Luật Đời & Cha Con

Chương 4

Mấy năm trước, lần thứ hai ông Hoè được mời về phổ "biến nghị quyết" ở quận Hoàng Long, (trước là khu Hoàng Long). Đã là người quen nên Ban tổ chức hội nghị còn đề nghị ông, sau buổi nói chuyện trên hội trường, sẽ có buổi làm việc, để họ xin ý kiến về một vấn đề do thực tiễn công tác đặt ra mà họ lúng túng không biết làm thế nào gỡ ra. Ông nhận lời.

Sau khi nghe kể, ông nói, có thể có vấn đề đấy. Mâu thuẫn cá nhân hay là mâu thuẫn gì thì phải tìm hiểu kỹ mới gỡ được. Vì vậy, sau khi báo cáo cơ quan, ông về tận nơi gặp gỡ, tìm hiểu, đi lại mấy lần trong gần tháng trời. Chuyện diễn ra trong một thời gian khá dài.

… Nhà máy cơ khí Thắng lợi.

Tháng cuối cùng quí 2.

Tất cả các phân xưởng đều lao vào cuộc thi đua nước rút hoàn thành kế hoạch.

Tại phân xưởng Cơ khí Động lực, đầu giờ chiều, ba công nhân đến báo cáo phân xưởng trưởng cho nghỉ làm để đi họp chi bộ.

Trần Kiên, phân xưởng trưởng, người ngoài Đảng, từ nơi khác mới chuyển về, ngạc nhiên nhìn ba công nhân hỏi:

- Thế ai sẽ làm việc thay các anh?

- Chúng tôi biết đâu đấy. Đó là việc của anh, chứ không phải của chúng tôi. - Một trong ba công nhân tỉnh bơ trả lời.

Tôi không có người để bố trí làm thay các anh. Mà nếu gọi người nghỉ ca đến làm thay thì họ làm, họ sẽ được hưởng công, chứ không thể làm hộ các anh được. Chưa nói, chỉ tiêu kế hoạch của ai thì người ấy phải hoàn thành. Ai không hoàn thành người ấy bị phạt. Ai vượt năng suất, người ấy được thưởng.

- Gớm, nhiều chữ có khác, anh lý luận ghê quá. Chúng tôi chỉ hỏi một câu: anh có để chúng tôi đi họp chi bộ không thì bảo?

Lời lẽ đầy thách thức, đe doạ. Một bên là ba người công nhân, một người đã có tuổi, hai người trung niên. Một bên là anh kĩ sư mới ra trường mấy năm, mặt còn búng ra sữa. Họ cùng mặc quần áo bảo hộ lao động xanh nước biển, sáu miếng vải may đáp bên ngoài ở hai khuỷu tay, hai đầu gối và hai mông. Cùng một phân xưởng nhưng giữa họ hình thành một sợi dây vô hình ngăn cách: giữa lãnh đạo với bị lãnh đạo, giữa công nhân ít chữ với kỹ sư nhiều chữ, và cuối cùng, điểu này mới khó nói và bởi khó nói mới rắc rối, đấy là ranh giới giữa Đảng viên và quần chúng. Quần chúng thì nắm cương vị lãnh đạo, còn Đảng viên lại là người bị lãnh đạo, ấy là chưa nói tới giữa họ còn có hai làn ranh giới nữa, mà chừng mực nào đó phải gọi thẳng ra là: mâu thuẫn giữa trẻ và già, mâu thuẫn giữa người cũ với người mới, mà các cụ ta đã rút thành quy luật: ma cũ bắt nạt ma mới.

Tay kỹ sư tuy còn trẻ nhưng rất cứng cựa hỏi lại:

- Thế nếu tôi không cho các anh đi thì sao?

- Thì giấy đây - Một người móc túi lấy ra mảnh giấy bằng bàn tay lấm lem đầu mỡ:

- Nếu anh có gan thì ký vào đây, để chúng tôi báo cáo với chi bộ, rằng anh dám cản trở các Đảng viên sinh hoạt chi bộ.

- Anh đưa giấy đây, tôi ký liền.

Anh kỹ sư trẻ nhí nhoáy viết gì đấy rồi ký xoẹt một cái rất ngang tàng. Anh công nhân có tuổi theo dõi rất thận trọng diễn biến tình hình, đưa tay ra, nói trống không:

- Đưa đây!

Tay kỹ sư trẻ như không thấy cánh tay đưa ra, như không nghe thấy câu nói chỏng lỏn, bảo:

- Tôi đọc để các ánh nghe tôi viết gì: "Tôi chịu trách nhiệm về kế hoạch cuối năm của phân xưởng, nên không cho bất kỳ công nhân nào đi đâu, trừ có tin một trong số bố, mẹ, vợ, con có người chết".

Người công nhân già sầm mặt, nhắc lại lời mình:

- Đưa đây!

Tay kỹ sư trẻ không tỏ ra khó chịu, vẫn kiên nhẫn:

- Đợi một tí.

Chỉ ba bước chân, anh ta đã nhảy tới chiếc bàn bẩn thỉu dầu mỡ của mình, trên tay cầm quyển vở khổ lớn bìa xanh: sổ chấm công.

- Trước khi tôi đưa mảnh giấy này cho các anh mang đi báo cáo chi bộ, các anh vui lòng ký vào biên bản ta lập bấy giờ, rằng các anh đã không chịu sự điều hành của phân xưởng trưởng. Sổ chấm công đây, tôi sẽ không chấm công các anh chiều nay. Tôi sẽ phạt tiền thưởng năng suất. Còn nếu kế hoạch của phân xưởng không hoàn thành, vì chỉ tiêu của các anh không đạt, thì các anh còn bị kỷ luật nữa đấy. Tôi nói ngay, kẻo lại bảo không báo trước.

Ba người đứa mắt nhìn nhau nghi ngại. Thằng này dám làm thế lắm. Nghĩ đến quyền lợi sát sườn của mình, những con mắt ngạo nghễ thách thức biến mất, họ đều cụp mắt, nhìn xuống đất.

Người kỹ sư trẻ quan sát, thấy thế mới bảo:

- Một anh chạy ù lên xin phép chi bộ vắng mặt trong cuộc họp hôm nay xin nghe phổ biến lại, rồi cùng về làm với anh em cho kịp. Việc là việc của cả phân xưởng mình, chứ có phải của riêng tôi đâu.

Ngay đầu giờ làm việc ngày hôm sau, qua loa truyền thanh nội bộ, Trần Kiên được mời lên Văn phòng Đảng uỷ có việc gấp. Chưa kịp ngồi, mà thực ra cũng không được mời ngồi, anh đã bị đánh đòn phủ đầu bằng câu hỏi:

- Có đúng là chiều qua anh không cho đảng viên công nhân phân xưởng anh đi họp chi bộ phải không?

Hỏi là hỏi thế thôi, chứ giọng điều oai vệ và quyền lực của người ngả mình trên ghế bành đã ngầm khẳng định tội lỗi của anh rồi.

Báo cáo đồng chí, tôi chỉ làm đúng chức trách của mình, là quản lý, điều hành công nhân trong tám giờ vàng ngọc. Tám giờ vàng ngọc mà không xong công việc anh em chúng tôi còn phải bỏ vợ bỏ con ở nhà, còn phải làm thêm ngoài giờ để hoàn thành kế hoạch kia. Bởi vì đối với chúng tôi, kế hoạch là pháp lệnh… Mà thôi. Xin lỗi đồng chí, không được nói chuyện với đồng chí trong giờ sản xuất, tôi còn phải về điều hành công việc đầu giờ, để anh em khỏi phải chờ. Đồng chí muốn nói về việc nào phải đợi tôi xong ca sản xuất, ngoài giờ làm việc, tôi sẵn sàng hầu chuyện, được không à?

Không đợi người mặt đầy những múi thịt, da bóng nhẫy trả lời, anh đứng dậy, không chào, đi ngay.

