Kẻ Xa Lạ

Chương 9

Có thể nói mùa hè thứ hai đã đến thay thế cho mùa hè thứ nhất quá nhanh. Tôi biết rằng với những đợt nóng đầu mùa, một cái gì đó mới mẻ sẽ đến với tôi. Vụ án của tôi được xét xử trong phiên tòa cuối cùng của tòa đại hình, và phiên tòa này sẽ kết thúc vào tháng sáu. Việc tranh tụng sẽ công khai, trong khi ngoài trời ngập tràn ánh nắng. Luật sư của tôi đoan chắc rằng việc xét xử sẽ kéo dài không quá vài ba ngày. “Hơn nữa – ông ta nói thêm – tòa án sẽ phải khẩn trương, vì vụ việc của anh không phải vụ nghiêm trọng nhất. Còn một vụ giết cha mẹ sẽ được xử ngay sau đó.” Vào lúc bảy rưỡi sáng, người ta đến tìm tôi và chiếc xe của nhà lao đưa tôi đến phòng xét xử. Hai cảnh sát viên đưa tôi vào một phòng hẹp và tối. Chúng tôi ngồi chờ gần một cánh cửa mà phía bên kia có tiếng người nói, tiếng gọi nhau, tiếng động của ghế ngồi và sự náo động làm tôi nghĩ đến những cuộc lễ lạt của khu phố, trong đó, sau phần ca nhạc, người ta dọn ghế đi để khiêu vũ. Hai cảnh sát viên bảo tôi là phải chờ và một trong hai người mời tôi hút thuốc nhưng tôi từ chối. Một lát sau anh ta hỏi tôi có lo không; tôi bảo không. Thậm chí, ở mức độ nào đó, tôi thấy thích xem tiến trình xét xử. Trong đời, tôi chưa có dịp nào. “Phải – viên cảnh sát kia nói – nhưng kết thúc sẽ mệt đấy.”

Một lúc sau, một tiếng chuông vang lên trong phòng. Họ tháo còng tay cho tôi. Họ mở cửa và đưa tôi đến vành móng ngựa. Phòng xử án đã đầy người. Mặc dù có diềm che nhưng ánh nắng vẫn lọt vào làm không khí trong phòng khá nóng. Các cửa sổ vẫn đóng. Tôi ngồi xuống, và hai viên cảnh sát ngồi hai bên. Lúc đó, tôi nhận ra có một dãy những bộ mặt phía trước tôi. Mọi người đều nhìn tôi. Tôi hiểu rằng đó là bồi thẩm đoàn. Nhưng tôi không thể nói họ khác nhau như thế nào. Tôi chỉ cảm thấy rằng tôi đang ở trước một chiếc ghế dài trên tàu điện và những hành khách vô danh đang sợ người mới vào coi họ là những kẻ nực cười. Tôi biết rằng đó là ý nghĩ vớ vẩn, vì ở đây chẳng có kẻ nực cười mà họ tìm, mà chỉ có phạm nhân. Tuy thế, sự khác biệt không quá lớn, và dù sao thì đó cũng là ý nghĩ đã xuất hiện trong đầu tôi.

