Khởi Nghiệp Thông Minh - Smart Up

Chương 7: Người Đồng Sáng Lập

Như ta biết rằng, rất ít người làm nên sự nghiệp một mình. Phần lớn những câu chuyện khởi nghiệp vĩ đại đều là câu chuyện của một nhóm người. Nói cách khác, một cá nhân rất khó làm nên sự nghiệp lớn. Như câu nói quen thuộc của doanh nhân, nhà đầu tư người Mỹ nổi tiếng Warren Buffett: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”.

Một doanh nhân khởi nghiệp đến gặp một nhà đầu tư để huy động vốn với mong muốn biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Nhà đầu tư đã dành thời gian hơn ba giờ để ngồi nghe anh này thuyết giảng. Sau đó, ông ta nhận xét: “Ý tưởng của anh thật xuất sắc, nhưng tôi muốn hỏi thêm: Anh có nhóm làm việc của mình không?”. Anh chàng này đáp: “Không”, và rồi nhà đầu tư trả lời: “Rất tiếc! Chúng tôi không đầu tư cho ý tưởng, chúng tôi chỉ đầu tư cho một nhóm người mà thôi. Cho dù ý tưởng của anh rất xuất sắc nhưng nếu anh không có nhóm làm việc chung thì tôi không thể đầu tư được”.

Một thời gian sau, cũng có một doanh nhân khởi nghiệp khác đến gặp nhà đầu tư và trình bày ý tưởng để mong nhà đầu tư biến ý tưởng này thành hiện thực bằng hình thức rót vốn. Ý tưởng của anh chàng thứ hai này không quá xuất sắc như người thứ nhất, nhưng anh có một nhóm ba người cùng thực hiện ý tưởng đó. Nhà đầu tư đã đồng ý đầu tư không hoàn lại cho ý tưởng này trong hai năm.

Sự khác biệt giữa người thứ nhất và thứ hai không phải là ý tưởng hay hoặc dở, tiền đồ tương lai dự án ra sao, vốn đầu tư nhiều hay ít… mà chính là người thứ hai có một đội ngũ để cùng thực thi, còn người thứ nhất thì không. Và đó chính là sự khác biệt: một nhóm những người đồng chí hướng cùng nhau làm nên điều vĩ đại.

Vậy, khởi nghiệp có nghĩa là bạn phải đi tìm cho mình một người đồng sáng lập. Ở Thung lũng Silicon, người ta có một quan điểm “ngầm” rằng sẽ không có nhà đầu tư nào bỏ tiền vào nhóm khởi nghiệp có ít hơn ba người.

Vấn đề quan trọng ở đây là: Giữa những người đồng sáng lập cần phải có những điều kiện gì? Sau đây là những điều khoản hợp tác phải được thỏa thuận trước của một nhóm những người đồng sáng lập.

1. Tên gọi, thời gian, thời hạn và mục đích hợp tác.

Trước hết phải làm rõ tên nhóm là gì, thời gian hợp tác bao lâu và khi nào thì kết thúc dự án hợp tác? Mục đích của sự hợp tác và làm nên nhóm khởi nghiệp này là gì?

Có những câu hỏi phải làm rõ ngay từ đầu. Và điều này vô cùng quan trọng.

Mục đích chung của cả nhóm cho thấy mục đích riêng của từng người. Mục đích của từng người phải được gắn kết với nhau để hợp thành mục đích trọn vẹn của một nhóm, dù nhóm có hai người, ba người hay nhiều hơn... Những người đồng sáng lập phải hiểu rõ mục đích của mình cần đạt tới là gì? Và từng người trong tổ chức phải hành động vì mục đích chung đó.

