Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy

Tập Trung Vào Kết Quả

Một số người có khái niệm rất mơ hồ về điều mình muốn. Một số khác thì kệ cho “nước chảy bèo trôi.” Tuy nhiên, để có được kết quả tốt trong công việc, dù ngắn hạn hay dài hạn thì bạn đều cần phải có một tầm nhìn rõ ràng về thứ mà bạn muốn giành được. Trong NLP, cụm từ “kết quả” thường được dùng để chỉ điều mà bạn định nghĩa là kết quả tích cực từ những việc làm của bạn. “Kết quả” không chỉ là việc đặt ra một vài mục đích cho bản thân mà còn là việc bạn hiểu được rằng cần phải làm gì để đạt được nó.

2.1 Có tầm nhìn rõ ràng

Bạn muốn đạt được kết quả gì? Trong đầu bạn có bức tranh rõ ràng về những thứ bạn muốn giành được không? Hay đó là một bức tranh rối rắm và cứ liên tục thay đổi, thậm chí là một bức tranh mà bạn không muốn, hay chẳng có một bức tranh nào cả, chỉ là những ý tưởng mơ hồ?

Mọi người thường tự hỏi tại sao mình không thành công. Nhưng câu hỏi thực sự phải là họ có thành công trong việc đạt được kết quả mà họ thực sự mong muốn không, hay là thay vào đó là những kết quả mà họ không hề lên kế hoạch trước và không hề mong đợi?

Bạn chỉ có thể đạt được kết quả mà mình mong muốn khi có một tầm nhìn rõ ràng về nó. Khi đã có bức tranh rõ ràng về mục tiêu, bạn có thể bắt đầu các bước để đạt được nó.

Đây là cuốn sách nói về cách làm thế nào để thành công. Hãy nghĩ về thứ mà bạn mong muốn có được, mong muốn trở thành, hay mong muốn được làm trong cuộc đời. Sau đó hãy tự đặt cho mình những câu hỏi sau:

  1. Nó có tích cực không? Hãy tập trung vào những thứ bạn muốn, đừng tập trung vào những thứ bạn không muốn.
  2. Nó có cụ thể không? Mục tiêu càng cụ thể càng giúp bạn dễ dàng tập trung hơn và bạn cũng sẽ nhận thức rõ hơn liệu bạn đang ở gần hay xa mục tiêu của mình.
  3. Chứng cứ cho việc đạt được mục tiêu là gì? Làm thế nào bạn biết rằng bạn đã đạt được mục tiêu? Mục tiêu sẽ ra sao? Bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Nếu không có những minh chứng thật sự, bạn sẽ chẳng bao giờ biết được liệu bạn đã đạt được mục đích của mình hay chưa.
  4. Ai là người chịu trách nhiệm cho những kết quả này? Câu trả lời phải là chính bạn, bởi nếu việc đạt được mục tiêu phụ thuộc vào những người khác thì sẽ chẳng bao giờ bạn đạt được nó.
  5. Nó có tốt cho bạn không? Liệu đạt được mục tiêu này có tốt cho bạn và thế giới của bạn không? Hãy xem kết quả đó ảnh hưởng đến bạn và những người khác như thế nào.
  6. Bạn đã có gì và cần gì để đạt được kết quả? Hãy đánh giá vị trí của bạn và khoảng cách tới kết quả mong muốn. Bạn đã có những gì để đạt được kết quả ấy và bạn còn cần nguồn lực nào?

“Nếu công việc bạn đang làm không đưa bạn lại gần mục tiêu của mình, nó sẽ đẩy bạn ra xa” Brian Tracy

Hãy chắc chắn rằng bạn đã vẽ lên trong đầu mình một bức tranh rõ ràng về những thứ bạn muốn đạt được.

2.2 Đừng chỉ cố gắng… Hãy thực sự HÀNH ĐỘNG

“Đó là một ý kiến hay đấy. Tôi sẽ thử nó xem sao.” “Tôi đang cố gắng rồi, bạn biết đấy. Thực sự tôi đang rất rất cố gắng.”