"Cú thật. Một thằng ranh con nứt mắt mới ra trường, vắt mũi chưa sạch, có khi còn… chưa biết vắt mũi, mà lại chơi mình về lề lối làm việc mới cú chứ. Ở cái nhà máy này, hơn hai chục năm ngồi trên ghế bí thư Đảng uỷ, chưa kẻ nào dám ngang với ông như thằng oắt tì này. Ừ thì cứ cho là mày đúng đi, mà có đúng thì bố mày đây, ông mày đây mới chịu chứ. Nhưng mà là một thằng ngang bướng, một thằng bố láo chi khươn. Mấy trăm con người, hơn mày hàng chục tuổi, đều một vâng, hai dạ, một đều bác, hai điều chú. Có đứa nào dám đồng chí kiểu cá đối bằng đầu, cá mè một lứa như nó đâu. Mà nó là cái thằng quần chúng, rõ là một thằng mensevich, sao đám gọi cụ mày đây là đồng chí, hả thằng ôn con kia? Hả?"

Ông đập tay xuống bàn đánh "rầm", tưởng như nó vẫn còn ngồi đấy mà lý sự với ông. Cái mặt đầy những múi thịt dưới làn da bóng nhẫy đỗ tía tai như đang cãi nhau, vào cao trào, căng thẳng, quyết liệt, sống mái…

"Được liệu mày có dám cứng đầu với tao không nhé. À, mà để tao xem mày là con cái nhà ai, ai đưa mày về đây. Tao sẽ làm cho mày không thể mọc mũi sủi tăm được cho mà xem, con ạ".

Ông nhắc ống nghe, quay mấy vòng, gọi trưởng phòng Tổ chức, Lao động, Tiền lương:

- Mang hồ sơ lý lịch Trần Kiên, trưởng phân xưởng Cơ khí Động lực lên đây ngay cho tôi. Khẩn trương lên!

Cả hai quý II, III và cuối năm, phân xưởng Kiên đều về đích đầu tiên, đứng đầu nhà máy về chỉ tiêu kế hoạch sản lượng. Bộ phận KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) sau đó cũng công bố, các đơn vị đạt chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, phân xưởng Cơ khí Động lực cũng lại dẫn đầu. Kiên tổ chức liên hoan tại chỗ. Chả biết làm thế nào, mà anh cho vần về một bom bia hơi không phải mua kèm lạc luộc. Anh em được bữa tưng bừng.

Mặt người nào người ấy bừng bừng như gà chọi. Họ chạm cốc với anh, chúc mừng và hoan hô. Chả biết trong nội dung hai chữ hoan hô ấy bao hàm ý nghĩa gì.

Cả ba công nhân đảng viên đã va chạm với anh nửa năm trước, cũng chức mừng như mọi người. Thái độ họ sau lần đó, cũng có vẻ bình thường. Có vẻ thôi! Bụng dạ họ thế nào, ai mà biết được? Nhưng hôm nay, nhìn vào mắt họ, anh thấy họ vui thật sự. Còn chuyện kia? Đấy mới là lo lắng. Biết làm thế nào? Được thì được, mà không thì cũng chả sao. Thua keo này, bày keo khác. Cần quái gì? Bụng bảo dạ thế, Chí Phèo thế, AQ thế, nhưng trong thâm tâm anh vẫn mong manh hy vọng.

Người ta có quyền quyết định số phận của mình, người ta lại va chạm với mình. Người ta được quyền nói về mình khi không có mặt mình. Có những người gặp mình, vỗ vai mình, yên chí, tớ ủng hộ. Vậy mà khi bỏ phiếu, chính họ lại cho mình rớt mới kinh. "Lòng người quanh mãi nước non quanh", cụ Nguyễn Trãi xưa đã nhận ra điều ấy. Sợ thế đấy!".

Sau vụ việc hồi giữa năm, không thấy bị gọi lên, Kiên càng nơm nớp, phấp phỏng không yên. Mặc kệ, việc mình, mình cứ cố gắng làm tốt. Người ta đánh giá người bằng công việc, chứ ai đánh giá bằng thái độ.

Mà thái độ của mình, có gì vô lễ đâu nhỉ? Có gì xấc xược đâu nhỉ? Chỉ biết một đều, từ đó không thấy họp chi bộ trong giờ sản xuất nữa. Điều đó, có vẻ chứng tỏ là mình đúng. Nhưng mọi người sẽ oán mình. Lẽ ra xong ca thì được về, thì lại phải họp. Dù là họp Đảng thì cũng cứ phải ở lại, phải mất thì giờ.

Chiều thứ bảy họp chi bộ xét kết nạp Kiên.

Sáng thứ hai, Kiên đón bí thư chi bộ, hỏi bằng cái giọng nghi ngại:

- Việc của em hỏng rồi phải không anh?

- Ai bảo mày thế?

- Thế thì thế nào hả anh?

- Chi bộ nhất trí kết nạp mày rồi!

- Thế là xong à? Xong thật hả anh? Anh nói thật đi chứ?

- Xong thật chứ xong vờ à? Tao mà lại đùa chú mày chuyện này à?

- Thế đảng viên ở phân xưởng em cũng đồng ý à?

- Sao mà mày ngố thế, chỉ thông minh ở đâu ấy thôi. Mấy tay ấy không đồng ý thì làm sao mày được cả 100% phiếu?

Chiều nay Lê Đại xuống đại đội 3, tìm hiểu một việc gây tai tiếng, trước đó một tuần.

Ngồi trong nhà Ban chỉ huy đại đội, nghe chính trị viên báo cáo, anh lơ đãng nhìn qua cánh cửa sổ mở rộng. Ngoài kia là ruộng khoai lang. Trên con đường làng, lơ thơ hàng phi lao chắn cát. Trung đoàn vừa được xem văn công sư đoàn về biểu diễn. Do không có điều kiện tập trung, nên đoàn văn công phải xé lẻ thành từng tốp nhỏ gồm đủ cả nhạc, múa, hát về các đại đội biểu diễn phục vụ tại chỗ. Anh chị em được sắp xếp ở trong hai phòng do Ban chỉ huy đại đội nhường lại. Mới biểu diễn được một tối, thì sáng thứ hai xẩy ra một việc. Quần áo trong của chị em phụ nữ giặt phơi ngoài sân sau, sáng ra biến đâu hết. Đại đội lập tức phát lệnh khám tất cả ba lô lần lượt từng tiểu đội, sau khi đã cấm trại. Không thấy gì. Lục lọi, tìm mọi ngóc ngách nhà cửa, xó xỉnh, nhà lắm, nhà vệ sinh, nhà bếp, khu chăn nuôi. Chẳng thấy tăm hơi đâu. Muốn ra sân, sau nhà Ban chỉ huy, phải qua trạm gác ngay cạnh cổng. Vệ binh lúc nào chả trực. Tìm mãi mới phát hiện ra một vết bò từ ngoài đường, qua hàng rào thưa vào sân sau nhà Ban chỉ huy.

Không nhẽ việc xấu hổ này mà phải nhờ đến trinh sát hình sự sư đoàn thì ôi nêu quá. Cũng đã cho kiểm điểm, phát động tư tưởng, tự phê bình và phê bình, nếu ai chót dại làm việc này thi tự giác đem trả lại. Việc đó sẽ coi là tình tiết giảm nhẹ tội, kỷ luật sẽ ở mức nhẹ nhất. Nếu không nhận, trên mà điều chó nghiệp vụ về thì có mà giấu đằng giời. Tước quân tịch là cái chắc. Đưa ra toà án binh truy tố về tội trộm cắp tài sản công dân là cái chắc. Vẫn chả ăn thua gì.

- Thế các đồng chí có nghi ngờ ai không? Không làm phép loại trừ được à? Thử khoanh vùng xem, rồi gọi lên làm công tác tư tưởng riêng. - Đại gợi ý.

- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi cũng nghi cho một chiến sĩ. Gọi lên hỏi thì hắn tỉnh khô: "Thủ trưởng nghi cho tôi phải không? Tôi lấy làm gì cơ chứ! Có ăn được đâu! Tôi chỉ thích cái gì ăn được thôi. Mỳ ăn liền càng tốt".

Anh lơ đãng nghe. Đầu óc nghĩ theo một hướng khác. Vì sao có việc này! Nó là biểu hiện của cái gì? Tìm ra nguyên nhân mới là điều cần thiết.

Chiến tranh hết rồi. Những người lính nghĩa vụ, khác nhiều lắm, so với người linh chiến trước kia. Trong đầu óc họ, có một góc rất lớn chuyện ngày mai khi ra quân, chuyện gia đình, chuyện yêu đương, chuyện trai gái. Anh nhìn ra ngoài. Con đường mòn ngoài bờ rào doanh trại, thỉnh thoảng mới có người đi qua. Kìa, có một lốp con gái đi làm đồng về. Sao dáng đi của họ lạ thế nhỉ. Những người khác một mình đi qua không có kiểu đi như thế. Đằng này, họ cứ díu vào nhau, như để tránh gió bão từ phía doanh trại, tạt vào mình. Mấy cô đi ngoài cùng phía doanh trại trông mới kỳ cục chứ? Đi cứ như cua bò ấy, tức là đi ngang, mặt và người đều hướng ra phía biển. Hai tay thả xuống che đằng trước, phía dưới bụng.

Đại gọi hai cán bộ đại đội:

- Các cậu trông kìa. Sao con gái ở đây lại có kiểu đi kỳ quặc thế kia hả?

- Vâng, lạ thật, thủ trưởng nói bọn tôi mới để ý.

Cả mấy con mắt đều dõi theo đám con gái làng đi xa dần. Hai cán bộ đại đội đã quay vào. Tiểu đoàn trưởng gọi giật giọng:

- Này, ra đây mà xem. Họ lại đi như mọi người kìa!

Đại quyết định phải tìm hiểu xem, thế là cái gì? Kiểu đi kỳ quặc như thế khi qua khu vực doanh trại là vì sao? Nó có liên quan gì đến đám lính của mình không? Anh mơ hồ cảm thấy có gì đó dính dáng đến việc kia. Có vẻ như có dính dáng đến phụ nữ đàn bà, con gái thì phải.

Cơm xong, anh đánh bộ thường phục mượn của đội trưởng, lững thững vào làng. Bà cụ ở ngay đầu xóm, thấy có khách vào chơi thì vồn vã rót nước vối ra mời. Cụ goá chồng, có một anh con trai đi làm thợ xây xa, thỉnh thoảng mới tạt về đưa cho mẹ ít tiền. Cô con gái mới tốt nghiệp cấp hai.

- Nhà ta ở đầu xóm, các anh bộ đội có hay ghé vào thăm gia đình không mẹ?

- Có đấy, khi thì xin nước uống, khi thì ngồi chơi nói chuyện tào lao với con gái tôi. Có lần còn hát hò rôm rả lắm!

- Thế có bao giờ các anh ấy mang cả súng ống, máy móc vào nhà ta không hả mẹ?

- Có có một lần, họ ngồi chật cả nhà, con bé nhà tôi cũng có nhà mà!

Đúng ra là, chỉ khi nào cô gái có nhà thì cánh lính trẻ mới ghé vào. Còn làm sao họ biết cô ta có nhà thì không biết.

- Hôm ấy, nó thấy một anh ghé mắt vào cái máy gì to to, nằng nặng, cầm bằng cả hai tay. Thế nó là cái máy gì hả anh?

Á à! Đại đã hình dung chuyện gì diễn ra quanh cái máy ấy.

Thì đại thể câu chuyện diễn ra thế này: Cô gái đòi các anh bộ đội cho xem cái máy, thì một anh nghiêm giọng bảo:

- Em chớ có tò mò thế. Đây là vũ khí quân sự để phát hiện máy bay, tầu chiến từ xa, để còn biết tầu nó to bé thế nào, loại tầu gì, trang bị những vũ khí, khí tài gì. Dù có nguy trang hay che bằng vải bạt, thì cái máy này vẫn phát hiện ra. Có thế mới giúp bọn anh chuẩn bị các phần tử bắn cho pháo bờ biển ta nã vào chúng được chứ…

Cô gái tròn xoe mắt, kinh ngạc hỏi lại cho chắc chắn:

- Anh bảo, vũ khí che bằng vải bạt vẫn bị các anh nhìn thấy?

- Chứ sao? Không cái gì che mắt được bọn anh, nhờ vũ khí bí mật này. Liên Xô trang bị cho ta đấy. Tối tân nhất thế giới đấy. Đến Mỹ cũng xách dép chạy tụt quần. Cả nước chỉ có ba cái thôi. Đại tướng Tổng tư lệnh giữ một cái. Trong nam một cái, ngoài bắc một cái, là cái này. Chỉ cần lắp mấy cục pin đặc biệt vào bộ phận đặc biệt, gọi là mắt thần, cho nó hoạt động là nhìn thấy tất, đố có giấu được… Em biết không, thỉnh thoảng rình hôm thủ trưởng đi vắng, trong doanh trại tia ra, ai đi qua, bọn anh đều nhìn thấy hết. Đủ mọi thứ nhé. Rõ mồn một! Hí, hí, hí…

Mặt cô gái thoắt đỏ bừng, khắp người như kiến đốt.

Từ đó, tất cả các cô gái xã này, có việc đi ngang qua khu vực doanh trại đều có dáng đi con cua như thế. Theo phản xa, tay các cô còn thả xuống che che, đậy đậy. Thế cũng chưa yên tâm. Các cô còn đi thật nhanh. Cô nào cũng chen đi mé biển, đùn người khác đi mé doanh trại. Nhưng càng đi nhanh lại càng sợ ríu cả chân lại. Cả bọn cứ rúm ró vào nhau. Một cô vấp ngã, thế là cả bọn dúi dụi vào nhau ngã theo. Cánh lính trẻ nhìn dáng đi cảnh giác của các cô, cười bò ra. Lúc thấy các cô ngã, lại được mẻ cười nôn ruột.

Tìm được câu trả lời, Lê Đại bàn với Ban chỉ huy đại đội 3, lên kế hoạch, quán triệt đến các chỉ huy trung đội. Nửa tháng sau, anh xuống dự lễ kết nghĩa giữa Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đại đội và xã Đoàn.

Sau phần nghi thức, lễ lạt, phát biểu động viên của bí thư Đảng uỷ xã và đại đội trưởng là phát biểu cam kết đoàn kết giúp đỡ nhau của hai bí thư Đoàn hai bên.

Rôm rả nhất dĩ nhiên là phần liên hoan văn nghệ. Cá gặp nước thì cá tung tăng, cánh lính trẻ gặp các cô gái nông thôn thì không chỉ tung tăng mà còn túng tắng, tùng tằng. Không chỉ cầm tay mà còn vuốt mái tóc thề.

Anh lính quản ca đại đội còn dám, làm như vô tình, kề đùi ngả nghiêng để tranh thủ áp má vào mái lóc gội lá xả từ chiều của cô gái xinh nhất hội. Và theo tiết lộ của anh ta thì, còn được tặng chiếc khăn tay, thêu còn vụng về nhưng sực nức mùi con gái, tha hồ mà hít hà!

Theo chương trình hoạt động đã được hai bên nhất trí thông qua, hai bên sẽ ra quân, làm một con đường thẳng từ doanh trại nối với con đường trục của xã, đặt tên là đường Cá Nước. Xã sẽ nhường cho bộ đội mấy sào đất trồng rau, cải thiện bữa ăn.

