Luật Đời & Cha Con

Chương 2

Anh con rể Trần Kiên ghé về thăm bố mẹ vợ.

Ông Hoè hỏi ngay con rể chuyện báo chí đang ồn ào việc đất đai quận Lâm Du. Anh thưa với bố vợ, có chuyện ấy thật. Lập tức ông nghiêm giọng lên lớp:

- Ngày xưa, nghèo, khổ vì nghèo. Bây giờ, giầu, lại khổ vì giầu! Ngày xưa đất chỉ đẻ ra hạt lúa, củ khoai, bây giờ đất đẻ ra cả đống vàng, đô la. Ngày xưa, làm quần quật quanh năm suốt tháng đất cũng chưa nuôi nổi người. Bây giờ, chỉ sau một giờ, đất biến một người nông dân nghèo rớt mồng tơi thành tỉ phú. Bây giờ, đất đã biến bao nhiêu người thành cái gì cũng không biết nữa.

Bảo ông lên lớp con rể cũng chả phải. Đấy là tâm trạng ông, suy nghĩ của ông trước thời thế. Ông nói như một sự chia sẻ. Kiên lắng nghe. Ông nói đúng quá đi. Chỉ có điều, nó không giúp gì anh lúc này, để giải bài toán này. Thường bố vợ chỉ đưa ra những nhận định, những ý kiến chung chung, có ý nghĩa định hướng, cho nên chả bao giờ sai. Bố con anh biết nhau đã lâu, từ hồi anh còn làm trong nhà máy, thời bao cấp nên cũng dễ thông cảm. Cái khó, cái khổ thời ấy bây giờ nhớ lại, đến bản thân mình cũng thấy lạ lùng, kỳ quặc. Không hiểu sao lúc ấy lại thấy tự nhiên, bình thường như nó phải thế. Bây giờ, anh đã có một gia đình riêng trong cái gia đình chung này. Ông cụ lo cho mình, cũng là lo cho con gái, cho cháu cụ.

Anh nhìn bố vẻ biết ơn. Ông cụ theo dõi từng bước đi từng việc làm của mình.

- Bố định hỏi, liệu con có tư túi gì trong vụ đất đai ở Quận con không chứ gì?

Nghe cái giọng nhẹ nhõm, tươi tỉnh của con, ông cũng thấy yên tâm phần nào. Tuy thế ông vẫn cứ nói, như một thói quen nghề nghiệp:

- Cẩn thận mấy vẫn chưa đủ. Sơ suất một tí là thừa rồi! Điều ấy chắc anh biết, nhưng nói cũng không thừa. Lại còn phải lưu ý điều này, mình thì biết mình rồi, nhưng không phải ai cũng biết mình đâu. Chưa kể, người ta còn cố tình hiểu sai mình. Chưa kể người ta còn vu khống mình, bôi nhọ mình. Mệt nhất là chuyện này đấy anh ạ.

Kiên vẫn tươi tỉnh, giọng nhẹ nhõm:

- May mà con chưa bị vụ nào như thế.

Anh định nói thêm: "Cũng là nhờ bố đấy!" nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Đàn ông với nhau, nhất là với bố vợ, không mấy khi anh nói những câu cải lương mùi mẫn.

Anh xin phép vào nói chuyện với mẹ vợ. Ông Hoè ngồi một mình. Ông thấy bằng lòng với hiện tại. Chả ao ước gì. Bây giờ bác sĩ chỉ khuyên năng tập thể dục, không ăn mỡ. Chả bù cho ngày nào, có tí mỡ mà ăn là khoẻ người lên rồi.

Nhớ hồi mới giải phóng miền Nam, ông vào thành phố Hồ Chí Minh làm công tác cải tạo tư sản.

Gần đến ngày về, xe ngoài Hà Nội đưa cán bộ vào, đón cán bộ ra. Cậu lái xe hỏi ý kiến ông xem có làm mấy cân mỡ mang ra không? Ông đồng ý bảo mua cho mỗi người một ít cũng được. Một ít là bao nhiêu?

Thật ra, ông cố tình không nói cụ thể, chả nhẽ nói toẹt ra mấy cân, nghe kỳ lắm. Ông bận đi đâu để giải quyết nốt những việc cuối cùng. Về đến nhà khách, cả ông và hai cán bộ trẻ đi cùng đều nhìn về phía góc phòng, nơi đống chai có lớp mỡ bóng nhoáng bên ngoài với vẻ bằng lòng ra mặt.

Bụng bảo dạ, tay lái xe mà không nói ra, thì chả thể nào có những chai mỡ kia. Ai cũng thấy, nó là cái thứ ăn dần thiết thực nhất cho bữa ăn hằng ngày của vợ con ở nhà. Vậy mà không ai nghĩ ra. Mà có nghĩ ra cũng chẳng dám nói. Ai cũng sợ cái vặt vãnh, tầm thường nào hạ thấp thanh danh anh cán bộ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Ông Hoè đã vào nhà anh con ông bác chơi. Họ ở mỗi người một phòng. Mỗi phòng một cái tivi. Người lớn cũng vậy, trẻ con cũng thế. Ông anh đóng thùng một chiếc 29 inh, nói ông em mang ra cho thím và các cháu xem, gọi là chút quà của anh chị. Ông cười cảm ơn bảo, ngoài ấy nhà nào chả có tivi. Ông anh lại hỏi, thế tivi đen trắng hay tivi mầu.

Ông em đáp ngay:

- Mầu chứ, màu gì cũng có.

Ông anh suýt phì cười, biết ông em tuyên huấn tự ái chính trị đây! Cái câu "mầu gì cũng có" đã tố cáo ông em nói dối. Thôi để mình ra chơi, sẽ tự tay đem ra, không lẽ lại bắt mình đem về? Lê Hoè thì bụng bảo dạ, có cho một cục vàng bằng cái tivi ấy, đây cũng chả thèm! Cái câu "Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng" nó ám ông.

Phải cảm ơn cái cậu lái xe. Khá thật, nó đã nói hộ mình, nó lại làm hộ mình. Anh em nội bộ đoàn, chả phải giữ ý gì. Cái thằng tháo vát thật đấy. Ờ nhưng mà, sao nó tính tiền mỗi người ba cân, mà rán lên chỉ được ngần kia nhỉ? Chia đều ra mỗi người được bốn chai, nhưng chả có chai nào đầy. Chỉ được già nửa thôi là nghĩa làm sao? Không nhẽ nó ăn bớt? Cũng có thể. Lương nó thấp, lại chả được phong bì, phong bao, quà cáp gì… Là ông nghĩ thế, chứ không nói ra. Cũng không dám trao đổi với hai cán bộ dưới quyền. Nghe nó kỳ lắm, cứ như là đo chĩnh nước mắm, đếm củ dưa hành ấy. Chỉ có mấy lần, không đừng được, ông nhìn nhanh về phía ấy, là chứng tỏ ông vẫn đang bận tâm về mấy chai mỡ vơi. Một lần nhìn nhanh về góc phòng, vô tình ông bắt gặp một trong hai cậu cán bộ cùng đi, chắc cũng đã không chỉ một lần, đưa mắt nghi ngại, dò hỏi về mấy chai mỡ ấy. Bốn mắt gặp nhau, nhìn nhau một tí như cùng hiểu hết ý nghĩ của nhau, nhưng không ai nói với ai điều gì.

