HUN SEN – Nhân vật xuất chúng của Campuchia

- 12 -

Với bảy con mắt của ông, người ta nói Hun Sen có thể nhìn thẩy trước mọi nước cờ mà các kẻ thù của ông đang dự định thực hiện.

Ông đã nói về các con mắt giả khác nhau bằng thủy tinh được Nhật và Liên Xô lắp cho ông sau khi ông bị mù mắt trái trong một trận chiến lớn ngay trước khi Phnom Penh bị thất thủ vào năm 1975, “ Tôi có một con mắt Campuchia và sáu con mắt Nhật “.

Khi các lực lượng kết hợp của phong trào kháng chiến – Pol Pot, Sihanouk và Son Sann – lật đổ chính phủ Heng Samrin không thành công và là tiền thân của chính phủ sau này, chính quyền Hun Sen, phong trào ngày càng vỡ mộng và đã phải viện đến cách gọi tên nhỏ nhen, thậm chí là đê tiện, trong số những lời lẽ khác, như “ tay sai của Việt Nam “, “ bù nhìn”, “ kẻ bị giật dây”, “ kẻ phản bội” và “ Hun Sen chột mắt “. Ông bị chỉ trích là sự có mặt của bộ đội Việt Nam ở Campuchia là “ sự chiếm đóng quân sự “. Những lời khẩu chiến được nói đi nói lại hàng trăm lần đã trở thành biệt ngữ ý thức hệ vốn che đậy đi các vấn đề thực sự của tội diệt chủng và cuộc nội chiến. Những từ này được dùng để chửi mắng những người giải phóng đất nước khỏi chế độ Khơme Đỏ giết người và rồi những lời lẽ ấy đã xức dầu tấn phong Khơme Đỏ lên làm đại diện hợp pháp của Campuchia tại Liên Hiệp Quốc.

Phương Tây và hầu hết các nước châu Á không cộng sản, đã ủng hộ Khơme Đỏ. Họ đã bưng bít tội diệt chủng và làm ngơ trước những tiếng kêu gào công lý bên trong Campuchia và sự đòi hỏi trừng phạt những kẻ gây ra tội ác. Các quốc gia này trở thành vô can với sự thịnh nộ này, họ không nằm trong tầm với của Campuchia. Phong trào kháng chiến đã biết nó có thể thao túng chỉ vì phương Tây và các nước châu Á phi cộng sản vẫn tiếp tục giữ quan điểm không thay đổi. Điều này đã châm dầu thêm vào cơn tức giận của Hun Sen. Nhưng cơn thịnh nộ của ông đã tạm thời được kìm hãm bởi hy vọng một ngày nào đó Khơme Đỏ sẽ bị đưa ra công lý và sự thật được phơi bày.

Cảnh giác trước sự ủng hộ bất hợp lý và vô lương tâm cho Khơme Đỏ, chính phủ Việt Nam đã quyết định để bộ đội tiếp tục ở lại Campuchia để đề phòng phe kháng chiến của Khơme Đỏ quay lại cướp chính quyền. Ngay từ đầu, Hun Sen đã biết câu trả lời cho hai câu hỏi độc địa: Kế hoạch của chính phủ Việt Nam để quân ở lại Campuchia bao lâu? Có phải “ sự chiếm đóng “ đã là một phần của kế hoạch giải phóng đất nước này không?

Hun Sen nói “ Theo các cuộc thảo luận, chúng tôi đã có kế hoạch bộ đội Việt Nam tấn công và sau đó rút quân ngay vào năm 1979. Chính tôi đã nói với Lê Đức Thọ ( Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ) và những người khác rằng nếu họ rút quân và Pol Pot quay trở lại  được, thì càng nhiều người sẽ bị giết. Vào thời điểm đó, các lực lượng của Campuchia không đủ sức chống lại Pol Pot và chúng tôi cần thời gian để củng cố các lực lượng và nền kinh tế của mình”.

Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chính phủ Phnom Penh sẽ không tồn tại. May mắn cho Hun Sen, Hà Nội không bao giờ chao đảo về sự ủng hộ của họ. Bộ trưởng Ngoại giao, Nguyễn Cơ Thạch nói vào tháng 6 năm 1983 là quốc gia của ông sẽ chỉ rút các lực lượng vũ trang khỏi Campuchia sau khi đạt được sự dàn xếp chính trị giữa nước ông và Trung Quốc. Hiệp định đó sẽ bảo đảm là Trung Quốc ngưng viện trợ và trang bị vũ khí cho Khơme Đỏ ; và Việt Nam sẽ rút 14 vạn quân ra khỏi Campuchia. Thời gian đó, Hun Sen đang giữ một vai trò quan trọng là Bộ trưởng Ngoại giao, ông không muốn để bị cô lập trong hoàn cảnh khi chính phủ Việt Nam rút các lực lượng của họ về, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Pol Pot.