Nửa tháng một lần bên bộ đội sẽ cử người vào dạy hát cho đội văn nghệ xã Đoàn. Một lớp bổ túc văn hoá cho người lớn, do thanh niên bộ đội dạy sẽ được mở. Mọi cuộc vui ve của bên này, đều mời bên kia tham gia, với tư cách là đơn vị kết nghĩa.

Bây giờ, mỗi lần đi ngang qua doanh trại, các cô còn chỉ chỏ vào bãi bóng chuyền, gọi tên anh này, anh nọ. Còn anh quản ca, mỗi lần vác cây ghi ta vào làng dạy hát thì vui như tết. Mặt mày hớn hở vô cùng. Lần nào về cũng khoe với bạn bè hôm nay đã "thám hiểm được vùng trời" cô nào, cô nào. Bọn bạn hỏi anh đi cùng (bao giờ cũng phải ít nhất hai người đi) thì anh ta bảo: "Của đáng tội, cũng có xơ múi được chút ít. Nhưng nói chung phải trừ hao 50%).

Vợ Lê Đại là một người phụ nữ đẹp, có cái lên đẹp - Thuỵ Miên. Một người phụ nữ đẹp như thế, mà chồng lại là quân nhân, không mấy khi được ở gần vợ. Khuôn mặt Thuỵ Miên, thoáng gặp, thấy có cái nét kiêu sa, bí hiểm của "người đàn bà xa lạ" trong bức danh hoạ nổi tiếng của Nga. Nhưng khi trò chuyện mới biết đấy là một người cởi mở, hồn nhiên như trẻ thơ, khiến ai cũng thích trò chuyện. Không hiểu bằng cách gì, mà có con rồi chị vẫn giữ được tấm thân thon thả với những đường cong tuyệt mỹ. Những khi chồng về, Thuỵ Miên chăm sóc chồng đến mức, trở lại đơn vị, thế nào Lê Đại cũng đem khoe với các cộng sự trong Ban chỉ huy, làm ai cũng phải tấm tắc ghen tị.

- Các cậu có tin không, vợ tớ vẫn kỳ lưng cho tớ mỗi khi tớ tắm đấy.

- Phét! Phét lác 100%!

Đại không thèm để ý đến thái độ của bạn, vẫn hào hứng say sưa kể:

- Không hiểu sao, mỗi khi về nhà, tớ lại phát ra cái bệnh ngứa mới kỳ. Ở đây có bị thế đâu? Đi công tác có bị thế đâu? Nghĩ cũng buồn cười. Vợ thì thèm lắm rồi, mà chồng thì cứ bắt gãi cái đã. "Sang trái một tí, chưa trúng, dịch lên một tí, sang phải tí nữa. Trúng rồi, hoan hô!" Cứ như hiệu chỉnh cho pháo ta nã vào tầu giặc ấy.

"Gãi nữa đi em, gãi khoẻ vào, cào chảy máu ra cũng được. Thích quá! Sướng quá! Rộng ra tí nữa. Được đấy. Thôi, em gãi cả lưng đi, cứ mười móng tay mà cào, như nhà quê đi bừa ấy, đi chang thóc phơi trên sân gạch ấy. Thế, thế, sướng đi là sướng, thích ơi là thích".

Khổ thế, tớ cứ phải xong cái màn gãi mới sang cái màn kia. Mà cái màn kia của tớ thì, cũng như phương châm đánh nhanh thắng nhanh truyền thống của quân đội ta. Đúng không các cậu?

Hôm nay là chủ nhật, Cường đánh quần bò, áo phông, giày Adidas trắng đi dự sinh nhật bạn. Những cuộc sinh nhật bao giờ cũng thú vị, ăn uống vui vẻ đã đành. Khoái nhất là được ngắm, được làm quen các em.

Các em từng dạn dầy trong những cuộc vui chơi nhảy múa cũng khoái. Mà vớ được em nào rụt rè, bẽn lẽn lần đầu đến chỗ đông người, lại có cuộc nhảy nữa, thì càng khoái Cái không khí vui vẻ, cởi mở, với những lời lẽ chúc tụng có cánh, khen nhau không tiếc lời, rất phù hợp với việc làm quen. Anh ta đã từng làm quen được với mấy cô trong những cuộc sinh nhật như thế. Vì vậy đi dự sinh nhật đối với chàng thanh niên năm thứ tư đại học ngoại ngữ khoa Anh này là một thích thú đặc biệt.

Bao giờ hắn ta cũng đi một mình. Có thế vào vai chưa cùng ai mới dễ đạt.

Nhưng… muộn mẹ nó rồi. Bà mẹ rách việc quá. Người ta sắp đi còn sai vặt. Con trai chúa ghét các bà mẹ sai vặt. Mà mẹ Cường lại hay sai vặt. Đẻ con gái cứ thì tha hồ mà sai vặt nhớ…

- Thế là muộn mẹ nó giờ hẹn mất rồi!

Còn mười mười lăm mét nữa. Đã thấy tín hiệu đèn vàng. Vẫn kịp. Trong nháy mắt, Cường quyết định tăng ga chiếc @ nhằm quãng trống hẹp giữa một chiếc xe đạp và một chiếc xe máy đỗ trước vạch sơn, vọt lên, rồi quặt tay lái, làm một vòng cua hẹp rẽ phải. Anh cảnh sát trẻ đứng ở góc đường nhảy nhoài người ra giữa đường. Chiếc gậy điều khiển giao thông như một đường kiếm lao ra, chắn hắn lại. Cường vội đổ cả người sang trái, tay lái ngoặt theo, rồi lập tức trở lại vị trí thăng bằng. Chị phụ nữ đang nhấn ga sang đường, khi thấy tín hiệu đèn xanh, không kịp tránh cú lạng xe của hắn, chi kịp theo phẫn xạ nghiêng người như tránh đòn. Cả xe và người đổ kềnh.

Vô phúc cho Cường, một chiếc xe tải nhỏ, lù lù ngay trước mặt. Tài thánh cũng không thể nào kịp làm một cú đảo người nữa. Vậy mà hắn cũng kịp phanh chết cả bánh sau, bánh trước. Chiếc xe chết cứng lại, đổ sang trái bắn hắn qua tay lái, rơi xuống như một bị thịt. Vậy mà chẳng hề hấn gì. Anh cảnh sát trẻ, chỉ mấy bước đã đến bên chiếc a còng, nhanh tay rút chìa khoá xe bỏ túi quần, chạy lại chỗ chị phụ nữ ngã, đỡ chị dậy, đưa lên hè. Chiếc xe cũng đã được một người khác dựng dậy, dắt lên hè. Một lát sau, chị sờ nắn khắp người, thấy không bị thương tích gì, chị cảm ơn mọi người, nhìn về phía hắn đang nói gì với anh cảnh sát trẻ, buông một câu" "Đi như giặc ấy" rồi đi.

Cường đành phải dắt xe theo anh cảnh sát về công an phường. Thấy bị lập biên bản, hắn cố lấy giọng cầu thân:

- Anh bạn cảnh sát đẹp trai ơi. Hãy nhìn số xe của tôi, xem có nên làm thế không đã. Giữ xe thì dễ nhưng trả thì khó đấy!

Anh cảnh sát biết mình đẹp trai, nhưng không thích cái gã vi phạm luật giao thông, nịnh ra mặt như thế. Mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm nên không biết số xe của gã này có gì đặc biệt mà hắn mang ra doạ mình thế nhỉ?

- Tôi đang làm nhiệm vụ và không phải là bạn của anh, yêu cầu anh xuất trình giấy tờ xe và giấy tờ tuỳ thân!

- Tôi không mang theo. Thì anh cứ ra xem, rồi ghi số xe của tôi lại cũng không muộn cơ mà. Sợ tự mình đọc anh không tin.

Tò mò, anh cảnh sát đứng dậy. Ừ thì có những số xe đẹp, nào là cả dãy bốn số 5555, hay 6666, nhất là 9999. Hoặc là các số tăng dần lên mà cộng lại là 9.

