Một Giọt Từ Sự Đọa Đầy

Sự Sống Và Đời Sống

(Trích tác phẩm: Scientia sacra)

1.

Khoảng thời gian sáu trăm năm trước Công nguyên đã tách nhân loại ra thành thời hoàng kim và thời khải huyền. Khoảng thời gian này là tấm mành che giữa sự sống mở và đời sống khép kín. Khi truyền thống nói về thời hoàng kim, cần nghĩ đến nhân loại trong sự sống mở; khi nói đến thời kì khải huyền, cần nghĩ đến sự sống này đã bị đánh mất, và nhân loại chìm vào đời sống khép kín.

Một điều đơn giản nữa: đời sống khép kín không tự nó dừng lại. Nếu đời sống có thể đóng lại hoàn toàn, nó đã có thể chấm dứt; đã có thể không nhận từ trên cao không khí siêu hình bắt buộc cần thiết cho mọi đời sống. Chính vì vậy sự sống mở luôn cần phải "đột nhập" vào, đời sống khép kín; sự bất an, những tín hiệu luôn luôn cần thiết để thể hiện ra những hoạt động thường xuyên đánh thức những kẻ mộng du.

Thế giới của sự sống mở là sự tuôn chảy liên tục nhưng bí ẩn, và hành động khó hiểu nhất của nó đối với sự mê muội là khi nó tuyên bố: bản án. Sự sống phán xử không ngừng đối với đời sống. Bản án treo trên đầu nhân loại thời kì khải huyền là lúc con người mang trong mình bản án này và trích dẫn nó bằng cuộc đời của họ. Thời hoàng kim là trạng thái cổ và tự nhiên của con người. Khải huyền không là gì khác ngoài yếu tố cuối cùng của tạo hóa, là lời phán xử với đời sống.

Để con người có thể hiểu được sự khác biệt về nhân loại thời hoàng kim và thời khải huyền, cần tiếp cận gần hơn một vài điểm của sự sống. Điểm quan trọng nhất: linh hồn.

2.

Sự tỉnh táo mà chúng ta đã nhắc đến là một khái niệm siêu hình. Nằm trong mối quan hệ gắn bó nhất có thể với chủ thể thiêng liêng của thế gian, với cái Tôi Thượng Đế và bất tử. Còn sự tỉnh táo bàn đến sau đây là một khái niệm tâm lí. Cần phải đặt tên như vậy bởi vì không có từ khác.

Theo truyền thống Iran, hai khái niệm bằng hai từ khác hẳn nhau có thể xác định chính xác.

Sự tỉnh táo siêu hình đã nhắc đến là csisti, là sự nhạy cảm cao độ của đời sống, là đặc tính và là bản chất quan trọng nhất của cái Tôi Thượng Đế, là điểm nhảy vọt của sự chuyển biến.

Sự nhạy cảm tâm lí ngược lại: là zaéman, đây là trạng thái tâm hồn thức tỉnh của con người. Ở đây cần sự tách biệt, cần tách một cách, dứt khoát, sắc gọn khái niệm tâm lí tình ra khỏi phạm trù ý thức. Ý thức đóng vai trò trong tâm lí giống như một cơ cấu tình của linh hồn con người. Quá trìnhnhận biết, tư tưởng, sựphát hiện, quyết định, ý đồ, hành động, nếu có ý thức, như người ta nói, thường sáng sủa. Ý thức, một cách bí ẩn, đồng nghĩa với sự tỉnh táo, và người ta hay dùng theo nghĩa này. Trong nhiều trường hợp hai cách nói này có thể thay thế cho nhau.

Khi nói, con người cần có ý thức, cần hành động một cách có ý thức, lúc đó ý thức không là gì khác ngoài từ đồng nghĩa với từ tỉnh táo, hoặc tỉnh táo không là gì khác ngoài trạng thái của ý thức, trạng thái hoàn toàn sáng sủa và mở rộng.

Trong tâm lí học sau này chỉ một vài người lên tiếng chống lại sự đánh tráo từ ngữ trên. Những người này nhấn mạnh, ý thức và sự có ý thức tuyệt đối không phải là hoạt động của linh hồn tiếp cận gần hơn mức độ nhạy cảm ở cường độ cao, nghĩa là tiếp cận đến đời sống siêu nhiên, hay nói đơn giản, là thứ có thể làm cho đời sống mở ra. Phần lớn người ta cho rằng ngược lại. Họ tuyên bố ý thức là sự phiền nhiễu của đời sống. Nghĩa là không làm cho đời sống mở ra mà trái lại ngày càng khóa kín.