Tôi thấy hơi ngột ngạt vì đám đông trong gian phòng kín. Tôi nhìn quanh phòng, nhưng không phát hiện ra gương mặt nào quen. Tôi cho rằng khó có chuyện tất cả những người này đều đến vì quan tâm đến vụ việc của tôi. Thường thì mọi người không bận tâm đến nhân cách của tôi. Tôi phải cố gắng để hiểu rằng tôi là nguyên nhân của của việc tụ tập này. Tôi nói với viên cảnh sát: “Mọi người kỳ thật!” Anh ta trả lời rằng đó là cái cớ cho cánh báo chí, rồi chỉ cho tôi thấy nhóm người đang tập trung bên cạnh cái bàn phía sau bồi thẩm đoàn. Anh ta nói: “Họ đấy.” Tôi hỏi: “Ai?” Anh ta nói: “Cánh nhà báo.” Anh ta bảo có biết một nhà báo, người đó cũng nhận ra anh ta và đang đi về phía chúng tôi. Đó là một người đứng tuổi, trông đáng mến, nét mặt hơi đăm chiêu. Ông ta bắt tay viên cảnh sát rất nồng hậu. Lúc đó tôi thấy mọi người nhận ra người quen và bắt đầu chuyện trò giống như trong câu lạc bộ, nơi mọi người vui mừng vì gặp lại những người cùng hội cùng thuyền. Tôi cũng hiểu được cái ấn tượng đặc biệt mà tôi gây ra cho họ, giống như một kẻ lạ đột nhập vào. Lúc đó, nhà báo mỉm cười bắt chuyện với tôi. Ông ta nói hy vọng mọi việc sẽ ổn đối với tôi. Tôi cảm ơn ông ta, còn ông ta thì nói thêm: “Anh biết đấy, chúng tôi có hơi cường điệu vụ án của anh. Mùa hè là mùa vô vị đối với cánh nhà báo. Chẳng có vụ nào đáng kể ngoài vụ của anh và vụ giết cha mẹ.” Rồi hướng về đám người mà ông ta vừa tách khỏi, ông ta chỉ cho tôi một gã trông như một con chồn béo núc ních, đeo cặp kính gọng đen to đùng. Ông ta bảo tôi rằng đó là phái viên đặc biệt của một tờ báo ở Paris. “Nhưng anh ta không đến vì anh. Nhưng vì anh ta quan tâm đến vụ xử kẻ giết cha mẹ, người ta đề nghị anh ta theo dõi luôn vụ của anh.” Lúc đó, tôi định nói cảm ơn, nhưng rồi lại thấy như thế cũng buồn cười. Ông ấy khẽ ấn vào tay tôi ra vẻ tình cảm, rồi rời khỏi chỗ chúng tôi. Chúng tôi đợi thêm một lúc nữa.

Luật sư của tôi đã đến. Ông ta mặc áo choàng và có rất nhiều đồng nghiệp đi theo. Ông ta đi thẳng đến chỗ cánh nhà báo, bắt tay họ. Họ pha trò với nhau rồi cười ra chiều thoải mái, cho đến khi tiếng chuông vang lên trong phòng xử án. Mọi người về chỗ ngồi. Luật sư của tôi đi lại chỗ tôi, bắt tay và nhắc tôi trả lời ngắn gọn những câu mà người ta sẽ hỏi, tránh gây rắc rối và cứ tin tưởng ở ông ta.

Ở phía trái, tôi nghe tiếng đẩy ghế và thấy một người cao lớn nhưng gầy, mặc áo choàng đỏ, mang kính không gọng. Ông ta cẩn thận vén áo choàng lên trước khi ngồi xuống. Đó là ngài ủy viên công tố. Viên thừa phán tuyên bố phiên tòa bắt đầu. Lúc đó, hai cái quạt lớn bắt đầu quay vù vù. Ba vị thẩm phán, hai mặc đồ đen, người kia đồ đỏ, tay bưng hồ sơ đi vào và bước tới bàn của hội đồng xét xử trên cao. Ông mặc đồ đỏ ngồi xuống ghế giữa, đặt chiếc mũ quan tòa lên bàn, lấy khăn tay lau vầng trán hói, và tuyên bố mở đầu quá trình xét xử.

Cánh nhà báo lăm lăm bút trong tay. Họ đều tỏ vẻ thờ ơ và có phần tinh quái. Một người còn rất trẻ trong số họ, mặc đồ len màu xám, thắt cà-vạt xanh, đặt bút trước mặt và nhìn tôi. Khuôn mặt anh ta hơi lệch, và tôi chỉ thấy cặp mắt rực sáng nhìn tôi rất chăm chú và không thể hiện điều gì rõ ràng. Và tôi bỗng có cảm giác lạ lùng như tôi đang nhìn chính mình. Có lẽ vì cảm giác này, và cũng vì tôi không biết rõ về việc xét xử, nên tôi không thật hiểu những gì xảy ra sau đó, không hiểu ý nghĩa của việc các vị bồi thẩm bỏ phiếu, những câu hỏi mà vị chủ tọa đặt ra cho luật sư, cho công tố viên và bồi thẩm đoàn (mà mỗi lần như vậy thì những cái đầu của các vị bồi thẩm lại cùng ngoái về phía bàn chủ tọa), việc đọc nhanh biên bản xét xử, trong đó tôi nhận ra tên các địa điểm, tên người, và những câu hỏi mới đối với luật sư của tôi.

