Luật Đời & Cha Con

Chương 19

Trần Kiên về nhà trong trạng thái phấn chấn lanh ghé vào phòng con gái. Nó đang làm tập làm văn, bài về nhà.

- Con chào bố, có chuyện gì mà bố bố vẻ có vui thế?

- Lúc nào mà bố chả vui. Nếu không vui thì cũng chả buồn. Chả có thì giờ mà buồn. Lúc nào cũng có việc phải làm, phải nghĩ. Ngay cả khi thất bại bố cũng không buồn, vì bố hiểu được nguyên nhân của thất bại ấy! Bố nói thế có đúng không con gái?

Nó đang suy nghĩ, chưa biết trả lời ra sao. Những điều bố nó nói, nó chưa được trải nghiệm nên chưa biết thế nào. Vậy mà bố nó lại bảo:

- Không hoàn toàn đúng đâu con ạ. Ngoài công việc con người ta còn có một đời sống khác, đời sống tình cảm. Nếu chỉ nói về công việc thì đúng. Còn nói về tình cảm thì phức tạp hơn nhiều. Có những người, thành công về công việc; về sự nghiệp, nhưng lại thất bại trong đời sống riêng tư, đời sống tình cảm. Giả dụ như bố chiều nay công việc giải quyết xong, thậm chí có thể nói là hài lòng, là tốt. Nhưng nếu về nhà mà không có con đang ngồi chăm chỉ làm bài thế này, không có mẹ đợi bố về cùng ăn, không có những lần cả nhà ta cùng đi xem nghệ thuật, cùng đi về thăm ông bà nội, ông bà ngoại, hay đi chơi đâu đó như lần ta đi Ba Vì vừa rồi thì… Có ông bố rất thành đạt, nhưng ngày nghỉ phải đi hàng trăm cây số thăm con cai nghiện, hoặc cải tạo. Liệu có buồn không con? Hoặc một gia đình chỉ có bố không có mẹ, hay chỉ có mẹ không có bố. Liệu có buồn không con?

Là may mắn, hay là tất nhiên? Nói thế nào cũng được Bố không rơi vào những bất hạnh đó. Vì bố có con, có mẹ, có ông bà nội, ông bà ngoại, bên một sự nghiệp mà bố yêu thích, hứng thú - Anh kéo con gái vào lòng, ấp nó vào ngực mình - Chỉ có một chút chưa bằng lòng với mẹ. Đố con biết là gì?

Con bé, sững người nhìn bố. Nó không hiểu.

- Mẹ có điều gì làm bố không hài lòng à?

- Rất-không-hài lòng!

Ngôn từ thì khẳng định như thế, nhưng giọng điệu thì lại chả có vẻ gì là quan trọng, là không hài lòng. Đã thế, bố nó còn đặt ngón tay trỏ lên môi:

- Tuyệt đối không được để lộ ra đấy nhớ. Nếu không là lôi thôi to đấy. Thôi con học đi.

Kiên vừa tắm rửa, thay quần áo xong thì vợ anh về. Mặt Thảo Tần khó đăm đăm, nặng nề, u ám. Anh đón chiếc cặp trong tay vợ, lo lắng hỏi:

- Có chuyện gì thế em?

Thảo Tần không nói không rằng, đi thay quần áo.

Kiên pha một cốc nước mơ, mở tủ lạnh lấy mấy viên đá bỏ vào. Vừa lúc vợ anh từ khu phụ bước ra, bộ mặt chả nhẹ nhõm đi được tí nào.

- Em uống nước đi!

Chị uống một ngụm, anh cũng uống một ngụm.

Rồi lại đưa cốc lên miệng vợ, vợ uống xong, lại đến chồng. Trần Kiên đặt cốc lên bàn, hai tay nắm lấy tay vợ:

- Chuyện gì thế em?

Anh nhớ chuyện hôm em dự giờ chị Phương, giáo viên sinh vật chứ? Anh nhớ chị ấy nói gì chứ? Anh nhớ em đưa ra điều kiện gì chứ… Chị ấy không chịu xin lỗi em. Đã thế còn nói với một chị thế này: "Tao không việc gì phải xin lỗi nó. Xem nó có từ chức thật không? Vớ được tý chức quyền, đời nào đám nhả ra".

- Thế ý kiến chi bộ thế nào?

- Chi bộ trường em ấy à? Vừa họp xong chiều nay. Chị ấy trả lời: "Tôi chả phải xin lỗi ai cả. Điều tôi nói là sự thật. Không thế là gì?"

- Thế ý kiến mọi người?

- Có ý kiến đề nghị cả hai bên cùng bớt căng thẳng đi nó là chuyện sinh hoạt, chẳng có gì mà phải quan trọng hoá lên, mà làm to chuyện ra. Đa số ý kiến phê phán chị ấy. Anh hiệu trưởng cho rằng, lâu nay chị này đã bị cả phụ huynh và học sinh kêu ca nhiều, vì dạy gì mà chỉ đọc sách giáo khoa cho học sinh ghi thôi. Đấy là nguyên nhân học sinh chán học môn này. Nếu làm một cuộc điều tra xã hội học, thì chắc chắn giờ sinh vật của chị ấy phải bị học sinh không thích nhất. Rằng, một thái độ tiếp thu ý kiến của lãnh đạo như thế là không thể chấp nhận được. Đã không biết lỗi, lại còn xúc phạm người phê bình. Anh hiệu phó thì cho rằng, cần sòng phẳng với nhau. Chúng ta giáo dục học trò thế nào được khi chúng ta không giáo dục nổi nhau? Không tự giáo đực được mình? Các đảng viên có trình độ chuyên môn khá trở lên đều tán thành việc đánh giá của em, đều phê phán mấy bà đảng viên có tuổi, dạy yếu. Một chị là giáo viên văn nói rằng, các giáo viên ngoài Đảng rất quan tâm tới việc chi bộ xử lý thái độ hỗn hào ấy của chị ta. Một anh còn nhắc lại chuyện nhập nhèm về tài chính của chị ấy trong vụ thu tiền tổ chức học sinh đi tham quan rừng Cúc Phương, bị học sinh phát hiện, nhưng anh hiệu trưởng cũ bao che, cho rằng phải đứng về phía thầy, bảo vệ thầy thì thầy mới dạy được.

