Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Lai lịch truyện cổ tích

  1. CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN TỪ THẦN THOẠI ĐẾN CỔ TÍCH

Truyền thuyết cổ tích xuất hiện vào thời kỳ nào?

Như ai nấy đều biết, truyền thuyết cổ tích xuất hiện không cùng một thời với thần thoại. Nếu chủ đề của thần thoại thường thiên về giải thích tự nhiên, mô tả cuộc đấu tranh giữa người và tự nhiên là chủ yếu, thì trái lại, chủ đề của truyền thuyết cổ tích thường thiên về giải thích xã hội, mô tả chủ yếu cuộc đấu tranh giữa người với người. Ấy là vì, thần thoại xuất hiện vào một thời kỳ mà mâu thuẫn sau đây nổi lên hàng đầu: con người sống lệ thuộc vào tự nhiên mà lại có khát vọng chinh phục tự nhiên. Trái lại, cổ tích cũng như truyền thuyết xuất hiện vào lúc con người nói chung đã lợi dụng được ít nhiều năng lượng của tự nhiên, nhưng lại vấp phải mâu thuẫn giữa người với người trong sản xuất. Hình thái xã hội mà truyện cổ tích phản ánh, sức sản xuất đã tương đối cao, đời sống con người đỡ chật vật hơn trước, tri thức phát đạt, tình cảm phong phú, nhất là cuộc đấu tranh giai cấp đã có phần gay go quyết liệt.

Nói một cách khác, những truyện cổ dân gian được sáng tác sau thời kỳ nguyên thủy, có nội dung xã hội khác biệt rõ với những truyện ra đời từ trước thời kỳ đó. Mác nói: "Khi con người đã có thể khống chế được thực sự những lực lượng tự nhiên thì thần thoại sẽ biến mất". Có nghĩa là khi mà chủ nghĩa thần linh không còn ngự trị lên mọi lĩnh vực của ý thức; khi trình độ hiểu biết của con người đã được nâng cao; con người đã tìm được quy luật của một số lớn hiện tượng tự nhiên, biết dùng cái nhân này để tạo thành cái quả kia; thì bấy giờ nghệ thuật thần thoại sẽ phai nhạt ý nghĩa và không còn chức năng thực tế nữa.

Nhưng mặc dù thần thoại mất đi, sự sáng tạo truyện truyền miệng vẫn cứ tiếp tục. Có dân tộc nào mà lại tắt được nguồn cảm hứng nghệ thuật của mình trên con đường phấn đấu gian nan để sáng tạo ra một lịch sử phong phú và một ngôn ngữ giàu có, sinh động? Đương nhiên con đường phấn đấu đó bao giờ cũng đầy huyền thoại, huyền tích. Một nhà nghiên cứu thần thoại có nhận xét: "Truyền thuyết đời cổ chúng ta gọi là thần thoại, thần thoại đời sau chúng ta gọi là truyền thuyết"[1]. Nhận định này về một mặt nào đó đã vạch được mối liên hệ hữu cơ giữa hai loại truyện ở hai thời kỳ. Đúng là đối với bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, ước mơ và khát vọng của quần chúng cũng vượt lên trên thực tại ước mơ và khát vọng ấy không những đã chắp cánh cho họ trong sáng tác thần thoại mà còn trong sáng tác cổ tích và truyền thuyết sau này. Mặt khác, đứng về phương diện thưởng thức thì bên cạnh thơ, truyện là một nhu cầu tất yếu của nhân dân. Loại truyện ngụ ngôn, truyện thời sự thường quá ngắn, thiếu những tình tiết ly kỳ, chưa kết tinh hiện thực một cách đậm đặc, nên không thỏa mãn cảm hứng của nhân dân bằng thần thoại hoặc cổ tích. Nhưng so với thần thoại, thì truyền thuyết hay cổ tích cho phép người ta không những diễn tả dài hơi hơn, mà trình bày được nhiều uẩn khúc hơn, với những nhân vật phức tạp hơn, gần cuộc đời thực hơn. Nói cách khác, nội dung xã hội của mỗi thời kỳ chính là nhân tố hàng đầu quy định sự khác nhau về phương thức tư duy nghệ thuật giữa thần thoại và truyền thuyết và cổ tích. Ở thời đại của truyền thuyết và cổ tích, quan hệ giữa người với người ngày càng phức tạp, đấu tranh xã hội ngày càng gay gắt, thì, kết cấu nghệ thuật của truyền thuyết và cổ tích cũng đòi hỏi phức tạp, nhiều kịch tính hơn nghệ thuật thần thoại.