Nhưng vị chủ tọa nói cần gọi nhân chứng. Khi đó, viên thừa phán xướng lên những cái tên làm tôi chú ý. Từ trong đám cử tọa lờ mờ, tôi thấy mấy người lần lượt đứng lên rồi mất hút sau cánh cửa bên hông. Đó là giám đốc trại dưỡng lão, ông bảo vệ, ông già Thomas Pérez, Raymond, Masson, Salamano và Marie. Cô ấy ra hiệu cho tôi và có vẻ lo lắng. Tôi thấy ngạc nhiên vì không nhận ra họ trước đó. Rồi cái tên cuối cùng được xướng lên, và Céleste đứng dậy. Tôi nhận ra bên cạnh ông ấy là bà chủ bé nhỏ của nhà hàng với cái áo khoác và vẻ dứt khoát. Bà ấy nhìn xoáy vào tôi. Nhưng tôi không có thời gian để quan tâm đến điều đó, vì vị chủ tọa lại lên tiếng. Ông ấy nói việc tranh tụng thực sự sắp bắt đầu, và ông ấy thấy không cần phải nhắc nhở cử tọa im lặng. Theo ông ấy nói thì ông ấy có mặt để định hướng sự công minh của việc tranh tụng về một vụ án mà ông ấy muốn xem xét một cách khách quan. Bản án được bồi thẩm đoàn đưa ra sẽ phải theo tinh thần của công lý, và trong mọi trường hợp ông ấy sẽ làm cho phiên tòa ít tùy tiện nhất.

Trời càng ngày càng nóng, và tôi thấy nhiều người trong phòng lấy báo để quạt. Việc đó gây ra những tiếng sột soạt. Vị chủ tọa ra dấu, và viên thừa phán đem đến ba cái quạt nan. Ba vị quan tòa lập tức cầm lấy quạt và dùng luôn.

Người ta bắt đầu hỏi cung tôi. Vị chủ tọa hỏi tôi một cách ôn hòa, thậm chí hơi có vẻ tình cảm. Người ta lại bắt tôi thuật lại nhân thân, và mặc dù thấy chán, tôi cảm thấy việc đó là phải lẽ, vì nếu không thì người ta có thể xử không đúng người. Rồi vị chủ tọa nói lại những việc mà tôi đã làm, cứ sau ba câu lại hỏi tôi: “Đúng thế chứ?”, và mỗi lần tôi đều trả lời “Vâng, thưa ngài chủ tọa” theo lời dặn của luật sư. Việc đó kéo dài khá lâu vì vị chủ tọa kể lại câu chuyện rất chi tiết. Suốt thời gian đó, cánh nhà báo ghi chép liên tục. Tôi vẫn cảm thấy cái nhìn của nhà báo trẻ nhất và của một cô người máy nhỏ. Toàn bộ hàng ghế dài của tàu điện hướng lên phía chủ tọa. Ông này ho một tiếng rồi đọc lướt hồ sơ và quay lại phía tôi, trong khi tay vẫn quạt.

