Luật Đời & Cha Con

Chương 10

Căn hộ ba tầng ông bà Hoè mua ở trong một ngõ hẹp, ô tô không vào được. Thế lại yên tĩnh. Không có vườn như nhà cũ. Các nhà đều dạng nhà ống. Tường nhà nọ áp sát tường nhà kia. Tầng một làm phòng khách, chỗ để xe, giữa là cầu thang, phía trong cầu thang là phòng ăn, nhà bếp. Mỗi tầng có hai buồng.

Tầng hai là ông và bà. Những bà thường ở tầng một, nhiều khi ngủ cũng ở đấy. Tầng ba là cha con Đại. Mỗi người một buồng. Vừa xinh.

Phòng nào cũng có máy thu hình. Bà Phụng thường ngồi ở phòng khách, xem ti vi, đọc báo, và nhìn người qua lại, ngắm cảnh làm ăn buôn bán. Không biết từ bao giờ con ngõ nhỏ này trở thành một cái chợ nhỏ, có đủ khoai, đậu, gạo, thịt cá, rau cỏ. Một cô gái thường dựa nhờ xe đạp vào tường nhà bà, ngồi ghé nhờ dưới mái hắt bán gạo. Ngày nào cũng ngồi, cũng chào hỏi, lâu dần thành quen. Một hôm trời mưa, gạo không bán được bao nhiêu, cô phiền bà, gửi lại, hôm sau lại đạp xe ra bán nốt. Bà nhớ, thời mình còn là cô mậu dịch viên cửa hàng lương thực, suốt ngày loay hoay đóng gói, bán hàng. Đóng gói mất nhiều thời gian hơn là bán. Bởi phải đóng nhiều loại túi lẻ mà to nhất chỉ là mười cân, cho đến một cân. Gạo cũng thế, mà mì cũng thế. Khi thì gạo nếp (ngày tết) khi thì gạo nở, khi thì gạo dính, rồi thì tấm, bo bo, bột mì, mì sợi… Bây giờ cả thúng gạo, hạt nào hạt ấy nhỏ mình, thon đầu, nõn nà, thơm tho, ngon mắt. Người ta ví các cô gái xinh xắn như những hạt gạo mỏng mày hay hạt là vì thế. Bà Phụng xúc bàn tay vào thúng gạo. Mát rười rượi. Vốc nắm gạo lên, hạt nào hạt ấy trơn bóng, đều tăm tắp đuổi nhau chạy qua kẽ tay buồn buồn. Xoè bàn tay nhìn, vẫn sạch bong, nghe cả mùi nắng gió, mùi phù sa, mùi lúa lên đòng trong mùi gạo mới thoang thoảng. Không thấy một hạt tấm, hạt gạo nửa hay hạt thóc sót. Ngày xưa đi đong gạo, thấy hạt thóc sót bà lại nhặt đưa lên miệng, cắn một đầu cho trấu lách ra, bỏ hạt gạo vào thúng.

Bây giờ đố có tìm thấy. Bà thương quý hạt gạo, bà thương cô bé nông thôn vất vả, ngày nào cũng phải kẽo kẹt đạp xe mấy chục cây số, không bán hết lại kẽo kẹt đạp về. Bà vẫn mua gạo cô. Nhưng bây giờ gạo ăn chả hết bao nhiêu, người ta ăn thức ăn là chính. Chỉ một hai lưng cơm tẻ, cho ruột đỡ nhớ là được rồi. Một hôm bà chủ động bảo cô gái:

- Bà cho cháu gửi hàng đấy.

Cô gái nhìn bà rưng rưng:

- Thế thì cháu đội ơn bà quá! Cháu sẽ chở ra nhiều nhiều gửi bà, để bán dần, rồi còn tìm thêm cái gì bán, kiếm đồng rau đồng quà cho cháu ở nhà.

Không hiểu sao hôm nay không thấy cô gái ra. Người mua quen lại đến. Bà bán hộ được mấy chục cân.