Truyền thuyết, cổ tích hiển nhiên phải xuất hiện sau thần thoại, tiếp liền với thần thoại. Truyền thuyết hoặc anh hùng ca ra đời vào giai đoạn cuối của thời nguyên thủy chuyển sang thời nô lệ. Truyền thuyết kế thừa nhiệm vụ của thần thoại và phát triển theo hướng xây đắp thêm, làm phong phú và sắc nét dần lên những hình tượng vốn còn mộc mạc của thần thoại. Đây là loại văn học truyền miệng thường được đặt bằng văn vần, có hình thức thành văn cố định. Đồng bào thiểu số nước ta, nhất là đồng bào Tây nguyên, hiện còn lưu truyền khá nhiều loại truyện cổ bằng văn vần mà họ gọi là tơ-đrong ha-mon hay tơ-lây a-khan (hay khan) mà chúng tôi coi là những truyền thuyết hay anh hùng ca. Vần của những truyện đó rất linh động. Vần liền, vần chân, vần lưng đều có cả. Cũng có những đoạn không cần thiết phải dùng vần. Có những đoạn kể rất vắn tắt, nhưng cũng có những đoạn miêu tả rất dài dòng và văn hoa. Nhân vật truyền thuyết của người Ê-đê, Ja-rai (Djarai), Ba-na (Bahnar), v.v... hầu hết là những anh hùng lực sĩ, con cháu của các nhân vật thần thoại, có khi chính là nhân vật thần thoại. Ghi-ông Ghi-ở, Rốc, Xét... trong truyền thuyết của người Ba-na đều là dòng dõi của hai ông bà Tạo thiên lập địa. Họ bay lên không trung để đánh nhau, bắt mặt trời mọc lùi trở lại để kéo dài sự sáng mà tiếp tục chiến đấu, v.v... Thế giới của truyền thuyết là thế giới người, nhưng còn đầy dẫy những lực lượng huyền diệu. Hai bản I-li-át (Ilyade) và Ô-đít-xê (Odyssée) của thi hào Ô-me (Homère)[2] thực chất là những truyền thuyết viết theo hình thức sử thi hay anh hùng ca, trong đó hình tượng thần thoại hãy còn rõ nét. Càng về sau, truyền thuyết càng gần với cổ tích. Đây là thời đại của những nàng công chúa, ông hoàng tử, thời đại của những tên trọc phú gian tham, những bác nông dân khờ khạo và nghèo khổ. Truyện cổ tích cũng tiếp thu truyền thống của truyền thuyết. Nó được xây dựng trên những mảnh vụn rời rạc của truyền thuyết và thần thoại. Cho nên Grim (Grimm) nhận xét về cổ tích nước Đức có nói: "Những truyện cổ tích dân gian là những tiếng dội cuối cùng của thần thoại ngày xưa". Một nhà nghiên cứu khác là Muyn-le (Max Müller) cũng nói: "Chúng ta biết một cách chắc chắn rằng phần nhiều những cổ tích về tiên là tàn dư của một thần thoại cổ đã quên mất một nửa, đã hiểu sai và đã xây dựng lại"[3]. Nói chung, tâm lý, tính tình của những nhân vật trong cổ tích đã trở nên phức tạp, không còn mang dáng dấp thô sơ, man rợ mà kỳ thực là giản dị, chất phác của những nhân vật thần thoại nữa. Họ văn minh hơn, đẹp đẽ hơn, thích hợp với những quy chế và lễ nghi của cuộc sống dưới chế độ phong kiến hơn. Nhưng một điều rõ ràng là cùng với những biểu hiện phức tạp trên đây, họ cũng đã mất đi cái bản sắc cũ của họ, những đường nét đẹp đẽ khỏe khoắn vốn có trong những nhân vật thần thoại. Có thể nói, so với thần thoại và truyền thuyết, tính chất chung của truyện cổ tích là sự đa dạng của tâm lý, tính cách, đặt trong sự phức tạp của những tình tiết. Vì tư tưởng, tình cảm và nguyện vọng của con người gửi gắm vào đây đã lắm uẩn khúc, không đơn giản như trước, và cuộc đấu tranh xã hội thì nhiều màu nhiều vẻ hơn cuộc đấu tranh với thiên nhiên rất nhiều.

  1. TRUYỀN THUYẾT, CỔ TÍCH ĐÃ DỰA TRÊN VŨ TRỤ QUAN NÀO?

Truyền thuyết và cổ tích được thừa hưởng một vũ trụ quan phong phú do người nguyên thủy để lại trong các thần thoại. Nhưng thế giới thần linh lúc này không còn nguyên vẹn tính cụ thể và đơn giản như thời kỳ nguyên thủy. Người ta đem tôn ti trật tự mới có của xã hội loài người áp dụng vào xã hội vốn tự do bình đẳng của thần. Người ta sắp đặt thứ bậc theo chức vụ, phân phối ma quỷ thần thánh theo từng khu vực khác nhau. Lẽ tự nhiên, sau nhiều quá trình "cải tạo" lại, thế giới thần linh dần dần trở thành hình ảnh trung thực của thế giới con người. Vũ trụ quan tự phát của nhân dân kết hợp với hình thức triết lý chính thống, đã chuyển hóa thành một vũ trụ quan mới trong tưởng tượng của dân chúng.

Trước hết là quan niệm luân hồi. Quan niệm này xuất hiện với loài người từ rất xưa, lúc mới bắt đầu sống định cư bằng nông nghiệp. Từ việc quan sát sự sinh nở của cỏ cây người ta suy diễn ra quan niệm ấy. Con người, và muôn vàn sinh vật khác cũng sẽ cứ chết đi sống lại, hết kiếp này đến kiếp khác, mãi mãi như bánh xe quay! Ở Việt-nam, quan niệm này được bổ sung một cách đầy đủ bằng tư tưởng của đạo Phật. Người ta tưởng tượng ngoài thế giới hiện thực còn có hàng vạn thế giới cũng y hệt như thế giới trần gian, nếu có nơi là nát-bàn thì cũng có nơi là mười mấy tầng địa ngục. Đấy là những chỗ an dưỡng hoặc đày đọa những kiếp người vốn đã có những quá trình tốt hay xấu về đạo đức.

Bên cạnh quan niệm luân hồi, lại có quan niệm không sinh không diệt, nảy sinh từ việc quan sát những vật vô cơ trong đời sống, rồi sau đó được đạo thần tiên phát triển thành một thứ tín ngưỡng. Người ta tưởng tượng một thế giới đẹp đẽ, sung sướng, giàu có (Bồng lai, Dao-trì, v.v...), trong đó những vị Ngọc Hoàng thượng đế, Nguyên thủy thiên tôn, Thái thượng lão quân, cho đến bát tiên, v.v... đều là những nhân vật thoát ra khỏi sự chi phối của luân hồi, trở thành vĩnh viễn không sinh trưởng mà cũng không tiêu diệt. Cõi thế giới đó, người trần nào dày công tu luyện cũng có thể gia nhập được.

Thứ ba là quan niệm vạn vật tương quan, có lẽ do tín ngưỡng tô-tem (Totémisme)[4] mà phát triển. Giữa con người với vũ trụ như trăng, sao, sông, núi, mạch đất, cỏ cây, v.v... đều có thể có những mối liên hệ vô hình mật thiết. Quan niệm này thịnh lên với chế độ phong kiến. ở Việt-nam, quan niệm về phong thủy, cụ thể là việc để mồ mả - một trong những hình thức biểu hiện của quan niệm vạn vật tương quan - có lẽ cũng do phong kiến nước ngoài đưa vào từ thời Bắc thuộc. Nó còn gắn bó với chế độ chiếm hữu ruộng đất. Chắc chắn ngoài ba yếu tố trên đây, truyền thuyết cổ tích còn mang nhiều quan niệm phức tạp khác. Tất cả hòa hợp với nhau tạo thành một hệ thống quan niệm thống nhất về thế giới mà ta có thể tóm tắt như sau:

a) Linh hồn bất diệt theo luân hồi.

b) Xác thịt con người cũng như cỏ cây động vật là chỗ trú ngụ của linh hồn.

c) Ngoài cõi trần, chủ yếu còn ba cõi nữa là cõi trời, cõi nước và cõi âm. Mỗi cõi đều có vua quan, có dân chúng, có kẻ giàu sang, có người nghèo hèn.

d) Cõi trần không phải là chỗ ở riêng của người và vật mà còn là nơi trú ngụ hoặc chỗ đi về của thần tiên, ma quỷ.