Sáng hôm sau, trước lúc lên đường, cậu lái xe kiếm đâu ra mấy cái túi bao dứa, đưa cho mỗi người một cái, bảo: "Các anh bỏ mấy chai mỡ vào đây!. Về Thanh Hoa, ai xách về nhà người ấy cho tiện". Ông và cậu cán bộ kia cùng đi về phía góc phòng, cùng ngồi xuống, cùng đưa tay ra cầm một chai, cùng dơ lên ngang mắt nhìn và bất giác cùng đưa mắt nhìn nhau và cùng hiểu ra…

Thì ra các bố nhà ta quen ăn sẵn, không để ý đến chuyện bếp núc. Từ xa nhìn qua, chỉ thấy lớp mỡ đặc, trăng trắng chìm ở dưới, còn lớp mỡ trong nổi lên trên, trông xa thấy trong suốt cùng mầu với vỏ chai, các bố tưởng chỗ ấy là chai không.

Về đến nhà, ông khoe chiến lợi phẩm với vợ, thì chính ông lại làm vỡ mất một chai. Tại lớp mỡ dính ngoài trơn quá. Vợ ông tiếc đứt ruột: "Mấy nghìn cây số không sao, chỉ có cầm lên thôi mà cũng để vỡ. Ông đúng là hậu đậu, chỉ quen lên lớp thôi".

Cái nghèo cứ theo gia đình ông mãi, cho tới mấy năm gần đây, cũng là nhờ trên sáng mắt nhìn ra sự nghiệp đổi mới nào. Mắt ông bỗng tối sầm. Bên ngực trái tự nhiên nhói một cái. Không ra đau, chỉ nhói một cái nhanh thôi, mà buốt dọc suốt sống lưng, xuyên tận lên đỉnh đầu. Ông ngồi thần ra một lúc. Chuông đến thoại chợt reo. Vẫn là tiếng chuông như mọi lần, thế mà ông giật nảy mình. Đấy là dấu hiệu của tuổi già, hay là hậu quả của cái nhói bên ngực trái vừa rồi?

Tự dưng ông nhớ tới thằng con trai đầu của người vợ trước quê. Giá mà Lê Hồi còn…

Đi học về, vừa quẳng túi sách vở lên chiếc phản giữa nhà, Hồi đã gọi toáng lên:

- U ơi, u ơi!

Bà mẹ đang rửa rổ rau lợn dưới cầu ao, nghe tiếng gọi khác thường của con trai, chột dạ ngừng tay, dỏng tai lên nghe:

- Cái gì mà gọi ầm lên thế?

Linh tính báo cho bà biết có chuyện gì rồi. Quần xắn móng lợn, bà đứng dậy, rổ rau cắp bên hông. Từ đít rổ một dòng nước tong tỏng vẽ thành một đường ngoằn ngoèo bên cạnh những nốt chân. Các bước chân cách nhau rất gần - bước đi gằn của người đàn bà vất vả.

- Mai con đi bộ đội, u ạ!

Anh con trai giọng thản nhiên, như chẳng có chuyện gì quan trọng. Bà mẹ thì bàng hoàng như một tin dữ. Biết chẳng thể nào khác được, đành vớt vát:

- Con đã khám tuyển đâu mà đi?

Hồi vẫn vô tâm, hồn nhiên:

- Con thì việc gì phải khám. Mấy chú về lấy quân, vừa trông thấy con đã reo lên: "Hiếm có một thanh niên nào to con như cậu đấy. Xong rồi".

Hồi vẫn háo hức, không để ý đến mẹ đang thần người, giọng nghẽn nghẹn:

- Con đi thì u ở với ai?

Bà nói là nói với mình thôi, chứ thằng con trai vô tâm đã chạy biến ra ngõ rồi. Nó chỉ báo tin cho bà biết, chứ có cần biết, từ lúc ấy bà sống dở chết dở thế nào đâu. Bà cứ đứng như trời hành, như chôn chân ở đấy.

Dòng nước từ đít rơ rau lợn chảy loang trên sân gạch tạo thành một hình thù kỳ quái gớm ghiếc. Bây giờ chỉ còn nhỏ từng giọt, như nước giọt gianh một chiều mưa ngâu rả rích. Tiếng lợn đói rít chuồng gọi bà trở về thực tại.

Bà quấy quá đặt nồi cám lợn, tống vào bếp mấy cái gộc tre khô, chạy đi đâu đó, rồi trở về với một nắm bánh đa thái. Ra cối giã gạo lấy cái nơm, mang ra giữa sân, để kênh lên rồi nối với một con sào ngắn, gọi đàn gà. Lũ gà nghe tiếng "chích chích", "pậc pậc" vội chạy cả về. Bà ném nắm thóc dưới cái nơm. Con nào con ấy cắm cổ mổ lấy mổ để. Khi con gà mái ghẹ hoa mơ sấn vào giữa nơm tranh ăn, bà đẩy nhẹ chiếc sào. Ba con bị sập nơm. Bà bắt con hoa mơ làm thịt. Một nửa kho mặn cho con mai mang đi, một nửa luộc, lòng mề nấu canh bánh đa, ra bờ ao vặt mấy cái lá chanh. Việc cuối cùng là nắm cơm. Tất cả chỉ hết non giờ đồng hồ.

Bà bó gối đợi. Nó chưa đi, bà đã hoá đá rồi. Bà không thể làm được việc gì nữa, cứ ngồi đấy chờ.

Hồi về muộn. Nó ào vào mâm cơm, rồi nói:

- Con đi chào các thầy, cô giáo, chia tay với lũ bạn. Đói ngấu rồi đây! Con mời u ăn cơn.

Mời xong, nó cầm bát canh bánh đa lên, soàn soạt như phát tấu mấy cái liền. Bà nhìn con ăn ngấu nghiến, ngon lành. Hết bát canh bánh đa, nó đặt bát xuống, thấy mẹ vẫn trân trân nhìn mình ăn, ngạc nhiên, nó giục:

- Bu ăn đi! Sao bu lại khóc cơ chữ? Con đi bộ đội là vinh dự cho nhà ta. Con trai phải tung hoành đó đây chứ, cứ ở mãi xó bếp này à? Thôi, nếu bu không ăn thì con cũng không ăn nữa đâu. Nó xếp bát đũa vào mâm, ra ý xong bữa. Bà mẹ tội nghiệp mếu máo:

- Ừ, u ăn đây. Con ăn canh bánh đa nữa đi, ăn thịt đi!

