Kẻ Xa Lạ

Chương 3

Hôm nay tôi làm việc cật lực tại văn phòng. Ông chủ thật dễ mến. Ông ấy hỏi tôi có mệt lắm không và ông ấy muốn biết mẹ tôi thọ bao nhiêu. Để tránh nhầm, tôi nói “Ngoài sáu chục”, và không hiểu sao ông ấy lại có vẻ như thấy nhẹ người và coi như đó là việc đã rồi.

Trên bàn làm việc của tôi có cả một đống giấy tờ mà tôi buộc phải xử lý hết. Trước khi đi ăn trưa, tôi đi rửa tay. Trưa là thời điểm tôi thích nhất. Buổi tối tôi thấy ít dễ chịu nhất, vì cái khăn lăn đã ướt: nó đã phục vụ suốt cả ngày. Tôi nêu nhận xét về ngày làm việc với ông chủ. Ông ấy nói điều đó đáng tiếc, nhưng dù sao thì cũng không nghiêm trọng. Tôi ra khỏi văn phòng hơi muộn, lúc mười hai giờ rưỡi, cùng Emmanuel, người làm ở bộ phận đầu tư mạo hiểm. Phòng làm việc nhìn ra biển, và chúng tôi đã không xem được cảnh tàu thuyền ra vào cảng khi mặt nước sáng rực ánh mặt trời. Vào lúc đó, một chiếc xe tải xuất hiện trong tiếng động cơ ầm ầm và tiếng xích sắt loảng xoảng. Emmanuel hỏi tôi “Đi chứ?”; thế là tôi chạy luôn. Chiếc xe tải vượt qua chúng tôi, thế là chúng tôi phải đuổi theo. Tôi ngập trong tiếng ồn và khói bụi. Tôi không còn nhìn thấy gì và chỉ nghĩ về cuộc chạy điên cuồng, giữa nơi ngổn ngang những máy móc, những chiếc cột buồm đang lắc lư trên sóng và những thùng xe. Tôi túm được xe và nhảy lên trước, rồi giúp Emmanuel trèo lên. Chúng tôi mệt đứt hơi, trong khi chiếc xe tải chồm lên trên những tấm lát gồ ghề của bờ kè, giữa nắng và bụi. Emmanuel cười không ra hơi.

Chúng tôi ướt như tắm khi tới chỗ Céleste. Ông ta vẫn luôn ở đó, với cái bụng bự, cái tạp dề và những sợi râu trắng. Ông ta hỏi tôi “Vẫn ổn chứ?” Tôi nói “phải” và bảo tôi đói lắm rồi. Tôi ăn rất nhanh rồi uống cà phê. Rồi tôi về chỗ ở, ngủ một lúc vì uống quá nhiều rượu, và khi tỉnh dậy thì rất thèm hút thuốc. Thấy đã muộn, tôi chạy vội để lên tàu điện. Suốt buổi chiều, tôi làm việc liên tục. Trong phòng quá nóng, và khi ra về, tôi thấy khoan khoái khi bước nhẩn nha dọc theo bờ kè. Trời trong xanh, và tôi cảm thấy dễ chịu. Nhưng tôi về thẳng nhà vì muốn ninh một ít khoai tây cho bữa tối.