đ) Thần tiên, ma quỷ, v.v... cũng có phân biệt thiện và ác: có hạng đáng thương, có hạng đáng ghét, có hạng đáng tôn thờ, có hạng đáng sợ mà không đáng thân. Phần nhiều họ cũng chung cảnh vinh nhục sướng khổ như người.

Đó là vũ trụ quan chung của người Việt-nam từ thời kỳ bán khai lại nay. Tất cả mọi thế hệ tác giả và thính giả của những truyện cổ tích xưa và nay đều dựa vào đấy làm nền tảng cho tư duy, để đặt nên truyện và hiểu truyện. Dĩ nhiên, một quan niệm về vũ trụ như thế không còn hoàn toàn giống với vũ trụ quan của thần thoại. Nếu ở một vài truyện thần thoại nào đó có sự đồng nhất về cơ sở thế giới quan với cổ tích thì cũng chỉ là vì những thần thoại này đã được người đời sau tô điểm, thêm thắt, có khi xây dựng hẳn lại. Tuy nhiên, lại cũng cần phải thấy rằng Thần Thánh Tiên Phật hay ma quỷ trong cổ tích phần nhiều chỉ là phương tiện cần thiết để cho tác giả thắt nút, mở nút câu chuyện mà thôi. Cho nên, không lấy làm lạ khi chúng ta bắt gặp một số truyện về tiên ở châu Âu, trong đó gần như không biểu hiện một vũ trụ quan cổ truyền nào. Nên nhớ tiên thoại (contes des fées) của Tây phương so với tiên thoại của ta có phần khác. Tiên của họ có nhiều phép thuật rất huyền diệu: cưỡi lên chổi để bay, cầm đũa hay xoay chiếc nhẫn chỉ ra vàng bạc, nhà cửa, lâu đài và mọi vật... Họ có tiên tốt phù hộ người trong cơn nguy ngập, lại có tiên ác hãm hại người lương thiện. Nhưng nói chung, thế giới thần tiên của họ không được xây dựng một cách có hệ thống, cũng không liên quan nhiều đến tín ngưỡng như tiên trong tiên thoại hay cổ tích chúng ta.

  1. SỰ XUẤT HIỆN VÀ SỰ SUY TÀN CỦA TRUYỆN CỔ TÍCH

Truyền thuyết và cổ tích có quan hệ không ít đến tín ngưỡng, phong tục của một dân tộc, ăn sâu vào những tập quán của tư duy, tín ngưỡng và phong tục vốn bao giờ cũng có sức kích thích ảo giác rất mạnh. Cho nên xung quanh phong tục, nhất là tín ngưỡng, thường vẫn có truyền thuyết hoặc cổ tích lưu hành. Nhiều mô-típ hoặc hình tượng trong truyền thuyết và cổ tích còn lại đến nay, mặc dù đã phai nhạt dấu vết nguyên thủy nhưng nếu suy nguyên cặn kẽ và thận trọng, cũng có thể tìm ra các lớp nghĩa tối cổ, phản ánh những phong tục, tín ngưỡng xa xưa mà con người hiện đại rất khó cảm thông (chẳng hạn tục hôn nhân đồng tính ở thời kỳ suy tàn trong truyện Sự tích đá Vọng-phu; tục chị em vợ lấy chung một chồng, anh em chồng lấy chung một vợ trong truyện Tấm Cám, truyện Lấy chồng dê, truyện Sự tích trầu, cau và vôi; tục thờ thần rắn và tín ngưỡng hiến tế thần linh trong truyện Thạch Sanh, truyện Tiêu diệt mãng xà, truyện Ao Phật; tín ngưỡng phồn thực trong truyện Hai anh em và con chó đá, Sự tích chim Bắt-cô-trói-cột (dị bản)...). Có thể nói tín ngưỡng là vú nuôi của truyền thuyết cổ tích, ngược lại truyền thuyết cổ tích là kẻ tuyên truyền đắc lực cho tín ngưỡng.

Đặc biệt ở Việt-nam, gần như mỗi một thắng cảnh, mỗi một đền thờ địa phương đều có gắn liền với một hoặc nhiều truyền thuyết, cổ tích. Những sáng tác dân gian đó, bên cạnh nội dung chủ yếu là những sự tích anh hùng hoặc sự nghiệp lớn lao kỳ vĩ của dân chúng địa phương, còn có giá trị là những "bài thơ" rất đẹp, những "tấm bia" nghệ thuật, trong đó ghi chép, ca ngợi, làm thi vị thêm cảnh trí thiên nhiên đất nước của từng vùng. Lẽ cố nhiên, các tác giả dân gian không giới hạn chủ đề tác phẩm ở tính địa phương chật hẹp. Trái lại, bao giờ họ cũng vươn đến những chủ đề có tầm bao quát rộng hơn. Và tính khái quát này không hề ảnh hưởng gì đến giá trị, sắc thái địa phương của câu chuyện. Chủ đề của các truyện Sự tích đầm Nhất dạ và bãi Tự nhiên, Sự tích đầm Mực, Sự tích bãi Ông Nam, Sự tích đền Cờn, v.v... hầu như là sự biểu dương phẩm chất cao quý của con người. Đó là tinh thần quên cái riêng vì cái chung, quên mình vì nghĩa vụ; đó cũng là tinh thần đấu tranh gian khổ với dục vọng, với bản tính tự nhiên.

Những ý nghĩa giáo dục có tính chất phổ biến như thế, đồng thời lại được biểu hiện trong những hình tượng có nét đặc thù rõ rệt, liên quan khăng khít với lịch sử dài lâu của một con sông, ngọn núi, bãi cát, cánh đồng...; mỗi câu chuyện gây nên lòng tự hào cũng như lòng yêu mến quê hương đất nước của người dân địa phương.

Cũng cần nhớ rằng truyền thuyết cổ tích là lịch sử truyền miệng của những dân tộc chưa có chữ viết; đấy cũng là lịch sử truyền miệng của đại đa số quần chúng không biết chữ. Khi con người có ý thức về sự tồn tại và sự trưởng thành của mình thì việc tìm hiểu quá khứ, bảo tồn ký ức về quá khứ là một nhu cầu tự nhiên và cần thiết. Nhưng cổ tích chép sử theo cách của nó. Nó biết chọn hình ảnh để cô đọng sự kiện; nó biết dùng thủ pháp cách điệu để nhấn mạnh cái mà nó lưu ý. Cây gươm thần trong Sự tích Hồ Gươm đến với Lê Lợi và trả lại cho rùa vàng là hiện thân của sức mạnh đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm cũng như lòng yêu chuộng cuộc sống thanh bình. Con rắn trong truyện Rắn báo oán làm cho chúng ta thấm thía biết bao cái bạo tàn khủng khiếp của chế độ quân chủ chuyên chế đè nặng lên không phải một mà nhiều thế hệ. Cũng thế, những chòm lông xoăn của Ba Vành là một cách hình dung bằng nghệ thuật, cái nhược điểm chủ quan khinh địch của vị đầu lĩnh nông dân trong truyện Ba Vành.

