Hùng Biện Kiểu Ted

Chương 12: Kiểm Soát Khả Năng Truyền Đạt Phi Ngôn Từ

BÍ QUYẾT 75: Thả lỏng hai tay tự nhiên khi không thể hiện điệu bộ gì

Khi bắt đầu phát triển khả năng nói trước công chúng, tôi không biết phải làm gì với hai tay của mình. Khi tham khảo các tài liệu, tôi hoặc đọc phải những nguyên tắc tổng quát vô dụng (như để mọi thứ thật tự nhiên) hoặc vớ nhầm danh sách những điều không nên làm. Tôi chỉ ước có thứ gì hay ai đó cho tôi biết cách trình bày lý tưởng bằng hình thể là như thế nào.

Cuối cùng tôi đã rút ra được điều sau: để hai tay cảm thấy thoải mái khi không làm điệu bộ gì, bạn chỉ cần làm đúng theo những gì mình vẫn làm khi đứng trò chuyện với người mình tin tưởng. Với hầu hết mọi người, điều này đồng nghĩa hãy thả lỏng hai tay bên hông vào những lúc bạn không sử dụng đến cánh tay và bàn tay để nhấn mạnh một điểm nào đó. Đây là vị trí cơ bản hiệu quả nhất trong diễn thuyết trước công chúng, giúp bạn nối kết với khán giả hệt như trong một cuộc trò chuyện.

Thay vì thả lỏng hai tay thoải mái bên hông với khuỷu tay hơi cong, nhiều người tin rằng vị trí chính xác cơ bản phải là giữ hai tay trên eo từ đầu đến cuối. Tư thế này sẽ phù hợp nếu bạn muốn xuất hiện với vẻ quyền uy. Những người khác nắm tay lại và để ngang bụng với những đầu ngón tay chạm nhẹ vào nhau trong tư thế thể hiện quyền lực hình tháp chuông; một số đan ngón tay vào nhau; số khác để hai bàn tay cách xa nhau một chút. Hầu như chắc chắn bạn sẽ trở thành một diễn giả hiệu quả nếu làm theo bất kỳ cách nào ở trên, nhưng tất cả đều có chút gì đó quá trang trọng nếu bạn không phải là CEO của một công ty lớn hay người lãnh đạo đất nước. Hãy tưởng tượng bạn đi quanh quẩn cả ngày, ngày này sang ngày khác với đôi tay trong bất kỳ tư thế nào kể trên. Rõ ràng bạn sẽ không thoải mái chút nào.

Đừng quên bạn sẽ không bao giờ trò chuyện được với người bạn quan tâm với hai tay lúc nào cũng đặt trên eo, vì bạn đã tạo nên một rào chắn. Thậm chí ở khoảng cách xa, bạn cũng sẽ tạo nên rào chắn như thế với khán giả. Bất kể chọn tư thế nghỉ nào, hãy chắc rằng bạn có thể giữ nguyên sự cân đối, nếu không khán giả có thể thấy rõ bạn đang căng thẳng lo lắng.

Tuy có nhiều tư thế nghỉ chấp nhận được, nhưng dưới đây là một số cách bạn nên tránh trên sân khấu dù có thể sử dụng trong giao tiếp bình thường:

  • Tư thế lá sung: Hai cánh tay buông thõng nhưng bàn tay nắm lại ở phía trước, cho thấy bạn đang rụt rè;

  • Tư thế đút túi: Đút hai tay vào túi quần, khiến bạn có vẻ thụ động và không hứng thú;

  • Tư thế nghỉ diễu hành: Hai tay buông thõng với bàn tay nắm lại và để sau lưng, hàm ý bạn đang che giấu điều gì đó;

  • Tư thế chống nạnh: Đặt tay lên hông, khiến bạn trông có vẻ chống đối;

  • Tư thế khoanh tay: Khoanh tay là tư thế tiêu cực như muốn thách đấu.

BÍ QUYẾT 76: Giả tư thế người mẫu khi không nói

Đã bao giờ bạn cảm thấy hơi bối rối hay khó chịu khi đứng trên sân khấu nhưng không chủ động lên tiếng chưa? Qua nhiều năm luyện tập, giờ tôi đã phần nào cảm thấy dễ chịu trong trong các buổi trình bày. Khi không chuyển tới vị trí mới, hai chân tôi đứng song song, vững chãi và vai mở rộng. Trong khoảng thời gian nghỉ giữa chừng mà không thực hiện điệu bộ gì, tôi để tay mình theo một trong hai cách sau: Trong hoàn cảnh bình thường, tôi thả lỏng hai tay thoải mái sát bên người. Khi cần tỏ ra quyền uy hơn, tôi để hai bàn tay tạo thành thế tháp chuông trước bụng với các đầu ngón tay chạm nhẹ.