Vừa nói, bà vừa sẻ bát còn lại cho nó, chỉ để lại một tí gọi là dưới đáy bát. Hai mẹ con cứ lúi húi sống, lủi thủi làm, và bữa ăn cũng cứ lủi thủi thế này mấy chục năm rồi. Dẫu sao thì cũng còn có mẹ có con.

Ngày mai…

Đêm ấy, bà không làm sao chợp mắt được lấy một lúc. Gà gáy thứ nhất, gà gáy thứ hai, gà gáy thứ ba. Hồi ngủ say như chết. Bà sang giường con. Tay rờ rẫm khuôn mặt nó. Không hiểu sao, bà cử nghĩ rằng, nếu không làm thế sẽ chẳng bao giờ còn được chạm vào da thịt hòn máu của mình.

Chàng thanh niên được mặc bộ quân phục thì thích lắm. Thấy mình chững chạc hẳn ra. Oai hẳn lên! Ngôi sao trên mũ như lúc nào cũng toả ánh sáng trên trán. Chiếc mũ cối trên đầu, cái thắt lưng con lăn ngang người và đôi dép râu dưới chân làm anh thích nhất. Mấy đứa cùng làng có nằm mơ cũng không được sờ tay vào.

Hồi được giữ một khẩu AK47 Tiệp Khắc, nên chả phải lau chùi gì bên ngoài. Không những bài tháo lắp AK, anh nhanh nhất đại đội mà cả trung liên, súng trường CKC, súng ngắn K54 của đại đội trưởng, những thứ vũ khí không được giữ, anh cũng tháo lắp nhanh nhất đại đội làm cả đám tân binh lẫn cán bộ khung phục lăn.

Trong buổi hội thao đại đội, Lê Hồi còn nhất cả ném lựu đạn, chạy vũ trang. Đến bài bắn đạn thật, anh cũng nhất với 29 điểm. Buổi tối, sau tiếng còi báo ngủ, anh mới bắt đầu bài tập võ thuật với tiểu đội trưởng người Thanh Hoá. Đấy là chế độ đặc biệt đại đội trưởng dành cho anh, như một ưu tiên, bồi dưỡng chiến sĩ giỏi toàn năng, người sẽ mang vinh quang về cho đại đội trong hội thao tiểu đoàn.

Một buổi, đang tập chiến thuật tiểu đội tấn công thì liên lạc tiểu đoàn xuống, báo cáo đại đội trưởng cho binh nhì Lê Hồi lên ngay chỉ huy sở tiểu đoàn có việc gấp. Yêu cầu mang theo cả tư trang, vũ khí bàn giao lại Bốn mươi phút nữa phải có mặt, xe đang đợi.

Không biết nhiệm vụ gì đang chờ mình đây?

- Báo cáo các thủ trưởng, tôi Lê Hồi, chiến sĩ tiểu đội 1 trung đội 1, đại đội 3, theo lệnh các thủ trưởng đã có mặt.

Trung đoàn trưởng xuống làm việc với Ban chỉ huy tiểu đoàn cách đây hơn một giờ. Nghe tiểu đoàn trưởng báo cáo thành tích huấn luyện của chàng tân binh này, ông tỏ vẻ hài lòng không giấu giếm. Ông ngắm người lính vẫn đứng nghiêm theo đúng điều lệnh, miệng tườu cười, bụng nghĩ tới một câu đùa tếu: Thằng bé "vừa con ông to, vừa to con". Đúng là con ông bạn mình rồi. Giống ở cái mặt chữ điền đã đành. Ngay cái tên đã không thể nào sai được. Hai bố con đều là tên hai vị thuốc nam: Hoè, Hồi.

- Cháu là con bố Hoè phải không?

- Thủ trưởng biết bố tôi ạ?

- Cháu ngồi xuống đây!

Mộng trở thành một cán bộ quân sự thế là không thành. Lê Hồi bị điều về quân khu làm lính… thể thao.

Anh viết thư cho bố, nhờ can thiệp. Lê Hoè trả lời con ngay: "Con phải luôn luôn nhớ rằng, nhiệm vụ đầu tiên của người lính là chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Khi người chỉ huy đã đặt mình vào vị trí nào, thì đó là vị trí tốt nhất cho mình phát huy sở trường, sở đoản".

Ông viết thế không hẳn vì muốn dạy con ý thức phục tùng mà vì một lẽ khác… Trong cõi sâu thẳm của người cha, ông mừng là số phận ngẫu nhiên đã đưa nó vào danh sách lính cậu.

Mới chưa đến nửa năm ăn uống, luyện tập theo chế độ vận động viên mà Lê Hồi đã phổng phao hẳn lên. Bắp tay, bắp chân săn chắc. Vồng ngực nhô hẳn lên khoe sức trai cường tráng. Anh viết thư cho mẹ kể rằng đã lên cân thế nào. "Con u giờ đã được mét bẩy hai rồi, con sẽ chụp ảnh gửi về, để u biết con được Đảng, quân đội nuôi nấng, rèn luyện như thế nào. Chính trị viên đại đội bảo: xem xét quá trình rèn luyện ở đơn vị cũ thời gian luyện tập ở đây, chi bộ đã đứa con vào danh sách bồi dưỡng cảm tình Đảng. Sắp tới, con sẽ được tham gia hội thao toàn quân khu. Con đã viết quyết tâm thư (Anh giấu không kể cho mẹ biết mình đã viết bằng máu), hạ quyết tâm, thế nào cũng phải giật giải nhất về cho đơn vị. Thế nào sau cuộc hội thao này, con cũng được thưởng phép về thăm u. Cán bộ đã hứa với con rồi. U cứ nấu cho con một nồi canh cua rau tập tàng, ăn với cà pháo nén là con sướng rồi. Nước rau muống ở đây, anh nuôi nấu bằng chảo gang, cứ đen kịt như mực tầu ấy, chả thấy mùi rau đâu. Rõ chán…"

Ngày hội thao quân khu.

Khán đài dựng bằng tre nứa đỏ rực cờ và cờ lá chuối, cờ đuôi nheo, khẩu hiệu giấy cắt chữ vàng trên nền vải đỏ. Quanh sân, những chiếc cờ hiệu hình tam giác cắm la liệt đánh dấu các vị trí đã xác định trên sơ đồ lúc nào cũng hớn hở vẫy rối rít.

