nhất trên đời là muốn khóc.

Sau đúng một tháng thì Rosa Cabarcas gọi điện đến để đưa ra lời giải thích không tưởng tượng nổi: bà ta đã có những ngày nghỉ xứng đáng ở thành phố Cartagena sau vụ giết hại ông chủ ngân hàng. Tất nhiên là tôi không tin lời bà ta, nhưng cũng chúc mừng bà ta đã tai qua nạn khỏi và để bà ta huyên thuyên tiếp những điều dối trá trước khi hỏi điều đang làm tim tôi thổn thức:

– Thế cô bé thì sao?

Rosa Cabarcas im lặng một lúc lâu. Nó vẫn ở đó, mãi sau bà ta mới nói, nhưng lại cố tìm cách lảng tránh: Phải chờ thêm một thời gian nữa. Bao nhiêu lâu? Tôi vẫn chưa dự kiến được, rồi tôi sẽ báo cho ông biết. Tôi thấy bà sắp cúp máy liền nói ngay: Chờ tí đã, phải cho tôi chút ánh sáng chứ. Không có tia sáng nào cả, bà ta nói, và kết luận: Ông phải cẩn thận đấy vì chuyện này có thể làm hại ông, và nhất là làm hại con bé. Tôi không phải là kẻ hay nhõng nhẽo đâu. Tôi năn nỉ bà ta cho phép dù một lần duy nhất tiếp cận đến sự thật. Dù sao đi nữa, tôi nói, tôi và bà đều là tòng phạm cả mà. Bà ta không hề lùi bước. Yên tâm đi, bà ta nói, con bé vẫn khoẻ mạnh và vẫn chờ tôi gọi điện, nhưng ngay lúc này chẳng có chuyện gì làm đâu và tôi cũng không nói gì thêm nữa. Xin chào ông.

Tôi vẫn cầm chiếc điện thoại trên tay mà không biết tiếp tục nói gì được nữa, bởi vì đã quá biết không thể moi ở bà ta bất cứ chuyện gì bằng cách ép buộc. Quá trưa, tôi lại đi đến nhà bà ta, chỉ còn chờ trông vào điều may rủi. Căn nhà vẫn cửa đóng then cài cùng với dấu niêm phong của ngành y tế. Tôi nghĩ là Rosa Cabarcas đã gọi tôi từ một nơi khác, có thể từ thành phố khác, đó quả là một điềm xấu. Tuy vậy, lúc sáu giờ chiều, thời khắc ít ngờ nhất, bà ta đã xổ qua điện thoại đến tôi những ký hiệu riêng của mình:

– Này, bây giờ được rồi đấy.

Mười giờ đêm, toàn thân run rẩy và môi mím chặt để khỏi bật ra tiếng khóc, tôi mang theo những hộp sô- cô- la Thuỵ Sĩ, bánh mật hạnh nhân và kẹo cùng một giỏ hoa hồng cháy đỏ để phủ lên giường. Cánh cửa khép hờ, đèn sáng và từ chiếc đài bán dẫn vọng ra bản sonat số một cho violon và piano của Brahms. Delgadina nằm trên giường rực rỡ và khác lạ khiến mãi tôi mới nhận ra.

Cô bé đã lớn hơn, nhưng không phải là về kích thước mà về nét già dăn hơn hai hoặc ba tuổi, và trông cũng loã thể hơn bao giờ hết. Đôi gò má như cao hơn, làn da sạm nắng biển, đôi môi mỏng, mái tóc cắt ngắn và xoăn tít khiến bộ mặt em có nét rạng rỡ của tượng Apolo của Praxíteles. Cặp vú của em cũng phổng phao hẳn lên không còn nằm gọn trong lòng bàn tay tôi được nữa, vòng eo cũng đã định hình, khung xương đã trở nên rắn rỏi và hài hoà hơn hẳn. Tôi say sưa với những thành tựu của tự nhiên nhưng lại hốt hoảng trước những nét giả tạo: lông mi giả, móng tay và móng chân sơn màu sẫm xà cừ và một mùi nước hoa sực nức chẳng có vẻ gì là tình yêu cả. Tuy nhiên, điều làm tôi nổi giận chính là mớ tài sản cô bé mang trên người: khuyên tai khảm ngọc bích, vòng đeo cổ bằng ngọc tự nhiên, một vòng đeo tay lấp lánh và thêu khéo léo, và đôi giày gót bằng. Bụng tôi ứ đầy làn hơi lạ.

– Đồ con điếm! – Tôi thét lên.

