Một Giọt Từ Sự Đọa Đầy

Thiền Định Trên Đỉnh Núi Lúc Hoàng Hôn Hay Là Siêu Hình Học Của Hành Động Người

(Trích tác phẩm: Sách - Đảo nguyệt quế)

Người ta gọi là đảo phần đất liền mà các mặt của nó đều là biển. Sự xác định này trừu tượng; Thế mà, khi lần đầu tiên đến đảo, trèo lên núi và nhìn thấy khắp nơi chỉ nước là nước, tôi đã kinh ngạc. Đảo khác hẳn sự xác định nó. Tôi bối rối.

Tôi sống ở đó hai tuần, tất cả các buổi chiều, khi nhiệt độ dịu đi, tôi đều leo lên núi. Tôi ngồi lâu trên bậc thang cạnh nhà nguyện, trong hương thơm ngây ngất của hoa rozmaring vàng. Tôi đọc sách, rất nhiều khi đọc to để biển cùng nghe. Và khi ngước nhìn lên, tôi thử vẽ đường viền của bờ bằng mắt, tôi cười và bảo: đảo.

Thành phố nằm ở phía chân trời hướng đông nam. Ban ngày nó biến mất trong làn hơi nước của không khí, chỉ nhìn thấy nó lúc hoàng hôn, khi những ngọn đèn bật lên. Trên đảo có một trăm năm mươi người đánh cá. Tàu một tuần hai lần mang thư từ đến, và thế là quan hệ duy nhất của tôi với thế giới văn hóa là ánh sáng đèn xa xôi.

Điều này không làm tôi phiền lòng và cũng chả sao; tôi chỉ biết rằng vẫn có nhiều nghìn người sống và tiếp tục những công việc thường ngày của họ.

Tôi quay về làng chài. Một chiếc xe chờ đầy củi dừng lại ngôi nhà cuối làng. Một người vác củi lên vai, đi dăm bước rồi đặt xuống. Quay lại, ông đặt bó củi khác lên vai, mang đi, đặt xuống. Đến tận khi xe trống. Lúc đó ông nhặt những thanh củi và xếp lên các giá để củi. Ông lấy chiếc cưa từ cái đinh đóng trên cửa, đặt nó lên trên thanh củi. Khi đã cưa củi ra thành nhiều mẩu nhỏ, ông lấy tiếp những thanh củi khác, cưa, lấy rìu bổ, chẻ củi ra thành nhiều mảnh, rồi đặt chiếc rìu xuống, ông nhặt củi cho vào sọt, mang vào nhà.

Tóm lại: lấy ra, mang vào, nhặt lên, đặt xuống, mang đi, lấy ra, mang vào.

Một lần tôi xem, người ta xây dựng những cầu sắt lớn như thế nào, những con đường sắt trên đó xe con, xe tải, người, đội quân sẽ đi. Người công nhân cầm lấy một cái đinh và đóng vào. Anh ta chuyển những tấm thép từ xe xuống, mang lên cầu và đặt xuống. Một người công nhân khác nhận lấy, cầm lên, mang đi, đặt xuống. Anh ta lấy đinh từ gói ra. Cho vào lửa. Khi đinh nóng, anh lấy ra, đặt lên cầu và đóng vào.

Tất cả, thông qua một trạm trung điểm, con người chuyển tiếp cái nó lấy ra, đặt vào, đặt xuống, nhận lấy, rồi lại đặt xuống.

Hay tôi nghĩ đến chuyện, tôi làm gì sáng nay, khi tính dậy: rút chân ra khỏi chăn, cởi áo ngủ, cầm lấy bình nước, trút nước ra, đặt bình xuống, cầm bánh xà phòng lên, xoa vào người, giội nước rửa ráy, cầm khăn bông lau, đặt xuống, cầm cốc lên, bóp thuốc đánh răng vào bàn chải, cho vào miệng, đánh răng, xong toàn bộ, tôi thay quần áo và đi giày, cho các đồ dùng cần thiết vào túi áo.

Tóm lại: tôi cầm lên, tôi đặt xuống, tôi lấy ra, tôi cất đi, tôi mang đi, tôi bỏ xuống.

Những điều này tôi nghĩ đến, trên đỉnh núi, lúc hoàng hôn, không bóng dáng của sự ưu sầu hay bực bội, khi ngắm những ngọn đèn bật sáng và tôi tư lự, thực ra hàng nghìn con người làm gì trong một không gian chật hẹp?

Họ làm gì? Họ tiếp tục những hoạt động người quen thuộc. Và cái gì là những hoạt động người? Xếpcủi, xây cầu, hoặc thay quần áo. Hay nói cách khác: đặt xuống, cầm lên, cho vào, mang đi. Nhiều khi không còn là thói quen nữa, mà một cách kiên nhẫn, hứng khởi, nghiêm chỉnh, có chủ ý, rút ra nhiều bài học, thuần thục, kiêu hãnh, chính thức, chỉ lấy ra, đặt vào, lấy đi, cầm lên, đặt xuống, mang đi, hái lấy, mang đến.

Khi chúng ta tiếp tục hoạt động này, ta thường cho nó một ý nghĩa. Nếu hoạt động này bị quấy rầy, ta đủ khả năng để bực bội, nếu nó bị chê cười, ta cố gắng học làm cho đúng.

Đứa trẻ nhỏ bú sữa từ người mẹ, đưa xuống dạ dày, rồi thải ra những thứ thừa. Nó nắm lấy cái chuông rồi đặt xuống. Muộn hơn, trong trường, nó cầm cây bút lên, chấm vào lọ mực, rồi hạ bút xuống trang giấy. Tất cả những điều này đều cực kì quan trọng.

Và không hề mang tính chất nhạo báng.