Khi đi lên theo cầu thang tối om, tôi đụng phải ông già Salamano, người đi chung cầu thang với tôi. Ông ta dắt chó theo. Nó đã sống với ông ấy tám năm. Con chó giống épagneul này bị bệnh da, chắc là ghẻ, nên bị trụi gần hết lông, trơ ra những mảng vảy nâu và máu khô. Có lẽ vì sống với nó quá lâu trong một căn phòng chật hẹp mà ông già này càng ngày càng giống với nó. Ông cũng có những mảng sẩn đỏ trên mặt, tóc và lông trên người cũng có màu vàng và rụng nhiều, chỉ còn rất thưa. Con chó thì tiếp thu cái dáng kỳ dị của ông chủ, cái mõm vươn ra phía trước trên cái cổ dài. Họ có vẻ như cùng loài, nhưng lại ghê tởm lẫn nhau. Ngày hai lần, vào lúc mười một giờ và sáu giờ, ông già dắt cho đi dạo. Tám năm liền, họ không thay đổi hành trình. Mọi người thấy họ đi dọc theo phố de Lyon, con chó ra sức kéo đi, ông già thì cố ghìm lại. Ông ấy đánh và chửi con chó. Con chó sợ hãi nằm rạp xuống đất và để mặc cho ông chủ đánh. Lúc đó thì đến lượt ông già kéo nó đi. Đến khi nó quên chuyện vừa xảy ra thì nó lại kéo ông chủ và lại bị đánh mắng. Rồi cả hai ngồi nghỉ ở vệ đường, con chó với sự khiếp hãi, còn con người thì với sự căm tức. Ngày nào cũng vậy. Khi con chó muốn đái, ông già không để nó đái, cứ thế kéo đi, còn con chó épagneul vừa đi theo ông vừa rắc những giọt nhỏ thành một vệt dài. Nếu chẳng may nó tè trong phòng thì nó sẽ bị nện. Sự việc như vậy đã kéo dài tám năm. Céleste thì lúc nào cũng bảo “Sao khổ thế”, nhưng thực sự chẳng ai biết phải làm gì. Khi tôi gặp Salamano ở cầu thang, ông ấy đang chửi bới con chó. Ông ấy nói: “Đồ tồi! Đồ thối tha!”, còn con chó thì đang rên rỉ. Tôi nói “Chào cụ”, nhưng ông già đang bận rủa. Tôi hỏi ông ấy con chó mắc tội gì. Ông ấy không thèm trả lời. Ông ấy vẫn chỉ nói hai từ: “Đồ tồi! Đồ thối tha!” Thấy ông ấy đang lúi húi, tôi đoán ông ấy đang muốn làm gì đó với cái vòng cổ của con chó. Tôi hỏi lại to hơn. Không quay lại, ông ấy gầm lên với tôi: “Lúc nào nó cũng nằm đấy.” Rồi ông ấy lại kéo con vật đi, còn nó thì vừa bước theo vừa rên rỉ.

Đúng lúc đó, một người khác cũng đi cùng cầu thang với tôi đi vào. Trong khu phố, người ta bảo đó là tay dắt gái. Khi có người hỏi về nghề nghiệp, anh ta nói là “thủ kho”. Nói chung, anh ta không được mọi người quý mến. Tuy vậy, anh ta hay nói chuyện với tôi, và thỉnh thoảng sang nhà tôi vì tôi chịu khó nghe. Tôi thấy anh ta nói chuyện khá hấp dẫn. Với lại tôi chẳng có lý gì để không nói chuyện với anh ta. Tên anh ta là Raymond Sintès. Anh ta nhỏ con, với đôi vai rộng và cái mũi của võ sĩ đấm box. Anh ta ăn mặc rất chỉnh tề. Khi nói với tôi về Salamano, anh ta bảo: “Có gì khổ lắm đâu!” Anh ta hỏi tôi có thấy ghê tởm ông già không, tôi nói “không”.

Chúng tôi đi lên và tôi định chia tay thì anh ta nói: “Tôi có ít dồi với rượu, anh sang nhấm nháp chút với tôi không?” Tôi đang thấy ngại nấu ăn nên đồng ý. Anh ta cũng chỉ có một phòng, với ngăn bếp không có cửa thoát hơi. Phía trên đầu giường của anh ta có đặt một bức tượng thiên thần bằng chất liệu trắng hồng giả cẩm thạch, vài bức ảnh các nhà vô địch và vài bức tranh khắc phụ nữ khỏa thân. Căn phòng khá bẩn, còn cái giường thì xiêu vẹo. Anh ta đốt ngọn đèn dầu lên rồi lôi trong túi ra một đoạn băng khá lem nhem và quấn quanh bàn tay phải. Tôi hỏi anh ta có chuyện gì. Anh ta bảo vừa choảng nhau với một tay chuyên kiếm chuyện.

