Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

Hồi 3 - Chương 11 - Phần 1

Tào Tháo trong hội nghị quân sự đã ví Hán Trung như gân gà. “Gân gà ăn thì vô vị, vứt đi thì tiếc”.

Về tình cảm tuy không đành lòng, song theo suy nghĩ lý tính, Tào Tháo vẫn hạ lệnh nhổ trại rút quân, khoanh tay đưa Hán Trung cho Lưu Bị.

1. Vùng đất ít xung đột Quan Trung và Thục Trung.

Hán Trung liền với vùng Quan Trung và Thục Trung, ít xung đột, được Lưu Yên có kế hoạch tác động và ổn định, là vùng đất mà Trương Lỗ, lãnh tụ quân đoàn đạo giáo chiếm cứ khi Tào Tháo bình định Quan Trung, Lưu Bị đã chiếm được Ích Châu, tầm quan trọng của vùng Hán Trung lại càng tăng thêm.

Đối với Lưu Bị mà nói, Hán Trung là đất ắt phải tranh chiến. Trong Long Trung Sách, Gia Cát Lượng đã nhắc đến Lưu Chương nhu nhược, Trương Lỗ chiếm cứ ở phía bắc, cũng là nói Hán Trung đối với sự an toàn của Ích Châu, có sự uy hiếp rất lớn. Huống chi sau này nếu muốn bắc chinh thống nhất Trung Nguyên, Hán Trung lại là đất cửa ngõ.

Lại chẳng may đương khi Lưu Bị và Gia Cát Lượng còn bận chỉnh đốn Ích Châu, năm Kiến An thứ 20, Tào Tháo đã đánh bại được Trương Lỗ, giành được toàn bộ vùng Hán Trung.

Chiến dịch Hán Trung của Tào Tháo, phai khá vất vả mới thắng được, từ mùa đông năm Kiến An thứ 19, bắt đầu sắp xếp quân viễn chinh, đánh kéo dài đến mùa đông năm 20, suốt một năm mới giành được thắng lợi then chốt. Sở dĩ như thế, chính là vùng Hán Trung địa hình hiểm trở, dễ giữ mà khó đánh vào, đối với quân đội bên ngoài mà nói, chẳng thể nắm ưu thế địa hình có lợi, nên phải hãm vào trận chiến gian khổ.

Tháng 12 năm Kiến An thứ 20, Tào Tháo sau khi khôi phục được trật tự chính trị ở Hán Trung, dự định ca khúc khải hoàn dẫn quân về Nghiệp Thành. Tổng tham mưu trưởng Lưu Diệp và tham mưu Tư Mã Ý đề nghị với Tào Tháo, nên thừa thắng truy kích, đánh vào Ích Châu, diệt gọn thế lực của Lưu Bị.

Tư Mã Ý nói: “Lưu Bị vẫn âm mưu đoạt lấy cơ nghiệp của Lưu Chương, không ít đại thần ở Thục Trung bất bình. Hơn nữa phòng tuyến của Lưu Bị hiện nay rất xa Giang Lăng, quân lực phân tán, chính là cơ hội tốt nhất để tấn công. Đại quân chúng ta vừa chiến thắng ở Hán Trung, Ích Châu ắt bị chấn động mạnh, khi quân ta kéo đên, lòng dân, quân ở đây dễ dàng tan rã, xưa nay thánh nhân tạo ra đại sự nhờ thời cơ bột phát, xin thừa tướng lập tức xuống lệnh hành động”.

Tào Tháo thấy lớp trẻ xuất sắc như vậy, lại có ý chí tranh hùng tranh bá, rất là vừa ý. Nhưng ông ta biết rõ trận đánh Hán Trung thắng được cũng nhờ may mắn, mà Ích Châu hiểm trở phải gian khổ gấp trăm lần, lại nữa Lưu Bị ở đấy cũng chẳng phải tay vừa.