Ngoài các sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử ra, một số đặc điểm của hình thái sinh hoạt xã hội đã qua cũng được giữ gìn trong cổ tích. Qua truyện Chàng rể thong manh, ta hiểu được tình cảnh gian khổ của người con trai lấy vợ ngày xưa; truyện Sự tích đình làng Đa-hòa cho thấy vai trò của cái đình đối với đời sống làng xã, và việc có được một cái đình đĩnh đạc đối với những làng nghèo là một ước mơ, nhiều khi quá sức. Truyện Hoằng Tín hầu cho thấy chế độ cung đốn phục dịch trong một thái ấp là cực kỳ vất vả nhọc nhằn đối với người nông dân, v.v...

Cũng như ở thần thoại, trong truyện cổ tích con người vẫn tiếp tục cắt nghĩa những hiện tượng thiên nhiên và xã hội, những hiện tượng lạ lùng bí ẩn mà những hiểu biết về khoa học bấy giờ chưa thể cho phép giải thích rành mạch được. Nhưng khác với cách cắt nghĩa ở thần thoại, lúc này ngươi ta lý luận một cách hóm hỉnh hơn, gần với "tính người" hơn. Nghĩa là đằng sau lời cắt nghĩa có vẻ hoang đường, ngẫu nhiên, vẫn có ngụ một ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống, hoặc có ẩn một mục đích giáo dục.

Dĩ nhiên, không phải những truyện cổ tích nói về thế sự, về sinh hoạt mãi sau này mới có. Nó xuất hiện cũng đã khá xưa, từ lúc con người biết lấy thực tiễn đời sống lao động của mình để trao đổi ý kiến với nhau, giãi bày tâm sự với nhau. Mà cuộc sống lao động của nhân dân thì muôn màu nghìn vẻ, rất phong phú, phức tạp. Chính từ trong bao nhiêu truyện đời phức tạp ấy, người ta rút ra những nét có ý nghĩa điển hình nhất (tức là những nét phổ biến, dễ nhớ, dễ hiểu), những cốt truyện ly kỳ nhất (tức là những truyện dễ gợi tính tò mò say mê của mọi người) để xây dựng nên tác phẩm.

Nhờ những cuộc giao lưu văn hóa, những cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc, truyện cổ tích cũng như thần thoại, truyền thuyết được lưu truyền rất rộng. Bằng chứng là có nhiều truyện của những dân tộc sống rất cách xa nhau vẫn mang những nét giống nhau, hoặc phảng phất giống nhau. Truyện Tấm Cám không những quen thuộc với nhân dân Việt nam, mà còn là một cổ tích chung của đồng bào Cham-pa, đồng bào Tây-nguyên, Khơ-me (Khmer), Ấn-độ, Ai-cập, Pháp, Trung-hoa... và vô số dân tộc khác nữa. Nếu đem so sánh tất cả những truyện đó thì sẽ thấy, tuy có khác nhau về chi tiết, nhưng trên đại thể chúng đều giống nhau, chủ yếu là ở đề tài và chủ đề. Điều đó giúp ta phỏng đoán rằng ban đầu chúng đầu có chung một cái cốt duy nhất rồi về sau mỗi dân tộc phát triển, hoàn chỉnh câu chuyện theo cách riêng của mình, bằng cách cải tạo và thêm thắt một số tình tiết, hình ảnh phù hợp với đặc điểm dân tộc.

Mặt khác, ngay trong văn học giữa các dân tộc này và dân tộc kia đôi khi cũng có những gặp gỡ đặc biệt lý thú, những sự phù hợp tình cờ ở tư tưởng, nội dung và nghệ thuật. Sự tương đồng giữa một số truyện như Gốc tích cái nốt dưới cổ con trâu, Sự tích đá Vọng phu... của ta với những truyện cổ tích dân gian ở các dân tộc châu Á, châu Âu, châu Phi[5] có thể không phải do chúng cùng chung một cốt truyện hoặc do các dân tộc gần gũi nhau nên ảnh hưởng lẫn nhau. Xét cho cùng, đây cũng là một hiện tượng có tính quy luật. Trong cuộc sống phải phấn đấu với thiên nhiên, phải chống chọi với những thế lực áp bức trong xã hội, nhân loại có những bước đường như nhau, những mục đích, khát vọng như nhau, cho nên trong sinh hoạt và trong tưởng tượng của từng dân tộc cũng tất yếu có những nét trùng nhau hoặc gần giống nhau.

Căn cứ vào đó mà người ta cho rằng trong truyện cổ tích, ngoài đặc tính riêng của từng dân tộc lại còn mang ít nhiều tính chất chung của cộng đồng nhân loại. Có người đã từng nghiên cứu truyện cổ để tìm hiểu bước đường phát triển chung giữa các dân tộc khác nhau. Do mang "tính nhân loại" mà nhiều truyện cổ tích có một giá trị phổ biến, được coi là vốn tinh thần chung cho cả loài người. Mọi dân tộc có thể tìm thấy trong đó một nguồn thông cảm chung. Luôn luôn nó là một cái gì trong trẻo, xinh tươi và lành mạnh.

Hiển nhiên, nói thế không có nghĩa là trong bất kỳ truyện cổ nào cũng đều chứa đựng những nhân tố tích cực, kết tinh sức sống của nhân dân, và phù hợp với xu thế tiến bộ của nhân loại. Không quên rằng giai đoạn thịnh hành của việc sáng tác truyền thuyết cổ tích là thời kỳ công xã thị tộc tan rã, thời kỳ chiếm hữu nô lệ và phong kiến tiếp nối thịnh hành. Trong điều kiện một nền sản xuất lạc hậu, kéo dài triền miên từ cổ đại cho đến hết trung cổ, xã hội loài người đã phải trải qua nhiều nỗi nhọc nhằn vất vả, chịu đựng bao nhiêu thành kiến ngu muội, quằn quại trong bao nhiêu tranh đoạt đầy máu và nước mắt, và bị đe dọa bởi bao nhiêu nỗi lo sợ hữu hình và vô hình. Có thể nói cả một không khí huyền bí tối tăm luôn luôn vây bọc và đè nặng lên đời sống tinh thần của con người. Tất cả những phương diện này đều để dấu vết lại trong các loại sản phẩm tinh thần mà con người còn lưu giữ lại được, trong đó có truyện cổ tích. Và nếu coi đó là hạn chế thì phần tư tưởng hạn chế rải rác trong kho truyện của ta không phải là hiếm.

