Khu Vườn Bí Mật

Chương 2 - Cô chủ Mary quá ư ngang ngược

Mary thích ngắm mẹ từ xa và thầm nhủ mẹ rất đẹp. Nhưng nó chẳng biết về bà được bao nhiêu, vậy nên khi bà qua đời, cũng khó lòng mà mong nó sẽ thương yêu hay thấy nhớ bà nhiều lắm. Trên thực tế, nó hoàn toàn không nhớ bà, nó là đứa trẻ chỉ quan tâm đến bản thân và chỉ biết có mình, như nó vẫn thường vậy. Gái như lớn hơn chút nữa thì ắt hẳn nó sẽ vô cùng lo sợ khi chỉ còn lại một mình trên đời; nhưng nó còn ít tuổi, hơn nữa lại luôn được hầu hạ chăm sóc nên nó cho rằng mình vẫn sẽ được như vậy. Điều nó quan tâm lúc này là liệu mọi người có đối xử tử tế và hầu hạ nó như Ayah và các đầy tớ người địa phương vẫn làm.

Con bé biết nó sẽ không ở lại nhà ông mục sư người Anh là nơi nó được gửi đến trước tiên. Nó không thích ở đấy. Ông mục sư người Anh nọ vốn nghèo túng; ông có 5 đứa con sàn sàn tuổi nhau, đứa nào cũng ăn mặc lôi thôi xoàng xĩnh, suốt ngày chí choé vì tranh giành đồ chơi của nhau. Mary thấy căm ghét ngôi nhà một tầng lộn xộn bừa bãi của họ và tỏ ra khó chịu với bọn trẻ đến nỗi, chỉ sau một hai ngày, không đứa nào chịu chơi với nó. Sang ngày thứ 2, bọn trẻ đã tặng cho nó một biệt danh khiến nó vô củng tức tối.

Thằng Basil là đứa nghĩ ra cái tên ấy trước tiên. Basil là một thằng nhóc có đôi mắt xanh hỗn xược và cái mũi hếch. Mary rất ghét thằng này. Con bé đang chơi một mình dưới tán cây, như nó từng chơi vào hôm bệnh tả bùng phát. Nó đang vun mấy đống đất và vài lối đi cho một khu vườn thì thằng Basil tới đứng ngay cạnh nhìn nó.

Chẳng mấy chốc thằng bé tỏ ra quan tâm và đột nhiên gợi ý:

- Sao mày không vun một đống đá ở đây giả vờ làm một ngọn núi, hả? Ở chỗ giữa này này. – Có cúi xuống phía con bé mà chỉ.

- Cút đi! – Mary kêu lên. – Tao không thích bọn con trai. Cút ngay!

Thế là thằng Basil cáu tiết, rồi nó bắt đầu chòng ghẹo. Nó là chúa hay trêu chọc các chị em nó. Thằng nhóc nhảy vòng quanh con bé, phồng mồm trợn mắt, vừa nhảy vừa cười.

Cô chủ Mary này, thật quá ư ngang ngược.

Làm sao vườn cô mọc nổi đây?

Khi chuông bạc rồi vỏ sò tạp nhạp.

Cùng cúc vạn thọ lẫn lộn cả một nơi.

Thằng nhóc hát ông ổng cho đến khi bọn trẻ nghe thấy và bật cười. Con Mary càng bỏ xa thì chúng càng hát oang oang câu "Cô chủ Mary quá ư ngang ngược." Sau đó, những lúc con bé ở với chúng thì chúng chuyển sang gọi nó là "Cô chủ Mary Ngang ngược", lúc thì nói với nhau, lúc thì nói với nó.

- Mày sắp được gửi về nhà rồi đấy, - Basil bảo nó, - vào cuối tuần này. Chúng tao mừng cho mày.

- Tao cũng mừng. – Mary đáp. – Nhưng nhà ở đâu?

- Nó không biết nhà ở đâu kìa! – Thằng Basil kêu lên với vẻ khinh thường ra mặt. – Dĩ nhiên là ở bên Anh. Bà nội của bọn tao sống ở đó, con em gái bọn tao là Mabel cũng được gửi sang cho bà vào năm ngoái. Nhưng mày thì không được gửi sang cho bà nội đâu. Vì mày làm gì có bà. Mày sẽ được gửi cho bác mày. Tên ông ấy là Archibald Craven.

