HUN SEN – Nhân vật xuất chúng của Campuchia

- 4 -

Ngôi làng Tuol Krosang chưa bao giờ giống như thế trước đây.

Một xóm ít được biết đến nằm gần thành phố Takhmau, quê hương của những nông dân trồng lúa và những đàn diệc trắng vỗ cánh bay lên lúc có những con chim khác loài bay đến. Khi Hun Sen chuyển đến ngôi nhà ở quê ông khoảng đầu năm 1989, xóm nhỏ ấy đã bị mất đi sự yên tĩnh bởi tiếng các động cơ trực thăng gào thét, tiếng chong chóng máy bay rít lên vù vù và những tiếng ồn ào của một trại lính. Nhìn qua những khoảng trống giữa các hàng cây sắn nước đang ra hoa và các lùm cây xoài, chuối và cây thốt nốt, dân làng có thể thấy những con chim sắt lên xuống sân bay trực thăng một cách vụng về tại một địa điểm cách xa, chung quanh có các đầm lầy. Họ biết người hàng xóm Hun Sen đã lại về.

Họ thẫn thờ không biết sao chàng trai Kompong nghèo ấy lại thăng tiến nhanh như thế. Chăm chú ngắm nhìn ông ta với vẻ tò mò pha lẫn sự kính sợ, họ biết bây giờ ông đã là người xuất chúng chưa từng có và rất biết ơn ông đã giải phóng cho họ khỏi bọn Khơme Đỏ diệt chủng, những kẻ đã bỏ dân chết đói, tra tấn và giết khoảng 1,7 triệu người Campuchia vào giữa thập niên 1970.

Một năm sau khi ông lật đổ Thủ tướng thứ nhất Norodom Ranariddh, người con trai của quốc vương Norodom Sihanouk, Hun Sen nói với chúng tôi vào giữa năm 1998, “ Trong số những học sinh xuất sắc tôi là một người như họ. Trong số những người lính cừ khôi, tôi là một người như họ. Bây giờ trong số những người xuất chúng, tôi là một người như thế “.

Lượm lên tờ báo TIMES có hình tổng thống Suharto của Indonesia trên trang bìa, một người đầy quyền lực mà ông thường so sánh, với nụ cười tươi, ông nói “ Ông ta không còn nữa, tôi vẫn còn đây “.

Từ lâu trước khi Suharto bị lật đổ, Hun Sen đã bày tỏ khát vọng sâu xa nhất của mình “ Tôi muốn phát triển đất nước mình giống như các nhân vật vượt trội khác ở Đông Nam Á đã làm “.

Nhân vật xuất chúng người Campuchia này đã bước sang tuổi 46 vào năm 1998, vốn chẳng phải được sinh vào gia đình giàu sang hay quyền lực. Sau khi gia đình không còn giữ được cảnh sung túc, ông chẳng khác gì đứa trẻ nghèo ở nông thôn. Cha mẹ ông không có dự định gì cho tương lai ông và họ chắc sẽ hạnh phúc khi thấy ông trở thành một người nông dân trồng lúa.

Vào nửa đêm dưới ánh trăng rằm của thứ Ba, ngày 5 tháng 8 năm 1952, Hun Sen chào đời.

Hun Sen kể trong một cuộc phỏng vấn với các tác giả, “ Theo sự tin tưởng của người Campuchia, những trẻ được sinh vào năm Thìn, nhất là vào ngày thứ Ba thì rất bướng bỉnh. Trên phương tiện truyền thông đã nói sai ngày sinh này là ngày 4 tháng 4 năm 1951. Chúng tôi sẽ phải sửa lại chính xác ngày sinh của tôi “.

Trong cuộc đời sau này, tính cứng cỏi cũng như kiên cường của ông đã chứng tỏ sự chính xác về niềm tin của những người Khơme Đỏ cao tuổi.

Ông được sinh ra ở xã Peam Koh Snar thuộc huyện Stung Trang thuộc tỉnh Kompong Cham trên bờ đông tại khúc quanh của sông Mê kông. Mẹ ông sinh ông tại nhà, chứ không phải ở bệnh viện. Bà ngoại ông là một bà đỡ, đã đỡ cho tất cả con cháu trong dòng họ.