Có một ông bố dắt ba đứa con vào rừng săn bắt hươu. Ông bố hỏi người con thứ nhất: “Con thấy gì?”. Người con thứ nhất trả lời: “Con thấy rừng”. Ông bố tiếp tục hỏi người con thứ hai: “Con thấy gì?”. Người con thứ hai trả lời: “Con thấy súng”. Ông bố tiếp tục hỏi người con thứ ba cùng một câu hỏi đó: “Con thấy gì?”. Người con thứ ba trả lời: “Con thấy hươu”. Ông bố trả lời: “Thật tốt! Ta sẽ hợp tác với con, hai đứa còn lại muốn làm gì thì làm. Theo ta, tốt hơn hết là các con đi về vì việc săn hươu không thích hợp với các con, và cũng không nên lập cùng một đội với cha”. Cuối cùng thì người con thứ ba và ông bố đã săn được mười con hươu, trong khi hai người con còn lại chẳng ai săn được con hươu nào. Câu chuyện này nêu bật một triết lý vô cùng quan trọng: Trong một tổ chức, mỗi thành viên phải có cùng mục đích hoặc phục vụ cho mục đích chung và phải thấy điều mà cả tổ chức thấy, nếu không hãy mời họ ra khỏi tổ chức.

Hình thức hợp tác

Hợp tác bao gồm nhiều hình thức khác nhau. Vào giai đoạn đầu của khởi nghiệp, bạn phải làm rõ hình thức hợp tác, rằng ai sẽ làm gì? Ai sẽ đóng góp gì? Và ai sẽ thực hiện công việc cụ thể nào? Sự minh bạch này sẽ giúp các bên – những người đồng sáng lập – có bức tranh rõ ràng về việc mình sẽ làm và từ đó đạt được hiệu quả tốt nhất có thể.

Bạn hãy phân định cách đóng góp của người đồng sáng lập.

Bản thân bạn đóng góp điều gì? Năng lực, vốn, hay việc làm?

Người đồng sáng lập thứ nhất sẽ đóng góp gì?

Tương tự, những người sáng lập còn lại phải trả lời được câu hỏi: Mỗi người họ đóng góp gì để làm nên một tổ chức thành công? Tất cả phải rõ ràng cho đến khi bạn thấy từng chi tiết trong bức tranh tổng thể về công việc, lúc đó mới tiến hành khởi động: xây dựng công ty khởi nghiệp.

Hãy rõ ràng ngay từ đầu để tránh rắc rối về sau.

2. Thỏa thuận về quản lý chi phí doanh nghiệp.

Như bạn đã biết: chi phí và dòng tiền là huyết mạch quyết định một doanh nghiệp khỏe mạnh hay ốm yếu.

Vậy quản lý chi phí doanh nghiệp chính là bước đi quan trọng mà các nhà đồng sáng lập phải làm rõ với nhau từ thời điểm đầu của khởi nghiệp. Đạt tới thỏa thuận về quản lý chi phí là việc vô cùng quan trọng.

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải có chi phí, đặc biệt là chi phí dành cho nhà cung cấp – tức là những người tạo nên sản phẩm của bạn. Và điều quan trọng ở đây là tất cả những người đồng sáng lập phải hiểu rõ dòng chảy chi phí này chứ không phải chỉ có một người sáng lập. Bởi nếu một trong những người đồng sáng lập không biết dòng chảy tài chính doanh nghiệp đang diễn ra như thế nào thì rất phiền toái.

Có hai doanh nhân khởi nghiệp, một người làm nghề bán hàng, một người làm nghề đào tạo tiếp thị trực tuyến. Ban đầu hai người hợp tác để xây dựng doanh nghiệp đào tạo tiếp thị trực tuyến theo mô hình ăn chia 50% - 50% sau khi trừ mọi chi phí; vấn đề là anh bán hàng chẳng biết gì về chi phí của dịch vụ công nghệ tiếp thị trực tuyến. Khóa học được tổ chức và tạo ra rất nhiều học viên, và tổng kết lại thì người đào tạo kiêm luôn các dịch vụ tiếp thị trực tuyến lẫn các chi phí về văn phòng đào tạo, vốn là những chi phí cao ngất ngưởng.

Do đó, tiền chia 50%-50% sau khi trừ mọi chi phí không đúng như kỳ vọng của cả hai người. Vì anh bán hàng chỉ biết mỗi công việc bán hàng, còn tất cả những phần phía sau thì anh đào tạo tiếp thị trực tuyến phải lo tất cả, nên cả hai đều không thấy hài lòng về khoản chia cuối cùng và thế là họ chia tay nhau.

Như vậy, thỏa thuận về quản lý chi phí doanh nghiệp thực sự cần thiết vì nó quyết định con đường đi về lâu về dài của những người đồng sáng lập.

3. Trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên.

Sau khi đã thảo thuận về quản lý chi phí doanh nghiệp thì đến lúc phải phân chia trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên và mọi bên.

Trong quá trình hợp tác để xây dựng doanh nghiệp chắc chắn sẽ có những người rất xuất sắc trong vai trò này nhưng lại chưa xuất sắc trong vai trò khác và ngược lại. Khi một người làm tốt ở một vai trò thì trách nhiệm họ cao hơn, đồng thời quyền hạn của họ cũng cao hơn. Ngược lại, nếu một người chưa làm tốt vai trò nào đó thì họ phải chấp nhận vai trò và quyền hạn họ thấp hơn. Vì vậy, quyền hạn và trách nhiệm của mỗi người trong nhóm đồng sáng lập không giống nhau. Quyền hạn và trách nhiệm được chia cho mỗi người theo cách mà họ đóng góp vào tổ chức, bao gồm: năng lực làm việc, vốn, thời gian và công việc đảm nhận.

Ví dụ như trường hợp một anh chàng chuyên gia bán hàng và một anh chàng chuyên gia đào tạo tiếp thị trực tuyến hợp tác với nhau để xây dựng công ty thì với những gì liên quan đến khách hàng và tài chính, anh chuyên gia bán hàng sẽ quyết định – có quyền hạn cao hơn, đồng thời trách nhiệm về việc tạo ra khách hàng cũng như tài chính doanh nghiệp cũng cao hơn. Ngược lại, với những gì liên quan đến chương trình đào tạo và chăm sóc khách hàng về kỹ thuật sau khóa học, anh chuyên gia đào tạo tiếp thị trực tuyến sẽ đảm nhận. Vậy trong trường hợp này, chuyên gia đào tạo tiếp thị trực tuyến sẽ có trách nhiệm xây dựng chương trình đào tạo và hỗ trợ chăm sóc khách hàng về mặt kỹ thuật cao hơn anh chuyên gia bán hàng, và như vậy quyền hạn trong phần này cũng cao hơn. Đến một lúc nào đó, cả hai anh cũng phải kết hợp với chuyên gia marketing để tăng doanh số và tiếng tăm doanh nghiệp. Khi đó, cả hai người phải phân chia trách nhiệm và quyền hạn cho bên thứ ba.

Trong mọi trường hợp, điều này có nghĩa là: Quyền hạn song hành với trách nhiệm, quyền hạn nhiều hơn đồng nghĩa với trách nhiệm nhiều hơn và ngược lại.

4. Thống nhất phương pháp kế toán được sử dụng.

Kế toán là một phần không thể thiếu của mọi doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp khởi nghiệp hay doanh nghiệp đã đi vào hoạt động lâu dài.

Do đó, ngay từ đầu, những người đồng sáng lập sẽ phải thống nhất phương pháp kế toán được sử dụng – tức là xây dựng dòng chảy tài chính dựa trên thu chi và mối quan hệ tài chính của doanh nghiệp với nhà nước – như thế nào?

5. Lương và lợi ích của mỗi bên.

Sau khi thống nhất phương pháp kế toán được sử dụng thì đã đến lúc các bên phải bàn bạc với nhau về chuyện lương và lợi ích của mỗi thành viên sáng lập.

Thường thì lương trong giai đoạn khởi nghiệp không cao lắm và lợi ích thì cũng phải thỏa thuận mới ra được kết quả. Ít khi nào lương và lợi ích trong giai đoạn đầu của doanh nghiệp lại đạt được mục tiêu như mong muốn, đó là lý do vì sao việc này càng rõ ràng ngay từ đầu càng tốt.

Hãy thận trọng với điều này: Đôi khi bạn cần phải dung hòa tất cả những gì bạn có để xây dựng nên công ty thành công, chấp nhận làm việc không lương trong suốt thời gian dài và không quan tâm đến lợi ích cá nhân trước mắt để doanh nghiệp cất cánh.

6. Chia lời và chia lỗ.

Trong khởi nghiệp, người ta có câu nói rằng: “Luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất, nhưng phải luôn chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất”.

Bạn có thấy rằng khi có lời thì ai cũng hào hứng, nhưng khi doanh nghiệp lỗ thì mấy ai đón nhận hay không? Đó là lý do ta phải chú ý đến điều này trong mọi trường hợp: Hãy đặt việc chia lời và chia lỗ dành cho mọi người đồng sáng lập.

