Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh

Chương 4: Chìa Khóa Của Sức Mạnh Tuyệt Đối

“Bất cứ ai cũng có tiềm năng làm được những gì mà tôi đã làm và còn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, sẽ có những người thật sự làm được như vậy, trong khi những người khác thì không. Với những người không làm được thì bởi vì chính họ ngăn cản mình chứ không phải cuộc đời này không cho phép họ làm điều đó.” – Warren Buffett, Chủ tịch tập đoàn Bershire Hathaway

Nếu bây giờ tôi nói với bạn rằng: “Bạn có thể làm chủ cuộc sống của mình. Bạn có thể ở vào vị trí đầy quyền lực để thay đổi bất cứ điều gì không mong muốn trong đời mình. Bạn cũng có khả năng thay đổi những người chung quanh, kết quả công việc, hoặc thậm chí cả cảm xúc của bạn nữa”, bạn sẽ nghĩ thế nào?

Mọi việc nghe như có vẻ như quá tuyệt vời đến mức... khó tin được phải không? Tuy nhiên, tôi buộc phải nói rằng, những điều đó có thể biến thành sự thật đối với bạn ngay sau khi bạn đọc xong chương sách này.

Hầu hết mọi người đều tin rằng, sức mạnh, quyền lực và khả năng kiểm soát là những thứ rất hạn chế và chỉ dành cho một nhóm người nhờ vào tài năng phi thường, khả năng kinh doanh thiên bẩm hoặc được thần may mắn chiếu cố. Họ tin rằng đại đa số những người còn lại sinh ra dưới ngôi sao chiếu mệnh đen đủi, và cuộc đời họ như ngọn cỏ hoàn toàn tùy thuộc vào những ngọn gió ngẫu hứng vần vũ thay đổi chung quanh. Kinh tế suy thoái, khủng hoảng tín dụng, các công ty bị phá sản, thu nhập giảm sút,... tất thảy đều là những “cơn gió chướng” có thể nổi lên bất kỳ lúc nào.

Chính vì suy nghĩ như thế mà đa số mọi người cảm thấy mình yếu đuối và bất lực trước những tác nhân bên ngoài. Họ nghĩ, “Chỉ có sếp mới là người quyết định xem mình có được tăng lương năm nay hay không”, hoặc “Chính sách nhà nước về lãi suất ngân hàng sẽ quyết định doanh thu của công ty mình”,... Thậm chí ngay cả một số chủ doanh nghiệp còn thật sự tin rằng thành công của họ hoàn toàn phụ thuộc vào đội ngũ nhân viên mà họ tuyển được. Bạn đã nghe ai nói thế này chưa? “Giá như tôi có được đội ngũ nhân viên có năng lực và trung thành thì chuyện làm ăn của tôi đã không gặp nhiều khó khăn đến vậy”.

CHỊU TRÁCH NHIỆM HOÀN TOÀN VỀ CUỘC SỐNG CHO BẠN SỨC MẠNH TUYỆT ĐỐI

Thật ra bạn không cần phải có nhiều tiền hay ở một địa vị xã hội cao mới có thể kiểm soát được những gì đang diễn ra. Trong thực tế, nhiều người đứng ở vị trí lãnh đạo tối cao vẫn không kiểm soát được mọi việc, và vì vậy mà gây ra hậu quả nghiêm trọng. Thế gian này đâu có thiếu những ông tổng giám đốc chỉ biết đứng trơ ra nhìn với ánh mắt tuyệt vọng khi giá trị cổ phiếu của công ty họ rớt giá thảm hại trong lúc thị trường đi xuống. Hãy nghĩ đến những vị tướng đứng đầu quân đội Mỹ đem quân chiếm đóng Iraq để rồi phát hiện ra rằng, thay vì được đón chào như những người anh hùng giải phóng nhân dân Iraq khỏi chế độ độc tài, thì họ lại bị xem như một đội quân xâm lược. Bạn có nghĩ là ở vị trí quyền lực như thế, họ có kiểm soát được tình hình hay không? Rõ ràng là không.

Cho nên, dù là một người vô cùng quan trọng hay chỉ là người bình thường, ai cũng bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xung quanh. Nhưng điều quan trọng hơn cả là ai cũng có năng lực thay đổi cách chúng ta phản ứng với hoàn cảnh, và nhờ thế mà thay đổi mọi thứ trong đời mình.

Bí quyết: bạn phải đứng ra gánh vác trách nhiệm giải quyết tất cả những gì xảy ra cho mình. Đúng thế đấy, khi bạn có đủ can đảm làm như vậy, điều đó có nghĩa là bạn thừa nhận sự thật rằng: bạn mới là người tạo ra những gì xảy ra trong đời mình. Và nếu bạn có quyền năng quyết định mọi chuyện, thì bạn sẽ có đủ sức mạnh để thay đổi kết quả theo cách bạn mong muốn. Vì thế, hãy can đảm gánh vác toàn bộ trách nhiệm cho những gì xảy ra với mình, trong tư thế của một người quyền lực tuyệt đối có thể thay đổi kết quả.

Phương châm: Chừng nào bạn chịu trách nhiệm hoàn toàn về một việc gì đó thì chừng ấy bạn có quyền kiểm soát nó.

Ví dụ: Nếu bạn dám chịu trách nhiệm về việc mình chỉ lãnh được đồng lương rẻ mạt, điều đó có nghĩa là bạn thừa nhận một thực tế rằng, những hành động và quyết định trong quá khứ của bạn đã dẫn đến việc bạn chỉ nhận được đồng lương đó ngày hôm nay. Khi nhận lãnh trách nhiệm và chấp nhận sự thật đó, bạn sẽ bắt đầu nhìn nhận vấn đề theo một cách khác, và bỗng nhiên, bạn có nhiều quyền kiểm soát hơn là chỉ... than thở. Bạn sẽ thấy rằng, có lẽ do bạn chưa thể hiện tính năng động sáng tạo để xứng đáng hưởng thù lao cao hơn, hoặc giả bạn chưa chứng minh cho sếp thấy những giá trị thật sự của bạn, hoặc cũng có thể bạn đã chọn vào làm việc cho một công ty không đánh giá đúng năng lực thật sự của bạn. Cho dù vấn đề của bạn là gì đi nữa, thì khi bạn dám chịu trách nhiệm về nó, bạn lập tức đặt mình vào vị trí đầy quyền lực để làm một cái gì đó và thay đổi hoàn cảnh hiện tại.

Nếu bạn cảm thấy mình chưa đủ năng động sáng tạo, bạn có thể tích cực nâng cao giá trị bản thân bằng cách đọc thêm sách hoặc tham gia các khóa học hữu ích. Nếu thấy sếp chưa đánh giá đúng năng lực của mình, bạn có thể xung phong đảm nhận các dự án khó khăn để chứng tỏ bản thân. Nếu thấy công ty chưa đánh giá đúng khả năng của mình, bạn có thể thương lượng với công ty về việc tăng lương, hoặc đơn giản là đi tìm một công việc khác, nơi bạn có thể nhận được đồng lương xứng đáng hơn.

Rõ ràng, khi bạn bắt đầu chịu trách nhiệm về những gì xảy đến với mình, bạn sẽ có sức mạnh để thay đổi hoàn cảnh của mình. Trong ví dụ trên, nếu bạn chọn hành động một cách phù hợp (thay vì chỉ biết than vãn về đồng lương còm cõi và đổ thừa sếp), tình trạng thu nhập của bạn chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực.

VIỆN LÝ DO VÀ ĐỔ LỖI CHO NGƯỜI KHÁC TƯỚC ĐI SỨC MẠNH CỦA BẠN

Tuy vậy, điều đáng buồn là hầu hết mọi người hành động theo cách mà qua đó, họ vô tình cho phép người khác hoặc hoàn cảnh làm chủ cuộc sống của họ. Khi có việc gì đó không hay xảy ra, họ chọn cách tìm đủ mọi lý do để biện minh, đổ trách nhiệm cho người khác và than vãn cuộc đời bất công. Vấn đề là ở chỗ, khi làm như vậy, họ chọn để cho người khác hoặc hoàn cảnh kiểm soát cuộc đời mình, còn mình thì mãi đóng trọn vai trò của một nạn nhân hoàn toàn bất lực.