Sự xuất hiện của truyện cổ tích thường gắn chặt với những đặc điểm về sản xuất, về sinh hoạt, tư tưởng của một thời đại lịch sử, cho nên cũng như thần thoại, nó có thời kỳ phồn vinh và có thời kỳ suy tàn. Thế kỷ của máy móc, của điện tử là thế kỷ suy tàn của truyện cổ tích. Lúc mà tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản, điện ảnh, v.v... xuất hiện và trở nên món ăn tinh thần hợp "khẩu vị" của quần chúng thì cũng là lúc cổ tích bắt đầu lùi xuống địa vị thứ yếu, nếu chưa phải là bước xuống khỏi văn đàn. Huyễn tượng ngày càng được khoa học "giải mã" và tín ngưỡng tuy vẫn còn đầy sức hấp dẫn, cũng thường xuyên bị khoa học tranh chấp và "khoanh vùng" giới hạn. Việc sáng tác những câu chuyện hoang đường vì thế bị hạn chế dần, kết quả là nghệ thuật cổ tích cũng thu hẹp lại.

Tuy có một số ít tác giả bắt chước người xưa đặt nên những truyện tương tự cổ tích, nhưng dù cố gắng đến đâu, nội dung của chúng cũng không tài nào còn mang được cái không khí, cái phong vị của truyện cổ tích nữa. Đó là nghệ thuật của truyện ngắn giả cổ tích, hơn nữa đó lại không phải là những truyện truyền miệng.

  1. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH MỘT TRUYỆN CỔ TÍCH

Truyện cổ tích cũng chịu chung cái công lệ của văn học truyền miệng là mọi việc sáng tác, diễn xướng, truyền bá đều có tính chất tập thể. Tác giả của truyện không phải là người của cùng một thời, một xứ, mà là nhiều người, trong những thời gian và không gian khác nhau. Đây là một công cuộc sáng tác và chỉnh lý liên tục, người sau nối tiếp công việc của người trước. Có khi người sau dựa vào cốt truyện của người trước mà đặt ra một truyện khác mới hẳn. Cố nhiên, trong hai truyện đó truyện nào khỏe mạnh hơn, gợi hứng thú người nghe hơn thì sẽ tồn tại lâu hơn. Cho đến một lúc nào đó, câu chuyện tương đối hoàn chỉnh hay đã được ghi vào sách vở, thì nó sẽ đứng lại.

Đầu tiên, câu chuyện thường xuất phát từ một truyện thời sự hay là một sự thực nào đó. Cốt truyện của nó thường khi rất đơn giản. Truyện Sự tích đầm Nhất-dạ, theo chỗ chúng tôi đoán thì ban đầu hình như là một câu chuyện tình éo le cũng như phần nhiều câu chuyện tình éo le khác vẫn thường xảy ra: con gái một quý tộc nào đó yêu một anh con trai thuộc tầng lớp dưới. Và khi thấy không được cha mẹ ưng thuận, hoặc biết không thể đường hoàng lấy được nhau, cả hai bèn trốn vào rừng hay tìm đến một nơi xa xôi nào đó. Trong khi ấy thì pháp luật triều đình hết sức truy nã họ. Sau cơn tuyệt vọng, họ nhảy xuống một vực sâu hay treo cổ tự tử.

Cốt truyện Sự tích đầm Nhất-dạ đầu tiên có thể ít hay nhiều tương tự thế thôi. Tất nhiên câu chuyện phải đập mạnh vào cảm xúc của nhiều người, và chủ yếu là làm thức dậy ý thức đẳng cấp tiềm ẩn sâu xa trong lòng đại chúng. Cái chết của cặp trai gái được quần chúng coi là biểu hiện của tinh thần căm phẫn, của hành động chống đối. Sẵn có đầu óc tín ngưỡng, người ta cho là một cái chết linh thiêng. Từ đó họ lập miếu thờ; mặt khác họ truyền cho nhau nghe thiên tình sử bi đát. Thiên tình sử đó được các nhà văn nhân dân tô điểm và lưu truyền bằng miệng. Vì truyền miệng, nên quần chúng đời sau lại không khỏi thêm thắt sửa đổi ít nhiều cũng như có thể tước bỏ ít nhiều. Khuynh hướng chung là người ta thần thánh hóa nó đi. Rốt cuộc, cặp trai gái đó không chết nữa mà bay lên trời.

Nhiều truyện cổ tích khác như truyện Hai bà Trưng, truyện Vợ chàng Trương cũng được thần thánh hóa theo hướng ấy. Đó là mong muốn chủ quan của tác giả và cũng là nguyện vọng của nhân dân. Nhân tố chủ quan này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành một số truyện cổ tích. Nói cách khác, một số chi tiết, một số hình tượng và mô-típ của truyện đều được sửa chữa, thêm bớt một cách có ý thức để tiến đến chỗ định hình. Và, đến đây, một truyền thuyết, một sự tích được nâng lên địa vị văn học.

Cho đến sau đời Triệu Quang Phục (ở thế kỷ thứ IV), truyện Sự tích đầm Nhất-dạ lại còn được thêm vào đoạn cuối kể chuyện Chử Đồng Tử cưỡi rồng giúp đỡ họ Triệu chiến thắng quân xâm lược. Tóm lại, trên cơ sở hiện thực và lãng mạn, nhân dân lao động trong một quá trình lâu dài đã dựa vào tưởng tượng, phối hợp giữa tín ngưỡng và nguyện vọng của mình, ảo hóa một câu chuyện thực thành một truyện cổ tích. Đồng thời, câu chuyện đó cũng được nhân dân dùng để giải thích hiện tượng biến đổi của tự nhiên. Trên thực tế, đầm Nhất-dạ[6] có thể do ảnh hưởng của một cuộc địa chấn, hoặc do một con sông bị bồi lấp mà thành. Nhưng ở đây thực tế đó không có ý nghĩa gì và bị che khuất đi đằng sau một vấn đề xã hội. Nguyên nhân tự nhiên đã được thay thế bằng nguyên nhân xã hội.

