Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ

PHẦN 3: NÓI NĂNG KHÉO LÉO TRONG NHỮNG TÌNH HUỐNG KHÓ XỬ - CHƯƠNG 15: Từ chối khéo léo để không làm mất lòng người khác

Từ chối khéo léo để không làm mất lòng người khác

Từ trước tới nay, trong bất cứ thế hệ nào, con người luôn được dạy phải tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ người khác, không nên từ chối khi người khác cần được giúp đỡ, tuy nhiên, chúng ta cũng không thể đồng ý với những yêu cầu mà mình không thể làm được. Vì vậy, chúng ta phải học kĩ năng từ chối để không làm mất lòng mọi người.

       Cách từ chối để không làm tổn hại tình cảm

Trong giao tiếp xã hội, khi một người người cần sự giúp đỡ của bạn, nhưng do một nguyên nhân nào đó mà bạn không thể giúp họ, vậy bạn phải từ chối như thế nào, cần những kĩ năng gì để không làm tổn thương tình cảm giữa hai bên?

Khi từ chối người khác, nhất định phải chú ý tới cảm xúc của đối phương, thái độ phải chân thành, cố gắng không gây ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ giữa hai bên bằng cách nói rõ sự thật. Hãy nói rõ ràng, không nên nói mập mờ, bởi điều đó sẽ khiến đối phương không hiểu ý bạn và sinh ra hiểu nhầm, mối quan hệ giữa hai bên có thể sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí còn bị rạn nứt.

Bạn cũng tuyệt đối không được làm tổn thương tới lòng tự tôn của đối phương. Đặc biệt là với những người đã từng giúp đỡ bạn. Nếu lời từ chối của bạn khiến lòng tự tôn của đối phương bị tổn thương, người đó sẽ có tâm lí oán trách, ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ sau này. Thế nhưng, chỉ cần bạn thể hiện sự tôn trọng với nguyện vọng của đối phương và nói rõ cái khó của mình, người đó nhất định sẽ hiểu và thông cảm cho bạn. Vì vậy, nếu bạn có thể khéo léo từ chối, khiến đối phương hiểu sự khó xử của mình, người đó sẽ không cảm thấy bị tổn thương. Muốn làm được như vậy, bạn phải nắm chắc nghệ thuật từ chối.

Khi từ chối, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh, hãy để đối phương hiểu rằng, mặc dù lần này bạn không thể đáp ứng yêu cầu của họ, nhưng lần sau vẫn còn cơ hội hợp tác.

Đương nhiên, trong giao tiếp xã hội, bất luận là trong công việc hay trong cuộc sống, còn có rất nhiều kĩ năng và phương pháp từ chối hữu dụng.

(1) Từ chối bằng cách thoái thác. Ví dụ, có người nhờ bạn truyền thông tin xấu cho một người khác, bạn không thể chấp nhận, có thể nói như sau để từ chối: “Tôi

nói cũng được thôi, nhưng sợ người ta sẽ hiểu nhầm, chuyện này bạn trực tiếp nói là tốt nhất”, “Chuyện này tôi tham gia vào sợ rằng sẽ không tốt”.

(2) Cố ý kéo dài thời gian. Giả sử có người mời bạn sau khi tan làm đi uống rượu hoặc nhờ bạn giúp anh ta một số việc vào buổi tối, nếu bạn muốn từ chối, có thể nói: “Tối nay tôi bận, chuyện này tính sau”. Nếu đối phương vẫn nài nỉ, bạn hãy nhắc lại điều đó vài lần, như vậy họ sẽ hiểu thái độ của bạn và không ép bạn nữa. Như vậy là bạn đạt mục đích từ chối và không làm ảnh hưởng tới hòa khí.

(3) Giữ im lặng. Khi người khác nhờ bạn giúp đỡ, nếu trong hoàn cảnh bạn không thể trực tiếp nói lời từ chối. Bạn hãy lựa chọn cách giữ im lặng. Có thể nói: “Tôi biết rồi, để tôi suy nghĩ thêm…”. “Im lặng là vàng”, trong một số trường hợp, im lặng cũng chính là sức mạnh khiến đối phương cảm nhận được sự từ chối của bạn.

(4) Từ chối bằng lời nói khéo léo. Trong cuộc sống và trong công việc, khi bạn bè hoặc những người thân thiết nhờ bạn làm một số việc không đúng đắn. Do quan hệ thân thiết nên khi từ chối, nhất định phải sử dụng ngôn ngữ thật khéo léo, như vậy mới không làm tổn hại tình cảm đôi bên. Bạn có thể nói: “Tôi rất hiểu tâm trạng của chị, nhưng việc làm này không tốt cho cả chị và tôi, chị thử nghĩ mà xem…” Hãy suy nghĩ vấn đề trên lập trường của đối phương và khéo léo thể hiện suy nghĩ của bạn, đối phương sẽ lập tức hiểu ra yêu cầu đó là không đúng, thậm chí còn biết ơn sự thấu hiểu của bạn, mối quan hệ giữa hai bên vì thế sẽ không bị ảnh hưởng.