Không, bây giờ người ta chơi khác cơ, chơi tích số, với ngụ ý, tài sản, lãi lời, sự may mắn sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Trò chơi cấp số nhân thì không số nào đẹp bằng số này, to bằng số này. Lần đầu tiên anh đọc thấy nó trên một biển số xe: 9981. Cũng ghê. Phải công nhận là ghê! Phải thần thế lắm, phải quen biết thế nào, phải mất bao nhiêu tiền mới có tấm biển này. Nhưng chả liên quan gì đến ta. Nó chỉ để khoe mẽ với đám bạn bè, với bọn con gái thôi, chả giúp gì mày lúc này đâu.

Anh cảnh sát trẻ trở lại bàn làm việc, bấm bút bi, bắt đầu lập biên bản.

- Anh cho biết họ tên?

Hắn làm bộ ngạc nhiên:

- Định lập biên bản thật à?

Đối phương trả đũa tức thì:

- Định doạ đấy à.

Phải công nhận câu phản đòn rất khá. Hắn cười tươi:

- Đây không doạ đâu!

- Thì đây cũng không đùa đâu! Vượt đèn đỏ này! Gián tiếp gây ra vụ ngã xe người khác mà bỏ chạy này! Không có giấy tờ từ thân này! Giấy sở hữu xe, giấy phép lái xe cũng không có này. Đủ lý do để giữ xe chưa?

Câu cuối cùng, anh cảnh sát trẻ vừa nói, y nhìn hắn, vừa hất hàm.

Cái gã cảnh sát mặt còn non choẹt mà cứng cựa ra phết. Hắn đổi giọng, làm bộ lịch sự.

- Xin lỗi một phút.

Nói rồi, hắn bước ra phía cửa, rút điện thoại di động ra, gọi đi đâu đó. Hai bên còn đang nhùng nhằng thì điện thoại bàn trực ban đổ chuông. Trực ban chuyển máy cho anh cảnh sát trẻ. Anh xưng tên, chức vụ, rồi nghe tiếp. Sắc mặt cứ thay đổi dần. Cau có. Nhăn nhó. Dúm dó. Sau tiếng "Báo cáo rõ", anh khẽ đặt máy xuống. Nhưng khi mở ngăn kéo lấy chiếc chìa khoá xe của hắn ta, thì anh đập "chát" nó xuống bàn, như người chơi cờ, cay cú vì mất quân sĩ, giờ chơi lại bằng nước chiếu tướng. Anh nói một câu gọn lỏn:

- Anh được mang xe về.

Cường theo dõi thái độ của anh cảnh sát trẻ, đoán ra việc hắn cần đến đã đến. Hắn bặm môi, nghiêng đầu, gật gật, bỏ qua từ "được" rất quyền uy của đối phương, nhếch mép cười đắc thắng:

- Đã bảo rồi, ông bạn có nghe đâu!

Anh cảnh sát trẻ uất quá, quát lên:

- Ta không bạn bè với lũ các người.

Hắn câng câng cái mặt, hất hàm, hỏi bằng cái giọng vừa đe doạ, vừa khiêu khích:

- Này, đồng chí cảnh sát, gọi ai là lũ các người đấy?

Mắt vằn lên, anh cảnh sát trẻ dằn lừng tiếng:

- Tôi bảo lũ các anh, trước hết là anh đấy, nghe chưa?

- Nhớ nhé, quả đất tròn đấy!

Anh cảnh sát không thèm trả lời.

Tối ấy, anh đem chuyện xảy ra kể với một đồng đội lứa đàn anh. Người kia bảo:

- Vẫn có chuyện thế đấy… mà mày cũng nên phiên phiến thôi. Mày có biết tao phải mất bao nhiêu "vé" mới được xuống đường không?

- Làm sao em biết được? Em chả mất "vé" nào nên cứ vô tư. Sợ quái gì.

- Thế mày không phải cống nạp cho ai chắc?

- Cống nạp cho ai ạ?

- Tự tìm hiểu khắc biết.

Bọn bạn thân quây lấy Cường nhao nhao:

- Đến muộn, phạt rượu đi!

Đưa mắt lượt một lượt qua đám bạn bè, hắn đã nhanh chóng phát hiện thấy một cô gái cực xinh, một gương mặt thuần phác đồng quê - Lê Cường yên chí, rồi nhún vai rất điệu:

- Tớ cố đến đúng giờ, thành ra vướng một anh cá vàng. Phải gọi điện cầu cứu ông già. Ông già điện cho sếp hắn tớ mới thoát đấy. Không thì xe bị giữ rồi.

- Thế thì mừng tai qua nạn khỏi đã, rồi phạt tiếp!

Hắn làm bộ mặt nghiêm nghị:

- Các cậu chơi không đúng luật. Nào, hãy làm màn chào hỏi đã chứ.

Chủ tiệc đứng ra, giới thiệu hắn với mọi người và mọi người với hắn. Lê Cường cầm lý rượu đi chúc khắp lượt. Đến trước mặt cô bé đồng quê cực xinh tên là Kiều Linh, đôi mắt đa tình ướt rượt của hắn, xoáy vào mắt cô Cô cũng đường hoàng nhìn thẳng vào mắt người con trai, rõ ràng là có học. Không biết Lê Cường thuổng được ở đâu những lời bay bướm, như những viên đạn có sức xuyên thủng tất cả lỗ lai con gái:

- Anh xin được nâng cốc, trước tiên là chúc sức khoẻ người mẹ đã sinh thành ra em, để lần đầu tiên trong đời, anh được biết trên hành tinh này, có một người con gái đẹp đến thế này. Và bây giờ xin chúc sức khoẻ em, bông hoa rực rỡ của hương đồng gió nội.

Hắn nói thong thả, thật diễn cảm. Mấy tiếng cuối cùng, giọng hắn chậm hẳn lại, nhả từng từ. Hắn cúi lại gần cô gái đang ngây ngất, giọng mềm như gió thoảng.

Kiều Linh rủn cả người, mặt nóng ran, lan lên hai tai, lan xuống cả cơ thể. Cô khẽ rùng mình trước đôi mắt ướt rượt đắm đuối nhìn mình, miệng chúm chím lý nhí:

- Cảm ơn những lời chúc tốt đẹp của anh. Chúc sức khoẻ!

- Rất vui được làm quen với em!

- Em cũng rất vui được làm quen với anh!

Hắn tiếp tục hót:

- Sao mẹ em lại đặt cho em một cái tên hay thế nhỉ? Có cả vẻ đẹp của nàng Kiểu, lại có cái lung linh huyền ảo nơi thánh thần linh thiêng, Kiều Linh! Kiều Linh..

Hắn rút ví, lấy ra một tờ đô la trần, tức là không có phong bì. Ai cũng nhận ra con số 100 trên mầu xanh lá mạ, đặc trưng của tiền Mỹ. Lê Cường đến trước mặt chỗ tiệc:

- Mừng bạn nhân ngày sinh thứ 21! Xin được nâng cốc!

Cũng không phải là Cường chơi trội. Đám khách mời chọn lọc này đã được lưu ý: Không tặng hoa, còn tặng gì là việc của khách. Có ai đó hô to:

- Một, hai, ba nào…

Lập tức Cường giơ tay lên. Động tác kiên quyết, dứt khoát thể hiện rõ quyền uy của mình.

Quyền uy của gã trai cao hơn tất cả đám nửa cái đầu để có thể gọi là to con, và quan trọng hơn cả là to tiền. Cả bọn sắp bật ra khỏi miệng một tiếng "dzô" rõ to, lập tức im bặt. Mọi người chờ xem hắn nói gì. Ra cái điều ta đây, hắn giảng giải:

- Chúng ta từ tốn nâng cốc, chạm cốc nhau theo đúng phong cách người Thanh Hoa thanh lịch, chứ đừng "dô, dô" - môi hắn dẩu ra khi nhại hai tiếng ấy, làm cho cô bé Kiều Linh phải mỉm cười hưởng ứng.