Ông ấy nói là bây giờ ông ấy sẽ đề cập đến những vấn đề có vẻ không liên quan đến vụ án của tôi, nhưng thực ra là rất sát sườn. Tôi hiểu rằng ông ấy sẽ nói về mẹ tôi và cảm thấy thật chán biết bao. Ông ấy hỏi tôi tại sao để mẹ vào trại. Tôi trả lời vì tôi không đủ tiền để phụng dưỡng mẹ. Ông ấy hỏi tôi là việc đó có làm tôi bị tổn thương không, và tôi trả lời là cả mẹ tôi và tôi, không ai trông chờ ai, và đều quen khá nhanh với điều kiện sống mới. Ông chủ tọa nói là ông ấy không muốn xoáy mãi vào một vấn đề, nên ông ấy hỏi ngài ủy viên công tố có thấy cần hỏi gì thêm không.

Công tố viên xoay nửa lưng về phía tôi và, không nhìn tôi, ông ấy tuyên bố rằng với sự cho phép của ngài chủ tọa, ông ấy muốn biết tôi có ý định giết gã A rập khi quay lại con suối một mình hay không. Tôi nói: “Không”. “Thế thì tại sao anh ta lại mang vũ khí và tại sao lại trở lại đúng chỗ đó?” Tôi nói đó là sự tình cờ. Và ngài công tố viên nhận xét với giọng điệu hơi mỉa mai: “Tạm biết thế đã.” Sau đó mọi việc rối lên, ít nhất là đối với tôi. Nhưng sau vài câu trao đổi, ông chủ tọa tuyên bố phiên tòa tạm dừng và sẽ được tiếp tục vào buổi chiều với phần nghe lời khai của các nhân chứng.

Tôi không có thời gian để nghĩ ngợi. Người ta dẫn tôi ra, đưa lên xe tù rồi lái về nhà giam, và tôi ăn trưa ở đó. Sau một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ vừa đủ để tôi kịp thấy mình đang mệt, người ta đã đến tìm tôi. Mọi việc bắt đầu lại, và tôi lại ở trong phòng xử án, trước những bộ mặt buổi sáng. Chỉ khác là cái nóng ghê gớm hơn nhiều, và như có phép màu, mỗi vị bồi thẩm, vị công tố viên, vị luật sư của tôi và cả một vài nhà báo đều mang theo quạt nan. Anh nhà báo trẻ và cô người máy bé nhỏ vẫn ở nguyên tại chỗ. Nhưng họ không quạt mà vẫn im lặng nhìn tôi.

Tôi lau mồ hôi trên mặt và có cảm giác mơ hồ về phiên tòa và về chính tôi, khi tôi nghe gọi đến ông giám đốc trại dưỡng lão. Người ta hỏi ông ấy là mẹ tôi có phàn nàn gì về tôi không, và ông ấy nói có, nhưng mà ai ở nhà dưỡng lão mà chẳng phàn nàn về người thân của mình. Ông chủ tọa chỉnh lại câu hỏi là mẹ tôi có kêu ca về việc bị đưa vào trại không, và ông giám đốc lại bảo có. Nhưng lần này ông ấy không nói thêm gì. Một câu hỏi khác, ông ấy trả lời rằng ông ấy ngạc nhiên vì sự vô tình của tôi trong ngày chôn cất. Người ta lại hỏi ông ấy ngụ ý gì khi nói đến sự vô tình. Khi đó ông giám đốc nhìn xuống mũi giày và nói rằng tôi không muốn nhìn mặt mẹ, không khóc lấy một lần và sau khi chôn cất thì đi ngay mà không lưu lại lấy một lúc bên cạnh mộ mẹ. Một điều nữa làm ông ta ngạc nhiên: một nhân viên tang lễ nói tôi không nhớ tuổi của mẹ. Một phút im lặng, rồi ông chủ tọa hỏi ông ấy liệu những điều ông ấy nói về tôi có đúng không. Vì ông giám đốc không hiểu câu hỏi, nên ông chủ tọa nói: “Đó là luật.” Rồi ông chủ tọa hỏi công tố viên có hỏi thêm gì không. Ông này nói to “Ô không, thế là đủ” với chất giọng và cái nhìn đắc thắng hướng về phía tôi. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi có ý muốn ngu xuẩn là khóc, vì cảm thấy mình bị những con người này ghê tởm.