Hải Thụy thời nhà Minh là người rất giỏi trong việc từ chối người khác. Hãy xem một câu chuyện về vị quan này.

Một lần, Hải Thụy quyết định sẽ phạt một vị quan huyện vì tội cướp ruộng đất của dân. Lúc này, một số vị quan khác đã đứng ra xin giảm nhẹ tội cho người bị phạt, họ nói với Hải Thụy: “Thánh nhân không làm việc quá đáng”. Hải Thụy trả lời: “Các vị không biết Hải Thụy không phải thánh nhân ư?”, ông chỉ nói một câu và vẫn quyết định làm theo ý mình.

Câu nói này đã khéo léo thể hiện quyết tâm của quan Hải Thụy, đồng thời khiến cho những người khác không còn lí do gì để can ngăn ông thực thi pháp luật.

Cho dù là trong cuộc sống hay trong công việc, chúng ta luôn gặp những chuyện mà bản thân không thể chấp nhận, vậy phải giải quyết và từ chối như thế nào? Từ chối là một môn học mà bạn phải nghiên cứu một cách nghiêm túc và tỉ mỉ. Từ chối người khác mà không khiến họ bất mãn và tức giận, việc này cần một số kĩ năng nhất định.

Đơn cử một ví dụ, khi bị ép uống rượu trong bữa tiệc, làm sao để đảm bảo an toàn cho mình, cần phải xem sự thông minh của người đó.

Bảo không giỏi uống rượu, nhưng trong một lần tổng kết công ty, mọi người đã mời và ép anh phải uống. Trong tình huống đó, Bảo đã âm thầm nhắn tin cho bố mình, bảo ông gọi điện cho anh và gọi anh về. Quả nhiên, khi mọi người đang ép Bảo uống rượu, chuông điện thoại của anh vang lên, trong điện thoại, bố nói: “Bảo ơi, ở nhà có việc, con về nhà ngay”. Bảo giả bộ tỏ ra căng thẳng và nói với mọi người: “Xin lỗi các vị! Tôi phải về ngay bây giờ.” Kết quả anh đã khéo léo thoát được tình huống khó xử, cho đến khi bữa tiệc gần kết thúc anh mới quay lại, mọi người cũng không để ý đến việc mời rượu nữa.

Con người không thể tồn tại ngoài các mối quan hệ xã hội, có lúc sẽ gặp phải

những chuyện khiến bản thân bị áp lực và không muốn chấp nhận, lúc này chúng ta cần phải từ chối. Nếu biết cách từ chối, chúng ta có thể thoát khỏi những rắc rối không cần thiết.

Cách gợi ý khách ra về

Có thể trò chuyện, chia sẻ cuộc sống với một vài người bạn thân là một việc rất đáng quý. Tuy nhiên, trong thời đại cuộc sống gấp gáp và nhiều áp lực như hiện nay, không phải ai cũng muốn được gặp gỡ tụ tập cùng bạn bè vào những ngày nghỉ. Một số người còn hi vọng có thời gian để làm những việc mình thích hoặc được hoàn toàn nghỉ ngơi.

Thiết nghĩ, khi tan sở về nhà, bạn hi vọng sau bữa tối được yên tĩnh để đọc sách hoặc nghỉ ngơi, nhưng lại có những người bạn không mời mà đến. Họ vô tư trò chuyện với bạn, nói đến những đề tài mà bạn không hứng thú, khiến bạn phải miễn cưỡng nghe. Bạn rất muốn đuổi khách về nhưng lại sợ làm tổn hại tình cảm, đây thực sự là việc khó. Khi những người mà bạn không thích đến chơi, hoặc vì một số nguyên nhân nào đó mà bạn không thể tiếp họ, hãy để đối phương tự giác ra về bằng cách khéo léo nhắc nhở.

“Đuổi khách” cũng là một hình thức từ chối. Để giữ phép lịch sự, nhất định phải nói lời từ chối thật dễ nghe, như vậy sẽ không làm tổn thương lòng tự trọng của đối phương. Trong cuộc sống hằng ngày, việc khéo đuổi khách ra về cũng là một nghệ thuật.

Nhẹ nhàng nhắc nhở

Sử dụng nhưõng từ ngữ nhẹ nhàng, khéo léo nhắc nhở người đó rằng bạn vẫn còn có việc phải làm, không có thời gian ngồi nói chuyện với họ, cũng không thể đáp ứng yêu cầu của họ. So với cách trực tiếp yêu cầu khách ra về, cách nhắc nhở này dễ được đối phương chấp nhận hơn.