- Thế sao không mang ra hội đồng sư phạm?

- Thì phải làm từ trong chi bộ làm ra chứ? Trong chi bộ mà còn như thế thì ra hội đồng sẽ như thế nào? Một anh giáo viên địa cho rằng, thái độ như thế cần phải nhận một hình thức kỷ luật. Anh có biết chị ấy trả lời thế nào không? -" Tôi không xin lỗi, các đồng chí cứ việc kỷ luật, lập tức tôi xin về hưu ngay!"

Anh hiệu trưởng không kiên nhẫn được nữa trả lời luôn: "Chị làm đơn đi, tôi ký ngay. Nhưng trước khi cho nghỉ, phải chịu kỷ luật Đảng đã". Sau đó bàn đến hình thức kỷ luật. Mấy chị nhiều tuổi (toàn các chị dạy yếu hoặc giáo viên cấp 2 học lên, hoặc học hàm thụ) đề nghị khiển trách. Khiển trách đâu phải là hình thức kỷ luật? Phải cảnh cáo. Đa số đảng viên đề nghị mức kỷ luật cảnh cáo. Đến lúc sắp biểu quyết thì bí thư chi bộ, một anh giáo viên dạy sử, người chủ trì cuộc họp phát biểu cuối cùng: "Xin các đồng chí cân nhắc kỳ cho…" Bây giờ, em đố anh biết, bí thư chi bộ trường em phát biểu gì nào?

Chưa bao giờ Kiên thấy vẻ mặt vợ như lúc ấy.

Căng thẳng. Giận dữ. Khinh khi. Chị nói trong cơn giận kìm nén:

- Anh đừng cho là em coi thường chức bí thư Quận uỷ của anh, khi em buộc lòng phải nói thế này. Nếu anh không biết Bí thư chi bộ em nói gì, thì anh không nên làm bí thư Quận uỷ nữa. Bởi ý kiến của đồng chí này là một suy nghĩ rất phổ biến, rất bình thường, có thế thấy ở tất cả các nơi. Nó phản ánh tư tưởng vụ thành tích rất đáng sợ. Mà phải nói, nghe xong, em sợ thực sự. Có cái gì đó hơi ghê ghê…

Kiên không kiên nhẫn được nữa. Anh có vẻ bực:

- Em kể ngay đi xem bí thư chi bộ của em nói gì nào, sao cứ vòng vo, phân tích mãi thế?

Anh ấy báo: "Xin các đồng chí cân nhắc kỹ cho. Nếu có một đảng viên bị cảnh cáo là chi bộ ta không đạt tiêu chuẩn chi bộ trong sạch vững mạnh đâu đấy".

Kể đến đấy, Thảo Tần không chịu nổi nữa. Chị gục vào vai chồng khóc tức tưởi, như một đứa trẻ bị đánh đòn oan. Chị vừa khóc vừa nói, tiếng được, tiếng mất, tiếng lẫn vào nước mắt, tiếng nghẹn trong cổ họng, đến nỗi phải bật ra mấy tiếng ho. Kiên đưa cốc nước vào miệng vợ.

Em không khóc vì chuyện khó xử của em đâu. Em rất lạ vì chị ấy sĩ diện đến thế. Em sống theo nguyên tắc của em, danh dự của em, để làm việc, chứ không phải để khoe mẽ. Nhưng em thất vọng anh ạ. Có một cái gì như là đổ vỡ như sụp đổ trong em…

Kiên ôm chặt vợ vào lòng. Anh hiểu tâm trạng của vợ lúc này. Một chuyện cụ thể thế này, quả thật phản ánh một tình hình phổ biến, một vấn đề không nhỏ. Thế mà anh vẫn chấp nhận những con số, những chỉ tiêu thi đua, đánh giá… Sau một lúc ôm vợ vào lòng, như muốn nhập mình vào tâm trạng của vợ để cùng chia sẻ, cùng day dút, lo lắng, băn khoăn, anh lại thả lỏng hai cánh tay trần săn chắc. Chính anh lúc này cũng có cái gì hoang mang, lo lắng khi nhớ ra rằng, cả ông bố vợ mình, cả những báo cáo chính thức đều nói rằng, các vụ sai phạm, tham ô, tham nhũng lớn bé đều không phải do các tổ chức Đảng phát hiện ra, mà đều do người ngoài Đảng, do quần chúng nhân dân phát hiện, tố cáo. Tất cả các đơn vị có những vụ sai phạm lớn bị báo chí phanh phui thì các đảng bộ, chi bộ ở đấy đều vẫn được công nhận là đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh…

Thuỳ Dương làm xong bài, nó sang phòng bố mẹ. Chợt dừng lại khi thấy mẹ khóc trong vòng tay bố. Nó nhớ đến chuyện hai bố con nói với nhau lúc bố mới về.

Không biết chuyện gì mà bố mẹ có vẻ căng thẳng xúc động thế kia? Nó không biết rằng, hôm nay bố nó định - mở chiến dịch - tiếp tục vận động… mẹ nó đẻ nữa chứ có gì đâu. Kiên đỡ vợ ngồi thẳng dậy.

- Hãy gác chuyện ấy lại đã. Muộn rồi, không thổi cơm nữa, em thay quần áo đi, ta đi ăn ngoài một bữa, thay đổi không khí. Quả thật, anh cũng thấy ngột ngạt, choáng váng. Bởi em không kể thì anh cũng biết là, cuối cùng không ai dám để mất cái danh hiệu không thực chất ấy đâu.

Thảo Tần ngồi dậy, mệt mỏi như sau một trận ốm.