Cuộc thi các môn thể thao tập thể của phong trào Ba Nhất một trong bốn phong trào thi đua thời đó: Sóng Duyên Hải (của Công nghiệp), Gió Đại Phong (của Nông nghiệp), Trống Bắc Lý (của Giáo dục) được tiến hành trước. Các môn thi cá nhân tiến hành sau. Hồi tham gia cuộc thi chạy vũ trang 10.000 mét.

Hai hôm trước, rất bất ngờ, khi thấy bố đến thăm. Hồi ngồi với bố ở nhà khách đơn vị, cũng chỉ hơn một giờ. Nếu kể cả bữa cơm ở nhà khách thì mới được đến hai giờ. Anh sống bên người mẹ lầm lũi. Bố đi bộ đội, thỉnh thoảng mới về, cũng chả khác gì người khách qua đường tạt vào nghỉ trọ. Cha con cũng chả quấn quít như cha con nhà khác. Nếu không có lời đề nghị của người bạn bên quân đội, có lẽ ông cũng không có cuộc thăm này. Vì thế câu chuyện giữa hai cha con, đơn thuần là nhận lời động viên, giảng giải, cũng chẳng khác của chính trị viên, của chính uỷ. Cũng lại chuyện tu dưỡng, phấn đấu vào Đảng, cũng lại chuyện ba sẵn sàng, là thanh niên, nhất là thanh niên quân đội thì Đảng bảo đi đâu, ta đi đấy Đảng giao bất kỳ việc gì, ta làm việc ấy, ta không đòi hỏi bất kỳ chế độ đãi ngộ nào… Hoè không hỏi một câu nào về bà Mận. Cũng không nói với con chuyện hai hôm nữa mình sẽ lấy vợ.

Cuộc đua xuất phát được bẩy phút thì đoàn đua bắt đầu phân hoá. Hồi cùng sáu vận động viên khác tách dần khỏi đoàn, hình thành tốp dẫn đầu. Tốp này dần dần bỏ xa cả đoàn phía sau, và đoàn phía sau cũng lại phân hoá thành hai tốp, hai tốp rưỡi, bởi cái đuôi lê thê kéo theo sau. Từ vòng chạy thứ 8, trong 12 vòng đua, Hồi bắt đầu bút khỏi tốp dẫn đầu. Sau anh là hai vận động viên khác bám theo. Cả thao trường bỗng ào lên những tiếng hô đồng thanh theo nhịp: "Lê Hồi cố lên! Lê Hồi cố lên!" Tiếng hô như những viên tăng lực, như liều thuốc kích thích. Anh như được tiếp thêm sức mạnh. Khoẻ lên. Hăng lên. Mồ hôi thấm ướt áo lót cổ vuông, ướt áo sơ mi, loang xuống thắt lưng, thấm ướt quần đùi, thấm ra quần dài từ bao giờ. Anh như tắm trong mồ hôi, như chạy rừng mưa rào. Hai vận động viên sau anh, người gần nhất cũng khoảng 15 mét, người sau phải gấp hơn hai làm như thế.

Hồi vẫn lao về đích, một mình lao về đích, trong tiếng hô như cầm trịch, như giữ nhịp cho bước chạy của anh. Anh ngoái nhanh lại, người thứ hai đã cách anh xa hơn. Còn người thứ ba, thì đang ở phía trước anh, tức là cách anh già nửa đường chạy. Đôi chân Hồi vẫn guồng đều như máy như có lắp hai động cơ vậy.

Năm mươi mét!

Ba mươi mét!

Chỉ còn hai mươi mét nữa thôi. Hồi ơi cố lên! Hồi ơi cố lên! Tiếng hô càng như tiếng trống thúc, tiếng kèn hiệu giục giã.

Bỗng cả thao trưởng nhận ra bước chạy của anh hơi chậm lại. Sao thế kia Hồi ơi? Rồi bước chân ấy loạng choạng. Hình như anh không điều khiển được chân mình. Tiếng hô ngừng bặt. Cả thao trường lo lắng.

Chuyện gì đã đến với anh? Người nọ hỏi người kia mà không ai trả lời được. Bước chạy chệnh choạng thêm kìa! Đôi chân chệnh choạng đã kéo anh ra khỏi đường chạy làm đổ cả chiếc cờ hiệu dùng làm chuẩn cho vận động viên. Thao trường nhốn nháo, ồn ào. Không biết từ đâu hiện ra, các cổ động viên nữ ào xuống đường chạy, phóng thẳng đến chỗ anh, bắt chấp cả luật chơi, họ chạy bên anh, kèm hai bên, nhắc anh đã chạy chệch khỏi đường chạy rồi. Anh có nghe thấy gì không?

Anh đã chạy trở lại đường băng, nhưng bước chạy đã ngắn dần. Rồi bỗng anh đổ vật xuống như vấp phải hòn đá tảng, như cây chuối non bị phát ngang thân. Cả thao trường đang ào ào tiếng vỗ tay tiếng hô, tiếng hoan hô, đột nhiên câm bặt như bị chẹn họng. Có người há hốc mồm, ú ớ không nói thành câu, không gọi thành tiếng. Chỉ nhìn nhau ngơ ngác, không hiểu điều gì đã xẩy ra.

Hồi thấy đầu mình như đặc quánh lại, rơi lại loãng ra.

Không phải chuột rút, anh thấy đôi chân vẫn theo sự điều khiển của mình. Thủ trưởng trung đoàn đứng trên lễ đài vẫn đang cổ vũ anh… lá thư quyết tâm… mình sắp vào Đảng rồi, chắc sau đợt này… Đôi mắt có đôi mày xếch của bố… Anh tập trung tất cả ý chí lại, hai tay chống người dậy hai chân thu về, nâng tấm thân lúc này đã trở nên nặng vô kể. Anh vùng đứng dậy, chạy được mấy bước, mắt bỗng loạn lên những hoa cà, hoa cải xanh, đỏ, trắng, tím, vàng. Mắt trừng trừng nhìn địch. Rồi ngã vật xuống lần nữa không thể nào dậy được.

Hai chân nặng như chì, không còn nghe theo mình nữa rồi. Anh dùng khuỷu tay thay cho chân, kéo lê tấm thân nặng nề trên mặt đất nham nhở. Chỉ mấy thước trườn như thế, mặt đất đã sậm những vệt máu. Một quãng ngắn nữa. Cổ không còn đỡ nổi đầu rồi. Anh gục hẳn. Mặt đập xuống đất. Toàn thân bất động.

Đích chỉ còn cách chỗ nằm mấy bước lẫm chẫm anh tập đi mười mấy năm trước.

Thủ trưởng trung đoàn biết rất rõ hôm nay là ngày cưới của Lê Hoè nên không báo tin dữ cho bạn.

Dù biết mỗi phút giây lúc này là cấp thiết vô cùng, nhưng người lái xe cũng không thể nào nhấn thêm ga được. Con đường đất đồi không cho anh đi nổi 30 km giờ. Chiếc xe Lada cứ rung bần bật như sắp long ra từng mảng. Ông Hoè trân trân nhìn đoạn đường trước mặt.

