Ký sự pháp đình 2

Những trái me ngọt

Docsach24.com
e xanh thì ai cũng nghĩ là chua,

nhưng những trái me này lại ngọt. Thật vậy!

Sáng 29/12/1994, tôi tiếp một người khách đặc biệt. Bà N. - mẹ của T. và H. là hai bị cáo bị truy tố trong vụ án hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, mà TAND quận Bình Thạnh đã xử phạt T. 12 tháng tù, H. 6 tháng tù (cho hưởng án treo), nhưng sau đó phiên tòa phúc thẩm của TAND Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định hủy bỏ bản án sơ thẩm, và yêu cầu chuyển hồ sơ về địa phương để điều tra lại từ đầu.

Không biết bằng cách nào bà tìm được tới tận tòa soạn. Cũng chiếc áo nối hàng trăm mảnh. Cũng sự ngơ ngơ, ngẩn ngẩn của người bịnh tâm thần. Hai tay bà xách lùm xùm, một bên là cái bao tải, trong đựng một cây sắt dẹp được gói ghém cẩn thận (theo bà là hung khí của vụ án), bên kia chiếc giỏ ni-lông cũ, rách. Trong giỏ có một tập giấy tờ có liên quan tới vụ án của hai con bà, được gói trong mấy lớp bịch ni-lông, và một túi trái me tươi, còn nguyên cành, lá. Bà móc túi đưa cho tôi hai tờ giấy - nhàu nát như nhau. Một tờ giấy tập, trên đó là những dòng chữ, nét khá đẹp nhưng xệu xạo - do chính tay bà viết để cảm ơn tôi trước đây đã đến nhà tìm hiểu về vụ án giúp cho con bà. Tờ kia là “Giấy triệu tập” của công an quận Bình Thạnh, mời ông H. (chồng bà) và em H. (con út của bà) đến để làm việc có liên quan đến vụ án. Trên giấy có ghi rõ là “giấy triệu tập lần 2”. Chắc phải có chuyện gì quan trọng lắm bà mới đến tìm tôi, nhưng hỏi mãi tôi chỉ thu được những câu trả lời không đầu đuôi. Tôi đành thuyết phục bà ra về, và dặn nếu có chuyện cần thì nhắn T. đến gặp tôi. Trước khi về, bà dúi vào tay tôi bịch trái me - có lẽ mới trèo hái ở đâu đó, và còn dốc túi ra đâu khoảng 3, 4 tờ giấy bạc năm ngàn có, năm trăm có, hai trăm cũng có, nhất định đưa tất cả cho tôi. Tôi bật cười mà suýt rơi nước mắt.

Vào khoảng giữa năm 1994, TAND quận Bình Thạnh đã kết án T. 12 tháng tù, H. 6 tháng tù (cho hưởng án treo). Nguyên nhân sự việc là T. va chạm xe với Th. - một người hàng xóm, dẫn đến cãi nhau, sau đó phát sinh ẩu đả. H. bị thương tật, tỉ lệ 7 % vĩnh viễn (do bị Th. chém vào đầu). Th. cũng bị thương tích nhẹ ở mặt. T., H., và Th. đều bị bắt tạm giam. Thoạt đầu, Viện KSND quận Bình Thạnh truy tố cả ba người, nhưng sau đó Th. lại được miễn truy tố. Vì thế, hai chị em T. và H. cho rằng bản án sơ thẩm không thỏa đáng nên đã làm đơn kháng cáo. Tháng 8/1994, TAND Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm, hủy bỏ án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về quận tiến hành điều tra lại từ đầu.

