HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

Chương 2

Thấy lá màn the sột soạt, lão bộc biết ngay là nhà vua vừa qua cửa tò vò. Lão quay vào đã thấy Nhân tôn ngồi xếp bằng ở kỷ. Lão cung kính chào. Khuôn mặt lão rạng rỡ hẳn lên. Dường như các nếp nhăn vừa giãn ra cùng với sự hoan hỉ đang bừng tỏa trong lòng lão. Điều đó không giấu nổi nhà vua. Ngài hỏi:

- Lão Dương bữa nay có gì vui mà hớn hở vậy?

- Muôn tâu thượng hoàng, lão vừa nói vừa phải nuốt nước miếng ừng ực để khỏi bật ra tiếng reo vui. - Muôn tâu thượng hoàng, lão nhắc lại - được thấy dung nhan thượng hoàng, con thật mãn nguyện. Người vẫn khang kiện là con vui. Hôm qua, quan đại an ở kinh sư mở hội đua thuyền nhân ngày lễ thượng nguyên, con chắc thế nào thượng hoàng cũng về dự. Con đã định đi để được thấy mặt rồng, ngặt vì cái lưng của con nó yếu quá. -Lão ngồi sụm xuống. Tay ngoái lại phía sau đấm lưng thùm thụp. - Đấy! Đấy… cái bệnh đau lưng nó lại làm tội làm nợ con rồi!.

- Mấy bữa nay trở trời. Ta chắc vết thương cũ lão nó lại tấy lên đấy.

- Dạ. Bẩm thượng hoàng, đúng như thế đấy ạ.

- Ái… Ái… lão nhăn nhó không dằn nổi cơn đau, nước mắt trào ra nhỏ xuống thành hai hạt lăn trên đôi gò má dăn deo.

Vua Nhân tôn bước xuống thềm vực lão Dương vào sập. Chiếc sập sơn son thếp vàng vẽ chín con rồng đang tranh nhau một viên ngọc. Bốn mặt sập trạm nổi bốn cái đầu hổ. Chiếc sập này trước vốn là giường ngủ của vua, vẫn kê trong nội tẩm.

Từ ngày nhà vua xuất gia, lão Dương xin phép bà Tuyên từ đưa ra kê ngoài nhà bái đường. Bao nhiêu năm hầu hạ nhà vua chưa một lần nào lão dám tự tiện hoặc được phép ngồi ghé vào long sàng. Thế mà giờ đây lão được chính tay thượng hoàng dìu vào. Lão đã toan nhỏm dậy phủ phục xuống mà cảm tạ nhà vua đã biệt đãi lão. Nhưng trong lòng lão lại muốn kéo dài thêm cái giây phút hiếm hoi ấy. Đôi mắt lão nhắm nghiền, làm thượng hoàng có thể tưởng là lão đang đau đớn đến mê man. Thật tình lão đang làm một việc tầy trời. Lão bấm bụng tự nhủ: "Ừ thì hãy cứ thử nán lại một tí xem sao. Xem nằm trên giường của vua nó sướng hơn nằm trên giường của nhà lão ở chỗ nào". Và cứ theo cái nhịp phiêu bồng đó, lão nghĩ: "Suốt cuộc đời ta từ lúc sức lực sung mãn tràn trề, cắp dáo theo hầu thái thượng hoàng, rồi thượng hoàng và cả quan gia bây giờ. Kế tiếp ba đời vua, lúc nào ta cũng chỉ được phép cầm ngang ngọn dáo hoặc chắp tay cung kính. Chưa bao giờ ta dám có ước vọng ngông cuồng là được ngồi vào long sàng, chứ còn nói gì đến chuyện ngả người xuống giường vua. Vì nếu điều đó xảy ra thì thật là một tai họa lớn. Một trọng tội - Tội khi quân".

