Kinh Dịch Trọn Bộ

Những Điều Nên Biết

(Lời người dịch)

1- LAI LỊCH CỦA KINH DỊCH

Cứ như Tiên nho - từ Hán nho đến Minh nho, đã nói thì Kinh dịch bắt đầu ra đời từ vua Phục Hy, một ông vua về đời thần thoại trong sử Tàu, cũng gọi Bào Hy, không biết cách đây mấy nghìn hay mấy vạn năm. Lúc ấy Hoàng Hà có con long mã[1] hiện hình lưng nó có khoáy thành đảm, từ một đến chín, vua ấy coi những khoáy đó, mà hiểu được lẽ biến hóa của vũ trụ, mới đem lẽ đó vạch ra thành nét. Đầu tiên vạch một nét liền, tức là “vạch lẻ” để làm phù hiệu cho khí Dương, và một nét đứt, tức là “vạch chẵn” để làm phù hiệu cho khí Âm. Hai cái vạch đó gọi là hai Nghi. Trên mỗi Nghi thêm một nét nữa, thành ra bốn cái “hai vạch”, gọi là bốn Tượng. Trên mỗi Tượng lại vạch thêm một vạch nữa, thành ra tám cái “ba vạch”, gọi là tám Quẻ[2]. Sau cùng, vua ấy lại đem Quẻ nọ chồng lên Quẻ kia, điên đảo khắp lượt, thành ra sáu mươi tư cái “sáu vạch”, gọi là sáu mươi tư Quẻ[3]. Từ thời Phục Hy đến cuối nhà Thương, Kinh dịch vẫn chỉ là một mớ vạch liền, vạch đứt, chưa có tên hiệu chữ nghĩa gì cả[4].

Sang đầu nhà Chu (Trước lịch Tây độ hơn nghìn năm), Văn Vương mới đem những quẻ của Phục Hy mà đặt từng tên và diễn thêm lời ở dưới mỗi quẻ để nói về sự lành dữ của cả quẻ, như chữ 元亨利貞(Nguyên hanh lợi trinh) ở quẻ Kiền, hay chữ 元亨利牝馬之負 (nguyên hanh lợi tẩn mã chi trịnh) ở quẻ Khôn v.v… Lời đó vẫn gọi là Lời Quẻ 卦辭 (quái tử) hay Lời Thoán 彖辭 (Thoán từ)[5].

Kế đó, Cơ Đán, tức Chu Công, con trai thứ Văn Vương, lại theo số vạch của các quẻ mà chia mỗi quẻ ra làm sáu phần, mỗi phần gọi là một hào, và dưới mỗi hào đều có thêm một hoặc vài câu, để nói về sự lành dữ của từng hào, như câu 初九:潜龍勿用: (Sơ Cửu: tiềm long vật dụng) hay câu 九二:克龍在田 (Cửu Nhị hiện long tại điền), trong quẻ Kiền và câu 初六:履霜堅冰至办 (Sơ Lục lý sương kiên băng chí) hay câu 六三:含章可貞 (Lục Tam: Hàm chương khả trinh) trong quẻ Khôn… Lời đó vẫn gọi Lời Hào (爻 辭 Hào Từ) vì nó phần nhiều đều căn cứ vào hình tượng của các hào, cho nên cũng gọi là Lời Tượng (象解 tượng từ)[6].

Tiếp đến, Khổng Tử lại soạn ra sáu thứ nữa, là: Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn, Hệ từ truyện, Thuyết quái, Tự quái, Tạp quái, Thoán truyện có hai thiên: Thượng Thoán và Hạ Thoán; Tượng truyện có hai thiên: Thượng và Hạ Tượng; Hệ từ cũng có hai thiên: Thượng Hệ và Hạ Hệ; tất cả mười thiên, Tiên nho gọi là “Thập dực” (mười cánh).

Sáu thứ đó tuy đều tán cho ý nghĩa Kinh dịch rộng thêm, nhưng mỗi thứ có một tính cách.

Thoán truyện thích lời quẻ của vua Văn, tức là những câu dưới chữ “Lời Thoán nói rằng”.

Tượng truyện thích hình tượng của các quẻ và các hào, tức là những câu dưới chữ “Lời Tượng nói rằng”; thích chung cả quẻ gọi là Đại Tượng, thích riêng từng hào gọi là Tiểu Tượng.

Văn ngôn chuyên thích hại quẻ Kiền, Khôn.

