Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao

CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT

Augustus Waters mất tám ngày sau lễ tang trù bị của anh, ở viện Memorial, trong ICU, khi căn bệnh ung thư, thứ được sinh ra từ anh, cuối cùng cũng khiến trái tim anh, thứ cũng được sinh ra từ anh, ngừng đập.

Anh ở đó với mẹ anh và bố anh và các chị của anh. Mẹ anh gọi cho tôi lúc ba rưỡi sáng. Tôi đã biết, tất nhiên, rằng anh sẽ ra đi. Tôi đã nói chuyện với bố anh trước khi đi ngủ, và ông nói với tôi, “Có thể là đêm nay,” dù thế khi tôi với lấy cái điện thoại trên chiếc bàn cạnh giường và nhìn thấy Mẹ Gus trên số gọi đến, mọi thứ trong tôi đều vỡ vụn. Bà chỉ khóc nức nở ở đầu dây bên kia, rồi bà nói với tôi rằng bà rất tiếc, tôi đáp lại rằng tôi cũng rất tiếc, rồi bà nói với tôi anh đã hôn mê một vài tiếng trước khi anh ra đi.

Bố mẹ tôi chạy vào ngay sau đó, nhìn tôi chờ đợi, tôi chỉ gật đầu rồi cả hai ôm lấy nhau, cảm nhận, tôi chắc thế, nỗi kinh hoàng cùng lúc ập đến với họ.

Tôi gọi cho Isaac, cậu ấy chửi rủa cuộc sống và vũ trụ và cả Đức Chúa và hỏi những chiếc cúp chết tiệt ở đâu khi ta cần đập chúng, rồi sau đó tôi nhận ra chẳng còn ai để báo tin nữa, đó là điều buồn nhất. Người duy nhất tôi thực sự muốn nói chuyện về cái chết của Augustus Waters là Augustus Waters.

Bố mẹ tôi ngồi lại trong phòng cho đến tận khi trời sáng rồi cuối cùng Bố cất tiếng, “Con có muốn được ở lại một mình không?” xong tôi gật đầu và Mẹ nói, “Bố mẹ sẽ ở ngay ngoài thôi,” còn tôi nghĩ, con biết mà.

Không thể chịu đựng được. Tất cả mọi chuyện. Mỗi giây trôi qua càng tệ hơn so với lúc trước. Tôi cứ nghĩ đến chuyện gọi cho anh, tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu có ai nhấc máy. Những tuần sau cuối chúng tôi đã dành ít thời gian hơn để ôn lại kỷ niệm cũ, nhưng chuyện đó không phải không có ý nghĩa gì cả: Niềm vui của việc nhớ nhung những kỷ niệm đã bị tước mất khỏi tôi, vì giờ đây cũng chẳng còn ai để cùng tôi nhắc lại. Cảm giác mất đi người cùng chia sẻ ký ức với mình cũng giống cảm giác mất đi chính ký ức đó, như thể những thứ chúng tôi đã làm trở nên xa vời và vô nghĩa hơn chỉ sau vài giờ trước đó.

***

Khi vào Phòng Cấp cứu, một trong những việc đầu tiên người ta yêu cầu bạn làm là đánh giá nỗi đau đớn của mình theo thang từ một đến mười, từ đó họ sẽ quyết định sử dụng loại thuốc gì và sớm muộn ra sao.

Tôi đã được hỏi câu này hàng trăm lần trong mấy năm qua, và tôi nhớ có một lần lâu lắm rồi tôi không thở được và cảm giác như lồng ngực bị thiêu đốt, những ngọn lửa liếm trong lồng ngực tìm đường thoát ra ngoài cơ thể tôi, bố mẹ đưa tôi vào Phòng Cấp cứu. Một chị y tá hỏi tôi về cơn đau, tôi thậm chí còn không thể nói được, thế nên tôi giơ chín ngón tay lên.

Sau khi họ cho tôi uống thứ gì đó, chị y tá đi vào vuốt ve bàn tay tôi trong khi chị ấy đo huyết áp và bảo, “Em biết sao chị biết em là một chiến binh không? Em gọi mười là chín.”

Điều đó không hẳn đúng lắm. Tôi gọi nó là chín bởi vì tôi muốn giữ lại số mười. Và giờ nó đây, số mười to đùng tệ hại, dội đi dội lại trong khi tôi nằm chết lặng một mình trên giường chăm chăm nhìn cái trần nhà, những làn sóng quăng quật tôi vào mỏm đá rồi kéo tôi ra biển để lại tiếp tục ném tôi vào bề mặt lởm chởm của vách đá, để mặc tôi dập dềnh nổi trên mặt nước, chẳng thể nào chìm sâu.

Cuối cùng tôi cũng gọi vào số anh. Điện thoại anh báo chuông năm lần rồi chuyển đến hộp thư thoại. “Bạn đang được chuyển đến hộp thư thoại của Augustus Waters,” giọng anh cất lên, cái giọng trầm đục đã khiến lòng tôi đổ gục. “Xin để lại lời nhắn.” Tiếng bíp ngân lên. Tiếng lặng câm trên đường dây thật đáng sợ. Tôi chỉ muốn được quay lại cái khoảng không gian thứ ba mờ ảo bí mật mà chúng tôi từng đến mỗi lần nói chuyện. Tôi chờ đợi cảm giác ấy, nhưng nó đã không đến: tiếng lặng câm trên đường dây chẳng chút nào dễ chịu, cuối cùng tôi gác máy.

Tôi với lấy cái laptop từ trong gầm giường ra rồi bật nó lên vào xem trang cá nhân đã tràn ngập những lời chia buồn của anh. Lời mới nhất thế này:

Tôi yêu cậu, người anh em. Hẹn gặp lại ở một thế giới khác.