Hạnh phúc có được dòng sông hùng vĩ ấy mà tỉnh này là vựa lúa của miền quê rất nghèo và đâu cũng có sông nước. Ông lội lõm bõm qua các con đường quê vào mùa mưa khi làng bị lụt. Người dân ở đó nhờ vào dòng sông ấy hoặc làm ruộng để kiểm sống. Gia đình ông sống trong một ngôi nhà bên trong không có vách ngăn theo kiểu thường thấy của người Khơme: nhà sàn làm bằng gỗ và trong nhà dành ra ba nơi – hai gian trống để sinh hoạt và một gian để nấu nướng.

Cha mẹ ông gọi ông là Hun Bunall. Bốn thập niên sau người dân ở làng vẫn gọi ông bằng cái tên thưở bé ấy.

Ông nói « Họ cố tìm cho tôi một cái tên vần với tên của cha tôi. Tên cha tôi là Hun Neang, vì vậy họ gọi tôi là Hun Nal.  Hơn nữa, khi mới chào đời tôi khá bụ bẫn ; và theo phong tục ở nông thôn, một bé trai mập mạp sẽ dược gọi là Nal ».

Vào độ thanh niên, ông rời quê nhà lên Phnom Penh học, lần thứ hai tên ông được đổi. Có lúc người ta gọi ông là Sen, có lúc gọi là Ritthi Sen. Trong truyện của người Khơme cổ, Ritthi Sen là tên của một cậu con trai phải chịu khốn đốn qua tay của 11 người mẹ ghẻ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thu thập tin tình báo ở Kompong Cham vào năm 1972, ông đã bỏ tên cũ và quyết định lấy tên là Hun Sen.

Ông nói «  Nhưng cho đến bây giờ những người thân của tôi vẫn gọi tôi là Bunall ».

Thói quen thay đổi tên đã xảy ra trong gia đình này. Hai người anh của ông, Hun Long San và Hun Long Neng đều đã bỏ tên đệm. Ngoài những người này, Hun Sen còn có ba em gái – Hun Sengny, Hun Sinath và Hun Thoeun – tất cả họ đều sống qua được những giai đoạn khủng khiếp.

Ông nói « Một người anh đã chết trước khi mẹ tôi sinh tôi ».

Vào năm 1945, khi quân Nhật chiếm tất cả các đồn bốt chỉ huy ở Campuchia sau khi xâm chiếm Đông Dương vào năm 1941, cha của Hun Sen, Hun Neang là một vị sư tại chùa Unalong ở tỉnh Kompong Cham và mẹ, Dee Yon là một người nội trợ. Hun Neang là học trò của một nhà tu đạo hạnh tên là Samdech Chunnat. Sau khi Hun Neang cởi áo cà sa, ông gia nhập phong trào Issarak để đấu tranh giải phóng đất nước khỏi chế độ cai trị của thực dân Pháp. Nhưng gia đình đã phải chịu tai họa khi một nhóm các thành viên của Issarak bắt cóc mẹ của Hun Sen để đòi tiền chuộc. Những kẻ bắt cóc biết ông ngoại của Hun Sen là một người giàu có.

Gia đình giàu có này đã buộc phải bán tài sản để trả tiền chuộc cho những kẻ bắt cóc. May thay mẹ ông được thả mà không bị chúng hãm hại. Nhưng bị mất gần hết đất đai, cuộc sống gia đình đã ngày càng trở nên nghèo khó. Campuchiaần tiển để phụ giúp gia đình, Hun Neang đã phải đánh liều vào lính bảo đoàn của chính phủ. Ông được người Pháp huấn luyện và chỉ đạo cho quân bảo đoàn của ông chống lại Issarak. Sau khi Campuchia được độc lập vào năm 1953, ông trở thành đội trưởng lực lượng tự vệ ở làng xã nơi ông ở.

Hun Sen nói về cha mình « Ông có máu nhà binh ».

Bà ngoại của Hun Sen có ảnh hưởng rất lớn đối với gia đình. Dù chỉ là một bà đỡ, nhưng bà có được kiến thức khá vững chắc về luật lệ ở địa phương và khuyên bảo người ta về các vấn đề pháp lý của họ.