Ông nói thêm “ Chính phủ Việt Nam không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi yêu cầu họ như thế. Sau đó chúng tôi đồng ý họ sẽ thử giảm bớt các lực lượng của họ vào năm 1982. Chính phủ Việt Nam giảm quân số, còn chúng tôi sẽ tăng lực lượng của mình lên. Ngay cả khi là một Bộ trưởng Ngoại giao, tôi vẫn can dự vào một chiến lược như thế. Tôi vẫn còn nhớ cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao gồm Campuchia, Lào và Việt Nam ở Hà Nội vào năm 1985, chúng tôi đã đồng ý là các lực lượng bộ đội Việt Nam sẽ rút quân từ 10 tới 15 năm nữa. Nhưng do sự phát triển nhanh chóng của các lực lượng vũ trang Campuchia, và các cuộc đàm phán (hòa bình) giữa Sihanouk và tôi, chúng tôi đã rút các lực lượng bộ đội Việt Nam sớm hơn”.

Nhưng sự lo ngại vẫn được lặp đi lặp lại là Việt Nam sẽ biến Campuchia thành thuộc địa. Một bản tin trên tờ Bangkor Post vào tháng 6 năm 1983 nói rằng Hà Nội xây dựng “ các ngôi làng mở rộng “ ở Campuchia, nơi cứ năm gia đình thì có một gia đình người Việt Nam. Trích dân “ các tài liệu quân sự rất đáng tin cậy “, tờ báo ấy nói rằng các ngôi làng như vậy đã được dựng lên ở Battambang, Koh Kong, và ở các tỉnh dọc biên giới của Campuchia với Việt Nam. Nó nêu ra là Việt Nam đang cố đạt 20% sự pha trộn người Việt Nam vào mọi cấp. Chính quyền trung ương Campuchia đang bị kiểm soát chặt chẽ bởi các chuyên gia Việt Nam được vào ở các cấp cao hơn trong chính quyền để giám sát và hướng dẫn các quan chức của chính phủ Phnom Penh.

Ba năm sau, vào tháng 5 năm 1986, Tân Hoa Xã nói rằng chính phủ Campuchia đã bị kèm phía sau bởi một ủy ban có bí số gồm các cố vấn và các chuyên gia Việt Nam, mà không có những người này chính phủ ấy không thể tồn tại chỉ một ngày. Họ cho biết Hà Nội đã thiết lập một “ Ủy ban công tác Campuchia “ có bí số 487, bộ phận ở hậu trường, không lô diện cai trị đất nước ấy. Cơ quan thông tấn của Trung Quốc nói ủy ban này đã thao túng chính phủ Heng Samrin và quân đội thông qua các cố vấn của họ.

Hun Sen có đầu óc thực tế về sự cần thiết có bộ đội Việt Nam đóng quân trên đất Campuchia. Họ ở đó để chiến đấu và truy quét Khơme Đỏ. Họ không phải ở đó để trở thành kẻ đi chiếm thuộc địa.

Ông nói “ Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết “.

Về phía Việt Nam đã tính lầm sự phản ứng của thế giới đối với cuộc phiêu lưu ở Campuchia. Họ dựa vào sự ủng hộ của các thế lực lớn để lật đổ chế độ diệt chủng, nhưng khi sự ủng hộ ấy chưa đi tới cùng, thì cộng đồng quốc tế đã vực dậy cho Khơme Đỏ hồi sinh và giúp phát triển  các lực lượng kháng chiến. Hà Nội biết rằng mình đã bị lôi kéo vào cuộc xung đột dai dẳng và hao tiền tốn của. Trước đây kéo quân đi đánh, Việt Nam đã tăng số quân có mặt ở Campuchia lên đến từ 18 vạn tới 20 vạn quân.

Vào đầu thập niên 1980, “ Kế hoạch Campuchia hóa “ của Tướng Lê Đức Anh đã được thực hiện. Theo chuyên gia quốc phòng Úc, Carl Thayer, kế hoạch này liên quan đến các cuộc tấn công vào các vị trí của phe kháng chiến Campuchia ở dọc biên giới theo kế hoạch năm giai đoạn có bí số “K-5” ( kế hoạch 5 năm ). Trong toàn bộ kế hoạch, bao gồm bịt kín biên giới Campuchia với Thái Lan, tiêu diệt các chiến binh kháng chiến và xây dựng các lực lượng của Phnom Penh.  Nó là một cuộc phiêu lưu tốn tiền, Hà Nội thừa nhận vở kịch Campuchia đã đang làm tiêu tán tiền của và bắt đầu suy tính tìm đường lối để rút ra.

