Luật Đời & Cha Con

Chương 9

Hết giờ làm việc, mọi người trong phòng đã về hết. Có tiếng rụt rè gõ cửa. Rõ là kiểu gõ cửa của phụ nữ. Sán nói dóng ra:

- Xin mời!

Nếu không phải là phụ nữ thì anh ta đã sẵng giọng "Cứ vào". Một cô gái hăm nhăm, hăm bảy gì đó, mặt mũi nhẹ nhõm, ưa nhìn, riêng cái miệng rất tươi, phô hàm trăng trắng muốt đều đặn, váy bó, ngắn trên đầu gối, áo phông Thái mầu đen có bông hướng dương to ôm chặt bộ ngực nở. Cô gái khẽ kháng mở cửa, vừa đu cho mình lọt vào, khẽ quay người nhẹ nhàng khép cửa. Động tác chậm, có phần rình ràng, như để cho chủ nhà từ xa kịp ngắm mình từ đầu đến chân. Sán không biết rằng, khi cô quay lưng lại phía anh ta để khép cửa, cô đã lấy mình che, để chủ nhà không nhìn thấy mình làm một động tác khác.

- Em chào anh! Em là Hồng Nguyệt bên công ty BCD. Gớm, gặp anh khó thế. Lúc nào cũng khách - Cô tươi cười trong mỗi câu, mỗi tiếng.

- Có việc gì thế, cô Nguyệt? - Chủ nhà cũng tươi cười hỏi lại.

- Thì có cần anh, em mới đến vào giờ này chứ! Mấy năm trước, em đã gặp một lần, lúc anh còn ở dưới quận. Nhanh thật…

Hồi ấy, cái mặt gầy đen, hai gò má cao, lưỡng quyền cao, trông Sán như gã thợ rèn, suốt ngày bên bếp lò. Bây giờ, trông đầy đặn hơn, đỡ đen hơn.

- Anh chả thay đổi gì cả. Vẫn là người đàn ông phong độ, cường tráng.

- Cô cứ khen thế! Sắp già đến nơi rồi!

Cô gái chăm chăm nhìn lên đầu anh, như chợt phát hiện ra điều gì:

- Chết thật! Đầu anh có tóc bạc rồi kia à? - Vừa nói, cô vừa đứng lên, bước nhanh đến bên anh, lùa bàn tay búp măng vào mớ tóc thấp thoáng sợi bạc ấy, cầy xới tung lên - Cũng nhiều sợi bạc đấy anh ạ! Em nhổ cho nhớ!

Khủyu tay cô tì lên vai, mà có cảm giác như cả thân thể cô đang đè nặng lên người Sán. Hai tay cô cứ vần vò cái đầu, giờ đã rối bù lên như tổ quạ.

Mà cũng chả cần đến thế!

Khi người phụ nữ chủ động cầm tay anh, hay cố tình chạm vào cơ thể anh, thì đó là tín hiệu báo rằng, họ sẵn sàng mời anh ăn thân mật, và sau đó sẵn sàng mời anh… ngủ thân mật nữa cơ. Đằng này, những cử chỉ, động tác ấy thì khác nào "mời anh xơi miếng cơm lam, của em cô gái áo chàm". Chỉ hơi xoay người trên chiếc ghế quay, mặt Sán đã vùi vào bộ ngực đẫy đà của cô gái. Cô cúi hẳn người xuống cho anh ta đỡ phải nghển cổ lên. Sán đang định bật cái nịt vú rất chặt lên, lại vội đấy cô ra:

- Để anh cài cửa đã!

Cô gái cười khúc khích, ra ý bảo anh trẻ con to xác cứ yên trí hành động đi, không phải lo:

- Em cài cửa rồi!

Sán háu ăn như đứa trẻ nhà quê cai sữa muộn, đón mẹ về chợ, lật ngay yếm mẹ lên tù đầu ngõ, tợp mấy cái cho đỡ nhớ đã. Tay anh ta lần xuống thì Nguyệt dỗ dành:

- Chịu khó nhịn lúc nữa. Ta đi đâu cho thoải mái. Tội gì anh!

Anh ta đứng lên, ôm riết tấm thân hôi hổi, chặt đến nỗi xương cô kêu răng rắc, sau đó là một cái hôn dài. rồi mới chịu rời nhau. Họ cùng vuốt lại áo quần, tươi cười trước kẻ sau rời khỏi phòng làm việc.

Cơ quan vắng tanh. Sán quay lại:

- Đi đâu em?