Nếu một người nghĩ rằng nền kinh tế vĩ mô hoặc ông sếp ngu ngốc có lỗi trong việc anh ta nhận được đồng lương ít ỏi, hay phải làm một công việc chán chết, thì tức là anh ta đang cho phép những yếu tố bên ngoài kiểm soát cuộc đời mình, và rồi chỉ còn biết ngồi đó mà chờ cho đến khi nền kinh tế khởi sắc, hoặc ông sếp đột nhiên trở nên khôn ngoan hơn. Đó là lý do chính khiến nhiều người có cảm giác hoàn toàn bất lực không có cách gì điều khiển, can thiệp hay kiểm soát những việc xảy đến với mình.

Họ không ngừng nói với bản thân những câu như, “Khủng hoảng khiến mình lâm vào khó khăn tài chính”, “Chính vì công ty ngu ngốc và bọn đồng nghiệp ngớ ngẩn mà mình ngày nào cũng có cảm giác khốn khổ thế này”, “Lũ con mình lười biếng hết chỗ nói, thật hết chịu nổi”, “Tôi chẳng có lúc nào dành riêng cho mình cả, thiên hạ cứ mặc sức dồn ép tôi”, “Khách hàng luôn làm cho tôi khốn đốn, bọn họ thật vô lý”, “Trời ơi, chồng tôi khiến tôi phát điên lên mất ...”, vân vân... và vân vân...

“Mọi người phải thay đổi hoặc hoàn cảnh phải khá hơn... thì mọi việc mới khả dĩ hơn đối với tôi”... Nhưng này, có phải thật sự như thế không?

Những người nghĩ mình là nạn nhân tin rằng, chỉ có một cách khiến cho cuộc sống của họ khá hơn là khi những người xung quanh trở nên tốt hơn, khi công việc cũng như môi trường xã hội được cải thiện.

“Giá như tôi có nhiều thời gian hơn”, “Ước gì chồng tôi hiểu chuyện hơn”, “Phải chi ông sếp của tôi đi sớm!”, “Giá như thằng con trai tôi có động cơ học tập tốt”, “Giá mà tôi có được những khách hàng tử tế hơn”,... Cả một danh sách dài những điều ước như vậy.

Chừng nào bạn còn nghĩ rằng những điều không như ý không hề là trách nhiệm của mình, và rằng không phải bạn mà là một điều gì đó bên ngoài cần thay đổi, thì chừng ấy bạn còn mang mãi trên mình cảm giác yếu đuối bất lực. Bằng cách tiếp tục đóng trọn vai trò nạn nhân, bạn sẽ hoàn toàn dựa dẫm vào lòng nhân từ của người đời và “độ may mắn” của những sự việc khách quan. Thế nhưng...

Trong phần lớn trường hợp, thế giới và cuộc sống của bạn sẽ không thay đổi... trừ khi bạn thay đổi trước!

Phải! Và khi bạn bắt đầu thay đổi, điều đó được ví như bạn tháo mảnh vải đen đang bịt mắt mình xuống để bắt đầu dũng cảm tiến về phía trước.

 

VẬY TẠI SAO CÓ QUÁ NHIỀU NGƯỜI CHỌN TRỞ THÀNH “NẠN NHÂN”?

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao có nhiều người chọn cho mình vai trò nạn nhân? Thật ra, bạn đọc và nghe chuyện của những “nạn nhân” này hàng ngày. Đó là chuyện về: một kẻ đáng thương vừa bị mất việc sau khi đã cống hiến những năm tháng tuổi trẻ của mình cho công ty, một người vợ thường xuyên bị hành hạ bởi ông chồng nát rượu, một doanh nhân tội nghiệp với cơ ngơi tan tành theo mây khói trong cuộc khủng hoảng kinh tế, một cặp vợ chồng đáng thương bị kẻ gian lừa đảo mất hết tiền bạc,...

Tôi không muốn tỏ ra lạnh lùng nhẫn tâm, nhưng chừng nào những người này còn tự thuyết phục mình rằng họ chính là nạn nhân của hoàn cảnh, thì họ sẽ không bao giờ có khả năng làm chủ cuộc đời mình. Và như thế, họ cũng không thể rút ra được bài học kinh nghiệm cho chính mình, không thể tiếp tục tiến lên phía trước, và càng không thể thay đổi đời mình vì những điều tốt đẹp hơn.

Nhiều người trong chúng ta để mình rơi vào tình trạng nạn nhân hết lần này đến lần khác. Ngay chính bản thân tôi cũng từng có đôi lúc như thế. Vâng, bởi vì lựa chọn dễ dàng nhất trong hoàn cảnh khó khăn là để mình rơi vào vai trò của một nạn nhân tội nghiệp.

Bạn có quen người nào liên tục dè bỉu chê bai ông chủ hay đồng nghiệp của mình, nói xấu người bạn đời, chửi cả xã hội loài người, cũng như chính phủ nước mình không? Rõ ràng, dù trong bất kỳ vai trò nào: một nhân viên, một thành viên trong gia đình, một thành viên của xã hội, hay một công dân, lúc nào họ cũng là... “nạn nhân đáng thương”.

Thế còn bạn thì sao? Bạn có bao giờ cảm thấy mình bị lừa đảo hay lợi dụng? Bạn có bao giờ cảm thấy mình bị đối xử không công bằng? Bạn có bao giờ cảm thấy mọi người xung quanh chưa nhận ra giá trị của bạn? Và bạn thường có phản ứng ra sao? Hầu như tất cả chúng ta, vào lúc này hay lúc khác, đều từng ca thán với bạn bè mình rằng, “Đâu phải lỗi tại tôi! Người kia mới là người có lỗi!”.

Tại sao con người luôn có khuynh hướng làm như thế? Đó là bởi vì khi làm như vậy, chúng ta cảm thấy “an toàn” hơn! Với tư cách là nạn nhân, chúng ta sẽ nhận được nhiều sự cảm thông của người đời. Với lại khi làm thế, ta có cảm giác yên tâm rằng, ta làm đúng và có lý lẽ để biện minh cho hành động của mình.

Đôi khi than vãn thậm chí còn trở thành... liệu pháp tâm lý. Sau tất cả những lời than thân trách phận, chúng ta thật sự cảm thấy như cất đi được gánh nặng cảm xúc đè nặng trên ngực mình.

Tuy nhiên, đã đến lúc bạn cần phải biết một sự thật rằng, mặc dù việc đóng vai trò nạn nhân khiến bạn có cảm giác được bù đắp phần nào, thì cái giá của nó cũng rất đắt. Chừng nào bạn còn đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc ai đó đã gây ra những khó khăn cho mình, thì bạn cũng đang dần tự hủy hoại quyền lực tuyệt đối của bản thân để làm chủ cuộc đời mình và thay đổi nó.

Dĩ nhiên, khi tôi nói đến chuyện chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những gì xảy ra, tôi không có ý muốn nói là bạn phải tự trách móc bản thân. Chịu trách nhiệm và tự trách mình là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nhiều người có xu hướng đổ lỗi cho mình về tất cả mọi chuyện – nhưng đó càng không phải là cách.

Tự đổ lỗi rồi trách móc bản thân đủ điều có nghĩa là bạn đang tự đánh mình tơi tả với những cảm giác day dứt ân hận, nên bạn chỉ càng mang nặng trong lòng cảm giác khổ sở, bất lực và tuyệt vọng, mà chẳng giải quyết được gì. “Đó là lỗi của tôi! Tôi ngu ngốc! Tôi đúng là kém cỏi! Tôi hết thuốc chữa!...

Tự đổ lỗi và sỉ vả mình hoàn toàn không phải là cách đứng ra chịu trách nhiệm cho tất cả mọi việc. Chịu trách nhiệm có nghĩa là bạn ý thức được rằng, những lựa chọn bạn đưa ra trong quá khứ dẫn đến kết quả ngày hôm nay. Vì thế, thay vì cảm thấy tồi tệ, bạn đặt mình vào tâm thế tích cực, bạn sẽ can đảm lựa chọn hướng đi của mình (thay vì để cho cuộc đời đưa đẩy) bởi vì bạn hiểu điều đó sẽ quyết định tương lai của bạn. Cho nên, hãy chịu trách nhiệm về những gì bạn đang đối diện ngày hôm nay, về cả những cảm xúc của bạn, và về những mối quan hệ của bạn với người chung quanh.