- Em kể nốt chuyện nữa, để anh cho cả vào mớ suy nghĩ hôm nay. Chính sau cái hôm em bị chị Phương cãi khi rút kinh nghiệm giờ dạy ấy, em có hỏi một cô giáo mới ra trường được mấy năm mà đã có bằng thạc sĩ rồi, lại còn định làm tiếp bằng tiến sĩ văn học nữa: "Sao em không vào Đảng?" Cô ấy trả lời ráo hoảnh: "Em không muốn làm cán bộ lãnh đạo" "Đâu phải vào Đảng để làm cán bộ lãnh đạo". "Nếu thế thì vào Đảng làm gì? Tổ chức chỉ đề bạt đảng viên. Mà em thì chỉ muốn làm chuyên môn thôi. Đấy chị xem, các anh chị dạy văn có tên tuổi nhất của Thành phố ta đều không vào Đảng. Mà nói thật, thà làm một người ngoài Đảng mà chuyên môn giỏi, được học trò mến mộ, còn hơn Đảng viên mà như chị Phương thì chỉ tổ làm ô danh Đảng".

Chủ đầu tư bao giờ chả quan tâm đến hiệu quả đầu tư. Vì thế ngay sau khi sự việc xẩy ra, Sán bị triệu đến.

Người lơ lớ trách Sán:

- Chỉ một tí nữa là ông làm hỏng đại sự.

- Làm sao ông biết chuyện của tôi?

- Ông cho phép tôi không phải trả lời câu hỏi đó.

- Tôi có mạo hiểm đâu - Sán cãi.

Thật ra cũng chỉ là may. Thằng cha kia không phải là cao thủ, cũng không đặt bẫy. Nó đặt bẫy thì sập rồi.

Người kia, gọi là dặn dò cũng được, gọi là răn đe cũng đúng:

- Ông nên chấm dứt những chuyện cò con. Trước kia thì thế cũng được. Ai cũng thế mà mình không thế, thì cũng chả tồn tại được. Có chừng mực và không bị tố cáo thì chả việc gì. Nhưng khốn nỗi lại muốn những quả lớn. Người Việt Nam các ông đã chả nói: Tham thì thâm là gì. Bây giờ, nhắc lại cũng không thừa, chúng tôi đầu tư cho ông mà cũng là cho chúng tôi. Hai bên cùng có lời. Vì thế, phải nghĩ về lâu dài. Ông phải đóng vai người cán bộ có chí tiến thủ này, mẫn cán này, trong sạch này, lại quan tâm đến mọi người này thì việc ngồi vào ghế Phó kiến trúc sư trưởng mới thuận lợi. Chuyện đã thế, ông càng phải giữ gìn. Chúng tôi rất quan tâm đến ông - ngừng một lát - Có việc quan tâm, chính ông cũng không biết đâu…

Ông ta xoay xoay tờ giấy phép trong tay có vẻ hài lòng:

- Cái ngày này, số giấy phép này là may mắn đấy. Ông lưu ý cái giấy phép xây dựng sắp tới. Ông nên quan tâm đến việc mở rộng các mối quan hệ, coi đây là một hướng đầu tư lâu dài. Có được một người bạn, cấp càng cao, càng có lợi. Chúng tôi, khi đã chắc chân, sẽ tham gia vào các cuộc đấu thầu quốc tế những công trình xây dựng lớn về thể thao, thuỷ điện, đường giao thông, v.v… trên đất nước ông. Ông biết rồi, trong các cuộc đấu thầu, thông tin có giá trị quyết định sự thành bại. Khi có được một thông tin quý giá từ một người bạn trong cơ quan gọi thầu thì, cầm chắc thắng lợi trong tay rồi…

Người lơ lớ lấy từ trong túi xách ra một gói ni lông dán kín, cười cười:

- Đây là mấy thứ thuốc dành cho ông. Nó sẽ giúp ông khôi phục sinh khí. Chớ có dùng viên Viagra đấy! Cái thứ đó chỉ có tác dụng nhất thời cho từng cuộc chơi thôi. Thuốc này bổ âm, bổ ti, bổ tì, bổ vị, ích sinh, tráng dương. Đàn ông chúng ta mà trên bảo dưới không nghe thì cuộc sống thật là vô vị.

Sán hỏi người đầu định xem có muốn đầu tư vào việc xây dựng một chiếc cầu bê tông dự ứng lực lớn, đang ở bước xây dựng dự án không. Ông ta bảo, phải xem xét cẩn thận. Không thể nói như các ông là - thả gà ra mà đuổi. Còn với những người kinh doanh như chúng tôi thì… đến con chim mà mỗi lần mở khuy quần ra tè, tay còn phải giữ khư khư, sợ nó bay mất nữa là…

Hai người cùng ngoác miệng hết cỡ cười, vì lối so sánh rất đàn ông của hai người đàn ông đã trở nên chí cốt.

- Thế hôm nay có…

Nói nửa câu là hiểu rồi, Sán lắc đầu:

- Chưa tái sản xuất kịp!

Người lơ lớ:

- Ông dùng thuốc của tôi, sẽ không chỉ tái sản xuất mà còn tái sản xuất mở rộng kia, chỉ một tháng là công hiệu ngay! Hôm nay chỉ xông hơi, mát sa thôi nhớ!

Theo hẹn của bí thư quận uỷ, hết giờ làm việc Đoàn Hùng lên phòng anh.

- Qua mấy cuộc họp vừa rồi, em thấy ý định cải tiến của anh em mình thế nào? Nói thoải mái nhé!

- Với anh thì em chả phải giữ ý. Em thấy như thế là tập trung được trí tuệ của tập thể, sức mạnh của tập thể. Vì bớt được nhưng thủ tục hành chính giữa hai cơ quan nên sự việc giải quyết nhanh gọn, kịp thời. Nhưng em sợ bên Uỷ ban cho là Quận uỷ bao biện.

- Thì bên ấy vẫn cứ có văn bản sang xin chủ trương. Đằng này có gì vướng mắc đưa ra ngay, cùng bàn bạc, quyết ngay tại chỗ. Không phải trả lời bằng văn bản. Mà đã là chủ trương thì phải chung chung rồi. Đằng này không còn là chủ trương mà tất cả cùng bàn bạc, tìm cách giải quyết cụ thể rồi còn gì.

- Thế trách nhiệm?