- Tao không biết gì về ông ấy cả. – Mary gắt gỏng.

- Tao cũng rõ là mày không biết. – Thằng Basil đáp. – Mày chẳng biết gì hết. Bọn con gái đứa nào cũng vậy. tao có nghe cha mẹ tao nói về ông ta. Ông ta hiện đang sống trong một ngôi nhà cổ to tướng tiêu điều rộng lớn ở vùng quê, không một ai muốn tới gần ông ta. Ông ta hay cáu và không cho ai đến gần, mà mọi người cũng không ai đến nếu ông ta cho phép. Ông ta là một người lưng gù và rất đáng sợ.

- Tao không tin mày! – Mary đáp rồi quay phắt đi, lấy ngón tay bịt chặt hai tai lại bởi vì nó không muốn nghe thêm gì nữa.

Nhưng sau đó, điều ấy khiến nó suy nghĩ rất nhiều. Rồi đến đêm, lúc bà Crawford bảo với nó rằng trong vài ngày tới bà sẽ xuống tàu sang Anh để đến chỗ bác nó, ông Archibald Craven, hiện đang sống ở trang viên Misselthwaite, thì con bé trở nên lạnh lùng và thờ ơ bướng bỉnh đến nỗi mọi người không biết nghĩ sao về nó nữa.

Họ cố đối xử tốt với nó, nhưng nó vẫn ngoảnh mặt đi khi bà Crawford muốn hôn nó, và cũng kiên quyết không nhân nhượng khi ông Crawford vỗ vỗ lên vai nó.

- Nó chỉ là đứa trẻ hết sức bình thường. – Bà Crawford nói với vẻ mủi lòng. Còn mẹ nó, một phụ nữ mới xinh đẹp làm sao. Bà ấy có phong thái vô cùng trang nhã. Còn Mary lại có cái lối kém dễ thương nhất tôi từng thấy ở một đứa trẻ. Thảo nào bọn trẻ vẫn gọi nó là "Cô chủ Mary quá ư ngang ngược". Và mặc dù chúng nói vậy thật hư nhưng người ta có thể hiểu được lý do tại sao.

- Có lẽ nếu mẹ nó thường xuyên vào phòng trẻ với gương mặt dễ thương và kiểu cách thanh lịch của bà ấy thì hẳn là Mary cũng học được cách cư xử tử tế. Thực đáng buồn, con người xinh đẹp tội nghiệp ấy giờ đây đã khuất rồi, đâu có ngờ nhiều người chưa bao giờ biết rằng bà ấy có một đứa con.

Bà Crawford thở dài:

- Tôi cho rằng bà ta hiếm khi ngó ngàng đến nó. Từ khi Ayah của nó chết thì chẳng một ai để ý đến đứa trẻ bé bỏng ấy nữa. Cứ thử hình dung cảnh bọn đày tớ tháo chạy, bỏ mặc con bé trơ trọi trong ngôi nhà hoang ấy thì rõ. Đại tá MacGrew bảo ông ấy đã giật bắn mình khi vừa mở cửa thì thấy nó đứng sừng sững ngay giữa phòng.

Mary đã trải qua một chuyến hành trình dài sang Anh, nhờ vào sự chăm sóc của vợ một viên sĩ quan, bà này đang mang các con sang để gửi vào trường nội trú. Cậu con trai và cô con gái bé bỏng đã choán hết tâm trí bà, và bà lấy làm vui mừng khi gửi được Mary cho người phụ nữ mà ông Archibald Craven đã cử tới gặp bà ở Luân Đôn. Người này là quản gia của ông tại Misselthwaite, tên là Medlock.

Bà là một phụ nữ đẫy đà, hai má đỏ hây hây, đôi mắt đen láy sắc sảo. Bà vận y phục màu tía, bên ngoài khoác chiếc áo choàng rông không tay bằng lụa đen có đính diềm hạt huyền, chiếc mũ đen có dây buộc dưới cằm đính mấy bông hoa bằng nhung tía cứ rung tinh suốt mỗi khi bà quay đầu. Mary không ưa bà chút nào, cũng như nó hiếm khi ưa thích một ai, điều này chẳng có gì đáng lạ, hơn nữa rõ ràng bà Madlock không mấy để ý đến nó.

- Nói thực tình, con bé trông chẳng có gì đặc biệt. Chúng tôi nghe đồn mẹ nó là một người nhan sắc. Con bé chẳng thừa hưởng ở mẹ được bao nhiêu, phải không bà?

