HUN SEN – Nhân vật xuất chúng của Campuchia

- 5 -

Đứng trên cầu tàu lộng gió,  bấy giờ Hun Sen được 13 tuổi, ôm chầm lấy mẹ và chào tạm biệt với cảm xúc nôn nao. Chiếc tàu từ từ rời xa khỏi Kompong Cham và hướng về thượng lưu.

Những dòng nước mắt dàn dụa ra cả hai bên má. Bà vội vã nhét 12 riel vào túi cậu con trai. Số tiền ấy khoảng 12 ngàn đồng tiền Việt. Bà trao cho cậu một túi nhỏ gạo đã được cột chặt đầu mối vào khăn krama. Bộ quần áo duy nhất cậu mang theo thì đang mặc trên người. Lòng bà thầm khóc vì đứa con trai ấy. Bà chẳng làm được gì nhiều cho cậu. Gia đình bà không còn của cải và đất đai đã mất. Họ chỉ vừa đủ lo cho cậu học phí nhập học ở Phnom Penh. Họ không thể mướn một căn phòng nhỏ cho cậu hoặc trả tiền cơm. Buộc họ phải giao phó cậu bé sáng dạ ấy cho các sư tại chùa Naga Vann ở Phnom Penh coi sóc. Con tàu chạy ngược dòng và xa khỏi tầm mắt của mẹ cậu đang đứng vẫy tay và rồi đưa người thiếu niên ấy đến với cuộc sống mới ở Phnom Penh, gần như lúc nào thành phố cũng là nơi của sự giàu sang và cảnh nghèo hèn, của nhung lụa và sự bòn rút công khai.

Trên chuyến về lại trường, cậu con trai ấy không sao tránh được những suy tư về cuộc sống của nhiều bạn cùng lớp được cha mẹ chăm sóc chu tất. Đơn côi một mình trên con tàu, chỉ với một cái khăn krama trùm lên mình, cậu trầm tư nghĩ về tương lai của mình. Như cha mẹ cậu giải thích, cậu cảm thấy thực sự đã bị chính phủ của Hoàng thân Sihanouk bỏ rơi, họ đã không chịu mở trường trung học ở Kompong Cham, buộc cậu phải rời xa gia đình và cha mẹ phải gửi cậu đi ngược mãi lên thượng lưu để đến với cuộc sống thử thách gay go và túng thiếu. Vào thời gian đó, chẳng ai biết được cậu con trai đó, hoàng cung của Sihanouk hằng đêm vui nhộn với các tiệc rượu sâm banh và lớp người thượng lưu của thành phố nhảy theo nhạc jazz trong các vũ trường, trong khi đại đa số dân chúng quây quần quanh các chén cơm và cá khô.

Trong màn đêm lúc ba giờ sáng, con tàu ghé vào cầu tàu ở Phnom Penh. Hành khách về nhà bằng xích lô kéo, còn Hun Sen cuốc bộ từ bờ sông tới chùa để cậu có thể để dành được 3 riel.

May mắn là việc học hành ở trường Lycee Indra Dhevi không tốn kém bao nhiêu.

Hun Sen góp lượm trong ký ức để kể về những mảnh đời trong quá khứ:  « Chúng tôi phải trả tiền phấn và tiền học các môn thể thao. Nhưng khi đăng ký vào trường chúng tôi phải trả 1.800 riel. Trẻ em nghèo rất khó vào được trường vì 1.800 riel tương đương với 51 đô la, là một khoản tiền không nhỏ.

Tiền riel của Campuchia khá có già trị so với giấy bạc trong thời Sihanouk cai trị. Từ năm 1958 tới 1968, một đô la Mỹ có giá trị bằng 35 riel, theo niên giám thống kê của châu Á/Viễn Đông năm 1969. Trong chế độ Lon Nol, tháng 11 năm 1971, Ngân hàng Quốc gia Campuchia đã giảm giá trị đồng riel xuống 150%.

Một ngày của cậu bé ở chùa Naga Vann bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng, trừ những kỳ thi cậu (lúc ấy gọi là Hun Bunall) và các cậu bé khác ở chùa phải thức dậy lúc 4 giờ sáng. Trước tiên, cậu phải nấu cháo cho các sư, rồi sau đó học bài. Đôi khi cậu vừa học bài tay vừa khuấy nồi cháo vì thời gian rất quý. Sau đó, cậu quét khu vực sân chùa, nơi hai cây đại thụ thường xuyên rụng là và hoa xuống.