  • “Cố gắng” có hai ý nghĩa. Trong tiếng Anh, từ “cố gắng” (trying) có hai sắc thái ý nghĩa: nỗ lực làm gì hoặc đang cảm thấy mệt mỏi, khó khăn hay phiền phức.

Thực tế, những người lúc nào cũng cố gắng làm điều gì đó cuối cùng có thể khiến người xung quanh cảm thấy bực mình (và thường chính họ cũng thấy vậy). Lý do là bởi những người này thường khiến người khác phải thất vọng.

  • “Cố gắng” thường hàm ý thất bại. Đây là một điểm khác biệt to lớn giữa hai cách nói: “Tôi sẽ đến chỗ họp vào khoảng 3 giờ” và: “Tôi sẽ cố gắng tới chỗ họp vào khoảng 3 giờ”. Bằng cách nào đó chúng ta đều biết rằng người thứ nhất có lẽ chỉ không giữ được lời nếu có những hoàn cảnh cản trở đặc biệt, thế nhưng người thứ hai có thể sẽ xuất hiện muộn hay thậm chí là chẳng bao giờ tới.

Cũng có một sự khác biệt lớn giữa việc nói: “Tôi sẽ cố gắng đạt được những thứ tôi đã đặt ra rõ ràng trong cuộc đời” và: “Tôi sẽ làm được. Tôi sẽ làm những gì cần thiết để đạt được kết quả này. Có thể tôi không biết chính xác mình phải làm gì bây giờ những tôi sẽ vừa học hỏi và vừa làm.”

  • Trở lại với nguyên nhân - kết quả. Bạn sẽ “cố gắng” nhận trách nhiệm cho những kết quả bạn đạt được? Hay chỉ đơn giản là bạn chịu trách nhiệm? Bạn định “cố gắng” giảm cân… một lần nữa? Hay bạn sẽ giảm cân? Bạn sẽ “cố gắng” có một mối quan hệ tốt với sếp hay bạn sẽ đạt được mối quan hệ tốt đẹp đó?

Khi bạn ngừng cố gắng, đó chính là lúc bạn bắt đầu thực sự sử dụng bất kỳ điều gì xảy ra với bạn như một dạng thông tin phản hồi và thực hiện vô vàn các hành động linh hoạt nhằm đạt được viễn cảnh được định hình rõ nét về thành công.

“Hành động là chìa khóa cho mọi thành công”. Pablo Picasso, đại danh họa

Một phút suy ngẫm: Bất kỳ khi nào thấy nghi ngờ về việc bạn có thực sự mong muốn mục tiêu mà bạn đang đeo đuổi hay không, hãy tự đặt những câu hỏi này: Điều gì sẽ xảy ra khi bạn đạt được chúng? Khi bạn không đạt được? Thế còn điều gì sẽ không xảy ra? Lợi ích của việc không đạt được chúng là gì? Và bất lợi khi bạn đạt được chúng là gì?

“Cố gắng” bao hàm ý thất bại, vì vậy hãy loại bỏ từ này ra khi bạn đặt ra các mục tiêu làm việc của mình.

2.3 Cam kết và hành động

Ai cũng mong muốn có được nhiều thứ. Họ muốn có được nhiều thành công hơn, nhiều tài sản hơn, những ngày tháng vui vẻ hơn, một công ty to hơn, ít nợ nần hơn, nhiều tiền bạc hơn, nhiều kỹ năng hơn… Danh sách có thể kéo dài, kéo dài nữa.

Thế nhưng mong muốn chỉ là mong muốn. Một mong muốn sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn không biến nó thành một mục tiêu cụ thể – hay một kết quả được xác định – và thực sự hành động để đạt được nó.

Trước hết, bạn sẽ làm gì để đạt được điều mình mong muốn?

Tất cả mọi mục tiêu của bạn đều cần phải có bước thực thi đầu tiên, sau đó mới tới bước thứ hai, bước thứ ba, thứ tư và tiếp nữa cho tới khi bạn đạt được thứ mà bạn đã lên kế hoạch.