- Biết đâu khi lớn lên chút nữa nó sẽ khác. – Bà vợ viên sĩ quan đáp với vẻ hiền hậu. – Nếu con bé không vàng bủng vàng beo, lại biết biểu lộ tình cảm một cách dễ thương thì nó cũng có những nét khá đấy chứ. Trẻ con chóng thay đổi lắm.

Bà Madlock đáp:

- Vâng, con bé còn thay đổi nhiều. Và không nơi đâu cải thiện lũ trẻ tốt bằng ở Misselthwaite, nếu như bà muốn biết ý kiến của tôi!

Họ cứ tưởng Mary không nghe thấy bởi vì nó đứng bên cửa sổ cái khách sạn họ vừa mới tới, cách hai người khá xa. Con bé dù đang ngắm xe cộ và dòng người qua lại nhưng vẫn nghe rõ mồn một, nó hết sức tò mò về ông bác của mình và nơi ông đang sống. Chẳng hiểu chỗ ấy ra sao và ông ta là người như thế nào? Người lưng gù là người thế nào nhỉ? Nó chưa bao giờ nhìn thấy một người gù. Có lẽ ở Ấn Độ không có người gù.

Kể từ ngày ăn nhờ ở đậu nhà người và không có Ayah bên cạnh, nó bắt đầu cảm thấy cô đơn và nảy ra trong đầu những ý nghĩ kỳ quặc chưa từng có. Nó cứ tự hỏi tại sao nó chẳng phải là con của ai cả, thậm chí ngay cả lúc cha mẹ nó còn sống.

Dường như đứa trẻ nào cũng thuộc về cha mẹ chúng, chỉ có mình nó chưa bao giờ thực sự là đứa con gái bé bỏng của ai đó. Nó đã từng có người hầu kẻ hạ, có cơm ăn áo mặc nhưng mấy ai để tâm tới nó. Nó không biết rằng đó là do nó là một đứa trẻ khó chịu; nhưng dĩ nhiên rồi, nó thì làm sao biết được nó lại là đứa trẻ khó chịu và đáng ghét kia chứ. Nó vẫn tưởng người khác mới như thế, chứ bản thân mình thì không. Con bé cho rằng bà Madlock là người đáng ghét nhất mà nó từng gặp, với khuôn mặt hồng hào nhưng tầm thường, cùng chiếc mũ xinh xinh tầm thường của bà ta.

Hôm sau, họ lên đường khởi hành tới Yorkshire, con bé rảo bước qua nhà ga để tới chỗ đoàn tàu hoả, nó ngẩn cao đầu và cố tránh càng xa bà ta càng tốt, bởi vì nó không muốn thiên hạ tưởng lầm rằng nó liên quan tới bà. Trong lòng vô cùng tức tối khi nghĩ tới việc mọi người cứ tưởng nó là đứa con gái nhỏ của bà ta.

Nhưng bà Medlock không hề bị làm phiền bởi sự có mặt và những duy nghĩ nung nấu cùa con bé. Bà thuộc tuýp phụ nữ luôn "tỉnh bơ trước sự nhố nhăng của bọn nhóc". Chí ít thì đó là điều bà sẽ đáp lại nếu như có ai hỏi bà.

Quả tình bà không muốn tới Luân Đôn vào lúc cô con gái bà chị Maria của ba sắp cưới, nhưng vì bà đã kiếm được chân quản gia lương cao bổng hậu, công việc lại nhẹ nhàng tại trang viên Misselthwaite, âu cũng chỉ còn mỗi cách để bà có thể giữ được chỗ làm đó là phải răm rắp nghe theo những gì ông Archibald Craven bảo. Bà chưa bao giờ dám hỏi dù chỉ một câu. Ông Craven nói với một vẻ lạnh lùng cụt lủn:

- Đại tá Lennox và vợ ông đã qua đời vì bệnh tả. Đại tá là em vợ tôi và tôi là người giám hộ cho con gái của họ. Đứa trẻ đã được gửi đến đây. Bà phải đích thân đi Luân Đôn và mang nó về cho tôi.