Bởi thế Tào Tháo cười mà rằng: “Sự thống khổ của người ta, đều ở chỗ không biết thế nào là đủ, nay đã được voi sao còn muốn được tiên nhỉ?”.

Lưu Diệp cũng đề nghị với Tào Tháo rằng: “Lưu Bị là người hào kiệt, có lý tưởng, có nghị lực, chẳng qua thời vận lúc đầu chưa đến, nay đã tạm thời ổn định, không thể không đề phòng. Ông ta mới giành được đất Thục, lòng người chưa theo về, tấm bình phong Hán Trung ở phía bắc bị chúng ta đoạt mất, tin rằng đất Thục hiện nay đang bị chấn động rất lớn, thế lực ắt suy giảm, nay lấy đội quân hùng mạnh của chúa công, thuận đà mà đánh, không thể không thành công. Nếu như cứ trì hoãn, để Gia Cát Lượng có thời gian trị quốc, Quan Vũ, Trương Phi luyện quân thành thục, lòng dân đất Thục không lâu nữa sẽ mau chóng ổn định, lại thêm đất Thục hiểm yếu khó đánh, thiết nghĩ muốn tấn công họ sẽ càng khó khăn hơn. Hôm nay không trừ ngay đi, ắt là hậu hoạ về sau”.

Tào Tháo cười mà không đáp, chỉ yêu cầu Lưu Diệp xem xét kĩ tình báo trong đất Thục.

Bảy ngày sau, có người ở Thục đến đầu hàng, báo cáo với Tào Tháo: “Thục Trung lan truyền tin tức, quân dân toàn Ích Châu bởi sự kiện Hán Trung mà rất chấn động, chỉ trong một ngày, thậm chí có đến mấy chục sự biến, tuy nhà cầm quyền đã trấn áp nghiêm khắc, song cơ hồ vẫn chẳng thể ổn định được”.

Tào Tháo sau một lúc trầm tư, nói rằng: “Thục Trung đã ổn định, không thể tiến đánh được”.

Tin tức tình báo ở chiến trường thực hư khó phán đóan, phải dựa vào kinh nghiệm mà trực tiếp phán đóan. Nếu đối phương có nhược điểm mà chưa nhìn ra thì ta phải hoàn toàn chiếm lợi thế. Những tin tức tình báo lạc quan, thường có nhân tố ẩn tàng phía sau. Tào Tháo chỉ trong một thời gian ngắn, đối với tình hình thực lực hai bên có đánh giá hoàn chỉnh không bị mông lung, có thể nói là đã “biết mình, biết người, trăm trận chẳng thua” vậy.

2. Mãnh tướng Trương Phi khéo dùng kế chiếm thế thượng phong.

Đối với điều kiện địa lý mà nói, Hán Trung giáp với phía đông bắc Ích Châu, núi non vây bọc, ở giữa là bồn địa Hán Trung, đất đai phì nhiêu, sản vật phong phú, bất luận là quân sự, kinh tế, chính trị đều có vị trí đặc biệt quan trọng. Trong cuốn “Quận quốc huyện đạo ký”, danh tướng Nam Tống là Trương Tuấn có viết:

“Hán Miện là đất có hình thế đặc biệt, phía trước khống chế quân sáu ngả đường, phía sau có thóc gạo Tây Thục, bên trái thông với Kinh Tương giàu có, bên phải liền với Tây Lương lắm ngựa, đấy là đất binh gia tranh chiến vậy!”. Bởi thế về tấn công và phòng thủ, Hán Trung đối với Tào Tháo và Lưu Bị đều quan trọng như nhau.

Để tăng cường phòng thủ Hán Trung, Tào Tháo phái Hạ Hầu Uyên vốn cùng họ với ông ta và đã được quan tâm bồi dưỡng làm Đô hộ tướng quân (Tào Tháo vốn họ Hạ Hầu), dẫn theo Trương Cáp và Từ Hoảng đã có kinh nghiệm tác chiến phong phú đến đó trấn giữ, lại lấy trưởng sử Tập Tuy làm quan hành chính để đôn đốc công việc ở Hán Trung.

