Khởi Nghiệp Thông Minh - Smart Up

Chương 9: Gọi Vốn ( Fundraising)

Một ý tưởng khởi nghiệp chỉ trở thành hiện thực khi có đủ điều kiện tài chính để có thể triển khai. Nhưng nếu để có đầy đủ tài chính rồi mới khởi nghiệp hoặc có tiền tiết kiệm đủ để khởi nghiệp (trong trường hợp bạn không có sự hỗ trợ từ gia đình) thì khi nào bạn mới có thể khởi nghiệp? Với sự thua kém cả về tuổi đời, kinh nghiệm, vốn... bạn sẽ triển khai ý tưởng khởi nghiệp của mình như thế nào?

Thực tế, vốn là yếu tố đầu tiên và sống còn của doanh nghiệp trong buổi đầu. Hơn nữa, để bắt đầu bất kỳ dự án nào, bạn đều cần có vốn. Nhiều doanh nhân khởi nghiệp có ý tưởng táo bạo đã bế tắc khi không có vốn để khởi sự doanh nghiệp. Vốn đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của kinh doanh. Khi bạn bước lên con thuyền khởi nghiệp, chắc chắn bạn sẽ gặp khó khăn về vốn. Vì thế chọn giải pháp gọi vốn - kêu gọi đầu tư là bước đi quan trọng để tạo dựng sự nghiệp kinh doanh thành công.

Sau đây là ba khái niệm gọi vốn và cũng là ba hình thức đầu tư được các nhà khởi nghiệp trên toàn thế giới hiện nay thực hiện.

1. Gọi vốn cộng đồng - Crowdfunding.

Khái niệm “gọi vốn cộng đồng” khá thông dụng với các bạn khởi nghiệp ở nhiều nước trên thế giới, nhưng hơi mới mẻ ở Việt Nam.

Đây là hình thức đầu tiên và cũng là một hình thức vô cùng thú vị mà những người khởi nghiệp hay dùng để kêu gọi vốn. Thông thường, hình thức gọi vốn này áp dụng cho các sản phẩm được cộng đồng yêu thích. Những nhà đầu tư – những người góp vốn từ cộng đồng – cũng chính là những người tham gia sẽ giúp dự án lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng, được nhiều người biết đến và có khả năng chính những nhà đầu tư cộng đồng sẽ tiếp tục PR để dự án phát triển.

Thông thường các doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ, mới bắt đầu hay chuyên về dòng sản phẩm nhất định sẽ chọn hình thức kêu gọi vốn dạng này với ưu điểm là tiếp cận tới số đông “nhà đầu tư”, mà vẫn không bị mất phần trăm sở hữu công ty. Cách gọi vốn này cũng có thể giúp các nhà khởi nghiệp thử nghiệm sản phẩm hay ý tưởng của mình trên thị trường.

Thứ nhất, gọi vốn cộng đồng thường bắt đầu qua nền tảng các website như: Kickstarter, Indiegogo... hay các website của chính những người kêu gọi vốn. Ngày nay, các kênh truyền thông qua Internet đã mở cửa và giúp cho việc tiếp cận cộng đồng – những nhà đầu tư – trở nên vô cùng hiệu quả. Nhờ thế, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể kêu gọi vốn dễ dàng qua Internet.

Tiếp theo, chủ sở hữu các ý tưởng/sản phẩm chia sẻ thông tin kêu gọi cộng đồng đầu tư cho dự án.

Thứ ba, những nhà đầu tư sẽ góp một khoản tiền (từ vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng) và nhận được một phần thưởng tùy theo mức độ hỗ trợ. Những nhà đầu tư cộng đồng sẽ nhận được phần thưởng có thể là quà lưu niệm của dự án, giảm giá dịch vụ hay bữa ăn tối với chủ đầu tư dự án... Với hình thức này, bạn sẽ quy tụ được lượng người đông đảo cùng tham gia dự án của mình. Không nhất thiết họ phải là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, mà đơn giản họ tham gia cuộc chơi vì họ thấy vui là được. Với số tiền không phải là quá nhiều thì mọi người đều có thể tham gia được.