Điều này không có nghĩa là bạn phải biết trước tất cả mọi việc bạn sẽ làm để đạt được kết quả mong muốn. Nhưng một điều rất quan trọng là đầu tiên, bạn phải biết bạn muốn cái gì – cái đích mà bạn muốn có – sau đó quyết định rằng bạn sẽ làm bất kể điều gì cần thiết để đạt được nó.

Để thành công, bạn cần nhớ hai điểm:

Một là, hãy hành động.

Hai là, hãy cam kết, dồn toàn bộ sức lực để hành động.

Sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu làm điều gì đó nửa vời, khi ấy bạn sẽ lại là một người đang “cố gắng” mà thôi.

Hãy tập trung vào kết quả mà bạn mong muốn, hãy chịu trách nhiệm cho những ảnh hưởng bạn muốn tạo ra và hành động hướng tới nó. Nếu bạn gặp phải một chướng ngại vật giữa đường, hãy coi nó như một bài học hữu ích và tiếp tục hành động. Hãy cam kết với mục tiêu mong muốn của bạn cho tới khi bạn đạt được thành công mà bạn đã hướng tới. Đây là điều mà tất cả những người thành công đã làm.

Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không thể thay đổi mong muốn về kết quả. Nếu những bài học khiến bạn nhận ra bạn muốn đạt được một kết quả khác hơn, vậy thì hãy cứ đổi mục tiêu. Đặt ra một loạt câu hỏi với cái đích mới này như đã làm trước đó và lại bước từ bước đầu tiên. Tuy nhiên, nguyên tắc thì vẫn vậy. Bất kể cái đích xác định trước của bạn là gì, bạn hãy tận tâm với nó và hãy hành động để đạt được nó. Hãy làm như vậy, bạn sẽ đạt được thành công và có được kết quả như mong muốn.

“Nếu không có cam kết, sẽ chỉ có những lời hứa và hi vọng suông mà chẳng có kế hoạch nào hết.” Peter Drucker, nhà chiến lược kinh doanh

Hành động để đạt lấy mục tiêu ngay từ thời điểm bạn xác định chúng và hãy tiếp tục tiến lên.

2.4 Loại bỏ những thói quen cũ

Bạn có hay tạo ra một thói quen mới cho mình không? Bạn có bao giờ làm những việc mới mẻ, học những kĩ năng mới, tiếp nhận thêm công việc không? Bạn có hay tư duy theo một lối mới không? Bạn có tò mò không? Bạn có hay thử nghiệm không? Nếu cứ sống theo cách mà bạn luôn sống, bạn sẽ nhận được kết quả cũng giống như những thứ mà bạn đã từng đạt được.

Sở hữu một trí tò mò và tính thích thử nghiệm có thể đưa bạn tới những kết quả mới mẻ, thành công và thú vị trong cuộc đời.

  • Những người tò mò có xu hướng đặt rất nhiều câu hỏi. Có lẽ họ muốn biết xem thứ gì là tốt, việc gì có thể làm khác đi, làm thế nào có thể tạo nên thay đổi, cách người khác làm là gì. Bạn càng tò mò càng tốt. Hãy nuôi dưỡng trí tò mò của bạn. Hãy xem xét cách bạn hay làm mọi thứ và thử cách khác có thể hiệu quả hơn trong tương lai. Bạn có thể học được gì từ người khác?
  • Người sáng lập ra NLP đã có thái độ như vậy. Richard Bandler và John Grinder tò mò muốn biết tại sao lại có những người làm việc hiệu quả hơn những người khác và họ đặt ra nhiều câu hỏi để đi tìm lời giải đáp. Câu trả lời mà họ tìm thấy đã mang lại lối tư duy và các phương pháp, kỹ thuật trong NLP. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn đặt câu hỏi về thế giới quanh bạn hay khám phá ra điều gì đó trong thế giới nội tại của mình?
  • Học thêm những điều mới ngày hôm nay. Bạn có thể khám phá ra sức mạnh và khả năng tiềm ẩn mà trước kia bạn không hề biết tới của mình. Hãy áp dụng nhiều cách làm khác nhau và theo dõi kết quả. Chỉ khi thấy được kết quả từ những hành động khác nhau, bạn mới có thể thấy được lợi ích của một cách làm so với cách khác. Vậy nên hãy bỏ đi một vài thói quen. Hãy thử các kỹ thuật và lối tư duy trong cuốn sách này.
  • Tìm ra một tấm gương trong công việc. Hãy nghĩ về cách mà người đó sẽ làm cho công việc của bạn trở nên tốt hơn. Và bây giờ hãy làm theo những gì họ làm.