Vấn đề đặc trưng này xuất phát từ sự nhiễu loạn không phương cứu chữa của nhân loại thời kì khải huyền, và sự nhiễu loạn này không thể chỉ nổi lên bằng từ ngữ; bằng khái niệm; bằng lí thuyết; bằng quan điểm. Ngay từ phút đầu tiên có thể nhận ra đây là sự tỉnh táo bị nhiễu loạn, hay đúng hơn là sự nhiễu loạn của một thứ ánh sáng yếu ớt, thiếu hụt.

Tình thế hiện nay của thời đại chúng ta đang sống về đại thể như sau: trong con người lịch sử - hay một từ khác là khải huyền, bởi vì lịch sử chính là bản án, là thứ con người bị rơi ra khỏi thời hoàng kim cần phải chịu đựng - cũng có sự tỉnh táo. Nhưng trong trạng thái của sự sống tỉnh không thể thực hiện nổi sự nhạy cảm này. Trong con người lịch sử, đặc biệt con người ngày hôm nay trong sự sống tính của nó không có sự nhạy cảm mà chỉ có sự bực bội. Sự bực bội chính là: sự mê muội bị kích thích.

Linh hồn có sự nhạy cảm cao độ: là khả năng để thấy và lĩnh hội, khả năng vươn lên sự sống mở. Nhưng sự (nhạy cảm) tỉnh táo này bị khóa lại trong đời sống khép kín. Sự tỉnh táo bị khóa và chìm đắm này tâm lý học gọi là tiềm thức. Đây là cơ cấu tính của linh hồn con người. Đây là một khả năng gắn bó trong mối quan hệ với sự sống siêu nhiên tồn tại trong hiện thực (ontosz on).

Các nhà tâm lí học không giấu nổi ngạc nhiên khi tiềm thức nhận biết tất cả, phán xử mọi hành động, phản kháng, đồng tình, dẫn dắt, chống lại, cảnh cáo, dọa dẫm, khuyên nhủ, tỉ tê, phản ứng, tiềm thức có nhận thức về mọi mặt của đời sống người, tiềm thức luôn luôn chú ý đến toàn bộ đời sống từ một miền xa vô hình, dõi theo những sự kiện của số phận, am hiểu, và không nhầm lẫn, một cách đặc thù, chắc chắn và: một cách siêu hình, hay đúng hơn coi những hình ảnh mộng (có tên là) thế giới bên ngoài không là gì cả: coi đó là maja, mé on, không có thật.

Tiềm thức là sự tỉnh táo của con người lịch sử. Và đấy là cái luôn luôn phán xử trên đầu và trong mọi hành động của con người. Tiềm thức không chịu nổi một trật tự sống nhất định; nó tấn công sự nhiễu loạn; đưa những tư tưởng nhất định ra khỏi con người; một cách khăng khăng chỉ làm theo quy luật riêng của nó; cái gì muốn xâm phạm quy luật này, nó gạt bỏ.

Nếu con người trong trật tự đời sống của họ muốn bố qua hoặc coi thường, nó chỉ ra những khủng hoảng khủng khiếp. Nó đủ khả năng xé rách toang con người. Hành vi và lời phán xử của nó đối với ý thức trong mọi trường hợp đều căng thẳng. Tại sao? Bởi vì trật tự sống mà tiềm thức đòi hỏi khác biệt với trật tự đời sống của ý thức. Hành vi của tiềm thức siêu hình tuyệt đối: nó đồng thuận với mọi dấu hiệu cơ bản nhất của sự tỉnh táo,

Tiềm thức giữ gìn đặc tính tôn giáo của sự tỉnh táo cổ trong con người lịch sử. Tại sao cần đặt tên đặc tính này là mang tính chất tôn giáo? Cũng như vậy tại sao cần gọi sự tỉnh táo mang tính tôn giáo? Bởi vì nó có sự so sánh với Thượng Đế. Thậm chí nhiều hơn thế: nó mang tính chất Thượng Đế. Thậm chí nhiều hơn thế nữa: nó là Thượng Đế.

Toàn bộ khả năng của linh hồn là bản năng thể hiện mở và tự do của mọi khả năng, cái chính là sự sống, được nâng lên mức độ Thượng Đế. Sự tỉnh táo này là một sức sống trong đó toàn bộ vũ trụ chứa trong từng khoảnh khắc, trong tổng thể và là hiện thực đang là. Là thứ vượt thời gian, siêu nhiên, vượt không gian, vượt qua đời sống. Là sự siêu hình. Mang tính tôn giáo. Mang tính Thượng Đế. Bởi vậy nó tỉnh, và rõ ràng, và mở. Bởi vậy nó biết tất cả, thấy tất cả và không nhầm lẫn, không dựa trên những sự phù phép, ảo tưởng và sự lừa dối.

Sự tỉnh táo này trong con người đã bị chìm đắm, bị khóa kín và chìm xuống. Con người lịch sử sống một cách đảo ngược: cùng sự tỉnh táo của mình nó quay ngược xuống dưới, và vào trong. Và bởi vậy sự tỉnh táo biến thành tiềm thức. Trong con người lịch sử, sự tỉnh táo rơi vào bầu không gian của sự mông muội.