Nếu con cái của bạn lười biếng và hỗn láo, bạn hãy đứng ra chịu trách nhiệm về cách mà bạn làm cha làm mẹ trong quá khứ, và tìm cách tăng cường kỹ năng làm cha mẹ của mình ngày hôm nay. Nếu nhân viên của bạn trốn việc và không tận tâm với công ty, bạn hãy chịu trách nhiệm cho việc bạn chưa đánh thức được lòng đam mê công việc nơi họ hoặc chưa đối xử với họ đúng cách, và tìm cách tăng cường kỹ năng làm sếp của mình. Nếu đồng nghiệp không quý mến bạn, bạn hãy chịu trách nhiệm về việc bạn đã không giao tiếp và làm việc với họ theo đúng cách họ mong muốn trong quá khứ, và tìm cách cải thiện khả năng giao tiếp của mình hoặc chuyển đến một công ty mới phù hợp với phong cách của bạn hơn. Nếu bạn không có thời gian rảnh, hãy lãnh lấy trách nhiệm về việc bạn đã không quản lý thời gian của mình hiệu quả, và bắt đầu học cách quản lý thời gian từ bây giờ. Nếu bạn bị công ty sa thải, hãy chịu trách nhiệm cho việc bạn chưa làm gì giúp bạn trở thành một phần không thể thiếu của công ty, và coi đó là cơ hội để bạn làm tốt hơn trong lần tới. Nếu khách hàng của bạn tỏ ra vô lý, bạn hãy chịu trách nhiệm cho cách thức mà bạn đối xử với họ, và tìm kiếm một cách phù hợp hơn. Thậm chí, nếu bạn giận dữ và tuyệt vọng, bạn hãy nhận lấy trách nhiệm rằng bạn đã không biết cách làm chủ cảm xúc tiêu cực đang sôi sục trong lòng, và học cách quản lý những cảm xúc của mình tốt hơn.

Trong mọi hoàn cảnh, thay vì nhanh chóng biến mình thành một nạn nhân, bạn hãy cho phép mình có quyền tự hỏi: “Mình nên làm khác đi như thế nào để xoay chuyển tình thế này?”. Và ngay chính lúc đó, thay cho sự bất lực và tuyệt vọng, bạn sẽ cảm thấy một sức mạnh hay quyền lực mới đối với cuộc sống của chính mình.

CHỊU TRÁCH NHIỆM HOÀN TOÀN VỀ NHỮNG VIỆC MÌNH LÀM VÀ HỆ QUẢ CỦA NÓ

“Xin đừng ngồi đó mà mong mọi việc sẽ tốt hơn, hãy làm cho mình tốt hơn.” – Jim Rohn

Khi tôi viết quyển sách đầu tiên, “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!”, tôi thật sự phấn khích khi một nhà xuất bản uy tín có tên tuổi nổi như cồn đã đồng ý xuất bản nó. Tôi thật lòng tin rằng, với thành tích và kinh nghiệm lâu năm của họ, việc tiếp thị và phát hành sách của tôi sẽ tiến triển tốt đẹp. Tôi cũng tin rằng, với những nỗ lực tiếp thị hiệu quả, quyển sách này sẽ trở thành sách bán chạy nhất trong vòng vài tháng.

Tuy vậy, những gì xảy ra sau đó chỉ là nỗi thất vọng nối tiếp thất vọng. Nhà xuất bản ấy chẳng hề nỗ lực chút nào trong việc tiếp thị quyển sách của tôi. Họ không tổ chức bất cứ một buổi điểm sách, giới thiệu sách, nói chuyện về sách, hay bất cứ một sự kiện nào để quảng bá sách cả. Không những sách của tôi được phát hành chậm hơn lịch thông báo cho các nhà sách, mà quyển sách cũng chỉ được phân phối tại một số nhà sách nhỏ ở vùng hẻo lánh. Thậm chí, ngay tại những nhà sách nhỏ ấy, sách của tôi cũng chỉ được xếp trên những giá sách ở chỗ khuất, và cũng chẳng có mẩu thông tin hay quảng cáo nào để báo cho độc giả biết rằng quyển sách của tôi tồn tại. Ngoài ra, họ cũng chẳng buồn bán sách của tôi qua mạng, thông qua Amazon hay bất cứ cửa hàng sách trực tuyến nào. Kết quả tất yếu là quyển sách của tôi mãi nằm ỳ trên kệ với sức bán hầu như không đáng kể.

Tôi thất vọng và giận dữ ghê gớm. Tôi tin rằng mình đã dày công viết một quyển sách tuyệt vời, mà loay hoay thế nào tôi lại bị nhà xuất bản lừa cho một vố. Lúc đầu, tôi chọn làm một... nạn nhân của việc ấy. Tôi chỉ biết đi loanh quanh than phiền về nhà xuất bản dốt nát kia đã làm hỏng sự thành công của quyển sách. Mỗi khi bạn bè lên tiếng hỏi về quyển sách, tôi lại bắt đầu ca bài: “Đó là lỗi của họ. Nếu họ làm ăn tử tế và có trách nhiệm thì sách tôi đã lọt vào danh sách bán chạy nhất từ lâu lắm rồi”.

Điều tệ hại nhất của việc này là khi tôi khiếu nại với nhà xuất bản, họ nói rằng họ không thể làm bất cứ điều gì bởi vì họ không có kinh phí cho việc tiếp thị sách, và ngân sách dành cho tiếp thị chỉ dùng cho những cuốn từ điển và sách tham khảo dùng trong nhà trường. Vì là một tác giả mới toanh không có chút kinh nghiệm hoặc quyền lực nào để thương lượng một hợp đồng có lợi cho mình, tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực. Tôi không thể làm gì để cứu vãn tình thế. (Nhưng đó không phải là sự thật, đó chỉ là điều tôi nghĩ.)

May thay, cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng mình đã đóng rất tốt và rất tròn “vai” nạn nhân trong chuyện này. (Đúng vậy, chúng ta thật dễ dàng rơi vào cạm bẫy êm ái của vai trò nạn nhân). Tôi hiểu rằng, cho dù tôi có than phiền và đổ lỗi cho nhà xuất bản bao nhiêu đi nữa, thì tôi vẫn ở trong tình thế không có chút sức mạnh nào. Như thế tôi đã tiêu tốn thời gian và trí tuệ của mình một cách lãng phí.

Chừng nào tôi còn tiếp tục đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh, chừng ấy quyển sách của tôi còn nằm yên trên kệ sách (thậm chí có thể sẽ sớm được chuyển vào... kho). Thế là tôi quyết định chịu hoàn toàn trách nhiệm về thành công của quyển sách, và bắt đầu lấy lại quyền làm chủ hoàn cảnh. Tôi hiểu rằng, để mọi sự thay đổi, tôi phải thay đổi trước. Với cách nghĩ mới mẻ này, tôi tự hỏi bản thân, “Mình cần làm gì để xoay chuyển tình thế?”. Thế là tôi quyết định tự đứng ra tiếp thị và quảng bá cho “đứa con tinh thần” của mình.

 Tôi bỏ tiền đăng quảng cáo sách trên một số tờ báo, sắp xếp những buổi giới thiệu sách trên khắp đất nước và gửi bản thông cáo báo chí cho các nhà báo có chức năng điểm sách. Thấy tôi làm thế, nhiều tác giả quen biết còn nói với tôi rằng, họa có điên mới bỏ tiền ra làm như vậy, bởi vì đó không phải là công việc và trách nhiệm của tôi, với tư cách là tác giả.

Mà đâu đã hết, chiến dịch này “cứa” của tôi ít nhất 10.000 đô. Nếu sách bán tốt thì chỉ có nhà xuất bản là người hưởng lợi nhiều nhất. Với tư cách là tác giả, tôi chỉ được hưởng 12% tiền nhuận bút theo doanh số bán ra nghĩa là chỉ được 1,5 đô/quyển. Nghĩa là phải có ít nhất 7.000 quyển sách được bán ra thì tôi mới gọi là... hòa vốn. Mà những ai làm trong ngành xuất bản đều biết rõ, một đầu sách bán được khoảng 3.000 quyển mỗi năm thì đã được xem là bán khá chạy rồi.

Nhưng bất chấp những điều đó, tôi vẫn tiếp tục đăng quảng cáo trên các báo, và bắt đầu đi một vòng tất cả các trường học, các cửa hàng bán sách để nói chuyện, diễn thuyết quảng bá về quyển sách. Trung bình một tuần tôi có năm buổi nói chuyện trước công chúng như vậy. Trong vòng 6 tháng, “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!” nhanh chóng leo lên đầu bảng danh sách bán chạy nhất, và đợt in đầu tiên được bán sạch sành sanh.