Hệ từ nói về đại thể, phàm lệ của Kinh dịch và công phu cùng ý nghĩa trong việc làm Kinh dịch của Văn Vương Chu Công.

Thuyết quái nói về đức nghiệp, pháp tượng và sự biến hóa của tám quẻ.

Tự quái nói về những cớ tại sao quẻ này lại để ở dưới quẻ kia.

Tạp quái nói về những ý vụn vặt của các quẻ.

Những thiên của Khổng Tử, trước vẫn tách riêng, không phụ hẳn vào lời quẻ, lời hào của Văn Vương Chu Công. Đến đời Hán, Phi Trực mới đem Thoán truyện, Tượng truyện và Văn ngôn thuộc về quẻ Kiền hợp với Kinh dịch của Văn Vương Chu Công, để thay vào lời chú thích. Rồi, Trịnh Huyền lại sáp nhập nốt những câu Văn ngôn của quẻ Khôn và Thoán truyện, Tượng truyện của các quẻ kia. Từ đó bảy thiên Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn mới xen vào trong các quẻ. Còn ba thiên kia thì đệ phụ riêng ở cuối sách. Tới đời Tống, Chu Hy làm sách Chu Dịch bản nghĩa đã sắp đặt lại như cũ, nhưng mà người ta không theo. Những bản được thịnh hành trong hồi gần đây, vẫn là thể tài của bọn Phí Trực, Trịnh Huyền.

Nay nói chính văn Kinh dịch, tức là gồm cả: vạch quẻ của Phục Hy, lời quẻ của Văn Vương, lời hào của Chu Công, và Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn, Hệ từ truyện, Thuyết quái, Tự quái và Tạp quái của Khổng Tử.

Đó là theo lời cựu truyền của tiên nho mà thuật ra, để độc giả biết qua lai lịch Kinh dịch là vậy.

2 - KHÁI LUẬT CỦA KINH DỊCH

Dù sao mặc lòng, Kinh dịch vẫn là một cuốn sách lạ trong văn học giới của nhân loại. Thể tài sách này không giống một cuốn sách nào. Bởi vì cái gốc của nó chỉ là một nét vạch ngang, do một nét vạch ngang, đảo điên xoay xỏa thành một bộ sách, vậy mà hầu hết chi tiết ở trong, đều có thể thống lụật lệ nhất định, chứ không lộn xộn. Trước khi đọc, phải biết qua loa những thể thống luật lệ ấy, thì sau mới dễ nhận hiểu. Vậy nay, theo sự kê cứu của Tiên nho, nên qua ít điều quan hệ trong những thể thống luật lệ đó, như sau:

Quẻ. - Quẻ có hai thứ: Một là quẻ đơn, tức là tám quẻ: Kiền, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, mỗi quẻ có ba nét ngang, Chu Hy gọi là “quẻ ba vạch”. Hai là quẻ kép, tức là sáu mươi tư quẻ do tám quẻ đơn đắp đổi chồng nhau mà thành ra, như quẻ Hàm, quẻ Hằng, quẻ Đại tráng, quẻ Gia nhân… các quẻ này mỗi quẻ có sáu nét ngang, Chu Hy gọi là “quẻ sáu vạch”. Cả hai thứ đó, trong sách đều gọi là quẻ (卦Quái), thật ra, tính chất rất không giống nhau, quẻ đơn là những yếu tố làm nên quẻ kép, mà quẻ kép thì là hợp thể của hai quẻ đơn chồng nhau.

Hào. - Hào và vạch ngang của quẻ kép, mỗi quẻ sáu vạch, tức là sáu hào. Thứ tự bắt đầu từ dưới kể lên, dưới nhất là hào Đầu, đến hào Hai, đến hào Ba, đến hào Tư, đến hào Năm, cuối cùng là hào Trên. Hào cũng chia làm hai thứ: Những hào thuộc nét ngang liền là hào Dương; những hào thuộc nét ngang đứt, là hào Âm. Ví như quẻ Chuân, do hai quẻ Chấn, Khảm hợp lại thành mà ra, thì hào Đầu, hào Năm là Dương, hào Hai, hào Ba, Hào Tư, hào Trên là Am. Ở lời Kinh, hào Dương gọi là hào Chín, hào Âm gọi là hào Sáu. Ví như quẻ Chuân: hào Đầu gọi hào Chín Đầu (初九 Sơ Cửu), hào Hai gọi là hào Sáu Hai (六二 Lục Nhị) v.v… Sở dĩ gọi vậy, - theo Tiên nho - là vì khí Dương số bảy là trẻ, số chín là già, khí Âm số tám là trẻ, số sáu là già, già thì biến đổi, chứ trẻ thì chưa biến đổi, Kinh dịch chú trọng ở sự biến đổi, cho nên mới lấy số Chín làm tên hào Dương và lấy số Sáu làm tên hào Âm.