Tư thế bình thường và quyền uy đều tốt và phù hợp nhất với những khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng cả hai đều trông và tạo cảm giác xa lạ nếu bạn áp dụng chúng quá mười giây. Lưu ý rằng quãng lặng dài thường có khuynh hướng xảy ra lúc bắt đầu và lúc kết thúc bài diễn thuyết – khi bạn được giới thiệu hay nghe khán giả đặt câu hỏi trong phần hỏi đáp.

Tôi từng có cơ may lớn khi được Richard Butterfield, huấn luyện viên diễn thuyết cho các giám đốc, hướng dẫn riêng tại một khóa nghỉ dưỡng với chủ đề phát triển khả năng lãnh đạo. Khi tôi đứng trên sân khấu với các tư thế thông thường của mình như mô tả ở trên, Butterfield đã đánh giá tôi và nhận xét: “Anh có biết rằng mình đang trong tư thế hiếu chiến không?” Huấn luyện viên Richard giải thích rằng: tư thế hai chân mở rộng với hai tay buông xuôi, kết hợp với chiều cao hơn 1,8 mét và thân hình hơn 90 ký khiến tôi trông như một trung vệ thủ (bóng bầu dục Mỹ) sẵn sàng chồm tới trước.

Ông tiếp tục thực hiện một số điều chỉnh tinh tế mà tôi ngay lập tức nhận ra là các tư thế thoải mái, bình thường nhưng vô giá. Tôi gọi đó là tư thế người mẫu – bạn sẽ hiểu tại sao một khi đặt mình vào các tư thế theo hướng dẫn sau:

  • Bước 1: Bắt đầu với tư thế bình thường, hai chân song song, vai mở rộng. Để hai tay thả lỏng tự nhiên bên hông.

  • Bước 2: Bước chân phải lên trước một chút, vẫn giữ hai bàn chân song song nhưng các ngón chân trái nằm thẳng hàng với gan bàn chân phải.

  • Bước 3: Lấy gót chân phải làm trụ và xoay mặt trước bàn chân phải ra ngoài với một góc vừa phải – khoảng 30 độ.

  • Bước 4: Đặt toàn bộ trọng tâm vào chân trái (chân sau). Điều này có thể khiến đầu gối trước (chân phải) hơi cong một chút.

  • Bước 5: Cho tay trái vào túi quần để ngón cái lộ ra ngoài. Cánh tay phải sẽ tự nhiên đưa ra trước khoảng 4cm–6cm. (Bạn có thể thử ngược lại, đút tay phải vào túi để xem bên nào thoải mái hơn).

Đừng chỉ ngồi đọc các bước này; hãy đứng dậy và tập luyện. Khi thực hành, bạn sẽ có cảm giác như thể mình đang mô phỏng theo một người mẫu. Thế nên, tôi mới gọi đây là “tư thế người mẫu”. Nó giúp bạn thư giãn và thoải mái, đồng thời trông tự tin và dễ gần hơn.

BÍ QUYẾT 77: Thể hiện điệu bộ tự nhiên thường xuyên để củng cố lời nói của bạn

Tiếp theo, bạn sẽ muốn giữ điệu bộ tự nhiên cho phần trên eo và dưới cổ. Trừ khi bạn đang diễn tả tình huống căng thẳng, bồn chồn của nhân vật trong câu chuyện, nếu không, hãy tránh chạm vào phần mặt, đầu, tóc và gáy. Đối với khoảng một nửa dân số, cử chỉ của bàn tay là phần tự nhiên trong cách giao tiếp của họ.

Nếu bạn thuộc nhóm này, hãy cứ làm điều bạn đang làm. Nếu thuộc nửa còn lại giống như tôi, bạn sẽ phải ép bản thân thực hiện các cử chỉ bàn tay phòng khi bạn đứng không thoải mái như một chú lính chì. Ban đầu bạn sẽ thấy bất tiện, nhưng tôi cam đoan sự khó chịu đó sẽ dần biến mất. Điểm khác biệt duy nhất ở tay của mình trong giao tiếp thông thường với khi nói trước công chúng là bạn cử động bàn tay nhiều hơn cho phù hợp với kích thước khán phòng. Lượng khán giả càng lớn, bạn sẽ cần điệu bộ càng ấn tượng để mọi người nhìn thấy.

Cử chỉ bàn tay hiệu quả sẽ giúp khuếch trương và hỗ trợ chứ không lấn át câu chuyện của bạn. Không nên để khán giả nhận thấy sự hiện diện hay vắng mặt của chúng. Thỉnh thoảng, bạn sẽ thấy các diễn giả lặp lại cùng một động tác đến mức khiến bạn phân tâm. Tuy phần lớn động tác nên từ eo lên đến cổ, nhưng bạn có thể làm cử động của mình phong phú hơn bằng cách chiếm lĩnh không gian xung quanh. Tùy bối cảnh, bạn hoàn toàn có thể vươn đến tận trời xanh hoặc đào sâu xuống đất. Khi mọi người căng thẳng, họ có khuynh hướng tự vệ bằng cách khép hai khuỷu tay vào hông. Hãy để hai tay bạn tự do.

