Luật Pháp

Lời Người Dịch

Bạn đọc đang cầm trên tay một trong các tác phẩm quan trọng nhất của Claude Frédéric Bastiat (1801–1850), cũng là một trong những tác phẩm gối đầu giường của những người theo trường phái tự do cá nhân ở phương Tây. Chỉ có một điều đáng tiếc: tác phẩm này được dịch từ tiếng Anh chứ không phải từ tiếng Pháp. Tôi nhận thức được rằng như thế là thiếu sót lớn, nhưng đây là một tác phẩm hay và súc tích đến nỗi tôi không thể không chia sẻ cũng như không thể chờ đợi lâu hơn được nữa dù biết rằng sai sót là khó tránh khỏi. Để khắc phục phần nào, tôi đã tham khảo bản dịch tiếng Nga (cũng dịch từ tiếng Anh) của S. A. Nikolaev và đưa thêm vào phần Lời giới thiệu cho bản dịch tiếng Nga do dịch giả Anton Newmark viết.

Văn của Claude Frédéric Bastiat sáng sủa, cô đọng, mạch lạc và dễ hiểu đến mức chẳng cần giải thích gì thêm, chỉ xin bạn đọc lưu ý một điều: tác phẩm này được xuất bản năm 1850, tức là cách lần xuất bản đầu tiên bằng tiếng Việt đúng 165 năm, nhiều thuật ngữ thời đó, như chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản… có nội hàm chắc chắn là khác với cách hiểu của chúng ta ngày nay.

Thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội” mà Bastiat sử dụng trong sách này và cũng là đối tượng ông phê phán rõ ràng rất khác so với thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội” đang được sử dụng hiện nay tại Việt Nam. Chẳng hạn ở khía cạnh thể chế kinh tế: Chủ nghĩa xã hội ở giữa thế kỉ XIX coi nền kinh tế thị trường là công cụ bóc lột của Chủ nghĩa tư bản cần phải được loại trừ tận gốc, thì ngày nay ở Việt Nam nó đã được chấp nhận. Thực tế là, để thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Việt Nam đã chủ trương phát triển một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế, kết hợp với một Nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chắc hẳn bạn đọc nhận thức được sự khác biệt đó và có thể rút ra những đánh giá và nhận xét phù hợp của riêng mình. Chỉ có khát vọng về tự do của Claude Frédéric Bastiat là không khác, là còn lại mãi với thời gian, và đó là điều mà tất cả chúng ta cùng trân trọng. Ludwig von Mises (1881–1973) ca ngợi ông là “người có bút pháp rất độc đáo, đọc ông là cả một niềm vui. …” và không có lí do gì khiến tôi có thể trì hoãn lâu hơn nữa niềm vui của bạn đọc.

Tôi xin được cảm ơn Nhà xuất bản Tri thức đã giúp tôi đưa tác phẩm quý giá này đến với bạn đọc. Và cảm ơn chính bạn đọc, người đã cổ vũ và đồng hành với tôi trong suốt mấy năm qua.