- Em ghê đấy. Anh hỏi ý kiến bố vợ anh, Ông cụ hoàn toàn nhất trí. Nhưng ông cụ cũng hỏi anh về chế độ trách nhiệm như em vừa hỏi. Anh đã có phương án rồi Cộng đồng trách nhiệm. Bí thư quyết định cuối cùng thì bí thư phải chịu trách nhiệm cao nhất. Người triển khai thực hiện cũng phải chịu trách nhiệm, nhưng mức độ thấp hơn, v.v… Anh còn đang nghĩ tới một phương án nữa. Theo xu hướng này thì em bảo, liệu bí thư kiêm luôn chủ tịch có được không?

- Sao không được? Thì cũng như nhà máy, công ty ta ấy thôi. Giám đốc kiêm luôn bí thư. Quyết luôn, chịu trách nhiệm luôn - Được ăn cả, ngã về không. Vinh quang thì hưởng, cay đắng thì chịu. Mình làm mình chịu, chẳng thể đổ lỗi cho ai, kêu cũng chẳng ai thương. Em nhớ, ngày xưa, Bác Hồ đã giao cho đại tướng Võ Nguyên Giáp chức tư lệnh, kiêm cả chức chính uỷ chiến dịch Điện Biên phủ, cho nên ông Giáp mới được một mình quyết định lùi ngày nổ súng lại, rồi mới thuyết phục cố vấn quân sự Trung Quốc, sau đó là Bộ chỉ huy chiến dịch. Chứ nếu một ông khác làm chính uỷ mà lại không đồng ý thì, cũng chưa biết diễn biến ra sao.

- Sức đọc của cậu cũng ghê đấy cậu viết thành đề án xem sao. "Bước đầu cải tiến phương thức lãnh đạo của đấng uỷ quận Lâm Du". Nghe được không?

Hùng giao hẹn:

- Được thôi, nhưng đây là công việc ngoài chức trách đấy. Coi như làm ngoài giờ đấy thủ trưởng ạ!

- Đồng ý thôi. Cậu làm dự trù kinh phí đi.

- Anh điện về nhà, báo chị sẽ về muộn đi. Hôm nay em mời anh đi tắm và mát sa thân mật.

- Á à? Có đi có lại đấy à?

- Nói thế cũng được. Em thích sòng phẳng. Luật chơi nó thế mà. Chẳng nên nợ nần ai cái gì. Nhất tội nhì nợ, các cụ đã dạy như thế. Nợ lắm thì phải trả nhiều. Đời mình không trả được thì phải rây đến đời con. Nhục! Anh cho cậu lái xe về đi, ta đi xe máy thôi.

Hai anh em ào xuống bể tắm. Thật dễ chịu khi được ngâm mình trong nước. Chả vướng bận gì công việc chả vướng bận gì trên người. Được chuyện trò với một người gần gũi, để chia sẻ, để cộng hưởng, nhân lên trong một hoàn cảnh thế này cũng thích thật.

- Em lấy tiền đâu ra để mời anh? Lương em… anh biết.

- Anh biết rồi, trên đất nước này, không một ai sống được bằng lương. Thế mà vẫn sống, vẫn ăn chơi nhảy múa. Nó vẫn tồn tại, tức là ta thừa nhận nó như một thực tế hợp pháp. Còn làm thế nào sống được là chuyện của mỗi người. Chính em cũng muốn hỏi anh câu anh vừa hỏi em đấy. Còn em ấy à? Em giác ngộ ra đều này sớm, nên vợ em, có bằng đại học hẳn hoi, nhưng mở cửa hàng, đi thuê thôi, cũng sống được. Em không phải đưa cho vợ đồng nào. Chỉ phải "nộp đủ thuế môn bài thôi". Anh biết là gì rồi. Lương em cộng với kinh tế phong bì ăn theo anh, cứ coi là đủ tiêu. Nhiều no ít đủ. Người ta ngày ba bữa thì mình cũng đỏ lửa ba lần. Người ta đi xe hơi, uống bia ôm, thì mình đi xe ôm, uống bia hơi. Em bằng lòng với những gì đang có Mỗi người một số phận. Ai dám chắc số phận mình hơn số phần người khác. Phải đợi đến phút 89, 90, lúc đã mặc complê sáu tấm mới thật rõ. Lúc ấy cuộc đời sẽ đánh giá chúng ta. Thậm chí, nhiều năm sau mới đánh giá công bằng chúng ta được.

Bây giờ đến lượt anh: Anh sống bằng gì? Lương anh gần gấp đôi lương em, nhưng thu nhập của chị, chắc không thể bằng cửa hàng nhà em rồi.

- Thì anh cũng như em, cũng phải dựa vào phong bì thôi. Anh thì anh cho rằng, chỉ khi nào lương công chức đủ nuôi được vợ và hai đứa con thì hãy nói đến chuyện đi họp không có phong bì. Nhưng thật ra phong bì không bằng quà biếu. Quà biếu nhiều chứ, phong bì được bao nhiêu. Anh vẫn nhận, nhưng chỉ nhận kiểu tạ ơn kiểu hậu tạ, khi họ được việc, họ cảm ơn mình đã giúp đỡ họ. Không bao giờ nhận, nếu phải trả giá. Em biết thế nào là mua danh ba vạn, bán danh ba đồng rồi.

- Thế cho nên không bao giờ anh bị rơi vào tình trạng há miệng mắc quai. Kẻ nào nghĩ rằng mình đi đêm mà không bao giờ gặp ma là kẻ ngu. Không biết sau này, anh có ngu như thế không, chứ từ trước đến nay thì chưa, vẫn còn tỉnh lắm. Các nước, người ta quy định quà biếu đến mức nào thì được nhận, mức nào thì phải nộp vào công quỹ là có lý của nó đấy.

- Thế nhưng, nếu anh kiêm luôn cả chức chủ tịch thì số quà biếu sẽ tăng vọt lên đấy. Còn nếu anh làm phó chủ tịch, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố thì tết nhất, các chủ dự án, liên doanh, công ty, doanh nghiệp… sẽ phải xếp hàng trước cửa nhà anh đấy. Cơ sở sản xuất kinh doanh nào muốn mời anh đến cắt băng khánh thành khai trương đều phải có phong bì vài ngàn đô. Họ tính vào chi phí quảng cáo, mà bên nhận lại chả phải ký tá gì. Bởi thế nào cũng phải đưa lên tivi. Quan chức càng to thì số tiền càng lớn. Vì sẽ phải đưa vào chương trình thời sự của đài quốc gia. Nhóm cán bộ giúp việc anh sẽ giải quyết trọn gói việc này. Luật chơi nó thế mà. Các bố nhà ta, làm gì chả biết những việc kiểu ấy.