Trong một môi trường như vậy giờ đây có thể hiểu được cái người ta gọi là ýthức là hoạt động và đặc tính nào của linh hồn. Ý thức thực ra là một bộ phận của sự buồn ngủ, sự đờ đẫn. Sự buồn ngủ được nâng lên vị trí của sự tinh táo. Vềbản chất ý thức là mối quan hệ với sự sống vật chất khép kín. Đây là một đặc tính của mối quan hệ này mà vị trí của nó chính là "dưới" và "trong" đối với môi trường vật chất tự nhiên, với sự tăm tối, với thế giới mộng. Ý thức là cơ cấu âm của con người, là cơ cấu Kali (tên nữ thần Bóng tối và cái Chết của Ấn Độ) là cơ cấu của màn đêm. Trong đời sống của nhân loại lịch sử, cơ cấu và khả năng này (ý thức) nổi rõ trên bề mặt.

Con người lịch sử mang trong mình khả nằng thường xuyên của sự tỉnh táo, nhưng không đến được với nó để đánh thức ngay chính bản thân sự tỉnh táo của mình. Bởi vậy sự tỉnh táo thật rơi vào mờ mịt, vào sự nửa tỉnh nửa mơ, trong khi ý thức, một cơ cấu-đêm lại dẫn dắt con người. Đây chính là đặc tính tâm lí của thời khải huyền.

Tóm lại định nghĩa cuối cùng như sau: Ý thức là một cơ cấu liên hệ đến thế giới ảo mộng của cái Tôi suy thoái của con người; ý thức thuộc về cái Tôi cá nhân.

Sự tỉnh táo là sự nhạy cảm cao độ trong hiện thực của những cá nhân mang sức sống vũ trụ mở; sự tình táo thuộc về cái Tôi vũ trụ. Điều dạy dỗ này của truyền thống cổ về sự tỉnh táo tâm lí và về ý thức từ Kinh Veda cho đến thời Platon đều nhắc đến.

3.

Ý thức giống như một bộ máy thuộc về vòng đời sống khép kín, tính chất của nó gắn liền với thế giới - maja, với mé on, với cái không có thật. Thế giới này người ta gọi là thế giới bên ngoài, hiểu trong nghĩa là thế giới của các giác quan, là sự đa dạng trong không gian và trong thời gian.

Còn sự tỉnh táo là một khả năng phép thuật thuộc về vòng sự sống mở, tính chất của nó gắn liền với hiện thực, với ontosz on, người ta gọi nó là thế giới bên trong, nhưng không đúng, kể cả khi nó khác hẳn với thế giới của các giác quan, khác hẳn với đời sống đa dạng trong không, thời gian.

Diễn đạt một cách rõ ràng hơn như sau: Cái TÔI của con người bị rơi ra khỏi sự sống mở, cái tổng quát suy thoái thành cái TÔI cá nhân khép kín, chìm vào sự mông muội; cái TÔI cá nhân suy thoái này trong một hiện thực suy thoái mang một cảm giác hiện thực suy thoái: gọi là daénat.

Cái hiện thực suy thoái này từ tất cả truyền thống cổ cho đến thời Platon đều đặt tên là cái- hiện thực phi hiện thực. Những phần tử đóng vai trò và hoạt động trong ý thức đều không phải là hiện thực, mà là các hình ảnh mộng. Trong ý thức thế gian toàn các maja-ảo ảnh tồn tại. Đây là sự sống bị suy thoái, đứt đoạn, tan rã - bởi vậy nó đa dạng và không thể nắm bắt.

Cái TÔI thực sống trong sự tổng quát và cởi mở của sự sống; nó mang cảm giác thực tại của cái TÔI thức. Đây là dấu hiệu của sự tỉnh táo. Trong bối cảnh này luôn luôn cần hiểu đây là sự tỉnh táo tâm lí. Những yếu tố hành động đóng vai trò trong sự tỉnh táo là những hiện thực. Có thực. Theo ngôn ngữ của Platon: là những ý tưởng (idea). Những hình ảnh cổ. Các thần linh. Bởi vì thế giới hiện thực sống trong sự tỉnh táo. Hiện thực này mang tính chất tinh thần. Bởi thế giới là tuyên ngôn tinh thần Thượng Đế. Và đời sống có thật này thống nhất, hoàn thiện, mở và là MỘT.

Tình thế (về góc độ mang tính chất tâm lí) của thời kì sáu trăm năm trước Công nguyên như sau: sự nhạy cảm cao độ của sự sống bị khóa lại và trở thành tiềm thức, còn sự nhạy cảm mộng (ảo ảnh) mở về phía tối tăm mông muội từ dưới trồi lên trên và chiếm vị trí của sự tỉnh táo. Đây là cái sau này người ta gọi là ý thức. Và vì là sự tỉnh táo, ý thức cũng là sự nhạy cảm, bởi mức độ cao nhất của sự sống không phải tri thức, mà là sự nhạy cảm.