Hôm sau, hôm sau nữa, cô gái vẫn chưa ra. Chỗ gạo gửi, bà đã bán hết nhẵn. Thì ra cô bị cảm. Khổ thân.

Cầm tiền bà đưa, cô cảm ơn rối rít:

- Cháu biết lấy gì đền ơn bà đấy?

Mấy hôm sau, bà bảo cô:

- Bà bán hàng cho cháu được đấy - Bà không để lộ cho nó biết, ngày xưa bà cũng từng bán gạo mậu dịch - nhưng người Nhà nước, ăn lương Nhà nước thời ấy khác chứ - Này bà hỏi thật nhớ. Những lúc vắng khách, cháu cứ để bà trông hàng, bán hàng. Còn cháu thì giúp bà dọn dẹp, lau chùi nhà cửa… có được không? Bà sẽ bồi dưỡng tử tế.

Cô bé mừng quá:

- Thế thì cháu đội ơn bà suốt đời. Cháu không lấy tiền của bà đâu. Bà giúp cháu thế này, coi cháu như con cái trong nhà rồi còn gì.

- Không, bà sẽ bồi dưỡng mỗi lần mười, thôi mười lăm ngàn nhớ…

- Cháu đội ơn bà!

Bà lên gác, lôi ra một mớ quần áo của con dâu:

- Đến đây cháu thay quần áo đi đường bụi bặm ra, mặc quần áo này vào. Thay ngay đi, để bà dẫn đi các phòng. Cháu xuống đóng cửa vào đã.

Bà dẫn cô gái lên từng phòng, dặn dò tỉ mỉ, từng li từng tí.

Cô gái vâng dạ luôn miệng:

- Cháu làm được mà, bà không phải lo. Nếu không vừa ý, bà cứ việc tống cháu ra khỏi nhà.

Ông Hoè ngạc nhiên thấy cô bé xuất hiện trong nhà, lại làm những việc như con cháu mình vậy. Tất nhiên ông cũng nghe nói, bây giờ, đi ở cũng là một nghề như bao nghề khác. Phân công lao động mà, chuyên môn hoá mà. Không có nghề ngỗng chuyên môn gì thì phải làm thế để kiếm sống, để cho người có chuyên môn đành nhiều thời gian vào việc của mình. Như thế sẽ tạo ra nhiều của cải cho xã hội hơn. Bảo không có nghề mới phải làm công việc này, cũng chả hẳn như thế. Thời kinh tế thị trường thì đâu cũng là một nghề, cũng đòi hỏi phải có một số kỹ năng nhất định, một số phẩm chất nhất định. Không thì không làm được đâu ở các nước phát triển thì đó là một trong muôn ngàn nghề dịch vụ. Lương trả, so với thu nhập ở Việt Nam rất cao. Chả thế nước ta đã xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… làm nghề giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người độc thân, người đau yếu ở bệnh viện.

- Ngồi xuống đây ông hỏi chuyện đã. Tên cháu là gì?

- Ông cứ gọi cháu là Ôsin cũng được.

- Không, ông không gọi thế. Cháu giúp ông bà thế này là quý lắm. Mọi khi ông vẫn tự làm đấy chứ. Nào nói cho ông nghe, cháu tên là gì? Quê ở đâu?

Cô gái tên là Dự - tên một thứ gạo ngon lắm đây.

Quê ông trước đây cũng có thứ thóc này Tự nhiên ông chạnh lòng. Từ ngày mẹ thằng Hồi mất ông cũng ít về quê. Trừ ngày giỗ bố mẹ, bên ông anh cả làm. Giỗ vợ, ông chỉ thắp nhang không. Cô gái có chồng, một đứa con gái hơn hai tuổi. Ruộng ít, vườn tược chả có, vợ chồng chỉ làm một lèo là xong hết việc đồng áng, thành ra quanh năm cứ là nông nhàn. Thế nên mới phải chạy chợ thêm. Gì thì gì, cũng phải cố bằng anh, bằng em chứ, mà phải cố trông lên, chứ ai lại trông xuống hả ông? Thời cả làng nghe loa công cộng qua rồi. Thời chỉ nghe đài cũng đã qua rồi, mà thời tivi đen trắng lại cũng qua rồi. Chuyện sang hàng xóm xem nhờ tivi mầu cũng không còn nữa.