- Có lẽ thế thật. Anh có mấy người bạn giám đốc công ty, à, kể cả công ty của anh em mình trước ấy, tết nhất đều phải lễ tết cấp trên. Toàn "vé" trăm đô hoặc ngân phiếu thôi, nhất là phó chủ tịch khối kinh tế, tài chính thì ăn đủ, trưởng ban tổ chức các cấp thì ăn đủ…

- Nói thế tức là anh cũng thấy phần nào mức độ nhiễm bẩn của nền hành chinh nước ta đấy. Tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra mấy trăm tiêu chí để xếp loại, thì chỉ số tham nhũng ở ta đứng thứ 102/145 nước. Các khoản chi ngoài pháp luật trong xuất nhập khẩu của ta đứng thứ 100, trong khi đó Thái Lan là 72, Trung Quốc là 54, còn thu thuế xuất nhập khẩu của ta thì đứng thứ 97, dịch vụ công là 91. Em nghe Đài Truyền hình giới thiệu cuốn sách của một nhà báo tên tuổi có cái tên rất ấn tượng là Chạy. Theo cuốn sách đó, bây giờ ở ta, chả có cái gì là không phải chạy: Chạy chức, chạy quyền, chạy bằng, chạy tuổi, chạy cô ta, chạy án, chạy tội… Đến huân chương cũng phải chạy. Sắp đến kỳ đại hội lại càng chạy tợn. Luật chơi nó thế mà. Thế giả dụ, với chức vụ của mình, họ chạy đến anh, anh có nhận không?

- Không nhận cũng không được em ạ. Chỉ có điều như anh nói vừa rồi. Nếu nó biếu nhiều, để lợi dụng, để mình cho nó làm sai trái v.v… thì dứt khoát không nhận.

- Nhưng nó đã ở trong nhà mình rồi?

- Thì gọi đến, hay mang đến tận nơi, trả ngay, để khỏi há miệng mắc quai mà, để khỏi gặp ma có ngày…

- Sức đâu mà đi trả mãi được. Vả lại, ai xác định được bao nhiêu là nhiều, ngoài mình ra? Nếu theo qui định của pháp luật hiện hành thì thiên hạ chết hết, vì quy định mức hối lộ thấp quá. Thực tế quà biếu đã vượt xa hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn lần. Còn anh bảo chỉ nhận những khi họ cảm ơn, hậu tạ, sau khi công việc đã hoàn tất, mà mình không làm điều gì sai trái, em thấy cũng không thể nào rõ ràng, rành mạch như thế được. Anh nói thế, hoá ra chỉ có mấy tay hải quan, thuế quan, quản lý thị trường cố tình cho hàng lậu qua cửa khẩu để nhận mãi lộ như ở cửa khẩu Tân Thanh mới là có tội thôi ư? Thế còn cả chục khách sạn mọc lên ở những địa điểm đẹp nhất bên hồ Kim Ngưu, để bấy giờ, chu vi hồ hơn chục cây số, đã bê tông hoá gần hết, chỉ còn hai đoạn tổng cộng chưa đến hai cây số cho những người dân (dù có sống thêm một kiếp nữa cũng không bao giờ được bước chân vào các khách sạn ấy) đi dạo chơi. Theo anh, thế là họ không làm gì sai trái ư? Trong những trường hợp này, hoặc những trường hợp liên doanh nước ngoài, các công ty trong nước thuê đất năm mươi năm, họ biếu để cảm ơn, hậu tạ là chấp nhận được chứ gì? Vì không phải là mặc cả, ra đều kiện trước, lại không tiền tạ, mà hậu tạ thì không bị kết tội là tham nhũng chứ gì?

- Ừ có thế thật. Luật pháp ta chưa bao được những dịch đắc ấy.

- Thế anh có biết các bố nhà ta thu được bao nhiêu trong mỗi vụ ký giấy phép đầu tư, giấy phép cấp đất, giấy phép xây dựng… không? Câu hỏi ấy là vô lý vì chỉ có họ biết với nhau mà thôi. Nhưng em suy từ một vụ cụ thể mà em biết đích xác thì kinh khủng lắm. Em có một người bà con bên vợ làm thủ tục chứng nhận quyền sở hữu nhà ở phố Hàng Đường, giá hơn nghìn cây vàng. Phải cúng cho đường dây mà trên cùng là ông phó chủ tịch Uỷ ban, 5% của hơn nghìn cây vàng ấy đấy anh ạ. Thế thì mỗi công trình cả triệu đô la quanh hồ Kim Ngưu sẽ được bao nhiêu? Luật chơi nó thế mà. Không chơi đúng luật, không xong đâu! Luật bất thành văn thôi, nhưng có sức nặng không thể xê dịch nổi.

- Thế theo em, có cách gì chống được tham nhũng không?

- Như anh nói nãy đấy. Nhưng dù có tăng lương bao nhiêu cũng vẫn cứ còn tham nhũng. Lòng tham của con người là vô đáy mà.

- Thế, nếu chính phủ có hẳn một ban chống tham nhũng?

- Cũng không chống được!

- Sao lại không chống được?

- Thế nếu quan chức Chính phủ cũng tham nhũng thì sao? Mà nói cho cùng thì, thiên hạ đều tham nhũng cả chứ chả phải một bộ phận công chức đâu. Tất tần tật! Chỉ có nhiều hay ít thôi. Chỉ có vô liêm sỉ và còn liêm sỉ thôi. Còn liêm sỉ thì chỉ nhận phong bì, quà biếu gọi là như anh. Vô liêm sỉ thì nhận cả con cá đúc bằng vàng, thì dám làm sai, dám cho người khác làm sai.

- Không chừa ai à?

