Lạc đường

Chương VIII. Kẻ bạc - Người hậu

Một buổi chiều, trời mưa rỉ-rả, gió thổi lao xao. Hiệp nằm trên bộ ván gõ nhỏ, ngó ra cửa sổ, thấy hột mưa lác-đác, hột nầy tiếp hột kia, như giọt nước mắt của trời nhỏ xuống, rồi lại thấy ngọn cây phía bên kia đường quặc xuống, ngóc lên như ai xô, ai đẩy, thì lòng ngao ngán, trí bàng-hoàng.

Cô Lê ở từng dưới đi lên lầu, rồi đi ngay lại chỗ Hiệp nằm, mắt ngó, miệng cười mà hỏi rằng: “Trời mưa dầm-dề từ hồi trưa đến giờ, vậy mà anh có lạnh hay không?”

Hiệp lật đật ngồi dậy đáp rằng: “Không. Trong mình tôi như thường, không biết lạnh nữa”.

Cô Lê kéo ghế ngồi ngay mặt Hiệp mà nói rằng:

- Trời nầy mà anh không biết lạnh thì chứng bịnh rét của anh, ông thầy thuốc trị đã dứt rồi. Em nói ông Ẩn giỏi lắm mà, anh coi phải thiệt ổng giỏi hay không?

- Ổng giỏi thiệt, nhưng mà ổng trị đã hơn ba tháng rồi…

- Thì hồi coi mạch lần đầu, ổng đã có nói bịnh của anh phải uống thuốc lâu lắm mới thiệt mạnh được. Em tưởng phải uống tám chín tháng hoặc một năm, té ra mới ba tháng mấy mà anh dứt được bịnh rét, vậy thì giỏi lắm chớ còn sao nữa?

- Không phải tôi nói ổng cho thuốc tới ba tháng mấy mới dứt bịnh rét đó là dở. Tôi biết chứng bịnh của tôi khó lắm, tôi sợ phải uống thuốc tới một hai năm kìa chớ, mà có khị trị không hết rồi phải chết nữa. Ngoài Chứa-chan nhiều người mang bịnh như tôi vậy, tôi thấy họ chết thiếu gì.

- Ừ, nếu anh biết như vậy, thì phải công nhận ông Ẩn là thầy thuốc giỏi chớ.

- Phải, tôi chịu ổng giỏi. Ý tôi muốn nói hơn ba tháng nay, tôi làm tốn hao của thím Hai nhiều quá.

- Thôi, anh cứ nói câu đó hoài, má em nghe đây má em buồn lắm.

- Xin cô để tôi nói hết cho cô nghe.

- Anh muốn nói việc gì em cũng chịu hết thảy; em chỉ xin anh đừng có nói tới chuyện đó, em buồn lắm vậy.

- Không nói sao đặng. Mấy tháng nay thím Hai đã nuôi cơm tôi, mà còn tốn tiền thuốc không biết bao nhiêu mà kể cho xiết. Rồi đây còn phải trả tiền coi mạch, tiêm thuốc cho ông thầy thuốc nữa, thiệt tôi ái ngại hết sức.

- Anh nói rồi phải không? Bây giờ anh phải cho em cãi lại. Má em tốn với anh chút đỉnh mà anh ái-ngại, vậy chớ bác Ba hồi trước giúp cho má em chôn cất cha em, mà rồi bác phải bị đày lưu đó, má em với em lại không ái-ngại hay sao?

- Cô đừng nhắc việc của ba tôi chớ. Hễ nhắc tới thì tôi buồn, tôi muốn chết phức cho rồi.

- Xin lỗi anh. Tại em ham cãi với anh, nên em quên dè-dặt. Mà em xin anh cũng đừng nói tới sự tốn hao nữa, hễ anh nói tới thì em cũng buồn lắm. Người ở đời, nếu biết nhơn nghĩa, thì phải thi ân báo đức vần công với nhau vậy mà. Em nói thiệt, nhờ Trời Phật cho má em làm ăn khá, nên có tiền mà tốn hao chút đỉnh với anh đó, em mừng lắm vậy.

- Người biết nhơn nghĩa như cô, thiệt là ít có. Để tôi mạnh rồi đây tôi cũng phải làm sao mà xử nghĩa lại tôi mới vừa lòng cho.

- Anh làm sao? Đâu anh nói nghe thử coi.