Khi “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!” được tái bản với một bìa khác, một nội dung đã được chỉnh lý, và một nhà xuất bản mới, nó được giới thiệu rầm rộ. Trong vòng bốn năm tiếp theo, quyển sách đã được tái bản tới 15 lần, trở thành một trong những quyển sách nằm lâu nhất trong danh sách bán chạy ở Singapore. Chưa hết, quyển sách còn được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau với khoảng 200.000 bản được bán ra. Đặc biệt tại Việt Nam, chỉ trong vòng một năm đầu xuất bản, đã có hơn 20.000 bản được bán ra, và “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!” được xem là một hiện tượng sách giáo dục ở Việt Nam trong năm 2008.

Về phần mình, cuối cùng tôi không chỉ lấy lại được 10.000 đô bỏ ra quảng cáo sách, mà còn nhận được một số tiền nhuận bút lớn hơn thế nhiều lần. Đó là chưa kể tôi còn kiếm được nhiều triệu đô la thông qua công ty đào tạo của mình khi quyển sách này gần như trở thành giáo trình trong các trường học ở Singapore.

Có thể nói, câu chuyện ở trên là một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh tối cao của việc dám đứng ra gánh trách nhiệm và giành lấy quyền làm chủ cuộc sống của mình.

Vì thế, tôi mong bạn hãy bắt đầu nghĩ xem cho đến bây giờ, có những lĩnh vực nào trong cuộc sống khiến bạn vẫn chưa hài lòng? Có điều nào bạn muốn thay đổi. Thay vào đó, bạn hãy tự hỏi mình: “Nếu mình chịu trách nhiệm về việc này, mình có thể làm gì để thay đổi nó?

CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO CẢ NHỮNG CẢM XÚC CỦA BẠN

Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy bạn hành động và quyết định thành quả bạn đạt được là những trạng thái cảm xúc mà bạn trải qua. Khi bạn cảm thấy phấn khích và đầy động lực, bạn sẽ hào hứng bắt tay vào việc. Mọi sự sẽ trôi qua suôn sẻ, và cuối cùng bạn sẽ gặt hái những kết quả tốt đẹp. Ngược lại, trong tâm trạng bấn loạn và tuyệt vọng, bạn hiếm khi đưa ra được những quyết định sáng suốt, đúng đắn hoặc có thể làm việc đạt hiệu suất cao.

Thật không may đây là những kịch bản xảy ra nhan nhản hàng ngày: “Anh ta khiến tôi nổi điên lên”, “Vụ ly dị thật sự làm tôi tuyệt vọng”, “Lũ con tôi làm tôi phát cuồng lên mất”, “Công việc chồng chất và ông sếp không biết phân biệt phải quấy làm tôi muốn bỏ hết mọi thứ”.

Chừng nào chúng ta còn tiếp tục đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác về những cảm xúc của mình, chừng ấy tình trạng cảm xúc của chúng ta vẫn sẽ nằm ngoài vòng kiểm soát. Đó cũng là lý do tại sao, hầu hết mọi người cho phép các dạng cảm xúc tiêu cực chi phối cuộc sống của họ. Và như vậy, họ vô tình để cho cuộc sống của mình trở thành một mớ bòng bong của đủ loại cảm xúc tiêu cực, và họ hoàn toàn bất lực không thể làm được gì.

Hãy bắt đầu chịu trách nhiệm về những cảm xúc của mình! Làm được như vậy, bạn sẽ có khả năng đưa mình vào những trạng thái cảm xúc mạnh mẽ và tích cực. Hay ít ra, bạn cũng không bị kiểm soát bởi những cảm xúc tiêu cực.

Nếu bạn đang ở trong tình trạng bấn loạn thì đó là điều mà bạn chọn. Nếu bạn phấn khích thì đó là tâm trạng do bạn chọn. Nên nhớ, không ai có thể can thiệp vào việc bạn cảm thấy thế nào, trừ phi bạn cho phép họ làm thế. Giây phút bạn nhận ra điều đó là giây phút bạn có thể chọn cho mình những loại xúc cảm khác hẳn.

Những người thành công chọn cho mình có cảm xúc tích cực nhằm mang đến cho họ sức mạnh, thậm chí cả trong những tình thế không thể tệ hại hơn nữa. Đó là cách mà họ thường xuyên nuôi dưỡng những cảm xúc có tác dụng thúc đẩy và động viên họ chiến thắng hoàn cảnh của mình.

Ví dụ, nếu bạn bị đuổi việc một cách oan ức, bạn có thể chọn cho mình cảm giác tuyệt vọng, uất ức và ngồi đó gặm nhấm nỗi thương thân tủi phận. Bạn cũng có thể chọn cách nghĩ cho qua chuyện này và đi kiếm một việc khác, cố gắng thành công để công ty cũ phải hối hận vì quyết định đã đuổi bạn. Trên thực tế, có không ít những tập đoàn trở nên lớn mạnh là nhờ thuê những người giỏi nhưng bị đuổi bởi đối thủ cạnh tranh của mình.

Tiêu biểu nhất là việc mà Lee Iacocca đã làm khi Henry Ford II đuổi việc ông vì mâu thuẫn cá nhân. Ông nhẹ nhàng ra đi rồi đầu quân cho Chrysler vốn là đối thủ dưới cơ của Ford thời bấy giờ. Iacocca không những có công lớn trong việc phục hồi Chrysler đang bên bờ vực phá sản, mà còn giúp công ty mới của mình nhanh chóng bứt phá lên và qua mặt hãng Ford (đã đuổi ông).

 

Hay là ta hãy xem cách mà Ivana Trump đã làm với ông vua bất động sản Donald Trump khi ông bỏ rơi bà để chạy theo một cô gái trẻ hơn. Thay vì đánh mất mình trong mất mát to lớn như thế mà chìm đắm trong rượu chè hay tuyệt vọng, Ivana ngược lại chọn sống một cách đầy sức sống. Bà phát đi một thông điệp cho những người vợ bị phản bội khác, “Đừng nổi giận mà hãy đòi lại công bằng!”, và bà đã chiến thắng trong việc đòi một số tiền bồi thường li dị xứng đáng từ người chồng cũ.

Trong Chương 6 và Chương 9, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào tìm hiểu làm thế nào để bạn có thể kiểm soát hoàn toàn suy nghĩ và trạng thái cảm xúc của mình.

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH BẬC THẦY VỀ GIAO TIẾP

Sức mạnh của việc giao tiếp là một trong những thứ quan trọng nhất mà loài người chúng ta có được. Trên thực tế, khả năng đạt được mục đích và thành công của bạn phụ thuộc khá nhiều vào khả năng giao tiếp và tác động đến người khác của bạn.

Với tư cách là người bán hàng, khả năng giúp khách hàng hiểu về lợi ích sản phẩm hay dịch vụ của mình sẽ quyết định việc bạn có bán được sản phẩm hay dịch vụ đó hay không. Với tư cách là doanh nhân, khả năng khích lệ nhân viên, thu hút khách hàng mới và những nhà đầu tư cũng phụ thuộc vào khả năng giao tiếp của bạn. Với tư cách là người thầy hay bậc cha mẹ, bạn phải có khả năng thúc đẩy, động viên, thuyết phục, xây dựng mối quan hệ gắn bó và truyền đạt những hiểu biết của mình cho học trò hoặc con cái. Với tư cách là thành viên trong gia đình, khả năng giao tiếp quyết định các mối quan hệ của bạn với người thân... Và nếu tiếp tục liệt kê ra đây, tôi có thể đưa ra hàng chục ngàn tình huống khác nhau mà khả năng giao tiếp đóng vai trò quan trọng.

Vậy bạn có muốn trở thành bậc thầy trong giao tiếp không? Một lần nữa, điều quan trọng nhất ở đây chính là bạn phải dám đứng ra chịu trách nhiệm về cách bạn tương tác với người khác, và cả những kết quả bạn có được từ cách thức giao tiếp của mình. Có như vậy, bạn mới có được sức mạnh tuyệt đối và có thể làm chủ trong mọi tình huống giao tiếp.