Tập Tuy trông coi việc bình ổn dân tình ở Hán Trung, ông ta lấy phương thức nửa tự nguyện nửa cưỡng bức, đưa hơn tám vạn người, ở Hán Trung có thế lực, dời đến vùng Lạc Dương và Nghiệp Thành, khiến cho việc cai quản ở Hán Trung mau chóng ổn định lại.

Lưu Bị và Gia Cát Lượng đã thấy rất rõ ràng, phải đoạt lấy Hán Trung trong tay Tào Tháo, so với Trương Lỗ lúc trước khó khăn gấp trăm nghìn lần, bởi thế chẳng thể xem thường, chỉ cần có một chút cơ hội cũng phải dốc sức nắm lấy.

Vì vậy khi Hoàng Quyền đến Ba Trung đón Trương Lỗ đang thất bại, Lưu Bị đã chỉ thị ông ta nhân cơ hội tiến đánh bộ lạc Phác Hồ, đoạt lấy cả vùng đất Ba Sơn.

Hạ Hầu Uyên không chịu nằm yên, ông ta hạ lệnh cho Trương Cáp khẩn cấp dẫn quân đến đóng ở vùng Ba Sơn. Ông ta tích cực động viên dân ở đấy dời vào Hán Trung, có ý biến nơi ấy thành bãi chiến trường lớn. Hành động của Trương Cáp lại thuận lợi ngoài ý muốn đến cả vùng đất quân sự quan trọng như Trá Cừ, Đãng Thạch của Ích Châu cũng đều bị sát nhập. Lưu Bị cũng lập tức ngả bài, ông ta phái Trương Phi đang làm Thái thú Ba Tây đến giao tranh với Trương Cáp. Trương Phi vẻ ngoài thô bạo, thực ra trong lòng rất tốt, trong trận Đương Dương Trường Bản, nếu như chẳng có ông ta can đảm dùng nghi binh chặn hậu, Lưu Bị phải chăng đã có được hôm nay, sợ rằng vẫn còn chưa có đất đứng chân.

Đối diện với binh lực của Trương Cáp hùng mạnh, Trương Phi cậy hiểm cố thủ lại, dùng quân sỹ quen thuộc địa hình Ba Trung, lấy chiến thuật du kích để quấy nhiễu đối phương.

Trương Cáp cũng là tay đối thủ đáng gờm, hai bên giao tranh kéo dài hơn năm mươi ngày, bất phân thắng bại. Do đường vận chuyển của quân Trương Cáp rất dài, lương thực mau chóng tiêu hao hết, nóng lòng không yên, tự nhiên mong ngóng đánh nhanh thắng nhanh. Ông ta phái không ít gián điệp, giám sát kĩ mọi hành động quân sự của Trương Phi.

Sau khi biết được tình thế của Trương Cáp, Trương Phi lại dùng sách lược đối phó với Nghiêm Nhan năm nào, cố ý dẫn hơn một vạn binh mã, giả vờ theo đường mòn đến đánh lén Trương Cáp.

Sau khi nghe thám mã nói rõ như thế, Trương Cáp phán đóan rằng Trương Phi muốn nhân cơ hội quân địch thiếu lương, lòng quân không yên mà đánh tập kích, lập tức dẫn quân chủ lực đuổi theo, cứ lối đường mòn mà bám theo phía sau Trương Phi, chuẩn bị thời cơ phản kích.

Chẳng ngờ quân đuổi theo khi đến Ngõa Ải Khẩu thì mất hút dấu vết của Trương Phi. Trương Cáp biết đã trúng kế, song đường núi nhỏ hẹp, quân trước sau không cứu giúp nhau được, trong khi đó quân mai phục của Trương Phi từ hai bên vách núi lấy đá lớn và mưa tên mà tiến đánh, chỉ trong chớp mắt quân sĩ tinh nhuệ của Trương Cáp cơ hồ đều bị chết cả.