Sau khi hỏi bồi thẩm đoàn và luật sư của tôi xem còn câu hỏi gì không, vị chủ tọa gọi đến ông bảo vệ. Với ông này cũng như với tất cả mọi người, vẫn một nghi lễ đó được lặp lại. Ban đầu, ông bảo vệ nhìn tôi rồi quay mặt đi. Ông ấy cũng lần lượt trả lời các câu hỏi mà người ta đặt ra cho ông ấy. Ông ấy bảo rằng tôi không muốn nhìn mặt mẹ, rằng tôi còn hút thuốc, rằng tôi ngủ gật và sau đó uống cà phê sữa. Tôi cảm thấy mọi người tức tối, và lần đầu tiên tôi hiểu rằng mình là tội phạm. Người ta bảo ông bảo vệ kể chi tiết về chuyện uống cà phê sữa và chuyện hút thuốc. Ngài công tố viên nhìn tôi với ánh mắt giễu cợt. Lúc đó, luật sư của tôi hỏi ông bảo vệ có hút thuốc cùng tôi không. Nhưng công tố viên đứng bật dậy với vẻ hung hăng và phản đối câu hỏi: “Ai là tội phạm ở đây, và liệu đây có phải là cách chống lại nhân chứng để làm nhẹ những chứng cứ đầy sức nặng hay không?” Tuy vậy, vị chủ tọa vẫn yêu cầu ông bảo vệ trả lời câu hỏi đó. Ông ta nói với vẻ lúng túng: “Tôi biết tôi đã sai. Nhưng tôi đã không dám từ chối điếu thuốc mà anh ta mời tôi.” Cuối cùng, người ta hỏi tôi có muốn nói thêm gì không. Tôi nói: “Không. Tôi chỉ muốn nói là nhân chứng đã nói đúng. Đúng là tôi đã mời ông ấy hút thuốc.” Lúc đó ông bảo vệ nhìn tôi với vẻ hơi ngạc nhiên và ra vẻ biết ơn. Ông ta lưỡng lự, rồi nói chính ông ta mời tôi uống cà phê sữa. Luật sư của tôi tỏ ra đắc thắng và tuyên bố bồi thẩm đoàn có thể nghị án. Nhưng công tố viên hét vang phía trên đầu chúng tôi và nói: “Phải, Bồi thẩm đoàn sẽ nghị án. Nhưng họ sẽ kết luận là một kẻ xa lạ có thể mời uống cà phê, còn một đứa con thì phải từ chối cái đó trước linh cữu mẹ.” Lúc đó, ông bảo vệ trở về chỗ ngồi.

Đến lượt Thomas Pérez, viên thừa phán phải dìu ông già lên bục. Pérez nói là ông ấy quen biết mẹ tôi đã lâu nhưng chưa bao giờ gặp tôi trừ cái lần vào hôm mai táng. Người ta hỏi ông ấy tôi làm gì trong ngày hôm đó, và ông ấy trả lời: “Quý vị biết đấy, tôi bước đi còn khó nữa là. Nên tôi chẳng thấy gì. Sự nặng nhọc làm tôi chẳng thấy gì. Vì đối với tôi việc đó là khó khăn lớn. Tôi thậm chí còn ngất xỉu. Nên tôi chẳng thấy gì đâu, thưa quý ông.” Công tố viên bảo ít ra thì ông cũng nói có thấy tôi khóc không. Pérez bảo không. Khi đó, đến lượt công tố viên nói: “Các vị bồi thẩm nghị tội.” Nhưng luật sư của tôi nổi nóng. Ông ta hỏi Pérez với giọng mà tôi cảm thấy hăng tiết: “Liệu ông có nhìn thấy anh ta không khóc không?” Pérez nói không. Cử tọa cười. Luật sư của tôi xắn tay áo lên nói giọng cương quyết: “Hình ảnh phiên tòa này là thế đấy. Cái gì cũng đúng mà chẳng cái gì đúng!” Công tố viên tỏ vẻ không quan tâm. Ông ta lấy bút chì ra chọc chọc lên bìa tập hồ sơ.