- Em theo anh, góc bể chân trời nào cũng đi!

Sán chạy xe chầm chậm. Cô gái vè vè bám theo.

Họ đổ bộ vào một nhà nghỉ. Sán vừa cẩn thận chốt cửa lập túc bế thốc cô lên giường. Anh ta chẳng lạ gì những cô ca ve. Nhưng đấy là chuyện đực cái đơn thuần. Xong việc là quên ngay. Còn đây là một con người xã hội, có một vị trí xã hội hẳn hoi, nhan sắc hẳn hoi. Nó không chỉ là chuyện sinh lý đơn thuần, mà còn là chuyện tâm lý, có thể trò chuyện như hai con người xã hội, dù biết người kia đang lợi dụng mình.

Anh nhớ lần gặp Hồng Nguyệt mấy năm trước, khi cô đến làm thủ tục thuê văn phòng trụ sở công ty. Lần ấy, cô ta trẻ trung, bén lẽn, lễ phép trình hồ sơ, giấy tờ làm thủ tục hành chính cần thiết. Sau khi đưa xong giấy tờ, cô ta đưa bằng cả hai tay một chiếc phong bì:

- Công ty cháu có chút quà biếu chú!

Bây giờ, vẫn là một cô gái - vì chưa lấy chồng - nhưng thật ra đã là một người thiếu phụ thạo việc, lõi đời. Đã biết dùng vốn tự có cho công việc. Hiển nhiên là để giải quyết công việc, công ty phải chi phí giao dịch, chi phí ngoại giao. Việc lớn chi phí nhiều, việc nhỏ chi phí ít. Luật chơi nó như thế. Kẻ nào không biết luật chơi sẽ bị loại. Còn những kẻ nhân danh bất cứ điều gì, với bất kỳ lý do gì, trong bất kỳ hoàn cảnh nào không thừa nhận luật chơi này, mặc dù chính hắn cũng tham gia luật chơi ấy, được hưởng lớn từ luật chơi ấy, một cách tàn bạo nhất, khốn nạn nhất, thì đó là những kẻ đê tiện nhất, vô lương tâm nhất, vô liêm sỉ nhất.

Hồng Nguyệt, tất nhiên đã nhận của công ty mình một khoản kinh phí cần thiết. Nếu có một cách gì đó để không phải dùng tới nó thì, dĩ nhiên cô ta được hưởng.

Hợp lý hơn, phổ biến hơn là chỉ dùng một phần kinh phí đó. Cái phần đó lớn bằng ngần nào là tuỳ thuộc vào mối tương tác giữa người nhận và người đứa, miễn là phải đạt được yêu cầu của người cấp kinh phí.

Vụ này lớn lắm. Cô cần được văn phòng Kiến trúc sư Trưởng thành phố giới thiệu một địa điểm nào đấy trong mênh mông đất Thanh Hoa này, thuê làm nhà xưởng sản xuất trong năm mười năm. Những việc tiếp theo lại là chuyện khác, với các điểu kiện khác, với những chi phí khác. Bây giờ, cần có trong tay một địa điểm về báo cáo với sếp đã.

Sau khi đã no chầy nẩy nước, Sán nằm thở dốc.

Nguyệt nhận xét:

- Xem ra ông anh cũng hăng hái lắm, em không ngờ đấy. Chắc bà chị phó chủ tịch Quận mải mê phấn đấu không chăm sóc chuyện chăn gối, nên ông anh mới máu chiến thế phải không?

Sán gật gật đầu thoả mãn:

- Chuyện, l… lạ, cá tươi mà!

Nguyệt tát yêu vào má Sán:

- Này, em biết mặt vợ anh rồi, cũng xinh đấy chứ?

- Không nhắc đến người ấy ở đây.

Ngày hôm sau Nguyệt đến điểm hẹn. Sán dẫn cô đi thực địa. Biết mặt ngang mũi dọc mảnh đất rồi, họ lại đưa nhau vào nhà nghỉ để… làm việc. Sau cái hôn riết trước lúc chia tay, cô nhét vào túi anh chiếc phong bì đựng một tập đô la. Sán vờ làm mặt giận:

- Ơ hay, anh lấy của em làm gì?

- Không phải của em mà là của công ty. Chuyện anh em mình là chuyện tình cảm, vô giá. Em muốn bù đắp cho anh những gì mà chị ấy không làm được.

Sán không thể biết rằng, đó chỉ là một nửa số tiền cô nhận từ công ty.