Thiên tình sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung được tô điểm sửa chữa đến đây hầu như là đã hoàn thiện. Nhưng từ ngày đạo thần tiên thịnh hành ở Việt-nam thì đám đạo sĩ bèn lợi dụng nó, đem tô điểm cho nó một nước sơn tôn giáo. Tiên Dung và Chử Đồng Tử vốn sẵn có một tâm hồn "coi tình yêu trên hết" sẽ khinh thị tất cả mọi của cải ở trên thế giới và như thế rất lợi cho việc truyền bá thứ tôn giáo yếm thế của Đạo giáo. Hai nhân vật chính đó sau khi thông qua nhãn quan của tầng lớp đạo sĩ bỗng trở thành những vị thiên thần bất tử, đi mây về gió, ra oai tác phúc trong nhân dân. Chử Đồng Tử thế là thành một vị tổ trong tôn giáo thần tiên, mà người ta gọi là Chử Đạo tổ. Giới đạo sĩ lại còn nối thêm vào truyện một khúc đuôi như sau: khi hai vợ chồng đã thành tiên rồi, một lần đi qua làng Ông-đình (Hưng yên) họ dùng gậy phép cải tử hoàn sinh cho một số người chết. Và cũng ở làng này, Chử Đồng Tử lại có lấy thêm một người vợ tiên thứ hai nữa tên là Ngãi Hòa, v.v...

Ngoài những truyện có cốt cách hoàn chỉnh như Sự tích đầm Nhất-dạ ra, trong kho tàng truyện cổ của ta vẫn không hiếm những truyền thuyết đang giữ nguyên cốt truyện lúc ban đầu, chưa được trau chuốt tô điểm, hoặc đã được trau chuốt tô điểm, nhưng chưa chuyển hóa đầy đủ thành một áng văn có tính nghệ thuật. Hãy mượn một truyền thuyết của đồng bào Mường ở Hòa-bình làm ví dụ.

Truyện kể rằng có một đôi trai gái yêu nhau, từng ăn thề với nhau, nhưng không được gia đình hai bên đồng ý. Họ bèn đưa nhau vào rừng tự vẫn. Khi bỏ nhà ra đi người con gái có mang theo một rổ tằm. Vì gặp người, nên họ bỏ chỗ đã định trước, tiến vào sâu hơn rồi cả hai thắt cổ ở Cồn Mòi. Bây giờ, ở nơi đó có nhiều hòn đá giống hình những con tằm và một hòn đá khác giống hình một cái rổ. Làng Khênh là làng sở tại có dựng miếu thờ đôi trai gái. Họ tôn làm thành hoàng của làng[7].

Đây là một sự thật đã bắt đầu được ảo hóa. Để giải thích hình thù lạ lùng của những hòn đá, người ta khéo thêm vào câu chuyện một cái rổ tằm là hình ảnh có sẵn trong sinh hoạt thực tế của nhân dân. Tuy nhiên, câu chuyện chỉ đến đó là dừng lại. Chưa có cơ hội để các nhà văn nhân dân cải biên, phát triển thêm nữa. Nó chưa phải là một sáng tác hoàn thiện.

Có thể nói tất cả những sự việc hoặc éo le hoặc kỳ lạ, v.v... xảy ra trong cuộc đời thực, trừ trường hợp hãn hữu, đều là tài liệu rất tốt cho nhà văn nhân dân xây dựng thành truyện cổ tích với nội dung và hình thức thường khi được nâng lên rất cao so với khuôn khổ của câu chuyện thực. Cũng có khi từ một số mẩu chuyện hay một số sự việc có thật xảy ra trong nhiều trường hợp cụ thể khác nhau, nhưng đều có tư tưởng và chủ đề tương tự, nghĩa là có những mô-típ đồng dạng với nhau, người ta đem kết hợp lại để thành một truyện dài hơn, sửa chữa cho thống nhất, rồi dùng một nhân vật lịch sử có thật nào đó làm nhân vật trung tâm cho toàn truyện, như một sợi dây hữu cơ gắn các tình tiết lại với nhau. Truyện Ông nghè Tân thuộc trường hợp này.

Ông nghè Tân trên thực tế chỉ là một người phóng đãng, không chịu ràng buộc theo lối sống quy củ của nhà nho. Sau khi đỗ tiến sĩ (1842), ông chỉ làm những chức tri phủ, giáo thụ, chứ chưa từng làm thanh tra. Nhưng từ lúc xin thôi chân giáo thụ ở một phủ thuộc Hải-dương, ông nay chơi hạt này, mai chơi hạt khác, quấy nhiễu bọn quan lại địa phương. Hồi ấy có lệ mỗi năm triều đình đặc phái ngự sử từ kinh đô ra xứ Bắc tra xét tình hình quan lại. Nghè Tân thỉnh thoảng đến các hạt làm thơ nôm dạy trẻ em chăn trâu hát. Quan bản hạt nào đó vô phúc để ngự sử sao chép được bài thơ đệ về kinh thì sẽ bị tội. Vì thế, tuy không có chức vụ gì, ông đi đâu ai cũng sợ, phải trọng đãi, tống tiễn hẳn hoi[8]. Tất cả những tài liệu đó đều là đề tài rất quý của nhà văn nhân dân thuở bấy giờ. Chả là hồi đó dân chúng đang vô cùng cực khổ vì nạn tham quan ô lại. Cho nên, ông nghè Tân trong truyện được cường điệu hóa một cách nhanh chóng và bất ngờ, vượt xa hành trạng của một nghè Tân bằng xương bằng thịt. Đó là một viên thanh tra của triều đình cải trang làm cho bọn quan lại sợ mất mật. Đó cũng là một anh chàng nho sĩ ranh mãnh, chơi chữ rất tài tình. Những hoạt động của nghè Tân qua các mẩu chuyện, các bài thơ như "giả danh phó cối đề thơ ở công đường", "ném cáng quan phủ xuống bùn", "vịt biết nói", v.v... đều là những tình tiết biểu lộ tinh thần đối kháng của nhân dân đối với giai cấp thống trị mà tác giả phản ánh trung thành vào truyện, rồi cuối cùng người ta sẽ gộp những mẩu chuyện dân gian đó lại và tạo thành một truyện dài có nội dung tư tưởng thống nhất.

Do đấy, suy rộng ra một chút, ta thấy trong sách sử có nhiều câu chuyện hoặc thơ văn được trưng dẫn hiển nhiên như những sự kiện lịch sử có thật, nhưng thật ra có khả năng đấy là sáng tác của nhân dân từ mọi nơi góp lại (tương tự truyện Ông nghè Tân) hơn là những sự thật lịch sử. Chẳng hạn như những mẩu chuyện và bài thơ có khẩu khí đế vương đã được gán cho Lê Thánh Tông; một số giai thoại và câu đối hóm hỉnh được gán cho Mạc Đĩnh Chi làm lúc đi sứ Trung-quốc...