Là một tổng thống, cuộc sống của Lincoln không hề tốt đẹp như chúng ta tưởng tượng, ông có rất nhiều điều phải lo nghĩ. Có một lần, Lincoln bị ốm, một người cùng quê với ông đến thăm.

Lincoln rất vui vẻ mời người đó vào, nhưng điều bất ngờ là người này đến tìm Lincoln không phải để thăm hỏi sức khỏe của ông mà là để nhờ xin một việc làm và ngồi mãi không chịu ra về.

Lincoln hiểu ý của vị khách, trong lòng rất không vui, nhưng ông ta từ nơi xa đến, vì lịch sự nên không thể trực tiếp yêu cầu ông ta ra về. Lúc này, bác sĩ của Lincoln đến, Lincoln lập tức đưa tay ra và nói: “Bác sĩ, ông nhìn xem, những vết đỏ trên tay tôi là gì vậy?”

Nhân lúc vị khách không để ý, ông đã nháy mắt ra hiệu cho bác sĩ.

Vị bác sĩ là một người thông minh nên ngay lập tức hiểu ý Lincoln, ông tỏ ra kinh ngạc nói: “Đây chẳng phải nốt đậu mùa sao?”

Lincoln nói: “Bác sĩ, khắp người tôi đều có nốt này, khó chịu lắm, bệnh này có lây, đúng không?”

Bác sĩ trả lời: “Đúng thế, bệnh này rất dễ lây”, ông vừa nói vừa kéo khẩu trang lên

che mặt.

Nghe đến đây, vị khách lập tức đứng lên cáo từ: “Ngài Lincoln không được khỏe, tôi cũng không làm phiền nữa, tôi đi đây.”

Lincoln nói: “Chẳng phải anh có việc gì sao?”

Vị khách trả lời: “Không có gì, tôi chỉ đến thăm ngài thôi.” Sau đó vị khách vội vàng đi ra ngoài.

Lincoln và bác sĩ nhìn theo rồi mỉm cười với nhau.

Sự phối hợp ăn ý của Lincoln và bác sĩ đã khéo léo khiến vị khách tự giác ra về, đây cũng là một cách hay để từ chối người khác.

Thay nói bằng viết

Có một số người tính cách vô tư, khi đến nhà bạn cũng tùy tiện như ở nhà mình, có thể còn không hiểu nếu bị chủ nhà nhắc nhở là nên ra về. Đối với những người này, có thể dùng cách viết ra thay cho lời nói để người đó đọc hiểu.

Để tránh rắc rối và mất thời gian, một nhân vật trong một bộ phim đã viết lên bức tường phòng khách dòng chữ có nội dung “Nói chuyện phiếm không quá ba phút”, để nhắc nhở khách rằng, chủ nhà rất quý trọng thời gian, xin hãy giữ tự trọng.

Khi nhìn thấy dòng chữ này, nhưng vị khách có ý định nói chuyện phiếm chắc chắn sẽ không nói nữa.

Thông thường, những dòng chữ như vậy là cho tất cả mọi người đọc chứ không nhằm vào ai cả, do đó sẽ không khiến các vị khách bối rối.

Lấy nóng thay lạnh

Sử dụng ngôn ngữ và hành động nhiệt tình hơn mức bình thường để thay thế cho việc thể hiện thái độ không muốn tiếp khách, khiến những vị khách thích buôn chuyện cảm thấy ngại trước mặt chủ nhà. Khi những vị khách thích nói chuyện phiếm tới nhà chơi, bạn hãy mỉm cười đón tiếp, nhiệt tình rót trà, mang hạt dưa, hoa quả hay tất cả những thứ ăn được ra mời họ, rất có thể lần sau họ sẽ ngại và không dám đến nữa.

Lấy nhiệt tình thay lạnh nhạt, vừa không bị mang tiếng mất lịch sự, lại đạt được mục đích đuổi khách ra về.

Những điều cần chú ý khi từ chối

Từ chối người khác không chỉ cần có kĩ năng, mà còn phải chú ý những điều tối kị. Nếu không cẩn thận sẽ làm mất lòng người khác, thậm chí còn khiến họ tuyệt giao quan hệ, đây đương nhiên không phải kết quả chúng ta muốn có.

Ngữ khí uyển chuyển

Khi từ chối người khác, nếu quá thẳng thắn sẽ không được, tốt nhất nên nhẹ nhàng, ôn hòa, dùng ngữ khí uyển chuyển để nói “Không”. Cách làm này sẽ khiến mối quan hệ hai bên không bị tổn hại.