Mình không can thiệp để nó vẫn sang làm lính thể thao là đúng hay sai. Ông chỉ nghĩ đơn giản, ở đơn vị chiến đấu thì vất vả hơn, mọi chế độ đều không thể bằng bên thể thao được. Chỉ có việc ăn và tập, vừa khoẻ người, vừa lấy thành tích cho đơn vị. Và dù thế nào cũng phải nói, hệ số an toàn ở bên nào cao hơn hẳn bên kia chứ.

Có ai ngờ được tình huống này? Không biết tình trạng con mình ra sao. Nội dung bức điện: "Đến ngay, Lê Hồi gặp nạn", không nói được mức độ nguy hiểm. Không biết con ông có mệnh hệ gì không?

Chiếc xe đỗ xịch ngay trước trạm quân y hội thao. Một đám bụi đỏ trùm lên chiếc xe mầu trắng, mãi không tan. Ông bước vội vào. Con ông nằm đấy, mắt nhắm nghiền. Vầng trán trên gương mặt vuông vức nhăn lại như muốn hỏi, vì sao lại thế này? Ông cầm tay con đã lạnh ngắt. "Bố đây Hồi ơi!" Hình như chỉ chờ đến lúc này, anh cố mở mắt, nhìn bố lần cuối cùng rồi vĩnh viễn khép lại. Không nhắn gửi, không níu kéo, không yêu thương. Đôi mắt ấy như ai oán. Hai tay ông ôm hai bên má con, cái má thẳng của khuôn mặt vuông vức, đuôi lông mày rậm cũng xếch ngược lên như lông mày ông. Ông cúi xuống, áp mặt mình vào mặt con. Nước mắt ông trôi tuột trên gò má con trai phủ một lớp lông tơ mịn màng.

Cũng chỉ tại ông cố chấp mẹ nó một chuyện không đâu hồi cải cách ruộng đất mười mấy năm trước, lúc Lê Hồi mới lẫm chẫm biết đi nên ông không trông nom nó đến nới đến chốn.

Vừa về đến đầu làng, anh đội cải cách đã gặp ngay đôi mắt lay láy dưới vành khăn mỏ quạ của cô du kích Mận đang quẩy đôi thùng gánh nước bằng gỗ ghép từ giếng đình về xóm Chùa. Qua nắm tình hình, anh biết, may quá Mận là con thành phần bần nông hẳn hoi. Anh đội trẻ lập tức bắt rễ, xâu chuỗi, ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) để bồi dưỡng Mận trở thành một cốt cán điển hình, góp thêm sức mạnh đấu tranh, đánh gục hoàn toàn bọn địa chủ cường hào gian ác xã này.

- Nhưng em không đi ở cho nó thì tố khổ thế nào?

- Tố thế nào mà chả được. Nó không bóc lột em thì bóc lột người khác. Em tố khổ không phải cho em, mà cho bao nhiêu bà con xã mình bị nó đè nén, áp bức, bóc lột. Em nói hộ bà con. Bà con không biết nói. Không dám nói chỗ đông người.

- Thế nhỡ nó chối biến đi thì sao?

- Làm sao mà nó chối được? Mà ai cho nó chối nào? Mình hàng ngàn người, cả một lực lượng đông đảo bần, cố, trung nông và phú nông lớp dưới, khí thế như trời long, đất lở. Anh chỉ hô một tiếng là cả đấu trường hàng ngàn người lập tức hô theo ngay. Nó có mà sợ thọt d… vào ấy chứ. Em cứ yên tâm.

- Nhưng mà em sợ.

- Sợ cái gì? Anh ngồi ngay sau Toà án Nhân dân đặc biệt cơ mà. Chỉ cách có một tấm vải che. Hễ nó giở trò gì là anh trấn áp ngay.

- Nhưng mà, tố cáo nó bóc lột thế nào chứ?

- Thì anh đã bảo, nó là địa chủ, tố thế nào chả được.

- Thế anh hướng dẫn cụ thể xem nào?

Anh đội trẻ có phần bí, vả lại không tập trung tư tưởng lắm. Anh ta cứ nhìn xoáy vào đôi mắt hạt nhãn của Mận, rồi lại nhìn xuống bộ ngực mây mẩy, cái cơ thể tròn lẳn của cô gái một con. Quái, nông dân cổ cày vai bừa mà sao lại đẻ ra một cô gái xinh thế này nhỉ?

Anh ta nuốt khan mấy cái. Chẳng biết nghĩ gì, mà anh đội trẻ bỗng nảy ra sáng kiến tuyệt chiêu này:

- Hay là, em tố nó… nó… nó hiếp em!

Mận rãy lên như đỉa phải vôi:

- Cái gì, anh bảo cái gì?

Anh đội trẻ dỗ dành:

- Có lý đấy em ạ. Em xinh thế này, đôi mắt này, cái má này, cái miệng nào… Nhắc đến cái gì, anh ta lại vuốt nhẹ vào chỗ ấy - thằng đàn ông nào mà chả thèm nhỏ dãi nhỉ.

- Nhưng mà em có bị nó hiếp đâu?

- Thì thế… Nó mà hiếp em thật thì nói làm gì. Đây nhớ, em có chồng con rồi, chồng là bộ đội, đi biền biệt. Ngại cái quái gì? Này anh bảo, em cần nhớ rằng em có kiên quyết tham gia cuộc đấu tranh giai cấp duy nhất chỉ xảy ra một lần này, mới chứng tỏ lập trường giai cấp của mình, thế mới được hưởng những quyền lợi do cuộc đấu tranh này mang lại. Em có biết là sau đây, sẽ tịch thu toàn bộ tài sản, kể cả nhà cửa, trâu bò, đồ đạc trong nhà, lẫn ruộng đất của nó để chia cho bà con nông dân mình chứ? Nhưng không phải là chia đều. Ai có công nhiều, chia nhiều, ai công ít, chia ít. Ai trực tiếp lên đấu tố đánh gục chúng nó, phải được chia phần hơn hẳn những người ở dưới, ăn theo, chỉ hô đả đảo. Nói thế là đã nói đến cái cơ bản nhất, cốt lõi nhất, đó là quyền lợi sát sườn của cốt cán rồi. Chưa cần dùng đến quyền uy nhất đội, nhì giời của đội cải cách.

Để khuất phục cô hoàn toàn, anh đội trẻ nắm cổ tay tròn lẳn cô cốt cán đang run lên, âu yếm vuốt ve.