Nhưng ý thức hướng về phía thế giới cảm giác không có thực, có thể nói như sau: hướng về thế giới mộng, về ảo ảnh, về maja, là sự nhạy cảm hướng về phía ảo ảnh.

Còn sự tỉnh táo hướng về thế giới của các ý tưởng hiện thực: là sự nhạy cảm có liên quan và hướng đến thế giới mở. Đứng giữa mức độ, vấn đề và sự xét đoán của ý thức và sự tỉnh táo là: maja, thế giới ảo ảnh, thế giới của các giác quan.

Ý thức ngây ngất trong sự phù phép. Người ta có thể đặt tên sự ngây ngất này là nghệ thuật, là sự hưởng thụ cảm giác, là công danh, là khoa học, là thế nào cũng được. Cho dù đặt tên là gì chăng nữa, cũng không là gì khác ngoài sự chìm đắm vào sự phù phép. Sự chìm đắm có chủ ý vào sự phù phép này người ta gọi nó là ý thức. Mức độ của ý thức: sống- chết trong sự phù phép.

Sự tỉnh táo trong phù phép không ngây ngất, mà là nhìn thấu suốt. Và không ngây ngất, mà kiếm tìm sự thức tỉnh. Thế giới của sự ngây ngất và phù phép thực ra là thế giới của aesthetics (mĩ học). Người ta sai lầm khi gọi nó là extraverzio (sự hướng ngoại-tính chất mờ).

Sự tỉnh táo không gọi là gì hết. Kẻ muốn thức tỉnh, kẻ đấy không gọi là nhà thông thái, nhà triết học, hay kẻ khổ hạnh. Có thể là bất kì ai, bất kì ở đâu, bất kì lúc nào. Tại sao? Bởi vì bất kì sự tiếp cận được đánh dấu nào cũng đều bên ngoài, hay còn gọi là theo kiểu phù phép, và con người, kẻ tỉnh hay đã thức tỉnh là kẻ đã bước ra khỏi vòng phù phép.

Thế giới aesthetics - mĩ học có lịch sử của nó, bởi nó mang tính lịch sử, là hiện tượng khải huyền (apokliptikus). Đấy là nhà nghệ sĩ, là nhà bác học, là người anh hùng, là nhà triết học ngày nay.

Trạng thái tỉnh không có lịch sử mà trạng thái tỉnh là một quá trình liên tục sinh-tính- đau khổ. Bởi vậy điều cần thiết: kẻ nào không muốn sự ngây ngất và phù phép, hãy lên đường: những kẻ không sống bằng ý thức của họ mà bằng sự tỉnh táo. Bởi sự tình táo trong thời kỳ lịch sử không là gì khác ngoài việc thanh toán ý thức như thanh toán một sự loạn nhiễu của đời sống.

4.

Ai đọc cuốn sách cổ Trung Quốc: Kinh Dịch bằng con mắt quen thuộc với truyền thống, không thể không nhận ra giữa tinh thần của cuốn sách và việc ứng dụng tinh thần này có sự đứt đoạn.

Kinh Dịch là cuốn sách của số phận. Khái niệm số phận trong truyền thống cùng thế, từ đó tới nay đều có nghĩa đời sống của thế gian nằm trong những sức mạnh của sự sống. Đời sống con người cũng phụ thuộc vào những sức mạnh của sự sống. Như từ bấy đến nay người ta hằng nói: cuộc đời nằm trong tay Thượng Đế và phụ thuộc vào Thượng Đế. Đấy là số phận.

Tự nó và điều dĩ nhiên cho thấy, khoảng thời gian trước Công nguyên (trước lịch sử) số phận con người phụ thuộc vào những sức mạnh của sự sống. Sự tỉnh táo của nó chắc cũng không chịu nổi một loại quan niệm khác; nhưng khi lịch sử bắt đầu, có một cái gì đó xuất hiện, một thứ đi chệch khỏi bản chất xác thực nhận được từ nền tảng tuyệt đối của sự sống.

Một cái gì đó chính là sự xác định của cá nhân. Chính là sự quyết định có ý thức mang tính cá nhân của con người. Trong cuốn sách cổ thiêng của Trung Quốc gần như từng bước một có thể xác định được bản chất xác thực thụ động biến đổi thành quyết định có ý thức và tích cực như thế nào (quẻ Chấn) khi sự tỉnh táo, thứ nhìn thấy rỗ ràng tổng thể của sự sống biến mất.