- Đấy là một màn chèo có một không hai ở làng cháu đấy ông ạ.

- Thì mà kể cho ông nghe xem thế nào mà bảo chèo với tuồng.

Qua câu chuyện kể của cô bé, có thể hình dung sự việc diễn ra thế này.

… Tiếng là xem nhờ đấy. Nhưng cũng phải có đi có lại. Nhà ấy có đứa con đi xuất khẩu lao động nên có tivi sớm nhất làng. Sang xem, cũng được, chả rộng hẹp gì Xem một lúc rồi về hay xem cả buổi đến hết chương trình cũng không sao. Nhưng mà tiền điện này - Điện ắc quy chứ đã làm gì có điện lưới - Lại cứ phải ngồi trông máy, điều chỉnh khi hình nó nhảy nhót, hay méo sẹo, tiếng to tiếng nhỏ v.v… Bán vé, hay không bán vé?

Thu tiền cũng khó coi, hàng xóm láng giếng nó mang tiếng ra. Thôi thì thế này, người lớn thì xem không, miễn phí. Còn trẻ con thì cứ mỗi tối mang theo một hòn gạch kê đất làm ghế ngồi. Ngày nắng ráo đã vậy, ngày mưa không ngồi bệt xuống sân được. Nhất cử lưỡng tiện. Gạch mới cũng được, mà gạch cũ cũng xong. Chỉ không được mang gạch vỡ thôi. Vợ chồng nhà Dự hồi mới lấy nhau, bảo trẻ con thì không phải, mà bảo người lớn thì cũng chưa lọt tai. Trẻ con thì nó đi nhặt trộm gạch của mấy nhà đang xây của hợp tác xã còn được, chứ vợ chồng Dự, không thể làm thế được.

Chồng thích xem đã đành, vợ cũng mê, còn mê hơn chồng cơ. Vợ chồng lại mới cưới, chả nhẽ cứ vác mặt đi xem chạc? Không biết làm thế nào, đành đứng ngoài bờ dậu, xem từ xa vậy. Xem từ xa chỉ thấy nhoang nhoáng, người như con kiến, chả rõ hình thù gì. Thì coi như nghe tivi vậy. Đấy là phương tiện nghe nhìn cơ mà. Không nhìn thì nghe vậy.

Chỉ có chủ nhà là… bở. Khách xem vừa đứng dậy phủi đất quần, cả nhà đã túa ra nhặt gạch. Ngày thứ bẩy, chủ nhật, có phim, kịch hay cải lương, chèo phải được ba bốn chục gạch, có lần đến hơn năm chục. Đống gạch sau nhà cứ cao dần lên, gạch mới, gạch cũ lẫn lộn. Cứ đà này chả mất năm xây được lầu son gác tía.

Mấy nhà đang xây, cứ thấy đống gạch nhà mình vơi dần. Đánh dấu, thấy mất dấu. Rình mãi mới bắt gặp mấy đứa trẻ con, mỗi đứa một viên chạy thục mạng. Cả nhà co cẳng đuổi theo. Bọn con trai nhanh chân chạy thoát cả.

Mỗi đứa con gái bị bắt tại trận với cả tang vật. Con bé tỏ ra rất gan trước đòn doạ nạt, quát tháo của gia chủ. Chỉ đến khi con bé nhà chủ, học cùng lớp ra nhận dạng với câu này "Đằng ấy là sao đỏ Nhi đồng tháng 8 mà lại thế à?" nó mới chịu khai.

Hai nhà kia, nghe thông tin nhà này bắt được kẻ trộm gạch thì sang ngay. Khi biết rõ gạch nhà mình mất vì đâu nó mọc chân chạy về đâu, bèn bàn nhau tổ chức lực lượng.