Bây giờ nhiều quan chức cao cấp giầu lên nhờ nằm trong bộ máy liên quan đến nhà đất; nhiều công chức phất lên nhờ mua được đất bạn bè nhượng lại. Những mảnh đất chó ỉa, đến lúc công bố quy hoạch mở đường, nghiễm nhiên trở thành mặt phố, làm chủ sở hữu nó phất lên như diều, nhất là các quan chức cấp thành phố, cấp đầu ngành, phó ngành, các trưởng phó phòng, các chuyên viên.

Các vị thuê thiết kế, mô phỏng các toà biệt thự của người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, nhưng hiện đại hơn ở kết cấu, ở trang thiết bị nội thất, ở tiện nghi sử dụng. Cũng mái ngói Tây đấy, nhưng thật ra là mái bê tông. Ngói chỉ dán bên ngoài, vừa tạo dáng, vừa tạo mầu sắc nên vừa đẹp, vừa bền, vừa sang trọng. Thợ không còn phải tỉ mẩn, luồn từng sợi dây thép vào rốn mỗi viên ngói, buộc chặt nó xuống li tô, phòng khi gió giật tốc mái. Cũng không còn lo ngói vỡ phải thay, mấy năm lại phải đảo một lần, cũng chả còn phải lo dột từ nóc dột xuống. Mặc dù bây giờ, chả có mấy nhà cơ quan không dột từ nóc dột xuống.

Cả thành phố lên cơn sốt. Bắt đầu là sốt đất. Tiếp đến là sốt xây dựng. Rồi phản ứng dây chuyền sang sốt sắt thép, sốt xi măng, sốt gạch ngói, sốt giá thì công.

Cả thành phố lên đồng. Nửa dân thành phố Thanh Hoa này nhập đồng.

Những ngôi nhà ngất ngưởng cao, ngất ngưởng đẹp. Đẹp như cung điện trong chuyện cổ tích, mọc nhanh như thần thoại. Thanh Hoa có những đường phố, biệt thự nối biệt thự, đẹp mê hồn, tối đến sáng trưng là họ đã ở, hoặc cho người nước ngoài thuê. Nếu còn tối om là chủ nhân của chúng vẫn có nơi ở, xây để sẵn đấy thôi. Không phải chỉ của quan chức Thành phố này mà còn của các quan chức tỉnh khác, đợi hạ cánh an toàn sẽ về. Nhiều vị không chỉ có một ngôi biệt thự đâu. Không chỉ có một trang trại đâu. Còn những lô đất ở đâu đó nữa. Bởi lẽ, đầu tư vào đất là lãi nhất trong giai đoạn này.

Quận Lâm Du cũng chạy được một khu đất cho mình. Danh nghĩa là để xây dựng một quần thể gồm nhà văn hoá, trung tâm thể dục thể thao với nhà thì đấu bể bơi ngoài trời, sân bóng đá mi ni và các khu phụ trợ. Cuối cùng, chỉ có nhà văn hoá là xong. Phần còn lại thật ra chỉ là dự án. Không có kinh phí, không gọi được chủ đầu tư, không đơn vị nào, cá nhân nào góp vốn… Đề nghị thành phố cho chuyển mục đích sử dụng.

Lý do thật chính đáng. Không chê vào đâu được. Thành phố OK liền. Nói thì nhanh, thì đơn giản thế. Nhưng cuộc đời thì không quá phức tạp, nhưng cũng không quá đơn giản đâu. Đừng có mà giàu trí… tưởng bở.

Công việc này thuộc phó chủ tịch quận phụ trách xây dựng và quy hoạch đô thị.

Trong số nữ quan chức cao cấp quận và thành phố Thanh Hoa thì Thanh Diệu vợ Vũ Sán được khen là hoa khôi… Trẻ nhất đã là một điểm nổi bật. Nhưng một người vừa trẻ, vừa xinh, vừa có duyên mà làm đến phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận là hiếm hoi.