Khi còn nhỏ, có thể mẹ bạn đã dạy bạn rằng chỉ trỏ là thói xấu. Tuy nhiên, nhiều diễn giả lại quên mất điều này và áp dụng cách đó khi nói chuyện với khán giả. Hành vi chỉ trỏ mang tính gây hấn, nếu không muốn nói là công kích. Vậy, bạn phải làm gì nếu nhất thiết phải chỉ vào điểm nào đó? Có hai giải pháp thay thế rất hay.

Thứ nhất, hãy chỉ bằng ngón cái. Hãy nắm tay lại, để ngón út song song với mặt sàn và hướng ngón cái về phía khán giả, áp vào đầu ngón trỏ. Đây là một kỹ thuật hiệu quả, nhưng hãy sử dụng có chừng mực khi cần nhấn mạnh một điểm nào đó. Một phương án thân mật và tinh tế khác là đưa cả bàn tay. Để thực hiện động tác này, hãy bắt đầu với khuỷu tay gập và lòng bàn tay để ngửa, rồi mở rộng cánh tay về phía khán giả.

BÍ QUYẾT 78: Thể hiện biểu cảm khuôn mặt phù hợp với trạng thái nội dung ở từng thời điểm của bài diễn thuyết

Sử dụng hai tay hiệu quả là một phần của phương thức truyền tải bằng hình thể; một yếu tố khác nữa là thể hiện ngôn ngữ cơ thể tích cực. Với người mới bắt đầu, hãy để khán giả nhìn thấy nụ cười thật lòng của bạn. Nụ cười truyền đi sự tự tin điềm tĩnh và giúp xây dựng lòng tin giữa bạn và khán giả. Dĩ nhiên, bạn không thể lúc nào cũng cười, vậy nên hãy đảm bảo mọi biểu cảm trên gương mặt của bạn đều đồng bộ với thông điệp.

BÍ QUYẾT 79: Duy trì giao tiếp bằng mắt trong ba giây với các cá nhân theo cách ngẫu nhiên

Khi đã làm chủ nụ cười và tư thế, bạn phải phát triển kỹ năng giao tiếp bằng mắt. Chìa khóa để trở thành chuyên gia giao tiếp bằng mắt là hình dung bạn đang có một loạt cuộc trò chuyện với một khán giả cụ thể nào đó trong khoảng thời gian đủ cho một câu hay một ý nghĩ. Như vậy, bạn sẽ tránh được tình trạng liên tục nhìn lướt qua khán giả, hay nhìn chăm chăm lên trần nhà hoặc xuống sàn nhà. Điều này đồng nghĩa bạn phải giữ giao tiếp bằng mắt từ ba đến năm giây với các cá nhân theo cách ngẫu nhiên quanh khán phòng.

Bạn nên nỗ lực sao cho khi kết thúc bài nói chuyện, bạn phải nói với mỗi người ít nhất một lần. Trong bối cảnh rộng hơn, hãy chia khán giả thành ít nhất bốn nhóm hoặc hơn, và dành từ một đến ba phút nói chuyện với từng nhóm như thể bạn đang nói chuyện với một cá nhân. Hãy đảm bảo cơ thể của bạn hoàn toàn hướng về cá nhân hoặc nhóm bạn đang nói chuyện bằng cách giữ đầu, thân và chân thẳng hàng, hai bàn chân trụ vững và vai mở rộng.

Hãy nhìn mỗi người bạn trò chuyện cùng bằng một mắt chứ không phải hai. Dù tôi chưa thấy bằng chứng khoa học nào, nhưng các huấn luyện viên diễn thuyết thường khuyên chúng ta nên nhìn bằng đồng tử trái khi có một yêu cầu xúc động, và nhìn bằng đồng tử phải khi tranh luận logic. Lý do ở đây là phần não phải điều khiển cảm xúc và xử lý hình ảnh từ mắt trái, và phần não trái điều khiển khả năng lập luận logic và xử lý hình ảnh từ mắt phải, nên hãy chọn lựa phù hợp. Nếu lý thuyết này quá xa lạ với bạn, hãy chọn lấy một mắt và sử dụng nó từ đầu đến cuối.

Để việc giao tiếp bằng mắt thêm phong phú, hãy nhắm mắt lại trong chốc lát để nhận lấy nguồn sức mạnh to lớn. Chẳng hạn, động tác này rất phù hợp khi bạn hồi tưởng. Diễn giả TED Jill Bolte Taylor đã áp dụng kỹ thuật này rất hiệu quả ở nhiều đoạn trong bài nói chuyện của chị.

Cử chỉ bàn tay, biểu cảm khuôn mặt và giao tiếp bằng mắt là những yếu tố cơ bản của cách giao tiếp phi ngôn từ trong tương tác mặt đối mặt. Khi ra mắt trên sân khấu diễn thuyết, còn một điều nữa bạn cần lưu tâm. Chương tiếp theo sẽ áp dụng các yếu tố cơ bản của cách di chuyển trên sân khấu trong suốt bài diễn thuyết.