Ba nhà sẽ chia thành ba mũi tấn công; đứng ở ba điểm thẳng hàng trên đường làng, qua hàng dậu rách, trước sân nhà kia.

- Ta phải chọn những người to mồm nhất, biết chửi thành bài hẳn hoi đấy.

- Khoan đã… Mỗi nhà cắt cử hai người chuyên lo việc chửi. Người này chửi xong thì người kia thay ca.

- Lại phải có người túc trực, tiếp nước uống tử tế. Lại phải có gậy bảo vệ, phòng khi nó suỵt chó ra. Cũng lại phải có người liên lạc, chạy đi chạy lại, báo cáo về Trung tâm chỉ huy.

- Ấy này, mỗi nhà phải khiêng một cái bàn ra, đứng lên đấy chửi thì mới có khí thế, tiếng chửi mới vang xa được, dù nó có đóng chặt cửa buồng vẫn phải nghe.

- Tôi có sáng kiến này. Để cho tiếng chửi to hơn, ta lấy mấy cái mo cau làm loa như hồi đầu kháng chiến ấy, như thế bài chửi hoành tráng hơn các bác ạ.

- Tôi có ý kiến thế này! Làm gì cũng phải có tổ chức, có lãnh đạo, không có thì hỏng, gậy ông lại đập lưng ông mất. Ba mũi chửi, nhưng không phải cùng chửi một lúc được. Không khéo, nó thì chẳng nghe thấy gì, mà lại hoá ra mình chửi lẫn nhau đấy. Vì thế phải chửi lần lượt. Theo phân công hẳn hoi. Tuỳ tình hình cụ thể, nhưng tôi dự kiến, trận chửi này phải kéo dài từ một giờ đến một giờ rưỡi đồng hồ mới kết thúc.

- Không, phải hai giờ, hai giờ rưỡi là ít.

- Thôi được. Tuỳ lực lượng của ta. Chuẩn bị tốt thế này, coi như đã thành công một nửa rồi. Đề nghị bác Toán tổng chỉ huy, mọi người nhất trí không?

- Tán thành!

- Đồng ý!

Chưa bao giờ làng Dự có một trận chửi ác như thế, độc như thế, ngoa ngoắt như thế, bài bản như thế.

Do đặc điểm nghề nghiệp, trình độ chính trị, kiến thức, văn hoá, vốn từ ngữ, khả năng diễn đạt, chất giọng và âm lượng, phát âm, giới tính, tuổi tác và sức khoẻ của những người chửi khác nhau, mà dân làng được nghe sáu bài chửi, của sáu tác giả, rất khác nhau.

Tuy vậy theo lý thuyết nhóm của toán học hiện đại thì tựu trung chỉ có ba trường phái chửi sau đây.

Trường phái thứ nhất:

- Này, dỏng tai lên mà nghe đây. Đống gạch kia trong sân nhà mày là thứ của phi nghĩa, bất nhân. Ai cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để đào đất, đóng gạch, phơi nắng, chạy mưa, đốt lò nung chán chê mê mỏi mới được mấy vạn gạch. Ngày nào vợ chồng bà cũng phải mồ hôi trên chảy mồ hôi dưới, mồ hôi trán dán mồ hôi l… (phát âm đầy đủ cả từ này) suốt từ tinh mơ đến tối mịt, rã rời tay chân, đêm nằm không còn thiết làm gì nữa. Mấy tháng trời như thế mới được lò gạch. Thế mà nhà mày ăn không ăn hỏng của bà. Đấy là hình thức bóc lột trá hình. Đấy là làm giầu bất chính. Mày không thấy ngượng với bàn dân thiên hạ à?

Tạm gọi là trường phái chửi lên án.