Cô Lê hỏi câu đó rồi liếc mắt ngó Hiệp, ý đợi coi chàng đáp thế nào. Hiệp ngó ra cửa sổ mà suy nghĩ một hồi rồi chẫm rãi đáp rằng: “Để mạnh rồi tôi kiếm công việc làm, mỗi tháng đem về cho thím Hai năm ba đồng cũng phải, miễn có như vậy thì tôi mới vừa lòng”.

Cô Lê thất vọng, cô châu mày buồn xo. Cô đứng dậy đi lại cửa sổ ngó xuống đường, xem giọt mưa lác-đác, lòng cô lạnh tanh. Cô đứng ngó xuống đường mà đáp với Hiệp rằng: “Anh đang mới vừa khá khá, còn ốm quá, mà tính đi làm việc gì! Anh nằm nhà mà chơi cũng có cơm ăn vậy mà, cần gì phải đi làm cho cực khổ”.

Hiệp cũng ngó chỗ khác, trí vẩn-vơ, lòng ngao ngán, nói bông lông rằng: “Làm người, mà nhứt là làm đờn ông con trai, thì phải lo làm ăn chớ... Mà trước hết phải đi kiếm dì tôi với con Hào coi...”

Cô Lê nghe mấy tiếng ấy thì cô day lại nói cứng cỏi rằng:

- Em không muốn anh nhớ tới bác gái với con Hào nữa! Em biểu anh bỏ đi, nhớ tới làm gì?

- Không nhớ sao được?

- Nếu anh cứ nhớ tới hai người đó hoài, thì làm sao uống thuốc cho mạnh được!

- Thiệt tôi cũng muốn vâng lời cô, ngặt vì con Hào là con của ba tôi, nghĩa là nó là em ruột của tôi.

Hiệp nói tới đó rồi cảm động nói không được nữa, nước mắt tuôn ra dầm-dề, phải lấy khăn mà lau.

Cô Lê lật đật trở lại ngồi trên cái ghế hồi nãy, nhìn Hiệp trân trân rồi cũng chảy nước mắt mà nói giọng bi ai rằng: “Em xin lỗi anh. Vì em thương anh nên em nặng lời, chớ chẳng phải em có ý chi khác. Xin anh nghĩ lại mà coi, mấy tháng nay anh về ở đây, anh đau nhiều lắm, em thấy anh bị rét rừng nên anh đau về phần xác đã nặng rồi, mà anh nhớ chuyện nhà của anh thì anh buồn bực, nên anh còn đau về phần trí nữa. Má em với em ráng sức nuôi anh, em làm cho bịnh phần xác của anh đã gần dứt được rồi, thì em mừng hết sức. Bây giờ còn cái bịnh phần trí của anh nữa, bịnh nầy gốc tại buồn rầu mà sanh ra, phải đốn cái gốc ấy thì trị bịnh mới mạnh. Tại vậy đó, nên em nghe anh nhắc tới bác gái với con Hào, thì em giận quá, phải nói nặng lời, anh hiểu không?”

Hiệp gật đầu đáp rằng:

- Tôi hiểu.

- Ừ, anh hiểu, thôi thì đừng thèm nhớ tới chuyện đó nữa; anh có buồn thì lấy nhựt-trình với tiểu-thuyết em mua đó mà đọc.

- Tôi cũng muốn nghe lời cô lắm, không thèm tưởng tới chuyện khốn nạn đó nữa, ngặt bụng tôi định như vậy, mà nó khiến cái trí không nổi. Trí bắt nhớ hoài hoài, tôi không biết làm sao quên được.

Cô Lê nhìn Hiệp rất lâu, rồi cô hội ý nên cười mà nói rằng:

- Em tìm được phương thuốc hay rồi, chắc sẽ trị cái bịnh buồn của anh được.

- Phương thuốc gì?

- Để em nói với má em cưới vợ cho anh, hoặc may anh mới hết buồn.

- Ý, sao được.

- Sao lại không được? Năm nay anh đã 19, 20 tuổi rồi, cưới vợ phải lắm chớ. Anh có vợ, chắc trí anh mắc thương vợ mà quên các chuyện khác hết...

- Tình thương vợ làm sao mà hơn tình thương cha cho được, nên cô chắc có vợ rồi quên cha?

- Phải, tình thương vợ không thế nặng hơn tình thương cha được. Mà hai tình đều khác nhau, so sánh sao cho được. Anh có vợ, tuy không phải anh thương vợ mà quên cha, nhưng mà có vợ tự nhiên anh vui thú vợ con, rồi trí khuây lãng, bớt nhớ chuyện buồn về nỗi cha hay là em nữa.