Mẹ của Hun Sen không biết đọc biết viết nhưng bà tính toán giỏi. Bà không biết viết gì ngoài chính tên mình, tên chồng và tên sáu đứa con. Sau khi Hun Sen chuyển về ngôi nhà ở quê ông tại Takhmau vào năm 1989, cha mẹ của ông tiếp tục sống trong một biệt thự có lính bảo vệ nghiêm ngặt ở Boulevard Suramarit gần Đải kỳ niệm Độc lập ở thủ đô. Do các cuộc xung đột vũ trang nên trên đường phố của Phnom Penh vào ngày 5 và 6 tháng 7 năm 1997 giữa lực lượng của Hun Sen và Ranariddh, sức khỏe của mẹ ông đã bị ảnh hưởng và bà phải vào bệnh viện Calmette ở Phnom Penh. Vào năm ấy, bà đã bước qua tuổi 77 còn cha ông đã 75 tuổi.

Giọng của Hun Sen nghẹn ngào khi ông nói « Theo bác sĩ thì mẹ tôi không thể sống hơn được sáu tháng. Bà đã được tận tình cứu chữa, nhưng bác sĩ đã chữa trị không hơn sáu tháng ».

Bà chết vào đầu năm 1998. Một người bạn thời thơ ấu của Hun Sen, Chhim You Teck, làm phụ tá y khoa ở bệnh viện Calmette, nói là mẹ ông mắc phải bệnh gan rất nặng. Người con trai đau lòng thương tiếc cả tháng để tang mẹ. Ông hủy bỏ mọi cuộc hẹn và hoãn lại cuộc nói chuyện riêng với chúng tôi.

Sống giữa cảnh nghèo túng và ốm đau, Hun Sen đã học được mưu mẹo để sống sót. Ông đã trải qua 6 năm học ở trường tiểu học Peam Koh Snar tại xã. Không có trường trung học ở xã, chẳng còn chọn lựa nào khác phải rời gia đình để cha mẹ gửi ông lên Phnom Penh học tại trường Lycee Indra Dhevi từ năm 1965 tới 1969.

Ông nói « Tôi không học xong trung học, nhưng sau này tôi đã hoàn tất được chương trình học bằng cách tiếp tục học thêm một buổi, tôi rất thích nghiên cứu học hỏi ».

Ông rất giỏi môn toán nhờ vào sự hướng dẫn của mẹ ông và phát huy được môn văn học Khơme mình yêu thích. Một người mê thể thao, ông thích điền kinh, bóng chuyền và tiếp tục chơi cho tới khi ông trở thành Thủ tướng.

Ở trường, ông rất mê thơ ca Campuchia, ông tìm hiểu thơ của Preah Bat Ang Duong, những lời giáo huấn của Krom Ngoy và các sách của Tiv Ol viết về giáo dục.

Sức lôi cuốn của các truyện tình cảm nhẹ nhàng, như Kolap Pailin ( Hồng Pailin), Phkar Srapan (Đóa hoa tàn), Romeo và Juliet của Tum Teav và các tác phẩm cổ, như thiên sử thi Hindu, Ramayana đã làm ông phải xúc động. Ông thích đọc các tác phẩm của Preah Chinavong, Preah Thinnavong, Luong Preah Sdech Kan và các sastras (truyện cổ) của Campuchia được viết trên lá thốt nốt. Ông không thích các phim phổ biến, ngoại trừ các phim dựa theo các truyện cổ Khơme.

Thậm chí mới là một thanh niên mà ông đã có đầu óc chính trị sắc sảo. Bản năng này đã phát triển sớm, thậm chí còn sớm hơn thế vì sự lan rộng tình trạng bất công về xã hội và kinh tế trong xã hội Campuchia. Chỉ là một cậu bé mà ông đã biết để ý và ngưỡng mộ vị quốc trưởng Hoàng thân Norodom Sihanouk, nhưng ông không thích bọn tham quan và các thành viên trong Quốc hội.

Ông nói «  Những người này chưa bao giờ đến làng xã tiếp xúc với dân, cũng chẳng giữ những lời đã hứa trong các cuộc vận động tranh cử ».

Là một cậu bé hết sức nghi ngờ người giàu có và quyền lực.

Ông nói  « Tôi không thích những đứa trẻ hỗn xược xuất thân từ các gia đình có quyền thế và giàu sang, những kẻ khinh thường những người nghèo. Họ không nghiên cứu sách giáo khoa và cũng chẳng chịu học hành, thế nhưng họ luôn thi đậu ».