Nhìn gương mặt xinh xắn đáng yêu của cô, không ít không muốn nhìn lại. Những buổi họp, dù cấp nào, cô đi dự cũng thế. Ngay lập tức, cô trở thành khối nam châm hút một nhóm người đứng xung quanh. Nói chuyện với một phụ nữ vừa xinh, vừa có duyên là điều thú vị với bất kỳ ai kể cả người cùng giới. Đã có lần, nhiều người cùng nghe một chị đã có tuổi nói với các chị khác: "Con Diệu nó đến kìa, ra với nó đi, kẻo cánh nam giới lại xúm xít lại bây giờ. Vì thế, chưa ai thấy cô đứng với một người khác giới, trừ một lần phỏng vấn truyền hình. Hình như mọi người đều ngầm thoả thuận, không cho bất kỳ một người đàn ông nào trò chuyện riêng với cô, cho dù người ấy có là bí thư Thành uỷ đi nữa. Rằng ở những chỗ ấy, cô phải là tài sản chung của mọi người, để ai cũng được ngắm cô một tí, chào hỏi cô một câu.

Cô là bông hoa lạ giữa chốn quan trường.

Người ta yêu quý cô, trước hết, bởi công việc cô đảm trách hoàn thành tốt, rồi mới đến vẻ duyên dáng.

Nếu chỉ có cái thứ hai, chưa chừng đã bị dè bỉu: "Cô này lên bằng vốn tự có, chứ giỏi giang gì".

Mấy năm trước, khi còn làm trưởng phòng Tài chính Quận, nhiều anh chị lớn tuổi đã bảo: "Con bé này còn lên!" Bây giờ, làm phó chủ tịch phụ trách xây dựng và quản lý đô thị, chưa được nửa nhiệm kỳ, người ta lại bảo: "Cô này còn lên nữa!"

Lâm Du là quận mới được thành lập từ một huyện ven nội Thanh Hoa nên tốc độ sốt đất, sốt xây dựng cao hơn hẳn các quận khác. Chính sách đối với quận có nhiều ưu đãi hơn so với huyện. Đường sá sẽ phải trải nhựa hay bê tông chứ không thể để đường đất, đường đá thế này. Điện chiếu sáng sẽ làm bừng lên mọi con đường. Đất ở đất canh tác, bỗng chốc được giá. Dân nội thành cũ đổ về mua đất làm nhà nghỉ cuối tuần. Khu đất còn lại, thành phố đã đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhưng làm gì đây là chuyện phải bàn.

Chưa có ý kiến chính thức, chưa có ai trong ban lãnh đạo Quận phát ngôn một câu gì. Nhưng trong suy nghĩ của mọi người đều có chung một lời giải đáp: chia cho cán bộ làm nhà. Còn trong câu chuyện hằng ngày thì nó là đề tài nóng bỏng trên cửa miệng mọi người.

Không phải chỉ trong giới công chức Quận này mà còn là của thành phố, và cả Trung ương nữa.

Điện thoại đến cho chị chỉ thế này thôi: "Cô Diệu ơi (hoặc đồng chí phó chủ tịch ơi!), chuyện phân đất còn lại của khu văn hoá thế nào, đến đâu rồi?" Chỉ bâng quơ thế thôi, chỉ là một lời hỏi thăm, nhưng chị phải hiểu, đó là một… lời nhắn gửi, một đề nghị, một yêu cầu tuỳ theo mối quan hệ, địa vị của người gọi mà chị phải có một thái độ ứng xử cho phải phép.

Thanh Diệu họp với các trưởng phòng chức năng do chị phụ trách để nghe họ tham mưu. Trưởng phòng Xây dựng phát biểu rất hăng hái:

- Cả nước xây dựng, cả thành phố xây dựng, nhà nhà xây dựng, người người xây dựng, không lẽ quận ta ngồi nhìn?

Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh:

- Đây là cơ hội ngàn năm có một. Chúng ta phải tranh thủ để cải thiện điểu kiện nhà ở cho các cán bộ chủ chốt của quận.

Trưởng phòng Tài chính:

- Thành phố cấp đất cho Quận ta rồi. sử dụng thế nào là việc của ta.

Diệu báo cáo với chủ tịch. Chủ tịch bảo chị sang báo cáo với bí thư Quận uỷ xin chủ trương đã. Diệu do dự. Bản thân mình phải có chính kiến đã chứ. Nếu anh ấy hỏi: "Thế ý kiến bên chính quyền thế nào" thì nói sao? Chị do dự còn bởi bấy lâu nay, Diệu vẫn cố tránh những cuộc làm việc tay đôi với bí thư Quận uỷ.