Hắn nhìn thấy cái mỉm cười kín đáo ấy, ngừng một tý, lại tiếp. Chỉ những kẻ phàm phu tục tử mới có lối "dô, dô" như thế.

- Thế là người ta chạm cốc nhau, chạm mà không uống, hoặc nhấp mỗi lần một chút lấy lệ. Nhưng Cường thì uống thật sự. Với những ai thích, hắn còn 100%!

Lúc nãy, với Kiều Linh, hắn cũng mới chỉ chúc sức khoẻ chứ chưa uống. Bây giờ sau một vòng chúc xã giao, hắn quay lại với cô, dịu dàng:

- Em uống với anh một ly nhé.

- Em không biết uống rượu.

- Không sao. Em cứ nhấp môi vào miệng ly thôi cũng được. Thế, thế là được rồi. Bây giờ anh sẽ uống hộ em nhé… - Hắn ngửa cốc làm một hớp hết ly Uýt-ski - Ly rượu này ngon hơn tất cả những ly rượu Uýt-ski anh đã uống, ngon hơn tất cả các ly rượu mọi người đang uống ở đây. Em có biết vì sao không? - Hắn ghé vào tai cô thì thầm - Vì anh đã đặt môi vào đúng chỗ em đã đặt môi trên miệng ly đấy.

Từ chiếu, khách đến nhà hàng "Sợi tơ trời", đã thấy thông báo: "Tối nay nhà hàng phục vụ tiệc sinh nhật, không tiếp khách. Xin được cáo lỗi".

Sợi tơ trời ở bên hồ Thần ái tình. Các bàn ăn đặt ngay bên mép hồ, cách mặt nước chỉ một tầm tay với.

Nếu không có hàng lan can, sẽ có người thả chân xuống nghịch nước ngay. Một phòng rộng, đủ chỗ cho trên dưới hai trăm khách. Tiệc đứng như tối nay thì tha hồ, nhưng chủ nhân chỉ mời chưa đến năm mươi. Hơn chục món ăn bày la liệt trên bàn. Quầy giải khát có đủ các thứ rượu, bia sang nhất đang có trên địa bàn Thanh Hoa. Ai muốn gọi gì tuỳ thích. Ở đây, tối nay, cái gì cũng tuỳ thích. Chủ tiệc là một thanh niên đang học ở trường Đại học Dân lập Đông Kinh, nghĩa là chưa đi làm. Nhưng là chủ một tài khoản ngoại tệ cá nhân tại Ngân hàng Ngoại thương. Là chủ tài khoản nhưng không bao giờ được đụng đến số tiền trong tài khoản. Bởi đấy là của một người họ hàng, quan chức cao cấp trong ngành Dầu khí. Người thanh niên này được sử dụng một phần mười số tiền lãi hằng năm, coi như thù lao cho việc đã cho mượn tên mở tài khoản. Vì thế, việc tiêu pha với anh ta thật thoải mái. Số tiền thuê bao cả nhà hàng Sợi tơ trời đêm nay bằng một tiệc liên hoan sang trọng của một cơ quan cỡ trăm người đổ lại. Chả mùi mẽ gì. Khách mời toàn những thanh niên biết ăn chơi, có tiền để ăn chơi. Còn các cô gái thì chả phải mừng gì, đó là bạn gái của các chàng, không hạn chế số bạn gái đi cùng, chỉ có một điều kiện duy nhất: Phải xinh đẹp.

Khu cà phê vườn ẩn mình dưới những tán cây hồng xiêm. Mỗi bàn con, với hai chiếc ghế chặt trong một gian lểu nhỏ, ngăn với gian bên bởi một lớp gỗ dán mỏng. Cửa là một tấm mành để trong nhìn ra được nhưng ngoài nhìn vào thì không thấy gì. Trong gian cuối cùng, thấy rúc rích tiếng cười, cả tiếng hứ hứ, hự hự. Ngoài sàn biểu diễn, tiếng nhạc xập xình.

Mấy đôi thích nhảy quay cuồng với những động tác giật cục trong tư thế ưỡn người, hai tay thu lại cũng giật theo nhịp toàn thân. Lê Cường nhảy một mình, cốt phô diễn những động tác hình thể được luyện tập công phu, chả kém gì ca sĩ nhạc sến thời thượng Ngọc Sơn. Không nhìn, anh ta cũng biết Kiều Linh đang chăm chú dõi theo từng cú nhảy điệu nghệ kiểu M. Giắc-sơn của mình, nhất là lúc hắn đưa hai tay lên cao, nhịp với toàn thân. Cả cây người như những đợt sóng uốn lượn không cùng. Mấy đôi khác nhảy disco.

Nhưng tất cả mọi người quanh sàn nhảy đều chú mục vào hắn - tâm điểm của cuộc chơi.

Đủ rồi! Với ba bước nhảy cuối cùng, Cường đã đứng trước mặt Kiều Linh. Ngực phập phồng trong lần áo phông trắng toát. Lưng áo hình một đôi trai gái gắn môi vào nhau. Mặt lấm tấm mồ hôi, đôi mắt đa tình đầy phấn khích, hắn cầm tay cô, làm điều bộ nghiêng đầu:

- Em nhảy với anh một bài nào!

Cô gái bẽn lẽn cúi đầu:

- Em không biết nhảy.

- Thì anh dạy. Vô cùng đơn giản, chỉ cần em giữ đúng nhịp là được rồi.

- Thôi để khi khác ai lại tập nhảy bây giờ, người ta cười cho.

- Cũng được. Thế thì… anh em mình vào hát karaoke đi!

- Em không biết hát.

- Thì nghe hát vậy. Biết nghe người khác hát cũng là một nghệ thuật đấy. Em nghe hát chầu văn rồi chứ? Cái ông cầm trống chầu, chỉ ngồi nghe thôi, nhưng không phải ai cũng gõ điểm vào đúng lúc cần điểm, một tiếng "cắc" hay "tùng" đâu nhé.

Cô gái im lặng. Coi như đã bằng lòng. Cường nắm tay cô dắt đi.

- Ta đi em!

Trong phòng đã có hai đôi. Họ chào nhau, làm quen. Một tay đang hát: "Con gái nói một là hai…". Lát sau, cô gái của một đôi khác hát: "Khi em xa anh, sóng thôi không vỗ bờ. Khi em xa anh, đá bơ vơ…"

Cường quàng tay ôm eo lưng cô gái, kéo sát vào mình:

- Em chọn bài đi, thích nghe bài gì? Anh sẽ hát tặng em bài ấy.

Nhỡ bài em thích, mà anh không thuộc thì sao?

Cường ưỡn ngực, vẻ anh hùng:

- Em thích bài nào thì anh thuộc bài ấy. Không tin em cứ thử xem?

Cô gái dò tìm một tí rồi chỉ vào một dòng, không hiểu có ý tú gì mà Cường đọc thấy: Người dàn bà đáng yêu. Bài hát rất hay, nhưng khó hát. Cường cũng có đôi lần được nghe cái giọng da diết ngân đến kiệt sức tàn hơi của người đàn bà đang say đắm với mối tình muộn mằn của mình. Hắn ta không thể hát được, nhưng đã khôn ngoan tìm cách chống chế.

- Anh sẽ hát cho em nghe bài này vào một dịp khác. Còn bây giờ… anh muốn hát tặng em bài hát của lòng mình: "Người con trai đang yêu", em có biết không?