Nhờ sử dụng hình thức gọi vốn cộng đồng, chủ dự án có lợi vì không mất phần trăm cho các nhà đầu tư, không mất thời gian đi tìm nhà đầu tư, mà còn gây dựng được nhóm khách hàng tiềm năng từ những người đang đóng góp hoặc dõi theo dự án.

Ở nước ngoài, hình thức gọi vốn cộng đồng này khá thịnh hành và phát triển. Những doanh nghiệp khởi nghiệp bắt đầu với dự án nhỏ, sản phẩm được mọi người yêu thích và tiếp cận cộng đồng trên diện rộng sẽ quy tụ được cộng đồng lớn với hình thức gọi vốn cộng đồng này.

2. Nhà đầu tư thiên thần - Angel investor.

Chỉ với tên gọi “Nhà đầu tư thiên thần”, hẳn bạn đã có thể hình dung ra họ là những người như thế nào rồi. Họ có nhiều tiền? Đúng. Họ có nhiều tiền thì họ mới đầu tư cho doanh nghiệp của bạn. Nhưng họ còn là một “thiên thần” khi dám đầu tư cho doanh nghiệp bạn – một doanh nghiệp có thể chưa có kết quả rõ ràng nhưng đã có một ý tưởng và mô hình kinh doanh rõ ràng. Nhà đầu tư “thiên thần” có thể là tổ chức, nhóm hoặc cá nhân.

Đây thực sự là may mắn của bạn nếu bạn gặp những nhà đầu tư “thiên thần”, vì thực sự họ là “thiên thần” của những nhà khởi nghiệp. Những nhà đầu tư thiên thần thường hướng đến mục tiêu phát triển cộng đồng hơn là đạt được lợi ích về lợi nhuận, và đó cũng là may mắn của những nhà khởi nghiệp.

Ưu điểm lớn nhất của hình thức gọi vốn từ những nhà đầu tư “thiên thần” là họ có thể đưa ra những ý kiến cố vấn có giá trị và những mối quan hệ trong kinh doanh hết sức quan trọng.

Thông thường, những nhà đầu tư “thiên thần” đã từng là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp và họ là những người từng trải trong môi trường kinh doanh. Do đó, khi lấy vốn của họ, bạn sẽ nhận luôn các nguồn lực hỗ trợ đồng thời là kiến thức, mối quan hệ của họ để phát triển công việc kinh doanh của bạn. Đó là lý do lớn nhất khiến những nhà khởi nghiệp yêu thích hình thức kêu gọi vốn từ những nhà đầu tư “thiên thần”.

Những nhà đầu tư “thiên thần” thường là các cá nhân giàu có, có khả năng cấp vốn cho một doanh nghiệp lâu dài và thông thường, để đổi lại, họ có quyền sở hữu một phần công ty.

Công bằng mà nói, sự đầu tư của các nhà đầu tư “thiên thần” này có mức độ rủi ro cao và vì thế mức lợi tức họ yêu cầu cũng lớn.

Hãy nhớ rằng, điều quan trọng đối với những nhà khởi nghiệp trong giai đoạn đầu khi kêu gọi vốn từ những nhà đầu tư “thiên thần” không chỉ là tiền của họ, mà còn là sự khôn ngoan của họ. Số tiền đầu tư của những nhà đầu tư “thiên thần” này cũng khá lớn, nhưng không bằng sự khôn ngoan họ “rót” vào doanh nghiệp của bạn. Nói đến đây, bạn đã thấy được lợi ích thật sự của việc kêu gọi vốn kiểu này rồi chứ?

Khoản tiền đầu tư từ những nhà đầu tư “thiên thần” thông thường từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Họ thường đầu tư cho các dự án đã phát triển và có khả năng mang lại lợi nhuận gấp hàng chục lần mức đầu tư họ bỏ ra trong thời gian ngắn 5-7 năm.

Hãy tận dụng hình thức đầu tư này để doanh nghiệp của bạn cất cánh.

3. Quỹ đầu tư mạo hiểm - Venture capital.

Quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ xuất hiện trong giai đoạn doanh nghiệp bạn đang phát triển và cần một nguồn vốn lớn. Cái họ cần ở bạn là uy tín và sự phát triển trên thị trường. Vì thế, hãy nghĩ tới cách gọi vốn này khi bạn đã có “một cái gì đó nhất định” trong lĩnh vực bạn hoạt động và trên thị trường.