Một nhà văn nữ đương đại Trung Quốc diễn thuyết tại một trường Đại học của Mỹ, trước khi kết thúc, theo thói quen, cô dành chút thời gian để trả lời các câu hỏi của khán giả. Lúc này, có một người hỏi: “Nghe nói cô không phải Đảng viên Đảng Cộng Sản. Vậy cô có tình cảm thế nào với Đảng Cộng Sản Trung Quốc?” Câu hỏi này còn có một dụng ý khác, nếu từ chối trả lời sẽ gây ảnh hưởng không tốt. Nữ nhà văn đã mỉm cười, bình tĩnh nói: “Thông tin của ông rất chính xác, tôi thực sự không phải Đảng viên Đảng Cộng Sản. Thế nhưng chồng tôi từ lâu đã là Đảng viên. Cho đến hiện tại, tôi vẫn chưa ly hôn với anh ấy. Vậy anh thấy tình cảm của tôi với Đảng thế nào?”

Nhà văn đã khéo léo trả lời câu hỏi, vừa hài hước mà không làm tổn hại tình cảm đối phương. Phương pháp này được gọi là từ chối một cách uyển chuyển. Trong cuộc sống hằng ngày, phương thức giao tiếp này có tác dụng rất quan trọng.

Thái độ khách sáo

Khi từ chối người khác nên tỏ thái độ chân thành. Cố gắng sử dụng ngữ khí nhẹ nhàng, tốt nhất không sử dụng câu hỏi. Nếu không, không chỉ để lại ấn tượng không tốt mà còn có thể khiến người khác tuyệt giao với bạn, không muốn tiếp xúc với bạn nữa.

Nếu cấp trên giao một nhiệm vụ mà bạn không muốn làm, bạn không thể nói: “Tại sao lại cứ giao cho tôi? Sao không tìm người khác?”, cách nói này sẽ làm mất lòng cấp trên. Bạn nên từ tốn trình bày lí do, như vậy cấp trên mới vui vẻ chấp nhận sự từ chối của bạn.

Nên tránh thái độ thô bạo, bởi sự từ chối dễ khiến người khác không vui, thái độ thô bạo giống như bạn đang đổ thêm dầu vào lửa. Lời nói khách sáo có thể khiến đối phương suy nghĩ về lí do của bạn, cũng không khiến họ rơi vào tình trạng bối rối và không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ đôi bên.

Lí do chính đáng

Khi từ chối người khác, không thể thiếu những lí do chính đáng. Chỉ cần lí do của bạn là thật, ngôn ngữ chân thành, đối phương sẽ không phản ứng tiêu cực trước sự từ chối của bạn.

Ở Bắc Kinh, Trung Quốc có một ngôi chùa nổi tiếng với những phiến đá rất đẹp. Năm 1956, khi Tổng thống Ấn Độ đến thăm Trung Quốc, Thủ tướng nước chủ nhà lúc bấy giờ là Chu Ân Lai đã đưa ông tới thăm quan ngôi chùa này. Sau khi nhìn thấy những phiến đá, Tổng thống Ấn Độ đã đề nghị với thủ tướng Trung Quốc đổi vàng lấy hai phiến đá, trọng lượng vàng sẽ bằng trọng lượng đá.

Chu Ân Lai nghe vậy mỉm cười và nói: “Những phiến đá này là kì quan hàng nghìn năm của người dân Trung Quốc, cũng là quốc bảo của chúng tôi. Có câu nói: “Vàng bạc có giá, quốc bảo vô giá”, là Thủ tướng Trung Quốc, làm sao tôi có thể dùng quốc bảo vô giá để đổi lấy vàng bạc có giá! Tôi không thể đồng ý với yêu cầu này, xin thứ lỗi.”

Nói xong, cả hai đều cười.

Lí do chính đáng được trình bày với sự chân thành sẽ khiến phía đưa ra yêu cầu thông cảm trước sự từ chối của bạn.

Sử dụng hành động

Khi muốn từ chối người khác, nếu cảm thấy khó nói, có thể dùng một số hành động để gián tiếp từ chối. Như vậy, đối phương sẽ hiểu ý của bạn và sẽ không bị rơi vào tình trạng bối rối do bị từ chối.

Ví dụ, xem đồng hồ liên tục, đọc báo trong khi nói chuyện chính là một cách truyền thông tin từ chối tới đối phương.

Thời cổ đại, có một vị quan tên là Lâm Hải rất có quyền lực. Sau khi nhậm chức không lâu, có rất nhiều người đến tặng quà và ông đều từ chối.

Một ngày, lại có một người đến xin gặp ông, còn mang theo một con vịt quay loại rất nổi tiếng khi đó. Người khách nói: “Xin đại nhân hãy nhận món quà này”, nói xong vị khách đi ngay. Lâm Hải rất khó nghĩ, không biết phải làm sao. Đồ đã để lại đây lẽ nào không nhận. Nếu nhận, có lần thứ nhất, lần sau lại có người đến tặng quà thì ông sẽ không có cách gì để từ chối.