Trong lúc lão Dương mải say sưa đuổi bắt những ý nghĩ miên man của lão, thì Nhân tôn nhìn lão với vẻ cảm thông có pha phần ân hận. Nhà vua dường như thấy lại đầy đủ hình ảnh người nô bộc của mình thời trai trẻ: một đô vật lừng danh, một võ sĩ thượng thặng, một cung thủ có tài bách bộ xuyên dương (Xa trăm bước bắn mũi tên xuyên qua lá liễu.). Nhà vua tự hỏi:"Có phải chính con người lúc nào cũng rên rẩm về bệnh tật này đã cứu cơ nghiệp nhà Trần, cứu sơn hà xã tắc chăng?"- "Phải". Nhà vua tự trả lời - "Chính y. Chính trong lúc giặc Thát đuổi gấp, ta và phụ hoàng trên đường rút vào châu Hoan, thì Đặng Dương khuyên phụ hoàng ta nên bỏ đường thủy đi đường bộ. Nhưng là ngược lại để về châu An Bang. Chính lúc đó Thoát-hoan lớn tiếng đe dọa cha con ta: "Lên trời" thì y "cầm cẳng kéo xuống"; "xuống đất" thì y "nắm tóc lôi lên". Ta nghe kế của Đặng Dương, nên bỏ mặc Thoát-hoan đuổi theo một cái bóng vô hình. Ta quên sao được trong tình thế gấp gáp, thuyền còn cách quá xa bờ, y đã cõng phụ hoàng ta phi thân lên bờ. Ta phải nhắm mắt lại, sợ nhìn thấy cảnh đau thương. Nhưng y đã bay, phải nói là y cõng phụ hoàng ta bay vào bờ. Ta cho rằng trên đời này khó kén được tướng khỏe như Đặng Dương. Nhưng do y đã gồng người lên quá sức, nên xương sống của y bị chấn thương tức khắc. Lòng trung dũng của Đặng Dương có được triều đình xét đến ban khen. Song chẳng có gì đền bù xứng đáng được cho y. Y đã bị tuyệt được sinh đẻ, lại suốt đời mang bệnh tật yếu đau".

Người lão bộc từ từ hé mắt vừa bắt gặp cái nhìn độ lượng của nhà vua. Lão vội nói với giọng yếu ớt:

- Xin thượng hoàng đại xá cho con. Tội con đáng muôn chết.- Vừa nói lão bộc vừa nhìn vua Nhân tôn, vừa nhìn xuống chiếc giường ông đang nằm.

Nhà vua vuốt nhẹ bàn tay lên lưng người lão bộc và nói:

- Ta thật có lỗi với lão. Ta mải mê lo chuyện trăm họ, nhưng lại bỏ mặc lão sống cô đơn. Mà thật ra không có sự tận tâm báo quốc, không có sự xả thân cứu chủ của lão thì cả tấm thân ta chắc đã còn tới ngày nay. Ta đền đáp được gì cho lão đâu. Ta nhớ, chưa một lần nào lão hé răng xin ban ân tứ. Duy chỉ có lần này và cũng chỉ có một thoáng mới đây, lão như có ý hờn dỗi với ta về thân phận nô bộc của lão. Ta đánh giá cao nhân cách của lão. Tuy lão vẫn còn ở trong hàng nô bộc, nhưng lão có phong độ người quân tử hơn chán vạn kẻ ở lầu son gác tía.

Lão Dương lạnh toát người, lão có cảm giác như đức vua nhìn thấu suốt cả tâm can lão. Và những lời nhà vua nói thật chí nghĩa chí tình, khiến lão xúc động và khóc như một đứa trẻ.

Nhà vua vẫn an nhiên ngồi nhìn lão khóc với nỗi cảm thương sâu sắc. Ngài không quở trách, cũng không dỗ dành an ủi. Bởi ngài cho rằng người dễ xúc động là người có được cái tâm tốt. Và mỗi khi khóc được, nó sẽ làm cho vơi vợi nỗi buồn đau. Con người lập tức thấy dễ chịu ngay.

Lão Dương nín bặt, nhỏm dậy và thoăn thoắt đi như lão chưa hề biết đến có sự đau lưng ở trong đời. Lão bê tới sập một bộ đồ pha trà, cung kính đặt trước thượng hoàng rồi vòng tay thưa:

- Bẩm thượng hoàng, chẳng hay người vẫn ưa dùng trà sen để con pha?.

- Từ độ xuất gia, ta thôi không dùng trà nữa, mà chỉ quen uống một thứ nước hãm bằng gỗ cây mai già. Bọn ta thường gọi nó là "Lão mai trà". Ta có đem theo vài thanh. Để ta cho lão một thanh uống thử. Khi hãm, lão phải chẽ nhỏ ra. Loại nước này uống mát, nhuận gan.

Một thoáng băn khoăn hiện lên mặt. Lão Dương ngập ngừng định nói, lại thôi.