- Không chừa ai hết. Tất tần tật. Đã là công chức đương nhiệm thì, dưới hình thức này hay hình thức khác đều không thoát khỏi. Thì anh đã thừa nhận với em là, ở nước ta, không một ai sống được bằng lương rồi còn gì Không quà biếu, không phong bì thì chỉ tồn tại được mươi ngày thôi. Đúng không? Thì anh cũng vậy mà em cũng thế chứ còn gì? Và còn điểu này nữa. Bây giờ chả có ai tự phê bình đâu, cũng chả ai phê bình ai được đâu. Sống và làm việc theo pháp luật thôi. Nói chuyện với nhau, trị nhau bằng pháp luật thôi. Ở Trung Quốc, người ta đã kết án tử hình cả uỷ viên Bộ Chinh trị, bí thư Thành uỷ Bắc Kinh Trần Hy Đồng kia mà. Đến cả phó chủ tịch Quốc hội Thành Khắc Kiệt cũng bị thì hành án tử hình bằng một mũi tiêm thuốc độc kia mà. Em nghĩ mình cũng chả khác họ bao nhiêu. Có chăng là chỉ kém họ ở mức độ, quy mô thôi.

Bây giờ em kể anh nghe chuyện có thật 100% nhé. Bệnh viện huyện quê em, có tay Khải, bác sĩ chữa vô sinh giỏi. Ca nào cũng chữa được mới tài. Chỉ có một nhược điểm nhỏ là… con sản phụ hắn chữa đều giống hắn như đúc khuôn. Thì đại thể, câu chuyện diễn ra tại nhà hắn ta thế này:

- Em vào trong kia tắm táp cẩn thận đi đã. Có nước nóng đấy, xà phòng lux đấy, sữa tắm đấy cứ tự nhiên như ở nhà nhé.

Ở nhà thì tắm ao, tắm giếng, chứ có đâu cái gì cũng sáng choang thế này. Thiếu phụ tắm xong, Khải bảo:

- Cởi hết ra, nằm xuống đây. Khổ quá, chữa vô sinh thì còn xấu hổ cái nỗi gì cơ chứ?

- Kết quả xét nghiệm em biết rồi. Chồng em không bao giờ có con được đâu? Phải mua tinh trùng bơm vào thôi. Cái của này đắt kinh khủng. Ở nhà, em lấy đực một lứa lợn hết bao nhiêu thì biết rồi. Người bán tinh trùng phải là người khoẻ mạnh, to con như anh đây này lại phải xét nghiệm xem có con HIV nào không? Có bệnh truyền nhiễm gì không? Lại phải xét nghiệm tinh rùng xem có khoẻ không, có vấn đề gì không? Lại phải bảo quản tinh trùng trong môi trường đông lạnh đặc biệt, đợi đến ngày em rụng trứng như hôm nay mới tiến hành được. Tốn kém lắm! Nhiêu khê lắm! Hôm nay anh chỉ khám thôi nhé. Về tính kỹ đi, tháng sau đúng ngày rụng trứng đến đây khám lại. Nếu đủ điều kiện mới thụ tinh. Mà không phải một lần là được ngay đâu. Vì tống bơm tiêm vào thì không sướng, mà không sướng thì không chửa được. Còn nếu em bằng lòng thì… ngay bây giờ, anh cho không của chính anh. Chả tốn kém gì. Đảm bảo mọi tiêu chuẩn. Đảm bảo sướng mê tơi, mà chửa là cái chắc. Giống của anh tốt cực kỳ đấy!

Đến lúc này… các chị nhà ta đành nhắm mắt lại:

- Vâng thì anh giúp em vậy!

- Cậu kể chuyện này ra làm gì thế?

- Thì anh cứ chịu khó nghe đã. Nó sẽ dẫn đến chỗ cần đến. Sau mấy ca thành công vang dội, tiếng đồn nổi như cồn. Các đấng phu quân đều biết rõ bố đứa bé là ai. Thôi cá vào ao ta thì ta được. Đành tự an ủi thế vậy.

Nhưng đến vụ này thì xẩy ra sự cố. Tay chồng vác gậy xông vào bệnh viện hỏi tội Khải. Chỉ còn cách co giò chạy khắp bệnh viện, chạy cả ra phố huyện, trốn vào nhà vệ sinh một nhà hàng mới thoát. Thấy ê mặt quá, vị bác sĩ đầy lòng… tự trọng quyết đi anh… kỷ luật chính mình. "Chỉ vì mày mà tao mang tiếng khắp huyện". Đã nói là làm, mà là làm ngay. Anh ta đưa tay xuống bóp d… Nhưng đố ai làm được việc ấy? Đau quá sẽ phải thôi ngay. Người ta có thể tự treo cổ, tự nhảy xuống giếng… chứ không thể tự bóp d… để trừng phạt mình.

Kiên không bằng lòng:

- Thế thì liên quan gì đến chuyện chống tham nhũng?

- Liên quan quá đi chứ anh. Nếu có một cơ quan chống tham nhũng, thì cơ quan ấy đứt khoát phải độc lập phải đứng ngoài hệ thống thiết chế của cơ thể nây.

- Thế mới khách quan được, mới hiệu quả được. Còn tự tay bóp mình, thì dù bóp d… hay bóp cổ đều sẽ phải thả ra thôi. Chỉ có thằng khác bóp, mình mới chết được. Đúng không anh?

Kiên ngẫm nghĩ một tí, rồi cũng phải gật gù thừa nhận:

- Ừ nghe cũng có lý đấy. Mà mày kiếm đâu ra chuyện vui thế?

- Phải có chuyện vui để bớt đi chuyện buồn anh ạ! Chuyện vui thì có thể có, có thể không. Có thể bịa ra. Nhưng chuyện buồn thì thường là thật, chỉ trừ các em ca ve bịa ra để làm khổ nhục kế thôi. Còn người bình thường không ai bịa ra chuyện buồn để kể với người khác! Mà không phải ai cũng kể được chuyện vui đâu. Cũng phải có chút năng khiếu. Chưa kể đã toét miệng ra cười trước, thì còn kể gì.