Điều gì sẽ xảy ra? Bạn chưa biết được, nhưng có lẽ bạn sẽ tò mò muốn biết. Một điều chắc chắn xảy ra là khi từ bỏ những thói quen cũ, bạn sẽ có thêm nhiều lựa chọn và cơ hội trong cuộc đời.

“Vận mệnh của bạn được tạo hình trong khoảnh khắc bạn đưa ra quyết định.” Tony Robbins, tác giả chuyên viết sách tự hoàn thiện bản thân

Một phút suy ngẫm: Hãy vứt bỏ những thành kiến của bạn. Chúng ta thường hay đánh giá con người và sự việc bằng định kiến. Ta thường chẳng thèm bắt đầu làm mọi việc vì cho rằng ta biết chắc mình sẽ đạt được kết quả gì. Hãy thay đổi thái độ của bạn, bạn có thể thay đổi cuộc đời mình.

Thử nghiệm sẽ giúp bạn đạt được thành công lâu dài trong công việc.

2.5 Thất bại là mẹ thành công

Bạn làm gì khi mọi thứ không xảy ra như mong muốn? Bạn đổ lỗi cho hoàn cảnh hay tự mình đứng dậy và tiếp tục? Bạn tiếp tục làm việc để đạt được mục tiêu hay cho rằng chúng không thể đạt được vì những khó khăn bạn đang vấp phải?

Một ý tưởng quan trọng khác của NLP là:

  • Không có gì là thất bại, chỉ có thêm bài học kinh nghiệm. Khi bạn nằm ở bên vế “nguyên nhân” trong phương trình nguyên nhân – kết quả thì bất cứ điều gì diễn ra với bạn đều là tin tốt. Ngay cả khi đó là một rào cản, bạn có thể học từ nó và tiếp thu các kĩ năng. Cứ cho là hiện giờ bạn không đạt được kết quả mong muốn, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ mãi không thể đạt được kết quả đó. Có lẽ cách bạn đã làm không phải là cách tốt nhất. Có lẽ đây là lúc bạn thử sức với điều gì đó mới mẻ. Hãy cho rằng cuối cùng bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn, vấn đề chỉ là thời gian chưa đủ dài mà thôi.

Hãy lấy ví dụ về việc rèn luyện thân thể. Trông bạn không được gọn gàng cho lắm vậy nên bạn muốn chạy quanh công viên trong hai tuần liền. Bạn không thể đạt được mục tiêu này. Bạn suýt đạt được, nhưng ở phút cuối bạn lại bị sai khớp.

Có phải bạn đã thất bại? Không, đơn giản là bạn có thêm những bài học hữu ích.

Nếu bạn nghỉ ngơi hay khởi động thật dẻo dai trước khi chạy thì, cuối cùng bạn sẽ chạy được quanh công viên đó.

Thế còn nếu bạn gặp một ông sếp khó tính? Sáng nào bạn cũng cười với ông ta mà ông không hề đáp lại. Bạn vẫn nghĩ mối quan hệ này thật tệ. Hẳn là bạn đã thất bại vì bạn vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.

Nhưng đừng nghĩ về nó quá bi quan như vậy. Thay vào đó, hãy nghĩ: ta có thể làm điều gì khác vào ngày hôm sau? Ta có được một quan điểm rõ ràng về việc ta muốn có được mối quan hệ với ông sếp như thế nào. À, đúng rồi đó, bạn có thể đề đạt làm thêm một dự án mới. Hãy cùng xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Miễn là bạn linh hoạt hơn trong hành động thì cuối cùng bạn sẽ có được một kết quả khác biệt.