Trên ngưỡng cửa của lịch sử, con người không biết tự trao phó bản thân cho lòng tin tưởng vào sự sống nữa; càng ngày nó càng đánh mất sự nhạy cảm cao độ. Càng ngày nó càng tăm tối, xám xịt và suy thoái theo hướng đi xuống. Giờ đây nó bắt đầu tin rằng quyết định của cái TÔI là kim chỉ nam chắc chắn của số phận, như sự hòa nhập vào với những sức mạnh của sự sống.

Một trong những đặc điểm của thời khải huyền từ trước tới nay là con người tước mất quyền chỉ đường từ tay Thượng Đế và trao cho bản thân mình. Sản phẩm khủng khiếp của điều này là bi kịch Hi Lạp, chính là và chưa bao giờ là gì khác ngoài sự nổi loạn của quyết định chống lại ý muốn của Thượng Đế. Con người đứng dưới bản án như thế đó, họ không thấy rằng không thể cướp được số phận từ tay Thượng Đế, và kẻ nào muốn đối diện với ý muốn của Thượng Đế, kẻ đó mời gọi bản án chống lại chính mình đến.

Hậu quả tâm lí của giai đoạn này là sự đổi chỗ của ý thức và sự tỉnh táo. Điều tận cùng không là gì khác ngoài sự đổi chỗ của cái

TÔI Thượng Đế và cái TÔI cá nhân. Cái TÔI Thượng Đế đứng giữa trung tâm của sự sống mở; còn cái TÔI cá nhân đứng giữa trung tâm của lịch sử. Và hậu quả của giai đoạn này cũng là cái ngày nay người ta gọi là lịch sử.

Những nhân vật của lịch sử là những cái TÔI cá nhân, và những sự kiện của lịch sử vì thế cũng chính là những ảo ảnh của thế giới - maja. Đây là kết quả của sự đổi chỗ trong giai đoạn này, trên tất cả các lĩnh vực của sự sống con người: cái bên ngoài đổi vào trong, cái từ dưới trồi lên trên.

Khía cạnh mở của sự sống có bốn hướng chính: đầu tiên là hướng về phía thế giới siêu nhiên; thứ hai là hướng về thế giới (âm) bên kia vượt quá đời sống; thứ ba là hướng về sự thần bí của linh hồn; thứ tư là hướng về phía tất cả các sinh linh tồn tại mà trước hết là con người.

Hướng đầu tiên của sự sống mở là siêu hình; hướng thứ hai là mối quan hệ với thế giới của những người đã chết; hướng thứ ba là sự quen thuộc với những bí ẩn của linh hồn; hướng thứ tư là sự trực tiếp trong cộng đồng. Và đời sống người cũng đã bị khóa lại theo đúng những hướng trên. Đời sống không nhìn thấy quá thế giới của các giác quan; đời sống đánh mất sự nhạy cảm hướng về thế giới siêu nhiên; và chính vì thế nó buộc phải phủ nhận thế giới siêu nhiên. Và vì buộc phải phủ nhận, nó không bao giờ có ý tưởng về chân hiện thực, về sự sống nữa.

Đại đa số nhân loại của thời kì lịch sử (Hamvas Béla đặt tên thời gian bắt đầu từ khi có Công nguyên kéo dài đến tận ngày nay là thời kì lịch sử - ND) không bao giờ đối diện với hiện thực. Cái họ nhìn thấy, họ học, cái họ chống lại, họ muốn, cái để họ sống, chết đều là những sự tưởng tượng riêng của họ, cùng lắm là giấc mộng tập thể thời đại của họ.

Tòa nhà tinh thần họ ẩn nấp trong đó là thế giới quan của họ nhưng là những thế giới riêng biệt mà Heracleitos đã nói: trong đó mọi người thiu thiu ngủ. Cái thế giới quan này không là gì khác ngoài chủ nghĩa cá nhân, hay dùng từ khác, là sự tưởng tượng của cái TÔI sống trong một hiện thực đã suy thoái. Sự tưởng tượng này chỉ liên quan với hiện thực ở một vài điểm. Cái TÔI cá nhân ở đây, giữa thế giới quan của nó, sống một đời sống ngủ thiu thiu. Niềm tin của cá nhân này là niềm tin của cái TÔI: sự kiêu ngạo; bảo bối của nó: sự ích kỉ; nỗi sợ hãi của nó: sự lo lắng.

Đời sống không thấy quá thế giới tự nhiên và không có sự siêu hình. Và cũng không thấy quá cả đời sống, sự nhận biết về thế giới (âm) bên kia của nó thật mơ hồ, cái mệnh danh là suy thoái thành đức tin. Đức tin này phần lớn - nhất là đối với những kẻ (được cho là) giác ngộ là sự hổ thẹn, là sự mê tín thô thiển.