Sau đây là những đặc điểm của việc kêu gọi vốn qua quỹ đầu tư mạo hiểm:

– Việc kêu gọi đầu tư thường mất nhiều thời gian trong việc thuyết phục và thỏa thuận. Đây thực sự là hình thức kêu gọi vốn hấp dẫn nhất, nhưng cũng là hình thức kêu gọi vốn khó nhất, vì ở đây cần rất nhiều điều kiện cũng như các yếu tố khách quan và chủ quan khác. Tiếp xúc với hình thức đầu tư này không dễ dàng và trong đó cũng có nhiều bí ẩn mà bạn cần phải tháo gỡ, cần quá trình làm việc trong thời gian dài mới đủ điều kiện thẩm định và thông qua.

– Quỹ đầu tư mạo hiểm thường rót vốn vào các doanh nghiệp mới thành lập đã phát triển được một thời gian, nhưng chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

– Hình thức đầu tư này vô cùng phức tạp vì bạn sẽ phải thông qua một tổ chức/quỹ chuyên nghiệp để thực hiện và quản lý vốn đầu tư. Bạn sẽ phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của những doanh nghiệp/tổ chức đầu tư cho dự án của bạn, đổi lại họ sẽ rót vốn mạnh vào doanh nghiệp để bạn phát triển.

– Quỹ đầu tư tham gia vào việc kiểm soát và trợ giúp điều hành và phát triển công ty. Hơn nữa quá trình điều hành này thường chặt chẽ và có sự giám sát toàn bộ dự án của công ty đầu tư cho bạn.

– Hình thức đầu tư này thường rót vốn cho bạn với số tiền lớn hơn rất nhiều so với hai cách kêu gọi đầu tư được đề cập trước trong chương này.

– Đối tượng được đầu tư mạo hiểm phần lớn là các công ty công nghệ cao, tân tiến, có quy mô vừa và nhỏ đã qua giai đoạn phát triển, có nền tảng vững chắc.

– Điều lưu ý cuối cùng khi bạn chọn hình thức đầu tư này là phải thỏa thuận rõ ràng trước khi được rót vốn để tránh bị kiểm soát và ràng buộc về thời gian ngoài mong muốn.

Đây thực sự là hình thức rót vốn lý tưởng để các nhà khởi nghiệp lựa chọn, nhưng đổi lại bạn sẽ mất kiểm soát hoặc kiểm soát rất ít khi công ty của bạn phát triển. Vì vậy, hãy có sự lựa chọn khôn ngoan để vừa phát triển doanh nghiệp, vừa có sự tự do của bản thân sau khi doanh nghiệp thành công.

Ngoài các hình thức đầu tư trên, bạn cũng có thể gọi vốn thông qua gia đình, bạn bè... và nhiều hình thức kêu gọi vốn đầu tư khác.

Để kêu gọi được một số vốn cho doanh nghiệp, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian vì khi một ai đó, tổ chức nào đó bỏ ra tiền để đầu tư, họ đều cân nhắc rất kỹ, vì thế sẽ khiến bạn cảm thấy căng thẳng. Nhưng đừng nản chí. Hãy nhớ đến câu nói của Che Guevara: “Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích mà là trên từng chặng đường đi”.

Các nhà khởi nghiệp hãy cân nhắc khi nào nên bắt đầu gọi vốn và hình thức gọi vốn nào sẽ phù hợp với mô hình doanh nghiệp hiện tại của mình. Dù sử dụng bất kỳ hình thức gọi vốn nào, bạn cũng phải tìm hiểu thật kỹ về “người bỏ tiền ra cho bạn” và đưa ra những hạng mục (nếu cần thiết) để không gây bất lợi cho doanh nghiệp của bạn sau này.

Cuối cùng, dù thế nào đi nữa, hãy đi tiếp con đường mình đã đặt chân lên. Khởi nghiệp là con đường tuyệt vời và hấp dẫn nhất mà bạn từng đi trong đời.

"HÃY CỨ KHAO KHÁT!
HÃY CỨ DẠI KHỜ"

- Steve Jobs

KHỞI NGHIỆP THÔNG MINH TRÊN MỘT TRANG GIẤY

Ý tưởng:

…………………………………………………

…………………………………………………

…………………………………………………