Bỗng nhiên ông nghĩ ra một cách. Ông sai người nhà treo con vịt lên. Một thời gian sau, con vịt tươi ngon đã trở nên vừa khô vừa cứng, lại bám đầy bụi.

Từ đó về sau, nếu ai đến tặng quà, Lâm Hải sẽ dẫn người đó đi xem con vịt quay, người định tặng quà sẽ hiểu ý ông và từ bỏ ý định. Từ đó, không ai tới tặng quà cho Lâm Hải nữa.

Ở đây, Lâm Hải đã sử dụng con vịt quay để từ chối người định tặng quà, khiến họ từ bỏ ý định mua chuộc ông.

Chú ý bù đắp

Khi bạn không chấp nhận hoặc không thể đáp ứng yêu cầu của đối phương, bạn có thể bù đắp bằng cách chỉ ra con đường khác cho họ. Việc này thể hiện sự quan tâm của bạn và không làm mất lòng người bị từ chối.

Hoan là Giám đốc nhân sự của một công ty. Có một lần, một người bạn học cũ đến nhà, muốn nhờ anh xin việc cho con họ ở công ty. Tuy nhiên, chuyên ngành học của con người bạn lại không liên quan tới nghiệp vụ của công ty. Do đó, anh nói khéo:

“Thật đáng tiếc, gần đây công ty tôi không có kế hoạch tuyển người, hơn nữa còn chuẩn bị tinh giản nhân sự, thế nhưng anh đừng lo, tôi quen một người bạn, chỗ anh ta đang tuyển người. Anh bảo con anh nộp hồ sơ xin việc vào đó xem sao”. Mặc dù việc không thành, nhưng người bạn học vẫn rất cảm ơn sự nhiệt tình của Hoan.

Kĩ năng từ chối

Từ chối là việc khiến mọi người không vui vẻ, vì thế có lúc phải vận dụng một số kĩ năng để người bị từ chối không bối rối hoặc tức giận.

Vận dụng kĩ năng hài hước

Hài hước là một phương thuốc tốt, có thể hóa giải sự bối rối do việc từ chối gây ra. Sự hài hước không chỉ giúp người từ chối thành công, mà còn khiến người bị từ chối dễ chấp nhận, không làm ảnh hưởng tới tình cảm đôi bên.

Một nhà văn nổi tiếng nọ được rất nhiều người hâm mộ. Một người bạn nước ngoài rất thích tác phẩm của ông. Một ngày, người bạn đó gọi điện cho nhà văn và nói: “Tôi rất thích tác phẩm của ông, tôi muốn đến thăm ông”. Nhưng nhà văn là một người

không màng danh lợi, ông nhẹ nhàng trả lời: “Cảm ơn anh đã yêu thích tác phẩn của tôi. Nhưng khi anh ăn một quả táo, thấy quả táo đó ngon, thì liệu anh có cần thiết phải đến xem cây táo đó như thế nào không?”

Khi từ chối người khác, nhất là với người quen, lời nói phải thận trọng, sử dụng ngôn ngữ uyển chuyển hợp lí, có thể bằng cách sử dụng phép so sánh, nói hài hước, ám thị, dẫn dắt, đặt giả thiết. Có rất nhiều cách, nhưng chỉ có một mục đích là từ chối và không làm tổn thương đối phương. Nhà văn trong câu chuyện trên đã sử dụng phép so sánh để khéo léo từ chối yêu cầu của đối phương, đạt hiệu quả rất tốt trong giao tiếp.

Ngoài ra, cách từ chối hài hước còn thể hiện kĩ năng đối nhân xử thế của một người, nó khiến việc từ chối trở nên dễ chấp nhận hơn, thậm chí còn khiến người bị từ chối cười vui vẻ, hiểu thêm về cái khó và lập trường của bạn.

Năm 1962, sau khi quân giải phóng Trung Quốc bắn hạ một máy bay do thám của Mỹ, trong buổi họp báo, một phóng viên nước ngoài đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc: “Xin hỏi Trung Quốc đã dùng vũ khí gì để bắn hạ máy bay do thám U-2?” Câu hỏi này đã đề cập đến vấn đề bí mật quốc gia, không thể trả lời thật, cũng không thể trả lời bừa, và cũng không thể không trả lời. Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc suy nghĩ giây lát rồi mỉm cười và nói: “Chúng tôi dùng một cái sào tre và khều nó xuống!” Đương nhiên đây là chuyện phi lí, nhưng mọi người đều rất vui vẻ khi nghe câu trả lời này.

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã khéo léo trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài, không những giữ được bí mật quốc gia mà còn không làm ảnh hưởng tới hoạt động ngoại giao với nước ngoài.

Khi từ chối người khác, nếu biết vận dụng sự hài hước hợp lí, bạn sẽ khiến họ phải rút lại yêu cầu trong khi vẫn giữ được thể diện.