Ông kể « Đôi khi tôi bị phạt vì hai cái cây đại thụ này. Khi tôi bưng cháo cho các sư, họ luôn ngó qua sân chùa xem tôi đã quét hay chưa. Nếu còn nhiều là và hoa rụng từ các cây ấy tôi sẽ bị phạt ».

Cậu đi bộ tới trường lúc 6 giờ 30, mang theo mình vài cái hũ đựng gạo và rời khỏi trường sớm vào những ngày đến lượt cậu khất thực ở các phố cho các sư. Các cậu bé ở chùa phải chịu áp lực đi khất thực hết từ nhà này sang nhà khác nhanh chóng vì các sư nhất định chỉ độ thực vào trước ngọ.

Hun Sen kể « Một số sư không hiểu sự khổ sở của người khác. Đôi khi các sư phạt tôi nếu mang thức ăn về trễ. Nhưng nếu tôi đem thức ăn về trước 12 giờ trưa thì họ sẽ ăn và nói vui vẻ, còn tôi thì đói cồn cào ».

Để giữ cho các sư vui vẻ thoải mái cậu phải cố mang thức ăn về càng gần 12 giờ trưa càng tốt vì thế họ có thể ăn đúng giờ. Sau khi họ ăn no thì các cậu mới được cho đồ ăn dư. Sau đó các cậu rửa chén và đến giờ quay lại trường.

Vào buổi chiều các cậu lấy nước từ phố Kampuchea Krom về chùa. Họ thấy rất khó nhọc mới nâng được các vại nước lên. Vào lúc họ làm xong công việc thì đã sắp 7 giờ tối. Sau đó, họ phải tụng kinh Phật. Nghi thức này mỗi ngày phải thực hiện hai lần, vào buổi sáng khi nấu cháo và buổi tối trước khi nghỉ.

Các cậu bé ở chùa không được nghỉ xả hơi vào các ngày Chủ nhật. Các sư ăn mỗi ngày và các cậu phải đi khất thực một tuần bảy ngày. Vào các ngày Chủ nhật họ phải đi khất thực sớm. Hun Sen học chơi cờ khi dừng chân ở tiệm hớt tóc vào lượt mình đi khất thực. Người thợ hớt tóc cúng thức ăn cho các sư, để bàn cờ cho những người khách chờ hớt tóc chơi. Hun Sen cũng chờ tới lượt chơi với họ.

Ông kể « Tôi học chơi cờ bằng cách học lỏm người khác chơi ».

Trở về chùa với thứ bậc đơn giản thì các cậu là các chú tiểu. Họ không được cung cấp phòng. Thực ra, theo truyền thống Khơme, ở chùa không có phòng.

Hun Sen nhớ lại « Tôi  ngủ theo kiểu di động. Chỗ nào trống thì tôi ngả lưng. Khi trời lạnh tôi ngủ ở dười gầm giường của sư cho ấm. Khi có muỗi chúng tôi xin các sư thả rèm mùng xuống dưới gầm giường để chúng tôi không bị muỗi chích ».

Các chú tiểu nghĩ đến các đêm gió mùa mà sợ khi trời mưa tầm tã kéo dài.

Ông kể « Chúng tôi phải tìm nơi khô ráo, nơi không bị dột để ngủ. Lúc ấy, chúng tôi còn trẻ ngủ đâu cũng được ».

Đối với Hun Sen cuộc sống ở chùa là liệu pháp để chữa trị cú sốc tâm lý vì ông bà của ông vốn là người giàu có. Họ có khoảng 15 mẫu đất và tài sản ở Kompong Cham. Mặc dù ông bà ngoại của ông không còn của cải nữa, nhưng họ có chỗ đứng tốt trong xã hội ở địa phương. Bà ngoại của ông nắm được thấu đáo các phép tắc ở địa phương và dân làng thường hay tìm đến bà để hỏi ý kiến về các luật lệ.

Còn ông bà nội của ông mất một số đất đai đã sụp lở hàng loạt dọc theo sông Mê kông. Những thiệt hại về tài chính đã buộc họ phải rời bỏ làng mạc để chuyển tới một làng gần nơi gia đình Hun Sen sống.