- Ý của cô thiệt là tốt, mà cái chước của cô bày đó, tôi coi không hay. Ngày nào ba tôi còn mắc chốn lao tù, thì tôi có lòng dạ nào mà nỡ cưới vợ. Đã vậy mà cái trí của tôi bị bịnh sầu não, nếu tôi cưới vợ thì tôi sợ chứng bịnh của tôi đã không tuyệt, mà nó còn truyền nhiễm lây cho một người thiếu-nữ vô tội, thì tội nghiệp cho người ta biết chừng nào.

- Nếu có người thiếu-nữ sẵn lòng thương anh, không sợ nhiễm cái bịnh của anh, tình nguyện hiệp chung cái đời vui vẻ của họ với cái đời buồn thảm của anh, đặng kiếm phương thế mà trị cái bịnh của anh, dường ấy anh cũng không chịu nữa hay sao?

- Tôi đâu nỡ vị kỷ đến nỗi làm hư hại cái đời vui vẻ tốt đẹp của người hảo tâm như vậy.

Cô Lê lắc đầu, rồi đứng dậy hỏi lảng rằng:

- Hộp thuốc để tiêm cho anh đã hết rồi, hồi sớm mới anh đi tiêm thuốc, ông thầy thuốc có biểu mua hay không?

- Ổng có nói với tôi rằng tiêm đã nhiều rồi, thôi để nghỉ ít ngày; nếu rét không tái lại, thì chẳng cần phải tiêm nữa.

- Còn thuốc uống?

- Ổng biểu cứ mỗi đêm uống một viên ký-ninh[1] mà thôi.

- Nếu vậy thì mỗi ngày khỏi phải lại cho ông coi mạch nữa?

- Thôi.

- Anh thèm mì không? Để em sai con Hà đi nấu cho anh ăn nghe?

- Cám ơn. Ông thầy thuốc dặn phải cữ ăn một ít lâu, nhứt là phải cữ đồ có dầu mỡ.

- Cữ mỡ, thôi thì ăn đồ ngọt.

- Thôi, ăn làm chi, tôi không đói.

- Ông thầy thuốc đã cho phép anh đi chơi hay chưa?

- Ổng nói đi chơi đặng rồi.

- Hứ, ổng giỏi mà ổng cho phép như vậy, em không phục. Đi chơi rủi bị mưa gió rồi bịnh phát lại mới làm sao? Em cấm, không cho anh đi đâu hết. Chừng nào em liệu ra ngoài được rồi em sẽ cho phép.

- Cô gắt hơn thầy thuốc sao?

- Phải, em gắt lắm. Ông thầy thuốc coi mạch định thuốc, còn em thì lo điều dưỡng. Em cũng có quyền như ổng vậy chớ.

Cô Lê nói câu sau đó và vừa liếc, vừa đi xuống thang lầu. Hiệp ngó theo lững đững lờ đờ, rồi nằm xuống lấy khăn đậy cặp mắt lại.

Một bữa, lối 3 giờ chiều, thím Hai Tiền sai cô Lê đi với một cô thợ may vô Chợ-lớn mua hàng. Cô Lê ra khỏi nhà rồi, thì Hiệp nói với Hai Tiền cho chàng đi chơi một chút. Hai Tiền thấy trời tốt, lại cũng muốn cho Hiệp giải trí, nên cho Hiệp đi chơi và mở tủ lấy cho một đồng bạc để đi xe.

Hiệp sợ lại gare Đakao mà đi xe điển, rủi gặp cô Lê rồi cô không cho đi, nên chàng đi bộ xuống Bến Thành rồi đi xe điển đường trong mà vô Chợ-quán. Chàng đi thủng thẳng lại đường Nhà Thờ rồi thơ thẩn kiếm nhà Ba Trâm. Chàng đi ngang qua một cái nhà nhỏ mà đẹp, đàng trước có sân, lại có một cái xe hơi đương đậu dựa thềm. Chàng ngó trước dòm sau, thấy cái nhà nầy giống y như lời của cô Lê chỉ vẽ hôm nọ, nên chàng nghi là nhà của Ba Trâm. Chàng đương đứng ngoài đường ngó vô, bỗng thấy Ba Trâm y phục toàn một màu nước biển, mặt dồi phấn trắng nõn, môi thoa son đỏ lòm, chẳng khác nào một cô gái mới lớn lên, trong nhà bước ra đứng dựa bên xe hơi, rồi kế một người đờn ông, mặc âu phục, cũng trong nhà đi ra đứng khít một bên đó, hai người nói chuyện vui cười. Người đờn ông lại lấy tay sửa dây chuyền, vuốt mái tóc cho Ba Trâm.