Trương Cáp vốn không ít từng trải phải vứt ngựa leo lên vách núi, thóat được sự săn đuổi của Trương Phi, mấy vạn binh mã chỉ còn lại vài chục người chạy được. Thất bại rất nặng nề, cũng là kỉ lục thất bại đầu tiên của Tào Tháo ở Hán Trung.

3. Hai bên như kiến vỡ tổ, Hán Trung khói lửa mịt mờ

Năm Kiến An thứ 22, Đô đốc Đông Ngô là Lỗ Túc ngã bệnh từ trần, tin tức truyền lan, như một đám mây đen tức thì trùm lên Ích Châu, Gia Cát Lượng một mặt rất thương tiếc chiến hữu tâm đầu ý hợp ngày nào, một mặt cũng bởi thế mà lo lắng, cái chết của chính trị gia có ảnh hưởng với đại cục, sẽ dẫn đến tác động ít với mối liên minh Tôn - Lưu.

Quan Vũ ở Kinh Châu, chỉ có võ lược, thiêu nhãn quan chính trị, nếu chẳng được Lỗ Túc cố gắng sắp xếp, quan hệ Tôn - Lưu sớm đã rắc rối. Lã Mông tiếp thu công việc ấy là người thao lược, song thái độ chính trị lại khác, tình thế Kinh Châu sẽ phát triển như thế nào là mối lo lắng của Gia Cát Lượng.

Bởi thế sau khi Lỗ Túc tạ thế, sợ sau này chiến tuyến phía đông có biến, Gia Cát Lượng và Lưu Bị nhận định rằng phải rất mau chóng đoạt lấy Hán Trung, củng cố phòng tuyến Ba Thục, mới có thể cướp được thời gian, xử lý tốt quan hệ Tôn - Lưu.

Pháp Chính cũng đề nghị với Lưu Bị: “Năm ngóai mới đánh được Trương Lỗ, bình định được Hán Trung chẳng thừa thế đánh lấy Ba Thục, chỉ để lại Hạ Hầu Uyên và Trương Cáp trấn giữ, còn mình lập tức rút quân về phía bắc, xét ra như không trí lược, thực bởi có chỗ bất cập! Đương nhiên cũng bởi liên quan với Hứa Đô (Hán Hiến đế) và Nghiệp Thành (Tào Tháo) ở gần đó, quan hệ ngày mỗi xấu đi, mới phải vội vàng rút về. Hạ Hầu Uyên và Trương Cáp thao lược không bằng chúa công, nếu ta mang quân tây chinh tháo phạt, ắt sẽ thành công. Sau khi có được Hán Trung, mới có thể trồng nhiều lương thực, tích trữ quân nhu, đợi đến thời cơ. Thứ nhất có thể diệt sạch kẻ địch, phục hưng nhà Hán. Thứ hai có thêm hai châu Ung, Lương mở rộng được lãnh thổ. Thứ ba có thể củng cố hiểm yếu, với kẻ địch đối đầu lâu dài. Đây là cơ hội tốt mà ông trời cho chúng ta, dứt khóat không thể để mất!”.

Đúng mùa xuân năm Kiến An thứ 23, Lưu Bị theo đề nghị của Pháp Chính qua hơn một năm tích cực bố trí đã hoàn toàn chuẩn bị tốt việc tiến đánh Hán Trung.

Mặt khác, Hạ Hầu Uyên cũng dốc toàn lực tăng cường phòng ngự suốt một dải Dương Bình Quan. Tạm thời đám mây chiến tranh phủ khắp Hán Trung, chỉ đợi bùng nổ không biết lúc nào.