Một trong các biểu hiện sớm nhất cho thấy Việt Nam đã xem xét nghiêm túc về việc rút quân đã bắt nguồn từ một người bạn và đồng minh của Hun Sen, Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi, người đã viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 năm 1985. Rajiv đã xác nhận Hà Nội đồng ý rút quân khỏi Campuchia vào năm 1990 và ngay cả còn có thể thực  hiện điều này sớm hơn. Dù sao đi nữa, việc rút quân đã bắt đầu thậm chí sớm hơn, vào năm 1982, khi Hà Nội chỉ đạo các đơn vị bộ đội rút quân hàng loạt, tuy nhiên, một số quan sát viên quân sự đã bác bỏ điều đó và cho rằng chỉ là sự thay quân. Mặc dù vậy, các quan sát viên bên ngoài thấy quân số cuả Việt Nam đã giảm từ 14 vạn quân vào năm 1987 xuống còn 10 vạn quân vào năm 1988 và cuối cùng còn 6 vạn quân vào năm 1989.

Việc rút quân của Việt Nam dường như có thể xảy ra khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô, ông Eduard Shevardnadze phát biểu vào tháng 5 năm 1987 là mô hình của Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan trong 22 tháng có thể trở thành mô hình để giải quyết cuộc xung đột của Campuchia. Lời phát biểu dứt khoát nhất đã phát xuất từ Hun Sen, ông đã tuyên bố ở Paris vào năm 1989 là dù vấn đề Campuchia có được giải quyết hay không, Việt Nam sẽ rút quân khỏi Campuchia vào tháng 9 năm 1989.

Ông nói “ Chúng tôi đã rút các lực lượng (Việt Nam ) ngay cả trước khi hiệp định (hòa bình Paris) được ký (vào năm 1991)”.

Ông vẫn còn lo ngại là chính phủ của ông sẽ phải đối đầu với một thử thách lớn về khả năng tồn tại sau khi Việt Nam rút bộ đội về. Các nhà ngoại giao cho là Hun Sen sẽ không tồn tại được lâu và Khơme Đỏ sẽ tước lại quyền lực. Họ nói đùa là ông sẽ kéo dài thời gian cầm quyền chỉ bằng thời gian chiếc xe tăng của Khơme Đỏ chạy từ biên giới Thái Lan tới Phnom Penh.

Nhưng ông tin là đất nước ông sẽ ổn định sau lần rút quân cuối cùng của Việt Nam, vì đất nước này vẫn yên ổn sau 6 lần rút quân từng phần trước đây. Bản tường trình về việc rút quân từng phần của Việt Nam vào tháng 5 năm 1983, phóng viên Paul Anderson của tờ UNITED PRESS INTERNATIONAL đã viết “ Sau khi chứng kiến sự bắt đầu rút quân Việt Nam khỏi Phnom Penh, các ký giả đã được quyền chọn lựa bay tới biên giới Việt Nam bằng các chuyến bay trực thăng với giá 220 đô la mỗi người hoặc đi bằng xe buýt để xem bộ đội đi qua biên giới. Chỉ chuyến bay đầu của hai chiếc trực thăng này đến kịp buổi lễ rút quân này. Các chuyến xe buýt bị mắc kẹt do tổ chức thiếu chu đáo đã khởi hành trễ. Chiếc trực thăng thứ hai cũng không cất cánh được do muốn chở được nhiều người. Vì háo hức có đồng tiền mạnh, Campuchia đã bán quá nhiều vé cho chiếc trực thăng thứ hai, đã khiến cho chuyến bay bị trì hoãn ở Phnom Penh, buổi lễ ấy đã kết thúc trước khi các ký giả này khởi hành “.

Việc rút quân của Việt Nam vào tháng 9 năm 1989 đã trở thành một sự kiện truyền thông lớn với nhiều phóng viên hạ trại tại các công viên ở Phnom Penh, vì một số khách sạn đã hết phòng. Khi các tờ báo của họ phát hành có các hình ảnh bộ đội Việt Nam đang mỉm cười ngồi trên mui các xe tăng đang bắt đầu chuyển bánh, cho thấy bộ đội Việt Nam trở về thực sự phấn khởi, sau một thập niên họ đã đến Campuchia. Có một số chuyên gia Việt Nam ở lại để cố vấn cho Campuchia?