Có nhiều nguyên tắc chia lời và lỗ khác nhau, nhưng thường là theo nguyên tắc: Nếu lời được chia như thế nào thì khi lỗ cũng được chia như thế đó. Điều này trở nên hợp lý khi những người đồng sáng lập là những người biết rõ mình là ai, làm gì, đóng góp những gì và sẽ nhận lại những gì.

Có một phương pháp chia lời và lỗ khác nữa: Nếu đóng góp năng lực cốt lõi thì không đồng thời góp vốn, nếu đóng góp vốn thì ít khi nào đóng góp việc làm, nếu đóng góp việc làm thì ít khi nào đóng góp vốn và năng lực cốt lõi… Khi lời thì nguồn vốn được chia (quy đổi thành tiền) cho những đồng sáng lập đầu tư về năng lực cốt lõi, đầu tư về vốn và đầu tư về việc làm. Ngược lại, khi lỗ thì người đóng góp vốn sẽ mất tiền, người đóng góp năng lực cốt lõi và việc làm không mất tiền mà mất thời gian, công sức cho dự án chung này. Nói chung, đã lỗ thì mỗi thành viên sáng lập không mất cái này cũng sẽ mất cái kia. Đó là một hình thức chia lời và lỗ khác.

Và dù thế nào chăng nữa thì việc chia lời và lỗ phải được đặt rõ ràng trên bàn đàm phán của những nhà đồng sáng lập doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu tiên.

7. Chia tay.

Không những việc chia lời và lỗ cần phải đặt trên bàn đàm phán ngay từ giây phút đầu tiên khi khởi nghiệp, mà chính lúc này cũng phải nói điều kiện “chia tay”. Câu chuyện khởi nghiệp cũng giống như câu chuyện của cặp đôi yêu nhau, có kết hôn thì cũng có ly hôn.

Tại sao mới bắt đầu đã bàn đến chuyện “chia tay”? Ngày nay người ta có luật kết hôn và cũng có luật ly hôn để phân chia tài sản và những điều liên quan. Vì vậy, những người đồng sáng lập cũng cần phải ký kết với nhau trước những nguyên tắc chung khi thành lập doanh nghiệp và khi chia tay doanh nghiệp. Nếu xem dự án khởi nghiệp là con đường lâu dài thì những người đồng sáng lập thực sự là những cá nhân kết hôn với nhau để làm nên sự nghiệp lớn. Nếu có luật ly hôn thì cũng phải có luật chia tay cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, những điều cần thỏa thuận trước là: Khi hợp tác với nhau thì cùng làm vì mục đích gì và chiến đấu vì mục đích gì? Và có những điều kiện gì? Thực tế, những mục đích và điều kiện ngược lại sẽ khiến cho những người đồng sáng lập không thể tiếp tục chiến đấu cùng nhau được nữa. Đó là lúc họ phải chia tay.

Thay vì phải đợi một quãng thời gian làm việc với nhau mới biết lý tưởng và điều kiện không hợp nhau rồi chia tay, thì điều này nên được đưa lên bàn đàm phán ngay khi khởi sự doanh nghiệp. Thực tế, những điều kiện “chia tay” được thỏa thuận ngay từ lúc đầu sẽ giúp những người đồng sáng lập không tùy tiện vi phạm các nguyên tắc đã đặt ra. Đó cũng chính là cách xây dựng doanh nghiệp bền vững, trường tồn với thời gian.


“Không chỉ nêu ra những vấn đề cụ thể giúp người đọc nhận diện bản thân, từ đó có sự định hướng và xác định con đường đi cho mình khi quyết định khởi nghiệp, Khởi nghiệp thông minh còn đưa ra những lời khuyên và gợi mở sự chuẩn bị, cách thức thực hiện; giúp các bạn trẻ có những bước đi vững vàng hơn trên bước đường khởi nghiệp. Đơn giản, dễ hiểu, dễ nắm bắt và thực thi từng bước một. Thành công là một quá trình và cần bắt đầu một cách thông minh hơn...”

Nguyễn Đặng Phương Chi
- Tổng Giám đốc Công ty PQ EVENT