Cần phải vứt bỏ điều này bởi nỗi sợ hãi thế giới (âm) bên kia trong một ý nghĩa nào đấy có tác dụng tốt và kìm hãm nỗi đam mê. Cuộc sống hướng về phía thế giới bên kia của nhân loại trong những thời đại gần đây đã bị khóa kín một cách huyền bí. Sự khóa kín này đạt tới đỉnh điểm khi người ta thử dẫn dắt thế giới của linh hồn quay lại hoạt động của vật chất.

5.

Sự khép kín của hướng thứ tư là sự khép kín hướng về các thực thể sống, trước tiên là con người. Đây là sự đánh mất tính trực tiếp. Ý nghĩa của tư tưởng thường sâu sắc và quyết định, nên đòi hỏi cần thận trọng khi giải thích.

Một trong số những ghi chép muộn mằn của Nietzsche nói về sự ra đời của linh hồn. Trong giây phút, bản ghi chép viết, con người năng động tự do trong xã hội đầu tiên, dưới sự kiểm soát của cộng đồng và áp lực của những người khác nhận ra bản thân mình, lúc đó bản năng không bị cấm quay trở lại thế giới. Giây phút này, Nietzsche viết, được gọi là sự ra đời của linh hồn.

Tư tưởng đáng chú ý này có thể dẫn chứng từ bất cứ cuốn sách cổ nào nếu thay từ TÔI bằng từ LINH HỒN.

Bởi cái TÔI cá nhân, mang tính vật chất, thiên nhiên, đã xác định và bị khóa kín khác với cá thể vũ trụ mà Nietzsche nhắc đến.

Cá thể vũ trụ tỉnh táo là trọng tâm bất tử của con người. Đặc tính của trọng tâm này mở nên không có con người bị khóa như con người trong trong thiên nhiên vật chất. Cá thể vũ trụ tỉnh táo trôi nổi, bay tự do, những sợi dây số phận của nó nằm trong tay thánh thần. Đây là điều mà mọi truyền thống đều biết, gìn giữ, thấy và nhận biết trong linh hồn bất tử, trong cái TÔI vĩnh cửu, trong bản chất thần thánh của con người.

Cái TÔI cá nhân không bất tử, không vĩnh cửu và cũng không thần thánh. Chính vì vậy cũng không hề tự do. Không trôi nổi và bay lượn trong thế giới mở.

Trung tâm của cái TÔI thần thánh là: Thượng Đế. Sức hấp dẫn của những sức mạnh trong nó đạt đến bên Thượng Đế. Còn cái TÔI cá nhân với sức nặng vật chất luôn luôn sụt giảm quay trở về ngay trong chính bản thân nó.

Và điều quan trọng nhất: cái TÔI thần thánh, như từ Kinh Veda đến Platon đều nhắc đến, là sinh linh vĩnh cửu. Còn cái TÔI cá nhân xuất hiện từ thiên nhiên vật chất, với những điều kiện và môi trường như Nietzsche đã mô tả, Cái TÔI cá nhân không là gì khác ngoài sự ức chế thường xuyên của những bản năng không thể thoát ra.

Khi trên ranh giới của thời cổ và lịch sử, tính chất trực tiếp của đời sống biến mất hay nói như Khổng Tử: thay thế cho Cộng Đồng Lớn là đời sống Tiểu Vượng, trung tâm đời sống chính là cái TÔI cá nhân. Đời sống của thời kỳ lịch sử từ lúc đó đến nay vẫn vậy, trọng tâm và trung tâm của đời sống vẫn luôn là cái TÔI cá nhân liên tục.

Trong thời cổ bằng những phương pháp hữu hiệu và những quá trình liên tục người ta hoặc thanh toán hoàn toàn hoặc hạn chế cái TÔI cá nhân, còn giờ đây trong thời kì (gọi là) lịch sử, khi sự tỉnh táo bị đánh mất, cùng với sự mê muội, cái TÔI cá nhân trở thành trọng tâm của đời sống, giữa những thời điểm quan trọng. Nói một cách ngắn gọn: cái TÔI cá nhân trở thành Thượng Đế.

Cái TÔI trở thành tâm điểm của đời sống, bởi vì những giới hạn thường xuyên không được giải quyết. Tất nhiên quá trình này xảy ra với tất cả mọi thực thể sống, trước tiên là với con người, đã đình chỉ mối quan hệ và sự hợp tác với người khác. Sự trực tiếp chấm dứt, thay thế vào đó: sự phản xạ.

Phản xạ là trật tự sống điển hình của cái TÔI cá nhân: nghiêng về và quay trở lại bản thân, là cái đà để rơi xuống, hướng về bản thân, tự nó trò chuyện, hành động, thưởng thức, thu thập mừng vui và sống.