Cơ nghiệp của gia đình bị thay đổi đột ngột cùng với tình trạng thiếu thốn trường lớp ở Kompong Cham đã khiến cho cuộc sống đối với ông càng thêm khó khăn hơn. Cảnh nghèo diễn ra khắp nơi buộc hàng ngàn đứa trẻ phải xa gia đình và tìm đến các chùa ở thủ đô để kéo dài cuộc sống lủi thủi đơn côi.

Hun Sen kể vào đầu năm 1998 khi ông nhìn lại thời thơ ấu của mình « Lúc bấy giờ tôi quyết định xây dựng thêm nhiều trường – hơn bất cứ người Campuchia nào đã làm, vì tôi không muốn những trẻ em của chúng tôi phải chịu cùng số phận như tôi. Vào lúc đó, tôi không thích các chế độ ấy, ngay cả chế độ của Sihanouk. Nó là một chế độ bất công, thường lừa bịp dân chúng bằng cách mua chuộc lá phiếu của họ. Vào giai đoạn cha tôi là một tuyên truyền viên cho một người hoạt động chính trị, nhưng khi chính khách ấy được bầu làm thành viên của Quốc hội thì ông ta lại chẳng làm gì cho dân ».

Hun Sen được xem là một học sinh giỏi, đã viết những thư xin việc, thậm chí cả thư tình cảm cho bạn bè và gia đình. Path Sam, một giáo viên trước đây ở trường Lycee Indra Dhevi, cho biết ông đã nghe một trong số các giáo viên của Hun Sen nhận xét cậu ta là một « cậu bé thông minh, nhưng rất lầm lì ».

Hun Sen không chịu mặc áo cà sa màu vàng, không chịu cạo đầu và không được phong chức. Người thanh niên ấy rất thích khôi hài. Một chú tiểu khác, Ea Samnang nói, vào một ngày nọ chỉ để giỡn cho vui, Hun Sen đã mượn chiếc xích lô kéo và cái nón của người chạy xích lô rồi cưỡi lên chạy lòng vòng quanh chùa. Nhưng cậu ta để mất cái nón của ông chạy xích lô. Khi bị người ấy đòi phải trả 30 riel, cậu ta mới chịu mang con heo đất đầy ắp các đồng cắc ra.

Ea Samnang, một  người bạn thân của Hun Sen, sống cùng trong chùa cho biết, « Cậu ấy phải đập bể heo đất của mình ».

Hai người là bạn với nhau, mặc dù Ea Samnang đã 20 tuổi còn Hun Sen 14. Sau này, Ea Samnang trở thành giáo viên tại trường trung học Bak Touk ở Phnom Penh, cho biết là ngày ấy mẹ của Hun Sen thường đến chùa thăm ông.

Ea Samnang học ở Lycee Sangkum Reastr Nyum, một trường được đặt tên theo chế độ của Sihanouk, ông kể lại, « Bà thường bảo chúng tôi chịu khó học vì mình nghèo ».

Sau khi Hun Sen trở thành  Thủ tướng, Ea Samnang đi dự mít tinh tại sân vận động Olympic ở Phnom Penh, nơi Hun Sen đang dự buổi lễ. Ông đã gửi một tờ giấy với vài dòng cho Hun Sen có ghi tên mình. Thủ tướng xem tờ giấy ấy và đã mời người bạn thời thơ ấy đến dinh thự của ông.

Ea Samnang nói « Tôi đã đến nhà ông ấy và nói về những chuyện ngày xưa. Ông ấy còn nhớ rõ một người bạn trong bọn tôi đã làm ông bị gãy chân khi chơi đá bóng ở chùa ».

Một chú tiểu khác, Chhim You Teck, đã cùng ở chùa với Hun Sen trong thời gian ấy, còn nhớ ông là « đứa trẻ bìnhh thường, rất chăm chỉ làm việc, đi khất thực hết nhà này sang nhà khác ». Hun Sen nói ông biết Chhim You Teck và gia đình của anh ta rất rõ, còn nói họ sống ở bên kia sông Mê kông.