Được cái nhìn của nhà vua cổ súy, lão mạnh dạn lên tiếng:

- Bẩm thượng hoàng, còn chỉ xin hỏi một điều, có gì tò mò mạo muội, con xin thượng hoàng đại xá cho. Dạ bẩm thượng hoàng, có đúng là người xuất gia phải kiêng khem đủ mọi thứ không ạ?.

- Không, không phải thế đâu. Phật không bắt người tu hành phải kiêng khem gì hết.

- Tâu thượng hoàng, thế còn ngũ giới thì sao ạ?

(Ngũ giới: Năm điều răn của đạo Phật. Theo Thích lão chí, ngũ giới là: 1- Không giết sinh vật. 2- Không trộm cắp. 3- Không gian dâm. 4- Không nói càn. 5- Không uống rượu, ăn thịt.)

- Ngũ giới là luật lệ do tăng chúng đặt ra, để giám sát đệ tử hướng trọn việc làm cũng như tâm thức mình vào cái thiện. Bởi chưng cái thiện nào cũng đều có tính Phật. Đặt ra ngũ giới và trụ trì tại chùa, chẳng qua là bọn nhà chùa muốn tu theo đường tắt để mau thành Phật. Nhưng có phải muốn mà được đâu. Nếu chỉ kiêng năm điều răn ấy mà thành Phật, thì bọn sư sãi thành Phật hết. Phật ở đâu mà nhiều thế?

- Tâu thượng hoàng, nếu đúng như ngài nói thì việc kiêng khem ngũ giới đó, không dính dáng gì đến việc tu Phật. Thế tại sao thượng hoàng lại kiêng không ăn thịt, không cả uống trà nữa.

- Ta không dùng những cái đó là vì ta thấy chúng sinh còn thiếu thốn khổ đau quá đỗi. Ta muốn chia sẻ lòng mình với họ, chớ đâu có phải ta mong chóng trở thành Phật. Vả lại mong cũng không được. Ai chỉ muốn được, chắc là sẽ bị mất thôi.

- Tâu thượng hoàng. Suốt cuộc đời con theo đòi hầu hạ trong cung cấm, con cảm mến cái đức của thượng hoàng. Nay thượng hoàng xuất gia, con xin người gia ân cho con lại được theo hầu. Nếu hồng phúc lớn, bệ hạ thành Phật, con sẽ là một đứa tiểu tăng mãi mãi làm nô bộc cho người. - Lão Dương vừa nói vừa khép nép nhìn xem đức vua có chấp thuận lời cầu xin của lão không. Lời lão nói là thành thực. Bởi chốn cung cấm lạnh tẻ này có cái gì hấp dẫn với lão đâu. Dù lão là kẻ nô bộc có công lớn đối với tiên đế. Không một ai dám đụng đến lão, cắt bỏ phần bổng lộc của lão, thì lão vẫn cứ là một tên "tọa thượng nô". Ba chữ đó không chỉ hằn trên trán, mà còn hằn trong tâm can tì phế của lão. Lão sẽ suốt đời giam thân trong cung cấm với cảnh cô đơn không vợ, không con, không một ai thân thích.

- Này, lão Dương! Việc đạo không hẳn như việc đời. Không phải ta là vua ta sẽ thành Phật, còn lão là nô, lão sẽ là tiểu tăng đâu. Có thể lão có duyên nghiệp từ kiếp trước, lão lại ngộ đạo trước ta thì sao? Việc tu đạo, là cốt ở tu tâm. Tâm lớn, ắt sẽ thành quả phúc. Phật là đạo. Đạo cao như nước, dung dị như nước, nhuần thấm như nước, công bằng như nước, không phân chia thứ bậc trên dưới, thấp cao, ấy là đạo. Cho nên ai tu cũng được. Ngay cả các loại vật, hễ đã có cửu khiếu (Cửu khiếu là kể các loài có chín lỗ: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, mồm; đại tiện, tiểu tiện. Đó là những động vật đã tiến hóa, theo thuyết nhà Phật, có thể tu đạo được.), đều có thể tu tạo được. Ta không ngại gì không cho lão theo. Nhưng ngặt vì ta phải đi khắp cõi để giảng kinh, thuyết pháp, mà lão thì yếu đau, bệnh tật, theo ta sao được? Vả lại, ta còn có việc phải nhờ cậy lão. Chẳng hay lão có chịu giúp ta không?.