Trường phái thứ hai:

- Lịch sử làng ta, xã ta, huyện ta, tỉnh ta, nước ta, nói rộng ra lịch sử thế giới cổ đại, trung đại, cận đại và đương đại, chưa thấy ai ném đá dấu tay mượn tay trẻ con làm giầu như thế? Thử hỏi nhà mày có còn nghĩ đến địa vị, uy tín, danh dự gia đình không? Có biết hàng xóm láng giềng nghĩ về nhà mình thế nào không? Con cháu nhà mày ra đường có còn dám vui chơi bạn bè không? Mày có thấy như thế là làm bại hoại thanh danh, làm hỏng cả thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, vì đã biến những đứa trẻ thích xem truyền hình của Đảng và Chính phủ thành những kẻ ăn cắp vặt không?

Đó là trường phái chửi phân tích.

Trường phái thứ ba:

- Này, trẻ già, trai gái, đàn ông, đàn bà, thằng lớn, con bé, đứa chống gậy, đứa chưa nứt mắt, mọc răng, cả họ hàng bàng sang gốc tính nhà mày, hãy dỏng tai lên mà nghe. Bà truyền đời báo danh cho mà biết. Mày lấy gạch nhà bà, thì đứa già chết sớm, con gái chết già, đứa trẻ học dốt, đứa dốt lưu ban, đứa buôn lỗ đằng buôn, trồng đỗ không quả, trồng quả không lên mầm, bưng mâm mâm đổ, cúng giỗ cỗ thiu. Mày lấy gạch của bà, xây nhà nhà đổ, xây mồ mồ vỡ, xây chuồng lợn lợn chết, làm chuồng trâu, trâu long mồm lở móng, làm chuồng gà, gà mắc địch cúm gia cầm. Nói tóm lại là không dừng được vào việc gì đau. Mày hãy thủng lỗ tai, dài con mắt ra mà nghe. Bà chửi thế thôi, bà nghỉ lấy sức, mai lại chửi tiếp cho biết tay.

Chính thức xếp đấy vào trường phái chửi nguyền rủa.

Để ý sẽ thấy đa số trong ba trường phái trên là thuộc phái… yếu. Vậy là ngẫu nhiên nó chứng minh cho nguyên lý này. Trong những cuộc khẩu chiến thì phái yếu thường tỏ rõ ưu thế hơn, mạnh hơn phái mạnh. Hệ quả là phái mạnh chớ dại gì nhảy vào cuộc khẩu chiến với phái yếu. Nếu đã chót lao vào rồi thì phải nhanh chóng rút ra để chuẩn bị cho một cuộc chiến khác bằng tay, chân, nhất là chân, đủ thứ chân.

Sáng hôm sau, theo ý kiến ông Toán, Tổng chỉ huy, cả ba trường phái chửi ngồi lại rút kinh nghiệm, củng cố tổ chức, chuẩn bị một chiến dịch chửi mới, thì…

Dù người đã dậy nấu cơm chuẩn bị ra đồng, hay đang buộc hàng lên xe đạp, xe thồ đi chợ xa, hoặc những người đêm qua đánh bạc khuya, còn đang ngon giấc, lũ trẻ dạy sớm học bài. Cả những người đang… giã gạo thình thịch, xay lúa ù ù, cả người nặng lẫn người nhẹ tai đều nghe rõ mồn một, tiếng cùng cục từ trên trời cao vọng xuống, từ đất thẳm vọng lên. Tiếp theo là tiếng thanh niên đếm: "một, hai, ba, bốn… Một, hai, ba, bốn" như hô đồng diễn thể dục. Cả làng con đang ngơ ngác, chưa hiểu làm sao người nhà trời lại tập thể dục sớm thế, thì lại nghe tiếng đằng hắng. Rồi một giọng đàn bà, đích thị đàn bà cất lên:

- A lố! a lồ! Chúng mày nghe đây…!

Ôi giời ôi! Ba chiếc loa công suất lớn, buộc chặt vào lưng chừng ba cây cau cao vút, chĩa ra ba hướng khác nhau. Ba hướng ấy là ba xóm, có trụ sở đồn trú của ba trường phái chửi hôm qua.