Vòng quay sống tất nhiên của cái TÔI thần thánh trong cộng đồng lớn của các sinh linh là sự trực tiếp. Còn vòng quay sống của cái TÔI cá nhân là phản xạ đơn độc. Trong sự sống mở các thực thể sống trong cộng đồng đời sống; không có tư hữu, pháp luật, công danh, sự ích kỉ, sự kiêu ngạo; Trong đời sống bị khóa kín các thực thể sống trong cô đơn; đời sống càng khóa kín, nỗi cô đơn càng lớn; và bản năng chiếm hữu, quyền lực pháp luật, sự kích thích công danh và kiêu ngạo cũng như tính ích kỉ càng lớn. Nhưng nỗi lo sợ còn lớn hơn, sự định hướng bấp bênh, sự mê muội còn trầm trọng và đen tối hơn.

Trong thời cổ thế giới là thước đo của con người, giờ đây, đồ vật, sự quan trọng vật chất lá thước đo của con người. Trong việc cai quản nhà nước sự thống trị tinh thần bị thay thế bằng những hoạt động quyền lực vô thần. Con người phủ nhận sự sống, và bắt đầu tin rằng tất cả chỉ là một không gian rỗng tuếch. Họ muốn giật lấy số phận từ tay Thượng Đế và dựa vào quyết định của cá nhân họ. Trái đất ngập lụt tung hoành cái gọi là szamszára: thứ không là gì khác ngoài sự nhiễu loạn vô nghĩa và hỗn loạn của cái TÔI cá nhân.

6.

Con người sống theo phản xạ bị rơi ra khỏi cộng đồng lớn, không còn kỉ luật, không còn sự hợp tác và nhất là không còn giao tiếp chung nữa. Trong phản xạ, sự vật, con người và các sự kiện đánh mất tính hiện thực của nó. Một sự biến hóa đặc thù đã xảy ra mà kết quả của nó là: như thể một ai đó gian lận ý nghĩa của hiện thực bằng một thủ thuật cấm - trong khi đó con người liên tục giữ mình trong một nỗi nghi ngờ tự kết tội, rằng chính họ là kẻ ăn gian.

Con người hoặc hành động hoặc quan sát. Hành động, nếu nhất quán và trực tiếp, làm sâu sắc quá trình quan sát; còn quan sát nếu nhất quán và trực tiếp, mang lại hưng phấn cho hành động. Kẻ phản xạ đứng giữa hành động và quan sát, giữ thế thủ: và đúng là giữ thế thủ bởi phải đề phòng với cả hành động lẫn quan sát, như thể nó bế tắc nhưng làm ra vẻ tự bản thân nó cố tình không hành động, nên chẳng ai kết tội nó được, trừ chính bản thân nó.

Về một đời sống theo phản xạ có thể nói như sau: con người không thể đi thẳng đến với bất kì cái gì một cách cởi mở - nếu có thể nói là định đến với cái gì. Bởi vì nó không hề đến với cái gì hết. Nó luôn luôn cần phải đứng lại, tuy chưa hề xuất phát. Nó chỉ quay tròn trong một vị trí, và cái nó thấy, nó quan tâm không là gí khác ngoài chính sự bận rộn lẩn quẩn với bản thân.

Có thể coi Kierkegaard như tác giả chuyên về đề tài này, bởi những bài viết và phê bình về ấn tượng, tâm lí của phản xạ là đề tài chính trong cuộc đời của ông, theo ông trạng thái này trái ngược với sự đồng cảm, gọi là autopátia (bệnh nội sinh). Đây là "khuynh hướng bệnh thần kinh, khiến con người trở thành điệp viên của chính mình", con người liên tục "sống trọng âm mưu" cưỡng bức chống lại chính mình

Kierkegaard nói; "để tôi tìm được một cách diễn đạt trực tiếp, rất hiếm hoi tôi gặp được một lối thể hiện gián tiếp, vượt qua mọi mức độ."

Đây là trật tự sống mà bản chất là: "một bước tiến hai bước lùi", con người tìm thấy cảm giác của mình trong sự tự lừa dối, nhưng nó cố tình quên đây là sự phản bội, kẻ đi lừa dối chính là bản thân mình. Bản thân nó không có chính kiến riêng, nhưng cố tình bẻ quẹo ý nghĩa của các ý kiến, và khi phải chịu trách nhiệm, nó nhâng nháo phô ra bộ mặt vô tội.

Đời sống không chống lại sự sống, mà đời sống là trạng thái suy thoái và bị khóa kín của sự sống. Đời sống có một tình trạng tiêu cực, đấy không phải là cái chết, không phải sự thụ động, không phải sự thủ tiêu mà là sự bế tắc dửng dưng. Đây chính là phản xạ. Phản xạ là tình trạng trừu tượng của đời sống, là sự tách biệt, cô đơn, là một dạng của sự khóa kín, khi con người nâng sự khóa kín này lên, như một vòng quay không nghỉ xung quanh bản thân mình, thành định luật sống.