Hun Sen cho biết  “ Đó là một ấn tượng sai lầm. Chúng tôi đã sẵn sàng tự lực. Các cố vấn quân sự, kinh tế và chính trị của Việt Nam đã rút về vào năm 1988 – một năm trước khi rút các lực lượng vũ trang Việt Nam “.

Bằng cách khéo đặt vấn đề xoáy vào trọng tâm, ông hỏi “ Tại sao chúng tôi thực hiện điều đó bằng cách như thế? Chúng tôi có thể hưởng lợi từ các đơn vị bộ đội Việt Nam, những người giúp chúng tôi chiến đấu, nhưng chúng tôi không thể dựa vào suy nghĩ của Việt Nam “.

Hun Sen hết sức lo lắng đã phải dừng lại ở Việt Nam trên đường tới vòng đàm phán hòa bình thứ hai với Sihanouk tại Saint Germain, Pháp vào tháng 2 năm 1988. Ông bày tỏ các mối bận tâm của mình với ông Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, và họ đã nảy ra ý tưởng đưa các cố vấn về nước trước khi rút các lực lượng vũ trang. Các cố vấn Việt Nam đến Campuchia vào năm 1979, đã rút về nước trong giai đoạn từ tháng 6 tới tháng 8 năm 1988.

Nhưng theo phong trào kháng chiến Campuchia, khoảng 7 tới 8 vạn bộ đội Việt Nam đã ngụy trang là người Campuchia vẫn còn ở lại. Họ khẳng định là các cố vấn dân sự Việt Nam tiếp tục tham gia vào các bộ khác nhau ở Phnom Penh và các sĩ quan Campuchia được đưa sang Việt Nam đào tạo hơn hai năm.

Hun Sen nói “ Vai trò của các cố vấn Việt Nam cũng giống như các cố vấn nước ngoài (trong các đại sứ quán và trong các tổ chức nước ngoài), họ làm việc ở Campuchia suốt tới thập niên 1990. Tôi có cảm tưởng là các cố vấn nước ngoài này đã can thiệp vào các công việc nội bộ của Campuchia nhiều hơn hẳn so với các cố vấn Việt Nam. Các cố vấn Việt Nam chỉ đồng ý giúp chúng tôi ý kiến và để cho những người Campuchia chúng tôi tự đưa ra các quyết định “.

Giống như nhiều nhà lãnh đạo châu Á, Hun Sen không thể chịu để cho các chính phủ phương Tây và các chuyên gia khu vực của họ lên lớp ông.

Ông nói “ Các cố vấn nước ngoài tới Campuchia – nếu chúng tôi không nghe họ - họ sẽ đe dọa cắt viện trợ chúng tôi. Các cố vấn nước ngoài đang làm những gì họ đã lên án Việt Nam. Họ đối xử giống như những người làm chủ Campuchia. Họ nói Việt Nam chiếm đóng Campuchia, nhưng trong thực tế, Việt Nam đã làm nhiều điều tốt cho chúng tôi. Việt Nam quảng đại với chúng tôi. Vai trò quan trọng nhất của Việt Nam là ngăn chặn chế độ Pol Pot quy trở lại. Còn về mặt chính trị do chính người Campuchia đưa ra các quyết định “.

Trước đấy họ để cho Việt Nam xây dựng một kho dự trữ vũ khí lớn cho chính phủ Phnom Penh. Còn Liên Xô cung cấp hàng quân nhu. Tướng Vũ Xuân Vinh, Trưởng ban quan hệ quốc tế của Bộ quốc phòng Việt Nam, cho biết Hà Nội đã khuyên Campuchia không nên phát động cuộc tấn công lớn vì làm như vậy sẽ tiêu hao nguồn cung cấp vũ khí, thay vì thế, hãy theo đuổi một chính sách tấn công quân kháng chiến chỉ khi nào bị tấn công.

Cac quan sát viên quân đội của Liên Hiệp Quốc đã khẳng định rằng lực lượng đặc biệt của Việt Nam tiếp tục hoạt động có giới hạn bên trong Campuchia. Họ nói, quân đội tinh nhuệ của Việt Nam được bố trí ở Seam Reap cho tới đầu năm 1992. Theo các bản tin của báo chí, quân đội Việt Nam đã kéo vào tỉnh Kampot vào tháng 3 năm 1991 để đẩy lùi cuộc tấn công của Khơme Đỏ. Richard Solomon, phụ tá Ngoại trưởng Mỹ, đã phát biểu tại một phiên họp của Thượng viện Mỹ vào tháng 4 năm 1991 rằng Việt Nam đã bố trí lại hàng ngàn cố vấn quân sự, vào khoảng 5.000 tới 10.000 người. Ông ta nói thêm, Việt Nam đã gửi các lực lượng của họ ra vào Campuchia để giải quyết các cam kết riêng.

