Kỹ Năng Buông Bỏ

Chương 11: Phát Triển Kĩ Năng Buông Bỏ

Như vậy là ta đã thấy những lợi ích của việc buông bỏ. Giờ đây ta sẽ bắt đầu tìm hiểu cách thức buông bỏ. Những thứ tôi nói ở trên quá là tuyệt vời đi, nhưng làm thế nào ta có thể phát triển kĩ năng này? Không ai bỗng dưng biết buông bỏ cả.

Dĩ nhiên, ta phải luyện tập.

Để luyện tập một kĩ năng, ta nên phân chia kĩ năng lớn thành các kĩ năng nhỏ hơn, và tập trung nghiên cứu, luyện tập từng kĩ năng nhỏ trước khi kết hợp lại thành một kĩ năng lớn hoàn chỉnh.

Ví dụ, một vũ công phải tập nhiều bước nhảy khác nhau trước khi kết hợp lại thành một động tác. Ở đây cũng vậy, ta sẽ phân kĩ năng buông bỏ thành những kĩ năng nhỏ và luyện tập từng cái một. Sau đó ta sẽ kết hợp hết lại thành kĩ năng buông bỏ hoàn chỉnh.

Dưới đây là danh sách các kĩ năng nhỏ:

1.Nhận biết dấu hiệu: Khi ta đang bám víu vào một thứ gì đó tiêu cực, sẽ luôn có những dấu hiệu nhỏ xuất hiện để cảnh báo, ví dụ như một cơn giận, hay sự thiếu quyết đoán. Kĩ năng đầu tiên là phải nhận biết các dấu hiệu này.

2.Nhận biết viễn cảnh lí tưởng: Ta đang bám víu vào viễn cảnh lí tưởng nào mà lại xuất hiện các dấu hiệu?

3.Nhận biết tác hại: Liệu viễn cảnh lí tưởng ấy có khiến ta đau khổ, khiến quan hệ với người khác xấu đi, hay làm ta buồn bực?

4.Buông bỏ bằng tình yêu: Nếu viễn cảnh lí tưởng gây hại cho ta, thì buông bỏ chính là một hành động thể hiện tình yêu thương và sự cảm thông (với bản thân và với người khác).

5.Nhận thức thực tại: Khi đã buông bỏ các viễn cảnh lí tưởng, hãy tập trung sự chú ý vào thực tại. Chấp nhận và phản ứng một cách phù hợp.

Tất cả những kĩ năng nhỏ này kết hợp lại sẽ thành ra kĩ năng buông bỏ. Quá trình luyện tập không chỉ dừng lại ở đó. Sẽ vẫn còn những câu hỏi về cách hành động phù hợp sau khi buông bỏ. Ta cũng sẽ bàn đến vấn đề này ở những chương sau.

Tuy nhiên, đầu tiên hãy tập trung nghiên cứu các kĩ năng nhỏ, sau đó bàn về cách luyện tập từng kĩ năng để phát triển kĩ năng buông bỏ hoàn chỉnh.