Mỗi khi giao tiếp với một ai đó, có phải bao giờ bạn cũng nhận được phản hồi như ý không? Khi bạn cố gắng động viên khích lệ tinh thần nhân viên hay đồng nghiệp, có phải bao giờ họ cũng đáp lại bạn một cách nhiệt tình không? Khi bạn trình bày ý tưởng cho một người nào đó, có phải bao giờ họ cũng chấp nhận ngay ý tưởng của bạn không? Có phải thông điệp bạn phát đi lúc nào cũng được người khác hiểu theo cách bạn mong muốn không? Rõ ràng, bạn cũng biết câu trả lời cho tất cả những câu hỏi trên là một tiếng “KHÔNG” dứt khoát lạnh lùng.

Vậy điều gì xảy ra khi bạn không có được phản hồi hay lời đáp mà bạn mong muốn? Một lần nữa, bạn có hai lựa chọn!

Bạn có thể chọn việc đổ lỗi cho người tiếp nhận là không có khả năng lĩnh hội, vô lý, không biết điều, bảo thủ, ngu dốt,... Nhưng bạn biết không, với sự lựa chọn như vậy, bạn chọn cách chịu thua vì không thể làm gì được nữa (lỗi là do người kia cơ mà). Và như thế, bạn đã đóng sập cánh cửa trước mũi bạn.

Định nghĩa cũ về giao tiếp thành công cho rằng: khi hai người giao tiếp với nhau, cả hai sẽ chia đều trách nhiệm, tức là mỗi phía chịu 50% trách nhiệm cho sự thành công của việc giao tiếp đó.

00012.jpg

Nói cách khác, khi A nói chuyện với B và cố “chào bán” cho B một ý tưởng, A có thể làm hết sức mình trong giao tiếp nhưng 50% thành công trong giao tiếp của A lại phụ thuộc vào B. Nếu B thuộc loại khép kín, bảo thủ và không muốn nghe, A có nói gì chăng nữa thì cuộc nói chuyện ấy cũng thất bại.

Thật không may, những người suy nghĩ theo lối cũ ấy không bao giờ giao tiếp hiệu quả. Vì sao vậy? Đó là vì bằng cách chấp nhận lý thuyết ấy, họ bao giờ cũng bị hạn chế trong giao tiếp, và bị lệ thuộc một phần vào đối tượng giao tiếp. Trong đa số trường hợp, họ sẽ không đạt được 100% kết quả mong muốn.

Điều này có xảy ra với bạn không? Bạn cổ vũ nhân viên hoặc đồng sự của mình làm việc hăng hái hơn, nhưng lời nói của bạn cứ như đàn gảy tai trâu, thế là bạn đành bỏ cuộc. Bạn cố thúc ép con mình chăm chỉ học hành, nhưng hễ bạn “hở ra một chút” là đâu nó lại hoàn đó, thế là bạn chịu thua. Bạn làm tất cả để chào bán sản phẩm của mình cho một nhóm khách hàng tiềm năng, thế nhưng chẳng ai chịu móc hầu bao ra mua, thế là bạn tặc lưỡi “Chắc họ không quan tâm đến loại sản phẩm này”.

CHỊU TRÁCH NHIỆM 100% VỀ THÀNH CÔNG TRONG GIAO TIẾP

Một nghiên cứu về những người giao tiếp bậc thầy, có ảnh hưởng lớn và lôi cuốn cho thấy, sở dĩ họ làm được như thế là vì họ đứng ra chịu trách nhiệm 100% cho thành công hay thất bại trong việc giao tiếp của mình.

Nếu A truyền đạt một ý tưởng nào đó cho B mà B không đáp lại bằng những phản ứng tích cực, A sẽ không đổ lỗi cho B. A chịu trách nhiệm và chấp nhận rằng cách thức truyền đạt của mình không hiệu quả. Bằng cách nghĩ như thế, A có thể thay đổi cách truyền đạt cho đến khi A có được phản hồi mong muốn từ B.

00013.jpg

Những người giao tiếp giỏi hết lòng tin tưởng rằng, ý nghĩa thông điệp của họ chính là phản hồi mà họ nhận được, bất kể ý định ban đầu của họ khi gởi thông điệp đi là như thế nào.

Ví dụ, nếu họ muốn nói lên sự thành thật của mình, nhưng phía tiếp nhận lại cảm thấy họ không thành thật, thì họ sẽ lãnh trách nhiệm: có thể thông điệp của họ chưa được chân thành cho lắm, dẫu cho họ rất thành thật; có thể do giọng nói hay ngôn ngữ cơ thể của họ làm cho họ nhìn có vẻ không thật lòng. Chính vì thế, họ sẽ thay đổi cách thức giao tiếp cho đến khi họ có được sự đáp lại mong muốn, trong ví dụ này, tức là cho đến khi phía bên kia cảm nhận được sự chân thành của họ.

 

Ý nghĩa thật sự trong thông điệp của bạn chính là phản hồi mà bạn nhận được! Hãy luôn điều chỉnh cách thức giao tiếp của mình cho đến khi bạn có được phản hồi mong muốn!

Bạn cần hiểu rằng, mỗi người khác nhau nhận thức về cuộc sống khác nhau, và mỗi người đều có một bộ lọc thông tin riêng bên trong não của mình. Khi bạn kể chuyện cười, sẽ có một số người cười cùng với bạn, trong khi đó cũng sẽ có những người khác không cười vì họ không thấy có gì buồn cười hết. Đó không phải là do nhóm thứ hai không có khiếu hài hước, mà chỉ vì họ quan niệm về tính hài hước khác với nhóm thứ nhất thôi. Là người giao tiếp giỏi, có nghĩa là bạn phải chịu trách nhiệm trong giao tiếp và có ý thức thay đổi cách truyền đạt của bạn (ở đây là cách kể chuyện cười) cho đến khi làm cho tất cả mọi người cùng cười được mới thôi. Vì thế, chịu trách nhiệm và linh hoạt chính là chìa khóa để trở thành người giao tiếp hiệu quả.

NGÔN TỪ, GIỌNG ĐIỆU VÀ NGÔN NGỮ CƠ THỂ

Một điều khác mà bạn cần hiểu rõ là việc giao tiếp của con người chúng ta bao gồm ba yếu tố chính: ngôn từ chúng ta dùng, giọng điệu chúng ta nói, và ngôn ngữ cơ thể chúng ta.

Theo các nghiên cứu thì ngôn từ mà ta dùng chỉ tác động đến đối tượng giao tiếp vào khoảng 7%, trong khi đó giọng điệu có tác động 38%, và ngôn ngữ cơ thể có tác động đến 55%. Ngôn ngữ cơ thể là một khái niệm rộng, bao gồm: cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, tư thế, hơi thở, ánh mắt,...

00014.jpg

Mặc dù điều bạn nói cũng đóng vai trò quan trọng, nhưng nó lại ít có tác động hơn so với cách bạn nói (thể hiện qua giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể). Bạn hãy làm một thử nghiệm về phát hiện này... với một tấm gương. Hãy nói với một khách hàng là công ty của bạn tuyệt vời và tốt đẹp ra sao bằng những ngôn từ đẹp nhất, nhưng lại với giọng nói nhỏ đều đều, khuôn mặt bơ phờ, tư thế ra chiều mệt mỏi, hơi thở nhanh dồn dập, thử xem bạn sẽ cảm thấy tin được bao nhiêu phần trăm những gì người trong gương nói.

Lần nọ, một giáo viên đến xin ý kiến của tôi bằng giọng nói ỉu xìu và vẻ mặt chán ngán, ủ dột: “Tôi không biết tại sao, nhưng tôi không thể nào truyền cảm hứng cho học trò của mình, bất kể tôi nói thế nào đi nữa”. Lúc ấy, tôi chỉ muốn nói toạc ra rằng: thầy hãy nghe lại giọng nói của mình qua băng ghi âm và đứng trước gương ngắm vẻ mặt của mình khi nói xem có thầy có thể truyền cảm hứng cho chính bản thân mình được không. Nhưng dĩ nhiên, tôi đã không thể quá thẳng thắn như thế vì có thể bị hiểu lầm là thô lỗ.

Vấn đề là ở chỗ, khi ta giao tiếp với một người khác, bạn cần chú ý không chỉ đến lời lẽ bạn dùng, mà quan trọng hơn là giọng điệu bạn nói, cùng với ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, nét mặt, tư thế, ánh mắt,...) bạn thể hiện. Bây giờ thì bạn đã hiểu, nếu bạn bị hiểu lầm, mặc dù bạn tin rằng mình đã nói rất rõ ràng, thì điều đó có nghĩa là có thể giọng điệu hay ngôn ngữ của bạn đang “nói lên”... điều ngược lại.