Heng Samrin và Hun Sen đã bị buộc tội thiết lập hệ thống kinh tế kiểu cộng sản bằng cách tạo cho nhà nước chiếm đa phần trong nền kinh tế một cách không tương xứng, việc làm như vậy được xem là đã đi theo Việt Nam một cách mù quáng.

Hun Sen đã bày tỏ ý đối lập “ Các hệ thống kinh tế của Việt Nam và Campuchia khác nhau. Chúng tôi có một số cố vấn kinh tế Việt Nam, nhưng nền kinh tế của Campuchia khác với Việt Nam. Chúng tôi lắng nghe các ý kiến của họ (Việt Nam ), nhưng chúng tôi đưa ra các quyết định của mình. Nhưng hiện nay, nếu chúng tôi không theo những gì họ (phương Tây) nói thì họ sẽ đe dọa cắt viện trợ hoặc đưa ra những lời phản đối kịch liệt trên báo chí”.

Người ta suy đoán rằng Việt Nam đã vận chuyển lấy đi nguồn tài nguyên thiên nhiên của Campuchia trị giá hàng triệu đô la và họ đã lấy gỗ be và cao su trong thời gian họ lưu lại kéo dài ở đất nước này. Hun Sen đã bác bỏ luận điệu đó.

Ông nói “ Điều đó không đúng. Mậu dịch giữa các quốc gia là chuyện bình thường. Việt Nam có thể mua gỗ be và cao su của Campuchia với giá tương đương như các nước khác đã mua loại hàng hóa này của chúng tôi”.

Việt Nam đã phải trả giá cho cuộc phiêu lưu ở Campuchia bằng máu. Sau khi rút các lực lượng của họ vào năm 1989, các quan chức Việt Nam đã đưa ra các bản báo cáo trái ngược nhau về sự tổn thất nhân mạng. Theo một bản ước tính khoảng 40.000 tới 50.000 bộ đội Việt Nam đã bị tử trận hoặc bị thương ở Campuchia trong thời gian từ 1978 – 1988. Một cuộc nghiên cứu đã được trình với Quốc hội ở Hà Nội cho biết khoảng 67.000 quân Việt Nam đã bị chết hoặc bị thương trong chiến dịch 10 năm ở Campuchia. Các con số cao nhất được Thiếu tướng Nguyễn Văn Thái khẳng định, cho biết khoảng 55.300 bộ đội đã bị chết, 110.000 bị thương nặng và 55.000 bị thương nhẹ, tổng số thương vong trong chiến tranh là 220.300 người.

Chính phủ Phnom Penh đã cảm thấy mang nặng ơn nghĩa với Việt Nam. Tổng bí thư Heng Samrin phát biểu trong bản báo cáo của ông với đại hội Đảng Cách mạng Nhân dân Campuchia lần thứ năm vào tháng 10 năm 1985 là Campuchia phải tăng cường sự liên minh với Việt Nam, Lào và Liên Xô, vì một sự liên minh như vậy là một “ quy luật “ để đảm bảo sự thành công cuả cách mạng Campuchia. Heng Samrin đã cố gắng thay đổi não trạng của những người nghi ngờ sự có mặt của lực lượng bộ đội Việt Nam. Ông cố thuyết phục họ bỏ đi “ chủ nghĩa sô vanh thiển cận “ là xâm phạm đến tình hữu nghị giữa Campuchia và Việt Nam.

Nhưng nhiều người Campuchia biểu lộ cảm xúc không thiện cảm và chán ghét khi chính phủ chứng tỏ quyền lực của họ. Các bộ và cục được lãnh đạo bởi các quan chức Campuchia và Việt Nam. Khi sự oán ghét lên cao vào năm 1985, dân chúng đã nói thẳng việc ép buộc phải nhập ngũ vào quân đội Campuchia theo luật định là do Việt Nam. Tuy nhiên, dù những người dân Campuchia hay chỉ trích nhất cũng hiểu được rằng chính các chuyên gia của Hà Nội là những người đã giúp xây dựng lại hệ thống giáo dục vốn đã bị Khơme Đỏ phá hủy hoàn toàn.

Kiểu mô týp chống Việt Nam vẫn còn như cái bóng đen đào sâu thêm sự ngờ vực giữa hai quốc gia.