Một lần, Tổng thống Mỹ Lincoln được mời tới chủ trì hội nghị của ban biên tập một tờ báo. Lincoln tự nhận thấy mình chưa bao giờ làm công việc biên tập nên không thích hợp cho vị trí này, vì thế ông đã từ chối.

Ông đã kể một câu chuyện cho người mời mình nghe.

“Có một lần, tôi gặp một cô gái cưỡi ngựa trong rừng, tôi dừng lại nhường đường cho cô gái, lúc này cô ấy cũng dừng lại và nhìn chằm chằm vào tôi. Sau đó cô gái nói: “Bây giờ thì tôi tin rằng ông chính là người xấu xí nhất mà tôi đã từng gặp”. Tôi nói: “Cô nói rất đúng, nhưng tôi cũng chẳng còn cách nào khác”. Cô gái lại nói: “Đương nhiên ông sinh ra đã xấu xí như vậy nên không có cách nào thay đổi, nhưng ông có thể chỉ ở trong nhà và không đi ra ngoài!” Mọi người đều bật cười vì sự hài hước của Lincoln.

Không dễ để vận dụng sự hài hước một cách hợp lí. Nó không chỉ yêu cầu bạn phải có kinh nghiệm giao tiếp phong phú và khả năng ứng biến linh hoạt ,mà còn yêu cầu bạn phải hiểu tâm lí đối phương, nếu không cách làm này sẽ không mang lại kết quả tốt.

Mượn lời người khác để từ chối

Trong cuộc sống và trong công việc, có lúc sẽ có những người bạn nêu yêu cầu mà chúng ta không thể đáp ứng nhưng cũng không thể từ chối thẳng thừng, lúc này, chúng ta có thể mượn lời người khác để từ chối.

Nghị làm việc ở bộ phận điện khí của một siêu thị. Một ngày, một người bạn thân của anh đến mua máy điều hòa nhiệt độ. Sau khi xem xét hết các sản phẩm, người đó vẫn chưa vừa ý và yêu cầu Nghị dẫn anh ta vào kho xem hàng. Nghị không biết phải làm sao để nói “không” với bạn thân. Bỗng nhiên anh nghĩ ra cách, mỉm cười và nói: “Mấy hôm trước Giám đốc đã tuyên bố không cho bất cứ khách hàng nào vào kho, nếu mình dẫn cậu đi, mình có thể sẽ bị phạt”.

Nghị đã mượn lời người khác để từ chối yêu cầu của bạn mình, mặc dù người bạn cảm thấy không vui, nhưng vẫn dễ chịu hơn nhiều so với việc phải trực tiếp nghe từ “không được”.

Khẳng định trước phủ định sau

Khi từ chối, trước tiên nên khẳng định ý kiến của đối phương, hãy để đối phương cảm thấy bạn không từ chối, nhưng thực tế lại bất giác chấp nhận lời từ chối của bạn. Cách làm này giống như bọc đường cho một viên thuốc đắng, mặc dù khi uống cảm thấy không đắng nhưng thuốc vẫn phát huy tác dụng. Sau đây là ví dụ cụ thể.

Vương có cảm tình với Nhạn – người mới đến công ty chưa lâu. Một lần, nhân lúc văn phòng không có ai, Vương đã tặng Nhạn một chiếc áo.

Nhạn cảm thấy nếu trực tiếp trả lại sẽ khiến Vương bối rối, nên cô mỉm cười và nói: “Chiếc áo này rất đẹp. Chỉ có điều kiểu dáng này bạn trai tôi đã mua tặng tôi mấy chiếc rồi, anh giữ lại cho bạn gái anh đi.”

Nhạn nói vậy là muốn ám chỉ mình đã có bạn trai rồi, đồng thời cũng nhắc nhở đối phương chú ý giữ chừng mực. Vương nghe xong liền bật cười và nói: “Không sao! Không sao!”

“Đặt bẫy” đối phương

Khi muốn từ chối người khác hoặc không muốn ai làm điều gì đó, trước tiên hãy nêu ra quan điểm trái ngược với mục đích muốn có để người đó phản đối và làm điều ngược lại. Như vậy, đối phương sẽ tự thuyết phục chính mình và tự giác thay đổi thái độ, cách làm.

Trong những năm đầu thế kỉ XX, rất nhiều cô gái thích đội mũ, kể cả khi xem phim trong rạp cũng không chịu bỏ mũ ra, ảnh hưởng tới tầm nhìn của người ngồi hàng ghế sau, rất nhiều khách hàng đã góp ý với rạp chiếu phim. Giám đốc rạp chiếu phim nghĩ, nếu ra lệnh cấm đội mũ sẽ khiến nhiều người cảm thấy bất mãn và không muốn đến xem phim nữa. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng ông cũng nghĩ ra một cách hay.