Tay kia lùa vào trong lớp khăn vuông mỏ quạ, thoa thoa gò má nóng rực, trong khi nồi cám lợn trên bếp không biết đã lụi từ bao giờ. Anh đội trẻ vừa mới nắn bầu vú đẫy tay của Mận được mấy cái, thì có tiếng đằng hắng ngoài ngõ. Cứ như bà mẹ chồng với gánh gốc rạ trên vai đã đứng rình ở đâu từ bao giờ, chỉ đợi có chuyện là lên tiếng. Nếu không, chắc chắn việc bồi dưỡng cốt cán của anh đội trẻ sẽ có kết quả trông thấy.

Cờ và la liệt khẩu hiệu, mà người viết mới qua nạn mù chữ chưa lâu lắm. Những chữ bằng vôi nguệch ngoạc trên đít nong, nia, mẹt, thúng, mủng xếp thành dẫy cạnh thềm đình, hoặc trong tay các em thiếu niên, nhi đồng. Nia, mẹt, thúng, mủng thì mỗi cái một chữ, nhưng người viết mới chỉ biết chữ thường, chưa biết viết chữ in. Nong thì mỗi cái là một khẩu hiệu: "Dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết với trung nông, liên hiệp với phú nông, đánh đổ hoàn toàn giai cấp địa chủ cường hào gian ác". Không khí được nung nóng bởi rừng người hừng hực căm thù, bật lên thành những tiếng hô "Đả đảo" sau tiếng hô mồi bằng loa mo cau: "Đả đảo giai cấp địa chủ cường hào gian ác".

Đến lượt Mận lên đấu tố.

Cô xăm xăm đến trước mặt tên Vận, tay trái chống nạnh, tay phải xỉa vào mặt kẻ thù giai cấp, định đạc quát lên:

- Mày có biết tao là ai không?

Tên địa chủ tóc trắng, mặt cũng trắng những bãi nước bọt khinh bỉ đã khô của những người đấu trước nhổ vào, ngẩng lên nhìn người đấu mình:

- Thưa bà nông dân, bà là con cụ Đào ở gần nhà con ạ.

- Được, nghe tao hỏi đây. Mày đã áp bức bóc lột bà con nông dân chúng tao bao nhiêu năm nay, mày có biết không?

- Dạ, con có biết ạ!

Thừa thắng xốc tới, Mận hỏi tội tiếp, nhưng câu này không quát to bằng câu trước:

- Mày lại còn hiếp dâm bà nữa, mày có nhớ không?

- Thưa bà, con không hiếp bà bao giờ ạ!

Anh đội trẻ ngồi sau màn, đứng tim, đổ mồ hôi hột. Nhưng không ngờ cốt cán của anh đã nhanh trí, vận dụng vốn văn học dân gian thật đúng chỗ:

- A à! Mày còn chối à? Kim dâm vào thịt thì đau. Thịt đâm vào thịt nhớ nhau suốt đời! Mày còn chối nữa không?

Lập tức tiếng hô bật lên từ sau tấm màn:

- Đả đảo tên Vận ngoan cố?

Cả đấu trường rền vang đáp lại: "Đả đảo!", "Đả đảo!" "Đả đảo!". Tiếng hô còn vang lên hai lần nữa.

Đấu trường còn rền vang hai lần nữa. Tên địa chủ Vận chỉ còn nước cúi đầu nhận tội.

Hôm ấy, ngay khi từ đấu trường về nhà, bà cụ tra hỏi con dâu:

- Mày ăn không nói có như thế, không sợ trời đất quỷ thần hai vai à? Ông trời cũng có mắt đấy! Thế chồng mày về, nó hỏi chuyện ấy thì mày nói thế nào?

Mận cúi gầm mặt. Bây giờ mới thấy hoảng. Lát sau cô mới lý nhí:

- Dưng mà… - Cô không dám kể cái đoạn, hôm trước tay đội cải cách đã mớm cho mình những gì, hứa hẹn những gì, bật khóc - Con chót dại, bu thương con, bu bảo với nhà con một tiếng…

Chính trị viên tiểu đoàn Lê Hoè về thăm nhà khi cơn giông đã đi qua. Làng xóm bình yên trở lại. Địa chủ Vận đã được hạ thành phần, đã về lại ngôi nhà cũ của mình, tuy không còn nguyên vẹn. Vốn tính thận trọng của một cán bộ chính trị quân đội, anh chưa về nhà ngay mà tạt vào thăm mấy người anh em trong họ và một người bạn nối khố, giờ làm bí thư Đảng uỷ xã, nên cũng có nghe chuyện vợ ở nhà đấu tố ông Vận, rằng có anh cán bộ đội cải cách thường rình lúc mẹ anh ra đồng, lại đến bồi dưỡng lý luận đấu tranh giai cấp cho vợ mình.

Bán tín, bán nghi, vừa đặt ba lô xuống phản. Hoè đã nói ngay với mẹ:

- U ngồi xuống đây con hỏi chuyện đây!

Bà mẹ chưa kịp đặt đít xuống phản, nhìn vẻ mặt con, đề phòng:

- Mày làm gì mà cứ như sắp ra trận ấy thế?

- Con chỉ hỏi u hai việc thôi. U phải nói thật để con liệu. Một là thằng bé có đúng là con của con không? Hai là, cái thằng đội cải cách đã làm gì vợ con chưa?

Đúng là giận quá mất khôn. Chuyện Mận tố ông Vận là tố điêu, thì làm sao liên quan gì đến thằng bé con anh được? Anh đau, anh uất, anh mất mặt với bà con hàng xóm thì có. Nhưng sao lại nhằng chuyện ấy vào thằng con mình? Còn chuyện bồi dưỡng cốt cán thì anh có quyền nghi ngờ. Chỉ có điều anh không biết rằng chính mẹ anh, với linh cảm phụ nữ, đã bảo vệ được con dâu. Vì thế bà mẹ mới chửi con trai:

- Cha con đẻ mẹ mày chứ. Mày nhìn cái trán dô, cái mặt vuông chữ điền, cái lông mày chổi xể của nó xem, có đúng là giỏ nhà này, quai nhà này không? Còn chuyện thằng đội cải cách… Chỉ mới nhìn cái bộ mặt nó, u đã thấy nó gian gian thế nào ấy. Thế nên u mới có ý canh chừng. Nhưng nó chưa kịp làm gì vợ mày đâu! Đừng hắt hủi nó mà tội nghiệp.

Đúng lúc ấy ông Vận đi vào.

Mới hơn bẩy mươi mà ông đã có đầy đủ dáng dấp một cụ già thuộc lớp người cổ. Râu dài, tóc búi tó củ hành, mặt nhằng nhịt vết nhăn như ruộng né chân chim.

Hai mẹ con Hoè cùng đưa mắt nhìn nhau. Lúng túng. Ngượng ngập. Lo lắng. Biết con mình, vợ mình mắc nợ người ta. Người ta bị làm nhục giữa thanh thiên bạch nhật, trước bàn dân thiên hạ… thì hẳn người ta sang đòi nợ đây. Lẽ đời có vay có trả.