Sau dăm phút trì hoãn, trong đó luật sư của tôi nói với tôi là mọi việc đang diễn ra tốt đẹp, người ta gọi đến Céleste, người được bị cáo nhờ làm chứng. Bị cáo tức là tôi. Céleste thỉnh thoảng lại nhìn về phía tôi và hai tay xoay xoay cái mũ rộng vành. Ông ta mặc bộ đồ mới mà ông ta khâu để trong một vài ngày chủ nhật đi xem đua ngựa với tôi.  Nhưng tôi cho rằng ông ấy không thể làm khít được cổ áo ngoài, vì thấy cổ áo sơ mi được cài bằng một cái khuy đồng để giữ cho kín. Người ta hỏi ông ấy tôi có phải là khách hàng của ông ấy không, ông ấy nói: “Phải, nhưng cậu ấy còn là bạn hẩu của tôi nữa.” Khi hỏi ông ấy nghĩ gì về tôi, ông ấy nói tôi là đàn ông; hỏi ông ấy ngụ ý gì, ông ấy bảo ai cũng biết từ đó nói lên điều gì; hỏi ông ấy tôi có phải người bí ẩn không, ông ấy bảo không, nhưng tôi không nói lời thừa. Công tố viên hỏi ông ấy tôi có thường xuyên trả đủ tiền ăn không, ông ấy cười và bảo: “Đó là chuyện riêng giữa hai chúng tôi.” Người ta lại hỏi ông ấy nghĩ gì về tội trạng của tôi. Ông ấy đưa hai tay xuống bục, và người ta thấy ông ấy đang chuẩn bị một thứ gì đó. Rồi ông ấy nói: “Với tôi, đó là một tai nạn. Một tai nạn, ai cũng biết thế. Tình huống bất khả kháng. Đúng thế, với tôi đó là tai nạn…” Ông ấy định nói tiếp, nhưng chủ tọa bảo thế là đủ, rồi cảm ơn ông ấy. Khi đó Celeste hơi chững lại. Nhưng ông ấy tuyên bố còn muốn nói nữa. Người ta yêu cầu ông ấy nói ngắn thôi. Ông ấy lại nhắc lại rằng đó là tai nạn. Chủ tọa nói: “Phải, hiểu thế cũng được. Nhưng chúng ta ở đây để xét xử những tai nạn kiểu đó. Xin cám ơn ông.” Khi đó, Céleste quay về phía tôi, và tôi thấy mắt ông ướt lệ, môi ông run rẩy. Ông ấy như muốn hỏi tôi ông ấy có thể làm thêm điều gì. Tôi im lặng, cũng không đưa tay làm hiệu, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời tôi muốn ôm một người đàn ông. Vị chủ tọa ra lệnh cho ông rời bục. Céleste trở về chỗ ngồi. Từ đó đến cuối phiên tòa, ông ấy chỉ ngồi đó, gập người về phía trước, khuỷu tay tì lên đầu gối, hai tay cầm mũ và chú ý nghe không bỏ sót câu nào.