Bà chỉ kịp sắp hành lý vào một cái rương nhỏ rồi đi ngay. Mary ngồi nép vào một góc trong toa xe hoả, nom nó có vẻ buồn rầu và khổ sở. Chẳng có gì để đọc hoặc để ngắm, nó chỉ còn biết đặt hai bàn tay mang găng màu đen mỏng dính trên vạt váy. Bộ váy màu đen khiến trông nó còn vàng vọt hơn trước đây, mấy lọn tóc mỏng tang ẻo lả loà xoà dưới chiếc mũ làm bằng loại vải mỏng nhẹ màu đen.

"Một con nhóc hư nhất mình từng gặp trong đời." - Bà Medlock nghĩ bụng. Quả thực bà chưa bao giờ thấy đứa trẻ nào cứ ngồi lì một chỗ chẳng động tay động chân; cuối cùng, đâm ra chán ngấy với việc phải nhìn nó, bà bèn cất giọng uy quyền với vẻ thản nhiên.

- Tôi cho rằng tôi có thể nói cho cô hay vài điều về nơi cô sắp đến. Cô có biết gì về người bác của cô không?

- Không. – Mary đáp.

- Cô chưa nghe cha mẹ cô nói gì về ông ta sao?

- Chưa. – Mary nhíu mày trả lời. Nó nhíu mày vì nó còn nhớ cha mẹ nó chẳng bao giờ nói với nó điều gì đặc biệt. Chắc chắn họ chưa bao giờ nói với nó điều gì như vậy cả.

- Hừm... - Bà Medlock lầu bầu và nhìn chòng chọc vào khuôn mặt lạnh nhạt khó chịu của nó. Bà không nói gì trong giây lát, rồi lại lên tiếng. - Thiết nghĩ cô cũng phải được nghe đôi điều để còn chuẩn bị trước. Cô sắp sửa tới một nơi hết sức kỳ cục đấy. Mary chẳng nói chẳng rằng càng làm bà Medlock chưng hửng trước vẻ thờ ơ lộ liễu của con bé. Sau khi hít một hơi, bà lại tiếp tục:

- Đó không chỉ là một toà nhà đồ sộ, u ám, ảm đạm mà ông Craven vẫn tự hào theo cái cách riêng của ông ấy – dù kể ra thì nó cũng u ám thực. Toà nhà ấy những 600 tuổi rồi , nằm bên rìa một cánh đồng hoang và dễ có tới gần một trăm phòng trong đó, mặc dù hầu hết đều đóng kín và khoá chặt. Có cơ man nào là tranh, đồ nội thất cổ tinh xảo và những thứ đã nằm ở đó tự thưở nào. Cả một công viên lớn bao quanh nó, rồi các khu vườn, cây cối với tán lá loà xoà rủ cả xuống mặt đất – Bà ngừng lại một lát lấy hơi. – Ngoài ra chẳng còn gì. – Rồi đột nhiên, bà kết thúc.

Mary bắt đầu chú ý lắng nghe, mặc dù nó vẫn giả bộ thờ ơ. Tất cả những điều đó nghe có vẻ không giống Ấn Độ chút nào, và mọi thứ mới mẻ đều đang cuốn hút nó. Nhưng nó làm bộ không thèm quan tâm. Đó là một trong những cách nó gây khó chịu cho người khác. Và nó vẫn ngồi im.

- Vậy thì, - bà Medlock lên tiếng. – Cô nghĩ thế nào về chuyện đó?

- Chẳng nghĩ gì hết, - con bé đáp. – Tôi chẳng hiểu gì về những nơi như thế.

Câu trả lời khiến bà Medlock đột nhiên cười phá lên.

- Này, thế thì cô đúng là một bà già mất rồi. Cô không quan tâm gì sao?

- Tôi có quan tâm hay không thì chẳng có gì quan trọng. – Con bé đáp.

- Đến đây thì cô đúng, - bà Medlock đáp, - không có gì quan trọng. Cô được lưu lại trang viên Misselthwaite vì lý do gì thì tôi chịu, trừ phi bởi đó là cách dễ dàng nhất. Ông ấy chẳng bận tâm đến cô đâu, đó là điều chắc chắn. Ông ấy chưa bao giờ bận tâm đến ai cả. Bà ta dừng lại như thể lúc ấy vừa chợt nhớ ra điều gì. - Ông ấy gù lưng. Có lẽ điều đó khiến ông luôn trong tâm trạng bất ổn. Ông còn trẻ mà đã hay cáu kỉnh, và cho tới khi lấy được vợ thì ông ấy chẳng biết dùng tiền bạc và cơ ngơi to lớn của mình vào việc gì.