Hiệp thấy bức tranh nầy, liền nhớ bức tranh khác cũng đem treo trước mắt mình trong một đêm nọ, cách năm năm trước, thì tay chơn lạnh ngắt mà trong ngực hừng hực, cặp mắt chóa lòa. Chàng dợm xốc đi vô cửa ngõ, kế thấy cặp ấy bước lên xe hơi rồi xe rút chạy ra. Hiệp đứng tránh một bên cửa ngõ, mà cặp mắt ngó xe hơi lườm lườm. Xe ra tới, Hiệp cũng thấy Ba Trâm ngó mình trân trân, mà xe cứ thẳng ra đường rồi chạy tuốt.

Lúc ấy Hiệp như ngây, như dại, không còn trí khôn gì nữa, nên không biết tính lẽ nào, không biết phải đi đâu.

Chàng ngồi chồm hổm trên lề đường, vừa giận, vừa buồn, vừa thẹn thùa, vừa khinh bỉ. Cách chẳng bao lâu, có một người trai ở trong đi ra đóng cửa ngõ. Hiệp bước lại hỏi rằng:

- Nhà nầy phải nhà cô Ba Trâm hay không vậy anh?

- Phải. Hỏi chi vậy?

- Tôi bà con với cô, nên kiếm thăm cô.

- Cô tôi đi Vũng-Tàu hứng gió, không có ở nhà. Xe mới đi hồi nãy đây.

- Té ra xe mới chạy ra đó là xe của cô Ba Trâm hay sao?

- Phải.

- Vậy mà tôi không dè chớ. Tôi thấy có một người đờn ông ngồi trên xe nữa.

- Ừ, cô đi với ông Hội-đồng.

- Ông Hội-đồng nào?

- Ông Hội-đồng ở dưới Mỹ-Tho, là chồng của cô, bà con sao mà không biết?

- Bà con mà không gặp lâu rồi rồi, nên tôi không hay cô Ba có chồng.

- Đụng ông Hội-đồng đã gần một năm rồi.

- Tôi không hay. Ông Hội-đồng đó tên gì vậy anh?

- Anh hỏi nhiều quá. Muốn biết tên gì thì anh đợi cô về anh hỏi cô.

- Không biết cô Ba đi hứng gió chừng nào mới về?

- Cái đó tôi không hiểu. Mà cô tôi đem quần áo theo nhiều nên tôi chắc ở lâu.

- Còn cô Hào ở đâu mà không đi chơi với cô Ba?

- Cô Ba nhỏ không chịu đi Vũng-Tàu, nhưng mà cô đi chơi chớ không có ở nhà.

- Đi chơi đâu?

- Đi đâu ngoài Sàigòn.

Hiệp nghĩ Ba Trâm đi hứng gió, bỏ Hào ở nhà một mình, vậy thì chàng có thể gặp em đươc, nhưng mà Hào đi chơi không biết chừng nào về mà chờ, nên chàng từ giã tên trai đóng cửa đó mà đi, tính mai mốt sẽ trở vô kiếm Hào.

Lại gare xe điển mua giấy trở ra Sàigòn, thấy đồng hồ chợ mới chỉ 5 giờ, nghĩ còn sớm, nên thả đi chơi một vòng rồi sẽ về Đất-hộ.

Hiệp đi gần tới một nhà hàng bán rượu ở đường Bonard, bỗng thấy một cái xe hơi mới ngừng ngay trước cửa nhà hàng, rồi trên xe bước xuống hai cô y-phục thiệt đẹp, với hai thầy con trai, mà trong hai cô ấy có một cô gương mặt giống in con Hào.

Bốn người đi vô nhà hàng ngồi chung một bàn, rồi kêu bồi lấy rượu, hai cô giỡn với hai thầy, nói cười ngả-ngớn. Hiệp đứng ngoài nhìn coi, thấy rõ một cô là con Hào, bèn men men đi vô đứng một bên cô đó rồi cúi xuống nói nhỏ rằng: “Em, anh có vô trong nhà mà không gặp em”.

Cô Hào ngước lên ngó Hiệp rồi nghiêm nét mặt và nạt rằng:

- Ê! Em nào nà! Tôi có biết chú là ai đâu, chú lầm rồi.

- Coi kìa! Anh là Hiệp đây, em quên hay sao?