Em có nhận xét này, anh xem có đúng không. Mình cứ coi thực dụng là xấu, còn nâng lên thành chủ nghĩa thực dụng để phê phán. Nhưng em thấy các luận án, các học vị, học hàm của bao nhiêu bố nhà ta chả thấy dùng được việc gì. Em chỉ mong nó thực dụng được cho thiên hạ nhờ.

- Hùng này… - Kiên dừng lại, không phải anh do dự mà là thận trọng lựa lời trước điều sắp nói ra - Bây giờ, anh em mình mạnh mồm phân tích, phê phán như vậy. Thế đến lượt mình, liệu anh em mình có tránh không bước vào vết chân họ không?

Hùng cũng có vẻ suy nghĩ. Anh nói thong thả như vừa nghĩ vừa nói:

- Nếu anh trên, em dưới cùng nhất trí thì có thể làm được. Thử làm những công chức sạch xem thế nào nhớ.

- Thế mới to mồm được. Em thích to mồm lắm.

- Nhưng theo cậu, ta bắt đầu từ đâu?

Hùng nói ra cái điều mà anh đã nghiền ngẫm từ lâu:

- Phải xây dựng một cuộc chơi mới anh ạ. Ngày xưa thời chống Pháp, Bác Hồ có một quyển sách mỏng ký tên là X.Y.Z, nhan đề: Sửa đổi lể lối làm việc. Phải bắt đầu từ đấy. Lâm Du thử xây dựng một nền hành chính sạch xem sao.

Hai người đàn ông, tồng ngồng như hai đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, nhưng lại bắt tay nhau thật chặt, về một ý tưởng vượt lên trên cái tầm thường của đời thường. Không biết họ có làm được không?

- Thôi, đi mát sa anh nhé. Em dặn đây này, ở đây, có các vàng các cô mát sa cũng không dám động đến "cái ấy" của anh đâu. Anh đừng sợ. À, mà anh ghi tiền bo vào phiếu cho các cô ấy chỉ hai, ba chục thôi đấy. Chớ có phá giá mà chết những thằng ít tiền như em.

Kiên không ngờ rằng, chính cái điều anh yên tâm, anh không hề chuẩn bị lại là chuyện rắc rối. Khi Ban kiểm tra Thành uỷ mời lên làm việc, anh định mời cả các đồng chí liên quan trực tiếp bên Uỷ ban Nhân dân Quận sang. Nhưng trưởng ban Kiểm tra không đồng ý:

- Chúng tôi chỉ có quyền kiểm tra bên Đảng thôi.

- Thì các đồng chí ấy báo cáo với tư cách là thường vụ là quận uỷ viên phụ trách công tác này bên chính quyền, có được không ạ?

Trưởng ban vặn lại:

- Thế nếu Thanh tra Nhà nước về, thì liệu người ta có triệu tập đồng chí đến với tư cách là người lãnh đạo cao nhất quận nào không?

Trưởng ban Kiểm tra cũng đã nghe nói về Trần Kiên, nào vi hành vào đền Linh Vân, nào cải tiến phương thức lãnh đạo của quận uỷ, nào tác phong sâu sát thực tế, nào rất có sức thuyết phục người nghe v.v…

Ông ta tò mò đã đành. Ông ta còn muốn thực mực sở thị, xem con người nào thế nào, có thật như lời đồn không. Cho nên ông ta quay, ông ta dồn đuổi. Đúng lúc ấy điện thoại Kiên đổ chuông. Anh lấy ra, cũng chỉ định tắt đi mà chuyển sang chế độ rung thì đã bị nhắc:

- Yêu cầu đồng chí không dùng điện thoại di động khi làm việc với tôi. Đồng chí cho biết, vì sao đất khu Văn hoá Thể thao lại trở thành khu dân cư cho cán bộ?

Ông ta thừa biết thành phố đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng vẫn cứ hỏi. Hỏi cả những điều hiển nhiên, rõ như ban ngày, chỉ để tỏ rõ quyền lực của mình, là được hỏi, là buộc người ta phải trả lời, cả những điều đã biết. Một cách chọc tức. Thế thôi!

Trần Kiên trả lời là đã được thành phố đồng ý, thì ông này vặn:

- Có văn bản gì chứng minh không?

- Có chứ ạ.

- Nó đâu?

Trần Kiên hết sức nhẫn nhịn, chịu đựng. Anh gọi về bảo Đoàn Hùng nói bên Uỷ ban chuyển toàn bộ hồ sơ vụ đất tới cho mình.

- Thế Quận uỷ cũng chủ trương lấy đất từ khu ấy ra làm nhà ở à? Đồng chí có thấy rằng việc để cho các cá nhân tự xây nhà theo sở thích của mình sẽ tạo nên tình trạng xô bồ, vô tổ chức, thậm chí lố lăng trong kiến trúc và quy hoạch, chưa kể sẽ rất lãng phí quy đất của thành phố không?

- Báo cáo, thật tình tôi cũng không nghĩ được thế, đến khi báo chí nói mới vỡ ra.

- Thế nghĩa là đồng chí nhận rằng chủ trương ấy là sai lầm.

- Vâng, sai lầm. Chỉ có đều, thành phố cũng đã làm, đang làm như thế, nên thành phố mới cho phép Quận chúng tôi làm.

- Đồng chí đừng kéo người khác vào đây. Đồng chí đã thừa nhận mình sai rồi cơ mà. Mà đồng chí nói thành phố là Uỷ ban Nhân dân thành phố chứ gì?

- Vâng, đúng thế ạ!

- Uỷ ban Nhân dân thành phố là Uỷ ban Nhân dân thành phố, chứ không phải Thành uỷ đâu nhé.

Đến đây thì Kiên không nín nhịn được. Anh cãi:

- Báo cáo đồng chí, bên Uỷ ban làm vậy, nhất thiết phải được Thường vụ thông qua chứ ạ. Cũng như quận chúng tôi, cũng phải họp Thường vụ thông qua rồi tôi mới kỳ đồng ý về chủ trương, chuyển sang Uỷ ban Nhân dân Quận.

- Thế đồng chí cũng dự cuộc họp của Thường vụ Thành uỷ ấy à?