KHÔNG CÓ HỌC TRÒ CỨNG ĐẦU, CHỈ CÓ GIÁO VIÊN CỨNG NHẮC

Trong những khóa đào tạo của tôi, có không ít giáo viên và giảng viên đại học. Họ tìm đến vì muốn học hỏi thêm từ tôi những khả năng giúp họ có thể truyền thụ bài giảng tốt hơn.

Tôi thường khuyên họ nuôi dưỡng niềm tin này: Không có học trò cứng đầu, chỉ có giáo viên cứng nhắc. Thoạt đầu nhiều người tỏ ý phản đối. Nhưng dần dần họ nhận ra rằng, bằng cách làm theo phương châm này, họ nhận lãnh trách nhiệm của người thầy và kết quả giảng dạy của mình. Và từ đó, họ có những bước tiến rõ rệt hơn trong nghề nghiệp. Tại sao? Bởi vì tinh thần chịu trách nhiệm mang đến cho họ sức mạnh to lớn, giúp họ làm nhiều việc để xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa thầy và trò, cho đến khi học trò vui vẻ hợp tác với họ.

Một lần, có một cô giáo hỏi tôi phải làm gì với những em không chú ý nghe giảng trong lớp. Tôi trả lời rằng, “Trách học sinh không tập trung là cái cớ thường được viện dẫn bởi những thầy cô giảng bài một cách thiếu sinh động”. Suýt nữa thì tôi đã bị đuổi ra khỏi phòng vì câu nói này. Nhưng sau đó tôi nói thêm rằng tôi đã từng huấn luyện rất nhiều học sinh sinh viên, và lúc tôi giảng bài, ngay cả những em bị gán cho cái mác là “hay lo ra” cũng trở nên tập trung chú ý hơn và tích cực tham gia vào bài học hơn. Tại sao vậy? Bởi vì tôi thực hiện những bài giảng của mình một cách rất sinh động, vui vẻ và hào hứng! Tôi luôn điều chỉnh phong cách giảng dạy của mình cho đến khi tôi có được những phản hồi mong muốn, cũng như thái độ học tập chăm chú của học trò. Khi chúng ta dán mác “thiếu tập trung” hay “ngu ngốc” cho đối tượng tiếp nhận của mình thì cũng là khi chúng ta tự dọn đường dẫn đến thất bại.

Bạn còn nhớ câu chuyện về cách tôi sử dụng Công Thức Thành Công Tuyệt Đỉnh để thay đổi chương trình Những Mô Thức Thành Công, và đưa nó từ chỗ thất bại đến chỗ thành công rực rỡ không? Bí quyết là ở chỗ tôi đứng ra chịu trách nhiệm cho việc giao tiếp của mình. Khi lần đầu tiên tôi thực hiện bài nói chuyện giới thiệu khóa học, tôi đã làm hết sức mình để thuyết phục khán giả rằng, khóa học này là sự đầu tư tốt nhất cho tương lai của họ và rằng nó sẽ giúp họ thay đổi cuộc sống. Như bạn cũng đã biết, rốt cuộc chỉ có độc nhất một người đăng ký. Vào lúc ấy, tôi có hai lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất, tôi có thể cho tất cả những người không đăng ký vào cái “rọ ngu ngốc” vì họ không quan tâm đến tương lai của mình. Hoặc lựa chọn thứ hai, tôi chấp nhận rằng cách truyền đạt của mình chưa hiệu quả, và tôi chưa làm cho khán giả thấy rằng khóa học của tôi thật sự cần thiết cho tương lai của họ đến mức nào. Dĩ nhiên, tôi làm theo lựa chọn thứ hai.

Với việc chịu trách nhiệm, tôi có được sức mạnh để thay đổi cách truyền đạt của mình (Có thể ngôn từ của tôi chưa đủ hùng hồn? Có thể giọng điệu của tôi chưa đủ thuyết phục? Hoặc cũng có thể nét mặt điệu bộ của tôi chưa thích hợp?). Và cứ thế, tôi cải thiện cách truyền đạt của mình cho đến khi tôi có được những phản ứng mong muốn từ phía khán giả: đó là nhận ra rằng khóa học này tuyệt vời như thế nào mà sẵn lòng ghi danh học.

Và đó cũng là cách tôi trở nên thành công trong công việc của một diễn giả.

 

BẠN LUÔN CÓ SỰ LỰA CHỌN

Trong quá trình tư vấn và đào tạo, tôi thường gặp câu hỏi này,

Nhưng nếu chuyện đó không phải do lỗi tại tôi? Chuyện gì xảy ra nếu tình huống hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi?”. Tuy nhiên, tôi lại thật sự tin rằng chúng ta bao giờ cũng đóng vai trò chủ động trong việc tạo ra bất cứ điều gì xảy ra xung quanh mình, dù bạn ý thức hay không ý thức được điều này.

Chúng ta tạo ra những sự việc, hoàn cảnh, hay kinh nghiệm trong cuộc sống, dù qua suy nghĩ hay qua hành động của mình. Bạn có thể nói điều gì đó với giọng điệu dứt khoát mạnh mẽ, nhưng nếu trong đầu bạn lại nghĩ điều ngược lại thì người đối diện vẫn có thể “dò” ra rằng bạn “nói vậy mà không nghĩ vậy”.

Những người thật sự làm chủ cuộc đời mình tin rằng họ góp phần tạo ra thế giới cho mình. Nếu mọi việc xảy ra một cách tốt đẹp, đó là điều mà họ tạo ra chứ không phải ai khác. Nếu mọi chuyện không được như ý muốn, đó cũng là do họ gây ra một cách vô ý thức.

Một số người than phiền với tôi rằng, họ chẳng bao giờ có được cơ hội tốt để thành công vì họ không có đủ may mắn để đón lấy chúng. Họ cho rằng mình không bao giờ có mặt đúng chỗ và đúng lúc cần thiết như những người khác. Nhưng họ lại không nhận ra rằng, những người “may mắn” ở đúng chỗ và đúng lúc cần thiết là những người ở nhầm chỗ nhiều hơn cả. Cho nên, tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, tôi thật sự tin rằng bạn mới là người tạo ra vận may của mình, hoặc tôi thích dùng từ cơ hội hoặc vận hội hơn.

Nếu bạn chưa bao giờ tìm ra bất cứ cơ hội nào cho mình, đó có thể là do niềm tin và cách nghĩ có phần giới hạn của bạn. Nếu bạn cứ mãi tin rằng chẳng hề có cơ hội nào cho mình, bộ não của bạn sẽ có khuynh hướng không thấy hoặc gạt bỏ tất cả những cơ hội lớn nhỏ trong đời ra khỏi tầm “ra đa” của bạn, ngay cả khi chúng sờ sờ ngay trước mắt. Bạn chỉ nhìn thấy điều mà bạn muốn thấy. Đồng thời, nếu bạn cứ nuôi dưỡng mãi những ý nghĩ tiêu cực trong đầu, bạn sẽ giống như thỏi nam châm luôn thu hút những gì tiêu cực không hay về phía mình.

Vì vậy. nếu bạn quyết định chọn cách nghĩ tích cực và những niềm tin có sức mạnh, thế giới quanh bạn sẽ “tự nhiên dần dần thay đổi theo hướng bạn mong muốn!

 

Trong một khóa đào tạo của tôi, có một phụ nữ phải chịu đựng cảnh anh chồng hay hành hung vợ. Nghe tôi nói đến điều này, chị đã hỏi ngược lại tôi, “Anh nói vậy, chẳng lẽ tôi “mời gọi” chồng tôi giở trò vũ phu với tôi sao?”.

 

Tôi trả lời, “Không, tôi không hề nói chị “xin” chồng hành hung chị. Tôi chỉ có ý rằng, chị có một lựa chọn giữa việc chấm dứt hay tiếp tục mối quan hệ đó, giữa việc tiếp tục cúi đầu chịu những trận đòn hay đứng lên tự bảo vệ mình. Chị phải chịu trách nhiệm cho sự thật rằng, chị đã chọn thái độ khuất phục và để cho nạn bạo hành tiếp tục diễn ra với chính bản thân chị. Vì thế, hãy thôi đổ lỗi cho hoàn cảnh và đừng đóng vai trò nạn nhân nữa. Chị cần can đảm vùng dậy, lựa chọn giữa việc duy trì mối quan hệ này hay ly dị. Chị có thể chọn việc tiếp tục cam chịu và đau khổ vì “số mệnh” của mình, hoặc rút ra được bài học từ việc này và làm cho bản thân mình trở nên mạnh mẽ hơn”.