Lưu Bị lưu Gia Cát Lượng trông coi Thành Đô, tự mình dẫn đại quân Ích Châu đông như đàn kiến, khí thế rất hùng dũng.

Đội quân của Lưu Bị bắc phạt Hán Trung được sắp xếp như sau:

Thống sóai: Lưu Bị

Tổng tham mưu trưởng: Pháp Chính

Đạo quân thứ nhất: Quân đoàn Hoàng Trung

Đạo quân thứ hai: Quân đoàn Trương Phi

Đạo quân thứ ba: Quân đoàn Mã Siêu

Đạo quân thứ tư: Quân đoàn Ngô Lan

Đạo quân dự bị: Quân đoàn Triệu Vân

Lưu Bị phái Trương Phi, Mã Siêu, Ngô Lan lên phía bắc đánh quân Vũ Đô, đóng đồn ở Hạ Biện, có ý cắt đứt liên hệ giữa quân Tào Tháo ở Hán Trung với vùng Quan Trung. Tự mình dẫn quân Hoàng Trung đi trước, trực tiếp đánh vào vùng then chốt Hán Trung. Triệu Vân thì tạm thời ở lại Ích Châu, tùy thời đợi lệnh.

Tào Tháo sau khi được tin báo, lập tức hạ lệnh cho Tào Hồng đang làm Đô hộ tướng quân trấn thủ Tràng An, cùng với quân Tào Hưu đến ngăn chặn đường tiến của Trương Phi.

Trung tuần tháng 3, quân Tào Hồng đã đến đóng ở quận Vũ Đô, dự định đánh quân Ngô Lan đang ở Hạ Biện, nhưng quân Trương Phi và Mã Siêu ở vùng Cố Sơn hợp với quân Ngô Lan theo thế ỷ giốc, hiển nhiên nếu Tào Hồng mang quân đến, họ sẽ có ý đồ chặt đứt đường tiếp viện của Tào Hồng; trước việc uy hiếp ấy Tào Hồng rất đau đầu, bởi thế vội triệu tập hội nghị quân sự để thảo luận đối sách. Các tướng lĩnh tham dự hội nghị đều cho rằng nên dừng lại để tránh rơi vào thế giáp kích của Trương Phi và Ngô Lan, hơn nữa còn có quân Tây Lương của Mã Siêu, vẫn dũng mãnh có tiếng, với quân Tào lại có óan thù sâu sắc, dứt khóat chẳng thể xem thường. Tào Hưu một mình đứng ra nói rằng - Quân địch nếu thực có ý cắt đứt đường vận chuyển của chúng ta, xét về lý phải bí mật hành động mới có hiệu quả. Nay khoa trương thanh thế biểu lộ họ không đủ binh lực, mới phải làm thế. Bởi vậy tôi cho rằng, trước lúc họ chưa ổn định, trực tiếp tập kích quân Ngô Lan, chỉ cần quân Ngô Lan tan vỡ, Trương Phi và Mã Siêu ắt sẽ chẳng thể giữ được Cố Sơn.

Tào Hồng nghe theo ý kiến Tào Hưu tự mình dẫn quân chủ lực tập kích quân Ngô Lan, Ngô Lan không địch nổi, phó tướng Nhậm Quỳ bỏ mình tại trận. Ngô Lan chạy đến Âm Bình, cũng bị người Đê ở đây giết chết. Trương Phi và Mã Siêu muốn đến chi viện, song Tào Hưu tự mình chỉ huy đại quân cố thủ quận Vũ Đô, khiến Trương Phi vô kế khả thi, đội quân thứ tư của Lưu Bị trước lúc vào được Hán Trung đã bị đánh tan.

Cuối tháng 3, quân Trương Phi và Mã Siêu, quả nhiên không thể chịu đựng áp lực của Tào Hồng có ưu thế về quân lực, lại thêm lương thực bổ sung rất khó khăn phải nhằm hướng nam rút về vùng Hán Trung.