Marie đi vào. Cô ấy mang một chiếc mũ. Cô ấy vẫn đẹp. Nhưng tôi thích nhìn cô ấy để xõa tóc hơn. Từ chỗ của tôi, tôi có thể thấy rõ bộ ngực gọn gàng của cô ấy và thấy môi dưới cô ấy hơi mím lại. Cô ấy có vẻ rất hồi hộp. Người ta hỏi ngay cô ấy quen biết tôi từ khi nào. Cô ấy nói rõ thời điểm cô ấy bắt đầu làm việc chỗ chúng tôi. Cô ấy bảo cô ấy là bạn gái của tôi. Một câu hỏi khác, cô ấy trả lời rằng cô ấy sẽ lấy tôi. Công tố viên, lúc đó đang lật giở tập hồ sơ, bỗng yêu cầu cô ấy nói rõ ngày chúng tôi quan hệ. Cô ấy nói ngày tháng. Công tố viên ra vẻ thờ ơ nhận xét rằng có lẽ đó là một ngày sau cái chết của mẹ tôi. Rồi ông ta nói với vẻ châm biếm rằng ông ta không muốn xoáy vào một tình huống tế nhị, rằng ông ta hiểu sự e ngại của Marie, nhưng (đến đó thì giọng ông ta đanh lại) bổn phận ra lệnh cho ông ta phải vượt lên trên những quan niệm thông thường. Ông ta yêu cầu Marie nói tóm tắt về cái ngày mà tôi biết cô ấy. Marie không muốn nói về chuyện đó, nhưng trước sự gò ép của công tố viên, cô ấy nói lại việc chúng tôi đi tắm, đi xem chiếu bóng và trở về chỗ tôi. Công tố viên nói rằng theo lời khai của Marie trước ngài chủ tọa thì ông ta đã tìm hiểu về chương trình chiếu bóng ngày hôm đó. Ông ấy nói thêm rằng chính Marie phải nói khi đó người ta chiếu phim gì. Marie hạ thấp giọng và nói đó là một bộ phim có Fernandel. Khi cô ấy nói xong, gian phòng bỗng im phăng phắc. Công tố viên đứng dậy với vẻ trịnh trọng và với giọng như xúc động, ngón tay chỉ về phía tôi, ông ấy phát âm rõ ràng từng tiếng một: “Thưa các vị bồi thẩm, chỉ sau khi mẹ chết một ngày mà con người kia đi tắm, có quan hệ bất thường và còn cười khi xem phim hài. Tôi không biết nói gì hơn với quý ông.” Rồi ông ta ngồi xuống và im lặng. Ngay lập tức, Marie bật ra những tiếng nức nở và nói rằng sự việc không phải như vậy, rằng sự việc diễn ra khác, rằng người ta bắt cô ấy nói điều ngược lại với suy nghĩ của cô ấy, rằng cô ấy biết rõ tôi và tôi không làm điều gì xấu. Nhưng viên thừa phán, khi vị chủ tọa ra dấu, đã dẫn cô ấy về chỗ ngồi, và phiên tòa tiếp tục.

Thật khó khăn khi sau đó cử tọa nghe Masson nói. Anh ta tuyên bố tôi là người trung thực và dũng cảm. Và còn khó khăn hơn khi mọi người nghe Salamano. Ông ấy nhắc lại rằng tôi đối xử tử tế với con chó của ông ấy. Khi trả lời các câu hỏi về mẹ tôi và tôi, ông ấy bảo tôi không nói thêm gì về mẹ, và đã đưa mẹ vào trại. “Cần phải hiểu điều này. – Salamano nói – Cần phải hiểu.” Nhưng có vẻ không ai hiểu. Và người ta dẫn ông ấy đi.