Nhưng trả thế nào cho sòng phẳng bây giờ? Hoè nghe người bạn bí thư Đảng uỷ nói rồi. Nghe mẹ nói, anh cũng yên tâm, chỉ tại vợ mình bị cái thằng chết dẫm mang quả thực sẽ chia sau cải cách ra nhử, nên mới nên nông nỗi này. Ngày ông Vận được tuyên bố hạ thành phần, bà đã có sang xin lỗi người ta. Nghĩ được thế nhưng lại không dám làm. Bây giờ thì phải làm cho phải đạo. Con dại cái mang.

- Mời cụ ngồi chơi xơi nước.

Đến lúc ấy ông Vận mới ngồi xuống phản. Bên kia tích nước vối và mấy cái bát là bà mẹ. Hoè ngồi sau mẹ. Ông cụ hỏi trống không, không biết là hỏi bà hai hỏi con bà:

- Mẹ con cái Mận đâu? Hay sang bên ngoại?

Biết thế, nhưng bà cụ vẫn cung kính đón câu hỏi:

- Thưa cụ, mẹ con nó về bên ngoại mấy hôm rồi!

Đúng là ông cụ muốn ba mặt một nhời, đòi nợ con Mận đây. Hai mẹ con không biết phải làm gì, nói gì.

Đến Hoè, vẫn thường dõng dạc, hò hét trước ba quân, mà lúc này miệng cứ bị trám lại. Ông Vận vuốt chòm râu thưa, thong thả buông từng tiếng:

- Biết anh về phép, tôi sang chơi… cũng là có câu chuyện muốn nói.

Mẹ con Hoè ngồi chết lặng chờ đòn. Bà cụ nhìn nền đất đen xỉn. Ngồi sau mẹ, Hoè nhìn chằm chằm vào mặt ông lão, sẵn sàng chờ đón những lời nhiếc móc nặng nề nhất.

Thời gian đông cứng lại. Hoè cũng cứng đơ người lại trong căng thẳng chờ đợi. Thình lình, ông Vận thong thả buông từng tiếng rõ ràng, rành rọt:

- Cái chuyện con Mận tố điêu tôi… - Ông cụ ngừng lại Mẹ con Hoè nín thở -… lại chuyện trẻ ranh… của lũ trẻ ranh…

Ông nhớ như in lúc ấy uất lắm. Nhưng thời thế nó thế. Làm thế nào được. Lúc ấy, ông chỉ ước thằng con ông mang súng về. Không biết nếu chứng kiến cảnh ấy, nó sẽ làm gì? Nó có cứu được ông không?

Nghe mấy tiếng sau, mẹ con Hoè thở phào như khối đá đè trên ngực được nhấc ra. Ông Vận lại buông từng tiếng rành rọt:

- Tôi không chấp… Vợ anh, trẻ người non dạ, người la xui khôn xui dại thôi, chứ làm sao tự dưng nó dám dựng đứng chuyện lên như thế. Đừng đay nghiến, hắt hủi nó làm gì! - Ông cụ đứng dậy quay nhìn Hoè - Hôm nào sang tôi chơi. Thằng cả nhà tôi, đi trước anh mấy năm, nghe đâu đóng chức trung đoàn trưởng quân chủ lực, cũng mới về phép tháng trước.

Nói xong câu ấy, ông cụ đứng dậy không uống nước, không chào, bước qua bậu cửa, lững thững ra cổng, cũng như lúc nãy, lững thững vào. Mẹ con Hoè vội đứng dậy. Bà cụ cung kính:

- Thưa cụ lại nhà!

Hoè cũng nói theo:

- Chào cụ ạ!

Hoè sang thôn bên đón vợ về, chơi với con một ngày. Đêm, ngủ một mình trên tấm phản giữa căn nhà ba gian lợp rạ. Hôm sau khoác ba lô về đơn vị.

Một mình Mận trông nom mẹ chồng, nuôi con. Hoè vẫn dành dụm gửi tiền về. Hoạ hoằn mới tạt về một buổi rồi đi ngay. Chỉ có ngày mẹ chết, anh mới ở nhà mấy ngày. Lo mồ lên mả đẹp cho mẹ xong lại đi.

Ngay sau đó Hoè có lệnh chuyển ngành về một cơ quan Trung ương. Một thời gian sau anh tìm hiểu cô mậu dịch viên cửa hàng lương thực, một cô gái thành phố sắc sảo khác hẳn cô vợ quê chất phác trước kia.

- Đứng trên lập trường đảng viên, anh trả lời em, anh đã có vợ ở quê chưa?

Khi đặt vấn đề tìm hiểu, Kim Phụng hỏi thẳng Lê Hoè như vậy. Anh còn đang ngần ngừ, định lựa lời trả lời thế nào cho phù hợp, chứ trong thâm tâm cũng chả định giấu diềm, thì Phụng đã nói ngay:

- Có vợ rồi cũng không sao… - Ngừng một lát, giọng cô lạnh tanh - Chỉ cần anh "cắt đứt" là được.

Hoè trả lời ngay:

- Cắt đứt thế nào được? Anh còn có một đứa con, nó mới nhập ngũ.

Cô tỉnh khô:

- Thì em có bảo anh không có con đâu. Có bảo anh cắt đứt con đâu. Chỉ cắt đứt vợ thôi. Còn gửi tiền cho chị ấy nuôi con thì được. Đấy, em chỉ có một điều kiện ấy thôi.

Xem ra chuyện hôn nhân ở đây rất rõ ràng, rành mạch, cưa đứt đục suốt. Người ta không úp mở, không vòng vo, cứ nói toạc ra như thế lại hay. Mình vốn con nhà lính, cái gì cũng phải dứt khoát. Người ta bảo tài chính phân minh, ái tình dứt khoát, có khi cũng nên như vậy. Hoè ậm ừ.

- Thôi được!

- Anh hứa đi!

- Anh hứa!

Nhưng cô gái thành phố nào đâu phải tay vừa:

- Lời hứa của đảng viên đấy nhớ. Anh mà vi phạm là em viết đơn lên chi bộ tố cáo đấy.

Lúc ấy, Hoè đã nhận ra cái ghê gớm đáo để của người vợ tương lai. Nhưng anh tự giải thích, thì đàn bà, chồng chung chưa dễ ai chiều được ai. Mà thật ra, từ đấy mình có đi lại với Mận đâu. Bây giờ rời quân ngũ, có dịp làm việc với phụ nữ, gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày hơi hướng đàn bà mới đánh thức thằng đàn ông trong con người khô cằn của anh dậy. Ngồi trước Kim Phụng, có lần anh nghĩ vẩn vơ, mái tóc phi dê kia mà được lùa bàn tay vào nhỉ. Tấm thân tròn lẳn kia mà thuộc về ta nhỉ, kể cũng hay hay. Mặt cô trông cũng được. Giá như đừng rin rít hàm răng khi nói thì tốt… Mà mình thì đẹp với ai cơ chứ, lại có vợ con rồi.