- Tôi nói chú lầm rồi, tôi không biết Hiệp Hẹo nào hết.

Cô Hào đứng dậy la lớn rằng: “Sao chú dám đến chỗ nầy mà làm nhục tôi? Chú muốn tôi kêu lính bắt chú hay sao? Đồ khốn nạn! Đi ra cho mau”.

Hai thầy cũng đứng dậy vừa xô Hiệp vừa bảo rằng: “Đi đi”.

Hiệp giận, cặp mắt đỏ au, tay run bây bẩy, vừa đi ra đường vừa nói lầm bầm rằng: “Phải! Khốn nạn. Khốn nạn thiệt mà! Hèn chi cô Lê không muốn cho tôi đi chơi phải lắm”.

Hiệp trở ra gare mua giấy xe điển mà về Đakao. Về tới tiệm, Hiệp đi thẳng lên lầu, mà vừa lên hết cái thang thì gặp cô Lê đứng cản đường. Cô hỏi rằng: “Sao anh thừa dịp em đi khỏi, anh lén em mà đi chơi? Anh đi đâu từ hồi ba giờ cho tới bây giờ?”.

Hiệp rưng rưng nước mắt mà đáp rằng: “Tôi dại hơn cô nhiều lắm. Cô biết trước nên cô không muốn cho tôi đi, mà tôi cãi lời cô, nên tôi mới phải gặp cái cảnh đau đớn nhục-nhã như vầy. Tôi xin cô tha lỗi cho tôi”.

Cô Lê nhìn Hiệp rồi chắc lưỡi lắc đầu nói xuôi rằng: “Thôi rồi! Tôi giữ hết sức mà cũng không khỏi! Ối! Mà cũng nên mổ cái mụn nhọt đó một lần cho rồi, thà đau một lần, mà rồi nó lành, chớ để nói nhức ngấm ngầm khó chịu lắm”.

Hiệp đi lại bộ ván nhỏ, chỗ chàng ngủ đó mà ngồi, rồi chống hai tay lên trán mà khóc.

Cô Lê để cho Hiệp khóc một hồi thiệt lâu đặng phai bớt nước sầu não, rồi cô mới lại ngồi trước mặt, lấy lời dịu ngọt mà hỏi coi buổi chiều ấy Hiệp đi đâu, gặp ai, hay là nghe thấy những việc gì, mà về phải đau đớn trong lòng đến thế. Hiệp to nhỏ tỏ thiệt lại cho cô Lê nghe việc mình đi vô nhà Ba Trâm, thấy Ba Trâm mà cô không thèm hỏi, hay Ba Trâm có chồng là một ông Hội-đồng ở dưới Mỹ-tho, gặp cô Hào ngồi nhà hàng với trai, mình vô chào cô, mà cô không nhìn nhận, lại mắng nhiếc và hăm kêu lính bắt.

Cô Lê nghe rõ đầu đuôi rồi cô thở ra mà nói rằng:

- Em vẫn biết ý anh muốn thấy rõ ràng cái bạc của bác Ba với cái hư của con Hào. Mà em nghĩ, anh thấy rõ rồi anh càng thêm buồn, rồi sợ anh đau lại, vì vậy mà em không muốn cho anh thấy, nên em không muốn cho anh đi chơi. Nay anh nghĩ coi có phải anh thấy đã vô ích, lại thêm hại hay không?

- Phải lắm, phải lắm, hại thiệt. Mấy tháng nay tôi nghe nói con Hào hư, nhưng mà nó với tôi có tình cốt nhục, nên dầu thế nào tôi cũng thương nó hoài, chớ chi tôi nghe lời cô, tôi không ra khỏi nhà, tôi không gặp nó, thì cái tình anh em vẫn còn phưởng-phất, tôi còn có chỗ nương dựa trí mà nhớ gia đình. Tôi cãi lời cô làm chi, mà tôi gặp con Hào cho nó dứt cái tình anh em ấy như vầy. Trời ơi! Bây giờ trí tôi như người chơi vơi giữa biển, nhìn tứ phía mênh-mông, không bờ, không bến, tôi biết níu cái gì mà sống, đặng gặp mặt ba tôi!

Hiệp nói tới đó thì khóc dầm, nằm chúi xuống ván, lạnh run lập cập.

Cô Lê lật đật xổ mền mà đắp cho Hiệp và nói rằng: “Còn em đây chi. Anh níu mà sống được chớ”.

Hiệp ngó cô Lê rồi gật đầu đáp rằng: “Cám ơn cô”.