Mary ngước mắt nhìn bà, mặc dù nó định tỏ vẻ là không thèm nghe. Nó quả chưa bao giờ tưởng tượng một người lưng gù lại có thể cưới được vợ nên thấy ngạc nhiên kinh khủng. bà Medlock nhận ra điều này và vốn dĩ là một người đàn bà lắm mồm, bà ta lại tiếp tục, mỗi lúc một say sưa. Đó là một cách giết thời gian trong mọi hoàn cảnh.

- Bà ấy thật xinh xắn, đáng yêu, và ông ấy có thể đi khắp thế giới chỉ để kiếm cho bà một nhánh cỏ mà bà muốn. Không môt ai nghĩ bà ấy lại lấy ông, vậy mà bà ấy đã làm thế, thiên hạ họ đồn bà ấy lấy ông chỉ vì tiền. Nhưng bà ấy không phải vậy – bà ấy không phải là người như vậy, tuyệt đối không. Khi bà ấy chết...

Mary bỗng giật nảy người.

- Ôi, bà ấy chết rồi à? – Con bé kêu lên, hoàn toàn vô thức. Nó chợt nhớ tới một câu chuyện thần tiên của Pháp mà có lần nó đã đọc tên là "Riquet à la Houppe". Câu chuyện kể về một người lưng gù nghèo khó và một cô công chúa xinh đẹp, khiến con bé chợt thấy thương cảm cho ông Archibald Craven.

- Phải. – Bà Medlock đáp. – Chính chuyện này khiến ông ấy càng trở nên kỳ cục hơn bao giờ hết. Ông không còn quan tâm tới bất kỳ ai. Mà cũng chẳng muốn gặp gỡ người nào hết. Hầu hết thời gian ông đi đây đó và hễ cứ về tới Misselthwaite là ông lại giam mình trong chái nhà phía Tây, không cho ai ngoài Pitcher được phép gặp mặt. Pitcher là một lão già đã trông nom ông từ khi ông còn bé và chỉ có lão mới biết đường mà chăm sóc ông.

Câu chuyện đó tựa hồ như chỉ có trong sách, và nó không làm Mary thấy vui. Một ngôi nhà có đến ngót trăm căn phòng mà hầu như đều đóng kín mít, cửa khoá then cài – một ngôi nhà nằm bên rìa cánh đồng hoang, cho dù cánh đồng hoang có là cái gì đi nữa, thì cũng quả là thê lương. Một người đàn ông với cái lưng gù luôn tự giam mình thì cũng như thế. Nó đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ. Nếu bà vợ xinh đẹp của ông ấy còn sống, hẳn bà ấy sẽ làm một cái gì đó đầy hào hứng, tựa như người mẹ của nó, chạy ra chạy vào hoặc mặc những tà áo dài "đầy đăng ten" đi dự tiệc. Nhưng bà ấy làm gì còn trên đời.

- Cô đừng mong đợi gặp ông ấy làm gì, tôi dám cược 10 ăn 1 là cô không muốn đâu. – Bà Medlock bảo. – Cô cũng đừng mong có ai chuyện trò hỏi han. Cô sẽ phải tự chơi lấy và tự chăm sóc bản thân. Rồi cô sẽ được người ta bảo cho căn phòng nào thì được phép vào và căn phòng nào cô phải tránh xa. Ngần ấy vườn tược là đủ rồi. Nhưng khi đã đặt chân vào nhà thì đừng có lang thang đây đó hay tò mò lục lọi. Ông Craven không cho phép đâu.

- Tôi không thèm tò mò lục lọi gì hết. – Con bé Mary chanh chua đáp lại.

Và cũng đột ngột như khi nó bắt đầu thấy xót xa cho ông Archibald Craven, lúc này nó đâm bớt thương cảm và nghĩ bụng ông ta khó chịu như thế, có gặp chuyện như vậy cũng đáng thôi.

Đoạn nó ngoảnh sang cánh cửa chớp của toa xe, nhìn chằm chằm vào cơ mưa dông xám xịt tưởng chừng như đang xối xả bất tận ngoài kia. Cho tới khi bầu trời mỗi lúc một xám xịt hơn. Mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn trước mắt nó và nó ngủ thiếp đi lúc nào không hay.