“Thất bại là thành công khi chúng ta biết học hỏi từ nó.” Malcolm Forbes, chủ tạp chí “Forbes”

Một phút suy ngẫm: Hãy linh hoạt. Hãy luyện cách đi ra khỏi vùng an toàn của bạn để tìm ra các phản hồi đa dạng hơn về những gì xảy ra với bạn. Việc giữ những thói quen nhất định sẽ gây nhiều hạn chế cho bạn. Nếu cứ làm những gì bạn luôn làm, bạn sẽ chỉ đạt được những gì mà mình vẫn luôn đạt được và sẽ thấy thành công chỉ nằm gọn trong những điều bạn đã đạt được trong quá khứ.

Học từ thất bại để tìm xem mình cần gì để có thể phát triển được khả năng của bản thân.

2.6 Đưa ra câu hỏi

Bạn có để ý xem có bao nhiêu câu hỏi trong chương này không? Bạn có thực sự tự hỏi mình hay là chỉ đọc lướt qua cho có thôi? Nếu bạn đặt câu hỏi đúng, chúng có thể dẫn dắt bạn tới rất nhiều suy nghĩ hữu ích. Ngược lại, một câu hỏi sai có thể đem tới những ảnh hưởng tiêu cực.

Hãy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đặt câu hỏi kiểu: “Tại sao mình luôn luôn hoàn thành những việc giám đốc giao cho một cách thật là tệ hại?” Câu trả lời sẽ mang đến cho bạn vô số lý do để bào chữa cho việc bạn làm việc kém, và kết quả sẽ chẳng hề thay đổi. Điều này thường được gọi là “cấu trúc đổ lỗi”. Mặt khác, hãy nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thay đổi phần chính yếu của câu hỏi thành: “Lần tới nếu làm một nhiệm vụ tương tự, mình có thể làm gì tốt hơn?” hoặc là: “Làm thế nào để có thể học từ lần này để cải thiện vào lần tới?”. Điều này được biết đến là “cấu trúc hướng tới mục tiêu” trong NLP.

  • “Làm thế nào?” là một cách hay để đặt câu hỏi. Bằng cách đặt câu hỏi làm thế nào, bạn có thể tìm ra được cách làm nào hiệu quả nhất. “Làm thế nào anh ta khiến vị khách đó mua hàng của mình vậy?”, “Làm thế nào mà cậu ta luôn đạt được thành tích tốt hơn đồng nghiệp vào cuối tháng?”, “Làm thế nào mình có thể làm công việc của mình tốt hơn?” Câu hỏi “làm thế nào” giúp bạn tìm ra các bước cần thiết để đạt lấy kết quả cụ thể hay những hành vi ứng xử cụ thể.
  • “Điều gì” sẽ là một câu hỏi tốt kèm theo. “Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa thành công và không thành công trong công việc của mình?”, “Ta có thể làm gì để biến sự khác biệt lớn nhất thành thành công?”, “Ta muốn kết quả là gì?”, “Ta còn phải thay đổi điểm gì?”

Giờ bạn đã nhận thấy những câu hỏi này có sức mạnh thế nào chưa? Hãy nhớ rằng: chất lượng của câu hỏi xác định chất lượng của câu trả lời.

Nếu không đạt được những kết quả như mong muốn, bạn hãy đặt câu hỏi: “làm thế nào và cần điều gì” để tìm ra cách làm khác hiệu quả hơn.