Đức vua nói vừa bình dị, vừa đức độ, vừa cao siêu, nhưng lão Dương hiểu được. Khi nghe nhà vua nói:"Có việc phải nhờ cậy" thì tai lão đỏ lên, máu rần rật chuyển, làm cả khuôn mặt tai tái của lão cũng đỏ tía lên. Lão tự nhủ:" Tấm thân tàn như ta, còn có ích gì nữa mà nhà vua nhắc tới. Nhà vua có hảo ý giao cho ta việc gì, hay cũng chỉ là một lời an ủi thay vì giễu cợt". Lão vẫn lặng thinh.

Một lát, nhà vua lại hỏi:

- Vậy chớ lão có chịu ở lại kinh thành để giúp ta vài việc lớn không?

- Tâu thượng hoàng, người sai bảo điều gì, dù chết con cũng không từ nan. Con chỉ mong sao tấm thân tàn này, vẫn chưa phải là tấm thân vô dụng.

- Ôi, nếu một quốc gia nào mà có được những con dân như ngươi, ta chắc quốc gia đó sẽ vô địch. Tiếc thay có những kẻ mũ, đai, áo rộng, quyền cao, chức trọng, mà ta nhìn họ chẳng khác gì nhìn một cái thây ma đang rữa!.

- Ngài nói những điều cao xa quá, con không hiểu. Thân phận nô bộc, chúng con chỉ phân biệt đúng sai là ở chỗ việc làm thiện hay ác.

- Vậy là nhà ngươi đã nắm được căn cốt của đạo pháp rồi đó. Trong cõi u mê này, lòng tham cao như núi, mấy ai đã phân biệt được ác với thiện. Thôi, để ta nói thẳng vào việc. Chắc lão còn nhớ những năm giặc Thát giầy xéo non sông đất nước, dân ta trăm bề điêu háo như thế nào rồi chứ? Đấy, cho nên tất cả các việc làm của ta, đều chỉ mong sao cho nước Đại Việt ta giàu mạnh. Con dân trong nước từ nơi phường phố đô hội đông vui, đến các thôn cùng xóm vắng, đâu đâu cũng được hưởng thái bình. Từ thôn ấp đến các trấn, các lộ, các quận, các châu, con dân không bị bọn quan lại tham nhũng, cướp bóc, áp bức. Ta chỉ muốn đi tới đâu cũng chỉ nghe tiếng trẻ ê a học bài, tiếng trai gái đùa bỡn, hát ca, chứ không phải là tiếng rủa nguyền hờn oán. Muốn có cảnh ấy, thì ngay trong triều đình, các hàng quan văn võ từ chánh nhất phẩm tới thất bát phẩm phải trong sạch, tận tụy, liêm chính. Ta không muốn có một con sâu, con mọt nào lẩn chúi trong hàng quan lại của ta. Rồi ta còn phải bưng tai, bịt mắt, chặt vây cánh của đám sứ thần nhà Nguyên ở đất Thăng Long ngày nữa chứ. Ta trông cậy nơi nhà ngươi sẽ nhận ra ngay các điều phải quấy hàng ngày ở trong cung cấm, trong triều nội, trong phố phường của đất Thăng Long. Thu thập lại, rồi ngươi báo cho ta hoặc cho quan gia được biết. Việc đó, ta tưởng chẳng khó khăn gì. Ngươi cũng chẳng cần phải táy máy dò xét như một tên do thám. Chỉ cần ngươi qua lại nghe ngóng nơi chợ búa, hàng quán, là ngươi có thể biết hết các công việc triều đình, và tư cách quan lại. Là vì các việc làm của triều đình, và tư cách quan lại, có như thế nào, dân chúng biết hết. Nhất là những việc quan hệ đến vận mệnh của họ, ắt họ phải xôn xao bàn tán. Ta đã vi hành (Để nắm được thực chất tình hình trong dân chúng, và trong đám quan lại, ngày xưa những bậc vua chúa trị nước giỏi thường cải dạng làm người thường sống chung lẫn trong dân để nghe ngóng) nhiều bận, nên ta biết. Ta quả quyết rằng, dân chúng là tấm gương phản chiếu các chính sách cai trị của triều đình. Ra đường trông thấy sắc mặt người dân đói, phải nghĩ ngay đến chính sách tô thuế của triều đình hà khắc. Hoặc là do bọn quan lại địa phương bóc lột tàn nhẫn. Ra đường trông thấy người dân béo tốt, lành lặn, nhưng sắc mặt lấm lét đề phòng, hỏi điều gì cũng không nói, không biết. Ấy là trong vùng có chuyện quan lại chuyên quyền, tàn bạo. Ngươi thử ngẫm những điều ta nói có đúng không?.