“Anh hiểu cho, anh Meursault.” Anh ta nói. “Tôi không ác, nhưng nóng tính. Thằng kia bảo tôi: “Xuống xe, nếu mày là đàn ông.” Tôi nói: “Ấy ấy, bình tĩnh.” Nó bảo tôi không phải đàn ông. Lúc đó tôi ra khỏi tàu điện và bảo: “Đủ rồi, cư xử tử tế, không tao giết.” Nó nói: “Mày dám?” Tôi cho nó một đấm. Nó té. Tôi định lôi nó dậy, nhưng nó giơ chân đá tôi mấy cú. Tôi liền cho nó một cú lên gối với hai cú đập bằng cái then. Nó tóe máu. Tôi hỏi nó đã thấy chưa. Nó nói: “Rồi.”” Vừa nói, Sintès vừa quấn băng. Tôi ngồi lên giường. Anh ta nói với tôi: “Anh thấy đấy, tôi đâu có gây sự. Chính nó láo với tôi.” Tôi bảo đúng thế. Thế là anh ta nói rằng anh ta muốn xin lời khuyên của tôi về vụ việc đó, rằng tôi là đàn ông, tôi hiểu đời, rằng tôi có thể giúp anh ta và từ nay anh ta sẽ là bạn của tôi. Tôi không nói gì, thế là anh ta hỏi lại tôi có muốn làm bạn với anh ấy không. Tôi nói cũng được, và anh ta có vẻ hài lòng. Anh ta đi lấy dồi, rồi bỏ vào áp chảo, sau đó bày li, đĩa, dĩa và hai chai vang ra. Anh ta làm mọi việc trong im lặng. Rồi chúng tôi ngồi vào bàn. Khi ăn, anh ta bắt đầu kể chuyện về bản thân. Anh ta đang hơi dao động. “Tôi quen một phụ nữ… người đó gần như là bồ của tôi.” Người đàn ông đánh nhau với anh ta là anh trai của ả đó. Anh ta bảo tôi là anh ta nuôi cô ả. Tôi không nói gì, còn anh ta thì nói thêm rằng anh ta biết trong khu phố người ta nói gì, nhưng anh ta có nhận thức của anh ta, hơn nữa anh ta còn là thủ kho.

“Nhưng trong cái chuyện của tôi, tôi thấy như có sự lừa dối”, anh ta nói. Anh ta chu cấp mọi thứ cho cô ả sống. Anh ta trả tiền phòng ở, cho mỗi ngày hai mươi franc tiền ăn. “Ba trăm franc tiền phòng, sáu trăm franc tiền ăn, thỉnh thoảng lại một đôi bít tất, vị chi gần một ngàn. Còn madame của tôi thì chẳng làm gì. Nhưng cô ta lại bảo sẽ không như thế nữa, rằng cô ta không đến để sống với những gì tôi chu cấp. Còn tôi thì bảo: “Sao cô không làm việc nửa ngày? Cô bớt cho tôi khỏi phải lo hết mọi thứ lặt vặt đi. Tháng này tôi đã mua cho cô bao nhiêu thứ rồi, tôi cho cô mỗi ngày hai mươi franc, trả tiền ở cho cô, trả tiền cô uống cà phê buổi chiều với bạn bè cô. Vừa cà phê vừa đường. Tôi cho cô tiền. Tôi đối xử tốt với cô, còn cô thì coi tôi không ra gì.” Nhưng cô ả vẫn không đi làm, vẫn luôn mồm bảo sẽ không đến nữa, và vì thế tôi cảm thấy có sự lừa dối.”

Anh ta bảo tôi là anh ta thấy trong túi cô ta có vé xổ số mà cô ả thì không giải thích được đã mua như thế nào. Vài hôm sau, anh ta lại tìm thấy biên lai của hiệu cầm đồ, chứng tỏ cô ả đã đem cầm đôi xuyến. Trước đó, anh ta đã cho qua việc không thấy đôi xuyến. “Tôi thấy có chuyện lừa dối. Thế là tôi bỏ cô ả. Tôi tát cô ta. Rồi tôi nói ra toàn bộ sự thật. Tôi nói toàn bộ cái cô ta muốn là giễu cợt tôi. Tôi bảo, anh biết không, anh Meursault, tôi bảo: “Cô không thấy ai cũng ghen tị với cô vì cái hạnh phúc tôi đem đến cho cô à? Cô nhận ra cái hạnh phúc mà cô có quá muộn đấy.”

Anh ta đánh cô ả tóe máu. Trước đó, anh ta không đánh. “Tôi tát cô ta, nhưng chỉ để cô ta hiểu. Cô ta khóc thút thít. Tôi đóng các cánh cửa và nghĩ sự việc sẽ kết thúc như mọi khi. Nhưng bây giờ thì nghiêm trọng rồi. Đối với tôi thì tôi trừng phạt cô ta chưa xứng đáng.”  