Ngay ban đầu, ông đã từ từ thấy không thích Khơme Đỏ, cũng như Khơme Serei, một phong trào chống chế độ quân chủ được Mỹ ủng hộ.

Ông nói  « Tôi căm phẫn các hành động xâm lược và ném bom từng được Hoa Kỳ và miền Nam Việt Nam tiến hành ở Campuchia ».

Lúc còn đi học ông muốn khi lớn lên sẽ trở thành một giáo viên. Nhưng sau khi ông gia nhập Mặt trận Giải phóng Dân tộc được Sihanouk lãnh đạo vào năm 1970, ông lại muốn trở thành một phi công.

Ông nói « Các khát vọng và ước mơ của tôi đã không còn nữa vì chiến tranh và chế độ diệt chủng. Các biến cố chính trị đã làm thay đổi các ước vọng của tôi, đã đẩy tôi vào hoạt động chính trị, điều mà tôi không muốn làm. Tôi đã trải qua một cuộc sống gian khổ, đầy những thương tâm và nỗi đau phải chia cách do cuộc sống xa cha mẹ từ khi còn tấm bé ».

Những nỗi đau khổ vẫn còn hiển hiện dù vết thương đã lành.

Ông nói « Sau khi tôi lập gia đình nhưng chẳng mấy khi tôi gặp vợ con. Mãi tới năm 1979 rồi tôi mới được đoàn tụ gia đình. Nhưng một hành động tốt lúc nào cũng được đền đáp và dù tôi phải xa cách cha mẹ và gia đình, tôi lại có được sự yêu thương và cảm thông của dân chúng và bạn bè quan tâm đến. Chính vì hộ mà tôi còn có thể sống sót ».

Không phải quá xa xôi, thế nhưng cuộc sống ở đấy khá cách biệt với ngôi làng của Hun Sen, một cô bé đang lớn lên ở làng Rokarkhnau thuộc huyện Kroch Chhmar tỉnh Kompong Cham.

Những tia nắng vướng trên các ngọn cây mọc che phủ trên ngọn đồi nhỏ bọc quanh ngôi làng Rokarkhnau trông thật sinh động, khiến cho một phụ lưu nhỏ của sông Rokarkhnau lấp lánh tựa như một dải bạc thu hẹp, một bé gái 7 tuổi có thể trượt chân trên các hòn đá ở lòng sông ấy phải vấy bùn. Giống như bao trẻ khác, hễ khi nào có dịp, cô bé có nước da trắng ấy đá gót chân vào dòng nước ngập đến mắt cá chân của nhánh sông nhỏ.

Lúc đó là mùa hè năm 1961. Và cô bé đã đến gần cửa của ngôi nhà bên trong khu ruộng của nhà mình, bé Bun Rany có thể ngửi thấy mùi mắm Pra hok chiên ở trong cái nồi của nhà. Hầu như cô lại thấy nụ cười yên lòng trên gương mặt của bà mình khi dùng muôi xúc cơm và mắm chiên ra.

Mùa mưa thì còn rắc rối hơn nhiều. Nghĩa là phải đi dò qua sông để tới trường bằng một chiếc xuồng mong manh băng qua các dòng nước bạc ôn hòa bấy giờ đã trở thành chảy siết.

Dù sao đi nữa cô bé cũng mừng là đã về gần đến nhà. Một ngày dài ở trường và bé Bun Rany bị một đứa ở đội đối phương thúc mạnh cùi trỏ vào sườn lúc tập chơi bóng rổ. Muốn về nhà để được uống nước mát cũng làm Bun Rany đi nhanh chân hơn được một chút.

Huyện Kroch Chhmar là một nơi khá phồn thịnh, phần đông các nông dân giống như Lin Kry, cha của cô có thể sống thoải mái nhờ vào hoa lợi của đất ruộng khi trời nắng khô nẻ lớp mặt nhưng màu mỡ. Gia đình người Khơme gốc Hoa ấy biết được tổ tiên của họ ở Quảng Châu, Trung Quốc và đã hội nhập vào xã hội Campuchia êm thắm.

Hun Sen không gặp Bun Rany trong nhiều năm, nhưng cuộc đời ông đã thay đổi vào ngày ông gặp cô.