Diệu phải giải quyết hàng loạt thủ tục hành chính đối với các cơ quan chức năng thành phố và mấy quan chức thành phố. Trong cơ chế xin- cho này, không ai cho không ai cái gì, dù đó là cờ thưởng hay tấm huân chương niên hạn cho đơn vị, nữa là xin đất. Chưa bao giờ câu tục ngữ tấc đất tấc vàng lại đứng như bây giờ. Cho nên xin - cho đất, lắm chuyện hay bậc nhất. Việc gì cũng cần thời gian, công sức và "kinh phí", mà đều không có chứng từ hợp pháp, kể cả chứng từ viết tay, để bôi trơn bộ máy hành chính. Việc gì cũng cần có mối quan hệ thân quen. Nhưng nhiều khi vì thân quen mà đâm ra khó vì càng quen càng lèn cho đau, hoặc ngược lại, vì quen nên lại ngại không dám ra giá, thế là cứ dền dứ mới khổ. Nhận "kinh phí" của người quen thì ngại, mà không nhận thì tiếc, việc gì cũng cần sự có mặt của Diệu, Chị viết thư tay, xưng em với tất cả những người hơn tuổi, ở thành phố đã đành, ở cả Quận chị, dù cấp bậc dưới chị, có khi chỉ là chuyên viên, thậm chí họ là cấp dưới của mình, miễn là họ hơn tuổi chị. Nghĩa là chị vẫn giữ nguyên cách xưng hô, như hồi còn là một chuyên viên của phòng Tài chính. Chị gọi điện, trước khi cán bộ của mình cầm thư tay đến. Việc lớn, việc trọng, việc nóng thì chị đến tận nơi. Đàng hoàng, tự tin, chị gõ cửa. Không to không mạnh như nam giới, những cũng không rụt rè như các cô gái phải đến chốn công đường. Chủ nhà chưa quen biết, đều có cảm tình ngay khi chị xuất hiện trước cửa, với lời chào như đã thân quen. Đọc tấm danh thiếp chị đưa, nghe chị trình bày nội dung công việc rõ ràng, mạch lạc, nhìn mắt chị cười như hoa, nhìn miệng chị cười thơm như quả chín đầu mùa, ai cũng thấy phải tận tình giải quyết thật nhanh cõng việc để tỏ ra mình rất thiện ý. Với những người từng quen biết, vừa nói xong câu cuối cùng, chị đứng dậy, hơi ngả người về phía chủ nhà, tay phải đặt lên tay chủ nhà: "Anh (hay chị, hoặc bạn) cố gắng giúp em (mình) sớm nhé. Cơ quan có chút quà gọi là…". Tay phải vẫn còn nắm tay chủ nhà, tay trái đã đặt chiếc phong bì trước mặt họ, lại cầm quyển sổ của họ, hay chính công văn, giấy tờ của mình, ý tứ đặt lên che chiếc phong bì kia. Đến lúc ấy, chị mới thẳng người lên.

- Từ đây, có việc gì, anh cứ gọi cho anh…- chị chỉ người cán bộ đi cùng - hộ em. Cám ơn anh nhiều".

Nếu phòng có nhân viên khác làm việc, hoặc với những ai gặp lần đầu, chị chỉ làm những động tác cắn thiết như vừa tả, vẫn nói những câu cần nói, trừ câu "cơ quan có chút quà…".

Văn phòng Kiến trúc sư Trưởng thành phố Thanh Hoa.

Giờ làm sáng, mới 11 giờ.

Giờ làm chiều, mới 4 giờ, các nhân viên đã sửa soạn đồ mừng. Các nữ nhân viên đánh lại môi, kẻ lại mắt, thoa chút phấn lên má, thay đôi dép siêu nhẹ đi trong phòng bằng đôi dép cao gót mũi nhọn như tên lửa sắp rời bệ phóng. Họ kéo nhau đi ăn mừng nhà mới thủ trưởng, hoặc anh bạn, cô bạn cùng phòng, nhưng có vợ hay chồng giữ một chức vụ kha khá bên cơ quan khác, hoặc chỉ là cán bộ bình thường không chức tước gì, của một cơ quan mà thiên hạ vẫn gọi chệch đi là hải tặc, thì với rất nhiều người trong họ cũng không oan. Và rất nhiều cơ quan khác, chẳng dinh dáng gì đến kinh tế.

Chiến dịch chạy đất ở thành phố này đã đổi đời bao nhiêu người ở phòng Quy hoạch này.

Hai cô bạn thân to nhỏ:.

- Mày định mừng sếp cái gì đây?

- Tao chưa biết mừng gì?

- Thì phong bì thôi!

- Bao nhiêu?

- Tuỳ tiền biện lễ, chứ biết bao nhiêu cho vừa!