- Tâu thượng hoàng, người sáng suốt lắm ạ!.

- Ta không sáng suốt, cũng không ngu tối. Những điều ta biết được, là bởi ta tìm được cách gần dân, sát dân, chứ ta không để cho bọn cận thần bịp bợm, dối lừa ta. Vậy chớ lão Dương, ngươi có giúp ta được những việc như ta nói không?.

- Muôn tâu thượng hoàng, việc đó thì con làm được ạ. Nếu thượng hoàng muốn nghe, ngay bây giờ con có thể hầu thượng hoàng vô khối chuyện. Mà chính con cũng ấm ức, bất bình.

- Nào lão kể đi. Bắt đầu từ chuyện nhà ta. Quan gia trị nước có nghiêm không? Đối với việc nhà có hiếu thuận không? Thái hậu thế nào, người có phàn nàn gì không? Công chúa út của ta có siêng năng học hành, dung công ngôn hạnh, hay chỉ chăm ngắm vuốt, chải chuốt thôi? Ừ, biết bao nhiêu là chuyện trong kinh sư, có tới nghìn mắt, nghìn tai cũng không nghe, không nhìn thấu.

Được nhà vua cổ vũ, lão Dương phấn chấn hẳn lên. Lão nhìn đức vua với ánh mắt trong sáng lạ thường.

Lão nói:

- Trình thượng hoàng, từ khi đức Khâm từ thái hậu mất đi, lại tiếp đến việc thượng hoàng xuất gia, con thấy mọi việc trong cung cấm do một mình đức Tuyên từ cai quản. Người coi sóc công việc cực kỳ cần mẫn, công minh, chính trực. Người thực sự coi quan gia và công chúa như là con ruột của mình vậy. Ngay với quan gia, người còn nghiêm khắc hơn cả sinh thời đức Khâm từ. Với công chúa, người còn răn dạy đến nơi đến chốn.Vả lại, công chúa tuy còn nhỏ tuổi, đã sớm tỏ ra là người hiếu thuận. Con chưa nghe thấy ai phàn nàn gì về công chúa. Chỉ thấy các quan khen chữ công chúa viết tốt, thơ hay, đọc nhiều, hiểu rộng. Nếu có điều gì đáng ngại, ấy là công chúa ham mải đọc sách quá. Có lần con bắt gặp mấy ả thị tì, xe ở nhà tàng thư về cho công chúa hàng xe sách. Chẳng biết đầu óc công chúa thế nào, chứ đầu con thì một chữ không nhét vào được.

- Dạ, dạ. Còn việc quan gia trị nước thế nào thì phận con sao biết được. Con cứ nghĩ đã làm vua thì phải anh minh lắm. Còn có điều gì mà xét nét nữa.

- Ngươi nói có đúng không. Giọng đức vua đanh lại với vẻ nghiêm khắc - Thiếu gì những kẻ làm vua ngu tối, tàn bạo khiến trăm họ lầm than. Kiệt, Trụ đó, Lê ngọa triều đó!.

Lão Dương có phần bối rối. Lão biết nhà vua cần lời nói thẳng. Nhưng lão cũng còn biết con vua rồi lại làm vua; xấu, tốt, ngu đần gì rồi cũng cứ là làm vua. Ba tuổi đã lên ngôi vua. Đúng ra, làm vua có cần gì học rộng, tài cao, trải gió sương trận mạc. Ôi, cáo lời nói thẳng, tức là cái sự thật sờ sờ ra đó, ai cũng biết, nhưng phải nói ra, gọi đúng tên của nó, sao khó đến rợn tóc gáy. Lão Dương tự nhủ: "Nếu ta không nói hết sự thật cho thượng hoàng biết, tức là ta đã làm mếch lòng ngài. Còn nếu ta nói hết mọi điều như ta thấy và ta nghĩ, hẳn có ngày quan gia sẽ lấy đầu ta. Cũng một lời nói như nhau, với người này ta chỉ được lòng, còn với người kia ta phải mất đầu.Thế là cái quái gì? Đời sao éo le quá đỗi! Nhưng ta tiếc cái đầu để làm gì, một khi cái đầu đó đã hèn nhát không dám nói ra sự thật hiển nhiên. Dẫu có còn sống thì ta cũng tự khinh bỉ mình, vì chính lương tâm ta sẽ giết chết ta thôi. Bởi không gì tồi tệ xấu xa hơn là những kẻ còn sống sờ sờ nhưng lương tâm đã chết. Thượng hoàng cần lời nói thẳng, là cốt để biết mọi việc còn tính toan lo liệu cho trăm họ, chứ có phải lo tính chuyện riêng tư đâu mà sợ". Nghĩ vậy, lão Dương mạnh dạn lên tiếng:

- Tâu thượng hoàng, con sợ những lời con nói sau đây sẽ không làm đẹp ý người. Nhưng nếu không nói được với người, thì con cũng uất lên mà chết. Từ ngày đánh tan giặc Thát tới nay, kể đã dư mười năm. Song dân tình nhiều nơi vẫn còn nghèo xác lắm. Điều đó cũng tức là trong chiến tranh, giặc tàn phá nặng nề, mà dân cũng phải đóng góp nuôi quân đến kiệt sức. Mới năm ngoái đây mất mùa, một số vùng đã có người chết đói. Nhưng ở kinh sư, nhà vua mở hết cung này đến viện khác. Cung nào, viện nào cũng xây cất nguy nga, thành lũy vòng trong vòng ngoài.

Còn các quan cũng lần lượt xây dinh, lập phủ. Thử hỏi các quan lớn quan bé, tước ấy, bổng ấy, lộc ấy bất quá chỉ đủ nuôi thân và báo hiếu phụ mẫu, chứ lấy đâu ra tiền của để xây cất lâu đài? Một hai nhà xây là các nhà đua nhau. Nhà này một, nhà kia phải hai, ba, năm, bẩy lần sang đẹp hơn. Con thiển nghĩ, các quan chẳng tự mình làm nổi lấy một viên gạch. Nhưng lại xây cất, chi tiêu như nước. Vậy tiền ấy lấy ở đâu ra? Ai cũng bảo, các quan móc của kho nhà nước với móc túi dân. Thượng hoàng cứ phải tốn công sức đi vi hành ở đâu đâu để xem xét lòng dân. Sao thượng hoàng không lưu tâm ở ngay kinh sư này. Con thấy lòng dân náo động lắm. Mà các quan thì đã bắt đầu một cuộc sống xa xỉ. Ra đường thì võng lọng nghênh ngang, kiệu xe cờ xí, quân lính tiền hô hậu ủng, ngay đến đức vua cũng chưa có làm thế bao giờ. Mới năm ngoái đây trước lúc lâm chung, đức Quốc công tiết chế còn dặn lại quan gia: "Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước". Nhưng cũng mới gần đây con về quê, thấy dân tình xơ xác. Hỏi ra mọi người đều nói bọn xã quan nhũng nhiễu quá. Tô thuế chúng thu cao quá. Đến lúc hỏi bọn xã quan thì chúng lại nói, mức thuế hàng năm đều tăng, nếu không bổ vào đầu dân thì lấy đâu ra nộp cho quan trên. Nếu hỏi lên một vài cấp quan quận, quan châu chẳng hạn, hẳn họ phải nói là do chính sách của triều đình. Vậy có đúng là triều đình đã cố kết lòng dân như thế chăng? Muôn tâu thượng hoàng, đã trải qua hai lần đánh giặc Thát, sinh tử không nề, nhưng tới bây giờ thì con nản quá. Nhiều điều bất như ý quá. Tâu thượng hoàng, giặc Thát là chuyện ở xa, chứ giặc quan nha là chuyện… Nói đến đây, lão Dương ngừng lời đột ngột. Mồ hôi hột toát ra, chảy ròng ròng hai bên thái dương. Mặt lão đỏ tía rồi tái dần đi. Không biết là lão sợ vì chợt thấy quá lời, hay bởi lão trút được nỗi hờn giận bấy lâu chất chứa.

- Ôi lão Dương, ta biết nói như thế nào về tấm lòng kiên trung của lão, vẫn vằng vặc như trăng sao tỏa sáng. Đến bây giờ ta mới thấm thía lời dạy của đức Quốc công tiết chế rằng: "Giang san là của chung, từ vua quan đến thứ dân, ai ai cũng có quyền yêu mến và có bổn phận gìn giữ như nhau". Ta sẽ lưu tâm quan gia về tất cả những điều lão nói. Vả lại, ta cũng đang có kế sách cùng với muôn dân, bồi đắp cho quốc gia Đại Việt của ta hùng cường.

Xúc động quá, nhà vua không giấu nổi, ngấn lệ đã tràn mi.