Tính của các quẻ và các hào - Tám quẻ đơn, mỗi quẻ đều có tính riêng, đại khái, tính Kiền thì mạnh, tính Khôn thì thuận, tính Chấn thì động, tính Tốn là nhún, tính Cấn hay đậu, tính Đoái hay đẹp lòng, tính Ly có khi thì sáng, có khi là trống rỗng, tính Khảm có khi là hiểm, có khi là dầy đặc. Vậy ở sách này, nói mạnh là chỉ về Kiền, nói thuận là chỉ về Khôn, nói động là chỉ về Chấn, nói nhún là chỉ về Tốn, nói động là chỉ về Cấn, nói đẹp lòng là chỉ về Đoái, nói sáng hay trống rỗng là chỉ về Ly, nói hiểm hay dày đặc là chỉ về Khảm - Còn hào, thì hào Dương tất nhiên cứng mạnh thích động và hay đi lên, hào Âm tất nhiên mềm yếu thích tĩnh và hay đi xuống. Vậy ở sách này, nói cứng là chỉ về hào Dương, nói mềm là chỉ về hào Âm.

Tượng của quẻ và hào - Tám quẻ đơn đều làm biểu hiện cho các vật ở vũ trụ, mỗi quẻ là hình tượng của một hoặc nhiều vật. Ví như Kiền là tượng trời, lại là tượng con rồng; Khôn là tượng đất, lại là tượng con trâu; Chấn là tượng sấm, lại là tượng cái cây; Khảm là tượng nước, lại là tượng mây, tượng mưa; Tốn là tượng gió, Ly là tượng lửa; Cấn là tượng núi; Đoài là tượng chằm… Đó là nói qua, sau đây đọc đến các quẻ sẽ thấy rõ hơn. Còn hào, tự nó không có tượng riêng, vì không chuyên hình dung cho vật gi, nhưng khi đã hợp nhau lại thành quẻ, thì cũng có khi có tượng. Ví như hào giữa quẻ Khảm là tượng “dày đặc”, bởi vì hào ấy là nét ngang liền, đứng giữa hai nét ngang đứt, giống như một vật đặc giữa; hay như hào giữa quẻ Ly là tượng “trống rỗng bên trong”, bởi vì hào này là nét ngang đứt, đứng giữa hai nét ngang liền, giống như một vật rồng ruột vậy.

Sự áp dụng của hào và quẻ - Trong Kinh dịch phần của Văn Vương Chu Công chú trọng ở sự bói toán, phần của Khổng Tử chú trọng ở cách tu nhân xử thế của từng người, đó là điều rất rõ rệt. Dù là việc bói toán, dù là cách tu nhân xử thế, cũng đều phải lấy nhân sự làm căn cứ, vì vậy, người ta mới chia mỗi quẻ ra làm ba thứ: thì, ngôingười.

Thì là thời kỳ. Trong sáu mươi tư quẻ kép, mỗi quẻ là một thời kỳ. Ví như quẻ Thái tức là thời kỳ hanh thái, quẻ Bĩ tức là thời kỳ bế tắc, v.v… Trong mỗi quẻ, hào Đầu là đầu thời kỳ, hào Trên là cuối thời kỳ, còn các hào giữa, cố nhiên là giữa thời kỳ. Đó là nói về đại khái, chính ra một quẻ có khi không chỉ về một thời kỳ mà chỉ về một công cuộc, ví như quẻ Tốn, Ích, Ty, Tụng v.v… Nhưng về nghĩa này rất ít.

Ngôi là thứ tự của các hào. Mỗi quẻ sáu hào, tức là sáu ngôi. Theo lời chú thích của Tiên nho, nhất là lời chú thích của Trình Di và Chu Hy, thì trong một quẻ, hào Đầu là ngôi thứ dân, hào Hai là ngôi tư mục, hào Ba là ngôi quan Khanh, quan Đại phu, hào Tư là ngôi đại thần, hào Năm là ngôi vua, hào Trên là ngôi các vị lão thành. Đây cũng là nói đại khái mà thôi, không phải các quẻ đều đúng lệ đó.