- Thôi tao với mày thống nhất năm trăm nhé! Mạt hạng rồi đấy chị ạ, ngượng thật!

- Chả việc gì phải ngượng.

- Ngượng chứ! Phong bì người ta phải gấp ba bốn thế này.

- Bì thế nào được với người ta!

Những người khác, không ai hỏi nhau những việc thế này. Họ lặng lẽ làm theo kiểu của họ, vì mục đích yêu cầu của họ, chỉ họ biết phải "đi" bao nhiêu. Tối hôm trước Hạnh Ngân phó trưởng phòng này nói với chồng:

- Anh cho em chai rượu, mai mừng nhà mới sếp.

- Trong tủ rượu ấy, thích chai nào thì mang đi mà mừng. Nhà này, rượu chỉ biếu chứ có uống đâu mà giữ.

- Em chả biết chọn chai nào cả.

- Em ngớ ngẩn quá! Thì phải nói xem mừng ai, mừng kiểu gì, hiếu hỉ hay tạ ơn, hay nhờ vả. Mỗi kiểu tương ứng với một loại. Nói loại, không phải là loại rượu ta hay rượu Tây hoặc rượu thuốc, mà là loại tiền. Rượu nào tiền ấy… Làm công chức thời nay không hiểu điều ấy thì hỏng việc.

Chị vợ gắt:

- Ai chả biết mà anh phải giảng giải, cứ như giảng cho con gái mới đi làm ấy. Em chỉ cần biết trong tủ rượu của anh, chai nào quý nhất, giá bao nhiêu, thế là đủ.

- Được rồi, nhưng thủ trưởng em thích nhóm rượu nào?

- Lại còn nhóm rượu nữa cơ à?

- Chứ sao? Có hai nhóm: rượu Tây và rượu Trung Quốc!

- Hình như lão thích rượu Trung Quốc.

- Sao em biết?

- Thì đã có lần hắn khoe, có người biếu hắn chai Mao Đài.

- Được rồi! Đây em mang chai này đi. Nhưng phải giải thích cho hắn biết, chứ không biết chữ Trung Quốc như thằng cha cơ quan anh, đi mua một loạt áo phông có chữ Trung Quốc về biếu các cô cùng phòng, chúng nó cười phá lên - "Chúng mày cười gì? Bất lịch sự. Tao mua tận Bắc Kinh mang về, của một đồng, công một nén, không cảm ơn lại còn cười. Cười cái gì?" - "Thì chúng em cảm ơn sếp rồi thôi. Nhưng nói thật; chúng em không mặc đâu" "Vì sao, nói ngay, không tao đập chết ăn thịt bây giờ". Cả bọn thấy sếp vừa tức vừa đùa, tức là tức thật, nhưng phải kèm đùa cho nó đỡ ngượng. Một cô, cố mắm môi mắm lợi lại để nhịn cười: "Báo cáo sếp, ba chữ này có nghĩa là mỳ ăn liền ạ! Còn đây là tên của thứ mì ăn liền ấy!" Cả phòng cười chảy nước mắt. Sếp chữa ngượng " Thôi, tao xin lại, để mang về quê cho bọn trẻ. Lần sau đi tao đền". Bọn ranh vẫn không tha: Biết bao giờ đến lần sau hả sếp, thôi trưa nay, sếp dẫn chúng em đi khao, mừng về nhà an toàn, không bị con HIV nào nó bám theo là được rồi!".

- Gớm, ở cơ quan, chắc anh cũng thích buôn dưa lê lắm nhỉ! Thế tóm lại đây là rượu gì? Giá bao nhiêu?

- Em giảng cho sếp em nghe. Trung Quốc có ba loại rượu nổi tiếng hơn cả, xếp theo thứ tự như sau: Nhất là "Ngũ lương dịch", tức là thứ nước tinh chất của năm loại lương thực quý. Thứ hai mới đến Mao Đài, thứ ba là "Kiếm Nam Xuân". Đây là chai "Ngũ lương dịch".

- Bao nhiêu tiền?

- Bây giờ vô giá.

- Tức là em không phải thanh toán chứ gì?

- Anh chồng lừ mắt:

- Chai rượu này tính ra tiền Việt cũng cỡ hai triệu rưỡi!