Tình huống: Sau khi Kenny học NLP, anh bắt đầu tập trung vào các mục tiêu hơn là các vấn đề của bản thân. Trước đây Kenny thường hay tự hỏi: “Tại sao mình làm tiếp thị thật tệ?” Đáp án mà anh hay đưa ra là: “Mình không thích một số đối tượng mà mình phải quảng cáo. Họ hơi quá thân mật với mình. Và mình ngại nói chuyện với người lạ”. Tuy nhiên, sau khi đặt ra tầm nhìn rõ ràng hơn về vấn đề giao tiếp tốt, anh đã bắt đầu đặt các câu hỏi “làm thế nào”. “Làm thế nào mình có thể nói chuyện quyết đoán hơn và giao tiếp hiệu quả hơn với sếp?” “Những gì tôi đã mất là những lời biện minh cho sự làm việc kém, không tốt như mình muốn. Giờ thì tôi đã học cách tiếp thị tốt hơn. Sáu tháng sau đó tôi đã được lên chức!” Kenny nói.

2.7 Hãy cụ thể

Hãy nghĩ tới lúc bạn muốn mua một vé máy bay, vé tàu, hay vé xe buýt. Bạn mông lung không biết mình sẽ đi đâu? Thật kì cục khi bạn nghĩ rằng: “Mình chẳng quan tâm mọi chuyện sẽ đi về đâu”, nhưng câu hỏi về đâu lại chiếm phần lớn thời gian của bạn. Kết quả công việc cũng giống như những chiếc vé kia.

Từ “cụ thể” là một trong những cụm từ hữu ích nhất mà bạn có thể sử dụng nếu muốn đạt được nhiều thành công hơn trong công việc.

  • Đưa ra lý do cụ thể. Trước hết, hãy nghĩ về mục tiêu cá nhân hay mục tiêu kinh doanh của bạn và những kết quả mà bạn muốn đạt được. Bạn nghĩ liệu điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không cụ thể hóa kết quả mong muốn này?

Cũng giống như việc mua một chiếc vé mà không rõ điểm đến, nếu bạn không đưa ra kết quả cụ thể thì kết quả mà bạn đạt được sẽ chỉ phụ thuộc vào may rủi.

Giả dụ bạn là nhân viên ngân hàng và có một khách hàng có một bản kế hoạch kinh doanh như sau: “Chúng tôi dự định kiếm được từ 100 đôla tới một triệu đôla trong vòng hai hoặc năm năm tới, mặc dù chúng tôi không dám chắc là bao nhiêu và tới khi nào…” Liệu bạn có cho khách hàng này vay tiền không? Dĩ nhiên là không rồi.

Hay giả dụ bạn mua một tấm vé máy bay tới “bất kỳ đâu ở châu Phi” trong khi bạn muốn tới Zambia. Chắc chắn sẽ tốt hơn nếu bạn mua một chiếc vé tới Zambia ngay từ đầu. Tương tự như vậy, hãy đảm bảo rằng bạn có những kết quả cụ thể mà bạn muốn hướng tới vào lúc này. Bạn càng lên kế hoạch cụ thể, bạn càng dễ đạt được điều mình mong muốn.

Cụ thể hóa kết quả cũng rất hữu dụng nếu bạn muốn thay đổi điều gì đó không còn phù hợp. Đây là một vài câu hỏi mà bạn có thể đưa ra:

  • Những bài học cụ thể nào mà bạn học được trong đời sống công việc đã dẫn bạn tới vị trí hiện thời? Bạn nghĩ bạn cần học điều gì cụ thể để tiến bộ xa hơn thế?
  • Những thói quen cụ thể nào có ích cho bạn và thói quen cụ thể nào bạn cần thay đổi?

Hãy xem điều gì xảy ra khi bạn cụ thể hóa kết quả kinh doanh, mục tiêu phát triển cá nhân và chuyên môn của mình.

Một phút suy ngẫm: Khi đọc cuốn sách này, hãy ghi nhớ cách bạn tiếp nhận những bí quyết kinh doanh NLP. Những bí quyết cụ thể nào sẽ hữu dụng nhất với bạn? Bạn sẽ áp dụng chúng cụ thể như thế nào, ở đâu và khi nào?

Hãy cụ thể những điều bạn muốn. Khởi điểm mơ hồ sẽ chỉ đem đến một kết quả mơ hồ.