- Này chúng mày nghe đây. Hôm qua chúng mày cắt đặt nhau, thay phiên nhau chửi bà. Bà không thèm chấp. Thì miệng chửi, tai nghe. Hưởng ứng phong trào cả nước, cả tỉnh, cả huyện, cả xã nhà thi đua công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hôm nay bà dùng phương tiện thông tin chinh quy, hiện đại nhất tỉnh nhà, chửi chúng mày một trận cho bõ túc, để cả làng ta nghe, làng trên, xóm dưới cùng nghe, cả trời cao, đất dầy cùng nghe, cả người sống trong làng, người nằm dưới âm ti địa ngục cũng phải nhỏm dậy mà nghe. Bà không ăn không ăn hỏng của ai, bà không tơ hào ngọn rau, hạt lúa của ai. Bọn trẻ con nhặt đâu hòn gạch, kê đất ngồi xem ti vi nhà bà rồi vứt đấy, cắp đít về, để cho bà phải dọn dẹp, chứ ai xui bẩy gì…

Nếu Công an xã không được cấp báo, không can thiệp kịp thời, thì không biết cuộc chiến chửi ấy sẽ tiếp diễn thế nào…

Trong khi cô gái kể, ông Hoè cứ cười suốt. Ông hỏi:

- Thế kết cục câu chuyện ra sao?

Cô gái cũng cười:

- Ở nhà quê, chửi nhau là thường ông ạ. Nhưng đấy là trận chửi nhau vui nhất, quy mô lớn nhất ở vùng cháu. Mà đã chửi nhau rồi, coi như xong, hoà cả làng.

Ai phân xử? Chả ai đúng, chả ai sai. Cái nhà có ti vi từ đó không thu gạch của trẻ con nữa. Nhưng họ chuyển hình thức kinh doanh. Mua đầu videô về, thuê phim chưởng về chiếu, cả bộ vài chực tập. Đã xem tập một không thể bỏ được tập hai: Thu tiền đàng hoàng nhớ.

Cả người lớn lẫn trẻ con. Người lớn năm trăm, trẻ con hai trăm. Năng nhặt chặt bị mà ông. Thế cũng ối tiền đấy Thôi ông đọc sách đi. Cháu kể thế thôi, để còn dọn đẹp. Hôm khác ông cháu mình lại trò chuyện.

Cô gái quê chất phác, tươi tắn, lại hay vui chuyện, hay kể về làng cô. Ông Hoè cũng vui lây bất giác ông thấy mình sống lại thuở còn ở quê với người vợ tao khang.

Một lần trò chuyện, ông Hoè hỏi Dự về gia đình, cô kể:

- Bố cháu làm công tác vận tải nông thôn ông ạ. Còn chồng cháu thì làm giám đốc Trung tâm triệt sản gia súc.

Ông Hoè chỉ đoán già đoán non, chứ cũng chưa biết cụ thể họ làm gì, nên hỏi lại, thì cô gái giải thích:

- Ở nông thôn, công việc vận tải có hai việc, một là xe thồ, hai là xe bò đuôi. Hàng nặng như đá hộc thì chở xe bò. Hàng cồng kềnh, cao lênh khênh hay dài ngoằng ngoằng cũng chở xe bò. Còn ít, gọn thì xe thồ.

- Thế còn chồng cháu?

Chồng cháu làm nghề hoạn lợn, thiến gà, chó, mèo ấy mà, ngoài ra còn một nghề phụ nữa, chỉ rung đùi thôi cũng kiếm được mớ rau, cho vợ con.

- Thế sao không gọi thẳng ra là hoạn lợn, chó, gà, mèo mà lại…

Cô gái cười hồn nhiên, phô hàm răng đều đặn:

- Thì phải nói thế cho nó sang, cho nó oai chứ ông. Thiên hạ ai chả thế, chứ riêng gì nhà cháu? Nếu có làm danh thiếp thì đề thế chả hơn à ông?

- Thế làm gì mà chồng mày chỉ rung đùi cũng ra tiền?

- Nhà cháu có cái máy khâu cũ, vẫn khâu vá nhì nhằng mà ông.