Chị hí hửng mang đi, yên tâm là món quà này vừa độc chiêu, vừa có giá. Chị không biết, mà làm sao biết được anh Sán cũng phó trưởng phòng như chị lại mang đi một cái phong bì, mỏng thôi, trong ấy có những tờ giấy cũng mỏng thôi, mà nếu lấy ra, giơ lên rồi thả cho nó rơi xuống, thì nó sẽ rơi đúng y sì câu thơ nổi tiếng của Trần Đăng Khoa: "Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng".

Chỉ có điều, một bên là chiếc lá đa Côn Sơn, một bên là những đồng đô la Mỹ.

Bởi, đây thực chất là một cuộc chạy đua vào chức trưởng phòng.

Trưởng phòng là một anh sắp về hưu. Cả hai vận động viên ma ra tông phó trưởng phòng cứ cho là khả năng lên trưởng phòng ngang nhau. Cùng là đảng viên này, cùng có bằng đại học đúng chuyên ngành này. Chọn ai là chuyện chạy đua ngầm. Nhưng nói chạy đua cũng còn chưa cụ thể, phải nói toẹt ra, thực chất là một cuộc đấu giá. Nhưng đấu giá còn biết nó ra giá sàn bao nhiêu, nếu mình trên tiền nó thì mình thắng. Đằng này là đấu giá ngầm mới khó. Thế là những dịp như thế này, khánh thành nhà mới này, tết nguyên đán này, sinh nhật này… Đấy là lệ thường, là thông lệ. Sếp trưởng phòng Quy hoạch còn thân mật mời cả phòng vào nhiều dịp khác nữa: Mừng thượng thọ mẹ này, giỗ bố này, đám cưới bạc này, ăn đầy cữ cháu này, sinh nhật cháu đích tôn này, đi công tác nước ngoài về này, con vào đại học này, "rửa xe" ô tô mới tậu này… Những cuộc này, các anh em khác trong phòng thì đại loại cũng như hai cô bạn thân kể trên. Còn với Ngân và Sán thì phải đấu giá thôi. Thời buổi nó thế. Luật chơi nó thế. Đố ai làm khác được?

Hai phó trưởng phòng thì nhau chạy ngầm. Chưa qua ngày lễ trọng này đã đến ngày lễ trọng kia. Mười mấy ngày trong năm chứ ít gì. Nhưng ngoài những ngày lễ trọng, còn có bao ngày cũng phải lễ lạt gì mà cũng ra vấn đề. Ví dụ, con sếp vào đại học. Hôm nay hơn chục anh em trong phòng quây quần trong ngôi nhà năm tầng khang trang chỉ mới trông đã thích mắt. Chủ đón khách vào nhà. Tiết mục mừng nhà mới xong, mọi người vào mâm. Hồng Vĩnh, một tay thanh niên đẹp trai, rõ là người thông minh, láu lỉnh hỏi bà chủ:

- Chị ơi, em hỏi khí không phải, sao nhà mình vẫn dùng máy điều hoà là nghĩa làm sao?

Vợ sếp cũng là cán bộ công chức như ai - ngơ ngơ một tí rồi hỏi lại:

- Thế chả dùng điều hoà thì dùng gì? Bao nhiêu quạt bàn, quạt cây, quạt tường chị đem cho nhà quê hết rồi.

Các cán bộ phòng, không hiểu thằng cha láu lỉnh hỏi thế là nghĩa làm sao. Một người, ra cái điều liền chị, mắng:

- Nhà thế này chả dừng điều hoà thì dùng quạt mo chắc hả cái thằng… Bờm kia?

Đến lúc ấy, cái tay bị gọi là thằng Bờm, mắt tỉnh bơ mới ngơ ngơ nói:

- Thì em cứ tưởng, các cụ ta ngày xưa, nói câu gì chả đứng nén mới hỏi vậy.

Cái bậc liền chị kia hỏi dồn:

- Thế các cụ bảo gì mà mày bảo sai với chả đúng?

Nó thủng thẳng:

- Các cụ bảo: Đẻ con khôn mát… người rười rượi, đẻ con dại thảm hại cả… người! Thế nên em tưởng sếp bà có con vào đại học thì không cần điều hoà cũng mát lắm rồi.

Vấn đề là ở chỗ khi đọc đến tiếng "mát" anh ta ngừng lại một tí, rồi đến tiếng "cả" cũng lại ngừng một chữ như ngần ngừ, rồi Bờm mới đọc tiếp tiếng "người", nên ai cũng nhận ra, thế vào tiếng "người", ấy lẽ ra phải là tiếng khác cơ, rất tục cơ, nên mọi người đều cười.

