Minh Triết Trong Đời Sống

Số Nhiều

Nadine là một nhà báo nổi tiếng, làm việc cho một cơ quan truyền thông tại Hoa Kỳ. Cô cho biết:

- Thưa bà, tôi có một bài toán nan giải gọi là “Số nhiều”, một căn bệnh mà tôi không biết phải giải quyết làm sao. Tôi xin vắn tắt như sau: Bất cứ làm việc gì tôi cũng phải làm với một số lượng thật nhiều. Trước khi viết về một đề tài nào tôi thường tra cứu thật nhiều tài liệu, đôi khi tôi có đến hàng trăm tài liệu tham khảo trước mặt, đa số chỉ nói đi nói lại về một vấn đề giống nhau. Trong tủ quần áo tôi có rất nhiều thứ, đa số đều là quần áo không mặc đến nhưng tôi không vứt đi mà vẫn tiếp tục mua sắm thêm nữa. Khi nấu cơm tôi có thói quen nấu thật nhiều, đủ cho ba người ăn mặc dù tôi chỉ ăn một mình và luôn luôn phải đổ đi những gì không dùng đến. Tóm lại, đối với tôi chuyện gì cũng phải “thật nhiều”. Theo bà thì có cách nào giải quyết tình trạng này không?

- “Số nhiều” là một căn bệnh thời đại. Các đài phát thanh, truyền hình, báo chí, cơ sở thương mại, các tiệm buôn và ngay cả nền giáo dục thông thường cũng nhắc đi nhắc lại một điệp khúc “càng nhiều càng tốt”. Sở hữu thật nhiều, giải trí thật nhiều, hoạt động thật nhiều, ăn uống thật nhiều. “Số nhiều” đã tạo thành một giá trị trong đầu óc chúng ta. Có nhiều là thành công, có ít là thất bại. Có nhiều là tốt, có ít là xấu. Nguyên nhân của sự “có nhiều” này phát sinh từ những cảm giác giả tạo về sự an toàn. Tuy nhiên, “có nhiều” không làm giảm đi sự bất an vì bất an là bản chất của đời sống, trong khi an ninh chỉ là sức chịu đựng những sự bất an này chứ không phải là sự không bất an. Đa số chúng ta đều biết vậy nhưng rất ít người hành động dựa trên sự hiểu biết này.

Theo ý tôi thì cách đối phó với căn bệnh này cũng giống như cách đối phó với mọi sự thay đổi mà thôi. Có lẽ điều cô mong muốn là có một giá trị nào khác để sống, một giá trị có ý nghĩa hơn cái giá trị mà cô vẫn tin tưởng và theo đó cho đến nay. Sau hết có lẽ cô muốn thay đổi lối sống, thay đổi những thói quen để phù hợp với một cuộc sống xây dựng trên căn bản của nền tảng giá trị mới này. Tôi gọi cái căn bản này là “sự cần thiết tuyệt đối”.

Sau đây là một phương pháp giản dị mà cô có thể áp dụng: Từ lâu cô thường suy nghĩ về cái gọi là “số nhiều” một cách vô ý thức. Hãy thay đổi nó bằng cách suy nghĩ và ý thức về cái gọi là “sự cần thiết tuyệt đối”. Cách bắt đầu tốt nhất là áp dụng phương pháp này như cô vẫn áp dụng những quy tắc viết văn. Là một nhà báo, chắc hẳn cô quen thuộc với cuốn sách “The Element of Style” chỉ dẫn về cách hành văn của Strunk và White. Strunk đã viết như sau: “Viết làm sao để một câu văn không có chữ nào thừa, một đoạn văn không có câu nào thừa cũng như một hình vẽ không có nét nào dư và một cái máy không có bộ phận nào là không cần thiết”. Trước khi làm bất kỳ điều gì, cô hãy tự hỏi mình “Điều đó có tuyệt đối cần thiết hay không?”. Nếu nó không cần thiết thì cô nhất định sẽ không làm. Một nhà văn tôi quen cho biết ông không bao giờ sử dụng sách vở tham khảo nào cho bản thảo đầu tiên. Ông khởi sự “viết từ bên trong viết ra” bằng cách quán xét nội tâm với câu hỏi “Điều gì cần phải viết ra đây?”. Chỉ khi nhận được sự hướng dẫn từ bên trong một cách đầy đủ ông mới đặt bút viết. Làm như thế ông đưa ra được cái thông điệp mà ông muốn trình bày trước khi thêm vào đó những chi tiết hay những tài liệu dẫn chứng khác. Khi bắt đầu viết mà sử dụng quá nhiều tài liệu tham khảo như cô thường làm thì dễ bị rối rắm, lạc đề, vì tài liệu tham khảo chỉ là những gì tô điểm, trang hoàng, phụ giúp cho đề tài chính mà thôi. Việc mua sắm quần áo cũng như vậy, nếu cô cứ đi từ tiệm này qua tiệm khác để xem có món gì mà cô cần - thay vì quyết định xem cô cần cái gì trước rồi mới đi mua sắm - thì chắc chắn cô sẽ mua nhiều hơn nhu cầu thực sự của mình. Việc ăn uống cũng thế, tất cả truyền thống tâm linh đều đề cao việc không phí phạm thức ăn. Cô hãy cố gắng nấu ăn vừa đủ để cung cấp cho thể xác phần nhu cầu thiết yếu để duy trì sự sống và làm việc mà thôi. Ăn nhiều có hại vì cơ thể không đủ sức loại bỏ những chất cặn bã, sẽ khiến cơ thể sinh bệnh. Việc ăn quá nhiều sẽ biến việc ăn uống vì dinh dưỡng xuống thành việc ăn để thỏa mãn cảm giác.

Tóm lại, để giải quyết căn bệnh “số nhiều” này, cô hãy tự hỏi xem điều cô định làm có tuyệt đối cần thiết hay không trước khi hành động. Chìa khóa để áp dụng phương pháp này vào đời sống là áp dụng một câu châm ngôn trong Thánh Kinh: “Nếu tin tưởng ra sao thì việc sẽ như vậy”. Cô hãy tin và hình dung rằng mình đang sống theo phương pháp này, ý thức từng hành động của mình trong nhà bếp, khi mua sắm quần áo, lúc nghiên cứu, khi nghỉ ngơi. Hãy suy ngẫm về sự tuyệt đối cần thiết này trong buổi sáng khi tâm hồn còn sáng suốt. Phương Đông có câu: “Bất cứ việc gì làm liên tiếp đều đặn trong vòng bốn mươi ngày sẽ trở thành một thói quen”. Hãy cố gắng áp dụng điều này vào đời sống, và khi nó đã trở thành thói quen thì cô sẽ nhận ra một chân lý rằng: Sở hữu nhiều chỉ làm ta thêm rối trí, làm ta thêm vướng mắc, tạo ra thêm phiền não. Định luật cần thiết tuyệt đối này sẽ giúp cô đặt ra những tiêu chuẩn theo thứ tự ưu tiên một cách chính xác và giúp cô đạt đến cái Phẩm thay vì cái Lượng.