Quỷ dữ nói vào tai tôi một ý nghĩ đen tối. Và đúng là như vậy: trong đêm xảy ra tội ác, Rosa Cabarcas có lẽ đã không kịp và không đủ bình tĩnh quay lại báo cho cô bé, và cảnh sát đã thấy cô ta nằm một mình trong phòng, một đứa trẻ vị thành niên, bị ép buộc. Không ai dám hành sự như Rosa Cabarcas trong trường hợp này: bà ta bán trinh của đứa bé cho một trong những viên sếp sòng để đổi lấy sử an toàn của chính mình trong vụ giết người. Điều đầu tiên, tất nhiên là phải làm chìm đi vụ bê bối này. Thật là tuyệt vời làm sao! Một chuyến đi hưởng tuần trăng mật cho cả ba người, cô bé và kẻ nọ thì trên giường còn Rosa Cabarcas thì trên sân thượng khách sạn sang trọng hưởng niềm hạnh phúc được thoát tội. Mù quáng vì sự tức giận quái dị, tôi lần lượt ném mọi thứ trong phòng vào tường: bóng đèn, chiếc dài, chiếc quạt điện, tấm gương, ly, cốc. Tôi không làm vội vã nhưng liên tục, hết sức ồn ào và với niềm say sưa trong khuôn phép cuộc đời. Đứa bé nảy bật lên ngay sau tiếng nổ đầu tiên, nhưng không nhìn tôi mà cuộn tròn mình lại quay lưng về phía tôi và cứ nằm như thế trong cơn co giật sợ hãi cho đến khi dứt tiếng đập phá. Đám gà mái trong vườn và lũ chó cũng làm tăng thêm tiếng hỗn loạn ầm ĩ. Dù tức giận mù quáng, tôi vẫn còn đủ minh mẫn và hứng khởi để sẵn sàng châm lửa đốt nhà thì vừa lúc Rosa Cabarcas trong bộ đồ ngủ bình thản xuất hiện ngay cửa ra vào. Bà ta không nói gì. Bà ta nhìn ước lượng mức độ cảnh tàn phá và thấy rõ bé gái đang nằm cuộn tròn như con ốc, đầu giấu trong hai cánh tay: sợ hãi nhưng còn nguyên vẹn.

– Trời ơi! – Rosa Cabarcas kêu lên – Sao tôi không có được một tình yêu như kiểu này!

Bà ta thương hại nhìn tôi từ đầu đến chân rồi ra lệnh: Đi nào. Tôi đi theo bà ta đến tận phòng. Rosa Cabarcas im lặng đưa cốc nước và ra hiệu cho tôi ngồi đối diện và lắng nghe tôi tâm sự. Nào, bà ta nói, bây giờ thì ông phải cư xử như một người lớn, và nói cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra?

Tôi nói với bà ta những gì mà tôi coi là sự thật vừa phát hiện ra. Rosa Cabarcas im lặng nghe, không hề tỏ ra ngạc nhiên nhưng cuối cùng thì mặt mày cũng rạng rỡ hẳn lên. Tuyệt thật, bà ta nói. Tôi thường nói rằng ghen tuông biết nhiều hơn sự thật. Và bà ta liền nói thẳng tuột mọi chuyện đã xảy ra trong thực tế. Đúng là trong đêm xảy ra tội ác, bà ta nói, vì quá hốt hoảng nên tôi đã quên mất con bé say ngủ trong phòng. Một trong những khách hàng sộp, viên luật sư của người bị sát hại, không những làm việc phân phát quà cáp và hối lộ cho những nơi cần thiết mà còn mời Rosa Cabarcas đi nghỉ ở một khách sạn sang trọng ở thành phố Cartagena để chờ cho vụ xì-can-đan chìm xuồng. Ông hãy tin lời tôi, Rosa Cabarcas nói, trong suốt thời gian đó không lúc nào tôi quên được ông và con bé. Ngày hôm kia tôi mới về đến đây thì gọi điện ngay cho ông, nhưng không ai trả lời. Ngược lại, bé gái thì đến ngay tức thì, nhưng trông nó quá ư thảm hại nên tôi phải tắm táp cho nó hộ ông, phải sắm quần áo và đưa nó đi mỹ viện để người ta sửa sang lại cho nó như một bà hoàng. Ông thấy rõ rồi đó: trông nó tuyệt hảo. Tại sao có quần áo sang trọng ư? Đó là trang phục mà tôi phải thuê cho các em út của mình khi đi khiêu vũ với khách. Đồ trang sức ư? Đó là của tôi cả đấy: chỉ cần sờ vào là ông thấy nó toàn bằng kim cương giả và bằng sắt tây. Thôi, đừng giở trò vớ vẩn nữa.Và và ta kết luận: Ông đến đó ngay đi, đánh thức con bé dậy, xin lỗi nó và giữ lấy nó luôn đi. Ông và con bé xứng đáng được hưởng hạnh phúc hơn ai hết đấy.

Tôi nỗ lực phi thường để tin lời bà ta, nhưng tình vẫn thắng lý. Đồ gái điếm! Tôn nói, trong lòng rừng rực lửa tức giận. Đó chính là các ngươi! Tôi hét to: Đồ gái điếm cứt đái! Tôi không thèm biết gì về bà và bất cứ một mụ đàn bà hư đốn nào khác ở trên thế gian này nữa, càng không cần biết gì về con bé đó. Từ cửa ra và tôi ra dấu vĩnh biệt. Rosa Cabarcas không nghi ngờ điều này.

Cầu chúa lôi ông đi – bà ta nhếch mép buồn bã nói, và quay ngay về đời thực. Dù sao tôi cũng sẽ gửi ông bản khai thiệt hại mà ông đã gây ra ở trong phòng ngủ.