 

Giây phút mà người đàn bà nọ tin rằng chị có trong tay tất cả mọi lựa chọn, chị bắt đầu có cảm giác tự tin, và bỗng dưng chị có trong tay sức mạnh mà trước đây chị chưa từng cảm thấy bao giờ.

 

Cuối cùng, chị đưa ra tối hậu thư cho anh chồng không ra gì rồi đi con đường của mình. Năm năm trôi qua, giờ chị rất hạnh phúc trong cuộc hôn nhân mới với ba đứa con kháu khỉnh. Mà đâu đã hết, chị còn làm chủ một công ty làm ăn sinh lợi nữa chứ. Chị chia sẻ với tôi, “Nếu không có trải nghiệm này, làm sao tôi có thể khám phá sức mạnh và lòng can đảm vốn có trong bản thân mình để đạt được tất cả những gì mà tôi có hôm nay!”.

 

Margaret là một phụ nữ đã ngoài 30 tuổi và hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Cô có cả một “lịch sử” đau khổ về những mối quan hệ tình ái, trong đó cô là nạn nhân bị cánh đàn ông lợi dụng. Mỗi khi cô “kết” một gã trai nào đó thì mọi việc chỉ suôn sẻ trong vòng vài tháng đầu. Sau đó các gã nhân tình này bắt đầu quay sang vay mượn tiền bạc của cô, đùa giỡn với cô một thời gian rồi cuối cùng cũng làm tan nát trái tim cô.

 

Vì một lý do nào đó, hết lần này đến lần khác, Margaret luôn “thu hút” loại đàn ông tệ bạc như thế. Cô đâm ra ghen tỵ với bạn bè mình, những người có được những người bạn trai đàng hoàng tử tế và hạnh phúc trong mối quan hệ bền vững. Cũng như đa số người khác, cô đi đến chỗ nghĩ rằng số phận của cô hẩm hiu như thế, và định mệnh bắt cô gặp toàn những gã đàn ông không ra gì.

 

Tuy nhiên, khi tham gia khóa học của tôi và đứng trước câu hỏi “khó chịu”: làm thế nào mà cô cứ mãi tự tạo ra cho mình cùng một vấn đề như vậy, cô bất chợt nhận ra rằng, mình bị hấp dẫn một cách vô thức về phía loại đàn ông này. Trải qua một số đợt trị liệu tâm lý, cô hiểu ra rằng từ trong vô thức cô đã “lặp lại” hình ảnh của người mẹ chịu đựng nhiều đau khổ của mình, và bị hấp dẫn trước những gã trai ưa lợi dụng phụ nữ vì họ có nét gì đó hao hao như... cha cô. Cô cũng nhận ra rằng cách cô ăn mặc, hành xử khiến những gã họ Sở hiện đại chú ý đến cô. Thậm chí, những nơi cô hay lui tới cũng là đất của bọn này.

 

Chính vào lúc cô can đảm đứng ra nhận lãnh trách nhiệm cho những gì xảy ra trong cuộc sống của mình, cô bỗng nhiên có đủ sức mạnh đi đến một quyết định sẽ thay đổi “vận mệnh” của mình, bằng cách thay đổi cách ăn mặc, hành xử và cả những nơi hay lui tới. Chỉ một vài tháng sau, cô đã tìm được cho mình một người đàn ông tử tế, người cuối cùng cũng gắn bó lâu dài với cô.

 

CUỘC SỐNG THAY ĐỔI KHI BẠN THAY ĐỔI

Trước sau trong chương này cũng chỉ có một thông điệp quan trọng duy nhất mà tôi muốn chuyển đến bạn: Để mọi sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, bạn cần phải thay đổi trước. Một khi bạn can đảm chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và thay đổi bản thân, dường như mọi thứ và mọi người cũng dần thay đổi theo cách bạn mong muốn. Đó là sự lựa chọn của bạn, và mọi chuyện diễn ra trong tương lai đều xuất phát từ quyết định của bạn ngày hôm nay.

Một lần nọ, có một vị giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng thời trang tham dự khóa đào tạo của tôi. Ông lên tiếng kêu ca rằng tất cả nhân viên của ông chỉ là một lũ ù lỳ, biếng nhác và kém cỏi. (“Không biết vì sao mà tôi chỉ tuyển được rặt những kẻ lười biếng vô tích sự, không bao giờ kiếm được những người làm việc chăm chỉ có trách nhiệm”). Ông cũng phàn nàn thêm rằng, khách hàng của ông không hiểu sao chỉ toàn những người thích mè nheo, trả giá, trong khi chẳng mua được bao nhiêu cả.

 

Nghe thế, tôi yêu cầu ông kê ra những đặc tính của một nhân viên lý tưởng đối với ông. Ông chỉ mất vài phút để đưa ra một danh sách dài đáng kinh ngạc những đặc điểm của một người mà ông mong thuê được: có chí tiến thủ, có trách nhiệm cao, có kinh nghiệm làm việc lâu năm, có bề dày thành tích, có lòng đam mê công việc,... Tôi đọc bản kê khai, rồi ngước nhìn ông và hỏi, “Liệu một nhân viên lý tưởng  như thế này có muốn làm việc cho ông không?”.

 

Thoạt đầu ông bị sốc trước câu hỏi của tôi, nhưng rồi ông nhanh chóng trấn tĩnh và lĩnh hội được ý của tôi. Thế là tôi tiếp tục, “Nếu ông muốn thu hút được những nhân viên tốt nhất thì công ty của ông cũng phải  là công ty tốt nhất để làm việc và cống hiến. Nếu ông muốn có được những nhân viên hoàn hảo thì bản thân ông cũng phải là một  ông chủ hoàn hảo. Nói một cách đơn giản, để cho mọi chuyện thay đổi thì ông cần thay đổi trước”.

 

Người đàn ông này đã hiểu được mấu chốt vấn đề. Trong vòng 6 tháng tiếp theo, ông luôn tự hỏi bản thân, “Làm thế nào biến công ty của mình thành nơi làm việc tốt nhất để có thể lôi kéo được những nhân viên giỏi nhất, sáng giá nhất về làm việc cho mình?”. Ông bắt đầu lập ra kế hoạch tuyển dụng tỉ mỉ, cơ cấu chia sẻ lợi nhuận hấp dẫn, thiết kế những bộ đồng phục đẹp mắt, đề ra chiến dịch nâng cao hình ảnh công ty, và tạo ra nền văn hóa công ty đề cao việc giao tiếp cởi mở và trung thực. Bên cạnh đó, ông cũng bắt đầu trao nhiều quyền hạn và trách nhiệm hơn cho các nhân viên của mình.

 

Chẳng bao lâu sau, những nhân viên lớn tuổi, thiếu sức bật bắt đầu rời khỏi công ty bởi vì họ không thể chịu nổi áp lực của quy trình hoạt động mới mẻ năng động, và chế độ trả lương bổng theo kết quả công việc. Thế vào chỗ họ là những người trẻ hơn và nhiệt huyết hơn và nhờ thế hoạt động của công ty chuyển hướng tốt hơn. Thêm vào đó, hình ảnh mới mẻ của công ty nhờ chiến dịch phát triển thương hiệu thành công, cùng với văn hóa công ty và đội ngũ nhân viên năng động sáng tạo đã kéo nhiều khách hàng thoải mái và hào phóng đến mua sắm.

 

Một “phép lạ” như thế liệu chỉ áp dụng được cho việc kinh doanh? Dĩ nhiên là không rồi! Bạn có thể làm được “phép màu” tương tự trong bất cứ lĩnh vực nào bạn muốn, chỉ cần bạn nhớ một điều, nếu bạn cần một phép lạ, hãy biến chính mình thành một phép lạ trước.

 

Tôi từng gặp một phụ nữ trong suốt 20 năm ròng không kiếm nổi một nửa của mình. Chị đã ngấp nghé tuổi 40 nên đi đến chỗ nghĩ rằng, có lẽ suốt đời này chị sẽ không bao giờ có thể kiếm được “bạch mã hoàng tử” cho mình. Tôi mới hỏi thế chị định tìm một người đàn ông như thế nào thì ngay lập tức chị miêu tả về người đàn ông trong mộng của mình: chàng phải giàu có, đẹp trai, lại phải hết sức nhạy cảm, duyên dáng và có khiếu hài hước. Một lần nữa, tôi lại nói toạc ra suy nghĩ của mình, “Vậy anh chàng lý tưởng đó có muốn cưới một người như chị không?”, “Chàng hoàng tử ấy liệu có bị hấp dẫn trước một người như chị?”, “Nếu muốn lôi cuốn được một người không chê vào đâu được thì trước tiên chị cũng phải là một phụ nữ tuyệt vời chứ!”.