Tất cả các ngôi, đều có nhiều hạng tương phản với nhau, ví như chính và không chính, giữa và không giữa, có ứng và không ứng. Hào Dương mà ở ngôi lẻ, tức là ngôi Đậu, ngôi Ba, ngôi Năm; hào Âm mà ở ngôi chẵn tức là ngôi Hai, ngôi Tư, ngôi Trên, thế là được chỗ chính; trái lại, nếu hào Dương mà ở ngôi chẵn, hào Âm mà ở ngôi lẻ thì là bất chính. Trong mỗi quẻ, chỉ có hào Hai, hào Năm là giữa, vì một quẻ kép do hai quẻ đơn hợp lại, mà hào Hai là giữa quẻ (đơn) dưới, hào Năm thì ở giữa quẻ (đơn) trên. Còn cốc hào khác đều là không giữa.

Ứng là hào nọ ứng với hào kia, như làm ngoại viện cho nhau. Trong một quẻ (kép), hào Đầu ứng với hào Tư, hào Hai ứng với hào Năm, hào Ba ứng với hào Trên, thường lệ như thế. Nhưng phải một hào là Dương, một hào là Âm mới là có ứng. Nếu hai hào cùng một loại, ví như hào Đầu là hào Dương, hào Tư cũng là hào Dương, hào Hai là hào Âm, hào Năm cũng là hào Âm… thì không tương ứng. Vậy nói “chính giữa có ứng” tức là hào Âm ở ngôi Hai mà trên ngôi Năm là hào Dương, hay hào Dương ở ngôi Năm mà dưới ngôi Hai là hào Âm.

Trên đây là lệ nhất định.

Người là bản thân kẻ xem bói, nói rộng ra thì là bản thân kẻ ở địa vị nào, trong thời kỳ nào, ví như hào Đầu quẻ Bĩ tức là thứ dân trong đời bĩ tắc, hào Năm quẻ Thái thì ông vua trong đời hanh thái v.v… Người có hai dạng quân tử và tiểu nhân, hay là đàn ông và đàn bà. Tiên nho cho rằng: Hào Dương là quân tử hay đàn ông, hào Âm là tiểu nhân hay đàn bà. Hào Dương ở ngôi Dương, tức là quân tử được ngôi, hào Âm ở ngôi chẵn, tức là tiểu nhân biết điều, trái lại, hào Dương ở ngôi chẵn, thì là quân tử không ngôi, hào Âm ở ngôi lẻ, thì là tiểu nhân càn bậy. Lệ này cũng là thuộc về phần nhiều, không phải hết thảy như thế.

TượngChiêm - Theo ý Chu Hy, một hào thường làm hai thứ, là Tượng và Chiêm. Tượng là hình tượng. Chiêm là lời đoán. Ví như hào Chín Đầu của quẻ Kiền có câu: “rồng lặn chớ dùng”, thì “rồng lặn” là tượng, vì Kiền là tượng con rồng, mà ngôi Đầu là chỗ rất thấp, tức là tượng của sự lặn; “chớ dùng” là Chiêm, vì nó là lời khuyên bảo người ta. Tượng thì tùy quẻ tùy hào mà hình dung ra, không có nhất định. Còn Chiêm đại để chia làm hai loại, hay dở. Về mặt hay, hay nhất là nguyên cát (cả tốt) đến cát hanh (tốt và hanh thông), đến cát (tốt), đến hanh (hanh thông), đến lợi (lợi về sự gi), đến vô hối (không ăn năn), đến vô cữu (không lỗi); về mặt dở, dở nhất là hung (dữ), đến lệ (nguy), đến du lợi (không lợi về sự gì), đến lận (đáng thẹn tiếc), đến hữu cữu (có lỗi), đến hữu hối (có ăn năn). Đem tính chất của lời Chiêm mà phân tích ra, thì thay nặng nhẹ khác nhau như vậy. Trong sáu tư quẻ, ba trăm tám mươi tư hào, nhiều hào có Tượng mà không có Chiêm, cũng nhiều hào mà có Chiêm mà không có Tượng, không phải hào nào cũng đủ cả hai thứ đó.