Con bé nói chuyện đến là vui, lại hóm nữa chứ. Nói chuyện với nó, ông thấy mình như trẻ lại, hiểu thêm nhiều điều. Nông dân như con bé này cũng lắm cái hay thật. Lâu lâu không trò chuyện với nó, ông lại nhớ. Bởi một tuần nó mới giúp nhà ông một lần. Tuy nhà có hai người, nhưng bà ở tầng một, ông ở tầng hai. Ông chả xuống, mà bà cũng chẳng lên. Coi như chỉ có một mình. Đọc sách báo mãi cũng chán… Thông tin phải được phân tích, trao đổi, phải được dừng vào việc gì.

Nếu không sẽ là thông tin chết. Công việc của ông trước đây là nghiên cứu nghị quyết, đọc sách báo, lấy thực tế để mở rộng, đi sâu, minh hoạ cho nghị quyết. Đi phổ biến, đi truyền đạt thì cũng chỉ là làm thông tin một chiều, không có thông tin phản hồi. Không mấy khi đối thoại, càng không trò chuyện cởi mở thân tình và vui như nói chuyện với cô gạt này. Vui thật, thích thật.

Lâu dần, Dự trở thành người nhà lúc nào không biết. Cô vẫn chở gạo từ quê ra. Bà Phụng vẫn ngồi đó nhìn cô bán gạo cho vui. Khi vắng khách, cô dọn dẹp lau chùi nhà cửa thì bà trông hàng, bán giúp. Cô gái nông dân, gửi trong cõi sâu thẳm quá khứ ông bóng dáng người vợ tần tảo, chân lấm, tay bùn với những bước đi gằn của người đàn bà vất vả…

Ông đang nằm sấp trên giường, bởi tự nhiên bụng lâm râm đau. Cô bé đang lau sàn, đến gần giường lo lắng hỏi.

- Ông làm sao thế?

- Ông đau bụng.

Đang quay mặt vào trong tường, ông quay ra. Nó ngừng tay lau. Trong tư thế ngồi lau, từ trên giường, ông nhìn rõ cặp vú chắc trong cổ áo khoét rộng của con dâu ông mà bà Phụng cho nó.

- Cháu đấm lưng cho ông một lúc được không?

Nó nhanh nhảu:

- Để cháu rửa tay đã.

Nó bắt đầu đấm bằng tay phải, bởi hai chân vẫn để thõng ngoài vai giường, nên phải vặn người lại mới đấm được Thấy thế ông bảo:.

- Cháu cho hai chân lên giường, thì mới đấm bằng cả hai tay được. Thế, thêm cứ đấm mạnh vào, giữa sống lưng ấy. Ông dễ chịu lắm.

Mà quả thật, ông thấy khoan khoái cả người. Mùi đàn bà đánh thức khứu giác ông. Khứu giác lại bảo thị giác phải quay đầu lại nhìn. Đường nét cơ thể người thiếu phụ một con chập chờn trước mắt ông. Những tưởng công việc, sách vở làm ông quên hết, phút chốc bản năng đàn ông trong cõi sâu kín, tưởng như đã chết bất ngờ trỗi dậy đòi hỏi.

- Thôi thôi, đừng đấm nữa. Cháu lấy hai nắm tay ấn thật khoẻ vào lưng ông ấy, thế, thế, ấn nữa vào. Thế đỡ đau hơn… Thôi, hay là cháu ngồi hẳn lên lưng ông ấy phải có cái gì thật nặng đè mới đỡ đau.

Cô gái ngây thơ và tin cậy, không biết rằng, thật ra ông chỉ muốn cơ thể ông được tiếp xúc với cô, càng nhiều càng tốt. Cô hỏi một câu ngây ngô:

- Nhỡ cháu làm bẹp ruột ông thì sao?

Vừa lúc ấy Đại về. Đi qua phòng bố, nhìn vào, thấy thế khẽ mỉm cười đi lên phòng mình. Ông Hoè nghe tiếng giầy, nhìn ra, đỏ mặt ngồi dậy.