Bằng sự trừu tượng này con người đánh mất hiện thực sống của mình và suy thoái, tất nhiên; sự tỉnh táo của con người ngủ yên và đờ đẫn, tự nó nói lên điều này; và sống trong một không gian rỗng tuếch, chắc chắn. Đây là szamszára, là sự mê muội lạc giữa những hình ảnh mộng. Đây là mặt tiêu cực của sự sống. Là sự vật vờ giữa những trừu tượng phi hiện thực mà hình ảnh tượng trưng của nó là cuộn dây Gordius và mê cung.

Phản xạ là mặt tiêu cực của sự sống; trong trạng thái này sự sống toàn diện bị phá vỡ và đóng lại. Nói một cách khác: sự sống bị xoắn lại và trở nên khổng thể giải quyết được, giống như cuộn dây Gordius, hoặc có thể nói cách khác nữa: vì lạc phương hướng, sự sống trở thành một ảo tưởng tuyệt vọng, như một người lạc vào mê cung.

Phản xạ là mặt tiêu cực cửa sự sống, bởi vì cội nguồn và trọng tâm của sự sống phải là cái TÔI tỉnh táo vĩ đại, mang tính thần thánh. Trong đời sống theo phản xạ con người trở thành cực trái ngược: thành cái TÔI vật chất cá nhân. Từ sự sống nó rơi xuống hoàn toàn và thực chất ngừng-tồn tại. Đời sống của nó là một ảo ảnh bịa đặt, cùng lắm là một: khả năng, như Kierkegaard đã nói. Cái TÔI vật chất cá nhân không bao giờ đạt đến sự sống; không theo kịp số phận của mình - bởi vì toàn bộ nỗ lực của nó tiêu tan khi nó tự nhủ bản thân phải vượt lên số phận, và nó thất bại khi tin hoặc không tin điều này, đúng hơn nó duy trì bản thân trong sự phân vân lưỡng lự không niềm tin.

Hậu quả của khía cạnh tiêu cực trong sự sống là sự trực tiếp biến mất. Con người không có quan hệ, chỉ tiếp xúc với bản chất thực của riêng mình và vì thế cần phải sống bên ngoài cộng đồng. Nhân loại thời khải huyền đánh mất sự trực tiếp của mình, chỉ tồn tại trong một sự sống tiêu cực phi cộng đồng.

Và khi có một tia nghi ngờ nhen nhóm trong nó, rằng trong trạng thái này nó đang đánh mất sự sống, đánh mất số phận và cuộc đời, nó bắt đầu thử suy ngẫm - đó là lúc bản án thực hiện hoàn toàn với nó: nó bắt đầu phản xạ một cách có ý thức. Sự phản xạ có ý thức này được gọi là introverzio (bị khóa lại-quay vào trong). Đây là thời điểm sau khi đánh mất sự trực tiếp: khi con người xoay chìa, khóa cái nhà tù mê muội đơn độc của mình lại. Đây là mê cung.

Cuộc sống cộng đồng giữa những môi trường như vậy là một ảo ảnh bịa đặt. Thực chất chẳng có gì khác ngoài việc chưa bao giờ xảy ra sự gặp gỡ đích thực, chỉ là sự húc vào nhau tình cờ trong bóng tối. Không gặp gỡ, không nhận biết, không thấy, không nhận ra, và như vậy không tình bạn, cũng chẳng hôn nhân, tình yêu, sự trực tiếp, không lời nói, không tiếng vang vọng, chẳng lôi cuốn, chẳng đồng cảm, và tình thương cũng không nốt.

Nếu sự trực tiếp đã mất, trong giây phút ấy các phân tử không đồng nhất của cộng đồng biến thành sự hỗn độn xung đột. Những thực thể ảo tường trên đường băng ngoài định luật mù lòa tránh nhau, hoặc đâm vào nhau, nhưng sự lẩn tránh cũng vô nghĩa y như sự chạm trán.

Phản xạ là trạng thái khi con người đứng ngoài tất cả: ngoài đời sống, ngoài sự sống, ngoài cộng đồng, ngoài hiện thực, ngoài sự tỉnh táo, ngoài sự tồn tại. Phản xạ vì vậy phi siêu hình, phi tôn giáo và vì thế phi cộng đồng. Phản xạ chỉ có duy nhất một nội dung: ảo tưởng. Đây chính là: cái TÔI cá nhân.

Veda gọi trạng thái này là abhimána, là sự hỗn loạn điên khùng, khi con người hoàn toàn đánh chìm bản thân vào giữa những hình ảnh của thế giới vật chất, và suy thoái thành ảo ảnh, là kẻ mà mục đích, khát vọng, nỗi đam mê, niềm ao ước chỉ là vật chất, kẻ mà số phận chỉ đi đến cuối đời, chi thấy đến giới hạn của vật chất, và sau một đời sống thiếu linh hồn và tinh thần, chỉ còn sự tiêu hủy đợi nó.