Cô gái hiểu điều Cường nói. Hắn ta lại quàng lấy eo cô, áp chặt vào mình. Lúc ấy một trong hai đôi đứng dậy, líu ríu dìu nhau, mở cửa căn phòng bên nách phòng karaokê. Hắn thừa biết căn phòng ấy dùng vào việc gì. Hai người ấy vào đấy làm gì. Trong ấy, chỉ có bộ sa lông và một chiếc bàn nước, gọi là phòng chở hát, dành cho những đôi nào cần tâm sự, trò chuyện trong khi đợi đến lượt mình hát. Nhưng chả có ai vào đấy chờ hát cả. Cũng chả cần giường chiếu. Một bộ sa lông là quá đủ. Trí tưởng tượng của Cường hình dung ra tất cả. Lập tức người hắn bừng lên một nỗi thèm khát dữ dội. Hai tay ôm hai bên đầu cô gái, xoay mặt cô lại phía mình. Đôi môi dầy, tham lam ấp lên miệng cô gái, hớp lấy hớp để. Được đằng đầu, lập tức lân xuống đằng chân. Hai tay lần xuống ngực cô gái, xoa xoa nắn nắn một chập. Như khó chịu vì vướng vít lần vải áo mười ngón tay hắn luồn xuống vạt áo lần lên.

Cô gái nhủn người, nắm lấy tay hắn, không nhìn vào mắt Cường, giọng run rẩy: "Không phải bây giờ, không phải ở đây". Ngừng một lát cô nói thêm: "Thôi đi anh, hai bạn kia cười đấy".

Con thú ham xé mồi quay lại, nhìn đôi kia. Hắn cười khùng khục trong cổ họng. Tiếng con gà trống vừa kêu vừa xoè xoè đạp cánh quanh gà mái cũng giống thế. Mặt nở như bỏng ngô, Cường bảo:

- Em thử nhìn xem, họ đang làm gì?

Kiều Linh quay lại, cũng bưng miệng cười theo. Cô gái ấy vẫn cầm micrô hát. Lời hát giãi bầy, mời mọc: Tình em, đoá hoa hồng lặng lẽ thơ ngây, bên thềm Tình em như khúc sóng quê nhà khao khát, con thuyền trôi. anh em như gió gào, tình em như sóng xô". Chả thế mà gã trai, như đứa trẻ đói sữa, cứ vục đầu vào ngực cô gái. Giọng cô run run, có lúc méo đi vì không làm chủ được mình. Chả sao, miễn là có tiếng hát là được rồi.

Giao ban đầu tuần cơ quan Thuỵ Miên.

Giám đốc hất hàm về phía trưởng phòng Tổ chức Đào tạo:

- Đồng chí báo cáo xem vấn đề nhân sự phòng Nghiệp vụ đến đâu rồi? Bao giờ thì dứt điểm, hay để đến Tết?

Người bị hỏi đưa mắt về phía một người đang cắm cúi vào cuốn sách trước mặt, thận trọng lựa lời:

- Báo cáo giám đốc. Đồng chí trưởng phòng Nghiệp vụ vẫn không đồng ý với đề xuất của chúng tôi…

Cái thằng! Mình đã phải nói với nó đến ba lần mà nó vẫn ương ngạnh. Phải nghĩ cách trị thằng này mới được!". Giám đốc nghĩ vậy, nhưng không đả động gì đến trưởng phòng Nghiệp vụ. Thậm chí cũng không nhìn người này. Các trưởng phòng, thấy không phải là việc của mình, nên mặc kệ, chả việc gì phải bận tâm. Ai có việc riêng gì thì làm. Không thì ngồi chờ xem sự thể ra sao. Màn diễn nhân sự của phòng Tổ chức bao giở cũng là tiểu phẩm hay. Bởi, không gì vô tổ chức bằng công tác tổ chức ở cơ quan này.

Tự dưng, Nguyễn Việt, trưởng phòng Nghiệp vụ nói trống không, chả ra nói với ai:

- Đồng ý rồi đấy thôi!

Trưởng phòng Tổ chức mừng ra mặt, vội săn đón:

- Thế à? Tôi chưa nắm được thông tin này.

Việt thủng thẳng:

- Mới đồng ý tối qua thì làm sao đồng chí biết được!

… Tối qua, anh ta đến nhà thủ trưởng tương lai. Yên trí rằng, giám đốc đã hạ cố nói lần thứ ba này, trưởng phòng Tổ chức đã làm việc mấy lần này. Và, cái này, hôm nay…

- Anh thương em, vợ chồng em mang ơn anh suốt đời… Anh đang chuẩn bị làm nhà. Hoàn cảnh anh thế nào, cả cơ quan đều biết… Anh để em lo giúp anh toàn bộ phần mộc của công trình. Tất cả khuôn cửa, sàn nhà, cửa sổ, cửa ra vào, lan can cầu thang đều là gỗ lim. Riêng sàn nhà và bậc cầu thang cả ba tầng là gỗ thông Lào… - luồn tay vào túi áo trong, lấy ra một chiếc phong bì, người này dè dặt đặt trước mặt chủ nhà - anh cầm tạm chỗ này.

Nhìn chủ nhà mặt mũi tươi tỉnh, khách thấy yên tâm. Thời buổi này, có mấy người không biết đếm tiền.

Nào có giấy tờ biên nhận, ký tá gì đâu mà lo. Chủ nhà cắm chiếc phong bì lên hỏi:

- Cậu uống nước đi. Bao nhiêu đây?

Hỏi thế là cắn câu rồi. Cầm thế là nuốt đến nơi rồi. Khách hớn hở:

- Dạ thưa anh, mười ngàn đô ạ. Cứ hết bao nhiêu em lo bấy nhiêu. Anh không phải suy nghĩ gì cả. Em có nguồn gỗ rồi. Đảm bảo gỗ nội thất ngôi nhà anh sẽ nhất cơ quan ta.

- Được rồi! Nếu cậu chấp nhận điều kiện này của tôi thì tôi nhận số tiền này cả số gỗ cậu lo cho tôi…

Khách lo ngại nhìn chủ nhà, chờ đợi…

Việt phát biểu tiếp, bằng việc kể lại câu chuyện với cuộc họp giao ban.

- Tối qua, đồng chí ấy đến nhà tôi… - Ngừng một lát mọi người nhìn anh, chờ đợi. Màn kịch nhân sự đã vào chỗ thắt nút đây. Người này nói tiếp… - Vâng, tối qua đồng chí ấy đến nhà tôi, với một chiếc… phong bì!

Cả phòng họp lặng đi như báo hiệu một cơn giông sắp ập xuống. Tất cả mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía người nói - tất nhiên, trừ bốn mắt của giám đốc và trưởng phòng Tổ chức. Hai người này ra vẻ không quan tâm, cứ nhìn thẳng. Thuỵ Miên cũng nhìn chằm chằm vào miệng Việt: đôi môi đàn ông đầy đặn, đường nét rõ ràng. Anh không nhìn ai, mà nhìn vượt qua đầu hàng người đối diện, qua khoảng trống giữa bàn quây. Ở đấy có đặt hai chậu hoa lan Ý. Hình như anh ta chỉ quan tâm đến một vật, chả ai nhìn làm gì: chiếc kim giây đồng treo lường, không nhảy nhót như những chiếc khác để khoe sự có mặt của mình, mà cứ lừ lừ xuyên thủng thời gian.

- Theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí giám đốc, và ý kiến tư vấn của đồng chí trưởng phòng Tổ chức, tôi đã đồng ý nhận đồng chí ấy. Và vì chiếc phòng bì đã đặt trước mặt tôi, coi như là tạm ứng, với lời hứa sẽ lo toàn bộ gỗ nội thất trong nhà tôi bằng lim và thông Lào, nên tôi muốn biết là phần mình sẽ được bao nhiêu. Vì lúc ấy không thể tự mình đếm, nên lôi mới hỏi như thế. Và được trả lời là… Thế còn điều kiện để tôi nhận, thì còn hơn cả yêu cầu của đồng chí giám đốc đồng chí trưởng phòng Tổ chức và anh ấy - Điểu kiện ấy thế nào?