Hôm đó, trước khi chiếu phim, trên màn hình hiện ra dòng thông báo: “Để đảm bảo sức khỏe cho những người phụ nữ cao tuổi, cho phép được đội mũ xem phim, không cần phải bỏ ra”. Kết quả, tất cả phụ nữ trong rạp đều bỏ mũ ra, bởi không ai chịu thừa nhận là mình đã cao tuổi.

Trong giao tiếp xã hội, nếu trực tiếp từ chối người khác sẽ dễ khiến đối phương nảy sinh tâm lí bất bình. Nếu có thể suy nghĩ vấn đề từ góc độ của người đối diện và thuyết phục họ, họ sẽ dễ dàng chấp nhận bị từ chối.

Ngày còn nhỏ, nhà Trịnh Bản Kiều rất nghèo. Tết đến, phải khó khăn lắm nhà ông mới mua được một cái thủ lợn, khi mang về nhà chuẩn bị cho vào nồi nấu thì bị người bán thịt đòi lại để bán với giá cao hơn. Do đó, ông rất căm giận. Sau này khi đến Sơn

Đông nhậm chức quan huyện, ông đã ra quy định là người bán thịt không được phép bán thủ lợn. Vợ của ông sau khi nghe chuyện, cảm thấy làm như vậy là không thỏa đáng, nhưng không thể trực tiếp khuyên can chồng, nên bà đã nghĩ ra một cách. Một ngày, bà bắt mấy con chuột và nhốt vào hộp để trong phòng, đến đêm chuột kêu liên tục khiến Trịnh Bản Kiều không ngủ được, ông bèn trách vợ. Bà bèn giãi bày, khi còn nhỏ nhà bà rất nghèo, khó khăn lắm bà mới được mua cho một chiếc áo mới, nhưng không ngờ lại bị chuột cắn rách. Trịnh Bản Kiều nghe xong cười và nói: “Chuột ở Hưng Hóa cắn rách áo của bà, chứ có phải chuột ở Sơn Đông đâu, sao bà lại làm thế?” Phu nhân nói: “Chẳng phải ông cũng ác cảm với người bán thịt ở Sơn Đông sao?”

Nghe vậy, Trịnh Bản Kiều đã hiểu ra vấn đề.

Nếu vợ của Trịnh Bản Kiều trực tiếp khuyên, chắc chắn ông sẽ khó chấp nhận, nhưng bà đã khéo léo nghĩ ra cách giúp Trịnh Bản Kiều hiểu ra vấn đề và vui vẻ chấp nhận sự góp ý của bà.

Khéo léo nghĩ cách khiến đối phương chấp nhận sự từ chối của bạn là một là một kĩ năng giao tiếp hiệu quả, nó không chỉ thể hiện sự tôn trọng tình cảm với đối phương mà còn giúp bạn đạt được mục đích.

Cách nói không rõ ràng

Khi từ chối yêu cầu nào đó, hãy sử dụng cách thể hiện thái độ không rõ ràng, cách nói nước đôi hoặc trả lời như không trả lời để khiến đối phương không biết bạn tán thành hay phản đối, có thể dùng những từ như “có vẻ”, “có lẽ”, “có thể”…

Trong buổi họp báo, một phóng viên của “Thời báo New York” đã đặt câu hỏi cho Kissinger về cuộc hội đàm “Vấn đề trật tự” của Mỹ và Liên Xô. Phóng viên hỏi: “Về thỏa thuận đạt được, ông định sẽ công bố từng phần hay công bố công khai tất cả với mọi người?” Kissinger hiểu ý của đối phương, ông mỉm cười và nói: “Tôi hiểu rồi, mọi người xem, phóng viên này cũng giống như tờ báo của anh ta, rất công minh. Anh ta đưa ra hai sự lựa chọn, cho dù tôi chọn cách nào cũng không mang lại kết quả tốt”. Ông ngừng lại một chút rồi chậm rãi nói tiếp: “Tôi dự định sẽ công bố công khai toàn bộ từng phần”. Tất cả mọi người có mặt đều bật cười.

Cách trả lời của Kissinger tưởng như không đúng logic và ngữ pháp, nhưng thực tế là ông đã dùng cách nói không rõ ràng để từ chối trả lời. Khi trả lời câu hỏi của phóng viên, mới nghe tưởng như ông khẳng định quan điểm của phóng viên, nhưng thực chất là từ chối cả hai sự lựa chọn. Đây chính là sức mạnh của cách nói chung chung, không rõ ràng.

Ngoài ra, cách nói không rõ ý có lúc còn phát huy tác dụng giúp bạn cố ý tỏ ra không hiểu vấn đề.