 

Một thời gian sau, chị báo với tôi rằng chị sắp lập gia đình với một người đàn ông khá lý tưởng. Dĩ nhiên, trước đó chị đã phải học cách biến mình thành một người phụ nữ thật sự tuyệt vời.

 

Lại có một người mẹ tìm đến tôi than phiền rằng con trai bà chẳng hề có động lực học tiếng Hoa gì cả. Nó luôn viện cớ rằng tiếng Hoa khó học và nó không cần phải học thứ tiếng ấy. Bà mẹ thì luôn thuyết phục con trai rằng chỉ cần nó chịu học thì nó có thể học giỏi được. Chị cũng cố gắng làm cho con trai hiểu rằng tiếng Hoa là một ngôn ngữ quan trọng cần phải học bằng được. “Tôi đã làm đủ mọi cách, nhưng nó không chịu nghe và thay đổi cách nghĩ về việc học tiếng Hoa”.

 

Tôi bèn hỏi người mẹ, “Thế chị có nói tiếng Hoa ở nhà không?”, “Không, hai vợ chồng tôi đều không thể nói tiếng Hoa bởi vì chúng tôi đều sinh ra trong môi trường nói tiếng Anh cả”, câu trả lời của chị lộ rõ vẻ ngạc nhiên.

 

Tôi hỏi tiếp, “Sao chị không nghĩ đến việc học thứ tiếng này và hàng ngày nói tiếng Hoa với cháu ở nhà để buộc nó phải nói thứ tiếng này?”, “Ồ không, tiếng Hoa khó học lắm. Với lại chúng tôi đâu cần phải dùng đến nó”.

 

Chị đã nêu ra lý do tại sao con chị chống lại việc học tiếng Hoa, nên tôi mới giải thích rằng mặc dù chị nói với con rằng tiếng Hoa dễ học và quan trọng, nhưng việc làm của chị lại hoàn toàn trái ngược và đó là nguyên nhân chị không thể khích lệ động viên con học thứ tiếng này.

 

May sao tôi đã thuyết phục được chị. Khi chị quyết định sẽ học tiếng Hoa cùng con trai và sử dụng nó ở nhà, con trai chị bắt đầu được thuyết phục và có động cơ để học tiếng Hoa.

 

Vì thế ...

Nếu bạn muốn có những đồng nghiệp tốt, hãy là một đồng nghiệp tốt.

Nếu bạn muốn lôi kéo được những nhân viên tài giỏi, hãy là ông/bà chủ tuyệt vời.

Nếu bạn muốn có con ngoan, hãy là bậc cha mẹ gương mẫu.

Nếu bạn muốn được cha mẹ yêu thương tin tưởng, hãy là đứa con ngoan.

Nếu bạn muốn có người bạn đời lý tưởng, hãy là người vợ hoặc chồng lý tưởng.

Nếu bạn muốn thu hút những khách hàng tốt, hãy tạo ra những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất.

HÃY NÓI “TÔI CHỌN” THƯỜNG XUYÊN HƠN

 

Những từ ngữ chúng ta dùng hàng ngày phản ánh cách chúng ta nghĩ và nhìn nhận về thế giới chung quanh. Khi dùng từ “tôi chọn” thường xuyên hơn, bạn sẽ bắt đầu nhìn mọi vật mọi việc với sức mạnh mới và khả năng kiểm soát cao hơn bạn nghĩ là có thể.

 

 

 

Thay vì nói

 

Hãy nói

 

Tôi tuyệt vọng

 

Tôi chọn cảm giác tuyệt vọng

 

Họ không hiểu tôi

 

Tôi chọn cách giao tiếp làm họ không hiểu tôi

 

Doanh thu của công ty giảm sút

 

Tôi chọn việc cho phép doanh thu đi xuống

 

Nhân viên chẳng có động lực làm việc

 

Tôi chọn việc để mặc cho tinh thần làm việc của nhân viên sa sút

 

Tôi toàn gặp những hậu quả tệ hại

 

Tôi chọn việc gặp phải những kết quả xấu

 

Người ta toàn lợi dụng tôi

 

Tôi chọn việc để người khác lợi dụng

 

Sức khỏe tôi rất kém

 

Tôi chọn việc có sức khỏe kém.

 

Mặc dù có những lúc thật khó mà mở lời nói rằng, bạn chọn việc gây ra một điều gì đó không tốt hoặc có hại cho bản thân, vì như thế bạn sẽ có cảm giác hết sức khó chịu rằng mình chính là tác nhân gây họa cho mình. Tuy nhiên, dần dần bạn sẽ quen, và rồi bạn sẽ nhận ra rằng, chính việc thừa nhận như thế là bắt đầu cho sự thay đổi lớn đầy ý nghĩa trong cuộc sống của bạn.

Bằng cách liên tục “lựa chọn” tạo ra tất cả mọi thứ xung quanh mình, bạn ngay lập tức sẽ có năng lực để thay đổi chúng nếu bạn muốn. Khi bạn nói “tôi thất vọng quá”, điều đó có nghĩa là bạn mất niềm tin vào một ai đó hoặc một điều gì đó, và bạn chẳng thể làm được bất cứ điều gì trong nỗi tuyệt vọng của mình. Nhưng khi bạn nói, “tôi chọn việc có cảm giác thất vọng này”, nghĩa là bạn thừa nhận bạn đang “tự tạo” ra tâm trạng thất vọng đó, hay nói cách khác, bạn đang cho phép một điều gì đó hoặc một người nào đó khiến bạn thất vọng. Và khi đó, nếu bạn tự nhủ, “mình không thể cho phép bất kỳ ai hay điều gì làm mình thất vọng”, bạn sẽ ở trong một tâm thế hoàn toàn khác. Bạn có thấy đó là sự khác biệt rõ rệt không? Một sức mạnh thật đáng nể đang nằm ngay trong tay bạn!

Dĩ nhiên, bạn cũng phải nhận ra rằng, khi nói những câu như: “Tôi chọn việc cho phép nhân viên mình không có tinh thần phấn đấu”, hoặc “Tôi chọn việc cho phép doanh thu công ty giảm sút”, nghe như thể bạn chẳng quan tâm tới những vấn đề đó, và thậm chí còn vui vì chúng. Cho nên, bạn không nên nói chuyện với người khác bằng cách nói ấy. Nếu không, người khác sẽ hiểu lầm bạn bị tâm thần hoặc vô trách nhiệm. Suy cho cùng, bạn dùng cách nói ấy với mục đích mang lại cho mình sức mạnh thay đổi những gì đang diễn ra. Thành ra, cách nói “Tôi chọn” chỉ thuần túy để bạn tự nói với bản thân mình mà thôi.

 

 

Tổng kết chương

1. Dám gánh vác trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh mang đến cho bạn sức mạnh để thay đổi nó.

2. Khi chúng ta tự biện hộ, đổ lỗi cho người khác hoặc than phiền, chúng ta tự tước mất quyền kiểm soát của mình, và tự biến mình thành một nạn nhân.

3. Nhiều người thích trở thành “nạn nhân” vì đó là cách tốt nhất để né tránh rắc rối. Tuy nhiên, việc đó lại khiến họ phải trá giá đắt hơn về lâu về dài.

4. Bạn cần phải dám gánh vác trách nhiệm về những kết quả bạn thu được qua hành động của mình, về cảm xúc của bạn và về cách bạn giao tiếp với mọi người.

5. Ý nghĩa thông điệp của bạn chính là phản hồi bạn nhận được, bất kể thông điệp bạn muốn chuyển đi là gì. Liên tục thay đổi cách bạn giao tiếp cho đến khi bạn nhận được kết quả mong muốn.

6. Chúng ta thật sự giao tiếp thông qua ngôn từ (7%), giọng điệu (38%) và cử chỉ (55%).

7. Để cuộc sống thay đổi, bạn cần phải thay đổi trước.

8. Dùng  cụm từ “Tôi chọn” để nói chuyện với bản thân và mang lại cho mình sức mạnh để thay đổi.