Câu hỏi xỏ xiên khiến Kiên mất bình tĩnh, giọng anh bắt đầu căng cứng.

- Tất nhiên tôi không có tư cách dự vì tôi chỉ là Thành uỷ viên. Nhưng về nguyên tắc làm việc thì tôi nghĩ, cấp nào cũng vậy, vẫn phải theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý.

Trưởng ban thấy đối tượng cương lên thì ông ta lại chùng xuống và lảng sang chuyện khác:

- Nghe nói đồng chí đang có đề án cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng ở Quận này?

Kiên định nói nghiêm túc việc làm của mình, nhưng không hiểu sao, anh lại đổi giọng:

- Cải tiến gì đâu ạ. Chuyện tầm phào ấy mà!

Không ngờ, trưởng ban lại vin vào đấy bắt bẻ:

- Ấy chết, chuyện lãnh đạo của Đảng, như đồng chí vừa nói, là vấn đề nguyên tắc, sao lại coi là chuyện tầm phào được nhỉ.

- Tôi nói tôi tầm phào, tôi làm chuyện tầm phào, người ta nói tầm phào về tôi. Thế cái chuyện tầm phào này có nằm trong nội dung câu chuyện, mà vì thế đồng chí mời tôi lên không?

- A vui chuyện thì tôi hỏi thế thôi. Ta trở lại chuyện đất cát vậy?

Kiên lạnh nhạt nói mát:

- Tôi chả thấy có gì là vui cả, đồng chí trưởng ban ạ.

Hiển nhiên, không có ai cảm thấy vui vẻ khi phải làm việc với tất cả các loại tra rồi. Kiểm tra cũng thế, thanh tra cũng vậy. Điều tra càng kinh, thẩm tra cũng khiếp Thôi thì phận sự người ta, người ta làm, cũng là làm công ăn lương của Nhà nước thôi. Nhưng điều khác biệt giữa các tra này với các công chức khác là ở chỗ, nếu thích, họ có quyền dùng quyền lực của mình làm công cụ giải trí trên sự bực tức, khó chịu của đối tượng.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng sử dụng quyền lực ấy. Tất nhiên, chỉ với những người không có tội tình gì mà phải vướng vào vòng lao lý mới thấy bực tức, khó chịu.

Kiên tự tin vào việc mình làm, nên anh chả ngán làm việc với Ban Kiểm tra. Chỉ có điều, con người hết sức mẫn cảm về chính trị và ngôn ngữ này rất dễ kích động khi bị khiêu khích. Mà người hỏi thì lại coi khiêu khích là một phương pháp làm cho đối tượng dễ dàng bộc lộ chân tướng của mình. Khi đã ở trong bộ máy quyền lực, mấy người không thích quyền lực? Các quan kiểm tra lại có đặc quyền riêng, nên càng thích thể hiện quyền lực. Người càng kém hiểu biết càng thích dùng quyền lực. Người hay đố kỵ, khi gặp người mình đố kỳ càng thích dùng quyền lực. Các nhà tổ chức Thành uỷ quả có tài khi đặt người này vào ghế Trưởng ban Kiểm tra. Hay khi ngồi vào ghế trưởng bàn Kiểm tra, con người này mới phát triển tiềm lực của mình thành năng lực vượt trội thì không biết.

- Vâng, chắc với đồng chí thì không vui rồi, còn với tôi Đảng phân công, nên dù không thích cũng cứ phải làm. Đề nghị đồng chí có thái độ hợp tác, giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Xin hỏi, danh sách các cán bộ được duyệt phân đất đồng chí có duyệt không?

- Tôi chỉ duyệt chủ trương, thống nhất với các đồng chí bên Uỷ ban tiêu chuẩn.

- Đồng chí có được báo cáo danh sách đó không?

- Tôi có được đồng chí phó chủ tịch phụ trách khối kinh tế báo cáo.

- Báo cáo miệng hay văn bản?

- Bằng văn bản.

- Đồng chí có biết hết những người có tên trong danh sách đó không?

- Làm sao mà biết hết được. Chỉ một phần thôi. Trong đó có đồng chí bí thư Thành uỷ. Sáng nay báo chí chả nêu việc này lên là gì?

- Tôi chưa kịp đọc báo sáng nay nên chưa biết. Thôi, có lẽ hôm nay ta dừng lại ở đây.

- Thế nghĩa là vẫn còn những hôm khác?

- Cái đó thì chưa biết. Nếu cần tìm hiểu vấn đề gì, chúng tôi sẽ lại mời đồng chí. Đồng chí vui lòng. Chúng tôi làm theo đúng điều lệ, đúng chức năng nhiệm vụ.

- Tôi về được chưa đây?

- Mời đồng chí về!

Trần Kiên đứng dậy, "chào đồng chí!" rồi quay ra cửa không bắt tay, đi luôn.

Hơn một tuần sau, tờ báo của Thành uỷ đăng một tin ngắn, đại thể, đồng chí bí thư Thành uỷ không dính đáng gì đến chuyện đất đai ở Quận Lâm Du.

Báo ra hôm trước thì hôm sau, bí thư Quận uỷ Trần Kiên bị triệu lên. Trưởng Ban kiểm tra Thành uỷ vẻ đắc thắng hất hàm:

- Đồng chí có đọc báo Đảng sáng qua không?

- Tôi đã đọc!

- Đồng chí trả lời tôi thế nào, về việc đồng chí đã khẳng định, đồng chí bí thư Thành uỷ có tên trong danh sách được phân đát ở Lâm Du?

Kiên trả lời ngay:

- Tôi chịu trách nhiệm về thông tin không chính xác của tôi. Nó đã làm mất uy tín đồng chí bí thư Thành uỷ.

Giọng lạnh lùng đầy quyền uy trưởng ban Kiểm tra không giấu vẻ hả hê khi phán quyết:

- Yêu cầu đồng chí nghiêm khắc kiểm điểm, trình bày rõ sự việc và tự đề xuất hình thức kỷ luật báo cáo Thường vụ.

- Bao giờ phải nộp? - Anh hỏi trống không.

- Càng sớm càng tốt. Muộn nhất là năm ngày, kể từ ngày hôm nay.