3 - VÀI LỜI PHÂN GIẢI VỀ VIỆC DỊCH

1) Kinh dịch là một pho sách rất cổ trong triết học sử Á Đông. Từ đời nhà Hán mà đi, đến đời nhà Thanh, kể có hàng trăm học giả chú thích. Mỗi nhà chú thích tất nhiên phải có một bộ sách riêng. Học thức hẹp hòi như Dịch giả, cũng đã biết tên được vài chục bộ, lấy trí tưởng tượng mà đoán, số sách chú thích của các nhà Dịch học, ít ra cũng phải có hàng trăm bộ. Nguyên văn bản Dịch này là bộ Chu Dịch đại toàn của bọn Hồ Quảng và Kim Âu Tư vâng mệnh Thành tổ nhà Minh mà soạn ra, nội dung gom góp hầu khắp các lời chú giải của Tiên nho. Trong các Kinh dịch lưu hành từ trước đến giờ, bộ này đầy đủ hơn hết. Điều đáng nói là trong bộ Chu Dịch đại toàn, soạn giả lấy hai cuốn Dịch truyện của Trình Di và Chu Dịch bản nghĩa của Chu Hy làm phần chính, còn lời chú giải của các học giả khác chỉ là phần phụ mà thôi. Họ Trình họ Chu là hai cự phách trong Tống nho, sự khảo cứu của các ông ấy không khỏi có chỗ vũ đoán và khiên cưỡng, như vậy, thì chữ “đầy đủ” trên kia, chỉ nói được về phần lượng, không nói được về phần phẩm, nghĩa là bộ sách ấy chỉ là sách dầy, không phải là sách chú giải thật đúng. Song thế nào là đúng? Thế nào là không đúng? Đối với chính văn Kinh dịch, những câu hỏi đó, có lẽ loài người tiêu diệt vẫn chưa giải quyết. Thế thì muốn biết Kinh dịch một cách uyên bác, thà đọc Chu Dịch đại toàn còn hơn. Vì vậy Dịch giả mới chọn bộ này mà Dịch.

2) Trong bộ Chu Dịch đại toàn, Trình Di và Chu Hy là hai tay trọng yếu trong phần chú giải, nhưng mà không phải hết thảy từ đầu đến cuối, hai người đều chung một ý với nhau. Trái lại, có chỗ họ Trình bảo là thế này, họ Chu lại cho là thế kia, có chỗ họ Chu công nhiên phản đối ý của họ Trình là khác. Như thế, thì việc phiên Dịch kinh văn cũng hới rắc rối, là vì không biết theo ai, theo họ Trình hay theo họ Chu? Gặp những trường hợp ấy, Dịch giả phải tự đặt một cái lệ, là lấy văn pháp chữ Nho làm bằng, hễ lời chua của ai hợp văn pháp chữ Nho hơn thì lời Dịch theo ý của nấy, bất kỳ của họ Chu hay của họ Trình. Còn chỗ nào hai nhà độc giả đó đã không đồng ý mà một nhà độc giả khác lại có ý kiến lạ hơn, thì cũng trích vào làm “Lời bàn của tiên nho” cho rộng rãi thêm. Nhưng dù theo, dù không theo, Dịch giả chỉ căn cứ ở văn pháp chữ Nho, chứ không hề cho thế này là đúng, thế kia là sai.

3) Trong bản Dịch này, những chỗ Dịch các lời kinh, nhiều khi dùng những tiếng cổ, ví như tiếng “thửa” tiếng “chưng”, tiếng “hay”, tiếng “khá” v.v… chữ nào nghĩa ấy, như lời kể nghĩa sách học trò chữ Nho ngày xưa. Đọc những chỗ ấy, độc giả chắc phải cho là gàn. Dịch giả cũng tự thấy thế là bướng, có lẽ những kẻ không ưa, sẽ dùng chỗ đó làm cớ công kích người Dịch cũng nên. Song Dịch giả không phải là không thể tìm được đủ tiếng để đặt cho câu văn Dịch được êm tai. Sở dĩ Dịch vậy, là vì một lẽ sau đây:

Từ xưa đến nay, ai ai cũng tin Kinh dịch là một bộ sách khó hiểu. Sự thực cũng đúng như thế. Nhưng cái khó hiểu của Kinh dịch, không tại ý tứ sâu xa, chỉ tại lời văn chủng chẳng rời rã, ngớ ngẩn đột ngột, giống như lời nói của bọn đồng cốt, không đầu đuôi, không mạch lạc, có chỗ lại không đúng với văn pháp nữa. Âu cũng vì thế mà thường thường một câu có thể hiểu ra mấy nghĩa, rút lại vẫn không thể bảo nghĩa nào là đúng, nghĩa nào là sai. Tinh thần của Kinh dịch, một phần là ở chỗ đó. Nay nếu đem những đoạn văn chủng chẳng rời rã, ngớ ngẩn đột ngột đó mà Dịch ra những lời trôi chảy, dễ nghe, dễ hiểu thì là làm cho độc giả phải theo ý kiến của mình, đó là mất tinh thần của Kinh dịch. Dịch giả không muốn như thế. Vì vậy trong các chính văn hết thảy Dịch bằng tiếng cổ của ta, cố giữ lấy cái tinh thần “chủng chẳng rời rã, ngớ ngẩn đột ngột” của nó, để độc giả muốn hiểu thế nào thì hiểu, bằng không hiểu nữa, thì đã có lời chú giải của Trình Di, Chu Hy Dịch tiếp ở dưới, coi đó rồi cũng phải hiểu.