…Viết bởi một người tôi chưa từng nghe tên. Thực ra, hầu như tất cả các bài viết cứ xuất hiện dồn dập đến nỗi tôi không kịp đọc đều được viết bởi những người tôi chưa từng gặp cũng như anh chưa từng nhắc tới, những người đang ca tụng bao đức tính tốt đẹp của anh khi giờ anh đã chết, dù tôi biết sự thật là họ đã không gặp anh nhiều tháng nay và cũng chẳng có ý định đến thăm anh. Tôi tự hỏi liệu trang của tôi có như thế này không nếu tôi chết, hay nếu tôi rời khỏi trường học và tiếp tục sống đủ lâu để thoát khỏi những hoài niệm mênh mang.

Tôi tiếp tục đọc.

Tôi nhớ cậu, anh bạn.

Tôi yêu cậu, Augustus. Chúa ban phúc và phù hộ cho cậu.

Cậu sẽ sống mãi trong lòng chúng tôi, chàng trai vĩ đại.

(Câu này đặc biệt khiến tôi tủi thân, vì nó bao hàm cả sự bất tử của những người

đang sống: Cậu sẽ sống mãi trong ký ức của tôi, bởi tôi sẽ sống mãi! GIỜ TA LÀ CHÚA TỂ CỦA NGƯƠI, KẺ ĐÃ CHẾT! TA NẮM GIỮ NGƯƠI! Nghĩ rằng mình sẽ không chết cũng chỉ là một ảnh hưởng phụ khác của việc đang chết mà thôi.)

Cậu luôn là người bạn tốt tôi rất tiếc tôi đã không đến thăm cậu nhiều hơn sau khi cậu nghỉ học, anh bạn. Tôi dám cá bây giờ cậu đang chơi bóng rổ trên thiên đường.

Tôi tưởng tượng xem phân tích của Augustus Waters về câu nói đó sẽ thế nào: Nếu ta đang chơi bóng rổ trên thiên đường, hẳn sẽ có một địa điểm có thực nào đó ở một thiên đường nào đó có chứa những quả bóng rổ có thực. Câu hỏi đặt ra là ai đã tạo nên những quả bóng rổ đó? Có phải có những linh hồn kém may mắn hơn trên thiên đường làm việc trong một nhà máy bóng rổ thiên đường cho ta chơi không? Hay một vị Đức Chúa toàn năng đã tạo nên chúng từ khoảng không vũ trụ? Có phải thiên đường này nằm trong một vũ trụ vô hình mà ở đó các định luật vật lý không áp dụng được, và nếu như vậy thật thì thế quái nào ta lại đi chơi bóng rổ thay vì bay lượn hay đọc sách hay ngắm nhìn những con người xinh đẹp hay những thứ khác mà ta thật sự yêu thích? Nó gần như thể cách người ta nghĩ về cái chết của bạn nói về bản thân họ nhiều hơn nói về cả con người bạn từng thế nào và cái gì bạn giờ ra sao.

Tầm trưa bố mẹ anh gọi cho tôi để thông báo tang lễ sẽ được cử hành trong năm ngày nữa, vào thứ Bảy. Tôi hình dung ra cảnh một nhà thờ với hàng người vẫn nghĩ anh thích bóng rổ, và tôi muốn ói, nhưng tôi biết tôi phải đến dự, tôi còn phải phát biểu các thứ. Sau khi gác máy, tôi lại tiếp tục đọc trang cá nhân của anh:

Vừa nghe tin Gus Waters đã mất sau một cuộc chiến dài đằng đẵng với căn bệnh ung thư. Yên nghỉ nhé, anh bạn.

Tôi biết những người đó cũng thực sự thấy buồn, và tôi không thật giận họ. Tôi giận dữ với vũ trụ. Ngay cả thế, chuyện này vẫn khiến tôi phát điên: Ta có tất cả những người bạn kiểu này chỉ khi nào ta không còn cần đến bạn bè nữa. Tôi trả lời lại bài viết trên:

Chúng ta sống trong một vũ trụ dành cho sự sáng tạo cũng như sự xóa bỏ nhận thức. Augustus Waters không ra đi sau một cuộc chiến dài đằng đẵng với căn bệnh ung thư. Anh ra đi sau một cuộc chiến dài đằng đẵng với ý thức của con người, một nạn nhân – như bạn rồi cũng sẽ thế – của nhu cầu được tạo nên và phá hủy tất cả những gì có thể của vũ trụ.

Tôi đăng nó và đợi ai đó trả lời, liên tục tải đi tải lại. Chẳng có gì cả. Dòng bình luận của tôi mất hút trong cơn bão của những bài viết mới. Mọi người đều rất nhớ anh. Mọi người đều cầu nguyện cho gia đình anh. Tôi bỗng nhớ lá thư của Van Houten: Viết lách chẳng hồi sinh. Nó chỉ chôn vùi.

***

Một lúc sau, tôi ra phòng khách ngồi cùng bố mẹ và xem TV. Tôi chẳng biết nó là chương trình gì, rồi mẹ chợt hỏi, “Hazel, bố mẹ có thể làm gì giúp con đây?”

Và tôi chỉ lắc đầu. Tôi lại bắt đầu khóc.

“Bố mẹ có thể làm gì nào?” Mẹ hỏi lần nữa.

Tôi nhún vai.

Nhưng mẹ tôi vẫn tiếp tục hỏi, cứ như có chuyện gì bà có thể giúp, cho đến tận khi tôi nằm vắt lên chiếc ghế sofa dụi đầu vào lòng mẹ còn bố đến ôm chân tôi rất chặt rồi tôi vòng hai tay ra ôm quanh bụng mẹ và họ cứ ôm tôi như vậy hàng giờ liền trong lúc cơn thủy triều tiếp tục trào dâng.