Khoảng 20 phút sau, bà mẹ trở lại tòa soạn cùng với cô con gái. Hỏi chuyện cô, tôi mới biết thêm một số điều. Tờ giấy mời đó đúng là giấy triệu tập lần 2. T. nói lần mời thứ nhất, cách đó mấy ngày, nhà cô cũng không có ai đi, chỉ viết mấy chữ báo lại là không đến được vì phải đi làm. Còn lần này T. cho biết, ngày mai mẹ cô sẽ thay mặt ba và em cô đi đến cơ quan điều tra! Tôi không khỏi băn khoăn. Một người bệnh tâm thần - cho dù là tâm thần dạng nhẹ - như bà đâu có thể đại diện cho ai được. (Trong khi ấy bà mẹ nói chen vào, rất hăng hái: “Tôi đi được! Tôi quen hết mấy ông ở trong đó...”). Lý do “bận đi làm” chắc chắn không phải là lý do chính, vậy thì tại sao? Tôi cố phân tích, thuyết phục cho T. và bà mẹ hiểu nếu như cả hai lần triệu tập ba cô và em cô đều không có mặt, thì chẳng khác nào gia đình cô không chấp hành pháp luật, cơ quan điều tra không tiến hành được công việc, như vậy sẽ chỉ bất lợi cho gia đình cô mà thôi. Nhưng T. vẫn khăng khăng. T. nói cô là con chim bị tên, thấy cành cong cũng sợ. Lần trước, công an đã mời cô và H. lên làm việc rồi tạm giam luôn mấy tháng. Cô cũng nói tại sao công an không mời cô và H., mà lại mời ba cô và thằng út - là những người chẳng có liên quan gì đến cuộc xô xát. Cô còn nói cô đã trải qua những cuộc làm việc với người điều tra viên, nên cô biết. Ba cô và em cô vốn hiền lành, không rành lời ăn tiếng nói, sẽ không thể nào trả lời được suôn sẻ những câu hỏi của cơ quan điều tra.

Cuộc nói chuyện không có kết quả. Không cách gì có thể làm cho cô gái xóa đi được ý nghĩ công an sẽ bắt nhốt ba và em cô, hay chí ít cũng sẽ ép cung. Năm lần tôi thuyết phục, giải thích, năm lần T. khăng khăng nói không thể để ba và em đi, mà sẽ chỉ cho bà mẹ đi thay. Không còn làm sao được nữa, tôi đành tiễn cô và bà mẹ ra về.

Trước đây, khi tôi đến nhà T. và H. để tìm hiểu thêm một số việc - khi ấy TAND Thành phố Hồ Chí Minh vừa mới tuyên bỏ hủy bỏ án sơ thẩm và yêu cầu tiến hành điều tra lại - cả nhà T. và H. đã nói với tôi rằng họ muốn “bỏ” không “khiếu nại” nữa, vì thấy rắc rối quá, hơn nữa thời gian đã qua gần một năm - bản án của họ cũng đã gần hết hiệu lực. Vì vậy, khi TAND quận xử lại, họ sẽ không ra tòa. Lúc đó, tôi đã phải giải thích đến khô cổ, rằng T. và H. phải chấp hành theo quyết định của bản án phúc thẩm, chớ không phải muốn “bỏ” là “bỏ” như suy nghĩ đơn giản của họ. Lần này cũng thế, tôi hình dung cơ quan điều tra sẽ phản ứng như thế nào khi hai lần gởi giấy mời cả hai lần những người trong gia đình T. đều không đến! Hành động đó sẽ dễ bị cho là chống đối, hoặc chí ít - cũng là thái độ coi thường luật pháp, nhưng thật ra trong lòng những người dân vốn không am hiểu lắm về luật pháp và suy nghĩ giản đơn ấy, đầy ắp một nỗi lo. Nỗi lo sợ ấy - cho dù là đúng hay không đúng - thì cũng vẫn là một nỗi lo có thật mà tôi đã làm hết sức, nhưng vẫn không xóa được.

Ở đời có những chuyện cứ tưởng vậy mà không phải vậy. Cũng như những trái me bà mẹ cho tôi. Me xanh thì ai cũng nghĩ là chua, nhưnhg những trái me này lại ngọt vì cái tình mà bà mẹ cho tôi. Thật vậy!