  1. TÁC GIẢ TRUYỆN CỔ TÍCH

Trước tiên chúng ta sẽ nói đến những phần tử trí thức tức là hạng nho sĩ hay tăng lữ. Bọn họ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau và có những khuynh hướng tư tưởng khác nhau.

Có hạng có vai vế trong xã hội: hoặc chịu tước lộc của triều đình, hoặc làm môn khách, gia thần cho quý tộc địa chủ ở một địa phương nào đó. Họ am hiểu tường tận tâm lý, tính cách tầng lớp thống trị cũng như có vốn kiến thức đáng kể về cuộc sống "hậu trường" sâu kín của tầng lớp này. Chính vì thế, họ sáng tác khá nhiều những truyện xung quanh một ông vua, một ông quan, một thổ hào, một ông sư, hoặc những truyện về thi cử đỗ đạt, về phong thủy, bói toán, cúng dàng, v.v... có khi khá ly kỳ huyền ảo. Nào truyện Gia Long khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi đã gặp những cái may gì mà thoát nạn; truyện mả tổ nhà Trần đã "kết" như thế nào để từ một dòng họ đánh cá ở Tức-mặc mà trở nên đế vương, rồi vì sao cũng dòng họ ấy về sau lại trở nên suy đồi, cái ngai vàng lại về tay người khác; truyện Nguyễn Trật nhờ thần giúp đỡ ra sao để cho một kẻ học dốt như ông cũng có tên trên bảng tiến sĩ; truyện mười tám ông sư vì sao đã đâm đầu một lượt xuống nước để trở thành Phật La hán, v.v... Họ còn đứng trên quan điểm chính thống để sưu tập và chỉnh lý truyện cổ dân gian. Những truyện của họ nhìn chung thường mang dấu ấn khá nặng của chủ nghĩa định mệnh, chủ nghĩa sùng bái cá nhân... Chúng góp phần tuyên truyền cho chế độ quân chủ hay cho tôn giáo yếm thế. Tuy vậy, nhiều truyện cũng hé ra không ít những ý nghĩa tích cực về cuộc sống, mặc dầu có thể ý nghĩa đó đã trở thành kinh điển. Nhất là những truyện của các tác giả sống tương đối gần gũi nhân dân thì vẫn phản ánh được ước mơ và quyền lợi của nhân dân đến một chừng mực nào.

Một hạng nho sĩ khác, thân phận nghèo nàn, sinh hoạt túng bấn, như chúng ta quen gọi là "hàn sĩ" hay "bần sĩ". Họ xuất thân ở nông thôn. Trong thời gian đi học, đi thi, cho đến lúc sinh nhai bằng một nghề nào đó họ thường sống cuộc đời của kẻ phiêu lãng. Trong cuộc đấu tranh âm ỉ giữa nông dân và địa chủ, họ thường đứng về phía nông dân. Họ rất giàu tưởng tượng, lại là những người hóm hỉnh, thích đùa nghịch, dám chĩa mũi nhọn vào những kẻ khác có khi quyền thế hơn, dám nhìn thẳng vào mọi thói xấu của chúng, dám đem nó ra mà đùa, mà châm chọc, mà thỏa mãn khoái cảm của mình. Những truyện do họ sáng tác nói chung có nhiều loại, kể cả ngụ ngôn, tiếu lâm, v.v... Trong ký ức của họ hẳn chứa rất nhiều những kinh truyện của bách gia chư tử, trong đó có vô số cổ tích, điển cố của nước nhà cũng như của văn học Trung-hoa. Vào thời gian sống lang bạt ở nông thôn hay ở đô thị, họ lại lượm lặt thêm được không ít tài liệu thực tế sinh động. Nhờ có vốn sẵn như thế cho nên họ sáng tác được nhiều truyện vừa ly kỳ vừa ý vị và nói chung được nhân dân ưa thích.

Truyện Tú Uyên có thể là một ví dụ. Đây chắc là sáng tác của một nho sĩ, hơn nữa một "bần sĩ". Những truyện cũ như "Người lấy ma", "Ma trêu học trò", những tích xưa như "Thư trung hữu nữ nhan như ngọc", "Lộng Ngọc Tiêu Sử", "Vu Hựu thả lá", v.v... đã gây nhiều cảm hứng rất đẹp cho tác giả và ảnh hưởng ít nhiều đến phương pháp nghệ thuật của câu chuyện. Nhưng điều quan trọng hơn là ở kinh đô Thăng long thuở ấy quả cũng chẳng hiếm gì những mỹ nhân làm mê hồn nhiều nho sĩ. Và tất cả, mộng và thực, tâm tình và ước vọng lãng mạn của họ, đã được nhào nặn lại để thành một câu chuyện tình duyên, trong đó ảo tưởng được nâng lên đến cao độ.

Truyện Ông nghè Tân như trên đã nói, có lẽ là do một số nho sĩ có tư tưởng chống bọn quan lại tham ô đặt ra. Tác giả dựa phần lớn vào các sự kiện có thực để tạo nên tác phẩm, chứ không dùng hay rất ít dùng đến nhân tố hoang đường.

Đáng để ý nhất là những phần tử trong tầng lớp nô tì, tôi tớ, trong đám người phải đi phu, đi lính cho bọn thống trị. Những người có phần được sống tập trung, lại có cơ hội đi nhiều nơi, tai nghe mắt thấy được nhiều sự việc. Nói chung, chẳng những họ là người có điều kiện lưu truyền mà còn có khả năng sáng tác ra truyện. Những truyện do họ kể có khi là sự thật đã bị biến tướng bởi tâm lý chủ quan của chính họ và những người xung quanh họ; có khi là những truyện cổ tích của những vùng xa xôi nào đó được họ sửa chữa cho hợp với phong tục, tín ngưỡng địa phương. Thôi thì phong phú không thể kể xiết!

Có những truyện bí mật từ trong cung cấm: nào là bà chúa nọ tư thông với đầy tớ (Hà Ô Lôi); nào là ông vua kia mê người nữ tỳ (Chị A). Có những truyện từ trên rừng xuống (Thần giữ của, Ma cà rồng); từ dưới biển lên (Giặc Tàu ô, Sự tích đền Cờn); truyện trong Nam, ngoài Bắc, truyện chiến tranh; truyện kiện cáo; truyện dịch tễ, v.v... Tất cả những loại truyện đó, qua trí tưởng tượng của họ đều được dọn lại cho súc tích, tô điểm thêm cho hấp dẫn và có tính kịch, rồi lan đi rất nhanh. Một khi đã vào trí nhớ nhân dân, nhân dân không bỏ lỡ cơ hội xây dựng, sáng tạo thêm một số tình tiết nữa, rồi phổ biến khắp nơi trong nước.