Chhim You Teck kể « Tôi phụ trách các chú tiểu và tôi thường chờ cho họ đem thức ăn về, nhận đồ cúng đó và đưa lên cho các sư ».

Hun Sen là một trong tám chú tiểu được giao  nhiệm vụ đi khất thực. Nhóm khất thực của họ thường mang về những đồ cúng thông thường, như canh chua, cá và chuối.

Chhim You Teck nói, các chú tiểu không thích tắm.

Ông nói « Họ còn bé quá không kéo  nước ở giếng lên được. Vì vậy, tôi thường phải kéo nước và bắt họ tắm ».

Các chú tiểu chơi trò beth pouk rất vui vẻ, trò chơi kiếm tìm của Campuchia, chẳng biết gì đến các giai đoạn khủng khiếp còn ở phía trước.

Khi Kim Chreng, một nhà sư từng coi sóc các chú tiểu này qua đời vào năm 1990, Hun Sen rất thương tiếc. Nhưng ông không thể dự đám tang của vị sư vì trận chiến ác liệt đang diễn ra ở đồn lũy của Khơme Đỏ trong vùng Pailin phía tây bắc. Hun Sen đã gửi tiền phúng điếu cho đám tang nhà sư ấy.

Hun Sen thôi học ở trường Lycee Indra Dhevi vào năm 1969 và ra đi trước kỳ thi tốt nghiệp trung học.

Ông nói « Tôi đã ra đi vì các chuyện xảy ra trong chùa. Các nhân viên mật thám của Sihanouk đã vào chùa bố ráp những người bị tình nghi có quan điểm chống Sihanouk vào năm 1967 tới năm 1969 ».

Hun Sen kể « Neu Kean, một trong các anh em họ của tôi đã bị bắt và tôi sợ là rồi mình cũng phải rời khỏi chùa. Tôi đã phải ra đi, nhưng lúc nào tôi cũng muốn trở lại chùa. Vào tháng Giêng năm 1970, anh họ tôi được thả ra khỏi tù, tôi có ý định trở lại chùa. Nhưng cuộc đảo chính xảy ra vào ngày 18 tháng 3 năm 1970 ( Sihanouk đã bị lật đổ) và tôi không còn quay trở lại đó nữa ».

Cuộc đảo chính đã làm dang dở việc học của ông. Biến cố khác thường đó đã biến một chú tiểu thành một chiến sĩ du kích. Tất cả sự yêu mến và dạy dỗ về đạo Phật của ông đành phải bỏ lại để mưu cầu cho sư nghiệp chính trị. Ông không còn muốn gì hơn là khôi phục quyền lực của Sihanouk.

Cuối cùng, ông kết luận « Tôi đã trốn vào rừng vì tôi thấy bóng mây đen của cuộc nội chiến sắp xảy ra đến nơi ».

Phương trời bên kia ở huyện Kroch Chhmar, Bun Rany sống cuộc đời vô tư của một bé gái, hạnh phúc và chẳng hay biết cuộc xung đột sắp đến hoặc sự tồn tại của Hun Sen.

Kịp nhớ lại cái ngày ấy, Bun Rany kể « Tôi có hai anh và ba chị và tôi nhớ thời thơ ấu của mình rất hạnh phúc. Chẳng phải lo sợ gì và tất cả chúng tôi dường như rất thường gặp nhau. Tôi rất gần gũi với ông bà ngoại. Ông bà hay nói chuyện với tôi mà thậm chí tôi cũng chẳng để ý, họ rất dịu dàng dạy tôi cách sống theo nề nếp và truyền thống của Campuchia. Những lời khuyên của họ đã giúp tôi vượt qua phần lớn các giai đoạn thử thách gian khổ mình đã phải chịu sau này trong cuộc sống ».

Lúc này, cuộc đời của một thiếu nữ hóa ra gặp nhiều nỗi truân chuyên – sống xa chồng trong nhiều năm, bị Khơme Đỏ tra tấn về mặt tinh thần lẫn thể xác, bỏ đi mà không có đồ ăn nước uống, không còn sự cảm thông và bạn bè trong lúc thai nghén lắm phức tạp và gay go.

Cô nói « Dường như bấy giờ đối với tôi, các bài học quý giá nhất mà tôi đem áp dụng vào cuộc đời mình là những bài học ông bà ngoại đã dạy cho tôi ».