Rồi anh ta giải thích rằng đó là vì anh ta không được ai khuyên bảo. Anh ta dừng lại để chỉnh bấc của cây đèn đang bị muội. Tôi vẫn nghe anh ta nói. Tôi uống hết gần một lít rượu và thấy rất nóng. Tôi rút thuốc của Raymond ra hút vì thuốc của tôi đã hết. Những chuyến tàu điện cuối cùng đã đi qua và mang tiếng ồn xa dần về phía ngoại ô. Raymond lại nói tiếp. Cái làm anh ta chán “là cái ham muốn giao cấu”. Nhưng bây giờ anh ta muốn trừng phạt cô ả. Anh ta muốn đem cô ả đến một khách sạn và gọi bọn “mo” đến để tạo ra vụ tai tiếng cho cô ả. Anh ta nói chuyện với bạn bè, nhưng chẳng ai nghĩ ra được gì hay để khuyên anh ta. Và như Raymond đã nói với tôi, thật khó mà đứng giữa trong chuyện này. Anh ta đã kể với họ, và họ khuyên anh ta “đánh dấu” lên cô ả. Nhưng anh ta không muốn thế. Anh ta cần nghĩ kỹ. Trước hết anh ta muốn hỏi tôi vài điều. Và trước khi hỏi tôi, anh ta muốn biết tôi nghĩ gì về chuyện này. Tôi trả lời rằng tôi chỉ nghĩ là chuyện đó thú vị. Anh ta hỏi tôi có nghĩ là có chuyện lừa dối hay không, tôi nói là có. Anh ta lại hỏi có cần trừng phạt cô ta không, tôi nói tôi không thể biết được, nhưng tôi hiểu là anh ta muốn trừng phạt. Rồi tôi uống thêm vài hớp rượu. Anh ta châm thuốc và hé lộ ý định của mình với tôi. Anh ta muốn viết cho ả một bức thư “với những cú đá và cả những thứ làm cô ta thấy tiếc.” Sau đó, khi cô ả quay lại, anh ta sẽ lại ngủ với ả, và “đúng vào lúc kết thúc” anh ta nhổ vào mặt ả rồi tống cổ ra ngoài. Tôi thấy đúng là bằng cách đó thì cô ả sẽ phải đau đớn. Nhưng Raymond lại nói anh ta không biết viết thư, và anh ta muốn nhờ tôi thảo hộ. Thấy tôi không nói gì, anh ta hỏi tôi có ngại làm ngay bây giờ không, và tôi nói “không”.

Uống thêm một li rượu, anh ta đứng lên. Anh ta dẹp đĩa và ít dồi còn lại sang bên, rồi lau thật kỹ tấm vải nhựa trải bàn. Anh ta lấy từ ngăn kéo ra một tờ giấy kẻ ô, một phong bì màu vàng, một cây bút cán gỗ màu đỏ, một bình hình vuông đựng mực tím. Khi anh ta nói tên cô ả, tôi nhận ra đó là tên người Maure. Tôi viết bức thư. Tôi viết khá tùy tiện, nhưng cũng chú ý để làm Raymond hài lòng, vì chẳng có lý do gì để không làm như vậy. Rồi tôi đọc to lên cho anh ta nghe. Anh ta vừa nghe vừa hút thuốc và lắc đầu. Rồi anh ta bảo tôi đọc lại lần nữa. Anh ta rất hài lòng. Anh ta nói: “Tôi biết là cậu hiểu đời mà.” Tôi không để ý việc anh ta gọi tôi bằng cậu, cho đến khi anh ta tuyên bố: “Bây giờ thì cậu là thằng bạn hẩu của tớ rồi.” Anh ta nhắc lại câu đó lần nữa, và tôi nói “Đúng”. Làm bạn anh ta cũng chẳng sao, trong khi anh ta rất muốn vậy. Anh ta cho thư vào bì, và chúng tôi kết thúc tiệc rượu. Rồi chúng tôi ngồi im lặng hút thuốc. Bên ngoài cũng im lặng. Lúc sau, có tiếng ô-tô chạy qua. Tôi nói: “Muộn rồi.” Raymond cũng nghĩ vậy. Anh ta bảo thời gian trôi nhanh quá, và có lẽ đúng vậy. Tôi muốn về đi ngủ, nhưng mãi không đứng lên được. Chắc tôi có vẻ mệt, vì thấy Raymond bảo không nên để mọi việc xấu thêm. Thấy tôi không thật hiểu, anh ta liền giải thích là anh ta đã nghe nói mẹ tôi chết, nhưng việc đó không sớm thì muộn sẽ đến. Và tôi cũng nghĩ vậy.

Tôi đứng dậy, Raymond xiết tay tôi rất mạnh và nói đàn ông bao giờ cũng hiểu nhau. Khi ra khỏi phòng, tôi khép cửa lại và đứng một lúc trong bóng tối ngoài thềm. Khu nhà yên lặng, và từ phía chân cầu thang thổi lên một làn gió ẩm ướt. Tôi nghe tiếng mạch máu giật trong tai. Tôi đứng im. Tôi nghe trong phòng ông già Salamano, con chó đang phát ra những tiếng rên thảm hại.