Đám cưới Hoè tổ chức đúng ngày Hồi tham gia hội thao quân khu…

Ngày vui mà Hoè có cái gì như thảng thốt. Có lúc đờ người ra như mất hồn. Ai đó gọi rất bình thường, thế mà Hoè giật bắn người. Con mắt thất thần như dại như ngây, dù chỉ trong một thoáng anh đã trở lại vẻ đàng hoàng, chững chạc của mình. Hay là anh bị dằn vặt vì đã bỏ lửng người vợ quê mùa, chả làm gì nên tội? Việc này anh đã báo cáo với tổ chức, cấp uỷ đã họp bàn bạc, rồi mời anh đến trao đổi.

- Cô ấy cũng chỉ là nạn nhân sai lầm nhỏ của một người, trong cái sai lầm lớn của nhiều người mà Đảng và Bác đã nhận ra và sửa chữa kịp thời. Đồng chí nên bỏ qua lỗi lầm của vợ đồng chí.

Hoè trình bầy:

- Nếu bỏ qua được thì tôi đã chả phải sống như một người độc thân. Các đồng chí có thấy tôi quan hệ với bất cứ người phụ nữ nào trong thời gian qua không?

- Đồng chí phải dùng lý trí của người cộng sản mới giải quyết được đúng đắn việc này.

Ông Hoè tỏ ra không thể thuyết phục được:

- Chuyện tình cảm, chuyện của trái tim, lý trí không thể ra lệnh được.

Bí thư Đảng uỷ đành nhượng bộ:

- Nếu đồng chí đã quyết như thế thì chúng tôi cũng chịu, chỉ đề nghị đồng chí có trách nhiệm với cô ấy và nhất là với cháu. Hãy thể hiện rõ nhân cách của người cộng sản trong việc này.

Hoè nói chân thành:

- Cảm ơn các đồng chí đã cảm thông và có lời khuyên nhủ cần thiết. Trong thâm tâm, tôi cũng nghĩ như thế. Các đồng chí nhắc, tôi càng có ý thức hơn.

Hoè chững chạc trong bộ quần ka-ki ghi thẫm, áo sơ mi trắng. Trông anh trẻ ra đến dăm tuổi. Cô dâu đẹp hẳn lên trong bộ áo dài cánh sen, quần trắng. Bạn bè đơn vị cũ gửi cho anh một cân chè Thái Nguyên, một tút thuốc lá Điện Biên bao bạc. Mỗi bàn một đĩa lạc rang, một đĩa kẹo cứng. Thế là sang trọng nhất rồi.

Thời ấy chưa ai biết thế nào là kẹo mềm. Đám cưới đời sống mới, lấy vỗ tay hoan hô làm tiết mục chính. Thủ trưởng đơn vị dặn dò, chú rể thay mặt cô dâu hứa "vui duyên mới không quên nhiệm vụ".

Những lần ngồi riêng với nhau, Hoè từng giấu nỗi thèm khát người yêu bằng những câu chuyện nghiêm trang. Trước khi về, anh chỉ nắm chặt tay Kim Phụng một tí rồi buông ra ngay. Vậy mà đêm tân hôn anh cứ ngồi hút thuốc mãi. Vợ gọi vào màn, anh bảo cho mình hút hết đến thuốc đã. Hết điếu ấy anh lại châm điếu khác Chừng như không kiên nhẫn được nữa, Kim Phụng giận dỗi:

- Anh có vào ngủ không thì bảo, để em còn biết có đúng là em đã lấy chồng không hay là lấy ông quan hoạn?

Anh cảm thông với tâm trạng vợ lúc này, nên không tự ái. Mà chính anh cũng không hiểu, vì sao mình lại không mảy may cảm hứng chuyện chăn gối lúc này mới lạ. Anh biết mình hoàn toàn không có vấn đề gì về sinh lý. Lúc tắm, xoa bánh xà phòng giặt Liên Xô lên khắp cơ thể, đến chỗ ấy nó lại làm anh nổi hứng lên một lúc. Vậy mà giờ… mình lại dửng dưng là nghĩa làm sao? Tuy thế anh vẫn vào giường, nằm cạnh vợ. Phụng dỗi, quay mặt vào tường.

Anh kéo vợ quay lại, giọng khổ sở:

- Anh không là hoạn quan đâu mà lo. Nhưng không hiểu sao, hôm nay anh làm sao ấy… Anh khất đến mai vậy.

Sáng hôm sau, chẳng ai nhìn ai. Chẳng ai nói với ai câu gì. Mặt Phụng như cái hổ phù. Nhưng bước ra khỏi phòng, đến bể nước tập thể của cả dãy nhà, đánh răng rửa mặt, Phụng cố làm ra bộ vui vẻ tươi tỉnh, gặp ai cũng chào hỏi. Mới về làm dâu khu tập thể này thì lễ phép như thế là phải rồi. Hoè ra sau vợ một lát. Anh giữ ý không đi cùng. Chưa ra đến bể nước đã có cậu cán bộ văn phòng chạy đến tìm:

- Thủ trưởng mời anh lên ngay cơ quan có việc gấp.

Lê Hoè vội xọc xọc cái bàn chải vào mồm mấy cái qua loa gọi là, rửa mặt qua quít, rồi chạy bổ về phòng, mặc quần áo ngoài. Linh tính báo anh biết có chuyện chẳng lành xẩy ra với con rồi. Thảo nào, suốt ngày hôm qua, cứ bứt rứt không yên.

Khi lá quân kỳ phủ tấm quan tài được vén lên, bà Mận mới tin đấy là thằng Hồi, con mình. Bà Mận đưa tay rờ rẫm mặt con. Cái đêm trước ngày con lên đường, bà linh cảm thấy nó đi, là đi mãi mãi. Bà cũng đưa tay rờ rẫm mặt con thế này…

Từ khi chồng bỏ lủng, bà chỉ biết âm thầm sống với con. Con đi bộ đội, bà lủi thủi một mình một bóng, như một cái xác không hồn. Dân làng không thấy bà khóc cũng không kể lể than vãn với bất kỳ ai câu gì.

Từ đấy người đàn bà cam phận câm tịt cho đến khi theo con đi. Ấy là bà mới biết một nửa sự thật. Nửa kia là chuyện chồng đã cưới vợ hôm qua, đúng ngày con mình ngã xuống trên đường chạy.

Xong việc, về cơ quan, Hoè ghi vào tổ công tác của mình: "Tôi đã giết cả hai mẹ con nó".