Thuỵ Miên không nén được tò mò, sốt ruột lên tiếng.

Không phải chỉ Thuỵ Miên, mà tất cả mọi người, kể cả giám đốc và trưởng phòng Tổ chức đều nóng lòng biết câu chuyện sẽ kết cục thế nào. Những người tinh ý một tí, đều đoán được hướng phát triển của câu chuyện.

Đã nói đến một việc lẽ ra phải giấu kín… Nhất là câu: "Phần mình dược bao nhiêu" thế nghĩa là… Người khác cũng có phần chứ. Phần ra phần ấy chứ. Người khác là ai thi mọi người cũng biết cả rồi. Nhưng Việt vẫn thủng thẳng, như chọc tức tính kiên nhẫn của cuộc họp.

- Vâng điều kiện của tôi là… là… anh ấy phải làm trưởng phòng! Chứ không phải phó trưởng phòng như Tổ chức điều.

Cả phòng họp nhốn nháo. Lại chính Thuỵ Miên láu táu:

- Thế anh làm gì?

Việt quay lại, nhìn người hỏi, đáp lại câu hỏi ấy bằng một câu hỏi khác, giọng điều hết sức trìu mến:

- Sao cô lại hỏi thế? Một phòng làm sao lại có hai trưởng phòng được?

- Thế thì? - Thuỵ Miên thật sự thích thú, nhưng vẫn không hiểu thế là thế nào.

- Vâng, vì vậy tôi xin… xuống làm phó trưởng phòng.

Cả phòng họp lúc này mới à lên láo nháo nói, cười. Thắc mắc. Khó chịu. Thích thú. Giám đốc và trưởng phòng Tổ chức, tất nhiên là những người vừa thắc mắc, vừa khó chịu, vì, chưa hiểu rõ cha này sẽ đấy câu chuyện đến đâu, nhưng chắc chắn hắn không có thiện ý gì với mình, hắn chỉ làm cho mình bẽ mặt.

Không biết phải làm gì, giám đốc đành ngồi im chịu trận trong khi các trưởng phòng khác thỉnh thoảng lại đưa mắt về phía ông ta theo dõi. Việt vẫn bình thản như không có chuyện gì với mình. Anh vẫn nhìn chiếc kim giây kiên nhẫn, lừ lừ xuyên thời gian. Để cho tiếng cười hơi dịu đi, anh mới giải đáp. Quay lại nhìn Thuỵ Miên, như nói cho riêng cô:

- Thưa các đồng chí, là bởi vì thế này… Làm trưởng phòng, anh ấy sai tôi việc gì, tôi còn làm được, chứ làm phó trưởng phòng, tôi giao việc thì anh ấy làm thế nào? Các đồng chí đều biết, các cán bộ phòng tôi đều biết, và bản thân anh ấy cũng biết, năng lực chuyên môn của anh ấy không bằng bất cứ cán bộ nào trong phòng chúng tôi. Phải thế không ạ?

Cả phòng cười nói thoải mái như giữa rạp hát, khán giả được xem một tình huống kịch tính. Dĩ nhiên Thuỵ Miên cười nói to hơn cả. Hình như chị còn miệng hoan hô, tay vỗ nữa kia. Chỉ có hai người kia là tức tối ra mặt. Và căm. "Thằng đểu, nó chơi mình vố này mới đau đây". Cú quá, hoá liều, trưởng phòng Tổ chức, giọng rất tổ chức, hỏi một câu chắc lép đúng kiểu con nhà tổ chức:

- Đồng chí nói thật đấy chứ?

Việt không thèm nhìn người hỏi, như người lớn trả lời một đứa trẻ nhỏ:

- Nếu đồng chí thích, ngay bây giờ tôi viết thành văn bản!

Trung đoàn lệnh cho tiểu đoàn Lê Đại tổ chức tất cả cán bộ từ tiểu đội trưởng trở lên đi tập huấn kỹ thuật ở trưng tâm N, cách địa điểm đóng quân gần ba trăm cây số. Chỉ để ở nhà một cán bộ cấp phó.

Đại cho mời tất cả cán bộ đại đội phụ trách hậu cần lên họp. Anh hỏi xem có ai quê ở nơi sẽ đến không? Có ai biết những thông tin kinh tế gì ở vùng đó không? Giá cả lương thực, thực phẩm ở đó. Đấy có gì hay mà đây không có? Ở vùng ta đây, có thứ gì rẻ mà nơi đến không có. Các cán bộ đại đội thi nhau trổ tài nắm bắt giá cả thị trường của mình. Đại liên hệ với cán hậu cần trong ấy. Khi biết ý định của Đại, anh hoan hô rối rít.

- Hay quá, tớ đang bí chuyện thực phẩm cho đợt tập huấn này. Hơn ba trăm con người chứ ít đâu. Cậu chở vào được thì hay quá!

Hai người có quen biết nhau. Vả lại đây là chuyện kinh tế. Anh nói ngay, mếch lòng trước thì sẽ được lòng sau:

- Nhưng mà, thủ trưởng phải thanh toán theo giá thị trường trong ấy đấy!

- Tưởng cậu chỉ lấy giá ngoài ấy, cộng với một ít công vận chuyển và bồi dưỡng cho anh em thì mức ăn của lớp mới khá hơn được chứ?

Lẽ Đại lễ phép:

- Không ạ, cứ là phải cưa đứt, đục suốt thủ trưởng ạ.

- Thế là cậu đi buôn à? Lấy phương tiện vận tải của quân đội đi buôn à? Lấy lãi chia nhau à?

- Cái đích cuối cùng sẽ giải thích cách làm của tôi. Tôi vẫn hoàn thành đợt hành quân; vẫn chỉ mất từng ấy xăng dầu, mà lại thu về được một khoản tiền cho đơn vị, để cải thiện bữa ăn cho chiến sĩ. Chả ai kết tội tôi được. Tôi đã đưa việc này ra cả ban chỉ huy bàn bạc, tôi đã triệu cán bộ hậu cần các đại đội lên bàn bạc. Họ đều ủng hộ và bàn cách thực hiện. Tôi sẽ chịu trách nhiệm nước cấp trên việc này.

Giọng người bên kia đầu dây chùng xuống:

- Là nói thế thôi. Cậu cứ chở vào đây cho tớ. Thế nhé! - Đặt máy xuống, ông lẩm bẩm một mình. - Khá thật! Giỏi thật! Nghĩ được như thế thì giỏi thật. Lại dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thằng cha này còn lên!

Từ tối hôm trước, một đàn trâu mười hai con được lùa lên hai chiếc xe vận tải quân sự. Chiếc cầu tre ken khít vào nhau, có những "bậc" cũng bằng tre buộc nằm ngửa cho móng chân trâu không bị trượt. Những chú trâu, cả đời mời được lên xe ô tô nên cứ rúm tứ tức lại, mắt thao láo hoảng sợ. Chật vật hơn một giờ mới lùa được một xe. Hai giờ sáng, đoàn xe trâu xuất phát trước. Sáu giờ sáng, bốn chiếc xe chở đoàn sĩ quan, hạ sĩ quan mới chuyển bánh. Chịu ngồi chật một tí vậy.

Chuyến ra, hai xe chở dừa làm quà cho người ở nhà, tính đủ hai người một quả. Hàng đánh ngược ra là đường: đường phèn, đường phổi. Chuyến đi lãi đằng đi, chuyến về lãi đằng về. Lãi ra lãi! Đám cán bộ hậu cần cười hể hể, khen thủ trưởng: phục bố ấy thật. Thủ trưởng thế mới là thủ trưởng chứ! Sau đợt tập huấn kỹ thuật ấy, Đại được rút lên làm chủ nhiệm hậu cần trung đoàn. Hai năm sau anh xin ra quân, về một cơ quan kinh tế thành phố Thanh Hoa.