Có điều những tiếng cổ ấy, lâu không ai dùng đến, đối với phần đông người, nghĩa nó hầu như đã mất. Vậy xin chua qua mấy tiếng dưới đây, để độc giả khỏi mất thì giờ tra cứu

Thửa: Chữ thửa có hai nghĩa: Khi nào đứng trên một động từ (verbe), thì nó thuộc về xưng đại danh từ (Pronom personnel), giống như chữ 所 (sở) ở chữ Nho; nghĩa là: a) cái mà, khi nói về việc hay vật; b) kẻ mà, khi nói về người. Thí dụ: Anh thửa làm, tức là cái mà anh làm; không thửa lợi, tức là không cái gì mà lợi; nó thửa ghét, tức là kẻ mà nó ghét v.v… Khi nào đứng trên một danh từ (nom), thì nó thuộc về chỉ thuộc tính từ (adjectif possessif), giống như chữ 其 (kỳ) ở chữ Nho, có thể dùng cả ba ngôi, nhưng thường thường hay dùng về ngôi thứ ba, nghĩa là nó, hay là người… của nó hay của người. Thí dụ: “thửa công đức ấy ai bằng”, tức là công đức ấy của nó, ai bằng.

Chưng: Chữ chưng có hai nghĩa, đều thuộc về giới từ (préposition), và đều dùng để làm cho tiếng nọ liên lạc với tiếng kia.

Khi nào đứng ở đầu câu, thì nó giống như chữ 之 (chi) ở chữ Nho, chỉ để làm cho lọn nghĩa cái tiếng đứng ở dưới nó. Thí dụ “chưng kiếp nhân sinh đã thỏa”. Nhưng nghĩa này ít dùng lắm. Khi nào đứng dưới một động từ, thì nó giống như chữ 於 (ư) chü 于(vu) ở chữ Nho nghĩa là ở. Thí dụ: Đi chưng đường, tức là đi ở đường; ngủ chưng nhà, tức là ngủ ở nhà.

Hay: Có khi là biết, thí dụ: Chẳng hay nàng ở nơi nao, tức là chẳng biết nàng ở nơi nào; có khi là được. Thí dụ: chẳng hay giữ, tức là chẳng giữ được.

Khá: có khi là có thể, thí dụ: Việc này khá làm, tức là việc này có thể làm; có khi là đáng, thí dụ: chuyện đó khá tiếc, tức là chuyện đó đáng tiếc.

Trở lại, đều là những điều cần phải nói để độc giả biết rõ trước khi đọc bản dịch này. Còn ý kiến của dịch giả đối với Kinh dịch ra sao, cuối sách sẽ xin nói kỹ.

DỊCH GIẢ


Chú thích:

[1] Một con thú trong thần thoại, sẽ có lời chua ở dưới.

[2] Tức là quẻ đơn.

[3] Tức là quẻ kép. Có người nói rằng: Phục Hy chỉ đặt ra tám quẻ đơn, còn sáu mươi tư quẻ kép là của Văn Vương đặt ra.

[4] Có người nói rằng: Phục Hy đã có đặt tên cho sáu mươi tư quẻ kép.

[5] Chớ có lầm với Lời Thoán của Khổng Tử. Trong bản dịch này, Lời Thoán của Văn Vương ở ngay đầu các quẻ, trên nó không có gì nữa. Còn Lời Thoán của Khổng Tử tức là Thoán truyện thi ở liền dưới Lời Thoán của Văn Vương và bắt đầu bằng bốn chữ “Lời Thoán nói rằng.”

[6] Chớ lầm với Lời Tượng của Khổng Tử. Trong bản dịch này, Lời Tượng của Khổng Tử, tức là Tượng truyện, đầu bài bằng chữ “Lời Tượng nói rằng”, còn Lời Tượng của Chu Công thì ở ngay đầu các hào, trên nó chỉ có những chữ số mục.