Đến lượt Raymond, nhân chứng cuối cùng. Raymond khẽ ra hiệu cho tôi và nói ngay rằng tôi vô tội. Nhưng chủ tọa tuyên bố ông ấy không cần đưa ra phán quyết, mà chỉ nêu sự kiện. Ông ấy yêu cầu Raymond chờ nghe câu hỏi để trả lời. Người ta yêu cầu anh ấy làm sáng tỏ mối quan hệ với nạn nhân. Raymond lợi dụng câu hỏi đó để nói rằng chính anh ấy mới là kẻ bị nạn nhân thù ghét do anh ấy đánh em gái gã. Chủ tọa hỏi liệu nạn nhân có cớ gì để thù tôi không. Raymond nói việc tôi có mặt ở bãi tắm là tình cờ. Công tố viên hỏi vì sao lá thư gây ra thảm kịch lại do tôi viết. Raymond trả lời rằng đó cũng là sự tình cờ. Công tố viên vặn lại rằng sự tình cờ sao lại dẫn tới quá nhiều hành động thiếu lương tâm trong câu chuyện này như vậy. Ông ta muốn biết có phải do tình cờ mà tôi can thiệp vào câu chuyện khi Raymond đánh cô bồ không, có phải tình cờ tôi đứng ra làm chứng ở đồn cảnh sát không, và cũng do tình cờ mà những lời khai của tôi lại hoàn toàn trùng khớp với lời chứng của Raymond chăng? Để kết thúc, ông ta hỏi Raymond sống bằng nghề gì, và khi anh ta nói “Thủ kho”, ông ta liền lưu ý bồi thẩm đoàn rằng vị nhân chứng này là tay ma cô có tiếng, còn tôi là bạn và là tòng phạm của anh ta, rằng anh ta đang diễn một màn kịch dơ bẩn của loại người hạ đẳng, và màn kịch càng dơ bẩn hơn vì người ta giao vai diễn cho một kẻ vô luân. Raymond muốn tự bào chữa, và luật sư của tôi cũng phản đối, nhưng người ta bảo hãy để công tố viên nói xong đã. Ông này nói tiếp: “Tôi có một điều muốn hỏi thêm. Đây là bạn ông à?” “Phải, cậu ấy là bạn tôi.” Công tố viên lại hỏi tôi cũng câu hỏi đó, và tôi nhìn Raymond lúc đó vẫn đang nhìn tôi. Tôi nói: “Phải.”  Công tố viên quay về phía bồi thẩm đoàn và tuyên bố: “Chính cái kẻ mà ngay sau ngày mẹ chết đã lao vào trò trác táng bẩn thỉu nhất cũng là kẻ đã giết người vì những cái cớ không đâu và hủy hoại đạo đức một cách tệ hại.”

Rồi ông ta ngồi xuống. Lúc đó luật sư của tôi đã hết kiên nhẫn. Ông ta giơ hai tay lên, làm hai ống tay áo tụt xuống để lộ những nếp gấp của chiếc sơ mi hồ cứng: “Cuối cùng thì anh ta bị xử vì chôn cất mẹ hay vì giết người?” Cử tọa cười ầm. Nhưng công tố viên đã đứng dậy, tay sửa áo choàng, và tuyên bố rằng phải có sự ngây thơ trong trắng của một người biện hộ trung thực mới không cảm thấy rằng giữa hai loại sự kiện có một mối liên hệ sâu sắc và cốt lõi. “Phải – ông ta la lớn – tôi lên án kẻ này vì đã chôn cất mẹ với trái tim tội lỗi.” Lời tuyên bố đó có vẻ đã gây hiệu ứng đáng kể lên cử tọa. Luật sư của tôi nhún vai và lau mồ hôi trán. Ông ta có vẻ nao núng, và tôi hiểu rằng mọi việc diễn ra không thuận lợi đối với tôi.

Cử tọa đứng dậy. Khi đi từ nhà xử án ra xe, tôi thoáng nhận ra hương vị và màu sắc của buổi tối mùa hè. Trong bóng tối của phòng giam bồng bềnh và trong trạng thái mệt nhoài, tôi lại nghe thấy từng âm thanh quen thuộc của một thành phố mà tôi yêu, vào thời khắc mà cảm giác hài lòng đến với tôi. Tiếng rao của những người bán báo trong khung cảnh yên bình, tiếng chim kêu trong công viên, tiếng mời gọi của những người bán sandwich, tiếng tàu điện nghiến vào đường ray ở chỗ quay cuối đường và tiếng ồn từ ngoài cảng vọng vào – tất cả những âm thanh đó lại làm sống dậy trong tôi một tiến trình ngầm mà tôi đã biết rõ từ trước khi vào tù. Phải, đó là thời khắc mà đã từ lâu tôi thấy hài lòng. Thời khắc đó vẫn chờ đón tôi, sau đó luôn là giấc ngủ nhẹ nhàng không mộng mị. Tuy vậy, bây giờ thì một cái gì đó đã thay đổi, vì với sự chờ đợi ngày mai đến, tôi chẳng thấy gì khác ngoài phòng giam. Dường như những con đường in dấu trên nền trời mùa hạ có thể dẫn đến cả ác mộng tù đày lẫn những giấc ngủ vô tư.