Những người làm nghề hát xẩm, kể vè cũng là những tay sáng tác và lưu truyền rất đắc lực truyền thuyết và cổ tích. Họ là những nghệ sĩ sống nhờ dân chúng và sáng tác theo truyền thống của dân chúng. Cái nghề của họ không phải mới xuất hiện gần đây mà đã có từ xưa. Giữa xã hội thị tộc trước kia, những người có khả năng hát và nhớ truyện rất được nhân dân quý mến chiều chuộng. Trong những buổi hội họp đông đúc, họ được mời ra biểu diễn, làm cái việc giải trí cho nhiều người. Những truyện mà họ kể cho người nghe có lẽ đều bằng văn vần, do chính họ hay những nhà văn khác, trước họ, sáng tác.

Thời kỳ của chế độ nô lệ, phong kiến, trong cung đình có một hạng nghệ sĩ chuyên phục vụ cho vua chúa, quý tộc. Bên cạnh những "thằng hề", "con hát", bọn họ được trọng dụng không kém. Quyển Nghìn lẻ một đêm cho ta thấy cái thói ham nghe kể chuyện của các ông vua Ả-rập, Ba-tư ngày xưa. Những truyện được đưa ra kể ở những nơi thâm nghiêm này thường là góp nhặt từ khắp mọi phương trong dân chúng, không loại trừ những truyện tục.

Trong thời kỳ cận đại, ở Việt-nam cũng như ở Trung-quốc, hạng nghệ sĩ chuyên môn kể chuyện cho dân chúng không hiếm gì. Thường ở nông thôn chúng ta trước Cách mạng, mỗi làng mỗi xóm thế nào cũng có một vài người hát tốt giọng và hay nhớ truyện. Những lúc rỗi rãi, họ kể truyện cổ tích, ngâm Kiều, Thạch Sanh, v.v... Tiếng họ cất lên, mọi người trong xóm xúm lại bên ấm nước chè xanh say sưa nghe kể. Những nghệ sĩ đó không sinh nhai bằng nghệ thuật của mình.

Bên cạnh đó, cũng có những nghệ sĩ thoát ly sản xuất, thường trổ tài ở chợ búa, thị trấn. Đây là những người hát xẩm, kể vè rong mà sự phát triển quá nhanh chóng của tiểu thuyết, kịch và chiếu bóng nửa thế kỷ lại đây đã cướp mất nghề của họ. Nói đúng hơn là trong sinh hoạt nghệ thuật của quần chúng Việt-nam, bước vào thế kỷ này, bắt đầu có một sự thay đổi quan trọng về phương thức diễn đạt, truyền bá tác phẩm, cũng như về đối tượng thưởng thức nghệ thuật.

Ngày xưa nghề kể vè của ta chắc chắn rất thịnh. Những chuyện vè dài đặt bằng văn vần, xuất hiện khá nhiều. Ngoài những truyện thời sự là chủ yếu còn có truyện cổ tích. Nhu cầu thưởng thức của quần chúng vốn rất đa dạng, các nhà nghệ sĩ do đó cũng thấy cần thay đổi món ăn. Họ bèn tìm tòi trong lịch sử xem có những anh hùng nông dân nào mà tên tuổi bị chìm đắm bởi thời gian, hoặc rút lấy những sự kiện lịch sử mà mọi người đang thèm khát nhắc lại. Họ sẽ đặt thành truyện như vè Chàng Lía, vè Bà Thiếu phó[9], vè Vợ ba Cai Vàng, vè Thất thủ kinh đô, v.v... Cố nhiên, nhà nghệ sĩ sẽ không quên đưa quan điểm và tưởng tượng của mình hòa vào chất liệu lịch sử. Và ý kiến của tác giả truyện vè thì bao giờ cũng có chỗ khác với ý kiến của các sử gia. Nó hợp với lô-gích tư tưởng của quần chúng hơn. Thế là một truyện cổ tích lịch sử ra đời, được nhân dân thưởng thức và truyền tụng có phần hứng thú hơn những cuốn sử ký cũng chép sự việc đó.

Tóm lại, truyền thuyết và cổ tích xuất hiện sau thần thoại. Lúc này con người đã qua thời đại dã man, sống trong những xã hội có cấp bậc, đặc biệt là xã hội nô lệ và phong kiến. Quan niệm về vũ trụ đã có phần khác với thời kỳ nguyên thủy. Nói chung, con người đã nổi bật lên trước lịch sử và bước vào nghệ thuật với tư cách vai chủ nhân của truyện. Mặt khác, nội dung phản ánh của truyện cũng đã thay đổi để thích hợp với vai chủ nhân ấy; từ ý nghĩa "tạo lập trời đất", đẻ đất đẻ nước nó chuyển sang mang nặng ý nghĩa về cuộc đời. Tác giả truyền thuyết và cổ tích phần nhiều là nhà văn nhân dân; họ sáng tác theo truyền thống và nhu cầu của nhân dân, nhưng cũng mang ít nhiều ý thức tư tưởng của giai cấp thống trị.

Chú thích:

[1] Viên Kha. Trung-quốc cổ đại thần thoại, Thương vụ ấn thư quán, Thượng-hải, 1955.

[2] Nhà thơ cổ Hy- lạp, sống vào khoảng thế kỷ thứ X trước Công nguyên.

[3] Dẫn trong Truyện cổ tích dân gian miền Lo-ren của Cô-xcanh (E. Cosquin: Contes populaires de Lorraine, I, Vieweg, Paris; p. IX, X).

[4] Thờ vật tổ.

[5] Xem dị bản của các truyện số 18, số 32, tập I.

[6] Nghĩa là cái đầm xuất hiện trong một đêm.

[7] Theo Grốt-xanh, Hòa bình, tỉnh của người Mường (P. Grossin: La province Mường de Hòa bình, in lần thứ hai, Hà nội, 1926; p. 66).

[8] Theo Tiên Đàm. Sự thực về ông nghè Tân, trong Tri tân, số 30 (1942).

[9] Tức là bà Bùi Thị Xuân, nữ tướng anh dũng của Tây Sơn. Truyện này đã thất truyền, nhưng từng được Bít-xa-se (Bissachère) nhắc trong bản ký sự của ông. Xem May-bông: Tường thuật về xứ Đường ngoài và xứ Đường trong của đức cha Bít-xa-se (C.B. Maybon: La relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mgr. de la Bissachere, Champion, Paris, 1920; p. 100, chth.1).