Một chị mắng yêu "thằng phải gió". Thật ra công tử con sếp đã phải làm lại toàn bộ học bạ phổ thông trung học để du học tự tức đại học Ôxtrâylia. Bởi con sếp học kém tất cả các môn, trừ giáo dục thể chất và đã trót nghiện hút, chích choác rồi. Bây giờ phải tách ra khỏi đám bạn xấu để cách ly. Làm lại học bạ, không có nghĩa là anh phải đến từng giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm xin một điểm trung bình khác, một lời phê khác, chữ ký khác. Có người lo trọn gói cho anh, kể cả chữ ký giám hiệu, dấu đỏ đàng hoàng. Đây là một việc làm nhân đạo thay đổi môi trường xã hội và giáo dục. Ai cũng sẵn lòng giúp đỡ.

Trong khoảng trên dưới một năm, cái tủ rượu nhà Ngân hết nhẵn, chủ yếu chạy vào tủ rượu nhà sếp trưởng phòng. Còn két sắt đựng các loại tiền và kim loại quý của nhà anh Sán vơi đi bao nhiêu, ta không thể biết. Cho đến lúc kiến trúc sư trưởng ra quyết định bổ nhiệm trưởng phòng, mọi người mới ngã ngửa. Ai thắng trong cuộc đấu giá chức trưởng phòng quy hoạch trên?

Chịu chứ gì! Thưa, chị Ngân ạ! Ai bảo vô lý? Nếu có sốt ruột thì xin hãy sốt ruột một cách bình tĩnh để cán bộ tổ chức giải thích.

Một là, quy trình đề bạt cán bộ ở đâu thực hiện hoàn toàn đúng theo quy chế dân chủ cơ sở. Nghĩa là có lấy phiếu thăm dò. Cứ cho là phiếu hai bên ngang nhau đi, thì tiếng nói ngoài lá phiếu của trưởng phòng, giới thiệu người kế nhiệm mình, dứt khoát phải có trọng lượng hơn, hơn gấp mấy lần lá phiếu của một cán bộ khác trong phòng. Nếu vậy, thì chắc là cán cân đã nghiêng về Sán.

Nhưng việc đề bạt cán bộ vào bất kỳ một phòng nào, chưa nói đó là cái phòng vô cùng quan trọng trong thời buổi cả thành phố, cả đất nước là một công trường xây dựng khổng lồ, thì hiển nhiên phải phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác nữa. Trước hết là trưởng phòng Tổ chức. Không ai biết, đối với các vị ấy, chị Ngân - đã hết rượu rồi - sẽ chạy đua bằng cái gì? Bao nhiêu cho mỗi lần đến nhà các vị trên? Chị còn nghĩ ra được một, à không, hai dịp nữa mà anh chàng Sán chỉ vì không thông minh bằng nên không thể nghĩ ra. Ấy là ngày khai trường của các cháu và một ngày nữa cũng của các cháu - ngày quốc tế thiếu nhi.

Hôm ấy, chị đến một lúc, nói mấy câu:

- Cháu ngoại bác, vào năm học mới, em cho cháu bộ sách giáo khoa và tập vở viết. Có chút việc bận, xin phép hai bác em về.

Chủ nhà xuýt xoa:

- Gớm, chu đáo quá. Cháu cảm ơn cô đi!

Khách về, con bé mới học lớp hai, mấy ngày nữa mới lên lớp ba, giở đống sách vở ra xem, chợt kêu lên:

- Bà ơi bà, có cái phong bì này, cháu giở ra nhớ?

- Đưa bà xem nào.

Bà giở ra, một xếp lá đa mầu xanh lá mạ, đặc trưng của tiền Mỹ.

Ngoài những chai rượu lấy của chồng, không thanh toán, chị Ngân cũng có một quỹ đen riêng, mà đợt này chị mới huy động đến nó. Một cô bạn thân có hỏi, tổng cộng hết bao nhiêu, chị chỉ cười cười:

- Của thiên trả địa, thu hồi vốn cũng nhanh thôi mà.

Còn khi đọc quyết định cho cả phòng nghe thì mọi người được thủ trưởng giải thích thế này: - Cả chị Ngân và anh Sán có khả năng làm trưởng phòng, thậm chí anh Sán có điểm mạnh hơn, vì là nam giới nên khả năng xốc vác cao hơn. Nhưng… đây còn là là… chính sách cán bộ nữ.

Thật, không gì vô tổ chức bằng công tác tổ chức của cơ quan này.