Ly là một cô gái xinh đẹp làm việc tại một nhà hàng. Một ngày, có vài thành niên đến nhà hàng và nói với cô: “Cô là Ly đúng không? Nghe nói cô rất xinh đẹp nên chúng tôi cố tình đến đây ngắm nhìn cô”

Trước sự thiếu lịch sự của các thanh niên, Ly không hề tức giận, chỉ mỉm cười và hỏi: “Các anh đến đây ăn cơm, đừng chỉ nói những lời hoa mĩ, các anh muốn chọn món gì?” Đám thanh niên lúc đó không biết phải làm sao, đành bối rối ngồi xuống và chọn món ăn.

Trong ví dụ trên, Ly đã giả vờ không hiểu ý, cách ứng xử của cô đã giúp cô hoàn thành vai trò phục vụ và né tránh được sự trêu chọc của các thanh niên.

Từ chối bằng cách đưa ra câu trả lời không liên quan

Đây cũng là một cách hay để từ chối người khác. Khi một ai đó nêu yêu cầu mà bạn không tiện từ chối trực tiếp, lúc này bạn có thể khéo léo chuyển chủ đề khiến đối phương từ bỏ ý định và không nhắc tới vấn đề đó nữa.

Khi người khác mời bạn làm một việc mà bạn không muốn, bạn có thể dùng cách đưa ra những câu trả lời không liên quan để họ hiểu bạn không có hứng thú với lời mời.

Một cô gái quen với một chàng trai trong bữa tiệc, sau một thời gian thì họ yêu nhau. Tuy nhiên, trải qua thời gian, cô gái phát hiện giữa mình và chàng trai không có nhiều điểm hợp nhau nên muốn kết thúc mối quan hệ. Sau một buổi đi xem phim, chàng trai ngỏ lời mời: “Tuần sau chúng ta đi câu cá nhé!”. “Tuần sau em phải đi làm, không được nghỉ”. “Vậy tuần sau nữa thì sao?”, “Đến lúc đó tính tiếp, hẹn sớm thế này, nếu lúc đó có thay đổi thì sao, hơn nữa nếu cuối tuần ra ngoài chơi, sẽ không được nghỉ ngơi trong khi em đang rất muốn được nghỉ”. Đối phương đã lập tức hiểu ý cô gái và không liên hệ với cô nữa.

Cách từ chối này thường được áp dụng khi đối phương là bạn tốt hoặc có vị trí cao hơn mình. Việc chuyển chủ đề mặc dù có thể khiến đối phương giận, nhưng đó là điều không thể không làm, bạn chỉ cần chủ ý chuyển chủ đề nói chuyện thật tự nhiên, hợp lí là được.

Tìm lí do trì hoãn

Trong công việc, nhiều khi một số nhân viên hay đồng nghiệp sẽ nêu yêu cầu mà bạn không thể chấp nhận, lúc này, bạn có thể tìm lí do trì hoãn.

Một nhân viên văn phòng đã đề nghị người quản lí giảm bớt lượng công việc của mình. Người quản lí hiểu rõ, đây là việc nhân viên này làm tốt nhất, không thể giao cho người khác, nhưng lại không thể nói trực tiếp là không được, người quản lí bèn nói: “Công việc này còn liên quan tới bộ phận khác, tôi không có quyền qyết định giao nó cho người khác. Tôi sẽ báo cáo ý kiến của cô lên cấp trên để cấp trên để thảo luận rồi mới trả lời cô được.”

Cách trả lời này khiến đối phương hiểu rõ: Điều động công việc không phải chuyện đơn giản cứ muốn là được.

Cách từ chối này hiệu quả hơn nhiều so với việc từ chối trực tiếp.

Đưa ra điều kiện hà khắc

Có những lúc chúng ta muốn tránh việc gì đó hoặc từ chối việc không muốn thấy, có thể đưa ra những điều kiện hà khắc để đạt được hiệu quả từ chối.

Một nhà văn được mời tới diễn thuyết tại một trường đại học vào lúc một giờ chiều. Do là mùa hè, trời rất nóng nên sinh viên có thể sẽ mệt mỏi. Nhà văn bước lên bục và nói lớn: “Trời nóng thế này, nếu mọi người phải nghe tôi nói sẽ rất buồn ngủ. Nhưng không sao, tôi không để ý đâu, các vị có thể yên tâm ngủ. Nhưng tôi có hai yêu cầu mà các vị phải tuân thủ, thứ nhất là không được gục xuống bàn, thứ hai là không được ngáy để tránh làm phiền đến người khác.”

Lời nói của ông đã khiến cả hội trường bật cười, các sinh viên cũng tỉnh cả ngủ. Bề ngoài của lời nói là thể hiện sự đồng ý, nhưng thực chất là một nghệ thuật từ chối

khéo léo.

Từ chối là một môn học rất khó trong giao tiếp xã hội, nó yêu cầu con người phải trải nghiệm nhiều trong thực tế. Chỉ có cách học và nắm chắc nghệ thuật từ chối, bạn mới có thể thành công trong giao tiếp xã hội.